Dạ Khúc: Năm Câu Chuyện Về Âm Nhạc Và Đêm Buông

Người Hát Tình Ca

Cái buổi sáng tôi nhìn ra Tony Gardner ngồi giữa đám khách du lịch ấy, mùa xuân vừa mới đến thành Venice. Chúng tôi vừa kết thúc tuần đầu tiên trọn tuần biểu diễn ngoài trời ở piazza[1] - thực là nhẹ nhõm vô kể, anh nghĩ mà xem, sau những giờ đằng đẵng chen chúc ở góc trong cùng quán, vừa biểu diễn vừa tránh đường cho thực khách lên xuống cầu thang. Sáng ấy gió se se lạnh, và cái rạp mới tinh cứ lật phật quanh chúng tôi, nhưng cả hội đều cảm thấy thư thái và sảng khoái, và tôi nghĩ cái chút thư thái sảng khoái đó có thể nghe ra được trong nhạc chúng tôi chơi.

 

[1] Quảng trường (tiếng Ý).

 

Nhưng nghe mà xem, tôi đang nói cứ như là mình chơi chính thức trong ban nhạc vậy. Thật ra tôi chỉ là một gã “di gan”, đấy là từ của giới nhạc công chỉ những kẻ đi khắp piazza, hễ có ban nào trong ba quán cà phê thiếu người thì ghé chân vào. Chủ yếu tôi chơi ở quán Caffè Lavena, nhưng chiều nào đắt sô tôi cũng có thể làm một suất với ban của Quadri, rồi chạy qua bên Florian, rồi lại băng ngang quảng trường về Lavena. Tôi đánh bạn khá thân với họ - với cả bồi bàn ba quán nữa - và giả dụ là ở đâu khác thì giờ này tôi đã có chốn an cư rồi. Nhưng ở cái thành phố sốt lên vì truyền thống và quá khứ này, mọi thứ đều đảo ngược cả. Ở nơi khác, biết chơi ghi ta là anh đã có lợi thế. Còn đây à, ghi ta! Các chủ quán gãi đầu gãi tai. Ghi ta thì hiện đại quá, khách du lịch sẽ không ưa. Mùa thu rồi tôi kiếm được một chiếc ghi ta jazz loại cổ điển có lỗ thoát âm hình ô van, loại mà ngay Django Reinhardt cũng phải vừa ý, để nhìn vào không ai tưởng là một tay chơi rock. Như thế lẽ ra dễ chịu hơn, nhưng các chủ quán vẫn không hài lòng. Nói đằng thằng ra thì, một khi chơi ghi ta thì dù anh có là Joe Pass đi nữa, người ta cũng chẳng cho anh được một công việc ổn định ở quảng trường này đâu.

Thêm nữa, tất nhiên, lại còn cái chuyện nho nhỏ là tôi không phải dân Ý, nói gì đến dân Venice. Anh chàng người Séc thổi kèn saxo alto cũng chịu chung số phận. Người ta thích chúng tôi, ban nhạc cần chúng tôi, nhưng dù gì thì gì vẫn không có chỗ trong thực đơn chính thức cho chúng tôi. Chơi đi và ngậm mỏ lại, các chủ quán luôn nói thế. Như thế thì khách sẽ không biết cậu không phải người Ý. Mặc áo đuôi tôm, đeo kính râm vào, chải tóc lật ra sau, sẽ chẳng ai nhận thấy, miễn là đừng mở miệng.

 

Nhưng công việc cũng không đến nỗi tồi. Ban nhạc cả ba quán, nhất là khi phải chơi cùng lúc từ các rạp đối địch nhau, họ đều cần đàn ghi ta - cái gì đó nhẹ, chắc nịch, nhưng được tăng âm, đứng trong cùng mà phả ra các hợp âm. Chắc hẳn anh đang nghĩ, ba ban nhạc cùng chơi trên một quảng trường, hẳn phải hỗn loạn lắm. Nhưng Piazza San Marco rộng rãi đủ cho tất cả. Một người khách đi ngang quảng trường sẽ nghe thấy bản nhạc này dần tắt, giai điệu khác lớn dần, như khi dò sóng radio. Có một thứ mà khách du lịch không thể chịu đựng nhiều quá, đấy là nhạc cổ điển, những bản nhạc không lời phối nhiều cách khác nhau từ những điệu aria nổi tiếng. Tất nhiên, đây là San Marco, không ai đòi các ca khúc pop đang thịnh hành. Nhưng thỉnh thoảng họ cũng muốn thứ gì đó quen tai, có thể là một khúc trong nhạc kịch Julie Andrews ngày xưa, hay nhạc nền một bộ phim tên tuổi. Tôi nhớ có lần hè năm ngoái tôi đi từ quán này sang quán khác, chơi “Bố già” chín lần liền trong một buổi chiều.

 

Tóm lại là buổi sáng mùa xuân ấy, chúng tôi đang chơi cho một đám du khách khá đông đảo thì tôi nhìn thấy Tony Gardner, một mình bên cốc cà phê, gần như ngay trước mặt mình, cách rạp chỉ khoảng sáu mét. Người nổi tiếng đến quảng trường này không ít, chúng tôi chẳng bao giờ rộn lên làm gì. Kết thúc một bản, có thể sẽ nghe các nhạc công bảo nhỏ nhau. Nhìn kìa, Warren Beatty đấy. Nhìn, Kissinger kìa. Cái bà kia, ở trong cuốn phim có mấy người đổi mặt cho nhau đấy. Chúng tôi quen rồi. Đây là Piazza San Marco cơ mà. Nhưng khi tôi nhận ra đúng là Tony Gardner đang ngồi kia, thì khác. Tôi hào hứng thực sự.

Tony Gardner từng là ca sĩ yêu thích của mẹ tôi. Ngày xưa, ngày còn chính quyền cộng sản, chẳng dễ mà kiếm được những đĩa nhạc kiểu ấy, nhưng mẹ tôi có gần như đủ bộ đĩa của ông. Một lần hồi nhỏ, tôi làm xước mất một trong những đĩa nhạc quý báu đó. Căn hộ thì chật, mà một đứa bé trai như tôi hồi ấy không thể tránh khỏi lúc cuồng chân cuồng tay, nhất là trong những tháng mùa đông lạnh không dám ló mặt ra đường. Thế là tôi chơi trò nhảy từ cái xô pha nhỏ sang ghế bành, và trong một cú nhảy tôi nhắm nhầm mà lao thẳng vào máy quay đĩa. Cái kim rạch lên mặt đĩa đánh xẹt - đó là từ rất lâu trước khi có đĩa CD - thế là mẹ trong bếp chạy ra mắng tôi một trận. Tôi buồn bực lắm, không phải chỉ vì bị mắng, mà vì tôi biết đấy là đĩa nhạc của Tony Gardner, và biết mẹ quý nó đến mức nào. Và tôi biết cả cái đĩa này nữa rồi sẽ có những tiếng lụp bụp đế theo khi ông rủ rỉ những bài hát Mỹ. Nhiều năm sau, khi lên Warszawa làm việc và biết về thị trường đĩa lậu, tôi mua lại cho mẹ toàn bộ các an bum của Tony Gardner thay cho đĩa của mẹ đã mòn hết, kể cả cái tôi làm xước. Tôi mất ba năm cho việc đó, nhưng tôi cứ tìm được thêm, từng cái một, và mỗi lần về thăm mẹ tôi lại mang một cái về.

 

Vì thế chắc anh hiểu sao tôi lại hào hứng như vậy khi nhận ra ông ngồi cách mình chưa đầy sáu mét. Thoạt đầu tôi không tin vào mắt mình, và chắc là đã lỡ một phách trong chuỗi hợp âm. Tony Gardner! Thử nghĩ mẹ thân yêu sẽ bảo gì nếu biết điều này! Vì mẹ, vì những kỷ niệm về mẹ mà tôi phải đến nói gì đó với ông ấy, kể cả nếu mọi người trong ban nhạc có cười và bảo tôi cư xử như một gã hầu phòng.

 

Nhưng tất nhiên tôi không thể cứ thế chạy ào đến chỗ ông, đẩy nhào bàn ghế xung quanh được. Vẫn còn phải chơi cho xong suất. Đấy thật là một cực hình, anh thử nghĩ xem, chơi ba bốn bài nữa trong khi bất cứ lúc nào tôi cũng tưởng như ông sắp đứng dậy bỏ đi. Nhưng ông vẫn ngồi đấy, một mình, cứ nhìn cốc cà phê, khuấy chầm chậm như băn khoăn không hiểu bồi bàn mang cho mình thứ gì. Trông ông cũng giống như mọi du khách Mỹ khác, áo sơ mi xanh nhạt bẻ cổ và quần ống rộng màu xám. Tóc ông trên bìa đĩa đen và láng mượt là thế, giờ đã gần bạc, nhưng vẫn còn rất dày, và vẫn chải nuột nà theo cùng một kiểu ngày xưa. Khi tôi mới nhìn ra ông, ông cầm cặp kính đen trong tay - tôi không hiểu nếu không phải thế thì liệu mình có nhận ra ông không - nhưng trong lúc ban nhạc cứ chơi và tôi cứ nhìn, ông đẩy kính lên mắt, rồi lại bỏ ra, rồi lại đeo vào. Có vẻ ông đang chìm đắm trong suy nghĩ, và tôi hơi thất vọng thấy ông không để ý lắm đến nhạc chúng tôi chơi.

 

Rồi suất diễn cũng xong. Tôi vội vã ra khỏi rạp mà không nói gì với mọi người, đi thẳng đến bàn Tony Gardner, rồi trong một giây hoảng hốt không biết phải bắt chuyện thế nào. Tôi đứng sau lưng ông, nhưng giác quan thứ sáu nào đó đã mách ông quay lại nhìn lên tôi - chắc là do bao nhiêu năm được fan săn đón - và tích tắc sau tôi đã tự giới thiệu mình, rằng tôi hâm mộ ông đến mức nào, rằng tôi chơi trong ban nhạc ông vừa nghe, rằng mẹ tôi là fan ruột của ông, cứ thế một lèo. Ông lắng nghe hết sức nghiêm nghị, lúc lúc lại gật đầu như bác sĩ nghe bệnh nhân. Tôi cứ nói hoài mà ông chỉ đôi lúc bảo “Thế à?” Sau một lúc tôi nghĩ thế là đủ rồi và chuẩn bị xin phép đi thì ông nói:

 

“Thế ra anh là người ở mấy nước cộng sản ấy đấy. Sống ở đấy chắc khó khăn.”

 

“Đấy là ngày xưa thôi.” Tôi làm bộ vui vẻ nhún vai. “Bây giờ chúng tôi có một đất nước tự do. Và dân chủ.”

“Tốt quá. Và đội của anh vừa chơi cho chúng ta nghe đấy. Ngồi xuống đi. Anh dùng cà phê?”

 

Tôi nói không định ép ông chịu đựng mình, nhưng giọng ông giờ đã có vẻ hiền từ nhưng cương quyết. “Không, không, anh ngồi xuống. Mẹ anh thích nghe đĩa của tôi, anh bảo thế mà.”

 

Thế nên tôi ngồi xuống và kể thêm chút nữa. Về mẹ tôi, về căn hộ, thị trường đĩa lậu. Và dù không nhớ được tên các an bum, tôi quay sang mô tả hình minh họa trên bìa đĩa theo trí nhớ, và mỗi lần như thế ông lại giơ ngón tay lên mà nói, ví dụ: “À, đó chắc là Inimitable. The Inimitable Tony Gardner.” Tôi nghĩ cả hai đều đang thích thú trò chơi này, nhưng rồi, nhận ra ánh mắt ông Gardner trượt qua tôi, tôi ngoảnh lại vừa kịp thấy một người phụ nữ đang đi lại bàn.

 

Đấy là một điển hình của những bà người Mỹ hết sức quý phái, từ kiểu tóc tới phục trang lẫn dáng người, đến mức anh sẽ ngỡ họ còn trẻ lắm cho tới khi thấy họ thật gần. Nhìn từ xa, có lẽ tôi đã tưởng nhầm bà là một cô người mẫu trong các tạp chí thời trang giấy bóng. Nhưng khi bà ngồi xuống cạnh ông Gardner và đẩy cặp kính đen lên trán, tôi thấy bà cũng phải ít nhất năm mươi rồi, có khi hơn. Ông Gardner bảo tôi: “Đây là vợ tôi, Lindy.”

 

Bà Gardner thoáng mỉm với tôi một nụ cười có vẻ miễn cưỡng, rồi nói với chồng: “Còn đây là ai? Anh đã kịp tìm ra một người bạn rồi cơ à.”

 

“Đúng thế, em yêu. Anh đang trò chuyện vui vẻ với… Xin lỗi anh bạn, tôi vẫn chưa biết tên anh.”

 

“Jan,” tôi đáp nhanh. “Nhưng các bạn tôi gọi tôi là Janeck.”

 

Lindy Gardner nói: “Anh nói là anh có tên thân mật còn dài hơn tên thật à? Sao lại thế được?”

 

“Đừng khiếm nhã với anh bạn trẻ, em yêu.”

 

“Em không khiếm nhã.”

 

“Đừng bông đùa về tên anh ấy, em yêu. Thế mới ngoan chứ.”

 

Lindy Gardner quay sang tôi tỏ vẻ bất lực. “Anh có hiểu ông ấy nói thế là sao không? Tôi có lăng mạ anh à?”

 

“Không, không,” tôi nói, “không có đâu, bà Gardner.”

 

“Lúc nào ông ấy cũng bảo tôi khiếm nhã với công chúng. Nhưng tôi có khiếm nhã đâu. Nãy tôi có khiếm nhã với anh không?” Rồi sang ông Gardner: “Em nói chuyện với công chúng một cách tự nhiên, cưng ạ. Đấy là phong cách của em. Em không bao giờ khiếm nhã.”

 

“Được rồi, em yêu,” ông Gardner nói, “không nên chuyện bé xé ra to. Hơn nữa, anh bạn trẻ này không phải là công chúng.”

 

“Ồ, không phải à? Thế anh ấy là gì? Cháu họ xa vừa tìm được à?”

 

“Lịch sự đi nào, em yêu. Anh bạn trẻ đây là đồng nghiệp. Nhạc công, dân nhà nghề. Chúng ta vừa hân hạnh được nghe anh trình diễn.” Ông đưa tay về hướng rạp.

 

“Ồ đúng rồi!” Lindy Gardner lại quay sang tôi. “Anh vừa chơi trên đó phải không? Nhạc hay lắm. Anh chơi phong cầm, phải không? Hay lắm!”

 

“Cám ơn bà rất nhiều. Thực ra thì tôi chơi ghi ta.”

 

“Ghi ta à? Anh đừng đùa. Tôi vừa nhìn anh chơi có một phút trước. Ngồi ngay kia, cạnh tay chơi đại hồ cầm, điều khiển phong cầm điêu luyện làm sao.”

 

“Xin phép bà, thực ra người chơi phong cầm là Carlo. To béo, đầu hói…”

 

“Anh nói thật à? Anh không đùa tôi chứ?”

 

“Em yêu, anh bảo rồi. Đừng khiếm nhã với anh bạn trẻ.”

 

Ông không hẳn là lớn tiếng, nhưng giọng ông đột ngột đanh và giận dữ, và rồi một lúc im lặng khó xử. Rồi tự ông Gardner lên tiếng nhẹ nhàng:

 

“Anh xin lỗi, em yêu. Anh không định gắt em.”

 

Ông đưa tay nắm lấy tay bà. Tôi cứ nghĩ bà sẽ hất ông ra nhưng không phải, bà trở người trong ghế để nhích lại gần hơn, và đặt tay kia lên đôi bàn tay đang nắm chặt. Họ ngồi như thế một lúc, ông Gardner đầu cúi xuống, bà vợ nhìn mông lung qua vai ông, sang bên kia quảng trường về phía nhà thờ thánh Peter, dù có vẻ ánh mắt bà chẳng đặt vào đâu cả. Trong phút chốc hình như họ không chỉ quên có tôi ngồi đây, mà quên đi cả đám đông nhộn nhịp trên quảng trường. Rồi bà nói, nhẹ như hơi thở:

 

“Không sao đâu cưng. Lỗi tại em thôi. Em làm anh bực.”

 

Họ ngồi như thế thêm lát nữa, hai bàn tay siết chặt lấy nhau. Rồi bà thở dài, buông tay ông Gardner và nhìn sang tôi. Bà đã nhìn tôi lúc nãy rồi, nhưng lần này thì khác. Lần này tôi cảm thấy được sức quyến rũ của bà. Cứ như bà có một mặt số chia độ từ không đến mười, và khi nhìn sang tôi, lúc đó, bà đã quyết định xoay tới sáu hay bảy; tôi cảm nhận được nó rất rõ, và nếu bà có mở miệng yêu cầu tôi điều gì - ví dụ như bảo tôi đi suốt quảng trường để mua tặng bà bó hoa chẳng hạn - chắc tôi sẽ hào hứng tuân theo lập tức.

 

“Janeck,” bà nói, “Đấy là tên anh, phải không? Tôi xin lỗi Janeck nhé. Tony nói đúng. Tôi không có quyền nói với anh như vừa rồi.”

 

“Bà Gardner, thật tình không có gì phải lo đâu.”

 

“Mà tôi lại làm phiền hai người nói chuyện nữa chứ. Chắc là chuyện âm nhạc, phải không? Thế này nhé, tôi sẽ để yên cho cả hai nói tiếp.”

 

“Không việc gì phải đi cả, em yêu,” ông Gardner nói.

 

“Thế mà có đấy cưng. Em đang thèm được ngó vào cái hiệu Prada đằng kia đến điên lên được. Em chỉ ra đây định bảo là em sẽ đi lâu hơn lúc đầu em nói thôi.”

 

“Thôi được rồi, em yêu.” Tony Gardner lần đầu tiên ngồi thẳng lên và hít vào một hơi. “Miễn là em biết chắc em sẽ vui.”

 

“Ở trong đó em sẽ cực kỳ phấn khởi. Thế nên hai chàng trai cứ nói chuyện vui vẻ nhé.” Bà đứng dậy khẽ chạm vào vai tôi. “Tạm biệt anh, Janeck.”

 

Hai chúng tôi nhìn theo bà đi, rồi ông Gardner hỏi tôi dăm câu ba điều về chuyện đàn hát ở Venice, cụ thể là về ban nhạc quán Quadri lúc này vừa bắt đầu chơi lại. Ông không có vẻ chú tâm vào những câu trả lời mấy, và tôi đã định xin phép đi thì ông thình lình bảo:

 

“Có một điều tôi muốn đề nghị với anh, anh bạn trẻ. Tôi sẽ nói với anh ý nghĩ của mình và anh cứ việc từ chối nếu muốn.” Ông ngả người về phía tôi và hạ giọng. “Tôi kể với anh chuyện này. Lần đầu Lindy và tôi đến Venice là để đi trăng mật. Hai mươi bảy năm về trước. Và mặc dù đã có rất nhiều kỷ niệm tuyệt vời ở đây, chúng tôi chưa bao giờ quay lại, hay ít nhất là không quay lại cùng nhau. Thế nên khi lên kế hoạch cho chuyến đi này, chuyến đi đặc biệt này, chúng tôi tự nhủ mình cần nghỉ lại vài ngày ở Venice.”

 

“Đây là kỷ niệm ngày cưới của ông bà ạ, thưa ông Gardner?”

 

“Ngày cưới?” Có vẻ như ông giật mình.

 

“Xin lỗi,” tôi nói. “Chỉ là tôi đoán, vì ông vừa nói đây là chuyến đi đặc biệt.”

 

Trông ông vẫn ngơ ngác mất một hồi, rồi ông bật cười, tiếng cười lớn, rền vang, và bỗng nhiên tôi nhớ ra bài hát mà mẹ tôi vẫn hay bật nghe suốt trong đó ông có nói một đoạn ngắn ở giữa bài, đại ý là ông không bận tâm đến người đàn bà đã bỏ ông mà đi, rồi thì ông cười khinh miệt đúng y như thế này. Giờ tiếng cười ấy vang khắp quảng trường. Đoạn ông nói:

 

“Ngày cưới à? Không, không phải ngày cưới. Nhưng điều tôi định đề nghị với anh cũng không khác lắm. Bởi tôi muốn làm một điều thật lãng mạn. Tôi sẽ hát cho bà ấy nghe từ dưới khung cửa sổ. Đầy kiểu cách, đúng chất Venice. Đây là lúc cần đến anh. Anh chơi ghi ta còn tôi hát. Ta sẽ dùng một chiếc gondola, ta bơi thuyền đến dưới cửa sổ, tôi hát vọng lên chỗ bà ấy. Chúng tôi thuê một palazzo cách đây không xa. Cửa sổ phòng ngủ trông thẳng ra kênh. Khi trời tối, đấy sẽ là khung cảnh lý tưởng. Đèn trên tường tạo sáng đúng như ý. Anh và tôi trên thuyền, bà ở bên cửa sổ. Tất cả những bài bà ấy thích. Chúng ta không cần phải làm nhiều, ban tối vẫn còn khá lạnh. Chỉ độ ba bốn bài thôi, tôi hình dung thế. Tôi sẽ lo cho anh được bồi dưỡng đủ. Anh nghĩ sao?”

 

“Ông Gardner, đấy sẽ là vinh dự lớn nhất đời tôi. Như tôi đã nói, ông là một nguồn ảnh hưởng quan trọng đối với tôi. Ông định khi nào?”

 

“Nếu trời không mưa thì sao không phải luôn hôm nay? Khoảng tám giờ rưỡi? Chúng tôi ăn tối rất sớm, giờ ấy đã về rồi. Tôi sẽ bịa chuyện gì đó để ra khỏi căn hộ, ra ngoài gặp anh. Tôi sẽ lấy một chiếc thuyền, chúng ta quay lại dọc con kênh, dừng ngay dưới cửa sổ. Đâu sẽ vào đấy. Anh nghĩ thế nào?”

 

Chắc anh cũng thấy, thật chẳng khác gì giấc mơ thành sự thực. Thêm nữa, đây là một ý tưởng đáng yêu biết bao, đôi vợ chồng này - chàng sáu chục, nàng năm chục xuân xanh - cư xử như một đôi thiếu niên mới biết yêu. Thực tế là ý tưởng ấy đáng yêu đến nỗi suýt nữa - nhưng chỉ suýt thôi - tôi quên bẵng cảnh tượng vừa xảy ra giữa họ. Ý tôi là, ngay cả lúc ấy, ở đâu đó tận sâu bên trong, tôi cũng linh cảm mọi việc sẽ không giản dị như ông vẽ ra.

 

Một lúc sau ông Gardner và tôi ngồi lại bàn bạc các chi tiết - ông muốn bài nào, chơi tông gì, những chuyện kiểu đó. Rồi đến lúc tôi phải về rạp tiếp tục suất diễn sau, nên tôi đứng dậy, bắt tay ông và nói ông có thể tuyệt đối tin tưởng ở tôi tối nay.

 

 

 

 

 

Khi tôi tới gặp ông Gardner thì đường phố đã khá tối và vắng vẻ. Hồi ấy tôi vẫn còn lạc đường mỗi lần đi xa quảng trường San Marco, thế nên dù đã khởi hành sớm, dù đã biết vị trí cây cầu nơi ông Gardner hẹn, tôi vẫn đến muộn vài phút.

 

Ông đứng ngay dưới ngọn đèn đường, mặc bộ com lê nhăm nhúm, áo sơ mi mở ba hay bốn nút, có thể nhìn thấy cả lông trên ngực. Khi tôi tạ lỗi đến muộn, ông bảo:

 

“Vài phút thì có hề gì? Lindy và tôi lấy nhau đã hai mươi bảy năm. Vài phút thì có hề gì?”

 

Ông không bực tức, nhưng có vẻ nghiêm trọng và âu sầu - không có gì là lãng mạn. Đằng sau ông là chiếc gondola dập dềnh nhẹ nhàng trên sóng, và tôi thấy người đứng thuyền là Vittorio, một người tôi không mấy ưa. Trước mặt tôi, Vittorio lúc nào cũng xởi lởi, nhưng tôi biết - ngay từ hồi ấy - anh ta đi khắp nơi nói đủ thứ chuyện tồi tệ, toàn chuyện đặt điều, về những kẻ như tôi, những kẻ anh ta gọi là “bọn ngoại quốc từ các nước mới nứt mắt”. Thế nên hôm ấy khi anh ta chào tôi hồ hởi như anh em ruột, tôi chỉ đáp lại bằng cái gật đầu, và im lặng đợi anh ta đỡ ông Gardner vào thuyền. Rồi tôi đưa anh ta cầm cây đàn - tôi mang theo cây Tây Ban Cầm, để cây có lỗ ô van ở nhà - và cũng trèo vào theo.

 

Ông Gardner liên tục xoay trở ở đằng mũi, có một lần còn ngồi phịch xuống đến nỗi suýt làm lật thuyền. Nhưng có vẻ ông không để ý thấy, và khi thuyền rời bờ, ông cứ nhìn đăm đăm xuống nước.

 

Mất vài phút chúng tôi lướt đi lặng lẽ giữa hai dãy nhà tối đen, chốc chốc lọt qua bên dưới những cây cầu thấp. Rồi ông bứt khỏi những ý nghĩ đăm chiêu mà nói:

 

“Nghe này, anh bạn. Tôi biết là chúng ta đã thỏa thuận xong các tiết mục tối nay. Nhưng tôi vừa nghĩ nãy giờ. Lindy rất thích bài ‘By the time I get to Phoenix’. Tôi có ghi âm bài đó một lần lâu lắm rồi.”

 

“Vâng, thưa ông Gardner. Mẹ tôi lúc nào cũng nói bài đó ông hát hay hơn cả Sinatra. Hơn cả cái bản nổi tiếng do Glenn Campbell hát nữa.”

 

Ông Gardner gật đầu, rồi một lúc lâu tôi không nhìn rõ mặt ông. Vittorio cất tiếng hô báo hiệu vang dội các bức tường trước khi cho thuyền ngoặt qua chỗ rẽ.

 

“Tôi đã hát cho bà ấy nghe bài này rất nhiều lần,” ông Gardner nói. “Anh hiểu không, tôi nghĩ bà ấy sẽ thích được nghe bài ấy tối nay. Anh có thuộc nhạc chứ?”

 

Lúc này cây đàn đã ra khỏi bao, nên tôi chơi vài khúc.

 

“Lên chút nữa,” ông nói. “Lên đến mi giáng. Hồi thu đĩa tôi hát thế mà.”

 

Thế nên tôi chơi lại đoạn nhạc theo tông mới, và khi đã hết có lẽ cả một đời, ông Gardner cất tiếng hát, rất khẽ khàng, ghìm nhịp thở, như là không nhớ rõ lời. Nhưng giọng ông vọng lại rất rõ trong lòng kênh yên tĩnh. Quả thật là nghe rất tuyệt. Và trong một lúc hình như tôi trở lại làm đứa bé con, ở trong căn hộ, nằm ườn trên thảm trong lúc mẹ ngồi trên xô pha, mệt lử, hoặc có khi sầu não, còn đĩa Tony Gardner thì quay trong góc phòng.

 

Ông Gardner đột ngột ngưng hát và nói: “Được rồi. Chúng ta sẽ chơi ‘Phoenix’ cung mi giáng. Rồi có thể là ‘I fall in love too easily’, như chúng ta đã bàn. Và kết thúc bằng ‘One for my baby’. Thế là đủ. Bà ấy sẽ không nghe nhiều hơn đâu.”

 

Sau đó ông lại chìm vào suy tưởng, và chúng tôi cứ thế trôi qua bóng tối trong tiếng khỏa nước nhè nhẹ của Vittorio.

 

“Ông Gardner ạ”, rốt cuộc tôi nói, “mong ông thứ lỗi câu hỏi của tôi. Nhưng bà Gardner có biết trước cuộc trình diễn này không? Hay đây là một bất ngờ thú vị?”

 

Ông thở dài nặng nhọc, rồi nói: “Tôi nghĩ chắc là phải xếp vào mục bất ngờ thú vị.” Rồi nói thêm: “Có Chúa biết bà ấy sẽ phản ứng thế nào. Có thể chúng ta sẽ không tới được tận ‘One for my baby’.”

 

Vittorio cho thuyền ngoặt qua một khúc kênh nữa, và đột ngột nghe vang lên tiếng cười và tiếng nhạc, chúng tôi trôi qua một nhà hàng lớn, đèn đuốc sang trưng. Bàn nào hình như cũng kín khách, các anh bồi lăng xăng hối hả, thực khách đều có vẻ sung sướng, dù ở bên kênh đào vào mùa này trong năm chắc cũng không ấm mấy. Sau cảnh tĩnh mịch và bóng tối chúng tôi vừa đi qua, nhà hàng này gây cho tôi cảm giác bất an. Có vẻ như chúng tôi mới là người đứng yên, đứng trên bến tàu mà ngắm, trong lúc con tàu dạ tiệc lấp lánh ấy trôi qua. Tôi nhìn thấy vài khuôn mặt ngoảnh ra phía mình, nhưng không ai để ý nhiều đến chúng tôi. Rồi nhà hàng đã nằm lại đằng sau, và tôi nói:

 

“Kể cũng buồn cười. Ông có tưởng tượng được đám khách du lịch ấy sẽ làm gì nếu họ vỡ lẽ là có chiếc thuyền chở Tony Gardner huyền thoại vừa đi qua không?”

 

Vittorio, dù không khá tiếng Anh lắm, cũng hiểu được đại ý và cười một tiếng nho nhỏ. Nhưng một hồi lâu ông Gardner không đáp lại. Chúng tôi vừa trở lại trong bóng tối, trên một khúc kênh hẹp giữa những cửa ra vào sáng nhờ nhờ, thì ông bảo:

 

“Anh bạn, anh đã sống tại một nước cộng sản. Chính vì thế anh không nhận ra ở đây thế giới vận hành thế nào.”

 

“Ông Gardner,” tôi nói, “giờ nước tôi không còn là cộng sản nữa. Giờ chúng tôi là một dân tộc tự do.”

 

“Tôi xin lỗi. Tôi không có ý khinh thường tổ quốc anh. Các anh là một dân tộc anh dũng. Tôi mong cho các anh chóng được hòa bình và thịnh vượng. Nhưng tôi định nói với anh là, anh bạn, tôi có ý là vì anh sinh trưởng ở quê hương anh cho nên điều tự nhiên là có nhiều chuyện anh chưa hiểu hết. Cũng như sẽ có nhiều điều tôi không hiểu về đất nước anh.”

 

“Tôi nghĩ là ông nói đúng, thưa ông Gardner.”

 

“Những người chúng ta vừa đi qua. Nếu anh đến chỗ họ mà bảo, ‘Này, các anh có ai còn nhớ Tony Gardner không?’ thì có thể một vài người trong đó, phần lớn cũng nên, sẽ bảo có. Ai biết được? Nhưng đi thuyền qua như chúng ta vừa rồi, ngay cả nếu họ có nhận ra tôi, liệu họ có phấn khích không? Tôi nghĩ là không. Họ sẽ không buông nĩa, sẽ không ngắt quãng câu chuyện tâm tình bên ánh nến đâu. Việc gì phải thế? Chẳng qua là một gã hát tình ca của một thời xưa cũ mà thôi.”

 

“Cái này thì tôi không tin được, thưa ông Gardner. Ông là một giọng hát kinh điển. Ông cũng ngang với Sinatra hay Dean Martin. Những nhân vật kinh điển, họ không bao giờ lỗi mốt. Không phải như đám nhạc pop bây giờ.”

 

“Anh nói thế là tử tế lắm, anh bạn. Tôi biết anh có thiện ý. Nhưng một đêm như đêm nay, đây không phải là lúc để phỉnh nịnh tôi.”

 

Tôi đã muốn phản đối, nhưng có gì đó trong dáng vẻ ông khiến tôi không muốn tiếp tục đề tài này. Thế nên chúng tôi đi tiếp, không nói câu nào. Thành thực mà nói, lúc này tôi bắt đầu nghĩ xem mình đã rơi vào chuyện gì, cái trò hát bên cửa sổ này là sao. Và những người này là người Mỹ nữa chứ. Làm sao tôi dám chắc rằng khi ông Gardner bắt đầu hát bà Gardner sẽ không đến bên cửa chĩa súng nã đạn vào chúng tôi.

 

Có lẽ Vittorio cũng đang nghĩ tương tự trong đầu, bởi khi chúng tôi lướt qua gần một cây đèn gắn trên tường, anh ta ném cho tôi một cái nhìn như muốn nói: “Chúng ta vớ được một gã gàn dở, phải không, amico?” Nhưng tôi không đáp lại. Tôi không định về phe với loại người như anh ta chống lại ông Gardner. Theo lời Vittorio, những kẻ nhập cư như tôi chỉ có đi lột tiền của khách du lịch, xả rác xuống kênh, và nói chung là hủy hoại cả thành phố. Có những ngày, nếu đang gặp cơn khó chịu, anh ta sẵn sàng kết tội chúng tôi là bọn xin đểu - dâm tặc nữa không chừng. Tôi đã có lần hỏi thẳng mặt có đúng là anh ta nói vậy về chúng tôi không, và anh ta thề thốt đấy chỉ toàn là bịa đặt. Làm sao anh ta mà lại hận thù chủng tộc được, trong khi có một bà dì người Do Thái mà anh ta tôn thờ như mẹ? Nhưng một buổi chiều nọ tôi đang tiêu khiển giữa hai suất diễn, tựa mình trên cây cầu ở Dorsoduro thì thấy một chiếc gondola trôi qua bên dưới. Trên đó có ba du khách đang ngồi, và Vittorio đứng dựa cây chèo, làm một bài diễn văn cho cả thế giới cùng nghe, miệng tuôn ra đúng những lời lẽ ấy. Cho nên anh ta cứ việc tìm mắt tôi tùy thích, nhưng đừng có hòng tranh thủ tình đồng đội của tôi.

 

“Tôi sẽ cho anh biết một bí mật nhỏ,” ông Gardner thình lình nói. “Một bí mật nhỏ về nghề diễn. Trao đổi kinh nghiệm nhà nghề. Cũng đơn giản thôi. Anh phải biết một điều gì đó, điều gì cũng được, anh phải biết một điều gì đó về khán giả của anh. Một điều gì đó đủ cho anh có thể ngầm phân biệt được khán giả này với những người anh vừa hát cho nghe đêm hôm trước. Ta lấy ví dụ anh đang ở Milwaukee. Anh phải tự hỏi mình, có gì khác, có gì đặc biệt ở khán giả Milwaukee? Có gì khiến họ khác với khán giả Madison? Nếu không nghĩ ra được gì, anh cứ phải nghĩ tiếp đến lúc tìm được. Milwaukee, Milwaukee. Ở Milwaukee có món sườn lợn rất ngon. Chỉ thế là đủ, đấy là cái sẽ giúp anh khi bước ra sân khấu. Anh không cần phải nói ra với họ, chỉ cần giữ trong đầu khi anh hát cho họ nghe. Những người ở trước mặt anh đây, họ là những người vẫn hay ăn sườn hảo hạng. Họ có đòi hỏi rất cao đối với món sườn. Anh hiểu tôi nói gì không? Như thế khán giả trở thành một người mà anh hiểu, một người anh có thể biểu diễn cho nghe. Đấy, bí mật của tôi là thế. Trao đổi kinh nghiệm nhà nghề.”

 

“Vâng, cám ơn, thưa ông Gardner. Tôi chưa bao giờ nghĩ theo cách đó. Chỉ bảo của một người như ông, tôi sẽ không bao giờ quên.”

 

“Thế nên,” ông nói tiếp, “tối nay chúng ta đang biểu diễn cho Lindy. Lindy là khán giả. Thế nên tôi sẽ nói với anh gì đó về Lindy. Anh có muốn nghe về Lindy không?”

 

“Có chứ, thưa ông Gardner,” tôi nói. “Tôi hết sức muốn nghe về bà ấy.”

 

 

 

 

 

Trong suốt khoảng hai mươi phút sau đó, chúng tôi ngồi trên chiếc gondola, trôi vòng quanh trong lúc ông Gardner kể. Đôi lúc giọng ông hạ xuống chỉ còn thì thầm, như đang nói chuyện với chính mình. Những lúc khác, khi có ngọn đèn hay cửa sổ vượt qua hắt ánh sáng lên thuyền, ông lại nhớ ra tôi, liền cất cao giọng hỏi gì đó tựa như: “Anh hiểu tôi nói gì chứ hả anh bạn?”

 

Theo ông kể, vợ ông sinh ra ở một thị trấn nhỏ bang Minnesota, miền Trung nước Mỹ, nơi các cô giáo ở trường luôn quở mắng vì cô bé hay lơ là bài vở mà chỉ mải mê với những tạp chí có các ngôi sao điện ảnh.

 

“Các bà cô ấy không bao giờ nhận ra một điều là Lindy có những hoài bão lớn. Và thử nhìn bà ấy bây giờ xem. Giàu có, xinh đẹp, đi khắp thế giới. Còn mấy cô giáo ấy, bây giờ họ ra sao? Cuộc sống của họ thế nào? Nếu họ chỉ cần xem thêm vài tạp chí điện ảnh thôi, có thêm vài ước mơ thôi, cả họ cũng có thể có được một phần Lindy ngày hôm nay.”

 

Mười chín tuổi, cô gái đã vẫy xe đi nhờ đến California, dự định đến Hollywood. Nhưng thay vì thế cô kẹt lại ở ngoại ô Los Angeles, làm bưng bê trong một quán ăn ven đường.

 

“Số phận lạ lùng,” ông Gardner nói. “Quán ăn ấy, cái địa điểm xoàng xĩnh gần đường lớn ấy. Đó hóa ra lại là chỗ dừng chân tốt nhất cho bà ấy. Bởi đấy là nơi tụ tập của mọi cô gái giàu tham vọng, từ sáng đến tối. Họ thường hẹn nhau ở đó, bảy, tám, cả chục người, họ gọi cà phê, xúc xích, ngồi đó hàng giờ nói chuyện.”

 

Những cô gái này, hơn Lindy vài tuổi, đến từ khắp nước Mỹ và đã cắm lại quanh Los Angeles ít nhất hai ba năm nay. Họ tới quán ăn này để trao đổi chuyện phiếm và kinh nghiệm thất bại, bàn bạc chiến thuật, nắm bắt tình hình nhau. Nhưng nét quyến rũ chủ yếu của quán là Meg, một người đàn bà ngoài bốn mươi, phục vụ bàn cùng Lindy.

 

“Với những cô gái ấy Meg là bà chị cả, là suối nguồn hiểu biết của họ. Bởi ngày xưa chị ta chính là họ bây giờ. Anh phải hiểu, đấy là những cô gái kiên tâm, hết sức tham vọng, hết sức quyết đoán. Họ có nói về quần áo giày dép và trang sức như những cô gái khác không? Tất nhiên là có. Nhưng họ chỉ nói về loại quần áo giày dép và trang sức nào sẽ giúp họ cưới được một ngôi sao. Họ có nói về phim ảnh không? Họ có nói về làng âm nhạc không? Hẳn nhiên. Nhưng họ nói về ngôi sao điện ảnh và âm nhạc nào còn độc thân, sao nào trục trặc trong hôn nhân, sao nào sắp ly dị. Và Meg, anh hiểu chứ, có thể cho họ biết tất cả những điều đó, thậm chí nhiều hơn nữa. Meg đã đưa chân vào chốn ấy trước họ. Chị ta biết mọi quy tắc, mọi mưu mẹo, về chuyện giăng lưới một ngôi sao. Lindy ngồi với họ và hấp thụ tất cả. Cái quán xúc xích ấy là Harvard, là Yale đối với bà ấy khi đó. Một cô gái mười chín tuổi quê Minnesota ư? Tôi rùng mình mà nghĩ tới những chuyện có thể xảy đến với bà ấy. Nhưng bà ấy đã gặp may.”

 

“Ông Gardner,” tôi nói, “thứ lỗi cho tôi ngắt lời. Nhưng nếu chị Meg này thông thái đến thế, tại sao bản thân chị ta lại không cưới được một ngôi sao? Tại sao chị ta lại bê xúc xích trong quán ăn ấy?”

 

“Câu hỏi rất thông minh, nhưng anh không hiểu rõ thế giới vận hành thế nào. Được rồi, người này, Meg, chị ta không thành công. Nhưng cái chính là, chị ta đã quan sát những người thành công. Anh hiểu chứ, anh bạn? Hồi xưa chị ta từng là những cô gái ấy, và chị ta đã quan sát ai thành, ai bại. Chị ta đã thấy những cái bẫy, đã thấy cả những cánh cửa vàng. Chị ta có thể kể cho họ đủ thứ chuyện và những cô gái ấy lắng nghe. Và một số cô học hỏi. Lindy, chẳng hạn. Tôi đã nói, đấy là Harvard đối với bà ấy. Nó làm cho bà ấy được như bây giờ. Nó cho bà ấy sức mạnh sau này sẽ cần đến, và lạy Chúa, phải nói là bà ấy sẽ cần. Mất sáu năm bà ấy mới có được bước tiến đầu tiên. Anh có tưởng tượng được không? Sáu năm luồn lách, mưu tính, liều thân như thế. Bị đánh bật hết lần này đến lần khác. Nhưng cũng giống như nghề chúng ta thôi. Anh không thể rụt vòi bỏ cuộc sau vài cú ngã đầu tiên. Những cô gái đã bỏ cuộc, anh có thể thấy họ ở bất kỳ đâu, họ kết hôn với những người không tên trong những thành phố không tuổi. Nhưng chỉ một vài người trong đó, những cô như Lindy, họ trưởng thành sau từng cú ngã, họ quay lại mạnh hơn, rắn hơn, họ quay lại chiến đấu như sư tử. Anh nghĩ Lindy chưa từng gặp tủi nhục à? Dù bà ấy xinh đẹp và quyến rũ như thế? Một điều người ta ít nhận ra là sắc đẹp chẳng qua là một phần rất nhỏ. Sử dụng không đúng cách, anh sẽ bị đối xử như con điếm. Dù sao thì, sau sáu năm, bà ấy đã có được bước tiến.”

 

“Và đấy là khi bà gặp ông, thưa ông Gardner?”

 

“Tôi à? Không, không. Mãi lâu sau đó tôi mới xuất hiện trong câu chuyện. Bà ấy kết hôn với Dino Hartman. Anh chưa bao giờ nghe đến Dino à?” Ông Gardner cười một tiếng hơi độc địa. “Tội nghiệp Dino. Tôi nghĩ là đĩa hát của Dino không tới được các nước cộng sản đâu. Nhưng hồi ấy Dino đã khá tiếng tăm. Cậu ta hát ở Vegas nhiều lắm, có được vài đĩa vàng. Tôi đã nói, đấy là bước tiến lớn của Lindy. Khi tôi gặp bà ấy lần đầu, bà ấy đang là vợ Dino. Bà chị Meg đã giải thích rằng lúc nào cũng phải theo trình tự ấy. Tất nhiên, cũng có những cô may mắn ngay lần đầu, một bước lên tiên, cưới được một Sinatra hay Brando. Nhưng thường thì không phải trình tự ấy. Các cô gái phải chuẩn bị tinh thần ra khỏi thang máy ở tầng hai, đi dạo một vòng. Cô phải quen với không khí tầng đó đã. Rồi có thể, một ngày, ở tầng hai đó, cô sẽ gặp được một người từ tầng thượng ghé xuống vài phút, có thể để lấy một món đồ. Và người này sẽ nói với cô, này, hay là đi với tôi, lên tầng cao nhất. Lindy hiểu rằng đấy là tình huống thường xảy ra. Cưới Dino không có nghĩa là cô chịu nhún, không phải là cô cắt giảm tham vọng cho vừa vặn. Và Dino cũng là một chàng đứng đắn. Tôi lúc nào cũng thích cậu ta. Đấy là lý do vì sao dù hoàn toàn quy hàng Lindy từ phút đầu tiên nhìn thấy bà ấy song tôi đã không hề hành động. Tôi là người quân tử mà. Sau này tôi nhận ra chính vì thế mà Lindy càng thêm quyết tâm. Trời, phải thán phục một cô gái như thế! Tôi phải nói với anh, anh bạn ạ, thời kỳ ấy tôi là một ngôi sao rất sáng, sáng lắm. Tôi nghĩ đấy là vào giai đoạn mẹ anh nghe đĩa của tôi. Dino thì không, ngôi sao của cậu ta đang rụng rất nhanh. Đấy là năm xấu cho rất nhiều ca sĩ. Mọi thứ đều thay đổi. Trẻ con chuyển qua nghe Beatles, Rolling Stones. Dino tội nghiệp, cậu ta hát cứ như Bing Crosby. Cậu ta thử cho ra một đĩa bossa nova chỉ khiến người ta cười nhạo. Lindy cần thoát ra không chậm trễ. Không ai có thể trách cứ gì chúng tôi trong tình cảnh đó. Tôi nghĩ ngay cả Dino cũng không thực sự oán trách gì. Thế nên tôi hành động. Đấy là khi bà ấy chuyển lên tầng thượng.

 

“Chúng tôi làm lễ cưới ở Vegas, bắt khách sạn đổ sâm banh đầy bồn tắm. Bài hát chúng ta sắp chơi hôm nay, ‘I fall in love too easily’. Anh biết tại sao tôi chọn bài ấy không? Anh muốn biết không? Chúng tôi từng đến Luân Đôn, ít lâu sau khi cưới. Chúng tôi lên phòng sau bữa sáng và cô phục vụ đang ở trong dọn phòng. Nhưng Lindy và tôi thì đang hứng như thỏ. Thế là chúng tôi đi vào, có thể nghe thấy cô ta đang hút bụi buồng khách, nhưng chúng tôi không nhìn thấy, cô ta đã đi qua vách ngăn rồi. Thế nên chúng tôi nhón chân lẻn vào, như trẻ con ấy, anh hiểu không? Chúng tôi lẻn vào tận buồng ngủ, đóng cửa. Chúng tôi thấy là cô phục vụ đã dọn xong buồng ngủ rồi, nên có lẽ không cần quay lại nữa, nhưng chúng tôi không biết chắc. Đằng nào thì chúng tôi cũng bất cần. Chúng tôi trút bỏ quần áo, chúng tôi làm tình trên giường, và từ đầu đến cuối cô phục vụ đang ở ngay bên ngoài, đi khắp phòng suite, không hề biết chúng tôi đã vào. Tôi cho anh biết, chúng tôi đang cao hứng, nhưng sau một lúc, chúng tôi thấy chuyện này buồn cười quá đỗi, cứ cười không nhịn được. Thế rồi chúng tôi cũng xong và đang nằm đó trong tay nhau, và cô phục vụ vẫn còn ngoài kia và anh biết không, cô ta bắt đầu hát! Cô ta đã hút bụi xong, nên cô ta gào to hết cỡ, và trời ơi, giọng hát mới khủng khiếp chứ! Chúng tôi cười như phát điên, nhưng vẫn cố giữ im lặng. Thế rồi anh có biết không, cô ta ngừng hát và vặn radio. Và bỗng dưng chúng tôi nghe thấy Chet Baker. Ông ấy đang hát ‘I fall in love too easily’, thật chậm rãi và ngọt ngào. Và Lindy với tôi, chúng tôi cứ nằm trên giường bên nhau, nghe Chet hát. Rồi một lúc sau tôi hát theo, thật nhỏ, hát theo Chet Baker trên radio, Lindy cuộn tròn trong tay tôi. Như thế đấy. Đó là lý do chúng ta chơi bài ấy đêm nay. Nhưng tôi không biết bà ấy có còn nhớ không. Ma nào biết được?”

 

Ông Gardner ngừng nói và tôi thấy ông đang gạt nước mắt. Vittorio đưa chúng tôi qua một chỗ rẽ nữa và tôi nhận ra chúng tôi lại đang đi qua nhà hàng lần thứ hai. Trông nó còn náo nhiệt hơn lúc nãy, và có một người, tôi nhận ra anh chàng tên Andrea, đang chơi dương cầm ở góc.

 

Khi chúng tôi lại trôi vào bóng tối, tôi nói: “Ông Gardner, đây không phải việc của tôi, tôi biết. Nhưng tôi cũng thấy có lẽ mọi việc giữa ông và bà Gardner gần đây không ổn lắm. Tôi muốn ông biết rằng tôi hiểu được những việc thế này. Mẹ tôi ngày xưa thường hay buồn, có lẽ cũng như ông bây giờ đây. Mẹ thường nghĩ rằng mẹ đã tìm được đúng người, mẹ trở nên rất vui và bảo người này sắp trở thành bố mới của tôi. Một hai lần đầu tôi tin mẹ. Sau đó thì tôi biết là sẽ không thành. Nhưng mẹ tôi, mẹ không bao giờ ngừng tin điều đó. Và mỗi lần mẹ buồn bã, có lẽ cũng như ông đêm nay, ông biết mẹ tôi làm gì không? Mẹ tôi sẽ bật đĩa nhạc của ông và hát theo. Những mùa đông dài ấy, trong căn hộ bé tí của chúng tôi, mẹ ngồi đó, quỳ gối, tay cầm cốc nước gì đó, và hát theo ông khe khẽ. Và tôi còn nhớ, ông Gardner ạ, thỉnh thoảng, hàng xóm tầng trên lại đập thình thình xuống trần nhà tôi, nhất là khi ông hát những bài rộn ràng, kiểu như ‘High hopes’ hoặc ‘They all laughed’. Tôi thường nhìn mẹ tôi thật kỹ, nhưng có vẻ như mẹ không nghe thấy gì cả, mẹ chỉ nghe ông, gật đầu đánh nhịp, môi mấp máy theo lời hát. Ông Gardner, tôi muốn nói với ông. Những bài hát của ông giúp mẹ tôi qua được những thời kỳ đó, chắc cũng đã giúp hàng triệu người khác nữa. Và nếu nó giúp cả ông thì cũng tự nhiên thôi.” Tôi cười khe khẽ, có ý muốn động viên, nhưng lại thành ra hơi lố quá. “Ông có thể tin ở tôi tối nay, ông Gardner. Tôi sẽ chơi hay như cả dàn nhạc, rồi ông xem. Rồi bà Gardner sẽ nghe thấy chúng ta và ai biết được? Có thể mọi việc giữa hai người sẽ lại ổn thỏa. Cặp vợ chồng nào cũng có những lúc khó khăn.”

 

Ông Gardner mỉm cười. “Anh thật là dễ thương. Tôi rất cám ơn anh đến giúp tôi đêm nay. Nhưng chúng ta không còn thời giờ nói chuyện nữa. Lindy đã về phòng rồi. Tôi nhìn thấy ánh đèn.”

 

 

 

 

 

Chúng tôi đang đi ngang một tòa biệt thự ít nhất lần thứ ba rồi, và giờ tôi mới hiểu tại sao Vittorio cho thuyền đi vòng vòng liên tục. Ông Gardner vẫn để mắt chờ ánh đèn ở một cửa sổ duy nhất, và mỗi lần thấy vẫn tối, chúng tôi lại đi thêm vòng nữa. Nhưng lần này cửa sổ tầng ba đã bật sáng, cửa chớp hé mở, từ dưới này chúng tôi có thể nhìn thấy một khoảnh trần nhà với những rầm gỗ tối màu. Ông Gardner ra hiệu cho Vittorio, nhưng anh ta đã dừng chèo và chúng tôi trôi chầm chậm đến khi con thuyền ở ngay dưới cửa sổ.

 

Ông Gardner đứng dậy, khiến con thuyền lại tròng trành rất đáng sợ, và Vittorio phải nhanh chóng dịch chuyển để giữ thuyền vững. Rồi ông Gardner cất tiếng gọi, hơi khẽ khàng quá: “Lindy! Lindy!” Cuối cùng ông cũng gọi to hơn: “Lindy!”

 

Có bàn tay đẩy cánh cửa chớp cho mở tung, rồi một dáng người đi ra bao lơn hẹp. Cách đầu chúng tôi một quãng trên tường tòa biệt thự có gắn đèn lồng, nhưng ánh sáng rất yếu, bà Gardner trông chẳng hơn gì một cái bóng. Nhưng tôi cũng thấy bà đã vấn tóc khác với lúc tôi gặp ở quảng trường, có lẽ từ lúc họ dùng bữa tối ngay trước đó.

 

“Anh đấy à cưng?” bà tì vào thành bao lơn nhìn xuống. “Em tưởng anh đã bị bắt cóc đi đâu rồi. Anh làm em sợ phát khiếp.”

 

“Đừng ngớ ngẩn, em yêu. Làm sao có chuyện gì được ở một thành phố thế này? Mà đằng nào anh cũng đã để giấy lại cho em.”

 

“Em không thấy giấy nào cả, cưng à.”

 

“Anh có để giấy lại. Để em không lo lắng.”

 

“Nó để đâu, tờ giấy ấy? Nó viết gì?”

 

“Anh không nhớ nữa, em yêu.” Bây giờ giọng ông có vẻ bực mình. “Chỉ là giấy nhắn bình thường thôi. Em hiểu mà, như kiểu bảo anh đi mua thuốc là hay gì đó.”

 

“Anh đang ở dưới đó là vì thế à? Đi mua thuốc lá à?”

 

“Không, em yêu. Đây là chuyện khác. Anh sẽ hát cho em nghe.”

 

“Có phải đây là chuyện đùa không?”

 

“Không, em yêu, đây không phải chuyện đùa. Đây là Venice. Ở đây ai cũng làm thế.” Ông khoát tay chỉ tôi và Vittorio, làm như sự có mặt của chúng tôi là đủ chứng tỏ.

 

“Đứng ngoài này em lạnh lắm, cưng à.”

 

Ông Gardner thở dài đánh thượt. “Thế thì em ngồi trong phòng nghe cũng được. Đi vào phòng đi, em yêu, thế nào cho thoải mái là được. Chỉ cần cứ để cửa mở là em sẽ nghe được thôi.”

 

Bà cứ thế nhìn xuống ông một hồi lâu, và ông cứ thế nhìn lên bà, cả hai không ai nói gì. Rồi bà quay vào trong, và ông Gardner trông có vẻ thất vọng, mặc dù chính ông đã khuyên bà như thế. Ông cúi gục đầu và buông tiếng thở dài lần nữa, và tôi có thể đoán ông đang do dự có nên tiếp tục hay không. Thế nên tôi nói:

 

“Nào, ông Gardner, chúng ta bắt đầu thôi. Hãy bắt đầu ‘By the time I get to Phoenix’.”

 

Và tôi dạo khe khẽ một đoạn ngắn mở đầu, chưa vào phách, theo kiểu có thể bắt vào bài hát mà cũng có thể dễ dàng tan đi. Tôi cố làm cho tiếng đàn gợi lên nước Mỹ, quán bên đường buồn bã, đường cao tốc rộng dài, và tôi nghĩ lúc ấy tôi cũng nhớ cả về mẹ, về những lần tôi vào phòng thấy mẹ ngồi trên xô pha nhìn chăm chăm bìa đĩa hát có hình một con đường Mỹ, hoặc có khi hình ca sĩ ngồi trên chiếc xe hơi Mỹ. Ý tôi là, tôi cố gắng chơi sao cho nếu mẹ tôi nghe được, bà cũng sẽ nhận ra bài hát đến từ thế giới ấy, thế giới vẽ trên bìa đĩa.

 

Rồi trước khi tôi nhận ra, trước khi tôi kịp vào một phách đều đặn nào, ông Gardner bắt đầu hát. Tư thế ông đứng, trên chiếc thuyền gondola, khá chênh vênh, khiến tôi chỉ sợ ông có thể mất thăng bằng bất kỳ lúc nào. Nhưng giọng ông vẫn hệt như tôi còn nhớ - dịu dàng, gần như khàn khàn, nhưng với một âm lượng mãnh liệt, như phát ra qua một chiếc micro vô hình. Và cũng như mọi ca sĩ Mỹ tài danh, giọng hát ông có vẻ mệt mỏi, thậm chí có nét lưỡng lự, như thể người đàn ông ấy không quen phơi trần trái tim như thế này. Mọi nghệ sĩ lớn đều như thế.

 

Chúng tôi đi trọn bài hát ấy, bài hát chỉ gồm lên đường và tiễn biệt. Người đàn ông Mỹ rời bỏ người tình. Anh ta nghĩ đến cô trong lúc đi qua hết thị trấn này đến thị trấn khác, hết lời này sang lời khác, Phoenix, Albuquerque, Oklahoma, cho xe chạy trên con đường dài mẹ tôi sẽ không bao giờ được thấy. Giá mà chúng ta có thể bỏ lại mọi thứ sau lưng như này - tôi đoán chừng mẹ tôi đã nghĩ vậy. Giá mà nỗi buồn cũng được thế này.

 

Chúng tôi kết thúc bài hát và ông Gardner nói: “Được rồi, giờ chúng ta sang thẳng bài sau. ‘I fall in love too easily’.”

 

Đây là lần đầu đệm cho ông Gardner, tôi phải mày mò khá nhiều cho khớp, nhưng chúng tôi cũng chơi khá được. Sau câu chuyện ông kể về bài hát này, tôi liên tục nhìn lên khung cửa, nhưng không có dấu hiệu gì của bà Gardner, không bóng người, không tiếng động, không gì cả. Rồi chúng tôi cũng chơi xong, và yên tĩnh cùng bóng tối trùm lên bốn bề. Đâu đó gần đây, tôi nghe có người hàng xóm nào đẩy tung cửa sổ, có lẽ để nghe rõ hơn. Nhưng không có gì từ cửa sổ bà Gardner.

 

Chúng tôi chơi “One for my baby” thật chậm, gần như không ra phách, rồi tất cả lại trở về yên lặng. Chúng tôi vẫn nhìn lên cửa sổ, rồi cuối cùng, có lẽ phải sau một phút, chúng tôi đã nghe. Tiếng động chỉ vừa đủ nghe, nhưng không thể nhầm được. Bà Gardner trên đó đang khóc.

 

“Thành công rồi, ông Gardner!” tôi thì thầm. “Thành công rồi. Chúng ta đã chạm tới trái tim bà ấy.”

 

Nhưng ông Gardner không có vẻ hài lòng. Ông lắc đầu mệt mỏi, ngồi xuống và ra hiệu cho Vittorio. “Đưa chúng tôi qua bên kia. Đã đến lúc tôi vào.”

 

Khi chiếc thuyền lại bắt đầu đi, tôi nghĩ ông tránh nhìn sang tôi, gần như thể ông xấu hổ vì những gì chúng tôi vừa làm, và tôi bắt đầu nghĩ có thể toàn bộ chuyện này là một trò đùa ác. Cứ như tôi thấy, ba bài hát này đều ám chỉ những điều khủng khiếp đối với bà Gardner. Thế nên tôi cất cây ghi ta đi và ngồi đó, có lẽ hơi ủ rũ, và chúng tôi đi trong tình trạng đó hồi lâu.

 

Rồi chúng tôi ra đến một đoạn kênh rộng hơn nhiều, và lập tức đã có một chiếc thuyền khách từ phía đối diện vụt qua chúng tôi, tạt sóng dưới con thuyền. Nhưng chúng tôi đã gần tới thềm tòa biệt thự của ông Gardner, và trong khi Vittorio cho thuyền trôi về bến, tôi nói:

 

“Ông Gardner, ông đã đóng vai trò quan trọng trong tuổi trưởng thành của tôi. Và đêm nay đối với tôi là một đêm đặc biệt. Nếu chúng ra cứ thế chia tay và tôi không bao giờ gặp lại ông, tôi biết từ giờ đến cuối đời tôi sẽ băn khoăn mãi. Thế nên ông Gardner, xin ông nói cho tôi. Vừa rồi bà Gardner khóc là vì bà vui hay vì bà buồn bực?”

 

Tôi không nghĩ ông sẽ trả lời. Trong ánh sáng mờ mờ, ông chỉ là một bóng dáng gù gù ở mũi thuyền. Nhưng trong lúc Vittorio buộc thuyền lại, ông trả lời lặng lẽ:

 

“Tôi nghĩ bà ấy vui lòng được nghe tôi hát như vậy. Nhưng bà ấy buồn bực, tất nhiên. Cả hai chúng tôi đều buồn bực. Hai mươi bảy năm là một quãng đường dài và sau chuyến đi này chúng tôi sẽ chia tay. Đây là lần cuối cùng chúng tôi đi cùng nhau.”

 

“Thật đáng tiếc phải nghe điều này, ông Gardner ạ,” tôi nhẹ nhàng nói. “Tôi nghĩ rất nhiều cuộc hôn nhân cuối cùng sẽ kết thúc, kể cả là sau hai mươi bảy năm. Nhưng ít nhất hai người cũng có thể chia tay như thế này. Trong kỳ nghỉ ở Venice. Sau bài hát từ chiếc gondola. Không có nhiều cặp vợ chồng bỏ nhau mà vẫn giữ được lịch sự như thế.”

 

“Nhưng có gì đâu mà không lịch sự? Chúng tôi vẫn còn yêu nhau. Vì thế bà ấy mới khóc trong phòng. Bởi bà ấy vẫn còn yêu tôi nhiều như tôi vẫn yêu bà ấy.”

 

Vittorio đã bước lên bến tàu, nhưng ông Gardner và tôi vẫn ngồi trong bóng tối. Tôi chờ ông nói gì thêm, và tất nhiên, chỉ sau một lúc, ông nói tiếp:

 

“Tôi đã nói với anh, lần đầu nhìn thấy Lindy tôi đã yêu bà ấy. Nhưng hồi ấy bà ấy có yêu tôi không? Tôi rất ngờ có bao giờ bà ấy tự hỏi mình điều đó. Tôi là một ngôi sao, thế là đủ với bà ấy. Tôi là đối tượng bà ấy đã mơ, đã đặt quyết tâm giành được từ quán ăn ngày nào. Yêu hay không yêu tôi không phải là câu hỏi. Nhưng hai mươi bảy năm hôn nhân có những tác động lạ lùng. Có rất nhiều đôi, bắt đầu thì yêu nhau, rồi dần dần chán nhau, cuối cùng xoay ra ghét nhau. Nhưng cũng có lúc ngược lại. Phải mất vài năm, nhưng từng chút một Lindy bắt đầu yêu tôi. Ban đầu tôi không dám tin điều đó, nhưng đến một lúc không thể không tin được nữa. Bàn tay chạm khẽ vào vai tôi khi đứng dậy từ bàn ăn. Nụ cười ngồ ngộ từ đầu kia phòng khi không có chuyện gì đáng cười, chỉ là bà ấy quẩn quanh. Tôi nghĩ bà ấy cũng ngạc nhiên chẳng kém, nhưng sự tình là thế. Sau năm hay sáu năm, chúng tôi thấy mình đã hoàn toàn thoải mái với nhau. Thấy mình lo lắng cho nhau, quan tâm đến nhau. Tôi đã nói, chúng tôi đã yêu nhau. Và chúng tôi vẫn còn yêu nhau đến bây giờ.”

 

“Tôi không hiểu, thưa ông Gardner. Vậy tại sao ông và bà Gardner lại chia tay?”

 

Ông lại thêm một tiếng thở dài. “Làm thế nào anh hiểu, anh bạn trẻ, với những kinh nghiệm của anh? Nhưng đêm nay anh đã rất tốt với tôi, nên tôi sẽ thử giải thích cho anh. Sự tình là, tôi không còn là tên tuổi lừng lẫy ngày xưa nữa. Anh cứ việc phản đối, nhưng ở cái nơi của tôi, không cách nào tránh được chuyện đó. Tôi không còn là người tên tuổi. Giờ một là tôi có thể chỉ việc chấp nhận và cứ thế mờ đi. Sống bằng hào quang quá khứ. Hoặc tôi có thể nói, không, tôi chưa phải đã bỏ đi. Nói cách khác, anh bạn ạ, tôi có thể làm một cú quay lại. Hàng chục người đã làm thế từ vị trí tôi hiện giờ hoặc thậm chí thấp hơn. Nhưng quay lại không phải chuyện dễ dàng. Anh phải sẵn sàng thực hiện rất nhiều thay đổi, kể cả những thay đổi khó khăn. Anh thay đổi con người anh. Anh thay đổi cả một vài thứ anh yêu.”

 

“Ông Gardner, ý ông là hai người phải chia tay để ông làm cái việc quay lại này?”

 

“Anh cứ nhìn những người kia, những người quay lại thành công. Nhìn những người từ thế hệ tôi vẫn còn trụ lại. Tất cả không trừ một ai, họ đều cưới vợ mới. Hai lần, có người ba lần. Không trừ một ai, ôm vợ trẻ trong tay. Tôi với Lindy sẽ chỉ thành trò cười. Thêm nữa, có một cô gái tôi đã để ý từ lâu, và cô ấy cũng để ý tôi. Lindy hiểu rõ luật chơi. Bà ấy biết điều ấy trước tôi từ lâu, có thể thậm chí từ những ngày ở quán ăn nghe Meg nói chuyện. Chúng tôi đã bàn bạc xong. Bà ấy hiểu bây giờ là lúc ai đi đường nấy.”

 

“Tôi vẫn không hiểu, ông Gardner. Cái nơi của ông và bà Gardner không thể khác biệt đến thế với mọi nơi khác được. Đấy là vì sao, thưa ông, đấy là vì sao những bài hát của ông từ bao nhiêu năm nay, chúng làm rung động lòng người khắp mọi nơi. Kể cả nơi tôi từng sống. Mà những bài hát ấy nói gì? Rằng nếu hai con người không yêu nhau nữa và họ phải chia tay, như thế thật buồn. Nhưng nếu họ vẫn tiếp tục yêu nhau, họ cần phải ở với nhau trọn đời. Mọi bài hát của ông đều nói như thế.”

 

“Tôi hiểu anh nói gì, anh bạn. Và chuyện này có vẻ tàn nhẫn với anh, tôi hiểu. Nhưng đời là như thế. Và nghe tôi, đây cũng là vì Lindy nữa. Bà ấy sẽ được lợi nhất nếu chúng tôi làm thế lúc này. Bà ấy còn lâu mới đến lúc già. Anh nhìn thấy rồi đấy, bà ấy vẫn còn rất đẹp. Bà ấy cần thoát ra bây giờ, trong khi còn đủ thời gian. Đủ để lại có tình yêu, có một cuộc hôn nhân mới. Bà ấy cần thoát ra trước khi quá muộn.”

 

Tôi không biết mình phải trả lời thế nào, nhưng rồi ông khiến tôi bất ngờ khi nói: “Mẹ của anh. Tôi nghĩ bà ấy không bao giờ thoát ra được.”

 

Tôi ngẫm nghĩ, rồi lặng lẽ đáp: “Không, thưa ông Gardner. Mẹ tôi không bao giờ thoát ra được. Mẹ không sống được đến lúc chứng kiến những thay đổi trên đất nước tôi.”

 

“Thật đáng buồn. Tôi nghĩ bà ấy hẳn là một người rất tốt. Nếu anh đã kể sự thực, và những bài hát của tôi giúp bà vui, điều ấy với tôi có ý nghĩa rất nhiều. Thật đáng buồn là bà không thoát ra được. Tôi không muốn điều đó xảy ra với Lindy của tôi. Không đời nào. Không phải với Lindy của tôi. Tôi muốn Lindy của tôi thoát ra được.”

 

Chiếc gondola dập dềnh va nhẹ vào cầu tàu. Vittorio khẽ lên tiếng gọi, chìa tay, và sau vài giây ông Gardner đã đứng được dậy và trèo ra. Đến lúc tôi cùng cây đàn cũng trèo ra được - tôi sẽ không đời nào xin xỏ Vittorio chở đi miễn phí - thì ông Gardner đã rút ví ra.

 

Vittorio có vẻ hài lòng với khoản tiền nhận được, và sau những cử chỉ và lời nói văn hoa thường lệ, anh ta trở lại thuyền và dong đi dọc kênh.

 

Chúng tôi nhìn anh ta biến vào bóng tối, rồi trong chớp mắt, ông Gardner đã dúi một xấp tiền vào tay tôi. Tôi bảo ông từng này là quá nhiều, và đằng nào được làm việc này cũng đã là một ân huệ lớn đối với tôi, nhưng ông nhất định không chịu rút lại.

 

“Không được, không được,” ông nói, khua khua tay trước mặt, như thể ông muốn cắt đứt, không phải chỉ chuyện tiền bạc, mà cả tôi, buổi tối nay, có thể cả phần đời ấy. Ông bắt đầu bước đi về phía tòa biệt thự, nhưng mới vài bước ông đã dừng mà quay lại nhìn tôi. Con phố nhỏ xung quanh, dòng kênh, tất cả giờ đây yên lặng, chỉ có tiếng ti vi đâu đó xa xa.

 

“Tối nay anh chơi hay lắm, anh bạn,” ông nói. “Anh có một nét riêng.”

 

“Cám ơn ông Gardner. Ông hát rất tuyệt vời. Luôn luôn tuyệt vời.”

 

“Có thể tôi sẽ quay lại quảng trường trước khi chúng tôi đi. Nghe anh chơi cùng ban nhạc lần nữa.”

 

“Tôi mong được thế, thưa ông Gardner.”

 

Nhưng tôi không bao giờ gặp lại ông. Tôi nghe tin vài tháng sau, khi thu tới, rằng ông bà Gardner đã ly dị - một hầu bàn quán Florian đọc được đâu đó nói với tôi. Buổi tối hôm ấy lại quay về trong tôi, khiến tôi hơi buồn khi nghĩ lại mọi chuyện. Bởi ông Gardner có vẻ là một người đứng đắn ra trò, và cho dù anh nghĩ về chuyện đó ra sao, có quay lại hay chẳng, ông vẫn là một trong các thiên tài.