Cuộc Gọi Từ Thiên Thần

Chương 8: Những người ta yêu

“Đôi khi, tình yêu cũng là như thế này: để những người ta yêu ra đi.”

Joseph O’CONNOR

Quận Sonama

California

Sáng Chủ nhật

- Bố không yêu mẹ nữa phải không ạ? Charly hỏi.

Chiếc xehiệu Austin ngừng lại dọc bờ biển uốn lượn của Thái Bình Dương. Jonathan và con trai đã dậy từ lúc bình minh. Họ rời San Francisco theo đường cao tốc số 1, lần lượt đi qua bãi biển cát đen của Muir Beach và ngôi làng du mục Bolinas nơi từ hàng thập kỷ nay người ta đã phá bỏ toàn bộ các biển chỉ dẫn để ngăn chặn nạn du khách xô bồ đổ về nơi này.

- Vậy là, bố vẫn còn yêu mẹ ạ? Cậu nhóc xoay câu hỏi theo cách khác.

- Tại sao con lại hỏi bố câu đó? Jonathan vừa hỏi lại vừa với tay vặn nhỏ bớt tiếng radio.

- Bởi vì con biết mẹ nhớ bố và mẹ muốn cả ba chúng ta lại sống cùng nhau.

Jonathan lắc đầu. Anh vẫn không thể chịu để con trai mình tin rằng cuộc chia tay giữa hai người sinh ra nó có thể chỉ là tạm thời. Theo kinh nghiệm cá nhân, anh biết một đứa trẻ thường thầm hy vọng rằng ngày nào đó bố mẹ nó sẽ quay lại với nhau và anh không muốn Charly nuôi ảo tưởng đó.

- Quên ý nghĩ đó đi, con yêu. Sẽ không có chuyện đó đâu

- Bố chưa trả lời con nhé, cậu nhóc nhắc. Bố vẫn còn yêu mẹ một chút chứ?

- Nghe này, Charly, bố biết con khó mà chấp nhận được chuyện này và hoàn cảnh gia đình ta khiến con đau lòng. Ông bà nội cũng chia tay nhau khi bố bằng tuổi con bây giờ. Cũng như con, bố rất buồn và trách ông bà vì đã không cố gắng giảng hòa với nhau. Bố công nhận là khi bố mẹ vẫn còn yêu nhau thì ba người chúng ta đều hạnh phúc hơn. Bất hạnh thay, những câu chuyện tình không kéo dài mãi. Chuyện là thế đấy. Quan trọng là con hiểu rằng thời kỳ đó đã qua rồi và sẽ không trở lại nữa.

- Hừm…

- Mẹ và bố đã từng yêu nhau rất nhiều và con là kết quả của tình yêu đó. Chỉ cần bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để bố không bao giờ hối tiếc về quãng thời gian đó rồi.

- Hừm…

Trước mặt con trai, Jonathan không bao giờ chỉ trích Francesca trong vai trò người mẹ. Vả chăng, anh chỉ có thể trách cô là người vợ không chung thủy, còn với Charly, cô luôn là một người mẹ tuyệt vời.

- Trái ngược hoàn toàn với các mối quan hệ đôi lứa, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái kéo dài suốt cuộc đời, anh nói tiếp, phết y nguyên lời khuyên của những cuốn sách tâm lý từng đọc. Con không phải chọn lựa giữa bố và mẹ: Mẹ sẽ vẫn luôn là mẹ của con và bố sẽ luôn là bố của con. Cả hai bố mẹ đều có trách nhiện nuôi dạy con và đồng hành cùng con trong cả những thời điểm hạnh phúc hay những lúc khó khăn của cuộc đời.

- Hừm…

Jonathan nhìn cảnh vật lướt qua trước kính chắn gió. Con đường uốn khúc quanh co men theo bờ biển, cảnh vật hai bên đường đầy vẻ hoang vu. Với những vách đá lởm chởm và lồng lộng gió, nơi này gợi nhớ đến Bretagne hay Aixolen hơn là tới California.

Anh cảm thấy tội lỗi vì đã không biết dùng những lời lẽ thích đáng hơn khi trò chuyện cùng con trai. Đối với Charly, việc bố mẹ chia tay nhau thật bất ngờ và nghiệt ngã biết mấy. Cho đến bây giờ, Jonathan vẫn cẩn trọng để không bao giờ mô tả chi tiết cho cậu bé nghe về mối quan hệ giữa hai người, nhưng liệu đó có phải là giải pháp hiệu quả? Dĩ nhiên là thế rồi: làm sao có thể giải thích nổi sự phức tạp của mối quan hệ vợ chồng và tác hại của sự phản bối đối với một đứa trẻ đây? Dù sao anh cũng đánh liều giải thích thêm:

- Bố không chối bỏ chút gì của quá khứ, nhưng đến một ngày, bố hiểu ra rằng mẹ con không còn là người phụ nữ ngày nào bố đã gặp. Trong những năm cuối cùng bố mẹ còn ở bên nhau, bố đã đem lòng yêu một ảo ảnh. Con hiểu không?

- Hừm…

- Thôi cái kiểm “hừm” ấy đi! Con có hiểu hay là không nào?

- Con không rõ lắm, cậu nhóc đáp rồi bĩu môi đầy hờn dỗi.

Khỉ thật, tại sao mình lại nói với thằng bé chuyện này?... Jonathan cảm thấy hối hận

Họ vượt qua một đàn bò sữa và tới đích: Ngôi làng chài nhỏ bên vịnh Bodega. Nằm cách San Francisco sáu mươi cây số về phía Tây Bắc, địa điểm này đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới kể từ khi được Alfred Hitchcock chọn để quay phần lớn các cảnh trong Đàn chim.

Vào buổi sáng mùa đông ấy, thành phố duyên hải chưa lấy gì làm náo nhiệt. Họ đưa xe vào bãi đỗ gần như vắng tanh. Charly xuống xe rồi chạy trên chiếc cầu phao để xem bầy sư tử biển đang phơi nắng và kêu những tiếng nghe chừng khoan khoái.

Trên bến cảng có nhiều quầy hàng bày bán những loại hải sản vẫn còn tươi rói, và dưới mái hiên các nhà hàng, một vài bậc lão thành đang ngồi trên đu mà thưởng thức, bất chấp giờ sáng sớm, món cua bể và sò đốm chowder[1].

[1]. Món xúp gồm sò đốm, hành và thịt hun khói đổ trực tiếp vào bánh mì đã khoét rỗng ruột.

Thực hiện đúng lới hứa với con trai, Jonathan đã thuê một chiếc thuyền mũi nhọn giống với thuyền truyền thống vùng Marseille.

- Nào, chàng thủy thủ, dong buồm ra khơi thôi!

Mặt nước lặng như tờ, cực kỳ thuận lợi cho việc đi biển.

Chiếc thuyền nhỏ rời xa bờ rồi neo lại cách bến cảng hai dặm. Charly lấy cần câu ra, hai bố con cùng móc giun vào lưỡi rồi thả xuống nước.

Jonathan kiểm tra điện thoại Madeline nhưng ở đây lại không có sóng. Mắt vẫn theo dõi sát sao con trai, anh châm một điếu thuốc, vừa tận hưởng hơi thuốc đầu tiên vừa quan sát đám chim chân màng đông đúc đang lượn quanh thuyền. Rõ ràng là Hitchcock đã có được cảm hứng làm phim khi chứng kiến cảnh tượng này: nơi đây tràn ngập đủ các loài chim – mòng biển, cốc, dẽ giun, mòng xám – tiếng kêu của chúng hòa lẫn với tiếng còi tàu.

- Bố này, tại sao bố hút thuốc trong khi thừa biết thuốc lá gây tử vong? Charly thắc mắc.

Jonathan vờ như không nghe thấy, hỏi lại:

- Cá cắn câu rồi hả?

Nhưng cậu nhóc quyết tâm không từ bỏ cuộc vận động chống thuốc lá:

- Con thì con không muốn bố chết tí nào, cậu nói, mắt ngân ngấn nước.

Jonathan thở dài.

Làm thế nào để chiến đấu với nó đây?

Anh đầu hàng, dụi tắt điếu thuốc sau khi rít nốt một hơi cuối cùng.

- Con hài lòng rồi chứ?

- Rồi ạ! Cậu nhóc đáp, lập tức lấy lại vẻ mặt tươi rói.

Trong khi đó, tại Deauville…

Đồng hồ quả lắc trong phòng khách vừa điểm 19 giờ.

Một ngọn lửa cháy đỏ đang bập bùng trong lò sưởi. Raphaёl cùng bố đang chơi một ván bi-a. Ngồi trên trường kỷ da chần, Madeline đang máy móc gật đầu, lơ đãng nghe câu chuyện làm quà của Isaure – mẹ chồng tương lai của cô – trong khi dưới chân cô, Sultan, con chó cốc giống Anh của gia đình đang trìu mến nhỏ dãi lên đôi giày cô mới mua.

Bên ngoài, mưa quất ràn rạt vào cửa kính từ đầu buổi chiều.

- A ha! Bác khoái chương trình này lắm! Isaure kêu lên, bỏ Madeline lại để quay sang vặn to tiếng ti vi - lúc này đang phát chương trình ngớ ngẩn không biết thứ bao nhiêu vào dịp cuối năm.

Madeline tranh thủ khoảng trống này để rời khỏi trường kỷ.

- Cháu ra ngoài châm điếu thuốc ạ.

- Anh tưởng em bỏ thuốc rồi cơ mà, Raphaёl phản đối.

- Thứ đó sẽ giết cháu mất thôi, cháu yêu, Isaure bồi thêm.

- Có thể ạ, cô công nhận, nhưng cũng cần thiết phải chết vì thứ gì đó chứ, phải không ạ?

Nói đến đó, cô mặc thêm áo khoác rồi bỏ ra ngoài sân thượng.

Mặc dù đêm đã buông từ lâu, một hệ thống đèn chiếu nhân tạo vẫn soi sáng trang viên nhỏ kiểu Anh-Normand, tôn bật dãy nhà gỗ trét và làn nước xanh lam của bể bơi.

Madeline dạo vài bước dọc theo sân thượng có mái che rồi tới chống tay lên lan can. Trang viên nhô cao trên trường đua mang lại một quang cảnh hết sức ấn tượng về Deauville.

Cô châm điếu thuốc, rít hơi đầu tiên. Gió thốc vào mặt cô. Được tiếng sóng biển vọng tới êm ru, cô nhắm mắt, cố gắng thư thái.

Thứ tiện nghi tư sản và tính trơ ì của những kỳ nghỉ cuối tuần cùng gia đình gợi lên trong cô những cảm xúc trái ngược: yên lòng, thanh thản, nổi dậy, muốn chạy trốn.

Có lẽ là với thói quen…

Khí trời buốt lạnh. Cô kéo khóa áo khoác lên kín cổ, đội mũ rồi móc điện thoại ra khỏi túi.

Từ sáng nay, phần lớn các suy nghĩ của cô đều hướng quanh Francesca DeLillo, người mà cô đã trò chuyện qua điện thoại hồi đêm. Người phụ nữ này, bí mật của cô ấy, câu chuyện cô ấy kể khiến cô như bị thôi miên. Cuộc trò chuyện của họ không kéo dài, nhưng đủ đặc biệt để ám ảnh cô cả ngày trời. Khi Francesca biết tường tận tình huống, cô ấy tỏ ra hơi bối rối rồi yêu cầu cô xóa giúp tin nhắn mình đã để lại trên hộp thư thoại của Jonathan và nhất là không tiết lộ cho anh biết chuyện đã xảy ra. “Một phút yếu lòng”, cô ấy đã thú nhận như vậy. Madeline hiểu.

Cô mở trình duyệt Internet của chiếc smartphone và gõ tên đầy đủ của Francesca trong mục tìm kiếm hình ảnh. Ngày còn trẻ, trong thời gian theo học chuyên ngành quản lý, cô gái thừa kế khối tài sản kếch xù còn làm người mẫu cho các hãng thời trang danh tiếng. Những bức ảnh đầu tiên được chụp trong những năm 1990, cả trên sàn diễn lẫn poster quảng cáo. Nhìn trong ảnh, Francesca có nét giống Demi Moore, Catherine Zeta-Zones hay Monica Bellucci. Sau đó là rất nhiều ảnh chụp cũng Jonathan, bằng chứng cho thấy trong những năm hạnh phúc, cặp đôi không ngần ngại dùng cuộc sống riêng để quảng bá việc kinh doanh.

Mưa mỗi lúc một mau hơn. Có tiếng sấm ầm ì, chớp sét sáng lóa ngay gần trang viên, nhưng mải mê lướt mạng nên Madeline chẳng hề hay biết.

Các ngón tay cô lướt trên màn hình cảm ứng rồi bấm vào đường link dẫn tới trang mạng của tạp chí Vanity Fair. Vài năm trước, tờ Paris Match phiên bản Mỹ đã dành trọn sáu trang cho cặp đôi với bài tít: “Ẩm thực chính là tình yêu!” Một bài phỏng vấn dài và những bức ảnh khá huyễn hoặc không mấy liên quán tới nghệ thuật ẩm thực. Trên một bức trong số đó, người ta có thể thấy cặp đôi xăm trên bả vai phải cùng một dòng chữ. Madeline zoom vào ảnh để nhìn rõ hình xăm.

You’ll never walk alone[2]

[2]. Anh sẽ không bao giờ bước đi một mình

Ý nghĩa thật… với điều kiện chắc chắn sẽ ở bên nhau trọn đời trọn kiếp kia. Bởi vì lúc này, khi đã có độ lùi về thời gian, bức ảnh có gì đó thật thống thiết.

- Em yêu, em đến cảm lạnh mất thôi! Raphaёl thốt lên khi vừa mở cửa ra.

- Em vào trong nhà đây, anh yêu! Madeline đáp, không rời mắt khỏi màn hình điện thoại.

Xem hết bức hình này đến bức hình khác, một sự thật hiển nhiên đập vào mắt cô. Thái độ của Francesca biến đổi tùy theo việc cô tạo dáng một mình hay cùng Jonathan: từ siêu mẫu yểu điệu, tự tin về khả năng quyến rũ của mình, biến thành người đàn bà yêu đắm đuối với ánh mắt của Chimène. Thậm chí nếu không kể đến những màn tạo dáng cho phóng viên chụp ảnh thì vẫn không thể phủ nhận tình yêu của hai người họ dành cho nhau.

Cái gì đã chia cắt họ nhỉ? Cô tự hỏi như thế khi trở lại phòng khách.

- Tại sao họ lại chia tay nhau? Charly vừa hỏi vừa cất cần câu vào cốp xe.

- Ai kia?

- Ông bà nội ấy ạ.

Jonathan nhướng mày. Anh xoay chìa khóa điện trong ổ rồi ra hiệu cho cậu nhóc cài dây an toàn. Chiếc minibreak rời vinh Bodega, chạy thẳng hướng San Francisco.

Vẫn lái xe, Jonathan mở ví để lấy trong đó ra một tấm hình đã phai màu chụp một nhà hàng nhỏ ở tỉnh.

- Ông bà nội con từng mở một nhà hàng tại vùng Tây Nam nước Pháp, anh đưa tấm hình cho con trai và giải thích.

- N…ữ…k…ỵ…s…ĩ, Charly đọc ngắc ngứ từng chữ sau khi nheo mắt, cố giải mã biển hiệu của nhà hàng.

Jonathan gật đầu xác nhận.

- Khi bố còn nhỏ, ông nội con đã yêu một phụ nữ khác trong vài tháng: người đại diện của một hãng sâm banh lớn cung cấp rượu cho nhà hàng.

- Thế ạ?

- Tình yêu đó kéo dài hơn một năm. Vì trong các thành phố nhỏ tin đồn lan đi rất nhanh nên hai người họ đã cẩn trọng giữ kín chuyện, và quả là họ đã làm được.

- Tại sao ông nội lại làm như vậy ạ?

Jonathan hạ tấm che nắng xuống để mắt khỏi chói vì ánh mặt trời buổi trưa.

- Tại sao đàn ông lại lừa dối vợ họ? Tại sao đàn bà lại gạt chồng mình?

Anh để câu hỏi lơ lửng đó vài giấy, lát sau mới nói tiếp như thể đang trút những suy nghĩ ra thành lời:

- Có hàng tá nguyên do, bố nghĩ vậy: Ham muốn mòn dần đi, nỗi sợ tuổi già, nhu cầu được yên tâm về khả năng quyến rũ của bản thân, cảm giác một cuộc phiêu lưu tình ái sẽ không để lại hậu quả gì… Dĩ nhiên sẽ có những lời giải thích nghe hết sức hợp lý. Bố không thể nói với con rằng bố đang biện minh cho ông nội con, nhưng bố cũng không buộc tội ông.

- Vậy thì không phải do chuyện đó mà bố không nói chuyện với ông khi ông mất hả bố?

- Không đâu con yêu, không phải vì chuyện đó đâu. Ông nội con có những khuyết điểm khác, nhưng dù có lúc ông đã thiếu chung thủy như thế, bố chưa bao giờ nghi ngờ tình yêu ông dành cho bố. Bố chắc chắn chuyện ngoại tình đó đã gây cho ông nhiều đau khổ, nhưng đam mê cũng hệt như ma túy vậy: ban đầu con nghĩ có thể chế ngự được nó, nhưng rồi một ngày nào đó, con sẽ phải thừa nhận rằng chính nó đang chế ngự con…

Vừa kinh ngạc vừa hơi ngần ngại khi nghe những lời thú nhận này, Charly nhìn bố qua kính chiếu hậu trong xe bằng ánh mắt lạ lẫm, nhưng Jonathan nói thêm:

- Cuối cùng thì ông nội con cũng “cai” được người đàn bà ấy. Nhưng sáu tháng sau khi cuộc dan díu ấy kết thúc, ông cũng không tìm ra cách gì tốt hơn là thú nhận mọi chuyện với bà nội.

- Tại sao ạ? Cậu nhóc hỏi, mắt mở to ngạc nhiên.

- Bố nghĩ bởi vì ông hối hận và cảm thấy có lỗi.

Jonathan bật xi nhan để đỗ xe trước cây xăng duy nhất của một trạm xăng cũ kỹ.

- Sau đó thì sao ạ? Cậu nhóc vừa bước theo bố vừa hỏi.

Jonathan nhấc vòi bơm xăng lên.

- Ông xin bà tha thứ. Vì ông bà đã có với nhau hai mặt con, ông xin bà đừng khiến gia đình ly tán, nhưng bà nội con không gượng dậy nổi sau khi biết về sự phụ bạc này. Người chồng bà hằng yêu thương đã phá hòng tình yêu giữa hai người cùng với tất cả những gì họ đã cùng nhau vun đắp. Vậy nên bà nhất định không tha thứ cho ông và rời xa ông.

- Dứt khoát ạ?

Jonathan thanh toán tiền xăng rồi quay ra xe.

- Bà nội con là thế đấy, anh giải thích rồi khởi động xe.

- Nghĩa là sao ạ?

- Bà thuộc mẫu phụ nữ si tình, một tín đồ vĩ đại của lý tưởng chủ nghĩa, cuồng nhiệt và đam mê. Tàn nhẫn thay, bà nhận ra rằng người mà bà yêu thương nhất đời có khả năng lừa dối bà và khiến bà bị tổn thương. Bà thường nói rằng lòng tin là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tình yêu đôi lứa. Bà thường nói nếu không có lòng tin thì tình yêu không còn thực sự là tình yêu nữa, và điều này thì bố tin là bà nội con có lý.

Vì Charly đã quên mình là một cậu nhóc ngốc ngếch nên không thể nhận ra:

- Chuyện của bố mẹ cũng giống thế phải không ạ?

Jonathan xác nhận:

- Có thể thật, trong nhiều năm liền, bố với mẹ là một. Bố mẹ chia sẻ mọi thứ và tình yêu đã bảo vệ bố mẹ khỏi mọi chuyện. Nhưng đến một ngày… một ngày tình yêu tan biến… và chẳng còn gì khác đáng nói nữa.

Charly buồn bã lắc đầu, và vì cũng chẳng tìm ra được chuyện gì khác để nói nên cậu nín thinh tới tận lúc về nhà.