Cuốn sổ lớn

Giới thiệu tác giả

Agota Kristof sinh năm 1935 tại Hungary, rời bỏ quê hương năm 1956 khi quân đội Liên-Xô tràn vào đàn áp cuộc nổi dậy của sinh viên và công nhân ở Budapest. Cùng chồng và đứa con gái 4 tuổi, bà sang tỵ nạn ở Neuchâtel, Thụy Sĩ.

Sau 5 năm sống với cảm thức cô đơn và đau đớn của một người lưu vong, bà quyết định từ bỏ việc làm của một công nhân, ly dị với chồng, rồi bắt đầu học tiếng Pháp và viết truyện, viết kịch, viết tiểu thuyết và làm thơ.

Sau nhiều năm vật vã với ngòi bút, Agota Kristof cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay Le Grand Cahier [Cuốn sổ lớn] năm 1986. Tác phẩm này là một thành công, đoạt giải "Prix du Livre Européen", và thúc đẩy bà tiếp tục viết thêm hai cuốn tiểu thuyết nữa để hoàn tất một bộ ba. Cuốn thứ nhì La Preuve [Bằng chứng] được xuất bản năm 1988, và cuốn cuối cùng của bộ ba tiểu thuyết là Le Troisième Mensonge [Lời nói dối thứ ba] được xuất bản năm 1991 và đoạt giải "Prix du Livre Inter" năm 1992.

Sau đó, bà xuất bản tiểu thuyết Hier [Hôm qua] năm 1995, rồi tiểu thuyết L'Analphabète [Bà mù chữ] năm 2004.

Docsach24.com

 

Vài ý nghĩ của người dịch khi đọc bộ ba cuốn tiểu thuyết

 

Tiểu thuyết được viết dưới hình thức một cuốn sổ ghi chép của hai cậu bé sinh đôi. Trong thời gian về miền quê để tránh chiến tranh, hai cậu bé tự học cách mô tả những sự kiện xảy ra chung quanh và ở chính mình. Hai cậu tập làm văn trên những tờ giấy rời. Khi nào viết được một bài hoàn chỉnh, thì hai cậu chép nó vào một cuốn sổ lớn. Các chương của cuốn tiểu thuyết chính là những bài tập làm văn ấy.

Hai cậu bé sinh đôi đã tự quy định cho mình một nguyên tắc hành văn như sau: "Les mots qui définissent les sentiments sont très vagues; il vaut mieux éviter leur emploi et s'en tenir à la description des objets, des êtres humains et de soi-même, c'est-à-dire à la description fidèle des faits." [Những chữ định tính các xúc cảm thì rất mơ hồ. Tốt hơn nên tránh dùng chúng, và hãy chú tâm vào việc miêu tả các vật thể, con người, và chính mình, nghĩa là miêu tả trung thành các sự kiện.] (trang 34, chương “Nos études” [Việc học của chúng tôi] - tập 1 - Cuốn sổ lớn.)

* Đó chính là cái bút pháp độc đáo của bộ 3 cuốn tiểu thuyết của Agota Kristof: đơn giản và vô cảm. Mọi sự kiện đều được nhìn qua con mắt của hai đứa trẻ, ghi lại bằng ngòi bút của hai đứa trẻ, và không bị diễn dịch theo bất cứ một định kiến nào. Và chính vì thế, độc giả sẽ thấy cuộc sống bày ra tất cả những góc cạnh lạ lùng nhất của nó. Một điểm độc đáo khác: suốt cả cuốn tiểu thuyết, hai đứa trẻ sinh đôi luôn luôn có cái nhìn hoàn toàn đồng nhất, luôn luôn có hành động hoàn toàn đồng nhất, và luôn luôn phát ngôn hoàn toàn đồng nhất. "Chúng tôi", chứ không bao giờ "tôi". "Chúng tôi thấy", "chúng tôi làm", "chúng tôi nói"... Điều này có nghĩa là gì? Phải chăng đó là một ẩn dụ? Câu trả lời sẽ dần dần hiện ra trong hai cuốn tiểu thuyết tiếp theo.

Hoàng Ngọc-Tuấn

Sydney, 14/08/2006

 

CHƯƠNG 1

Đến nhà Bà Ngoại

Chúng tôi đến từ Phố Lớn. Chúng tôi đã đi suốt đêm. Đôi mắt của Mẹ đỏ ngầu. Mẹ mang một hộp các-tông lớn, và hai anh em tôi mỗi đứa mang một va-li nhỏ đựng quần áo, cộng với cuốn từ điển to kềnh của Bố mà anh em tôi thay nhau ôm cho đỡ mỏi tay.

Chúng tôi đi bộ rất lâu. Nhà Bà Ngoại ở xa trạm xe lửa, tận đầu bên kia của Phố Nhỏ. Ở đây không có xe điện, xe buýt hay xe ô-tô. Chỉ có vài xe vận tải của quân đội chạy loanh quanh.

Người qua đường không nhiều, phố này yên tĩnh. Chúng tôi có thể nghe tiếng bước chân của mình; chúng tôi bước đi trong im lặng, Mẹ đi chính giữa, hai đứa tôi hai bên.

Trước cổng vườn của Bà Ngoại, Mẹ bảo:

— Đợi mẹ ở đây.

Chúng tôi đợi một lát, rồi chúng tôi đi vào trong vườn, bước quanh ngôi nhà, và bò xuống dưới một khung cửa sổ nơi chúng tôi có thể nghe những giọng nói. Giọng của Mẹ:

— Ở nhà con không còn gì nữa để ăn, không bánh mì, không thịt, không rau, không sữa. Không có gì cả. Con không còn nuôi nổi lũ trẻ nữa.

Một giọng khác nói:

— Vậy là mày nhớ đến tao. Suốt mười năm, mày không hề nghĩ đến tao. Mày không bao giờ đến thăm, mày không bao giờ viết thư.

Mẹ nói:

— Má biết tại sao mà. Tại con thương ba của con.

Giọng kia nói:

— Ừ, và bây giờ mày mới nhớ rằng mày cũng có một người mẹ. Mày mò đến đây để đòi tao giúp đỡ.

Mẹ nói:

— Con không đòi hỏi bất cứ cái gì cho con hết cả. Con chỉ muốn mấy đứa con của con sống sót qua cuộc chiến này. Phố Lớn bị dội bom suốt ngày suốt đêm, và không còn thức ăn nữa. Người ta sơ tán trẻ con về miền quê để ở với ông bà hay với kẻ lạ, bất cứ nơi đâu.

Giọng kia nói:

— Thế thì đem gửi chúng cho kẻ lạ, bất cứ nơi đâu.

Mẹ nói:

— Chúng là cháu ngoại của má cơ mà.

— Cháu ngoại của tao? Thậm chí tao cũng không biết chúng là ai. Có mấy đứa?

— Hai. Hai đứa con trai. Sinh đôi.

Giọng kia hỏi:

— Thế thì mày đã làm gì với những đứa khác?

Mẹ hỏi:

— Những đứa khác nào?

— Lũ chó cái mỗi lần đẻ bốn hay năm con chó con. Mày giữ một hay hai đứa, còn những đứa kia, mày trấn nước cho chết hết.

Giọng kia cười thật to. Mẹ không nói gì cả, và giọng kia hỏi:

— Ít nhất chúng cũng có cha chứ? Mày đâu có lấy chồng, tao biết mà. Tao đâu có được mời ăn đám cưới.

— Con có lấy chồng. Bố lũ nhỏ đang ở ngoài mặt trận. Đã sáu tháng nay con không có tin tức gì về anh ấy.

— Thế thì mày có thể xoá sổ nó được rồi.

Giọng kia lại cười, Mẹ bắt đầu khóc. Chúng tôi chạy ra cổng trở lại.

Mẹ bước ra khỏi nhà với một bà già.

Mẹ nói với chúng tôi:

— Đây là Bà Ngoại của các con. Các con sẽ ở với bà một thời gian, cho đến hết chiến tranh.

Bà Ngoại nói:

— Có thể là một thời gian dài. Nhưng tao sẽ bắt bọn chúng làm việc, mày đừng có bất bình. Thức ăn ở đây cũng không phải là miễn phí.

Mẹ nói:

— Con sẽ gửi tiền cho má. Trong hai cái va-li kia, có quần áo của lũ trẻ. Trong thùng các-tông, có khăn trải giường và mền. Ngoan nhé, hai đứa nhóc. Mẹ sẽ viết thư cho các con.

Mẹ hôn chúng tôi và vừa ra đi vừa khóc.

Bà Ngoại cười rất lớn và nói với chúng tôi:

— Khăn trải giường, mền! Sơ-mi trắng và giày đánh bóng! Tao sẽ dạy cho bọn mày biết đời là gì, chính tao!

Chúng tôi thè lưỡi ra trêu Bà Ngoại. Bà cười còn to hơn nữa và đập hai tay bôm bốp vào hai bên hông.

Dịch từ nguyên tác Pháp văn, "L'arrivée chez Grand-Mère", chương đầu tiên trong Agota Kristof, La Grand Cahier (Paris: Éditions du Seuil, 1986).