Một chính phủ đủ lớn để mang lại cho ta mọi điều ta muốn cũng là một chính phủ đủ lớn để lấy đi của ta mọi điều ta có.
— Tổng thống Gerald Ford
Mỗi ngày, chính phủ thu về 6 tỷ đô-la và chi ra 10 tỷ đô-la. Có nghĩa là mỗi ngày chính quyền liên bang phải vay thêm 4 tỷ đô-la ngoài con số mà mình có.
Nói trắng ra, nếu làm ăn kiểu như chính phủ thì bất kỳ hoạt động kinh doanh nào cũng sẽ sập tiệm. Thế nhưng, trong thế giới phi lý của Washington, các chính trị gia chỉ đơn giản là đứng chần chừ và nhún vai là xong chuyện. Duy chỉ có một vấn đề: sự chần chừ đó cuối cùng lại vấp phải bức tường nợ 15 nghìn tỷ đô-la. Lần đầu tiên kể từ khi nhà nước Cộng hòa ra đời, chúng ta đã mất điểm tín nhiệm AAA, và giờ thì ngay cả Trung Quốc, địch thủ của chúng ta, cũng lưỡng lự trước việc cho chúng ta mượn tiền để chi trả cho việc chi tiêu của chính phủ.
Người Mỹ hiểu rằng nước Mỹ có vấn đề về chi, chứ không phải vấn đề về thu. Tháng 9 năm 2011, Gallup đã hỏi người Mỹ: theo họ, chính phủ liên bang đã lãng phí bao nhiêu tiền của? Trung bình, các công dân cho con số nằm trong khoảng 51 xu trên 1 đô-la. Có lẽ thế vẫn là quá nhân từ.
Chúng ta cần thêm những người trưởng thành ở Washington, những người thành thật và thẳng thắn với người dân Mỹ về những quả bom phá ngân sách hàng đầu của đất nước. Những miếng bánh ngân sách lớn nhất đã bị các chương trình An sinh Xã hội, Chăm sóc Y tế và Hỗ trợ Y tế ngoạm sạch. Chương trình An sinh Xã hội chiếm 20% ngân sách (707 tỷ đô-la). Chương trình Chăm sóc Y tế và Hỗ trợ Y tế Liên bang chiếm 22% ngân sách (tức 724 tỷ đô-la). Như ai cũng biết, chi phí chăm sóc sức khỏe đang tăng vọt, và vai trò của chương trình Hỗ trợ Y tế trong hệ thống chăm sóc sức khỏe đã mở rộng mạnh mẽ. Vào thời điểm chương trình này ra đời năm 1965, cứ 50 người thì mới có 1 người sử dụng chương trình này. Ngày nay, con số này là 1 trên 6 người.
Chương trình An sinh Xã hội cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự. Rất sớm thôi số người ngồi trên xe đẩy sẽ nhiều hơn số người đẩy xe. Ngay tại thời điểm hiện tại đã có 53 triệu người hưởng các phúc lợi xã hội có giá trị trung bình là 1.067 đô-la một tháng. 75 năm nữa, con số này sẽ vọt lên 122 triệu người, xấp xỉ khoảng 1/4 dân số. Đó là lý do tại sao với việc có 77 triệu người sinh ra sau chiến tranh sắp nghỉ hưu và bắt đầu nhận phúc lợi, hai chương trình - mà nếu kết hợp, sẽ chiếm 42% ngân sách nước Mỹ - đang đứng trước nguy cơ vỡ quỹ. Chúng ta không thể để chuyện này xảy ra.
Giờ thì tôi biết một số đảng viên đảng Cộng hòa thoải mái với việc để những chương trình này tự tàn lụi đi rồi chết. Họ thấy rằng An sinh Xã hội và Chăm sóc Y tế là những “chương trình phúc lợi” lãng phí. Thế nhưng, những người nghĩ theo lối này cần xem lại lập trường của mình. Việc một người đóng tiền vào hệ thống hàng chục năm mong nhận được giá trị từ số tiền mà họ bỏ ra không phải là không hợp lý - đó không phải là “phúc lợi”, mà đó xứng đáng là một thương vụ tốt. Ở góc độ xã hội, chúng ta cũng cần có cam kết cứng rắn đối với việc cung cấp một mạng lưới an toàn cho những người không thể tự tạo cho mình một mạng lưới như vậy. Chí ít, đó là lập trường của Tổng thống Reagan. Ngày 20 tháng 4 năm 1983, Tổng thống Reagan đã ký một dự luật bảo vệ chương trình An sinh Xã hội. Tại buổi ký duyệt dự luật, tổng thống đã nói ra những lời mà bất kỳ đảng viên Cộng hòa nào cũng cần lưu tâm:
Dự luật này thể hiện cam kết vững chắc xuyên suốt của đất nước chúng ta với chương trình An sinh Xã hội. Nó đảm bảo với những người già cả rằng nước Mỹ sẽ luôn giữ những lời hứa đã được đưa ra trong những thời kỳ khó khăn cách đây nửa thế kỷ. Nó cũng đảm bảo với những người hiện vẫn đang làm việc rằng họ cũng có một hiệp ước với tương lai. Từ ngày này trở đi, họ sẽ có thứ đảm bảo rằng họ sẽ nhận được phần phúc lợi công bằng cho mình khi về hưu.
Tổng thống Reagan đã nghĩ đúng: Chương trình An sinh Xã hội là xác đáng. Chắc chắn, chúng ta phải cải tổ nó, diệt trừ hành vi gian trá, làm cho nó hiệu quả hơn và đảm bảo rằng chương trình đủ khả năng chi trả không chỉ cho những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số sau chiến tranh, mà còn cả các thế hệ sau đó. Tuy nhiên, khi nghe một số đảng viên Cộng hòa bôi xấu hệ thống đã tồn tại hơn 76 năm và cũng là hệ thống mà người đóng thuế bỏ tiền nuôi suốt hàng chục năm, tôi không khỏi nghĩ đến việc họ nên quay lại và xem lại bài phát biểu của Tổng thống Reagan.
Điều tương tự cũng đúng với chương trình Chăm sóc Y tế. Một lần nữa, người dân đã thực hiện giao kèo của họ, họ đóng tiền vào chương trình với niềm tin vững chắc. Lẽ đương nhiên, họ tin rằng họ “có quyền” hưởng những phúc lợi mà họ đã bỏ tiền ra - đúng vậy, họ có quyền!
Câu hỏi ở đây là: Làm sao chúng ta có thể chi trả cho chương trình Chăm sóc Y tế, Hỗ trợ Y tế và An sinh Xã hội khi chi phí ngày một phình to, còn thâm hụt thì tăng vọt? Ở đây, một lần nữa, cả hai bên đều đi bóng lóng ngóng. Các đảng viên Dân chủ thì vờ vịt rằng đáp án cho bài toán là tăng thuế. Nhưng bất kỳ ai có đầu óc cũng biết rằng tất cả những gì mà tăng thuế làm được là diệt trừ sức tăng trưởng kinh tế. Điều đó trái ngược hẳn với những gì cần xảy ra. Tăng trưởng kinh tế là bí quyết để làm cho cả chiếc bánh trở nên lớn hơn. Khi kinh tế tăng trưởng, hàng triệu người lao động mới sẽ trở thành những người đóng thuế mới, và tiền thu từ thuế sẽ tăng. Nói như Thượng nghị sỹ Marco Rubio của bang Florida: “Chúng ta hãy thôi nói về những loại thuế mới, và bắt đầu nói về việc tạo ra những người đóng thuế mới, mà về cơ bản đó chính là tạo ra việc làm mới.” Và đó là những gì tăng trưởng kinh tế sẽ mang lại.
Tuy nhiên, nhiều đảng viên Cộng hòa không thấy được mục tiêu này. Họ vờ rằng chúng ta có thể rỉa quanh rìa bằng cách chấm dứt thói lãng phí, gian lận và sử dụng sai mục đích, và bằng cách thần kỳ nào đó làm cho những chương trình này đủ khả năng chi trả đồng thời thanh toán được khoản nợ 15 nghìn tỷ khổng lồ của chúng ta. Không một bên nào thành thực ở đây.
Đất nước chúng ta không cần những kẻ nhút nhát, mà cần những con người dũng cảm. Đây là phần đầu tiên của giải pháp: các nhà lãnh đạo của chúng ta cần cứng rắn với những tay chơi lớn như Trung Quốc và OPEC, những kẻ đang cắt cổ chúng ta, nhờ thế chúng ta có thể lấy lại hàng trăm tỷ đô-la để chi trả cho hóa đơn của mình, chăm lo cho người dân và tiến lên con đường nghiêm túc cắt giảm nợ. Chúng ta phải chăm lo cho người dân của mình - chúng ta phải làm cho đất nước mình vững mạnh và giàu có trở lại để An sinh Xã hội, Chăm sóc Y tế và Hỗ trợ Y tế không còn bị coi là vấn đề nữa. Chúng ta phải cứu lấy những chương trình này bằng sức mạnh, sự dẻo dai và thịnh vượng.
Như tôi đã giải thích ở phần trước, Trung Quốc đang lấy của chúng ta 300 tỷ đô-la một năm, OPEC thậm chí còn tệ hơn. Washington quá bận rộn tranh cãi về những việc cỏn con đến độ hoàn toàn bỏ qua những núi tiền sừng sững trước mặt họ. Obama và đảng Cộng hòa đã mất hàng tuần lễ cãi nhau về khoản cắt giảm 60 tỷ đô-la khỏi ngân sách của tổng thống. Thứ lỗi cho tôi, nhưng chúng ta đang có khoản nợ 15 nghìn tỉ. Chúng ta cần nghiêm túc và cứng rắn với những kẻ cắt cổ thiện nghệ hay lợi dụng đất nước này. Nếu chúng ta làm việc đó trước, những khoản cắt giảm và cải tổ còn lại mà chúng ta cần thực hiện sẽ nhỏ, dễ quản lý và đỡ đau thương hơn nhiều.
Hãy dừng lại và nghĩ đến điều này: chỉ nội việc chơi bình đẳng với Trung Quốc trong mười năm thôi cũng mang lại cho chúng ta con số tương đương với 1/5 khoản nợ quốc gia (và con số này sẽ là 1/3 khoản nợ nếu chúng ta không bầu cho nhà tổ chức cộng đồng này). Ta cũng có thể cộng thêm hàng trăm tỷ đô-la mỗi năm khi buộc OPEC phải chơi theo luật, hàng trăm tỷ khác từ việc đàm phán sòng phẳng với nhiều nước đang cắt cổ chúng ta, rồi thu lại hàng trăm tỷ từ các vụ gian lận cực lớn diễn ra mỗi năm, và khi đó chúng ta sẽ có một bài toán nợ mà chúng ta có thể kiểm soát - một bài toán mà chúng ta có thể nhắm mũi tấn công vào sự lãng phí và sử dụng sai mục đích và giảm bớt hẳn số nợ còn tồn để ngôi nhà tài khóa của chúng ta đâu vào đấy. Vì vậy, đây là bước đầu tiên phải làm: lấy lại hàng trăm tỷ đô-la mà những trùm dầu mỏ ở OPEC và Trung Quốc cướp của chúng ta mỗi năm - rồi sau đó giải quyết toàn bộ vấn đề còn lại.
Tiếp theo, chúng ta cũng cần một vị tổng thống ý thức được rằng tiền của chúng ta thuộc về chúng ta. Một vị tổng thống thật sự cần phải thấy hãnh diện khi tiết kiệm và chi tiêu tiền bạc của chúng ta khôn ngoan.
Nếu bạn muốn có một ví dụ nho nhỏ cho thấy chính phủ của chúng ta thờ ơ thế nào với việc tiết kiệm và chi tiêu tiền của chúng ta một cách hiệu quả, xin mời đọc tiếp. Có một lần tôi xem tivi và tôi thấy Tổng thống Obama đang đãi các nhà lãnh đạo bữa tối tại Nhà Trắng. Nhưng mỗi lần họ tổ chức những sự kiện kiểu này, tôi lại để ý thấy họ dựng một chiếc lều trông cũ kỹ và tồi tàn ở sân Nhà Trắng mà rất có thể họ đã trả cả một khoản kếch xù cho một người nào đó mỗi lần cần đến. Đó không thể nào là cách nước Mỹ tiếp đãi các cuộc họp và bữa tối quan trọng với các nhà lãnh đạo thế giới, cũng như những nhân vật quyền cao chức trọng. Chúng ta cần thể hiện sức mạnh và vẻ đẹp của đất nước chúng ta bằng một phòng khánh tiết với cơ sở vật chất phù hợp. Nếu có một thứ mà tôi biết xây, thì đó chính là một phòng khánh tiết lớn. Tại Câu lạc bộ Mar-a-Lago của mình ở Plam Beach, Florida, tôi đã xây cái được nhiều người coi là phòng khánh tiết lớn nhất thế giới... nhưng ngoài nó ra, tôi cũng sở hữu nhiều phòng tiệc đẹp và rất thành công khác.
Vì vậy, tôi gọi cho Nhà Trắng và họ nối máy cho tôi với chiến lược gia cao cấp hàng đầu của Tổng thống Obama, David Axelrod. Chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện thú vị, và tôi nói với David: “Tôi sẽ xây cho các anh, hoàn toàn miễn phí, một phòng khánh tiết bậc nhất thế giới để tổng thống và tất cả các tổng thống tương lai của Mỹ có thể chủ trì các sự kiện tại Nhà Trắng một cách đàng hoàng. Một phòng khánh tiết theo tiêu chuẩn cao nhất sẽ có chi phí đâu đó từ 50 triệu đô-la đến 100 triệu đô-la. Tôi sẽ chi trả toàn bộ chi phí đó và tặng chính phủ Mỹ phòng khánh tiết đó như một món quà. Việc tôi sẽ làm là tôi sẽ thuê các kiến trúc sư thuộc tốp 10 thế giới - tôi mong họ sẽ là kiến trúc sư người Mỹ, nhưng tôi sẽ thuê những người giỏi nhất, bất kể họ là ai. Sau đó, chúng ta sẽ thành lập một hội đồng xét tuyển. Chúng ta sẽ chọn ra kiến trúc sư mà tất cả mọi người đều nhất trí, bởi vì vấn đề hơi phức tạp ở chỗ chúng ta đang nói về Nhà Trắng. Và tôi sẽ xây phòng khánh tiết tuyệt nhất từng có, thậm chí còn hơn cả phòng khánh tiết Mar-a-Lago, để người Mỹ có thể tự hào khi tổng thống của chúng ta tiếp đãi các nhà lãnh đạo thế giới tại Nhà Trắng.”
“Chà,” Axelrod nói. “Hay đấy.” Rồi ông ấy nói ông ấy sẽ truyền đạt lại đề nghị này và liên lạc lại với tôi. Không một ai gọi lại. Và đó chính là vấn đề với đất nước này. Khi Rush Limbaugh mời tôi tham dự chương trình của ông, tôi đã kể cho ông nghe câu chuyện này, và Rush nói có lẽ họ không liên lạc lại với tôi vì tôi là người cả đời là đảng viên Cộng hòa. Có lẽ Rush đúng, nhưng tôi chắc rằng đó đơn giản là cách làm ăn ở Washington, hàng tỷ đô-la bị phí phạm và mọi người đơn giản là chẳng quan tâm. Tôi quả thật đã nghĩ David sẽ nhận món quà của tôi, nhưng giờ vẫn còn chưa quá muộn. Lời đề nghị của tôi vẫn còn đó. Nếu ai đó muốn tặng cho nước Mỹ một món quà tử tế, thì ta sẽ gọi lại cho người đó, bất kể người đó thuộc đảng nào. Đó chỉ là một ví dụ nho nhỏ cho thấy chính quyền Obama không khôn ngoan về chuyện tài khóa và chắc chắn không quan tâm đến việc tận dụng những cách thức mang lại lợi ích lớn nhất có thể cho người Mỹ. Đối với chính quyền Obama, tiết kiệm không phải là mục tiêu cần thực hiện - mở rộng chính phủ và chi tiêu tiền đóng thuế của người dân hơn nữa mới là mục tiêu của họ. Thỉnh thoảng họ gọi nó là “đầu tư” hoặc “kích thích”, nhưng phần lớn đó chỉ là sự lãng phí hoàn toàn thuần túy.
Chúng ta cần một người biết làm kinh doanh ở Nhà Trắng, người biết cách tư duy mới mẻ và đạt được những giao kèo thông minh.
Ví dụ, trong một giao kèo được mô tả chi tiết mới diễn ra cách đây không lâu ở Florida, tôi đã mua một ngôi nhà ở Palm Beach được rao bán do vỡ nợ (rất buồn là một người đàn ông giàu có phải mất đi mọi thứ) với giá 41 triệu đô-la, và mọi người ai cũng nghĩ tôi điên. Nhưng tôi biết rõ hơn ai hết. Đó là một khu đất tuyệt vời trông ra biển - và không lâu sau đó tôi bán lại nó cho một người Nga với giá khoảng 100 triệu đô-la. Nếu tôi nghe lời các thiên tài, tôi sẽ không thực hiện thương vụ đó. Cốt yếu của mọi sự đều xoay quanh khả năng nhìn thấy những điều ẩn tàng. Đó là kiểu tư duy mà chúng ta cần để xoay chuyển tình thế đất nước - thật nhanh.
Chúng ta cũng cần một người có thể tiết kiệm tiền bạc với hiểu biết thông thường. Khi tôi mở Câu lạc bộ National Golf Trump ở Rancho Palos Verdes, Los Angeles, ngay lập tức người ta nói với tôi rằng tôi sẽ cần xây một phòng khánh tiết mới và tốn kém. Phòng khánh tiết hiện tại tráng lệ thật, nhưng chỉ chứa được 200 người và chúng tôi sẽ mất mối làm ăn vì mọi người cần không gian lớn hơn cho các sự kiện của họ. Để xây một phòng khánh tiết mới, chúng tôi sẽ phải mất hàng năm trời xin phê duyệt giấy tờ (vì khu này nằm ở vùng bờ biển thuộc Thái Bình Dương), và khoảng 5 triệu đô-la. Tôi tới xem phòng khánh tiết đúng một lần, và ngay lập tức thấy cần làm gì ở đây. Vấn đề không phải là kích thước của căn phòng, mà là kích thước ghế ngồi. Chúng quá lớn, nặng nề và cồng kềnh. Chúng tôi không cần một phòng khánh tiết lớn hơn, chúng tôi cần những chiếc ghế nhỏ hơn! Và thế là tôi thay thế số ghế này bằng những chiếc ghế cao cấp, nhỏ gọn hơn. Sau đó, tôi cho nhân viên bán những chiếc ghế cũ và số tiền thu được từ chúng còn nhiều hơn cả số tiền bỏ ra mua những chiếc ghế mới. Cuối cùng, phòng khánh tiết vốn chỉ có chỗ cho 200 người thì nay chứa được 320 người. Các vị khách của chúng tôi có được không gian mà họ mong muốn, và tôi đã đỡ cho mọi người sự phiền nhiễu của hàng năm xây dựng và 5 triệu đô-la chi phí. Những gì ta có thể hoàn thành với chút ít hiểu biết thông thường thật lớn.
Để có một chính phủ mà chúng ta đủ sức chịu, chúng ta cần loại bỏ sự lãng phí to lớn đang cản trở hệ thống. Gần như mỗi tuần lại xuất hiện một câu chuyện mới hé lộ một ví dụ tồi tệ khác cho thấy sự lãng phí của chính phủ. Theo báo cáo của GAO, mỗi năm, chính phủ liên bang chi tiêu hàng tỷ đô-la cho hàng chục những chương trình phí phạm chồng lấn lên nhau. Một giải pháp đơn giản - tổ chức hợp lý và hợp nhất 2.100 trung tâm dữ liệu - sẽ giúp tiết kiệm 200 tỷ đô-la trong 10 năm tới.
Một ví dụ khác: Trong năm năm qua, Cục Quản lý Nhân sự đã chi trả 601 triệu đô-la tiền hưu trí cho những người đã chết! Danh sách chi tiêu của liên bang gần như không có điểm dừng: năm 2010, 700.000 đô-la tiền thuế của chúng ta được cắt cho nghiên cứu về hiện tượng ợ hơi ở bò, 600.000 đô-la cho việc tạo ra một trò chơi video liên quan đến chó sói, và 250.000 đô-la cho nghiên cứu chuyện tình thời Internet.... Danh sách cứ tiếp tục kéo dài ra nữa. Số tiền mà chúng ta phải khổ nhọc mới kiếm được đã bị thổi tung tít tắp.
Obama không trân trọng thực tế rằng số tiền mà ông ta đang lãng phí là số tiền thuộc về chúng ta. Ông ta nghĩ rằng của cải mà chúng ta tạo ra thuộc về chính phủ. Đó là lý do tại sao ông ta không quan tâm đến việc liệu nó bị lãng phí hay bị quản lý không đâu vào đâu. Tôi thì ngược lại và đó là lý do tại sao tôi làm ra nhiều tiền - tôi quản lý các dự án một cách gọn ghẽ và đặt ưu tiên hàng đầu vào hiệu quả hoạt động.
Ví dụ cụ thể: Sân trượt băng nữ ở Central Park. Căn hộ của tôi ở tòa tháp Trump Tower nhìn xuống sân trượt băng rộng hơn 1 mẫu, nhờ thế mà trở thành sân trượt băng nhân tạo lớn nhất nước Mỹ. Trong suốt bảy năm trời, sân trượt băng này phải đóng cửa vì thành phố New York không thể quản lý nổi. Thành phố đã lãng phí bảy năm cùng với 21 triệu đô-la mà vẫn không thể mở cửa sân trượt băng - đây là một cơn ác mộng chính trị và là nỗi hổ thẹn lớn đối với thành phố.
Về cơ bản, toàn bộ kiểu làm ăn quan liêu và lãng phí tiền thuế của dân này thật sự làm tôi khó chịu, vì vậy tôi đã đề nghị tiếp quản dự án và thậm chí tự bỏ tiền ra xây dựng lại. Ngoài ra, tôi cũng nói rằng, nếu dự án vượt quá ngân sách, cá nhân tôi sẽ bù phần vượt ngân sách này. Tôi cũng nói với thành phố là tôi sẽ hoàn thành Sân trượt băng nữ trong sáu tháng. Tôi đã lầm. Tôi hoàn thành trong bốn tháng. Và tôi chỉ bỏ ra 1,8 triệu đô-la - phần lớn số tiền đó là để loại bỏ toàn bộ phần công việc kém cỏi được thực hiện từ trước khi tôi tiếp quản. Tôi có phải là chuyên gia xây dựng sân trượt băng không? Không, tôi xây các tòa tháp, khách sạn, câu lạc bộ sang trọng, v.v... Nhưng tôi không bao giờ quên những gì mà cha tôi từng nói với tôi. Ông đã nói: “Phải rõ mọi điều về những gì con làm.” Vì vậy, tôi đã đi ra ngoài và tìm được người xây sân trượt băng giỏi nhất nước Mỹ, và quản lý các chi tiết tới chỗ hoàn tất thành công. Tới nay, đây vẫn là một nghiên cứu trường hợp ở nhiều trường kinh doanh hàng đầu về sự khác biệt giữa các dự án của tư nhân và dự án của chính phủ. Đáng mừng hơn nữa, Sân trượt băng nữ mang đến cho hàng nghìn trẻ em, gia đình và khách thăm thành phố lớn của chúng ta một trải nghiệm tuyệt vời mang lại nhiều nụ cười và kỷ niệm đáng nhớ. Đó là những gì sẽ diễn ra khi ta thật sự làm việc để tiết kiệm, chứ không phải để lãng phí.
Ngoài việc loại bỏ tình trạng chi tiêu lãng phí, chúng ta cũng cần cứng rắn trong việc thẳng tay loại bỏ tình trạng mất hàng trăm tỷ đô-la vì gian lận trên diện rộng mà các chương trình chính phủ gây ra mỗi năm. FBI ước tính rằng chỉ riêng tình trạng gian lận ở chương trình Chăm sóc Y tế cũng khiến những người đóng thuế mất từ 70 tỷ đô-la đến 234 tỷ đô-la mỗi năm! Thông thường, hành vi gian lận này thường liên quan đến việc làm giả chứng từ. Chẳng hạn, tháng 9 năm 2011, các quan chức đã phát hiện ra một vụ gian lận ở chương trình Chăm sóc Y tế có liên quan đến 91 cá nhân bị cáo buộc là đã làm giả chứng từ có giá trị 295 triệu đô-la. Năm 2010, chương trình Chăm sóc Y tế đã chi trả hơn 35 triệu đô-la cho 118 cơ sở y tế “ma” được cho là được các băng nhóm tội phạm lập ra như một mánh lới để lấy tiền đền bù. Như chương trình 60 Phút đã tiết lộ, Nam Florida đã trở thành bình địa cho nạn gian lận trong chương trình Chăm sóc Y tế vì nơi đây có nhiều người già cả sinh sống. Mọi chuyện tồi tệ đến mức giới hành pháp cũng phải nói rằng tội phạm liên quan đến chương trình này giờ đã soán chỗ cocaine trở thành doanh nghiệp tội phạm số 1 ở Nam Florida.
Giờ thì hãy dừng lại và làm phép tính. Nếu các ước tính của FBI đúng, có nghĩa là có 2.340.000.000 đô-la bị gian lận từ chương trình Chăm sóc Y tế trong mười năm - tức khoảng 16% khoản nợ của cả nước Mỹ! Và tiện đây cũng xin nói chúng ta vẫn chưa nói gì tới chương trình Chăm sóc Sức khỏe Obamacare - một việc làm vô ích, lãng phí cả nghìn tỷ đô-la của chính phủ và chắc chắn sẽ tháo cũi sổ lồng cho tình trạng tham nhũng và tội phạm lớn đến không ngờ mà người đóng thuế Mỹ phải chịu đựng.
Và rồi còn cả mánh lới kiếm chác từ người khuyết tật. Bạn có biết cứ 20 người Mỹ thì có 1 người lại khai là khuyết tật không? Con số này khiến ngân sách cho người khuyết tật tăng lên thành 170 tỷ đô-la một năm. Từ năm 2005 đến năm 2009, ước tính các vụ khai gian làm giả chứng từ của Cục Bảo hiểm Khuyết tật An sinh Xã hội đã ngốn 25 tỷ đô-la. Đó là chưa kể đến 112 tỷ đô-la Sở Thuế vụ phân phát dưới dạng hồi thuế cho những tù nhân đòi hồi lại khoản thuế gian lận đã thu. Cứ thế, cứ thế, hết phi vụ lừa bịp này đến phi vụ lừa bịp khác tiếp tục diễn ra... và lúc nào cũng vậy, người đóng thuế là người bị lừa gạt.
Nhiều đảng viên Cộng hòa mà tôi biết nhìn vào toàn bộ sự lãng phí, gian lận và sử dụng sai mục đích này và băn khoăn tại sao đảng Cộng hòa không làm tốt hơn nữa công việc cải tổ hệ thống và sắp xếp lại trật tự của ngôi nhà tài khóa Mỹ. Chà, sự thật đáng buồn là một số đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội hoàn toàn thiếu khả năng cần thiết trong thương thảo. Tôi biết điều này sẽ khiến một số chiến hữu cùng phe bảo thủ với tôi trách giận, nhưng dù thế nào thì tôi cũng sẽ nói. Tôi tin chắc Dân biểu Raul Ryan là một người tốt, nhưng tôi có thể nói với bạn thế này: ông ấy là một người chơi bài poker tồi. Trong nỗ lực nói về việc làm thế nào để cân bằng ngân sách và kiểm soát thói nghiện chi tiêu của Washington, ông ấy đã đưa ra kế hoạch xem xét lại toàn bộ chương trình Chăm sóc Y tế. Đó là một sai lầm cực kỳ ngớ ngẩn... Tôi đang nói đến thực tế ông ấy hoàn toàn thiếu các kỹ năng thương thảo.
Dân biểu Ryan và đảng Cộng hòa đã phạm phải hai sai lầm chết người. Thứ nhất, bất cứ ai biết chút gì về đàm phán cũng hiểu rằng ta luôn để cho đối phương đi trước. Đảng Cộng hòa đáng lẽ nên đợi tổng thống xuất hiện và buộc ông ta phải đi trước trong việc kể ra những khoản sẽ cắt giảm, và ông ta lên kế hoạch đưa ngân sách về trong tầm kiểm soát cũng như bảo vệ điểm tín dụng của Mỹ như thế nào. Ông ta đã không làm vậy. Thay vào đó, Dân biểu Ryan phạm phải một sai lầm lớn. Ông ấy xuất đầu lộ diện và khiến đảng Cộng hòa trở thành mục tiêu lớn trong khi Obama thì yên vị trở lại và để đảng Cộng hòa thực hiện màn tự sát chính trị. Sai lầm thứ hai mà Ryan mắc phải là ông ấy đã làm cho những người già cả sợ chết khiếp. Nói gì thì nói, phần lớn những người già cả đều thích chương trình Chăm sóc Y tế. Và tôi cũng thích chương trình này vì họ. Khi ta bắt đầu nói theo lối khiến những người Mỹ già cả lo lắng, thì đó là chính trị tồi.
Vậy đảng Dân chủ đã làm gì? Họ đã biến Paul Ryan và đề xuất của ông với chương trình Chăm sóc Y tế trở thành bao cát cho mọi người đấm, và đảng Cộng hòa đã thua tại cuộc bầu cử nghị viện đặc biệt ở vùng ngoại ô New York, một cuộc bầu cử mà đáng ra họ có thể chiến thắng dễ dàng. Ứng viên đảng Dân chủ, Kathy Hochul, đập tơi tả Jane Corwin, đối thủ của bà này ở đảng Cộng hòa, bằng một chiến dịch quảng cáo chương trình Chăm sóc Y tế trên TV có hình ảnh một cụ bà ngồi xe lăn đang bị đẩy ra khỏi vách đá. Quảng cáo giải thích rằng lý do cụ bà bị xô ra khỏi vỉa đá là vì “Paul Ryan và bạn bè của ông ta trong Quốc hội.” Bất công đúng không? Rõ ràng là thế. Hành động chính trị đúng đắn đúng không? Tuyệt đối đúng đắn. Đảng Cộng hòa cần học cách cứng rắn và đàm phán trên cơ Obama cũng như các đồng minh vung tay quá trán của ông này ở Washington. Họ cũng cần học hỏi nghệ thuật sử dụng tông giọng và ngôn ngữ phù hợp.
Điều này chắc chắn đúng khi liên quan đến cuộc thảo luận xung quanh vấn đề làm sao để khắc phục và cứu chương trình An sinh Xã hội. Những người bảo thủ phải khôn ngoan trong cách nói. Sử dụng thứ ngôn ngữ điên rồ làm những người già cả hoảng sợ không giúp hoàn thành việc gì. Việc đó chỉ đơn giản là đưa cho đảng Dân chủ thêm một thứ vũ khí mà họ có thể sử dụng để biến đảng Cộng hòa trở thành trở những con quỷ máu lạnh và bủn xỉn. Một lần nữa, khi một người làm việc suốt 40 năm trời và nhìn thấy chính phủ cắt giảm 6% giá trị của 480 phiếu lương mà họ nhận được trong suốt những năm đó, dễ hiểu tại sao họ muốn nhận lại khoản tiền mà chính phủ đã nợ họ. Đó là chuyện công bằng nhất.
Vì vậy, việc đầu tiên chúng ta cần làm là nhắc những người già nhớ rằng trợ cấp An sinh Xã hội của họ an toàn, và sẽ không bị đụng đến dưới bất kỳ hình thức nào. Chấm hết. Chúng ta có nguồn quỹ để trả cho họ khoản tiền mà họ sẽ được nhận khi đến hạn, và chúng ta sẽ làm được như vậy. Khi đó, chúng ta cần nhìn vào 75 năm tới và giải quyết khoản thâm hụt dự kiến là 5,3 nghìn tỷ đô-la. Giải pháp của đảng Dân chủ chính là giải pháp mà họ có cho tất cả mọi thứ - thuế, thuế và thuế. Duy chỉ có một vấn đề: giải pháp này không hiệu quả! Tất cả những gì rốt cuộc sẽ xảy ra là những kẻ chi tiêu vung tay trong chính phủ tiếp tục cướp bóc các quỹ tín thác An sinh Xã hội và dốc cạn túi vào những chương trình rác mà chúng ta không cần đến.
Điểm mấu chốt: tăng thuế để đỡ phần thiếu hụt ngân sách không phải là cách mang lại cho nước Mỹ một chính phủ mà nó đủ khả năng có được, nhưng làm cho nền kinh tế vững mạnh trở lại thì có.
Vậy chúng ta nên làm gì? Việc đầu tiên chúng ta cần nhận ra là nhờ những tiến bộ trong ngành y tế và sức khỏe, người Mỹ có thể sống và làm việc lâu hơn thời khi chương trình An sinh Xã hội mới ra đời. Thực tế là, từ khi chương trình An sinh Xã hội ra đời năm 1935, tuổi thọ của người Mỹ đã tăng 26%, lên 78 tuổi, trong khi tuổi nghỉ hưu để nhận đầy đủ trợ cấp chỉ tăng 3%, lên tuổi 67. Ngày nay, mọi người vẫn làm việc tốt khi họ ở tuổi 70, đây là điều hết sức tuyệt vời. Vì vậy, nếu chúng ta có thể từ từ tăng tuổi nghỉ hưu chính thức lên 70 thôi, 1/3 số thiếu hụt 5,3 nghìn tỷ kia sẽ bị xóa bỏ ngay lập tức. Nhưng đừng làm việc đó ngay bây giờ, hãy làm việc đó trong tương lai.
Cách nhanh nhất chúng ta có thể bắt đầu làm để cứu chương trình An sinh Xã hội là đưa người Mỹ trở lại làm việc. Thêm nhiều công dân có lương có nghĩa là thêm nhiều người lao động đóng tiền vào hệ thống. Điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ cứu đất nước thoát khỏi cuộc bùng nổ trợ cấp thất nghiệp mà chúng ta đã chứng kiến dưới thời Barack Obama. Chẳng hạn, trợ cấp thất nghiệp mở rộng trong hai năm tới sẽ tiêu tốn của người đóng thuế Mỹ 34 tỷ đô-la. Nếu mục tiêu là kiểm soát thâm hụt và nợ thì con đường nhanh nhất để đến đó là châm ngòi tăng trưởng kinh tế và để những nhà tạo việc làm làm phần việc mà giỏi nhất – kiến tạo việc làm.
Phần việc cuối cùng của tiến trình khôi phục lại sự tỉnh táo về tài khóa cho nước Mỹ là phần việc rõ ràng nhất, đó là kiểm soát thú chi tiêu ầm ầm của chính phủ. Dưới đây là bức chân dung mà tờWall Street Journal cố gắng mô tả:
Về thâm hụt, CBO [Cục Ngân sách Quốc hội] chỉ ra rằng trong ba năm đầu Obama làm tổng thống, giai đoạn 2009-2011, chính phủ liên bang sẽ phải vay mượn một con số ước tính là 3,7 nghìn tỷ đô-la. Con số này vượt toàn bộ số nợ quốc gia tích lũy trong 225 năm đầu của lịch sử Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Đến năm 2019, tiền trả lãi cho khoản nợ này sẽ lớn hơn cả ngân sách cho giáo dục, xây dựng đường xá và tất cả các khoản chi tiêu tùy ý phi quốc phòng khác.
Sự sai lầm về chính sách kinh tế quả thật kinh hoàng. Và đó là lý do tại sao nước Mỹ cần một tổng thống hiểu và đánh giá đúng các hoạt động kinh doanh cũng như các doanh chủ giúp tạo ra cơ hội và việc làm đến vậy.
Tuy nhiên, tôi cũng xin nói rõ: Tôi hết sức phê phán Tổng thống George W. Bush. Tôi cho rằng ông ấy đã phản bội lại các nguyên tắc bảo thủ tài khóa khi chi tiêu quá đà. Ngoài ra, tôi cho rằng việc khả năng kiểm soát yếu kém của ông trong Bão Katrina là kinh khủng, và tôi cũng nghi ngờ quyết định phát động chiến tranh tại Iraq của ông, một cuộc chiến đã làm chúng ta tổn thất cả nghìn tỷ đô-la và, tồi tệ hơn, hàng ngàn sinh mạng. Nhưng những món chi tiêu quá đà của Tổng thống Bush không là gì so với Tổng thống Obama. Chỉ trong ba năm, Obama đã làm khoản nợ của chúng ta rộng ngoác đến nỗi chúng ta phải vay mượn 4 tỷ đô-la mỗi ngày. Nếu so sánh, dưới thời Tổng thống George W. Bush, trong suốt nhiệm kỳ 8 năm làm tổng thống của ông, con số chúng ta phải vay mượn mỗi ngày là 1,6 tỷ đô-la. Chẳng tuyệt vời gì, nhưng thế là khá hơn nhiều.
Tất nhiên, bất kỳ ai để tâm chú ý trong năm 2008 đáng lẽ cũng biết rằng Obama không quan tâm đến nợ và cắt giảm thâm hụt. Tuy nhiên, việc ông này hoàn toàn tảng lờ những phát hiện của ủy ban nợ của chính ông trong báo cáo BowlesSimpson chứng tỏ rằng vị tổng thống này không có ý định giảm bớt thói chi tiêu lan tràn của mình. Mỗi người Mỹ, bất kể thuộc đảng phái nào, cần suy nghĩ thật nghiêm túc và kỹ lưỡng về việc thêm bốn năm Barack Obama sẽ có nghĩa là gì với khoản nợ quốc gia và khả năng thanh toán của chương trinh An sinh Xã hội, Chăm sóc Y tế và Hỗ trợ Y tế.
Nếu ta không sớm làm gì, các chương trình mà người Mỹ dựa vào như Chăm sóc Y tế, Hỗ trợ Y tế và An sinh Xã hội sẽ rơi vào chảo lửa. Mọi sự không phải diễn ra theo lối ấy. Chúng ta có thể đưa nước Mỹ trở lại với sự vĩ đại trước dây nếu chúng ta cứng rắn và hành động khôn ngoan.
Công việc bắt đầu từ Trung Quốc và OPEC. Việc bọn họ cướp của chúng ta hàng trăm tỷ đô-la mỗi năm phải chấm dứt ngay lập tức. Chúng ta cần một vị tổng thống với cột sống titan, người sẽ đứng dậy thách thức những kẻ tống tiền nhà nghề này và yêu cầu bọn họ phải rút bỏ bàn tay tham lam ra khỏi túi chúng ta ngay lập tức. Chỉ riêng hành động này thôi cũng sẽ giúp mang lại cho chúng ta một khoản hàng trăm tỷ đô-la từ trên trời để giúp chúng ta trả bớt nợ và đáp ứng được các cam kết của mình. Tiếp theo, chúng ta cần thi hành chính sách không khoan thứ với kiểu lãng phí của chính phủ mà tất cả chúng ta đều đã quá đỗi quen thuộc ở Washington. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần tổ chức lại hệ thống của chúng ta cho gọn gàng và chấm dứt tình trạng lãng phí. Thứ ba, chúng ta cũng cần truy bắt những kẻ tội phạm và những kẻ bịp bợm bậc thầy đang lừa cướp của người đóng thuế 243 tỷ đô-la mỗi năm trong các vụ gian lận liên quan đến chương trình Chăm sóc Y tế và hàng tỷ đô-la từ các kiểu gian lận khác như mánh lới khai gian là khuyết tật. Ngồi im khi những kẻ lừa đảo này trộm cắp tiền của những người làm việc chăm chỉ và ăn cướp của những người Mỹ xứng đáng khoản trợ cấp mà họ đã bỏ tiền ra là hèn hạ. Chúng ta phải khởi tố những kẻ lừa đảo này theo khung hình phạt cao nhất của pháp luật và lấy lại hàng trăm tỷ đô-la mà bọn họ đã lấy của chúng ta hết năm này đến năm kia. Thứ tư, chúng ta phải cứu lấy chương trình An sinh Xã hội thông qua thành công kinh tế. Thứ năm, chúng ta cần đưa người Mỹ trở lại với công việc và khiến Washington tỉnh táo hơn về chuyện tài khóa. Nếu làm được năm việc này, chúng ta sẽ truyền lại cho con cháu chúng ta không chỉ một chính phủ mà chúng đủ sức hưởng, mà còn là chính phủ mà chúng ta có thể lấy làm tự hào.