Đại Tần Bá Nghiệp

Quyển 1 - Chương 22: Khởi nghĩa nông dân

Trong cơn mưa ngập ngụa, con đường lớn ở làng Đại Trạch đi từ đất Kỳ tới Ngư Dương đã mấy ngày nay bị mưa làm cho lầy lội không đi nổi. Một đám đại đại quần áo không chỉnh tề liều mạng chạy về phía trước, bởi vì mưa to làm hỏng đường, bọn họ đã bị kẹt ở đây bảy ngày rồi. Mắt thấy kỳ hạn năm ngày đã qua, nếu không tới được đồn phòng vệ Ngư Dương, tất cả mọi người đều khó thoát khỏi mệnh vì chậm trễ mà bị chém đầu.

Bỗng nhiên, một thiếu niên còn nhỏ bị trượt chân, ngã bịch xuống đất, trán đập phải một tảng đá, máu tươi nhất thời chảy ra.

Người bên cạnh thấy vậy vừa định cúi người xuống nâng, một đại hán cường tráng ăn mặc kiểu binh sĩ vội chạy từ phía sau lên, giơ roi da lên lớn tiếng mắng: "Con mẹ nó, đừng có lười biếng, nếu làm chậm trễ, bố mày sẽ chém hết bọn bây."

Lời của hắn của chưa dứt, roi da đã vung về phía thiếu niên kia. Thiếu niên đó bởi vì phải chạy liền mấy ngày, sớm đã mỏi mệt không chịu nổi, lúc này nhận phải một roi da liền rú lên đau đớn, té xuống đất bất tỉnh nhân sự.

Binh sĩ kia thấy vậy càng thêm căm tức, đang muốn giơ roi lên quất xuống, chỉ cảm thấy cổ tay cứng đờ, tay nâng lên không làm sao hạ xuống được.

Chỉ nghe thấy một thanh âm rầu rĩ vang lên: "Quân gia, chúng tôi cũng biết tội mất đầu nghiêm trọng, sao dám chậm trễ, nhưng mà thực sự là không thể đi được đâu."

Binh sĩ kia nghe thấy vậy cứng đờ người, quay lại nhìn, chỉ thấy một gã đại hán khoảng ba mươi lăm ba sáu tuổi đang lạnh lùng nhìn hắn, khuôn mặt xanh xao đang kiềm chế lửa giận, ánh mắt mỏi mệt tràn ngập tơ máu, đôi môi tím bầm mím lại thành một hàng thẳng tắp, trên trán gân xanh lúc ẩn lúc hiện.

Viên binh sĩ khinh thường hừ lạnh, tay phải run lên, giơ roi da quất về phía mặt đại hán đó, khuôn mặt đại hán kia lập tức xuất hiện một vệt máu. Hóa ra đây không phải cây roi da bình thường, mà bên dưới còn giấu mũi châm nhọn, một roi đánh xuống da thịt, không chết thì cũng tàn phế.

Roi thứ hai hạ xuống, đại hán kia nhanh nhẹn tránh được một roi trúng ngay mặt, trầm giọng nói: "Trần Thắng mong quân gia nể mặt mọi người đều đang cùng trên một chiếc thuyền, tha cho đứa nhỏ này, chúng tôi sẽ cố sức để chạy tiếp."

Binh sĩ kia nghe thấy vậy, liền phun một miếng nước bọt, lạnh lùng nói: "Con mẹ nó, đừng có nói lời vô nghĩa, nhanh chạy tiếp cho lão tử, bằng không tao sẽ cho chúng mày làm thức ăn cho chó hết."

Lúc này, từ phía sau lại đi lên một hán tử ăn mặc kiểu quan quân, hắc khoác một chiếc áo vải dầu màu đen, lúc này cả người đã ướt đẫm, đột nhiên thấy đội ngũ dừng lại, liền giận dữ đi lên dò xét.

Nhìn thấy một màn trước mắt, không khỏi giận dữ nói: "Người đâu, mau kéo thằng nhóc này cho tao, có chết cũng phải để nó tới Ngư Dương rồi mới chết. Con mẹ nó, thật xui xẻo quá!"

Nói xong, tới bên cạnh thiếu niên đó, đá một cước khiến thiếu niên kia bay xa cả trượng, nặng nề đập vào tảng đá, lúc này mới lớn tiếng quát: "Đi mau! Đi mau! Còn dám trì hoãn nữa, không muốn sống nữa à!"

Mọi người bất đắc dĩ đành phải cắn răng mà đi, lúc này đại hán kia rầu rĩ đi tới bên cạnh thiếu niên, một tay nâng hắn lên vai, lảo đảo tiếp tục đi.

Lúc này, một gã thanh niên khoảng chường hai bảy hai tám tuổi nhanh chóng tới bên Trần Thắng, thấp giọng nói: "Đại ca, trời mưa lớn như vậy, mà còn cách Ngư Dương tới sáu trăm dặm nữa. Cho dù trời có sáng sủa, khoái mã chạy vội, cũng không tới Ngư Dương kịp nữa, huống chi là trời mưa lầy lội như vậy."

Trần Thắng nghe thấy thế, cẩn thận thoáng nhìn mọi người đang đi vội vàng, nhíu mày, trầm giọng hỏi: "Ngô huynh đệ có biện pháp nào không?"

Hán tử bên cạnh nghe thấy vậy liền biến sắc, nâng tay làm động tác chém, thấp giọng nói: "Tới chậm là chết, cho dù có tới Ngư Dương cũng sẽ chết. Theo tiểu đệ thấy, đằng nào mà chả chết, chẳng thà liều mạng! Nếu có thể mở được đường máu, thì có thể về nhà đoàn tụ thê tử, nếu mà thất bại, cũng không uổng một thân nam nhi bảy thước!"

Trần Thắng nghe thấy thế, hàng mi dựng lên, giường mắt nhìn lên xung quanh, chỉ thấy đất trời mênh mông, mưa bụi mịt mờ che đi những dải núi xung quanh, không thấy rõ gì cả.

Lúc này, hắn bỗng nhiên phát giác thiếu niên ở trên vai dần dần cứng lại, vội vàng nhẹ nhàng đặt cậu ta xuống đất, mới phát hiện ra thiếu niên này chết cũng đã lâu, máu tươi chảy ra từ miệng cũng đã bị mưa to rửa sạch sẽ. Trên khuôn mặt trẻ tuổi, không nhìn ra một tia thống khổ nào, bàn tay tái nhợt còn nắm chặt một đồng tiền buộc tơ hồng, chính là đồng tiền trừ tà mà mẹ hắn đã tự mình đeo lên cổ cho. Trần Thắng nhíu chặt mày, hạ quyết tâm nhìn về phía Ngô Quảng, bốn mắt giao nhau, một kế hoạch lớn mật dần hình thành trong sấm chớp vang rền.

------------------------------------

Trương Cường nhìn các văn võ bá quan đang hoảng loạn trong đại điện, gắng gượng lấy lại bình tĩnh, hỏi vị cựu thần kia: "Ái khanh là..."

Lão nhân kia biến sắc, trầm giọng nói: "Cựu thần hữu thừa tướng*, bệ hạ hàng đêm vui vẻ, không ngờ rằng đã quên mất cựu thần rồi."

*Hữu thừa tướng là Khứ Tật, tả thừa tướng là Lý Tư.

Ông vừa dứt lời, đã thấy Triệu Cao cười lạnh nói: "Hoàng thượng vất vả quốc sự biết bao, giải trí một chút chẳng lẽ không được, lão thừa tướng dám nói xằng về phẩm hạnh của bệ hạ, quả là đại nghịch bất đạo, tội đáng chém!"

Nói xong, bước nhanh lên trước, quỳ rạp xuống, đau lòng nói: "Bệ hạ, Phùng Khứ Tật than là Hữu thừa tướng mà lại dám dèm pha bệ hạ, thật sự không theo đạo làm thần, thỉnh bệ hạ nghiêm trị! Nếu không, kỉ cương triều đình sao có thể uy nghiêm, sự uy nghi của bệ hạ cũng khó có thể bảo toàn!"

Phùng Khứ Tật nghe thấy vậy thì tức đến run người, chỉ vào Triệu Cao lớn tiếng mắng: "Đồ hoạn quan vô liêm sỉ, dám vu hãm đại thần, ta... Phùng Khứ Tật ta thân là thừa tướng Đại Tần việc can gián đương nhiên là trách nhiệm, làm gì có chuyện một tên thái giám lại có thể xen vào, hừ!"

Lúc này, một người đàn ông trung niên mặc áo dài xanh đứng dậy nói: "Hôm nay chuyện quá khẩn cấp, hữu thừa tướng lo lắng quốc sự, cho nên mới nhất thời nói lỡ, mong bệ hạ niệm công lao khi xưa mà khai ân."

Một gã mặt dài gày gò đứng bên cạnh vuốt râu tiến lên nói: "Lời của phủ lệnh rất đúng, Phùng thừa tướng thân là quan viên đứng đầu, lại có thể gây tổn hại tới đạo lí quân thần như vậy, thật sự là không coi bệ hạ ra gì."

Phùng Khứ Tật biết, Nhị Thế hoàng đế trước mặt này luôn hoang tàn háo sắc, các đại thần chính trực trong triều luôn gặp phải thủ đoạn thâm độc. Nhớ lại thời Thủy Hoàng, Đại Tần uy phong đến thế nào, hiện giờ chưa tới một năm, mà ngay cả một lũ cướp nho nhỏ cũng có thể đánh thẳng tới Tần đô, khiến cho Phùng Khứ Tật vô cùng đau đớn, cho nên lúc này cũng lười không muốn biện giải, chỉ cố nén tức giận, lạnh lùng nói: "Cường đạo không tới năm ngày sẽ đánh vào Hàm Dương, không biết phủ lệnh có đối sách gì, lão phu dù đã tuổi già lẩm cẩm, nhưng vẫn muốn thỉnh giáo phủ lệnh!"

Triệu Cao cười lạnh nói: "Đại Tần hùng binh trăm vạn, chỉ là vài tên cường đạo mà thôi, có gì mà lo, các người chuyện bé xé ra to, không biết là mang tâm tư gì nữa không."

Trương Cường nhìn Phùng Khứ Tật vẻ mặt bi thống, thở dài nói: "Các vị ái khanh đừng ầm ĩ nữa, Phùng tướng một lòng vì nước, trẫm cũng thấy được, cho nên trẫm không có ý muốn trách tội. Chỉ là mong được thỉnh giáo thừa tướng, hiện giờ tình hình khẩn cấp, đối phương có hơn 20 vạn, dù chỉ là giặc cỏ, nhưng mà trước mắt Hàm Dương chỉ có ba ngàn cấm vệ, thêm thành vệ hai ngàn, binh lực trong thành năm ngàn, cộng thêm các đội quân bảo vệ thành tổng binh lực cũng không quá được năm vạn, nếu vị nào có thể giúp trẫm qua được cơn nguy này, trẫm nhất định sẽ rất cảm tạ!"

Trương Cường nhớ mang máng, theo lịch sử thì nên cho Chương Hàm xuất trướng. Để nhanh chóng lớn mạnh lực lượng của mình, hắn cố ý đưa ra hứa hẹn, để khi Chương Hàm giành chiến thắng Triệu Cao cũng không thể có cớ phủ định tấn phong.

Nghĩ tới đó, không khỏi nhàn nhã nhìn về phía quần thần. Không ngờ, một hồi lâu sau, đại điện vẫn tĩnh lặng như trước, quần thần đều trầm mặc không nói gì, tất cả mọi người đều bị những lời vừa rồi của Trương Cường làm cho cả kinh không hồi đáp lại. Ai cũng không ngờ rằng một hôn quân chỉ chìm đắm trong tửu sắc lại có thể biết rõ ràng về binh lực Hàm Dương như vậy, thậm chí không ít người còn cảm thấy hơi lành lạnh.

Nhìn thấy các quan lại đều im lặng giống nhau, Trương Cường bỗng nhiên cảm thấy một cơn lạnh chưa từng gặp, lòng trầm xuống. Liệu lịch sử có thay đổi được không? Hay là do mình đã quá tin vào lịch sử, mà trước mắt đây, mới chính là sự thực?