Đại hồng cát truyện

Chương 5 (G)

Có một người bạn nói rằng Tư Hường nổi tiếng là kẻ “đào sâu”, đến bây giờ mới thấy được điều đó. Tiền đã hết rồi mà cứ phải đào sâu xuống mãi, bây giờ không phải đào vì tiền nữa mà là vì danh dự. Khi đào sâu đến năm mét thì Tư Hường linh cảm thấy điều gì đó, y chăm chú nhìn Tiến Chài, sau đó lại nhìn Thắng Còi…

Y không nhìn Bình Sứt vì nó không có ở đó, nó đã chết rồi.

Cái chết của Bình Sứt không ảnh hưởng gì nhiều lắm đến cuộc đào vì nó chết ở ngoài hồ, nhưng những lời đồn về con ma cây Gạo thì ngày càng ám ảnh.

Ám ảnh đến mức cả Tiến Chài lẫn Thắng Còi đều hoảng sợ xin nghỉ. Xem ra những thế lực đen tối xuất phát từ cõi giới vô hình luôn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người trần thế.

Sáng sớm hôm đó khi mặt trời chưa mọc, âm khí còn tràn ngập,Tư Hường lấy một cái nhẫn cổ đen thui treo thành sợi dây dọi. Chiếc nhẫn này rất đặc biệt, chỉ nhỏ vừa đủ đeo vào ngón tay út, làm bằng một chất có tên dân gian là “đồng lửa”, màu đen sì, rất nặng, tuy nhiên nó không phải là đồng đen nhưng cách bảo quản cũng tương tự. Thông thường người ta dùng mỡ bò bọc nó lại và đựng trong một cái hộp bằng sừng hay ngà voi, không bao giờ được cho nó tiếp xúc trực tiếp với mặt đất, vì nếu đặt sát mặt đất lâu ngày dần dần nó sẽ không còn được nhạy cảm nữa. ĐHC và Cả Quận đứng hai bên đường đào, trên vai là một cây gỗ tròn to bằng bắp vế, chính giữa treo sơi dây dọi có chiếc nhẫn, sau đó cả hai bắt đầu đi từ từ dọc theo những đường đã đào sâu năm mét. Do tác động không đồng đều của các tia đất, cái nhẫn cứ đưa qua đưa lại, quan trọng là khi đi phải thật chậm, thở thật đều và thật nhẹ, trong đầu không được suy nghĩ gì cả nếu không sẽ làm chiếc nhẫn bị nhiễu, nó sẽ dự báo sai lệch. Cứ đi như thế, đến một chỗ tự nhiên chiếc nhẫn dừng lại và quay tít, dường như có một cái gì đó đã hút nó ở phía dưới…

Căn nhà của Cả Quận là một căn nhà cổ, nó được xây dựng theo thuật phong thủy một cách tỉ mỉ. Nóc nhà nhìn úp úp như cái mai rùa, phía dưới những cái chân cột nhà đều chạm hình móng rùa, còn cửa chính căn nhà hướng về phía bắc theo tượng Huyền Vũ, có lẽ nhờ cái tượng này mà Cả Quận thoát chết thời cải cách. Nếu là đền thờ thì cửa chính sẽ phải hướng về phía nam. Quan trọng nhất là cái trụ ở trước cửa chính. Cái trụ ấy lâu ngày đã bị phá mất, Tư Hường loay hoay dò dẫm suốt chính là y đang cố tìm cái trụ đó. Trước cửa chính có thềm đá xanh, thềm đá tuy lâu ngày nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Phía sau vườn có một cái hầm, Cả Quận nói đó là cái hầm đào để tránh bom vào năm 65 – 66 gì đó. Dãy tường cổ phía sau nhà đã bị lấn chiếm từ lâu và bây giờ phải dùng cây dâm bụt làm hàng rào tạm. Thành ra Huyền Vũ bây giờ chỉ còn một nửa hình tượng, nếu may mắn thì cái chỗ mà chiếc nhẫn xoay tít đó có thể chính là “Trụ”. Có được “Trụ” rồi thì từ đó có thể tìm ra Thanh Long, Bạch Hổ và Chu Tước. Tư Hường đã đứng hàng giờ để ngắm nhìn một tấm hoành phi cổ trong nhà Cả Quận, tấm hoành phi đó có hình Chu Tước.

Trưa  hôm đó thì khởi sự cho lấp lại tất cả, cuộc đào xem như thất bại, bọn Tiến Chài và Thắng Còi chắc chắn sẽ truyền tin tức này khắp đầu trên xóm dưới.

Buổi trưa cô Quý nấu món canh riêu cua đồng với rau đay, ăn tô canh nóng vàng rượm riêu cua vừa thơm vừa ngọt, có trái cà pháo và dưa cải muối dòn tan, bữa cơm chia tay ngon tuyệt vời.

Cô Quý muối dưa cải và cà pháo nổi tiếng cả làng.

Cái khạp muối dưa của cô là do u để lại, nếu dùng cái khạp khác thì dưa cũng  không ngon bằng. Cả hòn đá để dằn dưa cũng chỉ được một mình cô Quý đụng tới, nếu có bàn tay lạ sờ vào thì mẻ dưa lần đó sẽ không được ngon. Cô Quý không dùng đường mà lại dùng cây mía lau để lèn chặt giữa các bẹ dưa nên vị dưa rất lạ, thơm và ngọt. Nghe nói người càng thanh cao thì vị dưa muối càng thanh tao, có lẽ vì thế mà cà và dưa của Cô Quý là một món ăn đơn sơ nhất mà cả làng đều thèm muốn… chả trách mà Bình Sứt khi còn sống cứ nhắc đến mãi.

Trước khi chia tay, Tư Hường nói với Cả Quận “đến mùa chim sẻ về thì hãy khởi sự đào tiếp”…

Ba Nửa chết vì rượu hay là vì đụng đến cái mả cổ, điều này chưa biết chắc nhưng đã phải ngưng đào vài ngày, nhiều khi có thể phải ngưng vĩnh viễn.

Cái hòm của Ba Nửa đặt chình ình trong trụ sở xã đội, bản nhạc hồn tử sĩ từ cái cát xét lâu ngày đã bị nhão ngân nga nghe thật thảm não “đêm khuya âm u….ma đánh đu trên nóc nhà…tòng teng…”.

Ba Nửa tuy nghèo nhưng y chết bất đắc kỳ tử nên cũng có khối kẻ tò mò đến viếng để xem hư thực, bên ngoài đã nghe phong phanh đồn đại trong dân về lời nguyền dành cho những kẻ dám động vào ngôi cổ mộ.

Nhân lúc phải ngưng vài ngày, Tư Hường và ĐHC tranh thủ qua bên phía tây  của khu mộ cổ, vào gặp tay chủ nhà vẫn còn chưa hết hồn vía vì lần đào trước, thuyết phục y mãi, sau cùng phải chi ra một ít tiền thì tay chủ nhà mới dẫn cho xem chỗ mà bọn Huỳnh Đỏ đã từng đào.

Đó là một cái hố đã bị lấp lại một cách sơ sài nên có thể hình dung được bọn Huỳnh Đỏ đã đào như thế nào. Bọn này đào đến đâu thì dùng tôn chắn đến đó để cát không tràn xuống, đục xuyên qua khoảng ba lớp đá ong dày thì đến được trung tâm của ngôi mộ… nếu không nắm được cấu trúc của ngôi mộ thì chắc chắn không thể đào được như vậy, một đường đào vô cùng chuyên nghiệp, hơn nữa phải có máy khoan xuyên đá mới có thể làm được, loại máy này ở VN chưa có, chắc mấy tay Đài Bắc mang lậu từ nước ngoài vào. Bọn Huỳnh Đỏ không thể đủ trình độ để đào được như vậy, chắc chắn một trong hai tay Đài Bắc là tác giả của đường đào này, có thể chính là tay đã bị xe tải tông chết… Xem chừng cái chết của y không ngẫu nhiên chút nào, và tay còn lại bỏ của tháo chạy về nước cũng là phải rồi, ở lại có khi cũng về chầu ông bà sớm. Không thể hỏi tay chủ nhà là bọn Huỳnh Đỏ đã thấy những gì, đã lấy đi những gì… bởi vì hoặc là y không biết, hay biết cũng không bao giờ dám nói.

Buổi chiều hôm đó có một người lạ mặt đến tìm ĐHC, y gầy gầy, đi đôi dép lẹp xẹp, mặc một bộ đồ cũ xì, nói giọng Quảng Bình “có rất nhiều đơn kiện các ông, có một cái đơn tố cáo mấy ông đào được một pho tượng phật vàng nặng cả chục ký mà ém cất đi không báo cáo chính quyền…”. Người này trong quá trình đào đã từng thấy y xuất hiện mấy lần, lẫn vào mấy người dân đến xem. Thực ra việc thuê mấy tay DK xã không phải để đào đất mà là để canh chừng dân đào thuê là chủ yếu, cao điểm có khi lên đến cả trăm người đào trong ngày, đều là dân tứ xứ, nếu không có DK thì khó có thể quản lý trật tự được. – Tay Quảng Bình nói tiếp “tôi hầu như theo dõi suốt nên biết chắc là không có chuyện đó…” – Tay này chắc thuộc ban nội chính…, những vụ lớn, dính líu đến các quan chức tầm cỡ, đến CA hay QĐ đều là do cái ban này triệt phá, trong ban tập hợp những người có thể nói là tinh hoa nhất của cơ chế…Tay Quảng Bình này chắc cũng muốn kiếm chút cháo, chỉ tiếc là nồi cháo của Tư Hường giờ đã cạn, may ra còn được cái tộ kho quẹt thì quá mặn… chắc là y đang lần theo dấu một đường dây buôn đồ cổ, có thể dính cả đến cái mả cổ… mà trong đó Sáu Ri cũng rất sáng giá. Sáu Ri tên là Nguyễn Văn Ri, con của Nguyễn Văn Rạng, cháu của Nguyễn Văn Rô, ba đời thuộc dòng dõi gốc gác… Trời đánh bảy búa mà Sáu Ri còn chạy lúp xúp, lúp xúp thì thử hỏi có việc gì mà y không dám làm?

Hai Đụi có một gương mặt rệu rạo, nhăn nhúm, bèo nhèo như cái mền rách. Y ốm cà tong cà teo, suốt ngày say xỉn như Ba Nửa, một thời nào đó Hai Đụi cũng là một người du kích thật sự, bàn chân từng dẫm lên gai nhọn, đạp trên đá cứng, từng nằm đất phơi sương, lướt đi dưới làn đạn. Thỉnh thoảng hôm nào không say, trong lúc mọi người đào thì Hai Đụi rảnh rang ngồi phía trên cũng kể nhiều chuyện quá khứ vào sinh ra tử của y rất hấp dẫn, như chuyện “Cọp xám Bình Long” chẳng hạn:

Cọp Bình Long có bộ lông màu xám tro, nặng cỡ chừng 80 đến 120 ký, con to lắm cũng chừng 150 ký là hết cỡ. Có điều tuy nhỏ nhưng cọp xám Bình Long lại rất dữ và nhanh nhẹn phi thường. Do chiến tranh ác liệt, bom đạn ầm ầm nên dần dần cọp xám Bình Long trở nên quen thuộc, không hề sợ hãi khi nghe tiếng súng, tiếng bom nổ mà ngược lại mỗi lần nghe thấy chỗ nào có đánh nhau, súng nổ đì đoàng là cọp xám Bình Long lại mò tới để bắt thương binh đang nằm một chỗ không chạy được hay lính mới vừa chết trận xác hãy còn nóng mang vào rừng sâu ăn thịt. Ăn thịt người riết trở nên ghiền nên cọp xám Bình Long càng ngày càng trở nên hung dữ, cứ nghe tiếng súng ở đâu là lại kéo nhau mò tới.

Lần đó trong trung đội DK có Tám Ngàn, cao gần thước chín, vai u thịt bắp, chuyên gánh cơm cho anh em. Anh ta có sức khỏe phi thường, có thể vác ba hòm đạn trên vai mà vẫn chạy như bay. Trong lần chống càn ở Bình Long, Tám Ngàn và Tư Theo có nhiệm vụ cáng thương binh mang về cứ. Đang gom được hơn bảy tám người đặt nằm một chỗ thì cọp xám Bình Long ở đâu xuất hiện, con này rất to… Tư Theo bất ngờ thấy con cọp lù lù hiện ra, sợ quá đứng đờ cả người, con cọp vụt nhảy tới tính vồ lấy một thương binh lôi vào rừng thì Tám Ngàn về tới liền xông đến chiến đấu với con cọp. Ban đầu Tám Ngàn có cây đòn vông trong tay nên chiếm lợi thế, phang con cọp tới tấp, lát sau cây đòn vông bị gãy nên đành tay không đánh nhau với con cọp. Do bị trúng phải một cái vả vào sườn, mất cả một mảng thịt, ra nhiều máu nên Tám Ngàn từ từ suy yếu, cuối cùng anh ta bị con cọp cắn vào gáy, quăng lên lưng cõng chạy vào rừng mất hút. Khi toán DK Hai Đụi trở về thì chỉ còn thấy Tư Theo đứng cứng ngắc như người chết rồi, anh ta không nói được, ú ớ đưa tay chỉ vào trong rừng… toán DK liền xông vào rừng thì không còn kịp nữa, cọp xám Bình Long đã ăn hơn một nửa người của Tám Ngàn rồi…

Tuy nhiên không phải lúc nào cọp xám Bình Long cũng chiến thắng, đó là lần DK bị càn quá phải rút sâu vào rừng. Trong lúc chỉ còn có mấy thương binh và hai cô y tá ở lại trong lán thì cọp xám Bình Long lại mò tới, có lẽ nó khoái thịt phụ nữ hơn hay sao mà lần này thay vì bắt thương binh thì nó lại chụp lấy chân một cô y tá lôi đi, cô này la hét dữ dội, có anh thương binh chợt tỉnh liền ráng chồm đến níu lấy cô y tá, giằng co với con cọp. Cô còn lại đang giặt quần áo, mùng mền dưới suối nghe tiếng la liền chạy lên phóng luôn một đá trúng ngay bụng con cọp. Cọp xám Bình Long bị một đá chắc là rất đau nên nó bỏ cô kia ra, quay lại tấn công cô này. Cô y tá này tên Xiếu, rất to khỏe, là con nhà nòi võ Tây Sơn, Bình Định… cô ta chỉ hai tay không, vừa vờn vừa đánh, vừa lùi dần xuống suối…

 

Cô Xiếu có mái tóc dài chấm gối, đen mượt… quần thảo với con cọp một hồi thì tóc cô xõa xượi, quần áo lúc thì bị móng cọp vụt phải, lúc thì bị vướng vào bụi gai nên rách te tua, người gần như trần truồng, da thịt tươm máu. Cọp xám Bình Long mắt thì nhìn thấy thân thể đàn bà ngồn ngộn, mũi thì ngửi thấy mùi máu người tanh nồng nên càng lồng lộn điên cuồng, lúc cô Xiếu vớ được một khúc cây thì đã lùi đến sát bờ suối… Bấy giờ bên bờ suối có mặt cát rất rộng nên con cọp tính đánh đòn quyết định, nó lùi lại, thu mình xuống, cái đuôi đưa qua đưa lại… còn bên kia cô Xiếu cũng kịp quấn mái tóc dài vào hai cánh tay, cầm chắc lấy khúc cây đưa ra phía trước, người hơi khum xuống. Con cọp thấy ngon ăn liền phóng tới, hai vuốt nó chụp lấy hai cánh tay cô gái nhưng bị mái tóc dầy của cô làm cho vướng víu, nó tính hả cái họng khổng lồ táp tới thì bất ngờ cô Xiếu ngả người, con cọp chưa kịp phủ lên thì bị trúng cú đạp bằng cả hai chân vào hạ bộ bật lộn tuốt qua phía bên kia bờ suối. Cọp xám Bình Long bị trúng phải cú đá trời giáng ngay chỗ nhược, nằm chết lè lưỡi dài cả tấc…