Đại Mạc Thương Lang

Quyển 1 - Chương 48: Bên ngoài con đập

Ánh sáng mờ mờ, giống như ánh sáng của đèn cấp cứu chúng tôi nhìn thấy lúc trước, không biết nơi phát ra ánh sáng là nơi nào.

Bây giờ đành nhắm mắt làm liều thôi, chỉ cần thoát khỏi nơi này, dù có phải đi qua dầu sôi lửa bỏng, tám tầng địa ngục, chúng tôi cũng phải đi.

Ba nhánh trong đường hầm rõ ràng đều dẫn tới một địa điểm, khỏi phải do dự nhiều, chúng tôi quyết định tiếp tục đi sâu vào trong, leo lên trên
mười mấy mét nữa thì tới đỉnh. Một góc trên đỉnh có cửa thông gió được
chắn bằng tấm lưới sắt, nhưng băng đã phủ kín mặt dưới, các mắt cáo đều
bị bịt kín, tạo thành một tảng băng, ánh sáng chiếu ra từ sau lớp băng
đó, có điều tình hình cụ thể phía sau tấm lưới như thế nào thì chúng tôi không nhìn rõ được.

Mã Tại Hải bỏ hết đạn trong súng ra, rồi
dùng báng súng đập vào tấm lưới, nhưng vị trí chỗ này quá hẹp nên không
thể dùng hết sức được, cậu ta đập hồi lâu mới đẩy được lớp lưới sắt ra.
Gió lạnh từ đằng sau thổi thốc tới, cường độ mạnh đến nỗi khiến tôi suýt nữa ngạt thở.

Tôi vội vàng quay đầu hít một hơi sau đó lấy áo
khoác bịt mũi. Tôi ngó ra ngoài nhìn, nhưng chỉ thấy một màn không gian
mờ ảo tăm tối, không có gì ngoài đó.

Ba người chúng tôi nhìn nhau rồi bỗng nhiên hiểu ra vấn đề. Bên ngoài kia không phải là căn phòng
gì, mà nó chính là khoảng không gian rộng lớn, sâu hút nằm phía ngoài
con đập, từ đây nhìn ra, chỉ thấy một không gian vô tận, chỉ có những
cơn gió mạnh từ nơi nào thổi tới, táp vào mặt chúng tôi. Ống thông gió
này chính là nơi thông ra ngoài phòng. Càng nghĩ tôi càng thấy lý giải
này hết sức hợp lý.

Sương mù bên ngoài cũng đã tan hết, tôi chiếu đèn ra xem nhưng không nhìn thấy gì cả. Mã Tại Hải bảo để cậu ta thò
đầu ra nhìn thử, chúng tôi liền túm chặt áo khoác của cậu ấy lại, để cậu ấy thò đầu ra ngoài, nhưng vừa thò ra, thì một cơn gió mạnh bất ngờ ào
tới, giận dữ thổi tung áo cậu ta lên, người cậu ta nhoài ra ngoài như
thể đang bị ai đó kéo về hướng đó.

Cậu ta sợ hết hồn, chúng tôi

vội vàng giữ chặt lại, cậu ấy mới không bị rơi xuống. Vương Tứ Xuyên
gắt: “Mau lên, nhìn xem có cái gì không!”

Cậu ta nằm rạp trên hốc thông gió, cầm đèn pin chiếu một lượt xem xét tình hình bên ngoài, sau
đó chúng tôi kéo cậu ấy vào. Mã Tại Hải nói: “Đây đã là tầng cuối của
con đập, cách chỗ chúng ta đang đứng chừng chục mét là đá núi, bên cạnh
có một cái cầu thang bằng sắt có thể leo xuống.”

Tôi hỏi cậu ta
có thấy dấu vết gì của nhóm anh Miêu không. Cậu ta đáp không nhìn rõ,
bên trên còn thấy chiếc đèn halogen mà lần trước cậu ta đã bật, nhưng
chỗ đó dường như cách đây rất xa, rõ ràng nơi này chính là phần đáy của
con đập, toàn bộ đều là tầng giao thoa giữa đá nham thạch với bê tông
cốt thép, có chiếu đèn cũng không thấy gì.

Vương Tứ Xuyên hỏi Mã
Tại Hải liệu có thể bám theo thang sắt để leo lên trên không. Cậu ta
đáp, bên ngoài hơi tối, vả lại gió rất mạnh, còn mạnh hơn cả lúc chúng
tôi đứng trên con đập, còn cái thang đã bị gỉ sét hết cả, nhỡ không may
đang trèo mà bị gãy một cái thì khỏi phải nói đến chuyện tiếp theo.

Tuy nhiên, tôi lại thấy nguy hiểm này đáng để liều một phen, chủ yếu bởi vì nhiệt độ ở trong này quá lạnh, gió thổi ở bên ngoài vào còn ấm hơn cả
nhiệt độ ở trong này. Nếu chúng tôi cứ tiếp tục lần theo dây cáp điện để đi xuống thì không biết còn chịu đựng được bao lâu nữa. Ít nhất lúc này cũng nhen nhóm được một tia hi vọng sống. Hơn nữa, đâu phải tất cả các
thang sắt đều bị hỏng, không chịu được sức nặng, đây là thang sắt dùng
loại thép to cỡ bằng ngón tay cái, rất chắc chắn, chuyện của đội phó lúc trước chỉ là sự cố ngẫu nhiên mà thôi. Chỉ cần cẩn thận một chút lúc
trèo, chắc sẽ không xảy ra chuyện gì.

Ba người chúng tôi hội ý,
Vương Tứ Xuyên bảo: “Thôi đừng quyết định vội, cứ thở xem sao đã, nếu
leo được thì lúc đó chúng ta sẽ leo.”

Vậy là, Mã Tại Hải xoa hai
tay vào nhau cho ấm, sau đó bám vào thanh sắt đu ra bên ngoài, áo khoác
của cậu ta bị gió thổi bay phần phật, cậu ta gắng sức nép vào thành bê
tông, rồi hét gọi chúng tôi. Khoảng cách ngắn như vậy, mà chúng tôi
không hề nghe thấy gì, cậu ta đành dùng tay ra dấu cho chúng tôi leo
theo.

Tôi là người leo thứ hai, lúc vừa chui ra khỏi lỗ thông
gió, nói thật, tôi cũng thấy kinh hãi, bên ngoài kia giống như vũ trụ
bao la, chẳng có một thứ gì, bên dưới thì sâu thăm thẳm, ngộ nhỡ ngã

xuống, cũng chẳng biết có đáy hay không, thứ duy nhất cảm nhận được là
tiếng gió. Tôi nắm chắc vào các thanh sắt, người vừa trèo lên thang thì
cảm thấy như bị bay lên, nhưng sau đó tôi đã thích ứng kịp thời, vội
vàng điều chỉnh động tác, nép sát người vào bức tường, rồi mới bắt đầu
leo lên.

Đến lượt Vương Tứ Xuyên, tôi chiếu đèn pin chiếu xem
tình hình cậu ta leo thế nào, cậu ta nặng hơn tôi, nên nhìn động tác khá chắc chắn.

Sau khi đã đứng vững trên thang, tôi bắt đầu chiếu
đèn quan sát xung quanh, một bên là vách tường của con đập, ánh đèn
trượt đi trên bức tường. Nó chỉ lóe lên được ở một khoảng cách rất ngắn, rồi bị bóng đêm nuốt chửng ở đầu xa. Mặt bức tường của con đập khá thô
ráp, xù xì, phía ngoài phủ một lớp gì đó đen đen, khá giống với màu của
lớp sương mù. Thang sắt cũng được phủ lớp nhũ đen ấy, tôi giơ tay nhìn,
thấy đó là lớp bụi bàng bạc, vừa giống một dạng dịch lỏng, lại vừa không phải, tôi vội chùi tay vào áo khoác, rồi kéo cánh tay xuống để bảo vệ
hai bàn tay, bụng nghĩ có quỷ mới biết thứ này có độc hay không.

Còn bên kia thì khỏi phải nói, chẳng có gì hết. Tôi cảm giác như mình đang đứng ở giữa lằn ranh của thế giới.

Lúc đó, tôi hơi hối hận, không biết để leo lên được bên trên kia, tôi còn
phải kiên trì trong trạng thái này bao lâu nữa? Trải nghiệm ấy quả thực
không phải một kỉ niệm đẹp.

Loại thang sắt này có thể dùng để leo lên hoặc leo xuống, chiếu đèn xuống bên dưới tôi thấy phía xa cũng có
một cái thang nữa, chứ không phải chỉ có một thang ở vị trí mà chúng tôi đang trèo, nhưng vị trí giữa hai thang cách nhau khá xa, giữa chúng có
các thanh sắt nhô ra, dùng để đạp chân lên, phía trên gắn móc câu dùng
để bám tay vào, rõ ràng các thang dây và những thang sắt gắn trên tường
tạo thành hệ thống giá đỡ ở phía ngoài con đập. Có lẽ đây là đường dự
phòng được sử dụng trong lúc thi công hoặc tu sửa con đập.

Nhưng
nghĩ lại tôi thấy, nơi này đã là tầng dưới cùng của con đập, chắc họ
không cần phải đi kiểm tra gì nữa, vậy “con đường” này dùng để làm gì?

Sau khi nhìn thấy Vương Tứ Xuyên đứng vững trên thang, Mã Tại Hải liền dùng miệng giữ đèn pin và bắt đầu leo lên trên, tôi và Vương Tứ Xuyên cũng
leo ngay theo.

Những cơn gió mạnh thổi dồn dập khiến chúng tôi
không thể suy nghĩ gì thêm, đến cả việc thở cũng phải tìm góc độ hợp lý
mà hít thở, trong đầu không có khái niệm phải đếm xem mình đã leo lên
được mấy bước hoặc đã đi được bao xa, cảm giác của chúng tôi lúc đó thật khó mà hình dung nổi. Có thể nói, nếu rơi vào hoàn cảnh đó, bạn không
biết phải làm gì ngoài im lặng, cũng không thấy hoảng sợ nữa, cảm xúc

thật kì lạ. Ngoảnh đầu nhìn ra chỉ thấy bóng tối miên man, tôi chợt cảm
thấy cảm giác lúc này có thể gói gọn trong một chữ “ngộ”. Cơ thể tôi,
tinh thần tôi dường như đã hiểu ra điều gì đó, một điều đến từ thế giới
huyền bí, mơ hồ.

Đang lúc tôi hoài nghi, nếu tình trạng này cứ
tiếp tục kéo dài, có lẽ lòng kiên định của tôi sẽ thay đổi mất, thì cái
ủng của Mã Tại Hải đã cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi.

Tôi ngẩng lên, hóa ra cậu ta dừng lại đột ngột, khiến đầu của tôi đập phải gót ủng của cậu ta.

Tôi đoán chắc cậu ta đã phát hiện ra điều gì đó, nên liền trèo qua ngó xem, thì ra phía xa xa, bên trái của con đập có một vật gì đó to tướng đang
nằm chình ình ở đó.

Vật đó cách chúng tôi chừng hai chục mét,
dường như là một khối bê tông cốt thép, có điều nó được làm rất thô sơ,
xung quanh bọc thép, kết cấu phức tạp, quan sát kĩ hơn thì thấy nó giống như một con nhím đầy lông nhọn bám vào thành đập, trong đó những thanh
thép cắm xung quanh nó giống như những chiếc lông nhím. Vật thể đó rất
to, nom giống như một tòa nhà ba tầng vậy.

Nếu so với cả con đập
thì nó không phải một điểm nổi bật bởi nó không có những lớp đá bắt mắt ở bên ngoài, nhưng từ góc độ dưới này nhìn lên, thì nó là một vật to lớn
khác thường.

Có một con đường làm bằng những thanh sắt bắt từ chỗ chúng tôi đến vật thể ấy, nên chúng tôi hoàn toàn có thể trèo đến chỗ
đó nếu muốn.

Mã Tại Hải quan sát và thầm ước lượng một lát, rồi
bắt đầu leo lên các thanh sắt bắc ngang, từ từ treo sang chỗ đó. Tôi vốn là người nhát gan, thần kinh vận động lại kém phát triển nên vừa nhìn
thấy cậu ta leo đi thì cuống cả lên, tôi vội vàng trèo đến chỗ cậu ta
vừa đứng, cuống quýt hỏi cậu ta xem giờ nên làm gì. Cậu ta quay lại nói
to, nhưng âm thanh bị gió bạt đi nghe không rõ, tôi chỉ nghe thấy hình
như cậu ta bảo: “Đó chính là cái ăng ten!”

Tôi gào lên hỏi cậu ta quan tâm tới nó làm gì, bây giờ chúng ta phải tìm cách thoát ra khỏi
chỗ này trước đã. Thế nhưng cậu ta dường như có ý đồ gì đó, bảo tôi cứ
đứng đợi, cậu ta sẽ ra chỗ đó xem thế nào.

Vương Tứ Xuyên đứng
bên dưới vỗ vào chân tôi, hỏi trên đó có chuyện gì. Tôi nghĩ thầm biết
trả lời thế nào đây, cậu lính này đúng là vô tổ chức, vô kỉ luật. Vừa di chuyển vừa ngẫm nghĩ, không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào tự nhiên tôi

cũng trèo ra chỗ Mã Tại Hải.

Từng trận gió mạnh táp vào mặt khi
tôi di chuyển về phía đó, khiến tôi cảm giác sắp đứng không vững, tôi
thấy Mã Tại Hải khó khăn lắm mới sang được hẳn bên đó, còn tôi mới đi
được nửa đường. Bỗng một trận gió mạnh thổi tới, ép sát tôi vào vách
đập, tôi vội nhắm mắt nép vào đó để tránh trận gió, sau đó ngoảnh sang
nhìn Mã Tại Hải, nhưng phát hiện cậu ta bỗng nhiên biến mất.

Tôi
giật thót mình, cứ ngỡ cậu đã rơi xuống vực, nhưng tôi bỗng nhìn thấy
cậu ta đang vắt vẻo trên một thanh thép bên dưới “con nhím” chừng sáu
bảy mét, chắc lúc nãy cơn gió mạnh thổi đến bất ngờ, cậu ấy không bám
cẩn thận nên bị ngã.

Tôi giơ tay ra hiệu hỏi xem cậu ấy có bị
thương không, nhưng không thấy cậu ta giơ tay vẫy lại, vì tay chân cậu
ấy đang bận bám chặt vào thanh thép, có lẽ tay của cậu ấy bị thương, nên không còn sức bám nữa, leo lên được mấy bước lại bị tuột xuống.

Tôi vội đi qua chỗ đó, miệng liên tục hét gọi Mã Tại Hải dừng lại. Tôi mò
đến nơi, định thò tay ra kéo cậu ta lên nhưng nhìn kĩ tôi mới hiểu tại
sao khi nãy cậu ta lại bị rơi xuống. Hóa ra vị trí này các chỗ những
thanh thép chìa ra trên mình “con nhím” một khoảng cách khá xa, tôi cố
hết sức, căng hết cánh tay ra, nhưng để nắm được thanh sắt kia cần phải
dũng cảm và thực sự rất khỏe. Tôi vội rút tay về, chỉnh lại tư thế của
mình, rồi lại thò tay ra tiếp nhưng vẫn không thể chạm tới. Tôi thầm
chửi bọn Nhật đúng là đồ tiết kiệm không phải lối, sao không cắm thêm
cọc sắt vào đoạn này.

Vương Tứ Xuyên leo tới nơi thì cũng kiệt
sức. Tôi thu người về, hít một hơi lạnh đầy lòng ngực, rồi cố hết sức
lao người xuống một lần nữa, tôi giữ người mình bám chặt vào bức tường,
nhưng cánh tay vẫn chỉ chới với giữa không trung.

Trải nghiệm này đúng là nguy hiểm hết chỗ nói, người đầm đìa mồ hôi, tôi thầm nghĩ, nếu lúc này mà có cơn gió to như lúc nãy thổi tới thì mình nguy là cái
chắc.

Tôi lại tiếp tục giẫm chân vào một thanh sắt, bước sang bên kia, sau khi giữ thăng bằng, tôi leo xuống dưới, túm được Mã Tại Hải.
Vừa nắm được tay cậu ta, tôi liền quát to: “Cậu mò ra đây làm gì?”. Cậu
ta nắm lấy tay tôi, gồng mình lên, bước mấy bước nữa mới giữ được thăng
bằng, rồi thở hổn hển đáp: “Ăng ten, chỗ này có một cái ăng ten.”


Tôi nhìn những thanh thép chìa ra ngoài, nhận ra những thanh thép ở đây
khác hẳn những thanh thép tôi thấy trên đường đi, những thanh thép này
mỏng hơn và không bị hoen rỉ. Tôi hơi giật mình, nó to và chia ra nhiều
phần thế này, xem ra chức năng thu phát của nó rất mạnh, nhưng dẫu vậy
thì cũng đâu đáng để Mã Tại Hải liều mạng bò ra tận ngoài này.

Tôi quát: “Ăng ten thì mặc xác ăng ten, đâu nhất thiết phải bò ra đây?”

Nhưng cậu ta nhìn tôi cười rồi lắc đầu, dường như cậu ta không biết phải giải thích thế nào. Không ngờ, cậu ấy kéo khẩu súng đang đeo sau lưng ra,
túm lấy báng súng, chìa nó sang phía tôi, rồi nói: “Xin lỗi anh Ngô, lần này tôi đã làm anh giật mình.”