Leo lên chiếc Toyota camry đời 96 của Lý Thông thì đã thấy Tư Hường ngồi sẵn ở băng ghế sau, xem ra chắc là có chuyện quan trọng thật.
Chiếc Toyota camry đời 96 của Lý Thông là chiếc xe mang về từ bên Miên, có một đường dây chuyên phù phép biến hóa những chiếc xe mang lậu từ Miên về thành xe hợp pháp. Khoảng hơn chục chiếc xe giống y như của Lý Thông cùng nhong nhong chạy trên đường, tất cả cùng chung một hồ sơ gốc, khi nào bị “xộ” thì sẽ có một người “phù phép biến hóa” “biến cái không thể thành có thể” là mọi việc đều tốt đẹp.
“Đi đâu mà gấp vậy anh Tư?” – “Tám Nghĩa nhắn xuống gặp y gấp lắm”.
Tám Nghĩa hiện ở Mỹ Tho, vậy là phải xuống Mỹ Tho rồi.
Trong đầu ĐHC tự nhiên hiện ra một bóng người cao gầy, gương mặt khó đăm đăm, luân quách đều trễ xuống.
Trời tự nhiên đổ mưa, xe đến cầu Bình Điền thì có một người đã chờ sẵn, người này mở cửa xe leo tót lên ngồi cạnh Tư Hường. Y mặc áo mưa, che mặt kín mít nên chẳng biết là ai, còn Tư Hường thì dường như đã ngủ.
Đến ngã ba Trung Lương thì đã hơn bảy giờ tối, trời vẫn mưa như trút, trong xe hoàn toàn yên lặng bỗng người mới lên cất tiếng ca nho nhỏ:
“Đời còn gì vui hơn trong phút giây được yêu.
Đời còn gì đau thương khi lắng nghe tình vỡ.
Người tôi yêu đâu rồi, người yêu tôi đâu rồi…
Tình tôi đã chết rồi… “
Lý Thông phá lên cười khùng khục “ Bộ bị vợ bỏ hay sao mà ca bài này vậy cha?” –“Vợ bỏ rồi…bỏ thật rồi…” – người mới lên cất tiếng rất thẫn thờ, thẫn thờ…
Tư Hường đang ngủ say thốt nhiên thở dài “đời là bể khổ, chú theo anh đi tu luôn đi”.
ĐHC đã nhận ra người này, chắc là chuyện quan trọng lắm nên Tư Hường mới huy động lực lượng hùng hậu thế.
Trời mưa to quá nên xe chạy như rùa bò, đến thành phố Mỹ Tho, chạy dọc theo con lộ 4000 thì đã hơn tám giờ tối. Đến được nhà Tám Nghĩa thì thấy người đông kìn kịt, một cái hòm to tổ bố đặt ngay ngoài sân.
Không lẽ Tám Nghĩa chết rồi?
Như vậy là không kịp gặp rồi?
Đúng là Tám Nghĩa chết thật, xác còn chưa liệm nên không thể vào được, đành phải chạy xe tuốt lên nhà của bà BN thuộc xã ĐHP nghỉ tạm.
Căn nhà này là một căn nhà cổ, to vào bậc nhất xã, bề ngang khoảng hơn bốn chục thước, sâu cả trăm thước, cả hàng chục phòng, rộng mênh mông. Những cánh cửa, hoành phi, kèo cột đều làm bằng gỗ quý cả trăm năm mà không hề bị mối mọt, được chạm khắc rất tinh xảo. Hình chim sẻ đậu nhành mai, hoa cúc, dơi hay mây bay tầng tầng lớp lớp, kỹ lưỡng đến từng chi tiết mà thợ bây giờ e rằng khó có thể làm nổi. Nền nhà lót gạch tàu cỡ đại mà những viên gạch tới giờ này còn đỏ au, thẳng tắp, chưa bị lún. Giữa nhà còn có một cái hồ bán nguyệt ghép sành sứ nhìn lên xung quanh là những bức tranh tường vẽ theo lối “công bút” rất tỉ mỉ, những con cá chép rõ đến từng cái vảy, lá sen thì thấy cả những giọt sương long lanh… Tòa nhà này quả thật là một di tích cổ quý giá.
Phía sau nhà là cái sân rộng, sát ngay bờ sông, một cái nhà máy xay xát gạo đang xay tấp nập. Bà chủ nhà tỏ ra khá thân với Tư Hường, bà ta đúng là thuộc típ “đỏ da thắm thịt”, cao to, mập mạp, tính tình sởi lởi. Tin truyền miệng ở vùng quê phải nói là nhanh hơn tên lửa, chẳng cần phải hỏi, bà ta cũng kể chuyện “Tám Nghĩa chắc biết mình chết nên trưa hôm nay ổng mặc bộ bà ba trắng mới tinh, kêu cô con gái út nấu nồi cơm gạo thơm ăn với cá rô đồng kho tộ, canh bí. Sau đó ổng trải tấm chiếu mới lên tấm ván ngựa rồi nằm ngủ, đến chiều đứa cháu vào gọi mãi không tỉnh, lúc đó mới hay là ổng chết rồi”.
Tám Nghĩa có cả thảy bốn người con, vợ chết đã lâu, hai người con đầu đã ra riêng, ông ta sống với người con trai bị tật cà nhắc và con gái út là cô giáo tiểu học. Có một thời Tám Nghĩa cũng rong ruổi khắp miền Tây với Tư Hường, sau này tự nhiên ông ta chán đời, về nhà sống ẩn dật.
Mưa kéo dài mãi đến tận nửa đêm, đến khi vơi bớt hạt thì mới có người qua, đây chính là người sáng sớm hôm nay đã lên báo cho Tư Hường về gặp Tám Nghĩa gấp, chính là người con trai có tật cà nhắc. Sau vài câu thăm hỏi, anh ta đưa cho Tư Hường một cái bọc giấy “ba cháu dặn không được mở ra mà phải đưa tận tay bác” – Chờ cậu con ra về rồi, xung quanh không có ai, Tư Hường mới từ từ mở cái bọc giấy…
Chắc phải là vật gì quý lắm Tám Nghĩa mới bọc kỹ như thế, dễ phải đến hàng chục lớp giấy, cuối cùng thì cũng đến cái vật ấy… dưới ánh đèn vàng trong căn phòng nhỏ chỉ có bốn người, hiện ra một pho tượng vũ nữ bằng đất nung màu đỏ quạch thật tinh xảo, tầm cỡ này thì chỉ có ở những pho tượng cổ cực quý… chỉ đáng tiếc là nó lại là một pho tượng vũ nữ không đầu… Một vũ nữ bị cụt đầu…
Vũ nữ đang múa một vũ điệu gì đó, hai chân cô ta dang rộng ra, gối khụy xuống nhưng hai gót chân lại bắt chéo. Một tay uốn cong như con rắn còn tay kia giơ lên trên, hai bầu ngực tròn vo, cái bụng cũng no tròn, rốn sâu thăm thẳm, eo lưng ưỡn ra phía trước còn mông thì lại vểnh ra phía sau… Tư Hường cứ cầm pho tượng ngắm nghía mãi làm Ba Cao sốt ruột quá nói “Anh nói đại đi, có cái gì bí mật mà Tám Nghĩa trước khi chết lại gửi cái của nợ này chứ?”
Ba Cao chính là người mới bị vợ bỏ, y ốm nhom, nhỏ thó nhưng lại có biệt danh là Ba Cao vì y có một cái tài rất đặc biệt, đó là cái tài leo trèo nhanh như khỉ. Những cái cây cao chót vót, những vách đá dựng đứng, nhà lầu cao tầng, núi, đồi… trên những độ cao mà người khác nhìn xuống thấy chới với, thấy chóng mặt thì Ba Cao lại tỉnh bơ như không có gì. Những chuyện nguy hiểm, phức tạp, sinh tử thì Ba Cao coi như đồ bỏ, nhưng những chuyện tưởng như bình thường nhất thì lắm khi y lại rất vụng về, lúc Tư Hường xem bức tượng thì y cứ nhấp nha nhấp nhổm như là bị kiến cắn vậy.
Tư Hường nhìn mãi rồi y cũng đặt pho tượng lên bàn, Ba Cao liền chụp lấy gí sát mặt vào ngắm nghía, có điều cái cách y xem pho tượng khác hẳn Tư Hường, y xoay tới xoay lui, lắc lên lắc xuống, nhìn chắm chú vào cái cổ gãy của pho tượng, sau đó y đặt lại lên bàn, thở phì phì…
Vũ nữ có thân hình đẹp tuyệt vời, đường nét thật là khêu gợi, thật tiếc là lại không có cái đầu… một thân hình như vậy thì chắc gương mặt cũng phải tuyệt đẹp. Đường nét, vũ điệu hao hao giống như tượng trong các đền thờ của Ấn Độ, đền thờ của người Chăm, nhưng cũng không thật giống hẳn, vẫn có một cái gì đó khác biệt mà chưa xác định được là cái gì.
Pho tượng này dường như có một ma lực gì đó, nó làm cho không khí trở nên nghèn nghẹt rất khó chịu, Tư Hường bỗng vuột miệng nói sảng “các chú có bao giờ nghe kể về chủ nhân của ngôi nhà này không?” – Không đợi ai trả lời, y lẩm bẩm nói tiếp “ông ta cũng bị VM xử chém đầu, ở nơi đây có rất nhiều câu chuyện về ma không đầu…”.
Bây giờ đã hơn nửa đêm, trời lại đổ mưa ào ào, pho tượng vũ nữ càng trở nên lung linh, bí ẩn. Ngôi nhà cổ toát lên một mùi ẩm mốc và lạnh lẽo, một cơn gió lạnh từ đâu thổi luồn vào như chập chờn bóng hình của ai đó…
Cuối cùng thì Lý Thông cũng phá vỡ sự im lặng: “ Pho tượng không có đầu biết đâu lại đẹp hơn là khi có cái đầu “ – “ Có thể đúng, ví như pho tượng Venus de Milo, nếu gắn tay vào sẽ là thừa”.
Ông LS bị xử chém đầu, đầu một nơi, thân một nẻo – Khi gia đình mang về mai táng thì phải dùng một cái đầu bằng gỗ thế vào. Sau lần ấy căn nhà này trở nên hoang tàn và cô quạnh. Ông ta có cả thảy mười tám người con, trong đó lại có tới ba người là theo VM, sau năm 75 họ cũng không quay về căn nhà cũ. Còn có mấy người con khác thì đi vượt biên qua Mỹ, chẳng còn ai quan tâm săn sóc đến cái nhà của tổ phụ, bà BN lại là người con dâu. Bi kịch của những gia đình người Việt có lẽ chỉ những người Việt mới có thể hiểu được, những ám ảnh của quá khứ sẽ còn tồn đọng mãi trong tâm trí, phải qua nhiều thế hệ may ra mới lãng quên được.
Sáng hôm sau phải đánh xe ra tận thị xã mua một cái vòng hoa tang để viếng ông Tám Nghĩa, trên đường về thấy còn sớm, e gia đình chưa liệm xác xong nên cả đoàn ghé vào thăm chùa Vĩnh Tràng. Đây là một ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Nam bộ “Vĩnh cửu đối sơn hà, Trường tồn tề thiên địa”, hôm đó các sư đang họp trong chánh điện để tụng kinh, nên được nghe tiếng kinh vang vọng, ngân nga cả không gian.
Mặt trời gần đứng bóng thì cả đoàn mới tới nhà Tám Nghĩa, ông ta đứng tới thứ tám trong nhà, hiển nhiên còn có nhiều người nữa: Hai Hiền, Ba Thiện, Tư Tốt, Năm Lành, Sáu Trung, Bảy Hiếu… rồi Chín Lễ, Mười Trí, cuối cùng là Út Tín.
Tuy gia đình thì đông như vậy, nhưng trong số anh chị em chỉ có mỗi bà Chín Lễ. Bà ta thật giống Tám Nghĩa, cũng gương mặt đăm đăm như vậy, cũng có bộ luân quách trễ xuống y như vậy, bà ta nom thật già nua và xấu xí.
Ngày xưa Năm Lành cũng theo VM, ông ta bị thực dân Pháp bắt tra tấn dã man, không chịu nổi đòn thù, cuối cùng ông đã khai ra những người đồng đội. Bốn người VM bị Pháp bắt ra xử chém, trong đó có Tư Tốt và Bảy Hiếu.
Đây là xứ sở của những linh hồn không có cái đầu.
Năm Lành sau vụ đó bị VM tuyên án tử hình, ông ta trốn biệt về SG, vĩnh viễn không bao giờ xuống Mỹ Tho nữa, đám tang Tám Nghĩa lần này ông ta cũng không về.
Con cháu cũng còn khá đông, bà con láng giềng qua viếng cũng nhiều, so với anh em trong nhà thì Tám Nghĩa chết như thế là êm đềm nhất.
Đến hôm sau thì động quan, một hàng Đạo tỳ áo đen quần đen viền vải trắng, đội kết trắng viền đen và mang giày bố đen đi theo hàng đôi từ từ tiến vào đến trước Bàn vong. Sau đó thì dàn kèn và trống nổi lên, Đạo tỳ bái quan, lạy 4 lạy sau đó đứng hai bên quan tài.
Chấp sự cầm cặp đèn cầy giơ trước trán, ông ta lạy bốn lạy trước quan tài, sau đó lạy bốn phương tám hướng, múa cặp đèn cầy tới lui nom thật điệu nghệ. Điệu nhạc Nam ai bắt đầu nổi lên, Đạo tỳ sắp hai bên bắt đầu khiêng bổng chiếc quan tài lên, ra đến bên ngoài họ quay quan tài lạy về nhà cũ bốn lạy, lạy tứ phương bốn lạy, sau đó tay chấp sự rót một chung rượu trắng đặt lên trên nóc quan tài, việc khiêng chiếc quan tài này dù qua những đoạn đường khó khăn cỡ nào tuyệt nhiên cũng không được để đổ ly rượu. Việc khiêng quan tài ra tuốt ngoài ruộng khá gian nan, phải nói Đạo tỳ dưới vùng quê làm việc này thật hay, ly rượu không sánh ra lấy một giọt, đến chỗ hạ huyệt thì tay chấp sự lại nhảy múa một bài xung quanh ngôi mộ rất chi cầu kỳ, phức tạp.
Phút cuối thì hai thầy chùa tụng Kinh Hạ Huyệt 3 lần, tụng Vãng Sanh Thần Chú 3 lần, chiếc quan tài trong đó có Tám Nghĩa từ từ đưa xuống đất. Đến lúc này thì đám thợ khóc mướn mới trổ tài khóc như mưa sa bão táp, họ vừa khóc vừa kể làm náo loạn cả lên. Đám này hẳn là do bà Chín Lễ mướn tới, bà ta cũng cố gắng lắm mà không rặn ra được giọt nước mắt nào. Khóc đâu phải chuyện dễ, đó là cả một nghệ thuật, ngày xưa Lưu Bị nhờ có tài khóc đúng lúc mà lấy được cả thiên hạ, hay Đắc Kỷ chỉ cần mắt long lanh ngấn lệ là biết bao anh hùng hào kiệt đành buông kiếm?
Chỉ sợ đám thợ khóc này khóc lóc quá mức làm Tám Nghĩa đội mồ chui lên thì khốn, nhưng điều đó không xảy ra, ông ta yên lặng ra đi mà chẳng nhắn gửi một lời gì cả?