Đại Mạc Thương Lang

Quyển 1 - Chương 30: Còi báo động phòng không

Tiếng còi báo động
không biết từ nơi nào vọng tới, vang khắp không gian rộng lớn và tối
tăm, tần suất ngày càng khẩn cấp, chúng tôi tập trung hết sức để nhìn
nhưng không thể thấy bất cứ động tĩnh gì giữa màn đêm, xung quanh bao
trùm một bầu không khí bất an, khiến tôi chỉ muốn co cẳng chạy trốn,
nhưng bốn phía đều không có đường thoát. Trong thời khắc bất an đó, trên nóc máy bay, giữa tiếng rền rĩ của còi báo động, chúng tôi chỉ biết
buông tay bất lực chờ đợi hiểm nguy tới gần.

Thế nhưng, một tình
huống bất ngờ xảy ra, khi còi báo động hú được chừng năm phút thì đột
nhiên ngừng lại, chúng tôi chưa kịp phản ứng gì thì bỗng một loạt âm
thanh ầm ầm vọng tới, nghe như tiếng xoay chuyển của máy móc, tiếng nước chảy trong bóng tối dưới hạ lưu cũng gầm gào dữ dội.

Tôi lo lắng nhấp nhổm nhìn về phía phát ra âm thanh, nhưng không biết nó bắt nguồn
từ đâu, đến xác chiếc máy bay dưới chân cũng rung lắc nhè nhẹ bởi tiếng
ồn đó. Cúi đầu nhìn xuống bên dưới tôi thấy dòng chảy xung quanh chiếc
máy bay càng lúc càng cuồn cuộn mãnh liệt, nhưng mực nước thì lại có
chiều hạ xuống.

Lẽ nào đây là một con đập? Ý nghĩ đó bỗng nhiên
vụt xuất hiện trong đầu tôi. Âm thanh báo động lúc nãy rõ ràng là âm
thanh đặc trưng của hệ thống còi báo động khi mở van xả lũ, không ngờ
quân Nhật lại xây dựng một con đập dưới dòng sông ngầm này.

Tôi
thấy điều này thật khó tin, nhưng so với việc một chiếc máy bay có thể
rơi xuống dưới này, thì việc xây dựng một con đập ở đây nghe ra còn có
vẻ hợp lý hơn. Tôi và đội phó đưa mắt nhìn nhau, rồi nhìn xuống dòng
nước bên dưới và thần người ra.


Mực nước hạ xuống rất nhanh, chỉ
nửa tiếng sau đã rút xuống đến mức lộ hết cả đám bao tải chứa thây
người, vô số những bao tải lô nhô xếp xung quanh chiếc máy bay. Khung
cảnh đó thật khủng khiếp! Trong bóng đêm quánh đặc, bạn sẽ có cảm giác
không phải nước rút xuống mà là đám bao tải đang không ngừng trồi lên,
mênh mông cả bãi, chỉ nhìn thôi đã sợ thở không ra hơi rồi.

Cũng
may, chúng tôi nhìn thấy một sạn đạo[1] tạm thời được trải bằng lưới
thép, xuất hiện ngay giữa đống bao tải. Tấm lưới đó giăng lấp xấp mặt
nước nhưng có vẻ đi lại trên đó cũng không quá khó.

[1] Sạn đạo: đường xây bằng cầu treo hoặc ván gỗ xếp hai bên sườn núi đá dùng để đi qua các khu vực núi non hiểm trở.

Tuy tôi không rõ đợt xả nước này do con người điều khiển hay do hệ thống
cài đặt tự động, nhưng tôi hiểu đây rõ ràng là một cơ hội tuyệt vời để
thoát khỏi hoàn cảnh khốn khó này.Chúng tôi vội vàng leo xuống, men theo đống bao tải trèo lên sạn đạo, bên dưới lớp lưới đệm thêm lớp bao tải
chứa xác người và ván gỗ, tuy rằng đống bao tải đã bị mục nát hết nhưng
vẫn chịu được trọng lượng của chúng tôi. Tôi và đội phó vội vàng chạy
lên phía trước.

Nước rút rất nhanh, đến được sạn đạo, chúng tôi
không phải dầm nước nữa, chạy chừng hơn một trăm mét, thì nghe thấy
tiếng nước chảy ầm ầm rung chuyển, tôi cảm giác như mình sắp tới chỗ con đập. Ở đây, chúng tôi không còn nhìn thấy chiếc máy bay, nhưng lại xuất hiện một cung đường ray cực lớn, bề rộng con đường phải to gấp mười lần đường sắt dành cho xe lửa, nhìn vị trí tương ứng giữa chiếc máy bay và
đường ray, tôi đoán có lẽ tuyến đường ray này dùng cho máy bay trượt
khởi động.

Đồng thời, tôi nhìn thấy hai bên đường ray có rất
nhiều máy biến áp cỡ lớn, đó là thiết bị phụ trợ cho máy phát điện thủy
lực, dường như vẫn còn vài chiếc đang hoạt động dưới dòng nước xiết,
chúng phát ra âm thanh ù ù, phải lắng tai nghe mới phân biệt được.

Ngoài ra, ở đây còn có cần cẩu, đèn tín hiệu và cả chòi canh khung thép đã đổ sụp. Mực nước ngày càng hạ xuống làm nhiều đồ vật đã hư hỏng mục nát
dưới lòng sông từ từ trồi lên.

Thật không thể tưởng tượng nổi,
bên dưới dòng sông lại chìm nhiều đồ vật đến thế, lúc ấy một câu hỏi
chợt nảy ra trong đầu tôi, những đồ vật này liệu có phải dùng để lắp
ghép thành thứ gì đó hay không?


Cuối cùng, chúng tôi cũng nhìn thấy một con đập lớn phía trước.

Thực ra, đó không hẳn là một con đập, đó chỉ là một đoạn đường bê tông còn
sót lại, nó đứng sừng sững giữa dòng nước, rất nhiều nơi trên bức tường
lộ ra các khe nứt vỡ. Người ta không thể nào xây dựng một công trình
kiến trúc gì cao lớn ở giữa dòng sông, xem ra con đập này được quân Nhật xây dựng một cách rất tạm bợ, sơ sài.

Chúng tôi nhìn thấy thiết
bị phát ra âm thanh cảnh báo lúc nãy là một hàng loa sắt khổng lồ. Tôi
cũng không rõ tiếng còn phát ra từ chiếc loa nào, nhưng tôi thấy ở cuối
sạn đạo có một cái thang đa năng làm bằng dây thép, có thể dùng nó để
leo lên phía trên của con đập.

Tôi ngẩng đầu xem, ước lượng chiều cao bờ đập áng chừng tới vài chục mét, nhìn những vạch đánh dấu mực
nước ẩm ướt khắc trên thành đập, trong đầu tôi bỗng lóe lên suy nghĩ,
đội phó xem ra hiểu ý của tôi, anh hỏi tôi có muốn leo lên không?

Tôi vốn đã tò mò muốn xem bên kia bờ đập có thứ gì, nên gật đầu đồng ý
ngay. Hai chúng tôi, kẻ trước người sau, cẩn thận bám lấy cái thang
trông có vẻ rất không an toàn, dựa vào thành đập để leo lên.

Cũng may cái thang dây sắt được gia cố khá vững chãi, chúng tôi cứ thế leo
lên từng bước, từng bước một. Lúc vừa mới lên đến thành đập bỗng một
luồng gió mạnh ào ào cuốn tới, suýt chút nữa tôi bị gió thổi ngã bay
xuống dưới, tôi vội vàng ngồi thụp xuống.

Theo kinh nghiệm từng
trải, tôi đoán mặt kia của con đập sẽ là một thác nước rất lớn. Phỏng
đoán quả không sai, tôi nghe thấy tiếng nước đổ ầm ầm như trút từ phía
bên kia vọng lại, đứng ở chỗ này có thể nghe tiếng thác đổ một cách rõ
ràng nhất.

Sau khi đứng vững, tôi phát hiện phía sau thành đập
không chỉ có thác nước khổng lồ, mà bên bờ đối diện thành đập còn có một miệng vực sâu hun hút, nước sông ngầm chảy đến đây thì không ngừng đổ
dốc xuống dưới. Kỳ lạ là tôi không hề nghe thấy tiếng dòng chảy gấp đập
xuống mặt nước phía dưới, chẳng rõ đáy vực sâu đến chừng nào.

Nhưng điều khiến tôi lạnh gáy hơn cả không phải là cảnh tượng phía dưới con

đập mà là ở bờ đối diện của thành đập, nơi đó cũng giống y như đáy vực,
chỉ thấy một mảng bao la đen ngòm, giống như một động không đáy khổng lồ dưới lòng đất. Đèn pin của tôi không hề phát huy được tác dụng chiếu
sáng ở đây. Thực không thể biết nơi này rộng lớn đến cỡ nào.

Tôi
có cảm giác như ngực mình đang bị đè nén bởi một áp lực vô hình, cảm
giác này không hề có lúc ở trên dòng sông, lại thêm phải hứng thêm luồng gió lạnh cực mạnh thổi tới, khiến tôi không thể nào tiến sát lại gần
phái mép của thành đập. Cả hai ngồi xổm trên bờ đập, đội phó quay sang
hỏi: “Ngoài kia hình như chẳng có thứ gì cả, không khác nào ngoài vũ
trụ… Rốt cuộc, đây là đâu nhỉ?”

Tôi lục tìm những vốn từ trong
đầu mình, nhưng quả thực không một danh từ địa chất nào có thể gọi tên
được hiện tượng mà tôi đang nhìn thấy lúc này, nơi đây giống như một vết nứt địa chất khổng lồ. Để tạo ra một không gian rộng lớn thế này thì
chỉ có một khả năng, đó là tuổi thọ của hàng loạt hệ thống huyệt động đá vôi đã đến thời điểm tận cùng, chúng đột ngột sập xuống cùng lúc, hình
thành nên một hang động khổng lồ dưới lòng đất.

Đây quả thực là
một khung cảnh kì diệu của cấu tạo địa chất. Không ngờ trong cuộc đời
của tôi lại có thể gặp được hiện tượng hiếm có này. Bất giác, tôi thấy
mình tựa hồ như sắp khóc.

Trong lúc tâm trạng tôi đang bị tác
động bởi khoảng không gian mênh mông vô tận, thì bỗng nghe thấy một
tiếng “đùng” vang lên, liền sau đó mấy chùm sáng ở một góc khác của con
đập bỗng nhiên lóe lên, nhưng chỉ sáng được mấy giây rồi lại tắt ngóm,
sót lại hai luồng sáng, một luồng sáng quét xiên sang trái, một luồng
sáng quét xiên sang phải, nghiêng nghiêng xuyên thủng màn đêm.

Chúng tôi giật bắn mình, rõ ràng đã có người bật đèn pha, trong đập chắc chắn có người!

Nhưng đội phó lại trở nên cảnh giác, anh thì thầm bên tai: “Lẽ nào ở đây vẫn còn bọn lính Nhật?”

Tôi nghĩ làm gì có chuyện đó, liền đáp lại bằng giọng hoan hỉ: “Không, chắc là Vương Tứ Xuyên đấy!”, nói xong tôi định hét lên để báo cho cậu ta
biết chúng tôi đang ở đây.

Nhưng tôi chưa kịp kêu lên, thì một
cảm giác kinh hoàng khủng khiếp bao trùm lấy tôi, khiến toàn thân tôi
đông cứng, tôi mở to mắt trân trân nhìn vào khoảng ánh sáng chiếu tới,

không nhúc nhích nổi nữa bước.

Tôi vẫn cho rằng kinh ngạc và sợ
hãi là hai cảm giác hoàn toàn khác nhau, kinh ngạc vốn là cảm giác nảy
sinh khi bạn bất ngờ gặp phải một sự việc nào đó, tuy bản thân sự việc
có thể không hề đáng sợ, nhưng vì nó xuất hiện hoặc biến mất một cách
quá đột ngột nên khiến bạn nảy sinh cảm giác đó. Còn sợ hãi lại là một
cảm giác khác hẳn, đó là kết quả của một quá trình ủ nén lâu dài, ví như cảm giác sợ hãi khi phải mò mẫm trong bóng đêm, cảm giác ấy xảy ra sau
cả quá trình suy nghĩ, nung nấu, thêu dệt, mặc dù bản thân bóng tối
không hề đáng sợ.

Nếu như bạn hỏi tôi lúc đó tôi đã nhìn thấy thứ gì mà lại dùng từ “sợ hãi” để hình dung, thì thực ra tôi không thể trả
lời được, bởi vì trên thực tế tôi không nhìn thấy gì cả.

Nguồn
sáng của ánh đèn chuyên dụng cho ngành thăm dò địa chất chiếu đi, nhưng
tôi không nhìn thấy gì ở ngoài đó cả, ấy chính là nguyên nhân dẫn tới
nỗi sợ hãi cùng cực của tôi lúc đó.

Trong suy nghĩ ban đầu của
tôi, cái hố này rộng bao nhiêu, đương nhiên tôi đã có một chút ước lượng sẵn về nó, tôi nghĩ nó rất rộng, rộng hơn nhiều so với những hang động
tôi đã từng thăm dò qua hoặc nghe kể trước đây. Thế nhưng lúc ánh sáng
từ nguồn đèn pha trên đập chiếu xuống tôi mới thấy từ “khổng lồ” không
đủ sức miêu tả độ rộng của cái động này.

Thời gian hoạt động
trong quân ngũ và cuộc đời làm công việc thăm dò địa chất giúp tôi hiểu
rất rõ cự ly chiếu sáng của đèn pha khảo sát chuyên dụng, cự ly chiếu
sáng của nó có thể đạt tới một ngàn rưỡi đến hai ngàn mét – có nghĩa là
bạn có thể nhìn thấy sự vật ở cách xa tới cả một hai cây số. Đó là chưa
kể tới ánh sáng mờ có thể kéo dài thêm hơn hai ngàn mét nữa.

Thế
nhưng, lúc này tôi thấy chùm sáng chiếu vào nơi sâu trong bóng tối, cuối cùng biến thành một sợi ánh sáng dài mảnh mà không hề có phản quang,
cũng không thấy vật gì trong cự li đó. Luồng sáng ấy đã bị bóng đêm nuốt chửng và biến mất hoàn toàn giữa hư vô.

Cảm giác này giống như
thể ánh đèn pha đang chiếu vào bầu trời đêm vậy. Ban đầu, tôi còn chưa
kịp phản ứng lại, nhưng ngay sau đó liền hiểu ra vấn đề, tôi sợ ngây
người.


Đội phó thấy sắc mặt tôi khác thường, thì không hiểu mô tê gì, nhưng sau đó nghe tôi giải thích, anh mới sợ hãi cứng đờ cả người.

Lúc đó, tôi cũng toát mồ hôi hột và chưa thể tìm được câu trả lời để át đi
cảm giác sợ hãi đang bao trùm khắp người. Tôi cứ băn khoăn câu hỏi tại
làm sao lũ giặc Nhật lại phải khổ sở vận chuyển một chiếc máy bay ném
bom xuống tận nơi này?

Lẽ nào, chúng lại muốn bay xuống vực sâu ư?