Cuốn sổ lớn

CHƯƠNG 45

Ngay đêm đầu tiên chị họ của chúng tôi đến ở, chúng tôi đi ngủ trên gác xép. Chúng tôi lấy hai cái mền từ phòng của ông sĩ quan và chúng tôi trải rơm lên sàn gác. Trước khi ngủ, chúng tôi nhìn xuyên qua những lỗ hở. Trong phòng của ông sĩ quan không có ai cả. Trong phòng Bà Ngoại có đèn còn sáng, đó là điều hiếm khi xảy ra.

Bà Ngoại đã lấy cây đèn dầu từ nhà bếp và treo nó trên bàn trang điểm của bà. Đó là một cái bàn có gắn ba tấm gương soi. Tấm ở chính giữa được gắn cố định, hai tấm kia có thể di chuyển. Người ta có thể chỉnh chúng theo hướng thích hợp để nhìn thấy mình từ hai bên.

Bà Ngoại ngồi trước bàn trang điểm, soi mình trong gương. Trên đầu bà, phía trên tấm khăn choàng đen, bà đã đính một vật gì lấp lánh. Quanh cổ bà có vài sợi dây chuyền, hai cánh tay bà mang đầy những vòng xuyến, những ngón tay bà đeo đầy những chiếc nhẫn. Bà vừa ngắm mình trong gương, vừa nói một mình:

— Giàu, giàu có. Làm đẹp thật dễ dàng với tất cả những thứ này. Dễ dàng. Bánh xe lăn đi. Bây giờ chúng là của mình, những món nữ trang này. Của mình. Cũng công bằng thôi. Nó lấp lánh kìa, lấp lánh như thế đấy.

Sau đó, bà nói:

— Và nếu họ trở lại thì sao? Nếu họ đòi lại thì sao? Một khi nguy hiểm đã qua, thì họ quên hết. Họ hứa trăng hứa sao, thế rồi... Không, không, họ đã chết cả rồi. Cái ông già đó cũng sẽ chết. Ông ấy đã nói mình có thể giữ lấy hết mọi thứ... Nhưng đứa con gái... Nó đã thấy tất cả, đã nghe tất cả. Nó sẽ muốn mình trả lại. Chắc chắn là thế. Sau chiến tranh, nó sẽ đòi chúng lại. Nhưng mình không muốn, mình không thể trả chúng lại. Chúng là của mình. Mãi mãi...

... Nó cũng sẽ phải chết đi. Như thế thì chẳng còn bằng chứng gì cả. Chẳng ai thấy, cũng chẳng ai biết. Ừ, con nhỏ đó sẽ phải chết. Nó sẽ gặp một tai nạn. Ngay trước khi hết chiến tranh. Chẳng cần thuốc độc. Lần này thì chẳng cần. Một tai nạn. Chết đuối ngoài sông. Đè cái đầu nó xuống nước. Khó quá. Xô nó té xuống hầm rượu. Không đủ cao. Thuốc độc. Chỉ có thuốc độc. Một thứ gì chầm chậm. Đúng liều lượng. Một thứ bệnh làm nó chết mòn nhẹ nhàng, qua nhiều tháng. Không có thầy thuốc. Nhiều người chết như thế, vì thiếu sự chăm sóc, trong thời chiến tranh.

Bà Ngoại giơ nắm tay lên, đe doạ hình ảnh của bà trong tấm gương:

— Mày sẽ không làm gì được tao! Không làm gì được cả!

Bà cười khẩy. Bà tháo những món nữ trang, đặt chúng vào trong một cái bao bố và nhét cái bao vào trong cái đệm rơm của bà. Bà đi ngủ, chúng tôi cũng thế.

Sáng hôm sau, khi chị họ của chúng tôi đã rời nhà bếp, chúng tôi nói với Bà Ngoại:

— Bà Ngoại, chúng con có điều muốn nói với bà.

— Chứ còn điều gì nữa đây?

— Nghe cho kỹ, Bà Ngoại. Chúng con đã hứa với ông già là sẽ trông nom chị họ của chúng con. Vì thế, sẽ không có điều gì xảy đến cho chị ấy. Không tai nạn, cũng không bệnh tật. Không gì cả. Và cũng không có gì xảy đến cho chúng con.

Chúng tôi giơ ra cho bà thấy một cái bao thư dán kín:

— Trong này, mọi việc đều được viết xuống. Chúng con sẽ đưa bức thư này cho ông cha xứ. Nếu có bất cứ điều gỉ xảy đến cho một trong ba đứa chúng con, ông cha xứ sẽ mở bao thư ra xem. Bà đã hiểu rõ chứ, Bà Ngoại?

Bà Ngoại nhìn chúng tôi, mắt bà gần như nhắm lại. Bà thở rất mạnh. Bà nói rất khẽ:

— Đồ chó đẻ, con của đĩ, con của quỷ sứ! Cái ngày bọn mày lòi ra đời này là cái ngày khốn kiếp!

Buổi chiều, khi Bà Ngoại đi làm việc trong vườn nho, chúng tôi lục lạo cái đệm rơm của bà. Không có gì trong đó.