Cuộc Săn Cừu Hoang

Chương 30: PHẦN 8: Lần suy vong tiếp theo của Junitaki và lượng cừu của nó

Chúng tôi bắt tàu chuyển tiếp tại Asahikawa và đi về hướng Bắc qua đèo Shiogari, chủ yếu đi chính con đường mà người thanh niên Ainu và mười tám người nông dân nghèo xơ xác đi một thế kỉ trước.

Mặt trời mùa thu chói sáng xuyên qua tàn tích cuối cùng của rừng hoang và lá cây thanh lương trà đỏ rực. Không khí tĩnh lặng và trong lành. Tới mức chỉ nhìn phong cảnh thôi cũng khiến người ta đau mắt.

Chuyến tàu lúc đầu vắng vẻ, nhưng tới giữa đường, một đám học sinh trung học đi vé tháng chen chúc nhau lên và thế là náo loạn vô cùng, những tiếng la hét, gầu tóc, mùi cơ thể, những cuộc chuyện trò không tài nào hiểu được và thôi thúc tình dục không có chỗ nào thoát ra. Cứ thế trong khoảng ba mươi phút cho đến khi tất cả bọn chúng biến mất tại cùng một nhà ga. Một lần nữa, đoàn tàu lại trống vắng, không nghe một tiếng nói.

Chúng tôi chia nhau nhấm nháp một thỏi sô cô la trong lúc phong cảnh diễu ra trước mắt. Ánh nắng thanh bình đổ lên mặt đất. Mọi thứ dường như xa xôi làm sao, như thể chúng tôi đang nhìn qua đầu kia của kính thiên văn. Cô huýt sáo mấy đoạn trong bài "Johnny B. Goode". Đây có lẽ là lần lâu nhất chúng tôi không nói với nhau câu nào.

Buổi chiều, chúng tôi xuống tàu. Đứng trên sân ga, tôi hít một hơi thật sâu và vươn vai. Không khí trong lành đến mức tôi cảm thấy phổi mình sắp nổ tung. Ánh mặt trời trên cánh tay tôi ấm áp và đầy nhục cảm, ngay cả khi không khí ở đó lạnh hơn không khí ở Sapporo ba bốn độ.

Một dãy nhà kho xây bằng gạch cũ kỹ xếp hàng dọc đường ray, cạnh đó là một chồng gỗ xếp theo hình kim tự tháp dài hơn hai mét rưỡi, đen sẫm và đẫm nước từ trận mưa đêm trước. Sau khi chuyến tàu chờ chúng tôi đến đã rời khỏi nhà ga, chẳng còn ai trong tầm nhìn, chỉ có một bụi cúc vạn thọ đung đưa trong gió lạnh.

Từ sân ga, chúng tôi trông thấy một đô thị khu vực quy mô nhỏ điển hình. Có đầy đủ phố chính, các cửa hàng bách hóa khiêm nhường, bến xe buýt, trung tâm thông tin du lịch. Nếu ấn tượng ban đầu là đúng thì đó là một thành phố cực kì tẻ nhạt.

"Đây là đích đến của chúng ta ư?" cô hỏi.

"Không, không phải ở đây. Chúng ta đi tàu tiếp từ đây. Đích đến của chúng ta là một thị trấn nhỏ hơn thế này nhiều, rất nhiều."

Tôi ngáp và thở một hơi sâu nữa.

"Đây là điểm quá giang của chúng ta. Đây là nơi mà những người định cư đầu tiên rẽ sang hướng Đông."

"Những người định cư đầu tiên ư?"

Trong thời gian trước khi tàu chuyển tiếp đến, chúng tôi ngồi trước máy sưởi trong phòng đợi, và tôi thuật lại kiến thức vụn vặt của mình về lịch sử Junitaki-cho. Bảng niên đại trở nên hơi lẫn lộn, thế là tôi dùng một trang giấy từ cuốn sổ để vẽ một bảng thời gian đơn giản hóa dựa trên phần tóm tắt phía sau cuốn Lịch sử chính thức. Bên trái trang giấy, tôi liệt kê ngày tháng và các mốc phát triển trong lịch sử Junitaki-cho, bên phải là các sự kiện chủ yếu của lịch sử Nhật Bản trong cùng thời kỳ. Một bảng niên đại khá đáng nể.

Chẳng hạn, vào năm 1905, Cảng Arthur sụp đổ và con trai người thanh niên Ainu hy sinh. Và nếu như trí nhớ tôi chính xách, đó cũng là năm Giáo sư Cừu ra đời. Dần dà, lịch sử kết nối.

"Nhìn sự việc kiểu này," cô nói, so sánh bên trái và bên phải của bảng niên đại, "người Nhật chúng ta dường như sống từ cuộc chiến này qua cuộc chiến khác."

"Đúng là có vẻ như vậy," tôi nói.

"Làm sao mà mọi việc lại trở nên thế này?"

"Chuyện đó phức tạp. Anh thật sự không nói được. Không phải chỉ như vậy."

"Hừm."

Phòng đợi, giống như hầu hết các phòng đợi, vắng vẻ và không có gì đáng chú ý. Ghế băng không thoải mái đến mức thảm hại, gạt tàn đầy những mẩu thuốc lá sũng nước, không khí bốc mùi chua. Trên tường là các tấm áp phích du lịch và danh sách tội phạm đang bị truy nã. Những người duy nhất ở đó là một ông già mặc áo len màu vàng nhạt và một bà mẹ với đứa con trai bốn tuổi. Ông già ngồi dính vào một chỗ, mải mê nghiên cứu tạp chí văn học. Ông lật trang chậm rãi như thể đang bóc băng dính. Mười lăm phút từ trang này qua trang khác. Bà mẹ và đứa bé trông như một cặp vợ chồng hôn nhân đang trục trặc.

"Thực ra ai cũng nghèo, nhưng chúng ta muốn tin rằng nếu mọi thứ ổn thỏa, chúng ta sẽ thoát khỏi cái nghèo."

"Như người dân ở Junitaki-cho."

"Chính xác. Đó là lý do họ làm quần quật đến chết để vỡ thêm đất. Ngay cả như vậy, hầu hết những người định cư đều chết trong cảnh nghèo."

"Tại sao?"

"Tại khu vực thôi. Hokkaido là xứ lạnh, cứ mấy năm lại có một trận sương giá khủng khiếp. Nếu mùa màng chết hết thì sẽ không có gì ăn, không có thu nhập để mua dầu. Họ thậm chí không thể mua nổi hạt giống cho năm sau. Thế là họ cầm cố đất và vay nặng lãi. Nhưng không một nền nông nghiệp nào ở bất kỳ khu vực nào lại sinh lợi đủ để trả số lãi đó, thế nên cuối cùng họ bị tước đoạt đất đai. Điều đó khiến nhiều nông dân phải đi trồng cấy thuê."

Tôi giờ qua mấy trang cuốn Lịch sử chính thức và đọc cho cô: "Vào năm 1930, số lượng nông dân tự cày cấy trên đất của mình giảm xuống còn 46% dân số Junitaki-cho. Họ bị giáng cho hai đòn chí tử, một thị trường đình trệ và một trận sương giá khủng khiếp."

"Vậy là sau bao nhiêu nhọc nhằn để phát quang thêm đất trồng cấy cho chính mình, họ chỉ càng lún sâu hơn vào nợ nần." cô kết luận.

Vì vẫn còn bốn mươi phút nữa tàu mới đến, cô quyết định một mình đi bộ quanh thị trấn. Tôi ngồi lại phòng đợi, uống một lon Coke và đọc tiếp phần bỏ dở ở một cuốn sách khác. Chẳng bao lâu tôi chán đọc và cất sách đi. Tôi không thể tập trung. Đầu tôi đầy những con cừu Junitaki-cho nhai chóp chép tất cả đám chữ nghĩa tôi có thể cho chúng ăn. Tôi nhắm mắt lại thở dài. Một đoàn tàu chở hàng đi ngang qua đổ một hồi còi.

Vài phút trước giờ đi, cô trở về với một túi táo. Chúng tôi ăn táo thay bữa trưa, rồi lên tàu.

Con tàu chắc chắn đã từng dãi dầu bao ngày tháng. Những phần gỗ ọp ẹp nơi sàn tàu oằn xuống và mòn vẹt. Đi dọc theo lối đi giữa các dãy ghế cũng đủ khiến người ta đung đưa từ bên này qua bên khác. Bọc ghế mất hết lớp tuyết còn nệm ghế như bánh mì để lâu một tháng. Một không khí chết chóc, trộn lẫn mùi nhà vệ sinh và mùi dầu lửa, lan tỏa trong toa tàu. Tôi mất mười phút cố mở cửa sổ để không khí từ bên ngoài vào, nhưng vừa mới mở được thì một đám cát mịn thổi vào và tôi lại mất từng ấy thời gian để đóng cửa sổ.


Tàu có hai toa. Có cả thảy mười lăm hành khách, bị gộp lại với nhau bởi một mối ràng buộc chung là sự thờ ơ và chán nản. Ông già mặc áo len vàng nhạt vẫn đang đọc tạp chí. Xét tốc độ đọc đó, số báo ấy có thể đã ra từ cách đây ba tháng. Một bà trung niên trông nặng nề đang nhìn chằm chằm vào một điểm xa bên ngoài, như thể nhà phê bình đang nghe một bản xô nát của Scriabin.

Bọn trẻ con cũng lặng lẽ. Chúng ngồi yên lặng nhìn trân trân ra ngoài cửa sổ. Thi thoảng, ai đó phát ra tiếng ho khan khò khè nghe cứ như xác ướp bị một cái cặp gõ lên đầu.

Mỗi lầu tàu vào một nhà ga là lại có ai đó xuống tàu. Cứ khi nào có người xuống tàu, người soát vé lại xuống thu vé rồi quay trở lại. Người soát vé hoàn toàn không chút biểu cảm gì, đến độ ông ta có thể đi cướp nhà băng mà không phải che mặt. Không hành khách mới nào lên tàu.

Bên ngoài, con sông trải dài bất tận, nổi màu nâu bùn do các trận mưa. Lấp lánh trong ánh nắng thu, trông dòng sông giống như một cái đập tràn toàn cà phê sữa. Con đường được nâng cấp dọc theo bờ sông lúc ẩn lúc hiện, và thỉnh thoảng một chiếc xe tải khổng lồ chở đầy gỗ phóng ầm ầm về phía Tây. Nhưng nhìn chung thì con đường dường như không được thực sự sử dụng. Các biển hiệu quảng cáo bên đường không truyền được thông điệp của nhà tài trợ cho ai, đến đâu. Tôi đẩy lui sự buồn chán bằng cách nhìn từng biển hiệu quảng cáo mới, nhận thấy ở chúng có vẻ lôi cuốn thành thị, sắc nét. Một cô gái có làn da rám nắng tuyệt đẹp mặc bikini chun môi trên một chai Coca, một diễn viên đứng tuổi nheo mày nhìn ly rượu Scotch nghiêng nghiêng, một chiếc đồng hồ thợ lặn được hào phóng té nước vào, một cô người mẫu ở giữa đám nội thất tinh tế, bóng mượt đang làm móng. Những người đi tiên phong mới của ngành quảng cáo đang khoét một vết sâu đồi bại vào trong vùng thôn quê.

Sau hai tiếng bốn mươi phút, chúng tôi tới Junitaki-cho, điểm dừng cuối. Vào một thời điểm nào đó trên đường chúng tôi đã ngủ gà gật, có vẻ như không nghe thấy thông báo của nhà ga. Động cơ diesel đã thở hắt ra hơi cuối cùng rồi mọi thứ rơi vào tĩnh lặng. Tôi giật mình tỉnh dậy, sự yên lặng râm ran trên da tôi. Khi tôi nhìn quanh, không hành khách nào còn lại trên tàu.

Tôi lôi túi xách từ trên giá xuống, gõ nhẹ lên vài cô vài lần để đánh thức cô dậy, rồi chúng tôi xuống tàu. Cơn gió thổi dọc chiều dài sân ga đã se sẽ chút lạnh cuối thu. Bóng dãy đồi tối đen trườn qua mặt đất như những vết ố chết người. Ngay cuối phố xá, hai dãy đồi ở hai bên thị trấn dường như gặp nhau, gọn gàng ôm cả thị trấn như hai bàn tay khum lại chắn gió ột ngọn lửa diêm. Hai dãy đồi sừng sững phía trên sân ga chật hẹp.

Chúng tôi đứng đó, lúng túng một lúc, nhìn chăm chăm vào khung cảnh đến vài phút.

"Trang trại cũ của Giáo sư Cừu ở đâu anh?" cô hỏi.

"Tít trên núi. Cách đây ba tiếng đi xe."

"Mình có đi thẳng đến đó không?"

"Không," tôi nói. "Nếu mình đi ngay bây giờ thì quá nửa đêm mới tới nơi. Hãy qua đêm ở đây và khởi hành vào buổi sáng."

Trước cửa nhà ga là một giao lộ nhỏ, vắng tanh. Không ai đi vòng quanh. Không taxi đón khách hoặc thả khách. Ở giữa, chỉ có một vòi phun nước hình chim nhưng chẳng có tí nước nào. Con chim lơ đãng nhìn lên bầu trời, miệng há ra mà không có gì để nói. Quanh vòi phun nước trồng một bồn cúc vạn thọ hình tròn. Chỉ liếc qua người ta cũng có thể thấy thị trấn tiêu điều hơn nhiều so với một thập kỷ trước. Hầu như không có ai ngoài phố, còn số ít ỏi đang ở ngoài phố thì dường như cũng có vẻ tiêu điều đãng trí của một thị trấn đang tàn lụi.

Bên trái giao lộ là khoảng nửa tá nhà kho cũ, từ những ngày còn vận tải đường sắt. Được xây bằng gạch theo kiểu cổ, chúng có mái rất dốc và cửa ra vào bằng thép được sơn đi sơn lại không biết bao lần, cuối cùng chỉ để bị bỏ hoang. Những con quạ to cồ cộ đậu thành dãy dọc theo mái ngói, lặng lẽ quan sát thị trấn. Tiếp đến là một bãi đất trống phủ đầy cỏ dại có thể khiến người ta bị phát ban đến tận vai, ở giữa đó là tàn tích của hai chiếc xe cũ bị bỏ mặc ưa nắng tàn phá. Cả hai chiếc xe đều thiếu lốp, các bộ phận bên trong lòi hết ra từ bên dưới ca pô để mở.

HƯỚNG DẪN ĐẾN THỊ TRẤN được dán ngay cạnh giao lộ vắng ngắt, bị gió mưa bào mòn đến mức hầu như không đọc nổi. Những chữ có thể được được là JUNITAKI-CHO và GIỚI HẠN PHÍA BẮC CỦA TRỒNG LÚA DIỆN RỘNG.

Ngay trước giao lộ là một con phố nhỏ, dọc hai bên là các cửa hàng. Một con phố không khác gì với những con phố tương tự ở Nhật, chỉ trừ một điểm là đường rộng một cách vô lý, đem lại cho thị trấn ấn tượng càng thêm thưa thớt và lạnh lẽo. Hai bên đường là những hàng cây thanh lương trà, tán lá rực rỡ nhưng không hiểu sao vẫn không bớt phần lạnh lẽo. Đó là sự lạnh lẽo ngấm vào mọi sinh vật, chưa kể vận mệnh con người. Những sự kiện ngày qua ngày thiếu sức sống của cư dân thị trấn - tất cả - đều bị nhấn chìm trong cái lạnh lẽo ấy.

Tôi xốc ba lô lên vai và đi về phía cuối khu vực thương mại dài năm trăm thước ấy, tìm một chỗ để nghỉ. Không có bất kì quán trọ nào. Một phần ba số cửa hiệu kéo cửa chớp xuống. Tấm biển rách tơi tả trước một hiệu đồng hồ đập qua đập lại trong gió.

Ở nơi con phố có các cửa hiệu đột ngột bị ngắt quãng, có một bãi đậu xe, lại đầy cỏ dại. Trong bãi là một chiếc Honda Fairlady màu kem và một xe thể thao, chiếc Toyota Celica màu đỏ. Cả hai đều mới. Tình trạng tinh khôi của chúng ở ngay giữa cái thị trấn rệu rã này tạo nên một khung cảnh mới kỳ cục làm sao.

Đi quá các cửa hiệu, con đường đổ dốc thoai thoải tới bờ sông, ở đó nó tách sang trái và phải theo hình chữ T. Dọc theo con đường này là những ngôi nhà khung gỗ một tầng nhỏ, với những hàng cây màu xám bụi đâm thẳng lên trời những cành nhánh đầy gai. Tôi không biết đó là cây gì, nhưng cành nào cành nấy đều mang hình dáng hết sức kì quái. Trước mỗi cửa nhà đều có thùng phuy đựng xăng lớn giống hệt nhau với các hộp đưa sữa kèm theo. Và trên mỗi mái nhà là những cột ăng ten ti vi cao không tưởng. Những cái xúc tu bằng bạc này mò mẫm trong không trung, bất chấp những ngọn núi tạo thành phông nền của thị trấn.

"Nhưng mà không có quán trọ nào," cô nói lo lắng.

"Đừng lo, thị trấn nào chẳng phải có một quán trọ."

Chúng tôi trở lại nhà ga và hỏi hai người phục vụ ở đó xem có thể tìm được chỗ trọ ở đâu. Tuổi cách xa nhau đến mức có thể cho là bố con được, họ rõ ràng là đang chán và giải thích địa điểm nhà trọ tỉ mỉ đến đáng ngại.

"Có hai nhà trọ," người phục vụ lớn tuổi hơn nói. "Một cái đắt hơn, cái kia khá rẻ. Cái đắt tiền là nơi chúng tôi sắp xếp mấy vị viên chức quan trọng của Chính quyền địa phương và mở tiệc đặc biệt."

"Thức ăn ở đó không tồi chút nào," người phục vụ trẻ tuổi hơn nói.

"Cái kia là nơi mà đám khách thương gia hay đám thanh niên đi du lịch hay, xem nào, nơi khách thông thường nghỉ trọ. Bề ngoài thì có thể khiến anh mất hứng, nhưng không bẩn gì đâu. Phòng tắm khá ấn tượng đấy."

"Mặc dù tường có mỏng," người trẻ hơn nói.

Đến đó hai người lao vào một cuộc tranh luận về độ mỏng của bức tường.

"Chúng tôi sẽ đi tìm cái đắt tiền," tôi nói. Không việc gì phải tiết kiệm. Còn đó chiếc phong bì, vẫn nhét đầy tiền.

Người phục vụ trẻ tuổi hơn xé một tờ từ sổ ghi nhớ và vẽ bản đồ chính xác đường đến quán trọ.

"Cám ơn nhé," tôi nói. "Tôi đoán trước không có nhiều người qua đây như mười năm về trước."

"Không, điều đó thì chắc chắn," người lớn tuổi hơn nói. "Giờ chỉ còn một nhà máy gỗ và không còn ngành nghề nào đáng nói. Nông nghiệp đã sụp đổ. Dân số cũng đã giảm xuống quá nhiều."

"Chết tiệt, không còn có đủ học sinh để mở lớp học tử tế ở trường nữa," người trẻ hơn góp chuyện.

"Dân số là bao nhiêu vậy?"

"Người ta nói khoảng bảy nghìn, nhưng thực ra chắc phải ít hơn thế. Tôi nghĩ năm nghìn thì chính xác hơn."

"Hãy đi tuyến đường này, cậu ơi, trước khi họ đóng cửa cái ga này, có lẽ là bất cứ lúc nào. Dù gì xảy ra đi nữa, chúng tôi vẫn là tuyến xếp hàng thứ ba từ dưới lên trong cả nước," người lớn tuổi kết luận.

Tôi ngạc nhiên khi biết rằng có những chuyến tàu khác còn xuống cấp hơn cả tuyến này. Chúng tôi cảm ơn họ rồi đi.

Quán trọ nằm dưới sườn dốc, về bên phải con phố buôn bán, khoảng gần ba trăm mét dọc bờ sông. Một quán trọ cũ, khá đẹp, le lói chút duyên dáng hẳn đã có từ thời huy hoàng của thị trấn. Quán nhìn ra sông, có một khu vườn được chăm sóc cẩn thận. Ở một góc vườn, một chú cún chăn cừu sục mũi vào đĩa thức ăn, ăn tối sớm.

"Đi leo núi phải không?" người phục vụ đưa chúng tôi về phòng hỏi.

"Đúng là đi leo núi," tôi trả lời đơn giản.

Chỉ có hai phòng trên gác. Mỗi phòng được bố trí rộng rãi, nếu bước ra ngoài ban công, có thể thấy cùng cảnh dòng sông cà phê sữa chúng tôi đã nhìn thấy trên tàu.

Bạn gái tôi muốn đi tắm, vậy nên tôi đi xem tòa thị chính. Tòa thị chính nằm trên con phố vắng tanh cách phố buôn bán hai dãy nhà về hướng Tây. Vậy nhưng tòa nhà lại mới và đẹp hơn nhiều so với những gì tôi trông đợi.

Tôi đi tới phòng chăn nuôi trong tòa thị chính, tự giới thiệu mình bằng tấm danh thiếp của một tạp chí từ hai năm trước khi tôi còn là phóng viên tự do, và bắt đầu thao thao về chuyện tôi cần hỏi một số câu về chăn nuôi cừu, nếu họ không ngại. Khá là gượng gạo khi một tuần san cho phụ nữ lại cần một bài báo về cừu, nhưng viên quan chức phụ trách chăn nuôi tin tôi ngay và dẫn tôi vào văn phòng anh ta.

"Hiện tại huyện chúng tôi có khoảng hai trăm con cừu, tất cả đều là giống Suffolk. Nghĩa là, cừu thịt. Thịt được chia thành từng phần đưa đến các nhà nghỉ và tiệm ăn gần đó, và rất được ưa chuộng."

Tôi lôi sổ ra ghi nhanh những ghi chép phù hợp. Chắc chắn người đàn ông đáng thương này sẽ mua tạp chí phụ nữ trong vài số tới. Phải thú nhận điều đó khiến tôi cảm thấy ngượng.

"Chắc là một bài báo về ẩm thực hả anh?" anh ta ngừng lại để hỏi sau khi đã trình bày chi tiết hiện trạng chăn nuôi cừu.

"Ừm, tất nhiên đó là một phần của bài báo," Tôi nói. "Nhưng hơn thế nữa, chúng tôi muốn vẽ lên một bức tranh toàn cảnh về cừu."

"Một bức tranh toàn cảnh ư?"

"Anh biết đấy, tính cách, thói quen của chúng, đại loại thế."

"Ồ," người cung cấp thông tin của tôi nói.

Tôi gấp sổ và uống nước trà vừa được dọn ra. "Chúng tôi nghe nói có một trang trại cừu cũ ở đâu đó trên núi."

"Vâng, quả có thế. Nó được Quân đội Mỹ sung công sau chiến tranh, nay thì không còn dùng nữa. Trong khoảng mười năm sau khi người Mỹ trao trả, một tay giàu có từ đâu tới sử dụng nó làm biệt thự, nhưng nó ở xa bất tiện cho việc đi lại quá nên ông ta thôi không lên đó nữa. Giờ thì ngôi nhà hầu như bị bỏ hoang. Đó là lý do tại sao trang trại được thị trấn thuê. Chúng tôi nên mua lại và biến chỗ đó thành trang trại du lịch. Nhưng tôi e là tài chính của huyện không cho phép làm như vậy. Đầu tiên, chúng tôi sẽ phải nâng cấp đường..."

"Cho thuê ư?"

"Vào mùa hè,trang trại cừu thuộc thị trấn chúng tôi dẫn khoảng năm mươi đầu cừu trên núi. Đồng của thị trấn không đủ cỏ, mà nói về đồng cỏ thì đồng trên đó khá tốt. Khi thời tiết bắt đầu trở nên xấu hơn vào khoảng nửa sau tháng Chín, người ta lại đưa cừu xuống."

"Anh có tình cờ biết khi nào cừu lên đó không?"

"Tùy từng năm, nhưng nói chung từ đầu tháng Năm đến nửa sau tháng Chín."

"Và có bao nhiêu người đưa cừu lên đó?"

"Một người. Vẫn người làm công việc đó suốt mười năm qua."

"Liệu có thể gặp người này không?"

Viên quan chức gọi điện thoại đến trang trại cừu thuộc thị trấn.

"Nếu đi đến đó bây giờ, anh có thể gặp ông ấy", anh ta nói. "Chúng ta lái xe đến đó chứ?"

Đầu tiên tôi lịch sự từ chối, nhưng ngay sau đó tôi biết mình không thể đến trang trại cừu bằng cách khác. Không có taxi hay hay xe cho thuê ở thị trấn này, và nếu đi bộ sẽ mất một tiếng rưỡi.

Viên quan chức phụ trách vật nuôi lái một chiếc xe mui kín nhỏ. Anh ta đi qua quán trọ của chúng tôi và hướng về phía Tây, đi trên một cây cầu bê tông dài để vượt qua một vùng đầm lầy lạnh lẽo, rồi leo lên dốc núi. Lốp xe quay tít trên sỏi.

"Từ Tokyo đến, chắc anh nghĩ đây là một thịt trấn ma?"

Tôi nói câu gì đó vô thưởng, vô phạt.

"Thực ra chúng tôi đang hấp hối. Chúng tôi cầm cự được chừng nào còn có đường xe lửa, nhưng nếu nó không còn chúng tôi chăc chắc sẽ chết. Thật kỳ lạ, một thị trấn hấp hối. Một người hấp hối thì tôi có thể hiểu được. Nhưng cả một thị trấn hấp hối thì..."

"Điều gì sẽ xảy ra nếu thị trấn này chết?"

"Điều gì sẽ xảy ra ư? Không ai biết được. Tất cả họ sẽ cao chạy xa bay trước lúc đó, không muốn biết. Nếu dân số xuống dưới một ngàn - điều hoàn toàn có khả năng - chúng tôi chắc chắn sẽ mất việc, và chúng tôi có thể là những người phải chấm dứt mọi thứ ở đây."

Tôi mời anh ta một điếu thuốc và châm lửa cho anh ta bằng chiếc bật lửa Dupont khắc hình con cừu.

"Có khá nhiều việc tốt ở Sapporo. Tôi có một cậu lãnh đạo một công ty in ấn ở đó, và ông ấy cần thêm nhân công. Công ty nhận đặt hàng của các trường cho nên việc kinh doanh khá ổn định. Thật ra, chuyển đến đó là tốt nhất. Ít ra còn hơn là quản lý việc chuyên chở cừu và gia súc ở đây."

"Có lẽ vậy," tôi nói.

"Nhưng khi phải thực sự gói ghém đồ ra đi, tôi lại không có can đảm. Anh hiểu ý tôi không? Nếu thị trấn thực sự hấp hối, thì nỗi thôi thúc ở lại mà chứng kiến ngày tận vong của thị trấn vẫn mạnh hơn."

"Anh sinh ra ở đây à?" tôi hỏi.

"Vâng", anh ta nói, rồi im lặng. Một mặt trời nhuốm màu sầu muộn đã lặn một phần ba sau đồi.

Hai cây cột dựng ở lối vào trang trại cừu, ở giữa treo một tấm biển: TRANG TRẠI CỪU THUỘC THỊ TRẤN JUNITAKI-CHO. Con đường chạy dưới tấm biển rồi leo lên dốc, mất hút vào trong rừng thu rậm rạp.

"Ở sau rừng là trại cừu và đằng sau đó là nơi ở của người trông nom trại. Anh sẽ ở lại thị trấn thế nào được nhỉ?"

"Xuống núi mà. Tôi có thể đi bộ được. Cám ơn anh vì tất cả."

Chiếc xe biến khỏi tầm mắt, và tôi đi giữa hai cây cột rồi lên dốc. Những tia nắng cuối cùng thêm chút màu cam vào đám lá cây thích đã nhuộm sắc vàng. Cây cao vút, những mảng nắng lọc qua cành cây chiếu lung linh trên con đường rải sỏi.

Ra khỏi rừng, tôi tình cờ gặp một tòa nhà hẹp trên mặt đồi, cùng với nó là mùi gia súc. Chuồng cừu lợp bằng tôn sóng đỏ với ba ống thông gió.

Có một chuồng chó tại cửa trại. Tôi vừa mới trông thấy chuồng chó thì một con chó cô li giống Border bị xích xổ ra sủa hai tràng. Đó là một con chó già có cặp mắt buồn ngủ và tiếng sủa của nó chẳng dọa nạt được ai. Khi tôi xoa cổ nó, nó bình tĩnh lại ngay. Hai chiếc bát nhựa màu vàng đựng thức ăn nước uống đặt ngay trước cửa chuồng. Ngay sau khi tôi thả tay ra, con chó quay trở lại cửa chuồng, mãn nguyện, xếp chân cho thẳng với cửa, rồi nằm xuống sàn.

Bên trong trại cừu tối mờ mờ. Không có ai quanh đó. Một lối đi lát bê tông rộng trải ra ở giữa, hai bên là chuồng cừu. Dọc theo lối đi là rãnh nước để tiêu nước đái cừu và nước rửa. Đây đó những ô cửa sổ trổ trên tường ghép ván gỗ cho thấy các ngọn đồi lởm chởm. Ánh hoàng hôn hắt màu đỏ lên đám cừu bên phải, đẩy đám cừu bên trái vào trong bóng tối xanh thẫm.

Ngay khi tôi bước chân vào chuồng cừu, tất cả hai trăm con cừu quay về phía tôi. Một nửa đàn cừu đứng, nửa kia nằm trên đám cỏ khô rải xuống sàn chuồng. Mắt chúng xanh một màu không tự nhiên, trông giống như những nguồn suối bé tí tẹo chảy ra từ hai bên mặt. Chúng tỏa sáng như mắt thủy tinh phản chiếu ánh sáng trực tiếp. Tất cả bọn chúng nhìn chằm chằm vào tôi. Không con nào nhúc nhích. Một vài con, đầu nhô ra khỏi chuồng, ngừng uống nước và đứng chôn chân tại chỗ, dán mắt nhìn tôi. Chúng dường như suy nghĩ theo nhóm. Không biết việc tôi đứng giữa cửa có tạm thời làm gián đoạn suy nghĩ thống nhất của chúng không? Mọi thứ dừng lại, mọi phán xét bị gián đoạn. Một chuyển động của tôi khiến đám cừu bắt đầu lại suy nghĩ của mình. Chúng bắt đầu chuyển động, trong tám cái chuồng riêng biệt. Những con cừu cái đứng quanh con cừu đực hạt giống trong chuồng cừu cái; trong chuồng chỉ dành cho cừu đực, những con cừu đực ganh đua vị trí thống trị. Chỉ có một vài con tò mò đứng ở hàng rào nhìn chằm chằm vào tôi.

Gắn vào những đôi tai dài, phẳng và đen thò ra từ hai bên mặt là những thẻ nhựa. Một số con mang thẻ màu xanh, một số màu vàng, một số màu đỏ. Chúng cũng có đốm màu trên lưng.

Tôi đi nhón chân để không làm chúng hoảng sợ. Giả bộ không quan tâm, tôi đến một chuồng và thò tay chạm vào đầu một con cừu đực non. Nó do dự nhưng không quay đi. Căng thẳng, mắt mở to, cứng nhắc. Có lẽ nó là thước đo đánh giá sự xâm nhập của tôi.

Trước tiên phải nói là giống cừu Suffolk khá đặc biệt. Chúng có màu đen hoàn toàn, tuy thế lông chúng lại trắng. Tai chúng to và dẹt, vểnh ra ngoài như cánh bướm đêm, và đôi mắt sáng xanh rực cùng chiếc mũi dài xương xẩu khiến chúng có vẻ ngoại lai. Những con suffolk này không từ chối cũng không chấp nhận sự hiện diện của tôi, xem tôi như một sự hiện hình nhất thời. Một vài con đái nghe xè xè. Nước đái chảy qua sàn, dưới chân chúng, xuống rãnh.

Tôi ra khỏi chuồng cừu, vuốt ve con chó cô li giống Border lần nữa rồi hít một hơi thật sâu.

Mặt trời đã lặn sau núi. Một màu tím nhạt u ám lan trên những sườn đồi như mực lan trong nước. Tôi vòng ra phía sau trại cừu, vượt cây cầu gỗ bắc qua suối, rồi đi thẳng đến khi nhà người trông nom trại cừu. Một ngôi nhà một tầng nhỏ ấm cúng, trông càng có vẻ nhỏ hơn khi ngay cạnh nó là nhà kho khổng lồ chứa cỏ khô và nông cụ.

Người trông nom trại cừu ở cạnh nhà kho, đang chồng những túi ni lông đựng thuốc tẩy trùng bên cạnh cái máng bê tông cao và rộng gần một mét. Khi tôi tiến lại, ông ta ngước nhìn một lần, rồi quay lại công việc đang làm, không hề bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của tôi. Phải tới khi tôi ở ngay trước mặt ông ta thì ông ta mới dừng lại và lau mặt bằng chiếc khăn vắt quanh cổ.

"Ngày mai là ngày tẩy trùng cho cừu," ông ta nói, lôi ra một bao thuốc lá nhàu nát rồi châm lửa. "Đây chính là nơi chúng tôi đổ chất lỏng tẩy trùng và bắt bọn cừu bơi từ đầu nọ tới đầu kia. Nếu không thì chúng sẽ bị đủ loại rệp do ở trong chuồng suốt mùa đông."

"Bác làm toàn bộ việc này một mình ư?"

"Cậu có đùa không đấy? Tôi có hai người giúp việc. Họ và tôi với lại con chó. Tuy thế, con chó làm chủ yếu mọi việc. Bọn cừu tin tưởng con chó. Nó đã không phải là chó chăn cừu nếu như bọn cừu không tin nó."

Người đàn ông thấp hơn tôi vài centimet, thân hình chắc nịch. Ông ta cỡ bốn tám bốn chín tuổi, tóc cắt ngắn cứng và thẳng như bàn chải. Ông ta tháo đôi găng tay cao su ra như thể đang lột một lớp da. Tự vỗ bồm bộp vào quần, ông ta đứng đút tay trong túi. Ông ta còn hơn một người trông nom cừu, ông ta giống một viên trung sĩ huấn luyện tại một trường quân sự hơn.

"Vậy cậu đến để hỏi điều gì đó, hở?"

"Dạ, đúng thế."


"Vậy thì cậu hỏi đi."

"Bác làm nghề này đã lâu rồi đúng không?"

"Mười năm," ông ta nói. "Tôi không biết như thế có phải là lâu không, nhưng tôi hiểu đàn cừu của mình. Trước đó tôi ở trong tự vệ quân."

Ông ta vắt chiếc khăn lau tay quanh cổ và ngước nhìn trời.

"Bác ở đây qua mùa đông à?"

"À, ừ, " ông ta ho, "Tôi chắc vậy. Làm gì có chỗ nào mà đi. Vả lại, có nhiều việc bận rộn cần giải quyết vào mùa đông. Chúng tôi có tuyết cao tới gần hai mét ở vùng này. Tuyết chất đống và nếu mái sụp xuống, ta sẽ có mấy con cừu bẹp dí. Với cả tôi cho chúng ăn, cọ rửa chuồng, việc này việc kia."

"Khi hè tới, bác dẫn nửa số cừu lên núi phải không?"

"Đúng thế."

"Dắt nhiều cừu như thế khó lắm nhỉ?"

"Dễ thôi. Đó là việc người ta vẫn làm suốt đấy thôi. Chỉ mấy năm gần đây người ta mới có khái niệm người giữ cừu, chứ không phải là người chăn cừu. Ngày trước người ta dắt chúng đi suốt năm. Ở Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ mười sáu, họ có các con đường trên khắp đất nước mà không ai, ngay cả nhà vua, có thể sử dụng ngoài người chăn cừu."

Người đàn ông khạc đờm xuống đất, lấy giày dụi dụi đờm vào trong đất.

"Dù sao, chừng nào chúng không thấy sợ thì cừu là sinh vật rất biết hợp tác. Chúng cứ thế theo con chó mà không hỏi bất cứ câu nào."

Tôi lấy bức ảnh cừu của Chuột đưa cho người chăn cừu. "Đây là nơi trong bức ảnh, đúng không?"

"Chắc chắn rồi," người đàn ông nói. "Không nghi ngờ gì nữa: cũng là đám cừu của tụi tôi."

"Con này thì sao?" tôi lấy bút bi chỉ vào con cừu chắc nịch có ngôi sao trên lưng.

Người đàn ông nheo mắt nhìn bức ảnh trong một giây. "Không, đó không phải là một trong những con cừu của chúng tôi. Nhưng lạ nhỉ. Nó không thể lọt vào đây được. Cả chỗ này được rào chắn bằng dây thép, và mỗi sáng mỗi tối tôi đều kiểm tra từng con một. Con chó sẽ biết ngay nếu có cừu lạ lọt vào. Đám cừu cũng sẽ làm ầm ĩ lên. Nhưng cậu biết đấy, tôi chưa từng nhìn thấy giống cừu này trong đời."

"Có gì lạ xảy ra trong năm nay khi bác ở trên núi với cừu không?"

"Không có gì hết," ông ta nói "Hết sức thanh bình."

"Thế bác ở trên đó một mình suốt mùa hè à?"

"Không, tôi không ở trên đó một mình. Cứ hai ngày một lần mấy người nhân viên từ thị trấn lại lên đó, và rồi cả mấy người quan sát chính thức nữa. Tuần một lần tôi xuống thị trấn, và một người thay thế chăm nom đàn cừu. Cần tích trữ thực phẩm và mọi thứ."

"Vậy bác không ẩn trên đó một mình suốt quãng thời gian đó chứ?"

"Không. Mùa hè vẫn còn chừng nào tuyết không quá sâu, và chỉ mất một tiếng rưỡi đến trang trại bằng xe jeep. Cũng chẳng hơn một buổi tản bộ là mấy. Tất nhiên, một khi có tuyết thì xe không thể đi qua, người ta sẽ chết dí trên đó cả mùa đông."

"Vậy là bây giờ không có ai trên núi chứ?"

"Không ai ngoài người chủ biệt thự."

"Người chủ biệt thự ư? Nhưng tôi nghe nói chỗ đó không ai sử dụng từ lâu lắm rồi."

Người chăn cừu búng điếu thuốc trên mặt đất rồi giẫm chân lên. "Nó đã không được sử dụng trong nhiều năm, nhưng hiện nó đang được sử dụng. Nếu chỉ mong muốn vừa phải, không có lý do gì người ta không thể sống trên đó. Tự bản thân tôi cũng sửa sang ngôi nhà tí chút. Điện đóm, khí đốt và điện thoại đều đang hoạt động. Không có một ô cửa kính nào bị vỡ."

"Cái anh làm việc tại tòa thị chính nói không có ai trên đó."

"Có nhiều chứ các ông đó không biết. Tôi nhận việc làm thêm từ người chủ suốt, không bao giờ hở một lời cho bất cứ ai. Cậu ta bảo tôi kín mồm kín miệng."

Người đàn ông muốn một điếu thuốc nữa, nhưng bao thuốc của ông ta rỗng không. Tôi mời ông ta bao Larks hút hết nửa của mình, kẹp tờ mười ngàn yên vào đó. Người đàn ông cân nhắc một thoáng về khoản tiền, rồi đưa một điếu thuốc lên môi và đút túi mọi thứ khác, "Cám ơn cậu nhiều," ông ta nói.

"Vậy người chủ có mặt khi nào?"

"Vào mùa xuân. Mùa xuân chưa đỡ giá rét, vậy phải vào tháng Ba. Có lẽ đã năm năm kể từ khi cậu ta lên đó. Tôi không thật sự biết tại sao cậu ta cứ lên đó suốt thế, nhưng mà thôi, đó là việc của người chủ không phải việc của tôi. Cậu ta bảo tôi đừng nói cho ai biết. Cậu ta hẳn phải có lý do của mình. Dù sao thì, cậu ta ở trên đó suốt từ bấy đến giờ. Tôi bí mật mua thức ăn và chất đốt cho cậu ta rồi chở từng ít một lên bằng xe jeep. Với tất cả những gì cậu ta có, cậu ta có thể tồn tại trong một năm, dễ dàng."

"Anh ta trạc tuổi tôi, có ria mép, đúng không bác?"

"À há," người chăn cừu nói. "Chính cậu ta đó."

"Thật tuyệt chưa," tôi nói. Không cần đưa cho ông ta xem bức ảnh.