Sau khi thu hồi một số tiền thi hành án của mấy vụ án KT, thay vì phải nộp về Ban thì Tư Bé mang ra mua đất, xây nhà cho cô vợ mới… Sự việc tất nhiên đến lúc cũng đổ bể nên “anh Tư” oai phong ngày nào phải khăn gói vô trong này.
Vào trong này rồi thì Tư Bé mới thấu hiểu cuộc sống bên trong hàng song sắt, mặc dù trước đây cũng có cả chục năm làm công tác QG nhưng y mấy khi bước vào bên trong nên sự hiểu biết về nó còn rất là sơ sài. Có khá nhiều QG nơi đây vốn là đồng nghiệp cũ nên y thuốc diện được ưu đãi, nhưng lâu lâu còn than thở “vô đây rồi mới thấy sao khắc nghiệt quá, tù đối với tù đã tàn bạo rồi mà QG đối với tù còn tàn bạo hơn nhiều…”. Từ lúc Tư Bé đi tù cô vợ bé cũng thăm được một vài lần cho có, sau đó thì mất tăm luôn, chỉ mấy đồng nghiệp ở cơ quan thương tình gửi tiền quà vào nên y đâm ra hận đàn bà, lâu lâu lại nổi hứng ca vọng cổ bài “Lòng dạ đàn bà”:
“Vua nước Sở một hôm lòng thanh thản
Cởi long bào giả dạng một thường dân
Vác cần câu ra ngồi dựa thạch bàn
Lòng vương giả mơ màng theo sóng nước…”
Gió động ngàn lau khua xào xạc, Sở Vương mới thả hồn theo những chiếc lá rơi tản mạn ở ven …. gành…”
Tằng tăng tăng… tăng tắng tăng tằng…
Đến câu cuối y rống lên thật to:
“ Đàn bà lòng dạ hiểm sâu, đầu môi chót lưỡi nói câu chung tình…”
…………………………….
Ở đời đàn bà cũng như đàn ông, có năm bảy hạng… đâu thể đánh đồng như vậy được? Nếu anh dùng tiền bạc để mua chuộc tình yêu thì đến khi hết tiền tình cũng phải bay theo, đó là điều quá bình thường, đâu cần phải suy nghĩ nhiều mới hiểu?
Còn có một người nữa tự xưng là “Bảo-cao-bồi”, là tài xế xe tải đường dài, trong một lần sảy tay cán chết mấy người nên phải vào trong này. Bảo-cao-bồi ở ngoài khoái đội cái mũ giống như dân Cowboy Texas, ngậm điếu thuốc trễ trễ bên mép, mặc cái quần rằn ri sáu túi của lính. Vào trong này tất nhiên là phải lột mũ ra rồi, còn thuốc thì làm đếch gì có mà hút… nhưng y vẫn luôn luôn tỏ ra là dân anh chị chịu chơi. Một lần Đại ca Sói điên hỏi “thấy mày ngồi ngẩn ngơ suốt ngày, hay mày nhớ vợ?” – “tôi không nhớ vợ” – “thế mày nhớ con?” – “tôi không nhớ con” – “ vậy mày nhớ cái gì?” - Bảo-cao-bồi có tật lắc lắc cái đầu, y trầm ngâm một lúc rồi nói “tôi nhớ bạn bè “trên bốn vùng chiến thuật” – cả đám tù cười rầm rầm, Đại ca Sói điên bèn nói “vậy mày phải hát thật hay, nêu không thì thụt dầu một trăm cái”.
Bảo-cao-bồi lại lắc lắc cái đầu, y cất tiếng ca:
“… Mây mù trên núi cao rừng sương che lối vào, đồng ruộng mông mênh lúa, đêm đêm nằm đường ngăn bước thù áo nhà binh thương lính, lính thương quê vì đời mà đi… Ân tình theo gót chân mòn đi xa đánh trận, gặp gỡ trong cơn lốc, xưng tao gọi mày thương quá gần bốn vùng mang lưu luyến nước bâng khuâng của vạn người thân…”.
Tối hôm ấy nằm ngủ tự nhiên lại mơ thấy dạo bước nơi phố cổ, mơ thấy ăn kem ở ngay Bờ Hồ trong tiết trời se lạnh. Cây dương liễu ngả mình soi bóng, và xa xa từng sóng nước lăn tăn. Mặt hồ phủ một làn sương mờ mờ ảo ảo, làn gió chẳng biết thổi từ phương nào phả lên mặt một luồng mát lạnh. Cái cảm giác bâng khuâng, nhung nhớ khi đi trên con đường này, có lẽ ai rồi cũng có thể trải qua khi đứng dưới cái nắng vàng buồn bã, khi đứng dưới một góc nhà đơn sơ, cổ kính.
Lúc đó Tiêu Thu Thu cũng dừng chân, cô ta quá quen thuộc với nơi này, tuổi thơ đã trôi qua ở nơi này, miệng cô lẩm nhẩm, nhưng không phải là hát mà là đang nói chuyện với những chiếc lá vàng rơi…
Nằm mơ như thế thật là linh ứng, mới sáng sớm hôm sau đã được báo có người tới gặp mặt.
Lần thứ hai gặp lại Tiêu Thu Thu thì được biết đại gia N.K. ở bên ngoài cũng đang bị CA điều tra mời lên mời xuống, hình như mấy dự án lớn gì đó có vấn đề, số tiền thất thoát lên đến nhiều tỷ… Nếu bị dính vào tù tội thì án sẽ rất nặng, còn may mắn thoát được thì cũng phải hao tốn cả nửa gia tài…
Sự lo lắng làm Tiêu Thu Thu nom hơi tiều tụy, và thật là kinh ngạc, lúc này mới thấy cô ta đẹp hơn bao giờ hết, có lẽ gương mặt gầy ốm làm đôi mắt trở nên to hơn, nỗi buồn làm nụ cười trở nên sâu lắng hơn và bi kịch cuộc đời làm cách nói chuyện trở nên sâu sắc hơn chăng?
Lúc này cô ta mà hát thì chắc là hay lắm lắm…
Nhưng Tiêu Thu Thu không hát, cô ta lại nói thì thầm “anh có hay tin gì không? – Mười Hổ bị dính luôn rồi đó, nghe nói vụ này lớn lắm” – thảo nào mấy bữa rày nghe đám chiếu cố đồn dưới khu biệt giam có một ông già nom “oai phong” lắm, có thể là Mười Hổ không chừng?
Thật vô lý, Mười Hổ đang ở bên Miên, lại có bùa “thiên linh thiên nhãn” làm sao mà bị bắt được? Hiển nhiên trong này còn có nhiều chuyện khúc mắc nữa. Mười Hổ mà vào trong này thì “giang hồ” chắc sẽ có một phen dậy sóng rồi.
Có điều không kịp gặp Mười Hổ ở đây, nửa khuya hôm đó nghe tiếng mở cửa rầm rầm… có tiếng kêu tên ĐHC trong đêm… đã đến lúc phải “đi trường” rồi.
Lại phải ra đi trong đêm lần nữa, bấy giờ không gian tràn hơi lạnh, mặt trời còn chưa mọc và bóng tối thì ngập ngụa. Đến “trường” là đã sáng bảnh mắt rồi, phải ngồi chờ mỏi cả gối mới xong ba cái thủ tục “nhận quân”. Trường này xem ra khác hẳn với các trường học bên ngoài, nhưng nói không ngoa, nó là một thứ “trường đời” ở đẳng cấp đại học, một thứ đại học của dây kẽm gai, của mồ hôi và máu.
Tường ở đâu mà nhiều thế, vòng trong vòng ngoài, cao vòi vọi, dây thép gai thì cuồn cuộn giăng kín, xung quanh dày đặc các chòi gác cao sừng sững giống như những đồn bốt trong thời chiến. Bước vào nơi này xem như tương lai đã tắt lặn, mặt trời có lẽ cũng tắt lặn ở cái chỗ kinh khủng như thế này.
Tay QG mặt hằm hằm, kẻ nào giở áo ra mà thấy có xăm mình đều được y “phạng” cho mấy ba-trắc vào lưng, vào vai để “dằn phèn”. Còn khi xuống khám y tế, vô phúc thằng nào bị phát hiện có “xỏ hầu, lận bi…” thì được “ăn ba-trắc” thêm nữa, có khi còn bị quất ngay chỗ đó, rống lên như bò rống. Tay bác sĩ rít lên the thé “cây hàng của nó to như thế này… đủ làm các bà các cô chết mẹ rồi… nó còn lận thêm cả chục viên bi nữa… này thì ông cho mày lận bi này…”.
Cái vụ “xỏ hầu, lận bi…” này khá phổ biến, đó là chiêu của mấy “dân chơi” dùng để quyến rũ các bà góa sồn sồn, các cô gái làng chơi…
“Xỏ hầu” là lấy một sợi lông ngựa xuyên qua chỗ ấy, có khi còn dùng cả thanh nhựa xỏ xuyên qua, lắp thêm hai cục bi nhựa hai bên gọi là “xỏ tạ”, một thanh thì gọi là “đơn đao phó hội” hai thanh thì là “song kiếm hợp bích”. Còn “Lận bi” là lấy mấy viên nhựa mài thành những viên bi tròn nhỏ rồi mổ chỗ ấy ra lận vào, có thằng lận cả chục viên, khi cương lên nhìn cứ như là đầu con kỳ lân. Những viên bi hay lông ngựa này sẽ xát vào trong âm đạo người đàn bà tạo thành những lằn, những rãnh, mà kẻ khác không lận bi sẽ không bao giờ làm được. Những lằn rãnh này tạo cái ngứa, cái khoái cảm đặc biệt, khi không có nó thì không chịu nổi, vì thế nhiều bà, nhiều cô có nhu cầu tình dục cao bỏ cả gia đình, chồng con si mê đi theo thằng giang hồ không ra gì mà không ai giải thích được. Các bà thì mắc cỡ, đâu có dám nói thật là cái khoái cảm tột đỉnh đó làm mình tơi tả, giống như một trinh nữ lần đầu tiên được nếm trải mùi đời. Gia đình, hàng xóm thì đồn là “bùa yêu” này nọ, rước thầy bà về “giải thư, giải ếm” chỉ tổ tốn tiền mà chẳng được cái tích sự gì. Cái sự thật trần trụi đó chỉ có người trong cuộc mới biết, nhưng giấu kỹ, pháp sư có “ba đầu sáu tay” cũng chẳng làm cái đếch gì được. Sau này nhiều người còn qua Thái học được chiêu “bắn la-de”, làm cái đó khi cương lên nở to ra như bông “súp-lơ”, dùng cái tuyệt chiêu đó cộng thêm cái bản lãnh trải đời lọc lõi, cái tài ăn nói, nịnh đầm dẻo quẹo để đi dụ các bà góa sồn sồn đang độ hồi xuân, các bà tiểu thương ngoài chợ, các cô buôn bán đường dài… lắm tiền nhiều của nhưng thiếu thốn tình cảm, mấy ai biết được mà tránh?
Biết bao con người phải chôn vùi tuổi trẻ ở trong này, chôn vùi cuộc đời ở trong này, hẳn là cái nghiệp phải trả của kiếp này hoặc kiếp trước. Cuộc sống ở đây chủ yếu là lao động, một thứ lao động khổ sai thực sự. Có khá nhiều khâu khác nhau như thêu, mộc, xây dựng, làm đồng, làm vườn, trồng rừng, làm bếp, làm điều.v.v.. Năm giờ sáng là nghe tiếng kẻng bao thức, đầu tiên là ba tiếng thật to:
Keng… Keng… Keng …
Sau đó là một tràng cực dài… keng, keng, keng, keng, keng, keng… keng….
Nó là một cái điệp khúc ám ảnh ghê gớm, nếu không nói là suốt cuộc đời. Nghe tiếng kẻng lập tức phải bật dậy tranh thủ súc miệng, rửa mặt bằng cái thứ nước phèn chát chát, sau đó là xếp hàng điểm danh, bắt đầu cho một ngày làm việc nhọc nhằn.
Khổ nhất là vào mùa nước nổi, ruộng đồng nước ngập mênh mông, trời lạnh ngăn ngắt, răng va cầm cập, môi thâm sì sì mà phải lặn xuông dòng nước sâu để móc từng khối đất sét to tổ bố lên để đắp bờ. Vô phúc thằng nào mà móc cục đất nhỏ đưa lên thì ngay lập tức bị tay đội trưởng đứng bên trên cầm thanh cừ tràm dài vụt vào lưng thẳng cánh. Để làm gương, tay QG.Z đen thùi lùi như hòn than cũng phóng xuống nước, lặn sâu xuống móc từng khối đất sét cỡ năm chục ký đưa lên. Quản tù mà còn “quần quật” như vậy huống hồ là thằng tù, không phải làm như trâu như bò?
Đám chuyên “làm ruộng” sợ nhất cái lúc phải ban đất để cấy mạ, mỗi thằng phải đeo một cây gỗ hay cây chuối thật to, chạy phom phom trên đồng, đúng là cái cảnh “kéo cày thay trâu” thực sự, thằng nào mà chạy chậm lập tức bị “bố” QG ngồi trong lều chửi um sùm, nhiều khi kêu lại quất cho mấy hèo. Cũng may là mấy tay này ra đến ngoài đồng thường là xỉn rồi, chỉ mắc võng nằm ngủ, giao việc lại cho đám đội trưởng quản lý.
Xung quanh QG luôn có mấy thằng tù gọi là “Ba-vớ” chuyên điếu đóm, nấu nướng, giặt giũ, đấm bóp, hầu hạ như đám nô lệ - nhưng bọn này không phải lao động khổ sai và được “xào chẻ” kiếm thêm tiền – thông thường người tù, kể cả đám đại gia KT mới nhập trại muốn tiếp xúc với QG để lo lót cũng phải thông qua bọn này – Mấy tay QG chưa dám gặp trực tiếp tù lạ ngay, sợ bị “cài” nên cho bọn “ba-vớ” tiếp xúc trước để dò hỏi, xem ý định muốn được xếp làm khâu gì, khả năng chung chi đến đâu, gia đình như thế nào… bọn này nhiều khi còn dám ăn chặn, lâu lâu bị “chỏ”, tay QG tức quá lôi ra đập cho một trận “lên bờ xuống ruộng” bò lê bò càng ngay ngoài đồng.
Trong đám “ba-vớ” có thằng Ếch nổi tiếng với tài bắt chuột đồng, bắt lươn và bắt ếch, hôm nào bắt được nhiều thì thằng Ếch mang đi bán bớt, lấy tiền về cho QG, thu nhập mỗi ngày như thế lên đến cả mấy “xị”, bù vào cái tiền lương coi tù còm cõi. Hầu như các ở tất cả các khâu, được coi khâu nào cũng đều phải “xào chẻ” thì mới đủ sống, có tiền sắm ti vi, xe máy cho vợ con nó mừng. Vì là cuộc sống lâu dài nên QG và tù liên kết với nhau rất chặt chẽ để tồn tại, đó là một sự “cộng sinh” kỳ lạ. Mọi thứ đều phải mua bằng tiền, từ chức đội trưởng cho đến trực sinh, thư ký… muốn nghỉ ốm, nghỉ làm cũng đều phải tốn tiến cả. Môi trường rộng lớn này có những thế lực đen ngầm chi phối mà không ai dám nói ra.