Chàng thanh niên: ... Can đảm dám được hạnh phúc. Nào, xin thầy hãy nói cụ thể hơn về lòng can đảm này.
Triết gia: Phải, đây là một điều rất quan trọng.
Chàng thanh niên: Thầy thường nói, "Mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người". Và ngược lại, có thể nói hạnh phúc của chúng ta cũng bắt nguồn từ mối quan hệ đó. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu được điểm này.
Lẽ nào hạnh phúc đối với con người chẳng qua chỉ là "mối quan hệ tốt giữa người với người" thôi sao? Tóm lại, không lẽ chúng ta chỉ sống vì sự yên ổn và niềm vui nhỏ nhoi như thế thôi à?
Triết gia: Tôi rất hiểu cách đặt vấn đề của cậu.
Khi lần đầu tiên tôi tham dự buổi nói chuyện về tâm lý học Adler, Oscar Christensen - diễn giả ngày hôm đó, người được coi là đệ tử đời thứ hai của Adler - đã nói thế này: "Những người lắng nghe bài giảng của tôi ngày hôm nay có thể bắt đầu hạnh phúc ngay từ giây phút này. Còn những ai không cảm thấy như vậy thì sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc."
Chàng thanh niên: Cái gì! Đúng là giọng điệu bịp bợm rồi! Không lẽ thầy mà cũng bị lừa vì mánh đó à?
Triết gia: Hạnh phúc của con người là gì? Đây là một trong các câu hỏi mà triết học luôn theo đuổi từ xưa đến giờ. Mãi cho đến lúc đó, vì nghĩ rằng tâm lý học chẳng qua chỉ là một lĩnh vực của triết học nên tôi vẫn hầu như không quan tâm tới tâm lý học một cách toàn diện. Là một tín đồ của triết học, tôi đã tự suy luận theo cách riêng để tìm câu trả lời cho câu hỏi "hạnh phúc là gì". Vậy nên, phải thú thực là khi nghe những lời như vậy từ Christensen, tôi cũng cảm thấy khó chấp nhận.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, tôi cũng ngẫm nghĩ. Đúng là tôi đã suy nghĩ rất sâu về bản chất của hạnh phúc, mong mỏi tìm kiếm câu trả lời. Thế nhưng, có lẽ tôi lại chưa thực sự suy nghĩ kỹ về việc "làm thế nào để bản thân mình trở nên hạnh phúc". Nghĩa là, tuy bản thân là một tín đồ triết học, nhưng có lẽ tôi đã không hạnh phúc.
Chàng thanh niên: Ra thế. Vậy ra thầy đã đến với tâm lý học Adler từ một khỏi đầu không dễ chịu cho lắm nhỉ?
Triết gia: Đúng thế.
Chàng thanh niên: Vậy, cho tôi hỏi nhé. Sau đó, thầy đã hạnh phúc chưa?
Triết gia: Tất nhiên rồi!
Chàng thanh niên: Sao thầy lại có thể trả lời dứt khoát như thế?
Triết gia: Bất hạnh lớn nhất của con người là không thể yêu nổi chính mình. Đối với thực tế này, Adler đã có câu trả lời vô cùng đơn giản, rằng chỉ cần suy nghĩ rằng "mình có ích cho cộng đồng", "mình có ích cho một ai đó", ta sẽ thực sự cảm nhận được giá trị của bản thân mình.
Chàng thanh niên: Chính là cống hiến cho người khác mà thầy vừa đề cập đến phải không?
Triết gia: Phải rồi! Và quan trọng là trong trường hợp này, cống hiến cho người khác không nhất thiết cứ phải hữu hình.
Chàng thanh niên: Không nhất thiết cứ phải hữu hình ư?
Triết gia: Cậu không phải là người đánh giá sự cống hiến của cậu có ích hay không. Đó là việc của người khác và là nhiệm vụ mà cậu không thể can thiệp vào. Về mặt nguyên lý, thậm chí ta còn không thể nào biết mình đã thực sự cống hiến được gì hay chưa. Tóm lại, khi ta cống hiến cho người khác, dù đó không phải là sự cống hiến hữu hình thì chỉ cần có cảm giác chủ quan rằng "mình có ích cho ai đó", nghĩa là chỉ cần có "cảm giác cống hiến" thôi cũng đủ.
Chàng thanh niên: Đợi chút đã nào! Nếu đúng là như vậy thì hạnh phúc mà thầy đang nghĩ tới chính là...
Triết gia: Cậu cũng nhận thấy rồi nhỉ? "Hạnh phúc chính là cảm giác cống hiến". Đó chính là định nghĩa về hạnh phúc.
Chàng thanh niên: Nhưng... Thế này thì...
Triết gia: Có vấn đề gì à?
Chàng thanh niên: Không... tôi không thể chấp nhận một định nghĩa đơn giản đến vậy! Mà tôi chưa quên đâu! Thầy đã nói, "Kể cả khi không có ích cho ai trên cấp độ hành vi, nhưng nếu xét trên cấp độ tồn tại thì ai cũng có ích." Nếu vậy chẳng hóa ra tất cả mọi người, ai cũng trở nên hạnh phúc hết à?
Triết gia: Tất cả mọi người đều có thể trở nên hạnh phúc. Nhưng phải hiểu rằng, không phải tất cả đều hạnh phúc. Bởi vì để trở nên hạnh phúc, người ta cần cảm thấy rằng mình có ích cho ai đó, tức là cần có cảm giác cống hiến, bất kể trên cấp độ hành vi hay cấp độ tồn tại.
Chàng thanh niên: Vậy có nghĩa là, theo thầy, tôi không hạnh phúc chỉ là do tôi không có cảm giác cống hiến thôi phải không?
Triết gia: Hoàn toàn đúng vậy.
Chàng thanh niên: Thế thì làm sao để có được cảm giác cống hiến?! Làm việc ư? Hay hoạt động tình nguyện?
Triết gia: Lấy ví dụ, hôm trước, ta đã từng nói về nhu cầu được thừa nhận. Khi tôi nói "Không được mong muốn người khác thừa nhận", thì cậu đã nói rằng "Nhu cầu được thừa nhận là nhu cầu phổ quát".
Chàng thanh niên: Vâng, thực lòng mà nói, tôi vẫn chưa bị thuyết phục hoàn toàn.
Triết gia: Nhưng đến lúc này thì cậu đã rõ lý do con người ta tìm kiếm sự thừa nhận từ người khác rồi chứ? Người ta ai cũng muốn có thể thích chính mình, muốn nghĩ rằng mình có giá trị. Chính bởi thế mà ai cũng muốn có cảm giác cống hiến, "mình đang có ích cho ai đó". Và cách dễ nhất để có được cảm giác cống hiến là được người khác thừa nhận mình.
Chàng thanh niên: Nghĩa là nhu cầu được thừa nhận chính là mong muốn có được cảm giác cống hiến ư?
Triết gia: Chẳng đúng thế sao?
Chàng thanh niên: Không! Không! Thế thì mâu thuẫn với những gì ta đã nói từ trước đến giờ mất! Này nhé! Thầy nói, tìm kiếm sự thừa nhận từ người khác là một cách để có được cảm giác cống hiến phải không nào? Mặt khác, chính thầy cũng nói rằng "hạnh phúc là cảm giác cống hiến". Vậy thì, chẳng phải được thừa nhận chính là hạnh phúc đó sao? Ha ha ha... Đến lúc này, thầy đã chịu thừa nhận nhu cầu được thừa nhận là tất yếu chưa!
Triết gia: Cậu quên mất một điều quan trọng. Nếu phương tiện để có được cảm giác cống hiến là "được người khác thừa nhận" thì kết cục là ta sẽ buộc phải sống một cuộc đời theo mong muốn của người khác. Không có tự do trong cảm giác cống hiến đạt được thông qua nhu cầu được thừa nhận. Nhưng chúng ta vừa chọn tự do, lại vừa mong muốn hạnh phúc.
Chàng thanh niên: Phải có tự do mới hạnh phúc ư?
Triết gia: Đúng thế. Tự do như một thiết chế thì có thể khác nhau qua từng quốc gia, từng thời kỳ lịch sử và từng nền văn hóa. Nhưng tự do trong quan hệ giữa người với người thì vẫn luôn như vậy.
Chàng thanh niên: Kiểu gì thầy cũng không chịu thừa nhận nhu cầu được thừa nhận phải không?
Triết gia: Nếu ta có được cảm giác cống hiến thực sự thì sẽ không cần sự thừa nhận của người khác nữa. Bởi vì ta đã cảm nhận được rằng "mình có ích cho ai đó" mà không phải cố sức để được người khác thừa nhận. Nghĩa là, người bị lệ thuộc vào nhu cầu được thừa nhận là người vẫn chưa có cảm thức cộng đồng, chưa biết chấp nhận bản thân, tin tưởng người khác và cống hiến cho người khác.
Chàng thanh niên: Chỉ cần có cảm thức cộng đồng thì nhu cầu được thừa nhận sẽ mất đi ư?
Triết gia: Đúng vậy! Sự thừa nhận từ người khác sẽ không còn cần thiết nữa.
❄❄❄❄❄❄❄❄❄
Luận điểm của Triết gia có thể được tổng hợp lại như sau: Con người ta chỉ cảm nhận được giá trị của mình khi cảm thấy "mình có ích cho ai đó". Nhưng sự cống hiến đó không nhất thiết lúc nào cũng phải ở trạng thái hữu hình. Chỉ cần cảm nhận chủ quan rằng mình đang có ích cho ai đó, tức có "cảm giác cống hiến" là đủ. Và đã kết luận: Hạnh phúc chính là "cảm giác cống hiến". Quả thực, đó cũng có phần nào chân lý. Nhưng, chỉ có thế mà đã là hạnh phúc ư? Hạnh phúc mà tôi mong chờ đâu phải vậy!