Quân du kích của MTDTGPMNVN lúc bấy giờ họat động rất mạnh, nên Thiếu tá “Nam” tạm dẹp ý định tiêu diệt Bảy Hổ, mà quay ra đối phó với VC. Bỗng một hôm đang ngồi trong tư dinh thì cánh cửa mở toang, Bảy Hổ từ ngoài đi vào, uy phong lừng lững……
Bảy Hổ bước vào, nhìn Thiếu tá “Nam” cười gằn gặn, y nói “Vĩnh Nam, hôm nay tao cho mày biết thế nào là sức mạnh của Bảy Hổ”. Nói xong, Bảy Hổ móc trong người ra một quả lựu đạn mini, đi ra ngoài sân “ nếu mày có bản lãnh thì cưa đôi với tao trái lựu đạn này”. Thiếu tá “Nam” như chết đứng, còn binh lính cũng bao vây xung quanh, súng đạn sẵn sàng nhưng ruột thì run như cầy sấy. Bảy Hổ giật chốt trái lựu đạn, đám lính hoảng vía nằm rạp hết xuống. Một tiếng nổ đinh tai nhức óc, qua cơn khói bụi mù mịt, mọi người thấy Bảy Hổ vẫn đứng sừng sững, cười ha hả…. Sau chuyện này, danh tiếng của Bảy Hổ trở nên như huyền thọai, đâu đâu cũng khiếp sợ và thán phục. Còn Thiếu tá “Nam” thì nhục nhã ê chề. Nhưng ông ta cũng chưa chịu thua, âm thầm vạch kế họach để đối phó với Bảy Hổ.
Sau bao cuộc tìm kiếm, cuối cùng Thiếu tá “Nam” cũng mời được một Đạo sĩ tu mấy chục năm trên núi Thất sơn xuống để trừ Bảy Hổ. Đạo sĩ là người Hán, vì bất đồng với nhà Thanh nên mới bỏ qua Việt Nam. Ông ta tu theo phái Côn Luân, lúc nhỏ luyện “Đồng tử công” nên thân thể cứng như sắt thép, đao thương bất nhập. Lại có thể tùy ý “xúc cốt” thu nhỏ người lại theo ý muốn. Sau này đạo sĩ luyện thành “Tiên thiên hỗn nguyên khí công” nên có thể ngưng tụ hơi thở, tạo thành sức mạnh phá tan tường đồng vách sắt….Đạo sĩ đồng ý xuất sơn tiêu diệt Bảy Hổ để trừ hại cho dân lành. Cuộc chiến của hai người đúng là trời long đất lở, cát bay đá chạy, suốt từ buổi sáng đến đêm khuya cũng chưa dứt. Sáng hôm sau trời quang mây tạnh, Thiếu tá “Nam” cho người lên núi thì thấy xác đạo sĩ mềm như bột nhão, cái đầu thì đã bị Bảy Hổ cắt mang đi rồi. Sau chuyện này, Thiếu tá “Nam” không bao giờ còn có ý tiêu diệt Bảy Hổ nữa mà để mặc y tung hoành ngang dọc. Không việc gì mà Bảy Hổ không dám làm, không tội ác nào Bảy Hổ không dám nhúng.
Một hôm khi đang ngồi bên bàn làm việc, bỗng có tên lính vào đưa cho Thiếu tá “Nam” một cái bọc nhỏ. Tên lính nói “có một nhà sư gửi cái này cho thiếu tá”. Thiếu tá “Nam” mở ra xem thì thấy đó là một pho tượng la-hán nhỏ, bằng đất nung bán đầy ngoài chợ. Tên lính nói tiếp “nhà sư đó nói là pho tượng này có thể giết được Bảy Hổ”. Nhìn pho tượng, Thiếu tá “Nam” bất giác bật cười ha hả - Súng đạn Huê kỳ hùng mạnh như vậy, tài nghệ Đạo sĩ phi thường như vậy mà còn không giết được Bảy Hổ, huống hồ là cái pho tượng tầm thường này - Thiếu tá “Nam” tiện tay để luôn pho tượng bên bàn làm việc, mọi việc rồi cũng quên bẵng đi, không ai còn nhắc đến nữa.
Bảy Hổ sau cuộc đại chiến với đạo sĩ phái Côn Luân, mặc dù chiến thắng nhưng cũng bị thương trầm trọng. Bị đạo sĩ đánh mù hết một mắt, Bảy Hổ trở thành Hổ chột càng trở nên ác độc vô cùng. Dưỡng thương phải hơn nửa năm mới lành, Bảy Hổ nghĩ không phải ngẫu nhiên mà đạo sĩ tới tìm mình, cuối cùng y cũng biết là do Thiếu tá “Nam” mời tới thì vô cùng căm tức. Y nghĩ nếu giết thiếu tá “Nam” thì cũng không hả được mối thù mà như vậy thì dễ cho ông ta quá nên Bảy Hổ rình rập chờ cơ hội để ra tay một cách tàn độc nhất.
Cái ngày ấy rồi cũng đến,đó là cái ngày mà con gái Thiếu tá “Nam”trên Sài Gòn xuống thăm cha….
Tuy rất bận nhưng thiếu tá “Nam” cũng dành cả một buổi tối để hai cha con có dịp ngồi tâm sự. Đang nói chuyện thì Bảy Hổ lù lù xuất hiện, hiển nhiên đám lính bảo vệ đã bị đập chết hết rồi. Là một quân nhân nên Thiếu tá “Nam” lúc nào cũng mang theo súng, ông móc khẩu Rulô bắn liền 5 phát, đạn trúng vào người Bảy Hổ chẳng ăn thua gì, y chỉ cần gạt nhẹ một cái là Thiếu tá “Nam” văng tuốt ra xa, đầu đập vào tường choáng váng. Bảy Hổ chụp lấy cô con gái của Thiếu tá “Nam”, xé toạc quần áo. Y muốn hãm hiếp và giết chết cô gái trước mặt thiếu tá để ông ta đau khổ tột cùng. Bất lực trước cảnh tượng đó, Thiếu tá “Nam” ráng sức đưa khẩu Rulô bắn phát đạn cuối cùng, viên đạn trúng vào người Bảy Hổ, bật văng vào vách tường rồi lại dội ra trúng luôn vào pho tượng La-hán để trên bàn, đổi hướng bay xuyên luôn vào con mắt chột của Bảy Hổ, chui tuốt vào trong đầu.
Bảy Hổ ráng phóng được về núi Cấm, trao lại tấm bùa “Thiên Linh, Thiên Nhãn” cho một trong mấy người vợ của y rồi mới chịu chết. Người đàn bà này sau đó trốn qua Miên……
ĐHC ngồi trong một cái am nhỏ trên núi Thất sơn, hỏi Thạch Holk “Ông thấy Mười Hổ so với Bảy Hổ thì như thế nào?” - Thạch Holk nói “Mười Hổ có năm điều hơn Bảy Hổ”- “Ông có thể nói cho tôi nghe được không” - “Ông nghe rồi thì nhớ là phải quên đi, có như vậy may ra ông mới dám đứng trước Mười Hổ”
-Thứ nhất: cặp “Thiên Linh, Thiên Nhãn” bây giờ mạnh hơn lúc trước nhiều vì nó được tắm thêm máu của Bảy Hổ.
-Thứ hai: Bảy Hổ là tên thất học, ngu dốt – còn Mười Hổ tốt nghiệp đại học, có bằng bác sĩ do Pháp cấp đàng hoàng. Y nói được 4 thứ tiếng Anh, Pháp,Việt, Miên. Tầm suy nghĩ sâu xa hơn Bảy Hổ nhiều.
-Thứ ba: Bảy Hổ chỉ là tên cướp núi bị chính quyền truy nã. Còn Mười Hổ nay là Giám đốc Công ty XNK nông thủy hải sản, lúa gạo. Giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị, mặc áo Veston, xách cặp táp, đi xe Mercedes, lên xuống Sài Gòn hội họp, ra nước ngoài như đi chợ. Nhiều khi còn lên tivi báo cáo điển hình nữa.
-Thứ tư: Bảy Hổ là kẻ Đại ác, mở miệng ra là nói chuyện tàn ác như giết, cướp, hãm hiếp nên mọi người biết mà tránh xa – Còn Mười Hổ thì ngược lại, mở miệng toàn nói chuyện nhân nghĩa đạo đức. Sau lưng thì giết người nhưng trước mặt thì toàn làm chuyện từ thiện. Thâm chí còn được chính quyền tặng bằng khen nên nhiều người tìm đến kết thân với y.
-Thứ năm: Bảy Hổ kiêu căng, ngạo nghễ đi đâu cũng chỉ hành sự một mình nên rất bất lợi – Còn Mười Hổ đàn em rất nhiều, ngoài cả trăm nhân viên trong công ty, Mười Hổ còn có nhiều đệ tử giang hồ sẵn sàng vì y liều chết.
ĐHC hỏi “Mười Hổ có phải là con của Bảy Hổ không?” – Thạch Holk cười nói “việc này chỉ có mẹ của y mới biết được chính xác. Nhưng Mười Hổ giống Bảy Hổ ở sự tàn bạo, độc ác, hơn Bảy Hổ ở chỗ nham hiểm, thâm độc, vì thế nhân gian mới có câu “Mười Hổ độc hơn rắn hổ” là như vậy.
Trời bắt đầu chuyển về chiều, những đàn két về tổ bắt đầu kêu vang rừng núi. ĐHC nhìn ra xa xa, một cảnh trời mây sông núi thật là tuyệt đẹp. Ôi chao, ước gì rũ bỏ hết mọi bụi trần, được bình yên mà tu tâm trên núi như ông Thạch Holk này…..
Đêm xuống thật nhanh, Thạch Holk nấu một nồi cơm gạo trắng mời ĐHC. Ông ta quanh năm suốt tháng ăn cơm với muối, hôm nay đặc biệt có khách nên nấu thêm một tô canh đậu hủ trần. Bữa cơm đạm bạc nhưng thật ngon miệng, ĐHC hỏi “những đệ tử của Mười Hổ thì như thế nào?” Thạch Holk nói “Có 4 người là quan trọng nhất” - Đó là “Lâm Dơi, Sơn Cẩu, Huyền Hòm”, ba người này khét tiếng ở Long Xuyên và Châu Đốc. – “thế còn người thứ tư?” – “người này không ở đây, bà ta ở bên Miên” – “đó là một người đàn bà?” – “đúng, là kẻ ghê gớm nhất trong số những đệ tử của Mười Hổ ”.
“Lâm Dơi thì như thế nào?” – “ Y tên thật là Lưu Đại Lâm, trùm vùng Châu Đốc, ngày ngày chỉ ngồi thâu tiền bến bãi, tiền nhang đèn cúng kiếng cũng đủ có bạc tỷ,…..Sở dĩ y có biệt hiệu là Lâm Dơi vì trên ngực có xăm hình một con dơi cực lớn đang hút máu. Lâm Dơi không biết chữ nhưng bù lại liều lĩnh và tàn bạo không thua gì Mười Hổ”.
“còn Sơn Cẩu thì như thế nào?” – “nghe đồn y là em cùng cha khác mẹ với Mười Hổ, Sơn Cẩu chuyên tổ chức các vụ cướp đường thủy, buôn người qua biên giới. Cái tài đặc biệt của Sơn Cẩu là lặn nước như rái và phóng dao nhanh như chớp”.
“thế còn Huyền Hòm?” - Thạch Holk không nói gì, ông cởi áo ra, ĐHC kinh ngạc vì là một nhà tu mà trên ngực ông ta lại có xăm hình, mà lại là hình một cái hòm….
Thạch Holk nói “Huyền Hòm cũng có một cái hình y hệt như thế này” – ĐHC nhìn cái hình trên ngực Thạch Holk, một cái hòm đen sì sì nhìn từ phía trước, trên có một ngọn đèn cầy leo lét, xung quanh mờ mờ như có 6 người đàn bà tóc xõa, có một hàng chữ Miên phía dưới nhưng đã bị người dùng lửa xóa bỏ. Thạch Holk nói tiếp “nhìn kỹ thì mới thấy cái hình của Huyền Hòm ngọn đèn cầy nằm ở phía bên phải, còn của tôi nằm ở phía bên trái” – “Thì ra hai người là tả hữu hộ pháp?” – Thạch Holk thở dài nói “phải, hai mươi năm trước tôi và Huyền Hòm cùng theo phò Mười Hổ” – Thảo nào mà Thạch Holk biết rành về Mười Hổ như vậy, bây giờ ông ta đã từ bỏ Mười Hổ, trốn lên núi tu hành, cũng là một điều may cho ông. – “Hồi đó tôi và Huyền Hòm chuyên qua bên Miên chở gỗ lậu về cho Mười Hổ, mỗi chuyến chở bằng ghe chài hàng trăm xích-te gỗ quý, ông ta giàu lên là nhờ chuyện này. Mười Hổ cho xăm đạo bùa này vào ngực tôi và Huyền Hòm là để khi đi vào rừng cọp beo rắn độc thấy thì sẽ bỏ đi, còn nếu bị lạc hay bị nạn trong rừng thì Mười Hổ sẽ biết mà tới cứu”. – Thạch Holk nói tiếp “Mười Hổ gọi đạo bùa này là Lục Linh, ý chỉ 6 người đàn bà mờ mờ đang khiêng hòm. Còn cái hòm tượng trưng cho lòng trung thành tuyệt đối với Mười Hổ cho đến lúc chết. Khi tôi từ bỏ Mười Hổ, tôi phải vào chùa sám hối và dùng một thanh sắt nung đỏ xóa đi những dòng chữ này vì nếu dòng chữ còn thì tôi sẽ không bao giờ thoát khỏi ông ta. Sau khi xóa chữ, tôi bị ốm tưởng chết, may có một đạo sĩ cứu. Từ đó tôi nguyện tu ở trên núi này, mười mấy năm nay chưa hề bước xuống chân núi”.
“Nếu muốn tiếp cận với Mười Hổ thì ông cần phải gặp Huyền Hòm trước – Thạch Holk nói – Huyền Hòm hiện là chủ công trường khai thác đá. Tôi có thằng cháu tên Thạch Nguôn, hiện đang làm nghề vác đá thuê, nó sẽ dẫn ông đi”.
Mấy hôm sau, ĐHC và Lạc “mả” cùng lên Châu Đốc để tìm bà Chín V, nếu gặp được bà ta sẽ biết được ngôi chùa Miên ở đâu, có khi may mắn còn biết được người bán pho tượng là ai…. Không dè tiệm vàng của bà ta đã đóng cửa từ lâu, hỏi loanh quanh cánh xe ôm thì được biết bà Chín V hình như “dính” vào một vụ buôn lậu vàng lớn lắm nên đã bị CA An Giang “lượm”, hiện đang ở “Khám Lớn”. Hy vọng tìm được bà Chín V tắt ngóm, bà ta đang bị tạm giam thì còn lâu mới gặp mặt được. Đành phải đi núi Cấm để tìm gặp Huyền Hòm, nghe đến tên người này, Lạc “mả” xanh mặt, y từ chối khéo “ để em qua bên Ba Chúc nghe ngóng tin tức xem sao”.
Công trường khai thác đá thật ồn ào, tiếng giựt mìn, tiếng xe ben, tiếng đập đá, tiếng chửi thề……hòa trộn tạo thành một thứ âm thanh đinh tai nhức óc.
Thạch Nguôn dẫn ĐHC đến khu lán của Huyền Hòm, y đang nằm trên chiếc võng, xung quanh có ba đệ tử. Nghe nói có người của Thạch Holk đến, Huyền Hòm tỏ ra rất niềm nở, y mời ĐHC ngồi xuống, cùng uống rượu. “Lâu lắm rồi đệ không nghe tin của huynh ấy, anh em hồi xưa lúc nào cũng sống chết có nhau”.
Trời nắng chói chang, Huyền Hòm đứng lên, cao sừng sững, dễ phải đến 1m9. Y cởi trần, da đỏ như màu đồng hun, trên ngực có xăm hình cái hòm y như hình trên ngực Thạch Holk thật, nhưng dòng chữ Miên thì vẫn còn nguyên như minh chứng Huyền Hòm vẫn là đệ tử trung thành cho đến chết với Mười Hổ. Huyền Hòm đầu vuông, mặt vuông, vai vuông, tay vuông, chân vuông, cả người y cái gì cũng cho người ta cái cảm giác là vuông chằn chặn. Y đi chân đất, bàn chân y to và dày khủng khiếp, nhìn là biết “đã dẫm nát bao cát đá”. Còn bàn tay của y chắc còn lớn hơn cả bàn chân……nó gân guốc, sần sùi, chai sạn, chắc là cả núi đá “đã đi qua” bàn tay này. Huyền Hòm đi ra ngoài, sau đó y quay lại ngay, tay xách một cái can to sụ “hôm nay anh em mình phải uống hết can rượu này để mừng huynh Thạch Holk vẫn còn sống khỏe”.
Cuộc nhậu đến gần xế chiều mà khí thế vẫn còn bừng bừng, ba tên đệ tử của Huyền Hòm uống cứ như hũ chìm. Một đứa tên “Bình ngố” cất giọng - “…Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi, đường dài mịt mù em chưa đến nơi, mây nước còn cơn lửa binh, khóc than chi chuyện chúng mình, nói nữa cho thêm tội tình,…. trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn….nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà…Bạn tình ơi đừng có hoài công mòn mỏi đợi chờ……”- tiếng vỗ tay, tiếng gõ ly rầm rập - Huyền Hòm hứng chí chỉ cái bao xi măng 50kg dựng phía trước lều nói “mấy thằng vác đá thuê ở đây thằng nào cũng phải dùng một tay nhấc được cái bao kia thì đệ mới cho làm”. Y quay ra nói với đàn em “tụi bay chạy kêu thằng Ngác lại đây coi” – một lát sau có một chú bé đen đủi chạy tới – Huyền Hòm nói “ thằng nhóc này vừa câm vừa điếc, lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác nên gọi nó là thằng Ngác, nó tuy nhỏ con nhưng cũng dùng một tay vác nổi bao xi măng này”. Chú bé xem ra khỏe thật, cậu ta nghiêng vai, dùng một tay bợ lấy bao xi măng nhấc lên cái rụp. Huyền Hòm khoe “mỗi ngày đệ cho thằng Ngác năm chục ngàn để nó mang về nuôi mẹ già”. Y xem ra rất vui vẻ, lừng lững đi đến bao xi măng, nhấc bổng nó lên một cách nhẹ nhàng nhưng không phải dùng tay mà là dùng….hai hàm răng cắn lại.
Nhìn bề ngoài, An Giang thật trù phú và thanh bình, cây cối, ruộng vườn xanh bát ngát. ĐHC ở tại nhà của anh Năm Ai, một người quen biết cũng đã lâu. Anh Năm Ai trước đây làm rất nhiều nghề, nhưng nay anh chạy xe ôm cũng tạm đắp đổi qua ngày. Còn Lạc “mả” thì ở nhà trọ tại Long Xuyên, y ở đây đã lâu nên hành tung luôn bất định. Thỏa thuận là Lạc “mả” và ĐHC sẽ chỉ gặp nhau lúc nào thật cần thiết và phải thay đổi chỗ liên tục để tránh bị theo dõi. Lúc ấy mỗi lần muốn nhắn tin nhanh là phải viết giấy rồi thuê cánh xe ôm “chạy như ma đuổi” chứ chưa có cái “cục gọi” như bây giờ. Đã hơn hai tháng mà chẳng được việc gì…. Buổi sáng, thường ĐHC cùng anh Năm Ai chạy xe quanh quẩn vùng Thoại Sơn, Ba Thê, núi Sập….hay qua gò Cây Thị, nhiều khi không tìm được đồng đen mà may mắn tìm được pho tượng hay cái bình đất nung nào đó. Nhưng những vùng này hầu như đã bị người dân đào phá tan hoang cả…
Chiều chiều, ĐHC hay cùng Năm Ai và vài người trong xóm “lai rai 3 xị”. Mồi ở đây thật vô cùng phong phú, nhưng ngon nhất là món cá lóc đồng nướng đất sét cuốn với rau sống, bánh tráng, vừa thơm vừa ngọt. Nhiều khi có mớ cá kèo nấu lẩu chua lá giang cũng ngon tuyệt. Lâu lâu thằng nhỏ con anh Năm Ai đi đào được mấy con lươn, mà lươn ở An Giang rất đặc biệt, vàng ươm, dài sọc, to cỡ bằng cổ tay là chuyện thường. Lúc đó làm món lươn nấu với bắp chuối non thì nhậu quên thôi. Nơi đây đúng là xứ sở của cải lương, hầu như ai cũng biết ca cổ. Anh Năm Ai ngà ngà là lại xách cây đờn kìm ra “làm” vài bản. Anh khoái nhất là bài “Lòng dạ đàn bà”, “Tướng cướp Bạch Hải Đường”, “A tiên”, “Căn nhà màu tím”…..Giọng anh Năm Ai ca cũng mùi lắm, mỗi khi anh xuống xề là bà con vỗ tay đôm đốp. Lúc đó anh vớ lấy ly rượu uống cạn queo rồi khà một tiếng….Phụ nữ ở đây là dân “gạo trắng nước trong” nên nước da ai cũng trắng ngần, tóc đen mun, răng đều như bắp. Cô con gái lớn của anh Năm Ai khoảng mười bảy mười tám tuổi, ban ngày thì đi học, hôm nào được nghỉ ở nhà thì anh Năm Ai kêu cô bé lại, lúc đó đúng là “cha đàn con hát”. Cô bé đẹp tuyệt trần, cô vén mái tóc lên, hai gò má ửng hồng, khóe miệng tươi như hoa nở, cất tiếng ca:
“Cái chợ có có hồi nào và bao nhiêu tuổi,
mà ai cũng gọi là Chợ Mới quê tôi,
ở nơi đó tôi có một người thương,
chiều chiều nàng ra bờ sông giặt áo……
Ra bờ sông như hẹn lứa đôi,
mang áo phơi cho anh nhìn mà tình em mong người ơi,
sao nước trôi xuôi dòng sông lững lờ.
Trông bờ sông anh hẹn với em,
mai mốt đây đem cau trầu nhờ người se duyên tình ta,
em chớ lo thêm buồn anh đã thưa cùng mẹ cha.
Duyên chúng ta muôn đời,
như nước trên dòng đầy vơi…….
Chúng tôi yêu nhau đã sáu năm rồi mà chưa thành chồng thành vợ, cha thì gật đầu, mẹ lại quay ngang rồi bảo, thằng Tâm nó có cái tánh cọc cằn sợ sau này con Hồng bị nó ăn hiếp, Nên bà con dùng dằng chưa chịu cho hai đứa cùng nhau kết nghĩa châu……trần. Hàng xóm bàn tới bàn lui làm em buồn thiệt là buồn……”
Cái nắng chiều vàng nhạt chiếu lung linh lên gương mặt của người thiếu nữ trong căn nhà lá nhỏ. Gió bên ngoài thổi về mát rượi, thoang thoảng mùi hương lúa mới, mùi đất ẩm, mùi cỏ dại…...làm tâm hồn trở nên ngây ngất…!
Một hôm, trong lúc đang ngồi bù khú thì Lạc “mả” đến, y ghé tai ĐHC thì thầm “tối nay Đại ca T.B xuống đây, hẹn gặp tại Long Xuyên có việc gấp lắm, nhà bác nhất định phải đến đó”. Lạc “mả” đi rồi, trong lúc say sưa, bất ngờ anh Năm Ai nói “cái tay hồi nãy đến tìm anh thường hay đi chung với một nhà sư trẻ người Miên, sao lúc này chỉ còn đi một mình?” – “Bộ y hay đi chung với nhà sư lắm hả?” – “Hầu như mỗi ngày, trước đây có lần tôi còn chở nhà sư đi vòng vòng khắp Long Xuyên, Chợ Mới, Tri Tôn…..nghe ông ta kể là đi tìm “hia” gì đó…”. Qua lời anh Năm Ai kể thì ra Lạc “mả” còn giấu rất nhiều chuyện, y đã từng gặp Mười Hổ, thậm chí còn dắt nhà sư người Miên đến gặp Mười Hổ….. ĐHC đã lờ mờ nhận ra kẻ đã ra tay giết nhà sư này….Bỗng nghe anh Năm Ai nói tiếp “nhà sư trẻ rất tội nghiệp, ông ta không có một xu trong túi, vừa đi tìm “hia”, vừa phải làm thuê để sống. Có lần chở ông ta đi tìm “hia”, ông ta không có tiền, đành phải chở không, tôi còn mời ông ta vào quán, ăn bún, uống nước”. Anh Năm Ai tuy nghèo nhưng quả là người rất tốt, anh Năm Ai lại nói “có lần nhà sư nói “hia” của ông ta trước khi ra đi có để lại cho ông một cái khăn ấn phòng trừ tà gì đó…..Ông ta còn mang ra cho tôi xem, chiếc khăn màu đỏ, bên trong vẽ hình chi chít, thêu chỉ vàng rất đẹp”. ĐHC giật mình, nhớ lúc khâm liệm nhà sư đâu có thấy cái khăn ấn này…? – Vậy cái khăn đã đi đâu mất?