Chúng ta đang ngập sâu trong hoạt động tội phạm. Vấn đề chỉ là nó đã đi quá xa.
— Thống đốc bang Arizona, Jan Brewer
Nhập cư trái phép là quả cầu thép nhắm vào người đóng thuế Mỹ. Washington cần cứng rắn và đấu tranh cho “Chúng ta - Những người dân”, chứ không phải cho những nhóm lợi ích đặc biệt muốn có lao động giá rẻ và khối cử tri thiểu số bỏ phiếu cho mình. Năm nào người đóng thuế cũng bị mắc kẹt với tờ hóa đơn 113 tỷ đô-la trả cho các chi phí nhập cư trái phép. Đó là hóa đơn mà chúng ta không đủ sức chi trả và đáng lẽ không phải trả nếu những vị ở Washington làm phận sự của mình và giữ vững kỷ cương phép nước.
Có quá nhiều Đảng viên Cộng hòa ở Washington nhắm mắt trước vấn nạn nhập cư trái phép bởi một số mạnh thường quân ủng hộ họ trong giới kinh doanh muốn có lao động rẻ một cách phi tự nhiên. Trong khi đó, các Đảng viên Dân chủ theo đường lối tự do lại coi những người nhập cư trái phép là khối cử tri tiềm năng khác ủng hộ đảng mình đang háo hức chờ đợi chính phủ thực hiện các chương trình hành động phát chẩn phúc lợi, chiến tranh giai cấp và “hành động tích cực”. Vậy người đóng thuế được gì? Họ được quả lừa.
Cả hai cần trưởng thành và đặt lợi ích của Mỹ lên trên hết − và điều đó có nghĩa là làm điều đúng đắn vì nền kinh tế, an ninh quốc gia và an toàn của người dân chúng ta. Theo báo cáo của Cục Giải trình Trách nhiệm Chính phủ (GAO), các nhà tù của Mỹ hiện đang giam giữ 351.000 tội phạm người nước ngoài, những người phạm tội sau khi đã phá luật bằng việc bước chân trái phép vào Mỹ. Buộc người đóng thuế phải trả tiền cho 351 nghìn kẻ phạm tội chưa bao giờ sống ở đây là điều lố bịch. GAO cho biết cái giá hằng năm để bỏ tù những kẻ côn đồ này là 1,1 tỷ đô-la. Và chưa hết: những tên tội phạm người nước ngoài này còn bị bắt giữ trung bình bảy lần. Như vậy, mỗi tên tội phạm lẽ ra không bao giờ được phép băng qua biên giới nước ta đã phạm ít nhất bảy tội với người dân Mỹ.
Theo tờ New York Times, cứ ba tù nhân trong nhà tù liên bang thì có một người là người Latin, và 3/4 trong số đó sống ở Mỹ trái phép. Theo lời một luật sư biện hộ ở Phoenix, Arizona: “Tôi có những khách hàng người Mỹ Anglo và bản địa cho biết họ là phạm nhân duy nhất không nói tiếng Tây Ban Nha trong trại giam. Mười năm trước, con số không nhiều đến thế... Nhiều khi, các quản giáo không nói được tiếng đó đó. Làm sao bạn có thể bảo vệ an toàn cho những người không hiểu mệnh lệnh của bạn?” Câu hỏi hay hơn nữa là tại sao chúng ta cần phải bảo vệ họ? Phải chăng chúng ta đột nhiên trở thành khu phụ của hệ thống nhà tù Mexico? Nếu vậy, Mexico phải trả tiền cho việc đó. Tôi quả thật có giả thuyết rằng Mexico đang cử những kẻ tệ hại nhất của họ, có lẽ gồm cả tù nhân, đến đây để bắt chúng ta phải chịu tổn thất cả về tài chính lẫn xã hội. Điều này lý giải tại sao tội phạm và bạo lực lại tràn lan đến vậy.
Chúng ta không nên muốn những kẻ phạm luật trở thành công dân của nước mình − và đó chính là những kẻ nhập cư trái phép theo định nghĩa: những kẻ vi phạm pháp luật. Vâng, nước Mỹ là một quốc gia nhập cư, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải cấp quyền công dân cho bất kỳ ai băng qua biên giới nước ta. Tôi đoán gần như tất cả người nghèo trên đời này đều muốn đến đây. Ai mà lại không muốn đến đất nước vĩ đại nhất Trái Đất này kia chứ? Thế nhưng, chuyện đó rõ ràng là điên rồ. Điều không điên rồ là có một chính sách nhập cư trong đó chúng ta quyết định những người nhập cư tiềm năng nào được phép trở thành công dân, chúng ta lựa chọn những người giỏi nhất và năng suất nhất muốn đến đây vì thấy đó là vinh hạnh. Chúng ta không được để cho bản thân trở thành bãi rác cho những kẻ không mong muốn ở các quốc gia khác. Thay vào đó chúng ta chỉ nên trải thảm chào mừng những người sẽ làm cho đất nước chúng ta trở nên tốt đẹp hơn − và những tội phạm nhập cư trái phép không làm được điều đó.
Vấn đề tội phạm nhập cư trái phép nghiêm trọng và nguy hại hơn nhiều so với hiểu biết của hầu hết mọi người. Dọc theo biên giới phía Nam, các công dân, cảnh sát và nhân viên tuần tra biên giới đang bị tấn công với tần suất và vũ lực ngày càng tăng. Bạn có biết mỗi ngày có ba nhân viên tuần tra biên giới bị tấn công dọc biên giới phía Nam nước Mỹ? Và mọi chuyện đang ngày một tệ hơn. Theo Bộ Tư pháp, những cuộc tấn công nhằm vào nhân viên tuần tra biên giới Mỹ đã tăng 46%.
Đó là chưa kể ở đây còn có “băng đảng nguy hiểm nhất thế giới”, băng Mara Salvatrucha, hay thường được biết đến hơn với cái tên băng MS-13. Băng này, gồm chủ yếu là những người nhập cư từ Trung Mỹ, nổi tiếng vì cực kỳ nguy hiểm. Ngoài việc buôn lậu (và đối xử tàn tệ với) những người nhập cư trái phép vào Mỹ, MS-13 có thể còn thông đồng với quân khủng bố. al Qaeda lúc nào cũng tìm cách đưa những kẻ khủng bố vào đất nước chúng ta, và các quan chức Mỹ biết rõ một chỉ huy cấp cao của al Qaeda (kẻ từng ở Canada tìm kiếm chất liệu hạt nhân để chế “bom bẩn”) đã gặp gỡ những kẻ đứng đầu băng MS-13 bàn về các cách xâm nhập nước Mỹ qua biên giới của chúng ta với Mexico. Các cơ quan tình báo cũng đã phát hiện thấy một số thành viên nổi tiếng của nhóm khủng bố Hồi giáo Al Shabaab có đại bản doanh ở Somali tại Mexico và cảnh báo những kẻ này đang lên kế hoạch xâm nhập Mỹ.
MS-13 là mối đe dọa chết người với cả công dân của chúng ta lẫn những người nhập cư trái phép. Băng này từng khoe khoang rằng bọn họ là “những thợ săn người nhập cư”. Bọn chúng thường nằm phục kích tại các trạm kiểm soát nhập cư vì biết rằng những người nhập cư trái phép sẽ nhảy xuống tàu. Sau đó, MS-13 sẽ giữ những người nước ngoài nhập cư trái phép đang bị mắc kẹt này để đòi tiền chuộc. Với 22.000 vụ người nhập cư trái phép bị bắt cóc mỗi năm, ước tính những băng đảng như MS-13 có thể thu được số tiền lên đến 50 triệu đô-la mỗi năm.
Rõ ràng không phải tất cả những người nhập cư trái phép đều là thành viên của các băng đảng bạo lực. Nhiều người nước ngoài đơn giản chỉ là đang tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình họ. Ai có thể chê trách họ được chứ? Nhưng phải nhắc lại một lần nữa, chúng ta không thể trở thành kho chứa tất cả những người nghèo khổ và tuyệt vọng của thế giới. Để nước Mỹ thay đổi văn hóa và lối sống của mình, đưa việc làm Mỹ cho những người không phải là công dân phá luật để đến đây khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao là hành động tự sát về văn hóa và kinh tế.
Và việc không thực thi pháp luật sẽ trực tiếp dẫn tới việc các công dân Mỹ phải bỏ mạng. Xin kể ra đây một ví dụ đau xót. Năm 2010, Carlos Montano, một người nhập cư trái phép đã giết chết một nữ tu 66 tuổi, Sơ Denise Mosier, và làm hai người khác bị thương nặng khi say xỉn mà vẫn lái xe tại một khu ngoại ô ở Virginia. Điều bất ngờ là Carlos Montano đã bị bắt giữ không phải một lần mà là hai lần trước đó với cáo buộc lái xe trong tình trạng say xỉn và vi phạm khác liên quan đến giao thông. Nhưng khi người ta giao Montano cho Cục Hải quan và Nhập cư để trục xuất, không hiểu vì lý do gì Bộ Nội an lại thả Montano đi. “Chúng tôi đã giao ông ta cho các quan chức liên bang, và nghĩ rằng ông ta sẽ bị trục xuất”, Corey Steward, Chủ nhiệm Hội đồng Giám sát Hạt William cho biết. “Thế nhưng, thay vì làm thế, các quan chức liên bang lại thả ông ta về lại khu dân cư và ông ta đã giết chết một nữ tu. Máu đã nhuốm tay Quốc hội khi bọn họ không rót ngân sách đúng mực cho cơ quan thi hành luật nhập cư.”
Cái chết vô ích của Sơ Denise Mosier không phải là trường hợp cá biệt. Có vô số những câu chuyện về các ca thương vong nghiêm trọng do tai nạn giao thông bởi những người đáng lẽ ngay từ đầu không được xuất hiện trên các con đường của Mỹ. Khi những người theo chủ nghĩa tự do như Barack Obama nghe được những câu chuyện đau lòng như câu chuyện của Sơ Mosier, họ sẽ lại lặp lại câu nói: “Vâng, và đó chính xác là lý do tại sao chúng ta lại nên cấp cho ‘những lao động không giấy tờ’ − tức những kẻ trái phép với bạn và tôi – ‘giấy phép lái xe và dạy họ các quy định đi lại trên đường sá của ta!’”
Các bạn nghe này, vợ tôi là người nhập cư − một người nhập cư hợp pháp. Cô ấy có phải vượt qua các vòng thẩm tra pháp lý không? Tất nhiên là có. Cô ấy có phàn nàn về chuyện đó không? Không, cô ấy không phàn nàn một lời. Cô ấy cảm kích vì cơ hội được sống ở Mỹ. Vì vậy, cô ấy tuân thủ pháp luật của đất nước này. Cô ấy làm việc chăm chỉ để trở thành một công dân Mỹ − và nước Mỹ đã có một công dân tốt.
Tuy nhiên, đứng từ góc độ thuần túy kinh tế, một trong những phí tổn lớn nhất mà nạn nhập cư trái phép gây ra cho người đóng thuế lại liên quan đến số tiền trả cho việc giáo dục con em của những người nước ngoài nhập cư trái phép. Con của người nhập cư trái phép thường đòi phải có lớp học đặc biệt với các chuyên gia về ngôn ngữ, và chúng lấy mất thời gian cũng như nguồn lực đáng lẽ dành cho con em của chúng ta. Về điểm này, tôi cực lực phản đối Thống đốc Rick Perry. Liên đoàn Cải cách Nhập cư Mỹ (FAIR) cho biết mỗi năm người đóng thuế Mỹ phải trả 52 tỷ đô-la để giáo dục những người nước ngoài sống trái phép. Những người theo chủ nghĩa tự do thích viện dẫn rằng những người nước ngoài sống trái phép này cũng đóng thuế dưới dạng tiền thuế mua hàng, phí và thuế tính gộp trong chi phí của những hàng hóa như xăng dầu. Nhưng luận điểm này không bảo vệ được điều gì. Theo FAIR, trung bình tiền thuế của những người nước ngoài sống trái phép không bù được quá 5% chi phí xã hội có liên quan đến bọn họ.
Thực tế là ở các chương trình phúc lợi và dịch vụ xã hội do người đóng thuế bỏ tiền ra chu cấp, những người nước ngoài sống trái phép này còn xô đẩy nhau để lên được hàng đầu. Năm 2011, tờHouston Chronicle cho biết, có đến 70% các gia đình nhập cư sống trái phép ở Texas nhận hỗ trợ phúc lợi. Và con số này là so với 39% người Mỹ bản xứ nhận khoản phúc lợi xã hội vốn dĩ đã cao. Chuyện này thật điên rồ. Những người đột nhập vào đất nước đang sử dụng tấm lưới an toàn xã hội của chúng ta với tần suất còn thường xuyên hơn cả các công dân của chúng ta! Làm sao chúng ta có thể mong giải quyết được cuộc khủng hoảng nhập cư trái phép khi chúng ta đang tạo động lực và tưởng thưởng cho hành vi ấy bằng những tấm chi phiếu phúc lợi xã hội và chăm sóc y tế miễn phí?
“Chúng ta không còn đủ khả năng làm HMO (tổ chức chăm sóc sức khỏe) cho cả thế giới nữa”, Michael Antonovich, Giám sát viên hạt Los Angeles, nói. Ông này cho biết tổng chi phí mà người đóng thuế phải bỏ ra cho những người nhập cư trái phép ở hạt Los Angeles là 1,6 tỷ đô-la, “chưa bao gồm hàng trăm triệu đô-la cho giáo dục”. Nguyên nhân gốc rễ của toàn bộ những khoản thanh toán phúc lợi xã hội cho những người nước ngoài sống trái phép này là hiện tượng “[sinh] con mỏ neo”, tức hiện tượng những bà mẹ nhập cư trái phép sinh con trên đất Mỹ. Đứa trẻ được sinh ra theo lối này sẽ tự động trở thành công dân Mỹ, dù đây chưa bao giờ là mục đích của Tu chính án 14, trong đó quy định: “Tất cả công dân sinh ra hoặc nhập tịch ở Hoa Kỳ và do đó chịu sự bảo hộ của pháp luật, là công dân Hoa Kỳ và bang mà họ cư trú.” Mục đích rõ ràng của Tu chính án 14 được phê chuẩn năm 1868, ba năm sau khi kết thúc Nội Chiến là để đảm bảo đầy đủ quyền công dân cho những người nô lệ mới được giải phóng. Mục đích của nó không phải là nhằm đảm bảo cho cuộc di dân ồ ạt vào Hoa Kỳ.
Có khoảng 4 triệu trẻ mỏ neo hiện đang là công dân chính thức của Mỹ. Tình trạng này cần phải chấm dứt. Đất nước lớn duy nhất còn lại trên thế giới cấp quyền công dân theo nơi bà mẹ sinh con là Canada. Tất cả các nước còn lại trên thế giới đều xét quyền công dân dựa trên cơ sở cha mẹ của đứa trẻ là ai, đây tất nhiên là chuẩn mực tỉnh táo duy nhất. Nếu một bà mẹ người Mỹ mang bầu đi công tác ở Ai Cập và sinh con ở đó, chúng ta có ngay lập tức tuyên bố con của bà mẹ này là người Ai Cập không? Tất nhiên là không rồi. Nhưng đó chính xác là những gì đang diễn ra hằng ngày ở Mỹ: những người phụ nữ chẳng có một mối liên hệ nào với nước Mỹ băng qua biên giới, sinh con, và như một phép màu, con họ trở thành công dân Mỹ và hội đủ điều kiện để nhận tất cả các quyền và lợi ích của những người đã sống, làm việc và đóng thuế ở đất nước này.
Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa John Kyl của Arizona và Lindsey Graham của Nam Carolina đã thảo luận về việc giới thiệu một sửa đổi hiến pháp làm rõ và khôi phục lại mục đích ban đầu của Tu chính án 14. Đã quá muộn để người Mỹ gia nhập với các nước còn lại trên thế giới trong việc cấp quyền công dân theo những tiêu chuẩn duy lý.
Khi khôi phục sự sáng suốt cho việc diễn giải và thực thi pháp luật, ở đâu chúng ta cũng phải chiến đấu với những câu chuyện hoang đường mang tư tưởng tự do chủ nghĩa. Tất cả chúng ta đều đã nghe cả triệu lần câu nói: “Chúng ta cần những người nhập cư trái phép vì họ sẵn sàng làm những công việc mà người Mỹ không làm.” Với câu nói này, tôi thường đáp lại: “Chẳng hạn như ai?” Chúng ta có 25 triệu công dân cần việc làm và 7 triệu người nhập cư trái phép đang nắm giữ các việc làm của người Mỹ. Hãy làm phép tính. Nếu những người nước ngoài sống trái phép không nắm giữ những công việc này, công dân Mỹ sẽ làm, bởi vì những công việc này cần được thực hiện, và bạn đoán được điều gì không? Những công việc này sẽ được trả lương nhiều hơn mức hiện tại bởi vì những người lao động lương thấp trái phép đã đẩy tiền công xuống thấp. Thậm chí tờ Washington Post cũng phải thừa nhận rằng “nhiều nhà kinh tế học đồng ý rằng, luồng người nhập cư góp phần làm giảm thu nhập của lao động kỹ năng thấp trong những thập niên trở lại đây”. Như nghiên cứu của nhà kinh tế học George J. Borjas của Đại học Harvard đã chỉ ra, “những người thua thiệt chính ở đất nước này là những người lao động không có bằng tốt nghiệp phổ thông, đặc biệt là những người da đen và những người bản địa gốc Mỹ Latin”. Borjas phát hiện ra rằng từ năm 1980 đến năm 2000, người nhập cư trái phép đã đẩy mức lương trung bình trên cả nước cho 10 triệu người Mỹ bản địa không có bằng tốt nghiệp đại học xuống khoảng 7,4%. Có thể bạn nghĩ Obama, người nói rất hay về việc chăm lo cho người nghèo, sẽ cố giúp nâng mức lương cho những người đứng ở nấc dưới cùng của chiếc thang kinh tế. Thế nhưng, với tỷ lệ thất nghiệp của thanh thiếu niên người da đen hiện đang ở mức đáng báo động 46,5%, và tỷ lệ thiếu việc làm tổng thể cho người da đen ở mức cao 18,8%, việc vị tổng thống này tiếp tục coi thường các nỗ lực giảm tình trạng nhập cư trái phép và tăng lương của Đảng Cộng hòa chẳng khác gì mang tính xúc phạm.
“Tất cả những gì mà họ [các Đảng viên Đảng Cộng hòa] đòi hỏi, chúng ta đã làm”, Obama nói tại một hội nghị về nhập cư năm 2011 ở El Paso, Texas. “Có lẽ họ cần một con hào”. “Có lẽ họ muốn có những con cá sấu trong con hào ấy! Họ chẳng bao giờ thỏa mãn.”
Tổng thống, ông có thể nghĩ những cái chết ở biên giới, những kẻ khủng bố buôn lậu ma túy và làn sóng tội phạm bạo lực từ những người nhập cư đang quất vào Mỹ là chuyện đùa, nhưng những người sống dọc biên giới và các cộng đồng đang sống trong cảnh bị vây hãm thì không. Chúng tôi cần một tổng thống cứng rắn, thực thi luật pháp, bảo vệ người dân và đẩy lương tăng.
Một trong những chuyện hoang đường nhất mà người ta kể với chúng ta là những người nhập cư trái phép có tạo ra lợi nhuận ròng xét về mặt kinh tế. Đây là một luận điểm khôn ngoan, nhưng là một trò đùa không hơn không kém. Nó giả định rằng, cùng với những điều khác, những lao động trái phép giữ tiền của họ ở đây, tại nước Mỹ này. Nhưng thực tế không phải vậy. Năm 2006, 73% người nhập cư Latin thường xuyên gửi tiền về quê hương, với con số lên đến 45 tỷ đô-la. Đối với những nước như Mexico, người nhập cư trái phép ở Mỹ là con bò sữa. Thực tế là, nguồn thu nhập nước ngoài lớn thứ hai của Mexico, chỉ sau xuất khẩu dầu, đến từ − vâng, bạn đoán đúng rồi đấy − những khoản tiền mà những người nước ngoài sống trái phép kia gửi về. Năm 2008, Mexico nhận được 25,1 tỷ đô-la số tiền gửi về. Những khoản tiền gửi đã tăng mạnh trong thập niên vừa qua, từ 9 tỷ đô-la năm 2001 lên 26 tỷ đô-la năm 2007. Đó là số tiền mà lao động người Mỹ có thể kiếm được, tiết kiệm và chi tiêu ở đây, tại nước Mỹ này. Vậy ta phải làm gì đây?
Trước khi tôi chỉ ra những gì cần làm để khắc phục đống lộn xộn nhập cư trái phép, trước tiên ta rất nên thảo luận những việc nước Mỹ cần làm với hệ thống nhập cư hợp pháp của mình. Hệ thống này cũng đã lỗi thời và cần đại tu toàn diện. May mắn là, những người hàng xóm của chúng ta ở phía Bắc, Canada, có một kế hoạch khôn ngoan, xét duyệt dựa trên tài năng mà nước Mỹ nên học theo.
Kế hoạch nhập cư hợp pháp của Canada bắt đầu với một câu hỏi đơn giản và khôn ngoan: bất kỳ người nhập cư nào xin cấp quyền công dân sẽ “góp phần phát triển một nền kinh tế Canada vững mạnh và thịnh vượng” như thế nào? Lợi ích kinh tế cần phải là mục tiêu chính của chúng ta. Nước Mỹ không cần những kẻ ăn bám đến đây để sống dựa dẫm vào hệ thống phúc lợi của chúng ta. Chúng ta cần những người nhập cư hợp pháp mang đến kỹ năng, sự thịnh vượng và nguồn vốn trí tuệ. Ở Canada, những người nước ngoài nộp đơn xin xét định cư vĩnh viễn được tính điểm dựa trên kỹ năng và việc họ làm lợi cho nền kinh tế Canada như thế nào. Chỉ 40% quyết định cuối cùng về khả năng cho phép định cư vĩnh viễn dựa trên quan hệ gia đình hoặc tình trạng tị nạn. 60% quyết định dựa trên việc người nhập cư đó sẽ tăng thêm giá trị cho nền kinh tế Canada như thế nào. Hệ thống của chúng ta gần như trái ngược hoàn toàn. Trên thực tế, nó còn tệ hơn thế. 70% trong tổng số 1 triệu đơn xin xét định cư vĩnh viễn mà Mỹ phê chuẩn mỗi năm là dựa trên quan hệ gia đình. Chỉ có 13% dựa trên tình trạng việc làm (số còn lại là cho những người tị nạn và vì sự đa dạng visa). Cách làm này không hợp lý chút nào.
Một ứng viên Canada nếu muốn được xét định cư vĩnh viễn phải đạt tối thiểu 67 trên 100 điểm. Anh ta phải có tối thiểu một năm kinh nghiệm làm việc toàn thời gian trong lĩnh vực kỹ năng mà đất nước có nhu cầu trong vòng mười năm trở lại đây. Người nhập cư càng có nhiều ưu điểm, điểm số của họ càng cao. Nếu một người nước ngoài không đạt 67 điểm nhưng nghiêm túc về việc muốn sống ở Canada, anh ta có thể phát triển các kỹ năng có thể tiếp thị được ở đó cho đến khi đủ điều kiện. Chẳng hạn, nếu một ứng viên không phải là người tốt nghiệp đại học, anh ta có thể trở về quê hương, lấy bằng đại học và thêm được 25 điểm vào tổng số điểm của mình và làm đơn xin xét lần nữa. Nhờ chính sách này, khoảng gần một nửa số người nhập cư Canada có bằng đại học.
Hệ thống nhập cư hợp pháp của Canada cũng đặt ra yêu cầu trước khi một người nhập cư đủ điều kiện để được xét vào hệ thống An sinh Xã hội của Canada, anh ta phải là cư dân của đất nước này ít nhất 10 năm tuổi trưởng thành. Ở Mỹ, chúng ta chỉ đòi hỏi năm năm.
Các lãnh đạo đất nước ta đơn giản là quá đỗi ngu xuẩn. Ví dụ, sinh viên nước ngoài đến học tại các trường đại học của ta, họ học tất cả những gì có thể học về vật lý, tài chính, toán học và máy tính, và tốt nghiệp với bằng danh dự. Họ sẽ muốn ở lại đất nước này, nhưng chúng ta lại không cho phép họ làm thế. Chúng ta ngay lập tức trả họ lên tàu trở về đất nước họ để họ sử dụng tất cả các kiến thức đã học được tại các trường đại học tốt nhất ở Mỹ tại quê nhà họ, thay vì giữ lại ở đây, tại đất nước của chúng ta.
Khi chúng ta có những con người tài năng ở đất nước mình, đáng lẽ chúng ta nên ấp ủ lấy họ và để họ ở lại. Nhưng thay vì làm thế, chúng ta lại mở rộng vòng tay chào đón những kẻ dưới đáy, những tên tội phạm, những người không có ý định cống hiến gì cho đất nước ta. Chúng ta đã bỏ ra hàng tỷ đô-la chăm lo cho họ khi họ, trong nhiều trường hợp, tràn ra khắp các đường phố của ta, làm nhiều việc mà đáng lẽ không được làm. Trong khi ấy với những người tuyệt vời, chúng ta lại đuổi cổ họ ngay lập tức.
Chẳng phải sẽ tốt hơn nếu chúng ta mời những sinh viên người nước ngoài tốt nghiệp đại học của ta ở lại xây dựng các công ty Mỹ, thay vì xây dựng các công ty nước ngoài sẽ tàn phá Boeing, Caterpillar và nhiều công ty lớn khác của nước Mỹ trong tương lai hay sao?
Nếu chúng ta áp dụng phương pháp xét duyệt dựa trên năng lực mà ai cũng hiểu này, chính sách nhập cư của chúng ta sẽ được dẫn dắt bởi những gì có lợi cho nước Mỹ. Đó là đường lối cần diễn ra. Nếu các doanh nghiệp Mỹ cần những người nhập cư có kỹ năng, kỹ thuật đặc biệt, hãy thuê tuyển họ bằng mọi giá. Đặc quyền trở thành công dân Mỹ cần phải nhắm đến giá trị mà người nhập cư có thể mang lại cho đất nước chúng ta, chứ không phải nhắm đến việc mở toang cửa cho bất kỳ và tất cả những ai muốn đến đây.
Điểm mấu chốt: sống ở Mỹ là một diễm phúc lớn mà ai cũng mong hân hưởng. Nếu mọi người muốn sống và làm việc ở đây, họ cần mang tới thứ gì đó đặt lên bàn, chứ không phải chỉ chầu chực ăn không.
Giờ thì, về phần những gì cần làm với tình trạng nhập cư trái phép, chúng ta nên theo sau việc bãi bỏ các quy định liên quan đến trẻ mỏ neo bằng một chương trình 5 điểm để tạo ra một kế hoạch khôn ngoan và nhân văn nhằm kiểm soát tình trạng nhập cư trái phép. Kế hoạch này bắt đầu bằng việc siết chặt biên giới. Bạn hãy nghe này, nếu một quốc gia không thể bảo vệ biên giới đất nước mình, nó sẽ không còn là một đất nước nữa. Chúng ta không chỉ là một vùng đất nào đó mà bất kỳ ai muốn đều có thể tùy ý giày xéo. Tôi tin rằng nước Mỹ là một quốc gia hiếm có xứng đáng được bảo vệ. Việc đó đòi hỏi chúng ta phải cứng rắn khi triển khai pháp luật ở biên giới. Chúng ta có thể và nên có một cuộc thảo luận thiết thực về việc liệu điều đó có nghĩa là tiếp tục xây dựng hàng rào vật lý dọc biên giới, hay sử dụng “hàng rào ảo” dùng laser làm dây bẫy để kiểm soát những vụ vượt biên trái phép.
Từ nghiên cứu mà các nhân viên của tôi đưa ra, tôi không ấn tượng với tỷ lệ thành công tầm thường của những hàng rào ảo hiện đang được phát triển và thử nghiệm. Tuy nhiên, tôi ấn tượng với thành công của bức tường hai lớp và ba lớp ở những nơi như Yuma, Arizona. Bức tường ở đó là một bức tường nghiêm túc cao gần 7m. Nó có ba bức tường cách nhau bởi một khoảng đất “vành đai trắng” rộng 75 yard (xấp xỉ 69m) cho các nhân viên tuần tra biên giới chạy xe ra vào. Nó cũng có máy ghi hình, hệ thống phát thanh, radar và cột đèn cao. “Bức tường này có tác dụng”, Michael Bernacke, một nhân viên tuần tra biên giới Mỹ, cho biết. “Nhiều người lầm tưởng rằng nó lãng phí thời gian và tiền của, song những vụ bắt giữ [người vượt biên] cho thấy là nó hiệu quả.” Sau khi hàng rào ba lớp này được dựng lên, số vụ bắt giữ người nhập cư trái phép ở dải biên giới dài 120 dặm giữa Mỹ và Mexico ở Yuma đã giảm 72%. Trước khi có hàng rào này, mỗi ngày có 800 người đã bị bắt giữ khi cố tìm cách thâm nhập nước Mỹ. Sau khi có hàng rào, con số này tối đa là 50 người.
Theo một số người, vùng đất bằng phẳng của Yuma khiến nơi đây trở thành trường hợp đặc biệt và rằng ở những vùng khác dọc biên giới, việc xây hàng rào kiểu này không ích lợi gì. Trong trường hợp đó, chúng ta chỉ cần sẵn sàng xây dựng những loại hàng rào khác mà thôi. Vấn đề ở đây là những bức tường được xây dựng đúng cách có tác dụng. Chúng ta chỉ cần có ý chí chính trị để hoàn thành phần việc này. Và tiện đây cũng xin nói, để hoàn thành việc này sẽ cần đến rất nhiều công nhân xây dựng. Ngoài ra, tôi cũng kêu gọi Quốc hội và tổng thống tuyển dụng thêm 25.000 nhân viên tuần tra biên giới và trang bị cho họ những thiết bị hàng không cần thiết như máy bay không người lái để cung cấp thông tin trinh sát hàng không theo thời gian thực cho các nhân viên bảo vệ bức tường biên giới.
Thứ hai, chúng ta cần một vị tổng thống thực thi luật pháp của chúng ta. Ngay bây giờ, trong một nỗ lực lén lút nhằm vỗ về hoạt động vận động hành lang ủng hộ ân xá được tổ chức tốt và vững mạnh, Bộ Nội An, theo lệnh của Obama, đã ngừng trục xuất 300 nghìn người nhập cư trái phép. Chính quyền nói rằng chính quyền muốn xem xét cụ thể từng trường hợp một và sẽ chỉ trục xuất những người nước ngoài nhập cư trái phép có tiền án, tiền sự, và “sẽ không mở rộng hoạt động của lực lượng chấp pháp với những người không đặt ra mối đe dọa nào cho sự an toàn của người dân.”
Sự từ bỏ các nghĩa vụ hợp hiến của một tổng thống trên diện rộng như thế này làm người ta choáng váng. Tồi tệ hơn nữa, Obama còn nói rằng những người nước ngoài đang bị phạt trục xuất này có thể xin được giấy phép lao động! Vậy là ở Obama chúng ta có một tổng thống không chỉ không thực thi luật pháp của chúng ta, mà ông ta còn giúp những kẻ nhập cư trái phép phá luật thêm nữa! Obama muốn thưởng cho những kẻ nhập cư trái phép bằng cách trao cho họ cơ hội lấy thêm một việc làm ở Mỹ nữa. “Bài học mà những người nước ngoài nhập cư trái phép rút ra ở đây”, James R. Edwards Jr., đồng tác giả của tác phẩm The Congressional Politics of Immigration Reform (Hoạt động chính trị tại quốc hội của cuộc cải cách nhập cư) nhận định, là nếu họ “bị bắt, họ có thể thoát khỏi rắc rối nhập cư, giành được địa vị hợp pháp và xin được giấy phép lao động”.
Làm sao chúng ta có thể yêu cầu các nhân viên tuần tra biên giới dũng cảm của Mỹ mạo hiểm sinh mạng khi vị tổng tư lệnh đơn giản nhún vai và để 300 nghìn kẻ sống trái phép chế nhạo pháp luật nước ta?
Điều thứ ba mà chúng ta cần làm là bác những khuyến nghị điên rồ mới đây của Obama cho Cục Hải quan và Nhập cư Mỹ (ICE) về các cơ sở tạm giam những người nhập cư trái phép. Trong một nỗ lực chiều chuộng những người nước ngoài sống trái phép, các nhân viên ở chín cơ sở giam giữ hiện đang được chỉ đạo thực hiện những thay đổi sau:
Làm mềm vẻ ngoài của các cơ sở giam giữ bằng những giỏ cây cảnh, giỏ hoa, màu sơn mới... bích họa, tranh treo tường và tăng cường tính thẩm mỹ của các khu vực tiếp khách...
Tăng cường thêm các chương trình phục vụ người bị tạm giam, bao gồm các buổi chiếu phim tối, chơi bingo, các hoạt động nghệ thuật và thủ công, khiêu vũ, đi bộ, lớp thể dục, các lớp học về phúc lợi và chăm sóc sức khỏe, các lớp nấu ăn cơ bản, hướng dẫn và đào tạo sử dụng máy tính...
Tổ chức mừng các dịp đặc biệt và [cho phép] người bị tạm giam nhận thực phẩm đóng gói từ bên ngoài trong những dịp lễ này...
Cung cấp cà rốt và cần tây tươi cùng các loại rau củ khác ở dạng thanh...
Cung cấp quầy bar tự phục vụ...
Đảm bảo luôn cung cấp đủ nước và trà ở khu vực giam giữ...
Có nhân viên chuyên trách để người bị tạm giam luôn có người để tìm đến trình bày ý kiến và giải quyết vấn đề của trại thay vì một quản giáo thông thường...
Khảo sát các nhóm vận động nhập cư từ cộng đồng và các luật sư nhập cư để lấy những gợi ý giúp cải thiện hoạt động truyền thông và làm cho việc tiếp cận trở nên dễ dàng.
Tăng cường các vật phẩm pháp lý... để hỗ trợ hoạt động liên lạc pháp lý.
Thêm nguồn lực nghiên cứu ở các thư viện pháp luật...
Cung cấp thêm quần áo thường cho người bị tạm giam sử dụng.
Chấm dứt sử dụng các biện pháp khóa nhốt và cắt điện...
Giảm tần suất và chấm dứt hoàn toàn các biện pháp lục soát...
Tạo điều kiện để người bị tạm giam được vui chơi ít nhất bốn giờ đồng hồ trong khung cảnh tự nhiên
Cung cấp dịch vụ điện thoại miễn phí trên internet.
Cho người bị tạm giam được sử dụng email.
Vâng, đúng thế đấy, chính phủ của chúng ta hiện đang yêu cầu điều kiện ăn ở như tại các khu nghỉ dưỡng − mà chúng ta, những người đóng thuế Mỹ, là người móc hầu bao ra trả − để thưởng cho dòng thác lũ những người đang kéo vào đất nước ta một cách trái phép. Obama đã biến nước Mỹ thành trò hề. Tổng thống tiếp theo của ta phải chặn đứng sự điên rồ này.
Phần tiếp theo trong kế hoạch của tôi liên quan đến việc phản đối đạo luật được gọi là Phát triển, Cứu trợ và Giáo dục cho thanh thiếu niên ngoại quốc (DREAM - Development, Relief, and Education for Alien Minors), đạo luật trao các ưu đãi về học phí nội bang tại các trường đại học và cao đẳng công lập cho những sinh viên đại học nhập cư trái phép. Đề xuất này là một nỗ lực khác của Obama và những người bạn ủng hộ ân xá của ông ta để tạo ra những mỏ neo và phần thưởng mới cho những người bất chấp pháp luật của chúng ta.
Chúng ta cần hiểu điều này: theo đạo luật DREAM, nếu bạn không phải là công dân Mỹ mà là con của những người nhập cư trái phép thì khi đó bạn sẽ được hưởng ưu đãi học phí nội bang, nhưng nếu bạn là công dân hợp pháp sống ở bang khác, bạn sẽ phải trả học phí cao hơn. Vì vậy, một sinh viên Mỹ ở Texas muốn học đại học ở Arizona sẽ phải trả học phí cao hơn nhiều so với một sinh viên không phải là công dân, hiện đang sống trái phép ở Arizona. Chuyện này công bằng như thế nào? Thực tế là việc những điều luật như đạo luật DREAM trở thành hiện thực cho thấy các chính sách nhập cư của chúng ta đã xáo tung như thế. Nếu Quốc hội thông qua điều luật cho phép những kẻ nước ngoài trái phép được hưởng đãi ngộ về học phí, vị tổng thống tiếp theo của nước Mỹ sẽ phải có sự dũng cảm về chính trị và xác tín hợp hiến để phủ quyết nó.
Những người thuộc đảng Dân chủ cần tôn trọng luật pháp Mỹ, tôn trọng thực tế rằng những người Mỹ Latin quan tâm đến pháp quyền như bất cứ ai, tôn trọng những người nhập cư đã kiên nhẫn và tuân thủ pháp luật khi đứng chờ được xét cấp quyền công dân hợp pháp, và quan trọng hơn cả là tôn trọng chính các công dân của chúng ta, những người đáng lẽ không nên bị đẩy vào cảnh nhìn thấy tinh thần thượng tôn pháp luật, công ăn việc làm, thậm chí cả mạng sống của họ và tương lai của đất nước họ lâm nguy vì những chính trị gia vô trách nhiệm ở Washington. Đó là kiểu “hy vọng và thay đổi” mà chúng ta cần, chứ không phải một vị tổng tư lệnh nghĩ rằng an ninh biên giới và pháp quyền là trò đùa.