Dạ Khúc: Năm Câu Chuyện Về Âm Nhạc Và Đêm Buông

Khu Đồi Malvern

Cả mùa xuân tôi đã ở Luân Đôn, và tổng kết lại, tuy không làm được hết mọi thứ đã định song đấy cũng là một quãng dừng lý thú. Nhưng tuần lại tuần trôi qua và mùa hè gần tới, cảm giác bồn chồn quen thuộc lại trở về. Một phần trong đó là nỗi kinh sợ mơ hồ mình sẽ lại đụng phải bạn cũ hồi đại học nào đó nữa. Mỗi lần tôi dạo quanh Camden Town, hay lục qua những CD đằng nào cũng không đủ tiền mua trong các đại siêu thị khu West End, đã có quá đủ người đến chào tôi, hỏi han tôi thế nào, từ thuở rời ghế nhà trường để “kiếm tìm giàu sang và danh vọng” cho đến bây giờ. Không phải tôi ngượng không dám kể cho họ mình đã trải qua những gì. Chẳng qua là - trừ một số rất ít - không ai trong số họ có khả năng hiểu được, đối với tôi tại thời điểm này, cái gì có thể tính hoặc không tính là vài tháng “thành công”.

 

Như đã nói, tôi không đạt được tất cả các mục tiêu đề ra, nhưng đằng nào thì chúng vẫn là các mục tiêu dài hạn. Và mỗi cuộc diễn thử, ngay cả những cuộc tẻ nhạt nhất, đều là một kinh nghiệm quý báu vô chừng. Gần như mỗi lần, tôi đều thu nhặt được điều gì đó, một điều mới mẻ về không khí ở Luân Đôn, nếu không thì cũng về công nghiệp âm nhạc nói chung.

 

Một số buổi diễn thử mang dáng dấp khá chuyên nghiệp. Anh sẽ thấy mình trong một cái nhà kho, hoặc một khu ga ra cải biên, và có một ông bầu, mà cũng có thể là bạn gái một người trong ban, ghi tên anh, yêu cầu anh đợi, mời anh dùng trà, trong lúc âm thanh từ chỗ ban nhạc, hết dừng rồi lại nổi, thình thình từ bên cạnh đó vọng sang. Nhưng chủ yếu các cuộc diễn thử xảy ra lộn xộn hơn nhiều. Thực tế thì, cứ xem hầu hết các ban nhạc xử lý công việc thế nào, anh sẽ không còn băn khoăn không hiểu tại sao toàn bộ ngành âm nhạc Luân Đôn đang giãy chết. Hết lần này đến lần khác, tôi đã đi qua hàng dãy nhà liên kế quê mùa không tên bên rìa thành phố, đã vác cây ghi ta thùng lên thang gác, đã vào một căn phòng bốc mùi xú khẳn bày đầy nệm giường cùng túi ngủ trên sàn, cùng các nghệ sĩ nói năng lúng búng và hiếm khi nhìn thẳng vào mắt anh. Tôi đã hát và chơi đàn trong lúc họ nhìn tôi mà chẳng lộ vẻ gì, cho đến khi một trong số họ có lẽ sẽ kết thúc bằng câu kiểu như: “Vâng, được rồi. Cám ơn anh, nhưng đây không hẳn là loại nhạc của chúng tôi.”

 

Tôi nhanh chóng hiểu ra rằng hầu hết các cậu này đều nhút nhát hoặc hẳn hoi là ngượng ngùng vì chuyện diễn thử, và nếu tôi tán chuyện về những đề tài khác thì họ sẽ thoải mái hơn nhiều. Đấy là lúc tôi nhặt nhạnh được đủ thứ thông tin hữu ích: club nào hay ho, ban nhạc nào đang thiếu ghi ta. Hoặc đôi khi chỉ là gợi ý về một ngón hay cần thử. Đã nói rồi, tôi không tay trắng mà đi bao giờ.

 

Về tổng thể, người ta khá thích tiếng đàn của tôi, rất nhiều người còn bảo giọng tôi sẽ đáng giá khi vào bè đệm. Nhưng có thể nhanh chóng thấy rằng có hai yếu tố chống lại tôi. Thứ nhất là tôi không có đồ nghề. Rất nhiều ban nhạc cần một người có đủ ghi ta điện, âm li, loa, xe nữa thì càng tốt, sẵn sàng trám ngay vào lịch diễn của họ. Tôi chỉ có hai chân cùng cây ghi ta thùng khá ghẻ lở. Cho nên dù có khoái lối phối nhịp hay giọng hát của tôi đến cỡ nào, họ cũng không có cách nào khác ngoài mời tôi ra cửa. Điều này thì có thể hiểu được.

 

Trở ngại thứ hai thì khó chấp nhận hơn nhiều - và phải nói hoàn toàn làm tôi chưng hửng. Thực tế là, vấn đề nằm ở chỗ tôi tự sáng tác bài hát. Thật không thể tin nổi. Tôi đến đó, vào một căn hộ bê bối, chơi cho những khuôn mặt vô cảm túm tụm xung quanh, rồi đến khi dứt, sau một khoảng im lặng phải đến mười lăm, ba mươi giây, một người sẽ nghi hoặc hỏi: “Thế bài này là của ai vậy?” Và khi tôi nói là do tôi sáng tác, anh sẽ thấy lưng quay về phía anh. Vai sẽ nhún, đầu sẽ lắc, nụ cười kín đáo chuyển từ người này sang người khác, rồi họ sẽ đọc cho tôi diễn văn từ chối.

 

Lần thứ một trăm gặp phải chuyện này, tôi mất hết kiên nhẫn liền nói: “Này, tôi không hiểu nổi. Các cậu muốn suốt đời chỉ hát cover hay sao? Và ngay cả nếu các cậu muốn thế đi nữa thì những bài hát đó, các cậu nghĩ xem chúng nó từ đâu đến? Phải, đúng rồi đấy. Đều có người viết ra cả!”

 

Nhưng người đối thoại chỉ nhìn tôi dửng dưng, và nói: “Nói thì đừng giận, bồ ạ. Chẳng qua là có quá nhiều gã vô tích sự chỉ suốt ngày sáng tác thôi.”

 

Cái thái độ ngu ngốc này, mà hình như đã lây lan khắp Luân Đôn, là điều chính yếu thuyết phục tôi rằng có gì đó đã hoàn toàn mục ruỗng rồi, không thì ít nhất cũng cực kỳ hời hợt và giả tạo ở đây, ở ngay tầng cơ sở, và không nghi ngờ gì nữa đây là tấm gương phản ánh những gì đang diễn ra trong ngành âm nhạc ở những bậc trên cùng.

 

Chính cái phát hiện này, cộng thêm chuyện mùa hè đến gần mà tôi đã sắp hết nơi có thể ngủ được, khiến tôi nghĩ rằng dù Luân Đôn có quyến rũ đến đâu - so ra thì thời đại học của tôi khá là ảm đạm - thì rời khỏi thành phố ít lâu cũng là có lợi. Thế nên tôi gọi cho chị gái, Maggie, đang cùng chồng quản lý một quán cà phê trên Malvern Hills, và đấy là lý do vì sao tôi sẽ đến ở cả mùa hè với họ.

 

 

 

 

 

Chị Maggie hơn tôi bốn tuổi, lúc nào cũng lo lắng vì tôi, cho nên tôi biết nếu mình đến chị sẽ ủng hộ hết sức. Thực tế là, tôi còn thấy chị sẽ mừng vì có thêm một tay một chân. Khi nói quán của chị ở Malvern Hills, ý tôi không phải là ở khu trung tâm hay xuôi xuống đường A, mà theo nghĩa đen là ở giữa khu đồi. Đấy là một tòa nhà cũ kiểu Victoria đứng lẻ loi ngoảnh về phía Tây, nên khi nào trời đẹp anh có thể mang trà và bánh ra quán ngoài sân thưởng thức khung cảnh toàn Herefordshire. Maggie và Geoff phải cho quán nghỉ trong mùa đông, nhưng hè thì bao giờ cũng kín khách, hầu hết là dân trong vùng - sau khi bỏ xe lại trong bãi xe West of England quãng một trăm thước bên dưới và vừa thở vừa đi lên đường mòn, mang xăng đan mặc váy hoa - nếu không thì là một binh đoàn cuốc bộ cầm bản đồ và nai nịt tận răng.

 

Maggie nói chị và Geoff không có tiền trả tôi, khiến tôi càng mừng vì như vậy nghĩa là tôi không bị đòi hỏi phải làm việc cật lực cho họ. Dù sao thì, bởi tôi trú luôn tại đây nên có vẻ như họ ngầm hiểu tôi là nhân viên thứ ba của quán. Cũng không rõ ràng lắm, và mấy ngày đầu thì Geoff - đặc biệt là Geoff - có vẻ muốn nổ đầu vì không biết nên đá đít tôi vì tôi không đủ chăm chỉ hay nên xin lỗi rối rít mỗi lần bảo tôi làm gì, như thể tôi là khách ở đây. Nhưng rồi cũng nhanh chóng vào nền nếp. Việc ở đây cũng dễ dàng - tôi khá nhất cái khoản làm bách xăng uých - và đôi khi tôi phải tự nhắc mình nhớ lại mục đích chính khi đi về vùng quê: ấy là tôi sẽ sáng tác một loạt bài hát mới, sẵn sàng quay lại Luân Đôn khi nào sang thu.

 

Về bản chất thì tôi là người dậy sớm, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng bữa sáng trong quán là một cơn ác mộng, khách ăn đòi trứng phải thế này, bánh mì nướng thế kia, cái gì cũng thành quá lửa. Thế nên tôi định tâm không bao giờ ló mặt xuống trước mười một giờ. Giữa những tiếng loảng xoảng từ tầng dưới vọng lên, tôi mở cái cửa sổ kiểu lồi lớn trong phòng, ngồi trên bệ cửa rộng vừa chơi đàn ghi ta vừa ngắm hàng dặm đồng quê trước mắt. Có một chuỗi mấy buổi sáng liền cực kỳ trong trẻo ngay sau khi tôi đến, và cảm giác thật huy hoàng, như là tôi có thể nhìn đến vô cùng tận, và khi tôi gảy những hợp âm, chúng rung lên cho cả đất nước cùng nghe. Chỉ đến khi xoay mình lại và thò đầu ra ngoài cửa sổ, tôi mới nhìn thấy toàn cảnh quán ngoài sân bên dưới, và nhận ra là có những người ra ra vào vào dắt theo chó hay xe nôi.

 

Tôi không phải là khách lạ ở đây. Maggie và tôi lớn lên chỉ cách đây vài dặm ở Pershore và bố mẹ vẫn hay đưa chúng tôi đi dạo trên đồi. Nhưng hồi ấy tôi chẳng bao giờ hào hứng lắm, và ngay khi lớn một chút là tôi không chịu đi cùng nữa. Thế nhưng mùa hè năm nay, tôi thấy đây là nơi chốn đẹp nhất trần gian, thấy rằng theo nhiều nghĩa tôi đã sinh ra ở khu đồi này và thuộc về khu đồi này. Có thể đó còn là do bố mẹ chúng tôi đã chia tay, do thời gian gần đây ngôi nhà nhỏ màu xám đối diện hiệu cắt tóc không còn là nhà “mình” nữa. Dù là lý do gì thì lần này, thay vì cảm giác bức bối ngột ngạt còn nhớ từ hồi bé, tôi cảm thấy một niềm âu yếm, gần như nhung nhớ, đối với vùng này.

 

Tôi nhận ra mình dạo chơi trên những ngọn đồi gần như hằng ngày, đôi lúc mang cả đàn theo nếu biết chắc trời không mưa. Tôi thích nhất là Đồi Bàn và Đồi Cuối, ở đầu phía Bắc rặng đồi, dù chúng thường bị những đoàn dã ngoại trong ngày bỏ lỡ. Ở đó tôi có thể chìm đắm trong suy nghĩ suốt hàng giờ mà không gặp lấy một người. Cứ như tôi đang khám phá ra khu đồi lần đầu tiên, và tôi gần như có thể nếm được ý tưởng về những bài hát mới đang trào lên trong trí.

 

Nhưng làm việc ở quán cà phê thì lại là chuyện khác. Thỉnh thoảng một giọng nói vang lên, hay một khuôn mặt đến bên quầy trong lúc tôi đang làm xa lát, giật tôi trở lại với quãng đời lúc trước. Bạn bè cũ của bố mẹ đôi lúc đến căn vặn tôi dạo này làm những gì, và tôi sẽ phải đáp quanh đến khi họ quyết định tha cho tôi. Thường thì họ sẽ kết thúc đại loại như: “À, ít nhất thì cậu cũng đang bận rộn,” vừa nói vừa gật gật về phía bánh mì và cà chua thái lát, trước khi ngật ngưỡng trở lại bàn với cốc tách trên tay. Hoặc ai đó từng quen hồi đi học sẽ ghé vào và nói chuyện với tôi bằng cái giọng “đại học” họ vừa mới có, có thể là mổ xẻ tập phim Batman mới nhất bằng thứ ngôn từ thông thái, hay thuyết giảng về những nguyên nhân sâu xa của nạn nghèo đói toàn cầu.

 

Tôi không thực sự lấy những chuyện đó làm điều. Thực tế là, vài người trong số họ tôi còn rất mừng được gặp. Nhưng một trong số những người đến quán mùa hè ấy, ngay khi nhìn thấy, tôi đã nghe đông cứng toàn thân, và đến khi tôi nghĩ ra cách lẩn vào trong bếp trốn thì bà ta đã thấy tôi rồi.

 

Đấy là cô Fraser - hoặc Mụ Fraser, như chúng tôi vẫn gọi. Tôi nhận ra ngay khi bà ta vào quán với một con chó bull nhỏ vấy bùn. Tôi những muốn bảo bà ta không được mang chó vào quán, dù những người khác vẫn làm thế mỗi lần ghé vào lấy đồ. Mụ Fraser ngày xưa là cô giáo của tôi ở trường Pershore. Nhờ ơn Chúa mà bà ta nghỉ dạy trước khi tôi vào năm cuối, nhưng trong ký ức tôi cái bóng bà ta phủ xuống toàn bộ sự nghiệp học hành. Không có bà ta thì trường cũng không đến nỗi nào, nhưng bà ta đã nhằm vào tôi ngay từ ngày đầu, mà khi mới mười một tuổi thì anh chẳng thể làm gì để tự vệ trước một nhân vật như thế. Những mánh khóe của bà ta cũng giống như mọi giáo viên khùng khác, như là hỏi tôi trong giờ đúng những câu bà ta cảm thấy tôi sẽ không đáp nổi, rồi bắt tôi đứng lên cho cả lớp cười nhạo. Về sau, chúng có trở nên tinh vi hơn. Tôi nhớ một lần, khi tôi mười bốn tuổi, một thầy giáo mới, tên là thầy Travis, cò đùa với tôi trong lớp. Không phải mang tôi ra đùa, mà như ngang hàng với nhau, và cả lớp cười, và tôi đã thấy vui vui. Nhưng chỉ mấy ngày sau, tôi đi dọc hành lang còn thầy Travis đi từ đầu kia lại, vừa đi vừa nói chuyện với bà ta, và khi tôi đi qua bà ta chộp lấy tôi mà phun ra thứ của khỉ gì đó về chuyện nộp bài muộn hay gì đấy. Vấn đề là bà ta làm thế cốt để thầy Travis biết tôi là một đứa “cá biệt”, rằng nếu thầy có trót nghĩ tôi thuộc vào số những học trò đáng để thầy coi trọng thì thầy nhầm to rồi. Có thể vì bà ta đã già, tôi cũng không biết, nhưng những thầy cô khác hình như không bao giờ nhìn thấu được lòng dạ bà ta. Ai cũng coi lời bà ta như sấm.

 

Khi Mụ Fraser đi vào hôm ấy, thấy rõ là bà ta nhận ra tôi, nhưng bà ta không cười hay gọi tên tôi gì cả. Bà ta mua một tách trà và một gói bánh quy kem, rồi mang ra ngoài sân. Tôi nghĩ thế là xong. Nhưng rồi một lát sau, bà ta lại quay vào, đặt cái tách đã cạn và đĩa xuống quầy rồi nói: “Vì anh không định dọn bàn nên tôi đã tự mang vào đây.” Bà ta ném cho tôi cái nhìn độ một hay hai giây lâu hơn bình thường - cái nhìn “giá mà tao bợp được tai mày” ngày xưa - rồi bỏ đi.

 

Nỗi căm giận với mụ chằn tinh bùng lại trong tôi, và đến khi Maggie xuống quầy mấy phút sau thì tôi đã hoàn toàn bốc hỏa. Chị nhận thấy ngay, liền hỏi có chuyện gì. Ngoài sân có mấy người khách, nhưng trong nhà không có ai, thế nên tôi bắt đầu quát tháo, rủa Mụ Fraser bằng mọi thứ tên bẩn thỉu xứng với mụ. Maggie dỗ tôi bình tĩnh lại, rồi nói:

 

“Mà đằng nào bà ấy cũng chẳng dạy dỗ ai nữa đâu. Chỉ còn là một bà già tội nghiệp có ông chồng đã bỏ nhà đi.”

 

“Chẳng có gì lạ.”

 

“Nhưng cũng phải thấy thương hại bà ta. Đúng lúc bà ta nghĩ mình có thể về hưu yên ổn thì ông ta bỏ đi với một người trẻ hơn. Và bây giờ bà ta phải trông coi cái nhà trọ một mình và người ta bảo cái chỗ ấy chả còn ra thể thống gì nữa cả.”

 

Tin ấy làm tôi vui không kể xiết. Tôi cũng nhanh chóng quên ngay Mụ Fraser, vì một nhóm khách đi vào và tôi phải làm thêm mấy đĩa xa lát cá ngừ. Nhưng vài ngày sau nói chuyện với Geoff trong bếp, tôi moi được thêm vài thông tin: rằng ông chồng từ bốn chục năm nay đã đi mất với cô thư ký, và rằng cái nhà khách của họ đã có một khởi đầu thuận lợi, nhưng bây giờ chỉ nghe kháo chuyện khách đòi lại tiền phòng, hay trả phòng chỉ vài giờ sau khi đến. Tôi đã một lần nhìn thấy tận mắt nhà khách ấy khi giúp Maggie chở về một lượng hàng mua sỉ và chạy xe ngang qua. Nhà khách của Mụ Fraser ở ngay trên Tuyến đường Elgar[1], một căn nhà đá hoa cương khá bề thế với một tấm bảng ngoại cỡ viết “Trú quán Malvern”.

 

[1] Tuyến đường bốn mươi dặm nối những điểm tham quan gắn với nhà soạn nhạc Edward Elgar.

 

Nhưng tôi không muốn nói về Mụ Fraser nhiều quá. Không phải tôi bị mụ hay cái nhà khách đó ám ảnh. Tôi chỉ kể lại những điều này ở đây là bởi cái chuyện sẽ xảy ra về sau, khi đến lượt Tilo và Sonja.

 

Geoff hôm ấy đã đi vào khu trung tâm, nên chỉ có tôi và Maggie cầm cự. Giờ ăn trưa cao điểm đã qua, nhưng tới lúc “đôi Đức” vào thì chúng tôi vẫn còn khá rộn. Tôi đã phân loại họ trong đầu là “đôi Đức” ngay khi nghe giọng. Không phải tôi phân biệt chủng tộc hay gì. Nếu phải đứng quầy và ghi nhớ xem ai không thích củ cải đỏ, ai muốn thêm bánh mì, ai gọi gì tính vào hóa đơn nào, anh không còn cách nào khác là phải biến các khách ăn thành nhân vật, gắn cho họ cái tên, lấy ra những đặc điểm ngoại hình. Mặt Lừa gọi bữa thợ cày hai cà phê. Mì dài cá ngừ mayonnaise cho Winston Churchill và phu nhân. Tôi xoay xở bằng cách ấy. Thế nên Tilo và Sonja trở thành “đôi Đức”.

 

Chiều hôm đó rất nóng, nhưng hầu hết khách hàng - vì là người Anh - vẫn muốn ngồi ngoài sân, một số thậm chí còn tránh cái dù để mình có thể đỏ rực lên trong nắng. Nhưng đôi Đức quyết định ngồi trong nhà hưởng bóng râm. Họ đều mặc quần dài thụng màu lông lạc đà, áo thun, đi giày thể thao, nhưng không hiểu sao trông vẫn bảnh bao, cái lối của những người từ đại lục. Tôi đoán họ chừng bốn chục, có thể đầu năm chục - tôi chưa để ý nhiều tại thời điểm đó. Họ vừa ăn trưa vừa khẽ trò chuyện với nhau, và họ không có vẻ gì lạ ngoài một cặp vợ chồng châu Âu trung tuổi, hòa nhã. Rồi sau một lúc, ông chồng đứng dậy đi lại quanh phòng, dừng lại nhìn kỹ một bức ảnh cũ đã mờ Maggie treo trên tường, chụp ngôi nhà từ năm 1915. Rồi ông ta dang rộng đôi tay mà nói:

 

“Vùng quê của các bạn thật tuyệt vời! Ở Thụy Sĩ chúng tôi có nhiều núi đẹp. Nhưng của các bạn ở đây thì khác. Các bạn có đồi. Các bạn gọi chúng là đồi. Chúng có vẻ quyến rũ riêng vì chúng hiền hòa và thân thiện.”

 

“Ồ, ông bà là người Thụy Sĩ,” Maggie nói bằng giọng lễ độ. “Tôi muốn đến Thụy Sĩ từ lâu. Nghe kể về nó thật tuyệt, dãy Alps và cáp treo.”

 

“Tất nhiên, nước chúng tôi có nhiều cảnh đẹp. Nhưng ở đây, ở chỗ này, các bạn có vẻ quyến rũ đặc biệt. Chúng tôi đã muốn đến thăm vùng này ở Anh từ lâu rồi. Chúng tôi cứ nói về nó mãi, và cuối cùng giờ chúng tôi đã đến!” Ông ta cười lên thành thật. “Thật mừng đến được đây!”

 

“Tuyệt quá,” Maggie nói. “Tôi rất mong ông thích nơi này. Ông bà có ở lại lâu không?”

 

“Chúng tôi còn ba ngày nữa trước khi phải quay về công việc. Chúng tôi đã mong muốn đến đây kể từ khi chúng tôi xem một bộ phim tài liệu xuất sắc nhiều năm trước, nói về Elgar. Rõ ràng là Elgar rất yêu những ngọn đồi này và từng thăm thú mọi ngóc ngách bằng xe đạp. Và cuối cùng giờ chúng tôi đã đến!”

 

Maggie nói chuyện với ông ta một lúc nữa về những nơi ông ta đã đến thăm ở Anh, khuyên ông ta xem gì ở vùng này, những điều ta vẫn nói với khách du lịch. Cái đó tôi đã nghe hàng chục lần rồi, và tôi có thể tự tua bài đó gần như tự động, nên tôi bắt đầu ngãng ra. Tôi chỉ tiếp thu được rằng đôi Đức thực ra là người Thụy Sĩ và rằng họ đi du lịch bằng xe thuê. Ông ta cứ nhắc đi nhắc lại nước Anh tuyệt vời thế nào và người dân tử tế ra sao, và phá lên cười ha hả mỗi lần Maggie nói gì chỉ hơi có ý hài hước. Nhưng như đã nói, tôi ngãng ra, nghĩ rằng họ chỉ là một đôi vợ chồng khá buồn tẻ. Mãi một lúc sau tôi mới lại chú ý, khi nhận ra ông chồng cứ cố gắng lôi kéo bà vợ vào câu chuyện, còn bà ta cứ lặng yên, mắt cắm vào quyển sách hướng dẫn, làm bộ không biết có câu chuyện nào. Đến lúc đó tôi mới tập trung nhìn kỹ hơn.

 

Cả hai người đều rám nắng một cách tự nhiên, đều đặn, hoàn toàn không giống cái vẻ tôm luộc đầm đìa mồ hôi của mấy người dân vùng này ở ngoài kia, và dù đã lớn tuổi, họ đều có vẻ mảnh dẻ và rắn chắc. Ông chồng tóc đã ngả bạc, nhưng còn dày dặn, và chải cẩn thận, dù kiểu tóc phảng phất thập kỷ bảy mươi, hơi giống hai giọng nam trong ABBA. Bà vợ tóc bạch kim, gần như màu tuyết, với khuôn mặt nghiêm nghị, những khóe nhỏ vẽ quanh miệng làm hỏng mất vẻ mặt lẽ ra đã có thể là một mệnh phụ đẹp. Và thế là, như tôi đã nói, ông cố đưa bà vào câu chuyện.

 

“Tất nhiên, vợ tôi ưa Elgar lắm và rất háo hức được xem căn nhà nơi Elgar đã sinh ra.”

 

Im lặng.

 

Hoặc là: “Tôi không mê Paris, tôi phải thú nhận. Tôi thích Luân Đôn hơn. Nhưng còn Sonja, cô ấy thích Paris lắm.”

 

Vẫn không có gì.

 

Mỗi lần nói câu nào như thế, ông lại quay về bà vợ đang ngồi trong góc phòng, và Maggie cũng phải nhìn theo ra phía bà, nhưng bà vẫn không ngẩng lên khỏi quyển sách. Ông khách không vì thế mà tỏ ra buồn phiền và vẫn hớn hở nói chuyện. Rồi ông ta lại dang hai tay mà nói: “Xin phép cô, chắc tôi sẽ ra ngoài một chút thưởng thức phong cảnh xinh đẹp ở đây!”

 

Ông ta đi ra, và chúng tôi thấy ông đi vòng quanh sân. Rồi ông ta biến mất khỏi tầm nhìn. Bà vợ vẫn ngồi trong góc, đọc quyển hướng dẫn, và một lúc sau Maggie đến bên bàn bắt đầu dọn dẹp. Bà khách coi như không có chị cho đến lúc chị cầm lấy cái đĩa vẫn còn một mẩu bánh nhỏ xíu, nhấc lên. Rồi bỗng dưng bà đập sầm quyển sách xuống bàn và nói, lớn giọng hơn nhiều so với cần thiết: “Tôi đã xong đâu!”

 

Maggie xin lỗi và để bà lại cùng miếng bánh - miếng bánh mà tôi thấy bà ta không hề tỏ ý muốn chạm vào. Maggie đưa mắt nhìn khi đi qua tôi và tôi nhún vai đáp lại. Rồi một lúc sau, chị tới hỏi bà khách, ngọt ngào hết sức, liệu bà có muốn gọi thêm gì chăng.

 

“Không. Tôi không cần gì nữa.”

 

Tôi nghe giọng nói có thể đoán được rằng nên để bà ta yên, nhưng với Maggie thì gần như đã thành phản xạ. Chị hỏi, như là chị thực sự quan tâm: “Mọi thứ ổn cả chứ ạ?”

 

Phải ít nhất năm hay sáu giây, bà khách vẫn ngồi đọc sách, như không nghe thấy gì. Rồi bà ta bỏ sách xuống và trừng mắt nhìn chị tôi.

 

“Vì cô đã hỏi,” bà ta nói, “tôi sẽ nói cô hay. Đồ ăn thì không có sao. Tốt hơn nhiều quán kinh khủng quanh đây của các người. Tuy nhiên, chúng tôi đã đợi ba mươi lăm phút chỉ để có một miếng xăng uých và xa lát. Ba mươi lăm phút chẵn.”

 

Giờ tôi nhận ra bà này đang bừng bừng nổi giận. Không phải kiểu cơn giận thình lình đến, rồi nguội đi. Không phải - bà này, như tôi thấy, đã nung lửa trắng được một lúc rồi. Đây là kiểu cơn giận đến rồi ở lại, không thay đổi, như một cơn nhức đầu nặng, không bao giờ lên đỉnh và không chịu tìm đường thoát thích hợp. Maggie lúc nào cũng cân bằng nên không nhận ra được triệu chứng này, chắc là chị nghĩ bà ta đang nêu một khiếu nại ít nhiều có lý. Vì tôi thấy chị xin lỗi và phân trần: “Nhưng bà cũng thấy, khi phải gặp giờ cao điểm như chúng tôi lúc nãy…”

 

“Rõ ràng là ngày nào cô cũng gặp, phỏng? Không phải thế phỏng? Ngày nào cũng thế, vào mùa hè, khi trời đẹp, sẽ có giờ cao điểm như thế? Hử? Thế thì làm sao cô không đối phó được? Một chuyện ngày nào cũng xảy ra mà lại khiến cô bất ngờ. Cô muốn nói với tôi thế phỏng?”

 

Nãy giờ bà ta trừng mắt nhìn chị tôi, nhưng khi tôi ra khỏi quầy đến đứng cạnh Maggie, bà ta chuyển ánh mắt sang tôi. Và có lẽ nhờ vẻ mặt tôi lúc ấy, tôi thấy cơn giận của bà tăng thêm vài độ nữa. Maggie quay lại nhìn, nhẹ nhàng đẩy tôi ra chỗ khác, nhưng tôi cưỡng lại, và cứ nhìn lại bà ta. Tôi muốn bà ta biết không chỉ có bà ta và Maggie ở đây. Chúa biết được chuyện rồi sẽ đi đến đâu, nếu ông chồng không trở vào đúng lúc ấy.

 

“Cảnh tượng tuyệt đẹp làm sao! Cảnh tượng tuyệt đẹp, bữa trưa tuyệt vời, đất nước tuyệt vời!”

 

Tôi đợi ông ta nhận ra mình vừa bước vào vở kịch gì, nhưng nếu có nhận ra thì ông ta cũng không tỏ ra là có ghi nhận. Ông mỉm cười với vợ và nói bằng tiếng Anh, có lẽ là để chúng tôi cũng hiểu: “Sonja, em phải ra mà nhìn một cái. Chỉ cần đi đến cuối đường mòn ngoài kia thôi!”

 

Bà ta nói cái gì đó bằng tiếng Đức, rồi quay lại quyển sách. Ông ta tiến thêm vài bước vào phòng và bảo chúng tôi:

 

“Chúng tôi đã định lái đến Wales chiều nay. Nhưng khu đồi Malvern các bạn đẹp quá, có khi chúng tôi ở lại vùng này nốt ba ngày cuối kỳ nghỉ cũng được. Nếu Sonja đồng ý, tôi sẽ mừng vô cùng!”

 

Ông nhìn sang bà vợ, bà này nhún vai và nói thêm gì đó bằng tiếng Đức, khiến ông lại bật ra tiếng cười lớn, cởi mở của mình.

 

“Tốt lắm! Cô ấy đồng ý! Thế là quyết định. Chúng tôi sẽ không đi tới Wales nữa. Chúng tôi sẽ ở lại vùng các bạn nốt ba ngày nữa!”

 

Ông ta nhìn chúng tôi tươi rói, và Maggie nói vài câu động viên. Tôi nhẹ người thấy bà vợ cất sách và chuẩn bị đi. Cả ông chồng cũng đi lại bàn, nhấc cái ba lô nhỏ khoác lên vai. Rồi ông nói với Maggie:

 

“Tôi đang nghĩ. Không biết chẳng may có khách sạn nhỏ nào gần đây cô có thể giới thiệu cho chúng tôi không? Đừng đắt quá, tiện nghi và dễ chịu là được. Và nếu có thể thì có chút hương vị Anh quốc càng tốt!”

 

Maggie hơi bất ngờ trước câu hỏi và định hoãn binh bằng một câu vô nghĩa kiểu như: “Ông bà muốn ở nơi thế nào?” Nhưng tôi đã chen vào:

 

“Quanh đây nơi tốt nhất là của bà Fraser. Nó ở ngay trên đường tới Worcester. Nó tên là Trú quán Malvern.”

 

“Trú quán Malvern! Nghe đã thấy chuẩn rồi!”

 

Maggie quay đi vẻ bất bình và vờ dọn dẹp vài thứ khác trong lúc tôi chỉ dẫn cặn kẽ cho họ làm thế nào tìm đến nhà khách của Mụ Fraser. Rồi hai vợ chồng đi, ông chồng cảm ơn với nụ cười hơn hớn, bà vợ không liếc lại lấy một cái.

 

Chị tôi quay nhìn tôi mệt mỏi và lắc đầu. Tôi chỉ cười và nói:

 

“Chị phải thừa nhận là bà này với Mụ Fraser thực sự hợp nhau. Một cơ hội quá đẹp không thể bỏ lỡ.”

 

“Với em mua vui như thế thì tốt rồi,” Maggie nói, đi qua tôi vào bếp. “Nhưng chị còn phải sống ở đây.”

 

“Thế thì sao? Này, chị sẽ không bao giờ nhìn thấy đôi Đức ấy lần nữa. Còn nếu Mụ Fraser phát hiện ra chúng ta đang giới thiệu chỗ mụ cho khách du lịch đến đây thì cớ gì mụ ta phải phàn nàn?”

 

Maggie lại lắc đầu, nhưng lần này có gì đó như nét cười nhè nhẹ.

 

 

 

 

 

Quán trở nên tĩnh lặng hơn, rồi Geoff trở về, nên tôi đi lên tầng, bụng nghĩ mình đã làm quá phần mình hôm nay. Lên tới phòng, tôi ngồi lên bệ cửa sổ với cây đàn và chìm đắm một hồi vào một bài hát đang viết dở. Nhưng rồi - và hình như chưa được mấy chốc - tôi đã nghe bữa trà vào giờ cao điểm dưới nhà. Nếu quán trở nên cuồng loạn, mà gần như ngày nào cũng thế, Maggie thể nào cũng gọi tôi xuống - mà thế thì thật bất công, vì hôm nay tôi đã làm đến vậy rồi. Thế nên tôi quyết định khôn ngoan nhất là chuồn ra khu đồi và tiếp tục làm việc ở đó.

 

Tôi ra khỏi cửa sau mà không gặp ai, và lập tức thấy thoải mái được ra nơi thoáng đãng. Trời cũng khá ấm, nhất là khi đeo bao đàn trên lưng, và tôi mừng vì có gió nhẹ.

 

Tôi định bụng tới một chỗ vừa phát hiện được tuần trước. Muốn đến đó phải trèo lên một đường mòn dốc đằng sau nhà, rồi đi thêm vài phút trên chặng thoai thoải hơn đến khi tới một cái ghế dài. Vị trí này được tôi chủ tâm chọn, không chỉ vì khung cảnh mê hồn trước mắt mà còn vì nó không phải ở một giao điểm các nhánh rẽ, nơi anh thường gặp ai đó cùng một bầy trẻ con mệt lử loạng choạng đến ngồi cạnh mình. Mặt khác nó cũng không lìa hẳn khỏi thế giới mà lúc lúc sẽ có một người đi qua, chào anh theo cách riêng của họ, có khi còn buông một câu về cây đàn nữa, mà không cần chậm bước. Tôi không phiền vì chuyện này. Như thế cũng như có khán giả mà lại cũng không có ai, và đem lại cho trí tưởng tượng chút khuyến khích tôi cần.

 

Tôi ngồi trên ghế được khoảng nửa giờ thì để ý thấy mấy người đi dạo, sau khi đi qua với câu chào vắn tắt thường lệ, giờ đã dừng cách tôi vài bước và đang quan sát tôi. Điều này làm tôi khá bực mình, nên tôi nói, hơi có ý mỉa mai:

 

“Không sao đâu. Không cần phải bỏ tiền cho tôi đâu.”

 

Đáp lại là tiếng cười ha hả quen thuộc, tôi ngẩng lên thì thấy đôi Đức đang bước lại băng ghế.

 

Ý nghĩ thoáng qua đầu tôi là họ đã tới chỗ Mụ Fraser, nhận ra tôi chơi khăm họ, và giờ quay lại để tính sổ. Nhưng rồi tôi thấy không chỉ ông chồng, mà cả bà vợ nữa, đang tươi cười thích thú. Họ bước lại đến khi đứng trước mặt tôi, và bởi lúc này mặt trời đang lặn xuống, trong một phút họ chỉ còn là hai cái bóng hắt lên trời chiều lồng lộng. Rồi họ nhích lại thêm và tôi thấy cả hai đều đang nhìn cây ghi ta - mà tôi vẫn đang chơi - với một vẻ vừa ngỡ ngàng vừa sung sướng, giống như người ta nhìn đứa bé con. Lạ lùng hơn nữa, người đàn bà đang nhịp chân theo tiếng nhạc. Tôi mất tập trung và dừng chơi.

 

“Kìa, chơi tiếp đi!” người vợ nói. “Bài anh đang chơi hay lắm.”

 

“Phải,” người chồng nói, “hay tuyệt vời! Chúng tôi nghe thấy từ đằng xa.” Ông ta giơ tay chỉ. “Chúng tôi đang ở đằng kia, trên đỉnh đồi, và tôi bảo Sonja, tôi nghe có tiếng nhạc.”

 

“Tiếng hát nữa,” người đàn bà nói. “Tôi bảo Tilo, nghe xem, có tiếng ai hát đâu đó. Và tôi nghe đúng, phải không? Anh vừa hát nữa, mới một lúc trước.”

 

Tôi vẫn chưa tin hẳn được rằng cái người đang mỉm cười đây cũng là cái kẻ đã hành hạ chúng tôi như thế lúc trưa, và tôi nhìn kỹ họ lần nữa, để xem nhỡ đâu lại là một cặp khác hoàn toàn. Nhưng họ vẫn mặc bộ đồ lúc trước, và dù kiểu tóc ABBA của ông chồng đã bớt chỉnh tề vì gió, tôi không thể nhầm được. Chưa kể ngay lúc đó ông ta đã bảo:

 

“Tôi nghĩ anh là người đã phục vụ chúng tôi bữa trưa ở nhà hàng xinh xắn ban nãy.”

 

Tôi nhận là phải. Rồi bà vợ nói:

 

“Bài anh vừa hát mới đây. Chúng tôi nghe thấy từ trên kia, ban đầu chỉ vọng trong gió. Tôi rất thích cách nó trầm xuống cuối mỗi câu.”

 

“Cám ơn bà,” tôi nói. “Đấy là một bài tôi đang viết dở. Vẫn chưa xong.”

 

“Anh tự viết lấy à? Thế thì anh phải có tài lắm! Xin anh hát lại lần nữa đi, như lúc vừa nãy.”

 

“Anh biết không,” ông chồng nói, “khi nào thu âm bài này, anh phải bảo người sản xuất làm sao để nó đúng như thế này. Như thế này đây!” Ông ta khoát tay ra sau chỉ toàn Herefordshire đang trải rộng trước mắt chúng tôi. “Anh phải bảo họ đây là tiếng động, là bối cảnh âm thanh anh cần. Rồi người nghe sẽ nghe được bài hát như chúng tôi đã nghe hôm nay, vọng qua trong gió trong lúc chúng tôi đi xuống dốc con đồi…”

 

“Nhưng phải rõ hơn một tí, tất nhiên,” người vợ nói. “Nếu không sẽ không nghe rõ được lời. Nhưng Tilo nói đúng. Phải có cảm giác đang ở ngoài trời. Cảm giác về gió, về tiếng vọng.”

 

Họ có vẻ sắp sửa hưng phấn quá mức, như vừa gặp phải một Elgar nữa giữa vùng đồi. Bất chấp những ngờ vực ban đầu, tôi không thể không cảm thấy trìu mến với họ.

 

“À,” tôi nói, “vì tôi viết gần hết bài hát ở trên này nên cũng không lạ là nó có màu sắc nơi đây.”

 

“Đúng, đúng,” cả hai cùng nói và gật gật. Rồi người đàn bà nói: “Anh đừng ngại. Xin để chúng tôi nghe nhạc của anh. Nghe tuyệt vời lắm.”

 

“Được thôi,” tôi nói, tay gảy một khúc vu vơ. “Được thôi, tôi sẽ hát một bài, nếu ông bà thực sự muốn nghe. Không phải bài chưa viết xong đâu. Một bài khác. Nhưng này, tôi không thể hát được nếu hai người đứng ngay trước mặt tôi thế này.”

 

“Tất nhiên,” Tilo nói. “Chúng tôi vô ý quá. Sonja và tôi đã phải diễn trong quá nhiều cảnh huống kỳ quặc và khó khăn rồi, thành ra thiếu nhạy cảm với nhu cầu của những người chơi nhạc khác.”

 

Ông ta nhìn quanh và ngồi xuống một vệt cỏ lún phún bên vệ đường, quay lưng lại tôi nhìn ra vùng quê. Sonja gửi tôi một nụ cười khuyến khích, rồi ngồi xuống cạnh chồng. Ngay lập tức, ông chồng choàng tay qua vai bà, bà tựa vào ông, lúc ấy gần giống như tôi không còn ở đó nữa, mà họ đang có một giờ phút lãng mạn tình tứ ngắm hoàng hôn chốn đồng quê.

 

“Được rồi, bắt đầu,” tôi nói, và chơi bài hát tôi vẫn mở đầu mỗi buổi diễn thử. Tôi nhắm tới đường chân trời mà hát nhưng thỉnh thoảng lại liếc nhìn Tilo và Sonja. Dù không nhìn được mặt, song thấy họ vẫn ấp lấy nhau mà không tỏ ra sốt ruột, tôi hiểu họ tán thưởng những gì đang nghe. Khi tôi kết thúc, họ quay về phía tôi cười tươi rói và vỗ tay, tiếng vỗ tay vọng khắp khu đồi.

 

“Tuyệt trần!” Sonja nói. “Anh đúng là một tài năng!”

 

“Tuyệt diệu, tuyệt diệu,” Tilo thì nói.

 

Tôi cảm thấy hơi ngượng liền vờ cắm cúi thử mấy ngón đàn. Khi cuối cùng tôi cũng nhìn lên, họ vẫn đang ngồi trên mặt đất, nhưng đã chuyển tư thế để nhìn được tôi.

 

“Thế là ông bà cũng chơi nhạc?” tôi hỏi. “Ý tôi là, chơi chuyên nghiệp ấy?”

 

“Phải,” Tilo đáp, “tôi nghĩ anh có thể gọi chúng tôi là chuyên nghiệp. Sonja và tôi, chúng tôi là một bộ đôi. Nhà hàng, khách sạn. Đám cưới, đám tiệc. Khắp châu Âu, dù chúng tôi ưa nhất là làm việc ở Thụy Sĩ và Áo. Chúng tôi sinh sống bằng cách đó, nên phải, có thể nói là chuyên nghiệp.”

 

“Nhưng trên hết,” Sonja nói, “chúng tôi chơi vì chúng tôi tin vào âm nhạc. Tôi có thể thấy anh cũng như thế.”

 

“Nếu tôi thôi không tin vào âm nhạc nữa, tôi sẽ thôi chơi, thế thôi,” tôi nói. Rồi tôi thêm: “Tôi rất mong đến lúc được chơi chuyên nghiệp. Đấy phải là một cuộc sống thú vị.”

 

“Ồ phải, cuộc sống rất thú vị,” Tilo nói. “Chúng tôi rất may mắn được làm công việc này.”

 

“Thế này,” tôi nói, có lẽ hơi đột ngột. “Ông bà có đến nhà khách tôi đã nói không?”

 

“Chúng tôi bất lịch sự quá!” Tilo kêu lên. “Chúng tôi quá mê mải với tiếng nhạc của anh đến nỗi quên bẵng phải cảm ơn anh. Có, chúng tôi có đến và nơi ấy quả là hết sức chuẩn. May là vẫn còn chỗ.”

 

“Đấy đúng là nơi chúng tôi cần,” Sonja nói. “Cám ơn anh.”

 

Tôi lại vờ cắm cúi vào điệu nhạc. Rồi tôi nói, cố gắng thờ ơ hết sức: “Nghĩ lại thì, tôi còn biết một khách sạn nữa. Tôi nghĩ ở đó tốt hơn Trú quán Malvern. Tôi nghĩ ông bà nên đổi.”

 

“Ôi, chúng tôi đã thu xếp xong rồi,” Tilo nói. “Chúng tôi đã tháo đồ đạc, và thêm nữa, đấy đúng là nơi chúng tôi cần.”

 

“Phải, nhưng… Ôi, vấn đề là, ban nãy, khi ông bà hỏi tôi khách sạn, tôi không biết ông bà chơi nhạc. Tôi nghĩ ông bà chắc làm nhà băng hay gì đó.”

 

Cả hai phá lên cười, như tôi vừa nói đùa rất có duyên. Rồi Tilo bảo:

 

“Không, không, chúng tôi không làm nhà băng. Dù có nhiều lúc chúng tôi ước gì được như thế!”

 

“Tôi muốn nói là,” tôi bảo, “có những khách sạn phù hợp hơn cho giới nghệ sĩ, ông bà hiểu không. Rất khó trả lời khi người lạ nhờ giới thiệu khách sạn, nếu như tôi chưa hiểu họ là người thế nào.”

 

“Anh thật tốt bụng mới lo lắng thế,” Tilo nói. “Nhưng xin anh, không cần phải lo thêm nữa. Khách sạn ấy rất ổn. Thêm nữa, con người ta cũng không khác nhau nhiều lắm. Nhà băng hay nhạc sĩ, chúng ta rốt cuộc đều muốn những thứ giống nhau trong đời.”

 

“Anh biết không, em nghĩ không hẳn thế đâu,” Sonja nói. “Anh bạn trẻ đây, anh thấy anh ấy không muốn làm việc ở nhà băng. Anh ấy có những giấc mơ khác.”

 

“Có lẽ em nói đúng, Sonja ạ. Dù sao thì với chúng tôi nhà khách ấy là được rồi.”

 

Tôi cúi người trên dây đàn, dạo thử một câu nhạc ngắn nữa cho mình, và trong vài giây không ai nói gì. Rồi tôi hỏi: “Thế hai người chơi loại nhạc gì?”

 

Tilo nhún vai. “Sonja và tôi chơi vài loại nhạc cụ khác nhau. Cả hai đều chơi được dương cầm. Tôi khá thích clarinet. Sonja chơi vĩ cầm rất tốt, và cũng là một ca sĩ tuyệt vời. Tôi nghĩ chúng tôi thích nhất là chơi dân ca Thụy Sĩ, nhưng theo lối đương đại. Đôi khi cả cái lối anh có thể gọi là cách tân nữa. Chúng tôi lấy cảm hứng từ những nhạc sĩ lớn đã chọn con đường tương tự. Janáček, chẳng hạn. Vaughan Williams của các anh nữa.”

 

“Nhưng loại nhạc ấy,” Sonja nói, “giờ chúng tôi không chơi nhiều lắm nữa.”

 

Họ nhìn nhau với thái độ mà tôi nghĩ là có chút căng thẳng. Rồi nụ cười quen thuộc trở lại trên môi Tilo.

 

“Ừ, như Sonja vừa nói, trong đời thực này, phần lớn thời gian chúng tôi phải chơi những gì khán giả hẳn sẽ ưa thích nhất. Thế nên chúng tôi chơi nhiều bài kinh điển. Beatles, hay Carpenters. Một vài bài mới hơn. Như thế đảm bảo thỏa mãn yêu cầu.”

 

“ABBA thì sao?” tôi hỏi bất chợt, rồi lập tức hối hận. Nhưng Tilo không có vẻ để ý có sự chế nhạo.

 

“Có, tất nhiên, chúng tôi có chơi ABBA. ‘Dancing queen’. Bài đó luôn được hoan nghênh. Thực ra thì ‘Dancing queen’ là bài tôi có hát tí chút, một ít phần đệm. Sonja sẽ bảo anh tôi có một giọng hát kinh khủng. Thế nên chúng tôi phải chắc chắn chỉ chơi bài này khi các khách hàng đang dở bữa ăn, để họ không có cơ hội bỏ trốn!”

 

Ông lại cười ha hả, và Sonja cười theo, dù không ồn ào bằng. Một tay mô tô, trong bộ áo đen trông như áo thợ lặn, phóng vù qua chúng tôi, và một lúc sau đó chúng tôi cùng nhìn cái hình dáng vặn vẹo đi xa dần.

 

“Tôi có đến Thụy Sĩ một lần,” cuối cùng tôi nói. “Hè năm ngoái hay năm kia gì đó. Interlaken. Tôi ngủ đêm ở nhà nghỉ thanh niên.”

 

“À phải, Interlaken. Một thị trấn đẹp. Có nhiều người Thụy Sĩ không ưa nó. Họ bảo đấy là nơi chỉ dành cho du khách. Nhưng Sonja và tôi luôn thích chơi ở đó. Thực tình, chơi nhạc ở Interlaken trong một chiều hè, cho những người khách vui tươi từ khắp nơi trên thế giới, là một điều hết sức tuyệt vời. Tôi hy vọng anh đã có một kỳ nghỉ thú vị.”

 

“Có, tôi thích lắm.”

 

“Có một nhà hàng ở Interlaken hè nào chúng tôi cũng chơi vài tối. Tới lượt chúng tôi, chúng tôi chọn chỗ ngay dưới vòm mái nhà hàng, để quay mặt về phía thực khách, và tất nhiên bàn ăn đều dọn ngoài trời trong những đêm như thế. Và khi biểu diễn, chúng tôi có thể nhìn trọn các du khách đang vừa ăn vừa trò chuyện dưới trời sao. Đằng sau họ, chúng tôi nhìn thấy đồng cỏ rộng, ban ngày làm bãi đậu cho câu lạc bộ dù lượn, nhưng đến tối thì sáng bừng lên dưới ánh đèn đại lộ Höheweg. Và nếu anh có thể phóng tầm mắt xa thêm nữa thì có dãy Alps nhìn xuống cánh đồng. Đường viền ngọn Eiger, ngọn Mönch, ngọn Jungfrau. Và bầu không ấm áp tràn đầy tiếng nhạc do chính chúng tôi chơi. Mỗi khi ở đó, tôi luôn cảm thấy đây là một đặc ân. Tôi nghĩ, phải, thật may mắn được làm công việc này.”

 

“Cái nhà hàng ấy,” Sonja nói. “Năm ngoái, gã quản lý bắt chúng tôi mặc đủ bộ lễ phục khi chơi nhạc, dù trời nóng kinh khủng. Mặc như thế rất khó chịu, và chúng tôi bảo, có khác gì đâu, sao lại phải mặc gi lê lùng bùng và đeo khăn đội mũ làm gì? Chỉ cần mặc sơ mi thôi, chúng tôi rất gọn gàng mà vẫn rất Thụy Sĩ. Nhưng tay quản lý nhà hàng bảo, chúng tôi không mặc đủ bộ thì không chơi. Chọn đi, hắn ta nói, rồi bỏ đi, thế đấy.”

 

“Nhưng mà Sonja, nghề nào chẳng thế. Ở đâu chẳng có đồng phục, chẳng có thứ ông chủ bắt mình phải mặc. Ngay cả ở nhà băng cũng có cơ mà! Và với chúng ta, ít nhất cũng có thứ chúng ta tin. Văn hóa Thụy Sĩ. Truyền thống Thụy Sĩ.”

 

Lần này nữa một điều gì đó khó xử lại lẩn quất giữa họ, nhưng chỉ một hoặc hai giây, và rồi cả hai cùng mỉm cười khi quay lại nhìn cây đàn của tôi. Tôi nghĩ mình cần nói gì đó, nên bảo:

 

“Chắc là tôi sẽ thích như thế lắm. Được chơi ở nhiều nước khác nhau. Như thế sẽ khiến mình tinh tường, thực sự để tâm đến người nghe.”

 

“Phải,” Tilo nói, “thật tốt là chúng tôi được chơi cho đủ loại người. Và không chỉ ở châu Âu. Nói chung là chúng tôi cũng quen biết thêm bao nhiêu thành phố.”

 

“Düsseldorf, chẳng hạn,” Sonja nói. Lúc này giọng bà có lẫn vẻ khác – đanh hơn – và tôi có thể nhận ra con người mình đã gặp ở quán lúc nãy. Tilo thì không có vẻ để ý mà bảo tôi, với vẻ thoải mái:

 

“Düsseldorf là nơi con trai chúng tôi đang sống. Nó cũng bằng tuổi anh. Có thể hơn một chút.”

 

“Hồi đầu năm nay, chúng tôi đến Düsseldorf,” Sonja nói. “Chúng tôi có lịch chơi ở đó. Không phải như mọi khi, đây là cơ hội để chơi nhạc thực sự. Thế nên chúng tôi gọi nó, con trai chúng tôi, đứa con duy nhất, chúng tôi gọi điện báo đang đến thành phố nó sống. Nó không nhấc máy, nên chúng tôi để lại lời nhắn. Hết lời nhắn này đến lời nhắn khác. Không thấy trả lời. Chúng tôi đến Düsseldorf, chúng tôi để lại thêm nhiều lời nhắn nữa. Chúng tôi bảo, bố mẹ đây, bố mẹ ở thành phố của con rồi. Vẫn không thấy gì. Tilo nói đừng lo, có thể nó sẽ tới đêm ấy, đến nghe buổi diễn. Nhưng nó không đến. Chúng tôi chơi, rồi chúng tôi đến một thành phố khác, đến chương trình tiếp theo trong lịch.”

 

Tilo cười khúc khích. “Tôi nghĩ có lẽ Peter đã nghe chán nhạc của chúng tôi suốt khi lớn lên rồi! Tội nghiệp thằng bé, anh thấy đấy, nó phải nghe chúng tôi tập dượt, cả ngày lẫn đêm.”

 

“Tôi nghĩ có lẽ như thế cũng khó,” tôi nói. “Vừa con cái vừa âm nhạc.”

 

“Chúng tôi chỉ có mình nó thôi,” Tilo nói, “nên cũng không khó quá. Tất nhiên chúng tôi cũng may. Khi phải đi diễn mà không thể đưa nó theo, ông bà nó lúc nào cũng sẵn sàng giúp. Và khi Peter lớn hơn, chúng tôi có điều kiện gửi nó vào một trường nội trú tốt. Lần này nữa, ông bà nó lại ra tay. Nếu không thì chúng tôi cũng không trả được từng ấy học phí. Thế nên chúng tôi rất may.”

 

“Phải, chúng tôi rất may,” Sonja nói. “Ngoài chuyện Peter ghét trường học.”

 

Không khí vui vẻ lúc nãy rõ ràng là đang tan đi. Cố gắng cứu vớt tình hình, tôi nói nhanh: “Dù sao thì, có vẻ như ông bà đều rất thích công việc của mình.”

 

“Ồ phải, chúng tôi rất thích công việc của mình,” Tilo nói. “Đấy là điều quý nhất trên đời với chúng tôi. Tuy thế, chúng tôi cũng biết quý trọng một kỳ nghỉ. Anh biết không, đây là kỳ nghỉ tử tế đầu tiên của chúng tôi từ ba năm nay.”

 

Nghe thế tôi lại bắt đầu cảm thấy cực kỳ áy náy, và nghĩ đến chuyện thử thuyết phục họ đổi khách sạn thêm lần nữa, nhưng cũng thấy làm vậy sẽ ngớ ngẩn đến thế nào. Tôi chỉ có thể hy vọng Mụ Fraser đã bắt tay vào làm việc. Tôi đành bảo:

 

“Thế này, nếu ông bà thích, tôi sẽ chơi bài hát tôi đang viết dở lúc nãy. Bài này chưa xong, và bình thường tôi không làm thế đâu. Nhưng vì đằng nào ông bà cũng nghe một phần rồi, tôi có thể chơi cho ông bà nghe những gì tôi đã viết được.”

 

Nụ cười quay lại với Sonja. “Vâng,” bà nói, “xin anh cho chúng tôi nghe. Bài ấy có vẻ hay quá chừng.”

 

Trong lúc tôi chuẩn bị chơi, họ lại chuyển tư thế, để quay mặt nhìn xuống đồi như lúc nãy, quay lưng lại tôi. Nhưng lần này, thay vì ôm nhau, họ ngồi trên cỏ thẳng đờ đến đáng kinh ngạc, cả hai đều đưa tay lên mắt che ánh nắng. Họ cứ như thế suốt trong lúc tôi chơi, ngồi yên như phỗng, và cộng thêm cái bóng dài đổ xuống sau lưng mỗi người, cả hai trông như sắp đặt song đôi ở triển lãm nghệ thuật. Tôi chơi bài hát chưa hoàn thành cho đến một đoạn dừng dở dang, và trong một lúc họ không cử động. Rồi cả hai cũng giãn ra, và họ vỗ tay, dù có lẽ không hẳn hào hứng như lúc nãy. Tilo đứng dậy, lúng búng vài câu khen ngợi, rồi giúp Sonja đứng lên. Chỉ đến khi nhìn thấy tư thế họ lúc ấy anh mới có thể nhận ra họ đúng là đã trọng tuổi rồi. Có lẽ chẳng qua là họ mệt. Biết đâu đấy, có thể họ đã đi bộ kha khá trước khi bắt gặp tôi. Dù sao nữa, tôi cũng thấy có vẻ họ tương đối khó khăn mới đứng dậy được.

 

“Anh đã đem lại cho chúng tôi một niềm vui lớn,” Tilo nói. “Bây giờ chúng tôi là du khách, và có người chơi cho chúng tôi nghe! Đúng là một thay đổi thú vị.”

 

“Tôi sẽ rất thích được nghe bài hát ấy khi nào anh xong,” Sonja nói, và có vẻ thực sự bà nghĩ thế. “Có thể một ngày tôi sẽ nghe thấy nó trên đài. Biết đâu được?”

 

“Phải,” Tilo nói, “và rồi Sonja với tôi sẽ chơi cover cho khách hàng nghe!” Tiếng cười ha hả của ông vọng khắp không trung. Rồi ông lịch thiệp cúi chào và nói: “Vậy là hôm nay chúng tôi mắc nợ anh ba lần. Bữa ăn tuyệt vời. Khách sạn tuyệt hảo mà anh giới thiệu. Và buổi biểu diễn tuyệt diệu giữa những ngọn đồi!”

 

Trong phút chia tay, tôi cồn cào muốn nói cho họ sự thực. Muốn thú nhận là tôi đã cố tình đẩy họ tới nhà khách tệ nhất trong vùng, và bảo họ nên rời đi trong khi còn kịp. Nhưng thái độ trìu mến khi họ bắt tay tôi khiến nói ra điều đó càng khó khăn hơn. Và rồi họ đã lên đường xuống chân đồi và tôi còn lại một mình trên ghế.

 

 

 

 

 

Khi tôi từ trên đồi về thì quán đã nghỉ. Maggie và Geoff có vẻ phờ phạc. Maggie nói đây là ngày bận rộn nhất từ trước đến nay nhưng chị có vẻ hài lòng. Nhưng khi Geoff nhắc lại câu đó trong bữa tối - chúng tôi ăn ngay trong quán những đồ thừa còn lại - anh ta lại như chỉ ra một điều rất tệ, kiểu như là thật kinh khủng, họ thì buộc phải làm việc vất vả như vậy còn tôi thì mất mặt đi đâu? Maggie hỏi buổi chiều của tôi ra sao, và tôi không nhắc đến Tilo và Sonja - như thế sẽ rắc rối quá - mà chỉ bảo tôi đã lên đồi Thỏi Đường để hoàn thiện bài hát. Và khi chị hỏi tôi có tiến thêm được chút nào không, và tôi bảo có, hôm nay tôi tiến được một bước lớn, Geoff đứng dậy sầm sầm bước ra ngoài, dù đĩa vẫn còn thức ăn. Maggie vờ như không thấy, và quả thật, vài phút sau anh ta trở lại cầm một lon bia, ngồi đó đọc báo mà không nói năng gì. Tôi không muốn trở thành cớ chia rẽ hai anh chị tôi, nên sau một lát cũng xin phép đi và lên phòng sửa sang bài hát thêm một chút.

 

Cái phòng của tôi, ban ngày còn gợi cảm hứng là thế, tối đến lại chẳng được chút nào. Thứ nhất là rèm kéo không được kín, nghĩa là nếu có mở cửa sổ trong cái nóng ngột ngạt, sâu bọ hàng dặm quanh đây sẽ thấy ánh đèn và rầm rập kéo vào. Và chiếu sáng cho tôi chỉ là cái bóng đèn không chụp rủ xuống từ vành sứ hoa văn trên trần nhà, hắt bóng tù mù khắp các đồ vật quanh phòng, khiến căn phòng càng rõ ra vẻ trơ trụi. Tối hôm ấy, tôi muốn có ánh sáng để làm việc, để ngoáy lại tí ca từ nào chợt đến với tôi. Nhưng phòng càng lúc càng u tối, nên cuối cùng tôi tắt đèn, vén lại rèm, và mở toang cửa sổ. Rồi tôi ngồi trên bệ với cây đàn, như vẫn làm lúc ban ngày.

 

Tôi đã ngồi thế được khoảng một tiếng, chơi thử nhiều ý tưởng cho phần nối, thì có tiếng gõ cửa và Maggie ló đầu vào. Tất nhiên trong phòng tối mịt, nhưng ở dưới sân có đèn bảo an, cũng đủ cho tôi nhìn ra chị. Trên mặt chị có nụ cười bối rối, và tôi nghĩ chị lại sắp nhờ tôi xuống giúp một việc linh tinh gì nữa đây. Chị đi vào phòng, đóng cửa lại nói:

 

“Chị xin lỗi em nhiều. Nhưng tối nay Geoff thực sự rất là mệt, anh ấy bận cả ngày. Và giờ anh nói anh muốn được yên ổn xem ti vi…?”

 

Chị nói giọng đó, như một câu hỏi, và một lúc sau tôi mới hiểu ra chị đang yêu cầu tôi ngừng chơi.

 

“Nhưng em đang đến một đoạn rất quan trọng,” tôi nói.

 

“Chị hiểu mà. Nhưng tối nay thực sự anh rất mệt, và anh bảo anh không nghỉ ngơi được vì tiếng đàn của em.”

 

“Geoff cần hiểu một điều là,” tôi nói, “cũng như anh ấy có việc của anh ấy, thì em có việc của em.”

 

Chị tôi có vẻ nghĩ ngợi. Rồi chị thở dài đánh sượt. “Chị không nghĩ là nên nhắc lại câu đó cho Geoff.”

 

“Tại sao? Sao chị không nói? Đã đến lúc anh ấy cần hiểu.”

 

“Tại sao à? Tại vì chị không nghĩ anh ấy sẽ hài lòng, thế đấy. Và chị không tin anh ấy sẽ đồng ý rằng việc của anh ấy và việc của em là ngang hàng nhau.”

 

Tôi đứng nhìn Maggie, một lúc không nói được gì. Rồi tôi nói: “Chị toàn nói vớ vẩn. Sao chị lại nói vớ vẩn thế?”

 

Chị lắc đầu nặng nhọc, nhưng không nói gì.

 

“Em không hiểu tại sao chị nói vớ vẩn thế,” tôi nói. “Và vừa đúng lúc mọi thứ đang rất thuận lợi với em.”

 

“Mọi thứ đang thuận lợi với em, thật thế à?” Chị vẫn nhìn tôi trong ánh sáng lờ mờ. “Ừ, được rồi,” cuối cùng chị nói. “Chị không tranh cãi với em đâu.” Chị quay đi mở cửa. “Xuống ngồi với anh chị, nếu em muốn nhé,” chị nói khi rời đi.

 

Phẫn nộ đến đờ người, tôi nhìn cánh cửa vừa đóng sau lưng chị. Bây giờ tôi mới để ý tiếng ti vi lờ mờ vọng lên, và ngay cả trong trạng thái đó, một góc nhỏ trong não vẫn nhắc tôi rằng cơn điên giận này đáng lẽ không nên nhằm vào Maggie, mà phải là Geoff, người đã thực hiện một chiến dịch hạ bệ tôi từ lúc tôi đến đây. Ngay cả thế, chị tôi mới là người làm tôi tức tối. Từ khi tôi vào đến nhà chị, chị chưa một lần đề nghị nghe bài hát của tôi, như Tilo và Sonja đã làm. Đâu có gì quá đáng nếu mong chờ điều đó ở chị mình, người mà, như tôi bây giờ nhớ ra, cũng hết sức ham mê âm nhạc hồi mới lớn? Và bây giờ thì, đấy, đi ngắt ngang giữa lúc tôi làm việc và toàn nói chuyện vớ vẩn. Mỗi lần nghĩ đến câu chị nói “Được rồi, chị không tranh cãi với em”, tôi lại thấy một luồng điên giận mới trào lên.

 

Tôi xuống khỏi bệ cửa, cất đàn đi, rồi nằm phịch xuống trên đệm. Rồi một lúc sau đó tôi chỉ nằm nhìn những nếp hoa văn trên trần. Có vẻ như tôi đã được mời đến đây với những giả định sai lầm, rằng lý do chẳng qua là nhân công giá rẻ cho mùa cao điểm, lao công thậm chí không phải trả tiền. Và chị tôi chẳng hiểu gì hơn so với thằng chồng đần của chị về những khát vọng của tôi. Sẽ đáng đời cả hai nếu tôi bỏ mặc họ ở đây giữa cảnh bát nháo mà trở lại Luân Đôn. Tôi cứ quanh đi quẩn lại những ý nghĩ đó, cho đến khoảng một giờ sau, tôi dịu lại một chút và quyết định sửa soạn đi ngủ.

 

 

 

 

 

Tôi không nói năng nhiều với cả hai khi xuống nhà sau giờ ăn sáng như thường lệ. Tôi chuẩn bị bánh mì nướng và cà phê, tự lấy một ít trứng tráng còn lại, và ngồi xuống một góc quán. Trong khi ngồi ăn tôi cứ trở lại với ý nghĩ mình có thể gặp phải Tilo và Sonja lần nữa trong khu đồi. Và dù có thể sẽ dẫn đến phải nghe bài ca về cái nhà của Mụ Fraser, dù thế đi nữa, tôi nhận ra mình đang hy vọng chuyện đó xảy ra. Thêm nữa, ngay cả nếu chỗ Mụ Fraser thực là kinh khủng, họ cũng không bao giờ đoán được tôi đã giới thiệu vì ác ý. Có cả chục cách để tôi thoát khỏi chuyện này.

 

Maggie và Geoff hẳn là đang trông chờ tôi giúp khi giờ ăn trưa tới, nhưng tôi quyết định họ cần một bài học về chuyện ăn không của người khác. Thế nên sau khi ăn xong tôi đi lên phòng, lấy đàn và chuồn ra cửa sau.

 

Lúc này trời đã lại nóng nực và mồ hôi chảy xuống má khi tôi đi lên đường dốc tới băng ghế của mình. Mặc dù nghĩ về Tilo và Sonja suốt bữa sáng, đến lúc này tôi đã quên mất họ, cho nên khi lên tới chặng dốc cuối và nhìn ra chiếc ghế, tôi khá ngạc nhiên thấy Sonja đang ngồi đó một mình. Bà nhìn ra tôi ngay và vẫy tay.

 

Tôi vẫn còn hơi e sợ bà, và nhất là không có Tilo ở đây, tôi không hào hứng tới ngồi với bà lắm. Nhưng bà cười rõ tươi với tôi và dịch người ra, như là để chỗ cho tôi, nên tôi không còn cách nào khác.

 

Chúng tôi chào nhau, rồi trong một lúc chỉ ngồi cạnh nhau như thế, không nói gì. Ban đầu cũng không khó xử lắm, phần vì tôi vẫn đang lấy lại hơi, phần vì khung cảnh trước mắt. Sương và mây mù nhiều hơn hôm trước, nhưng nếu để ý, vẫn có thể nhìn thấy bên kia bên giới xứ Wales tới dãy đồi Núi Đen. Gió khá mạnh, nhưng không phải là khó chịu.

 

“Thế Tilo đâu rồi?” cuối cùng tôi hỏi.

 

“Tilo à? Ồ…” Bà đưa tay lên che mắt. Rồi chỉ. “Kia kìa. Anh thấy không? Ở đằng kia. Tilo đấy.”

 

Xa xa tầm bao nhiêu đó, tôi nhìn thấy một dáng người, có vẻ là mặc áo phông xanh đội mũ lưỡi trai trắng, đi dọc theo con đường dốc lên Đỉnh Worcestershire.

 

“Tilo muốn đi dạo,” bà nói.

 

“Bà không muốn đi cùng à?”

 

“Không. Tôi ngồi lại đây.”

 

Tuy rõ ràng bà không còn là vị khách điên khùng trong quán, song bà cũng không hẳn là con người thân thiện và khích lệ ngày hôm qua. Hẳn là có chuyện gì đây, và tôi bắt đầu sửa soạn lời biện hộ về chỗ Mụ Fraser.

 

“À nhân thể,” tôi nói, “tôi đã viết thêm một chút cho bài đó. Bà có thể nghe nếu bà muốn.”

 

Bà suy nghĩ một chút, rồi đáp: “Nếu anh không phiền thì có lẽ không phải bây giờ. Anh biết đấy, Tilo và tôi vừa mới nói chuyện. Anh gọi là vừa mới bất đồng cũng được.”

 

“Ôi thế ạ. Rất tiếc lại có chuyện đó.”

 

“Và bây giờ ông ấy đã bỏ đi dạo.”

 

Lần nữa, chúng tôi lại ngồi mà không nói gì. Rồi tôi thở dài và nói: “Tôi nghĩ có lẽ đấy là lỗi của tôi.”

 

Bà quay lại nhìn tôi. “Lỗi của anh à? Sao anh lại nói thế?”

 

“Nguyên nhân hai người cãi nhau, nguyên nhân kỳ nghỉ của ông bà thành ra hỏng cả. Đấy là lỗi tôi. Đấy là tại cái nhà khách, phải không? Nhà khách ấy không được lắm, phải không?”

 

“Nhà khách à?” Bà có vẻ bối rối. “Nhà khách à. Ừ, nó cũng có khuyết điểm. Nhưng nó chỉ là cái nhà khách, như mọi nhà khách khác.”

 

“Nhưng bà để ý, đúng không? Bà luôn để ý các khuyết điểm. Chắc là bà phải để ý.”

 

Bà có vẻ nghĩ ngợi điều này, rồi gật đầu. “Đúng thế, tôi luôn để ý các khuyết điểm. Còn Tilo thì không. Tilo, tất nhiên, nghĩ đấy là một nhà khách tuyệt vời. Chúng ta may mắn quá, ông ấy bảo thế. May mắn quá mới tìm được nhà khách này. Rồi sáng nay chúng tôi dùng bữa. Với Tilo, đó là một bữa sáng rất ổn, bữa sáng tốt nhất từng có. Tôi nói, Tilo, đừng có ngớ ngẩn. Bữa sáng nay chẳng ra gì. Nhà khách này chẳng ra gì. Ông ấy nói, không, không, chúng ta rất là may mắn. Thế nên tôi tức điên lên. Tôi nói cho người chủ biết mọi thứ gì không ổn ở đây. Tilo kéo tôi đi. Chúng ta đi dạo đi, ông ấy nói thế. Rồi em sẽ thấy dễ chịu hơn. Thế nên chúng tôi ra đây. Và ông ấy nói, Sonja, nhìn những ngọn đồi này, chẳng phải chúng thật đẹp sao? Chẳng phải ta may mắn vì đã tới một nơi như thế này trong kỳ nghỉ sao? Vùng đồi này, ông ấy bảo, còn tuyệt vời hơn ông ấy tưởng tượng khi nghe nhạc Elgar. Ông ấy hỏi tôi, không phải thế sao? Có lẽ lúc ấy tôi lại tức lên. Tôi bảo ông ấy, vùng đồi này có gì mà tuyệt. Chúng không phải như tôi tưởng tượng khi nghe Elgar. Những ngọn đồi của Elgar vừa vương giả vừa huyền bí. Ở đây chỉ như một cái công viên. Tôi đã nói với ông ấy như thế, và bây giờ đến lượt ông ấy cáu bẳn. Ông ấy bảo đã thế thì ông ấy sẽ đi một mình. Ông ấy bảo chúng ta thế là xong, chúng ta bây giờ không đồng ý được chuyện gì nữa. Thế đấy, ông ấy bảo, Sonja, em và anh, chúng ta thế là xong. Và ông ấy đi! Anh thấy đấy. Đấy là vì sao ông ấy ở trên đó còn tôi ở dưới này.” Bà lại che mắt và theo dõi chặng đường của Tilo.

 

“Tôi xin lỗi vô cùng,” tôi nói. “Giá mà tôi không chỉ ông bà đến cái nhà khách ấy từ đầu…”

 

“Xin anh. Cái nhà khách không quan trọng.” Bà cúi người tới trước để thấy được Tilo rõ hơn. Rồi bà quay sang tôi mỉm cười, và tôi nghĩ hình như có những giọt lệ nhỏ trong mắt. “Nói tôi hay đi,” bà bảo. “Hôm nay, anh định sáng tác thêm bài hát nữa à?”

 

“Dự định là thế. Hoặc ít nhất thì, tôi định viết nốt bài hát đang viết dở. Bài bà vừa nghe hôm qua ấy.”

 

“Bài ấy hay tuyệt. Và anh sẽ làm gì nữa, sau khi đã viết xong ở đây? Anh có dự định gì chưa?”

 

“Tôi sẽ về Luân Đôn lập một ban nhạc. Những bài hát này cần một ban thích hợp, nếu không chúng sẽ không đạt được hiệu quả.”

 

“Thú vị quá. Tôi chúc anh may mắn.”

 

Ngừng một lúc, tôi lại nói, thật nhỏ: “Mà có khi tôi cũng chẳng làm. Cũng không phải dễ dàng, bà biết đấy.”

 

Bà không trả lời, và tôi chợt nghĩ bà không nghe thấy, bởi bà đã lại quay đi, nhìn về phía Tilo.

 

“Anh biết không,” cuối cùng bà nói, “hồi còn trẻ, không có gì có thể làm tôi bực tức. Nhưng bây giờ tôi bực tức vì mọi thứ. Tôi không biết tại sao mình lại thành thế này. Điều ấy không tốt. Ồ, tôi không nghĩ Tilo sẽ trở lại đây. Tôi sẽ quay lại nhà khách đợi ông ấy vậy.” Bà đứng lên, ánh mắt vẫn dõi theo bóng người đằng xa.

 

“Thật đáng tiếc,” tôi nói và cũng đứng dậy, “ông bà lại bất hòa giữa kỳ nghỉ thế này. Thế mà hôm qua, khi tôi chơi cho hai người nghe, hai người có vẻ hạnh phúc biết mấy.”

 

“Phải, đấy là một khoảnh khắc đẹp. Cám ơn anh đã đem lại nó.” Bỗng nhiên, bà chìa tay cho tôi, mỉm cười thân mật. “Gặp được anh thật mừng.”

 

Chúng tôi bắt tay nhau, theo kiểu mềm mại mỗi lần bắt tay phụ nữ. Bà đã dợm bước đi, song dừng lại nhìn tôi.

 

“Nếu Tilo ở đây,” bà nói, “ông ấy sẽ bảo anh, đừng bao giờ nản chí. Ông ấy sẽ nói, tất nhiên rồi, anh phải đi Luân Đôn và thử thành lập ban nhạc của mình. Tất nhiên anh sẽ thành công. Tilo sẽ nói với anh như thế. Bởi vì ông ấy là như vậy.”

 

“Thế bà thì sẽ nói thế nào?”

 

“Tôi cũng muốn nói tương tự. Bởi anh còn trẻ và tài năng. Nhưng tôi không tin tưởng đến thế. Đời là vậy, đời sẽ mang đến những buồn phiền. Nếu trên hết, anh có những giấc mơ như thế…” Bà lại mỉm cười và nhún vai. “Nhưng tôi không nên nói những điều này. Tôi không phải tấm gương tốt cho anh. Thêm nữa, tôi có thể thấy anh giống Tilo hơn. Nếu buồn phiền có đến, anh vẫn sẽ tiến lên. Anh sẽ nói, cũng như ông ấy nói, rằng mình may mắn làm sao.” Trong vài giây, bà đứng nhìn tôi, như đang ghi nhớ lại dáng vẻ tôi thế nào. Cơn gió đang thổi tung tóc bà, khiến bà có vẻ già hơn thường lệ. “Tôi chúc anh thật nhiều may mắn,” cuối cùng bà nói.

 

“Tôi cũng chúc bà may mắn,” tôi nói. “Và tôi hy vọng hai người chóng làm hòa với nhau.”

 

Bà vẫy tay lần cuối, rồi đi xuống theo đường mòn khuất tầm mắt.

 

Tôi lấy đàn trong bao ra và ngồi lại xuống ghế. Nhưng mãi một hồi lâu tôi không chơi gì, vì còn đang nhìn ra xa, về hướng Đỉnh Worcestershire, và cái bóng tí xíu của Tilo trên đường lên dốc. Có lẽ vì lúc này nắng trên đồi đang chiếu xuống mảng đó, tôi thấy ông rõ hơn lúc nãy nhiều, dù ông đã xa tôi hơn. Ông vừa dừng chân một lúc trên đường, và có vẻ đang nhìn những ngọn đồi quây quần xung quanh, gần như thể đang đánh giá lại chúng. Rồi cái bóng của ông lại tiếp tục di chuyển.

 

Tôi tiếp tục với bài hát một lúc nữa, nhưng cứ liên tục mất tập trung, chủ yếu vì còn đang hình dung vẻ mặt Mụ Fraser lúc Sonja tấn công mụ ta sáng nay. Rồi tôi nhìn lên trời mây, nhìn xuống mặt đất trải bao la bên dưới, và bắt mình quay lại nghĩ về bài hát, về phần nối tôi còn chưa làm xong.