Đại Mạc Thương Lang

Quyển 1 - Chương 32: Không kích

Đúng là như vậy, tôi
hoàn toàn tin những gì đội phó đã nói, đây chính là tiếng còi báo động
có máy bay, có nghĩa là nhất định lúc đó trên trời sẽ có không kích hoặc diễn tập máy bay. Công việc của tôi quanh năm phải lặn lội nơi rừng rú, cho nên không hiểu rõ những điều này. Hồi trẻ, lúc học ở trường, chúng
tôi cũng được luyện qua, một năm hai lượt, thế nhưng hồi đó chỉ biết học cho xong, lại có thầy giáo bên cạnh hỗ trợ, chỉ nghe thế cho vui tai,
chứ không hề nghe kĩ tần suất khác biệt của từng loại báo động.

Nhưng tôi chắc ở nơi này không thể xảy ra chuyện có không kích hay diễn tập
máy bay, điều này khồng cần nghi ngờ gì cả, tôi càng tin rằng tiếng báo
động đó có một chức năng cảnh báo khác, ví như báo động có người chạy
trốn hoặc là một tình huống khác nào đó mà tôi chưa rõ.

Đội phó
bảo với tôi đây rõ ràng là báo động không kích, một hồi còi kéo dài ba
sáu giây, nghỉ hai bốn giây, đây là loại báo động trước khi xảy ra máy
bay không kích hoặc tập trận máy bay, còn trước khi diễn tập, người ta
còn có loại báo động rú còi sáu giây, nghỉ sáu giây nữa.

Ở trong
cái đập nước mà tự nhiên nghe thấy tiếng còi báo động máy bay khiến tôi
hồn xiêu phách lạc, chúng tôi vội ra khỏi cửa tiếp tục leo lên trên và

đi theo hướng có ánh đèn chiếu hắt ra. Chúng tôi phát hiện ra ánh đèn có sự thay đổi, dường như ánh sáng đang phát ra xa hơn trong lòng động.

Xét trên lý thuyết, độ cao của đỉnh vực không thể vượt quá một ngàn hai
trăm mét, bởi vậy lần này có thể lờ mờ nhìn thấy những mỏ đá nhô lên ở
điểm tận cùng chùm sáng đèn chiếu chuyên dụng, có điều diện tích của
khoảng sáng quá nhỏ nên không cách nào thấy được hình thù cụ thể của
những khối nham thạch đó. Nhưng bất luận thế nào chúng tôi vẫn khẳng
định được nơi đây chắc chắn là phần chân của một ngọn núi nham thạch
lớn.

Không hề có dấu hiệu của cuộc không kích, hồi còi báo động
giục giã khi nãy giống như một trò đùa, ánh đèn chiếu quét qua quét lại
lại, nhưng chẳng nhìn thấy gì ngoài những mỏm đá.

Quét qua quét
lại một lúc, chắc là thấy có soi nữa cũng vô ích, chúng tôi nhìn thấy
luồng sáng đó di chuyển đến chỗ đo mực nước, sau đó quét xuống bên dưới, bắt đầu chiếu tiếp xuống dưới vực sâu.

Độ sâu của vực thẳm thật

khó tưởng tượng nổi, đến cả âm thanh tiếp mặt nước của dòng thác đổ
xuống cũng không thể nghe được, lúc đó tôi nghĩ bụng làm sao có thể soi
xuống phía dưới đáy được, thế nhưng lúc nằm rạp xuống thành đập để quan
sát thì thấy sự việc lại khác với những gì tôi đã tưởng.

Luồng
ánh sáng chiếu xuống phía dưới tuy có phần mơ ảo, nhưng tôi lại phát
hiện ánh đèn có thể chiếu tới cảnh vật dưới đáy vực, điều đó có nghĩa là đáy vực có vẻ không hề sâu.

Tôi chăm chú nhìn hồi lâu, rồi bỗng
nhiên hiểu ra vấn đề: luồng sáng không phải chiếu đến được đáy vực mà nó đang chiếu qua một đám sương mù dày đặc, đám mù ấy đang cuồn cuộn dâng
lên.

Điều này giống như ánh sáng chiếu vào một đám mây vắt ngang
giữa bầu trời vậy, tia sáng không thể lọt qua, quét qua quét lại cũng
chỉ nhìn thấy mặt trên của lớp mây. Hồi nhỏ khi nhìn thấy bầu trời như
vậy, tôi không hiểu, lại tưởng trời bị úp bởi một cái vung khổng lồ.


Lớp người chúng tôi thời đó đã khá quen thuộc với hiện tượng này, thế nhưng điều khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên là đám sương mù đó không hề đứng
yên, mà có thể lờ mờ cảm nhận được nó đang dần dần đùn lên, tuy rằng sự
vận động diễn ra rất chậm nhưng lại có chu kỳ và tiết tấu rõ ràng.

Đây quả thực là một cảnh tượng quái lạ, đặc biệt khi nó được đặt trong một
khung cảnh bao la, kì vĩ, thì lại càng khiến cho người ta cảm giác rợn
tóc gáy. Tôi nghĩ thầm: “Không hiểu đám mây kia sinh ra từ đâu? Diện mạo địa chất bên dưới nó như thế nào?”

Một điều tệ hại là tôi cứ
ngắm nhìn khung cảnh này trong tiếng báo động rền rĩ mà không hề liên
tưởng hai vấn đề này lại với nhau. Tôi cứ mải dõi mắt nhìn, trong lòng
vừa kinh ngạc lại vừa chần động. Mãi cho đến khi đám mây mù kia dâng đến gần, khi ánh đèn chiếu xuống ngày càng ngắn lại, tiếng còi báo động đột nhiên ngừng bặt và thay vào đó là tiếng còi báo động không kích dồn
dập, lúc đó tôi mới choáng váng nhận ra rằng, âm thanh vừa rồi là để báo động đám mây này! Nhưng lúc đó đám mây gần như đã dâng lên ngay sát
chân đập, từ chỗ đó tới bờ đập ước chừng không đầy hai trăm mét.

Lúc đó tôi vẫn băn khoăn tự hỏi, lẽ nào trong đám mây dày đặc kia lại tồn
tại vật gì nguy hiểm sao? Tôi bỗng nhớ đến cái xác có hàm răng chuyển
sang màu đen mà mình phát hiện thấy lúc ở hố sụt, cha mẹ ơi, tôi bún rủn toàn thân, chân mềm nhũn như thể vừa lãnh trọn một cú trời giáng, tôi
tự trách mình sao không sớm nghĩ ra!

Tôi đoán mười phần chắc chín, thì đám mây mù này là mây chứa khí độc!


Ngay lập tức, tôi hiểu mình không thể lừng khừng được nữa, người tôi run lên từng chập, tôi vội vàng kéo đội phó chạy ngược lại phía sau, định chạy
về phía xác chiếc máy bay, phải cách đám mây này càng xa càng tốt. Nhưng đội phó còn thộn hơn cả tôi, anh thậm chí còn không thể nhận biết được
tình cảnh mà mình đang phải đối mặt, đợi tôi giải thích xong, mặt anh
mới biến sắc.

Tôi kéo đội phó chạy đi, nhưng anh giữ tôi lại, bảo không thể bỏ đi được! Vương Tứ Xuyên hãy còn ở bên dưới, chúng ta phải
đi cứu cậu ấy trước đã, không thể thấy người sắp chết mà bỏ mặc không
cứu, nếu vậy sau này biết ăn nói thế nào, mà cũng làm sao tha thứ được
cho bản thân?

Lúc này, tôi mới nhớ ra vụ Vương Tứ Xuyên, lòng vừa cảm thấy xấu hổ vừa lo lắng, mà bây giờ cũng đâu còn thời gian để tìm
được đường tới chỗ cậu ấy. Tôi lại thò đầu xuống xem, nhưng chẳng thấy
động tĩnh gì của Vương Tứ Xuyên. Ánh đèn vẫn quét đi quét lại trên mặt
đám mây, nó không ngừng lay động, chẳng rõ cậu ta đang tìm thứ gì.

Ngay lúc đó tôi nhìn thấy một cái thang dây bằng thép treo ngay bên cạnh
đập, tôi đưa mắt nhìn đội phó, đội phó cũng liếc tôi, rồi ngay lập tức
thò chân vào thang, vừa giẫm xuống vừa nói với tôi: “Cậu mau chạy đi! Để tôi đi thông báo…”

Nói chưa dứt lời, thì thanh thép dưới chân
anh bỗng nhiên bị đứt, anh đạp hụt vào khoảng không phía dưới, cả người
nặng nề rơi tuột xuống.