Cuộc Gọi Từ Thiên Thần

Chương 22: Bóng ma thành Manchester

“Một bí mật mà ta chôn giấu giống như một tội lỗi không hề được thú nhận: nó nảy mầm, biến chất trong ta và chỉ có thể được duy trì bằng những bí mật khác.”

Juan Manuel DE PRADA

Thứ Tư 21 tháng Mười hai

Luân Đôn

Chuyến bay của hãng hàng không British Airways hạ cánh xuống sân bay Heathrow lúc bảy giờ sáng trong bóng tối của màn mưa lẫn sương mù. Kiểu thời tiết “đặc Anh” này không làm Jonathan quá phiền lòng: anh tới đây đâu phải để đi ngủ. Vừa xuống máy bay, anh đã đổi đô sang bảng Anh rồi tới quầy giao dịch của hãng Hertz nhận chiếc xe đặt thuê trên mạng từ hôm trước.

Từ Luân Đôn, anh phải mất bốn giờ đường mới tới được Manchester. Những cây số đầu tiên của hành trình quả là một cơn ác mộng: Jonathan nghĩ mình sẽ không bao giờ quen được việc lái xe bên trái đường. Một vài cảm tưởng kỳ thị nước Anh lướt qua tâm trí anh (người ta vẫn luôn phê phán thói ngạo nghễ của dân Pháp, nhưng biết nghĩ sao về một dân tộc cứ ra sức từ chối sử dụng đồng euro, vẫn duy trì thói quen chạy xe bên trái đường và chĩa ngón trỏ cùng ngón giữa với mu bàn tay quay ra để khiêu khích thay vì ngón tay thối?), nhưng rồi anh lại gạt đi những suy nghĩ sáo mòn đậm chất dân tộc chủ nghĩa ấy. Anh hít thật sâu rồi tự nhủ miễn sao mình điềm tĩnh, chạy xe chậm lại và tập trung là ổn.

Rồi anh tới một bùng binh, suýt thì nhầm hướng, lại thêm vị trí các nút điều khiển bị đảo ngược nên anh đã khởi động cần gạt nước thay vì bật đèn xi nhan, thiếu chút nữa thì va chạm với xe khác.

Anh thận trọng điều khiển xe trên xa lộ, càng đi càng dần nhận ra những dấu mốc của riêng mình. Ở ngoại vi Manchester, anh kết nối thiết bị GPS rồi nhập vào ô tìm kiếm địa chỉ sở Cảnh sát Cheatam Bridge. Anh lái theo GPS đến tận một tòa nhà xám xịt, anh cảm thấy xáo động khi đứng trước nó. Nơi này đúng như anh đã hình dung. Đây chính là nơi Madeline từng làm việc, chính là nơi vào một sáng âm u Erin Dixon đã tìm tới trình báo chuyện con gái mình mất tích…

Anh vào sảnh đón tiếp, hỏi thăm xem thanh tra Jim Flaherty có còn làm việc ở đây không. Vì người ta trả lời là còn, anh ngỏ ý muốn gặp viên thanh tra.

- Tôi muốn cung cấp vài tình tiết mới liên quan đến một vụ điều tra của thanh tra Flaherty.

Cô nhân viên lễ tân nhấc điện thoại lên rồi mời anh đi theo. Họ băng qua một căn phòng rộng được bố trí thành không gian mở, anh nhớ đã nhìn thấy khung cảnh này trên bức ảnh chụp sinh nhật Madeline năm nào. Sở cảnh sát vẫn tắm trong bầu không khí đặc trưng của nó. Ngần ấy năm đã trôi qua nhưng không có gì thực sự thay đổi, có chăng chỉ là tấm poster hình Cantona đã biến mất, thay vài đó là hình Wayne Rooney.

Thay đổi kiểu này chưa chắc đã hay đâu nhé thưa các vị…

Cô nhân viên lễ tân đưa anh vào phòng làm việc chung của Flaherty và một trung úy trẻ tuổi.

- Thanh tra cảnh sát trưởng sẽ tiếp anh.

Jonathan chào viên trung úy kia rồi tiến vào phòng. Flaherty đã lấy lại tấm poster cũ hình “Canto”, dán bên cạnh một tờ áp phích buổi hòa nhạc của nhóm The Clash[1].

[1]. Nhóm nhạc punk rock của Anh thành lập năm 1976.

Một điểm cộng cho viên thanh tra.

Trên tấm bảng gỗ bần, anh ta ghim khá nhiều ảnh - các dịp sinh nhật, liên hoan tiễn đồng nghiệp về hưu, các dịp kỷ niệm đủ thể loại… - tất cả đều được chụp từ thời Madeline vẫn còn “ở đó”. Cuối cùng, góc phải phía trên có dán tấm áp phích nhỏ đã ố vàng và rách nát in từ thời Alice Dixon mất tích. Flaherty không những không gỡ nó ra mà còn dán ngay cạnh nó bức chân dung cô đồng nghiệp cũ. Mới nhìn qua người ta đã nhận thấy rất rõ: hai người con gái có ánh mắt giống hệt nhau, buồn bã và khó nắm bắt, vẻ đẹp giống hệt nhau và cho người ta cảm giác hai cô đang ở nơi nào đó khác, trong thế giới của riêng họ, thật xa cách với thế giới của người đang cầm máy.

- Tôi có thể giúp gì anh chăng? Flaherty hỏi sau khi khép cửa lại.

Jonathan chào viên thanh tra. Flaherty có gương mặt khá duyên, tóc vàng hung, dáng người to cao lừng lững. Trên ảnh chụp, anh ta đúng ra thuộc dạng “điển trai”, ngay cả với thái độ bất cần đời lúc này. Nhất là phần bụng anh ta đẫy lên thấy rõ. Vài tuần áp dụng thực đơn ăn kiêng Dukan hẳn không có gì là quá đáng để mang lại cho anh ta vóc dáng hấp dẫn hơn.

- Chúng ta cùng quen một người, trung úy ạ, Jonathan ngồi xuống và mở lời.

- Ai vậy?

- Madeline Greene.

Mắt Flaherty khẽ ánh lên.

- Madeline… Từ khi bỏ nghề cô ấy không liên hệ gì với tôi nữa. Cô ấy ổn không?

- Cô ấy ổn, tôi nghĩ vậy. Cô ấy mở tiệm hoa tại Paris.

- Tôi cũng nghe nói thế.

- Thực ra, Jonathan tiếp, tôi tới đây không phải để nói với anh về Madeline, mà về Alice Dixon.

Flaherty bối rối rồi nhướng mày vẻ đe dọa. Vào lúc ấy, bầu không khí căng thẳng thấy rõ và Jonathan không còn muốn khuyên viên trung úy thực hiện chế độ ăn kiêng chút nào nữa.

- Anh là một tên nhà báo khốn nạn chuyên đi bới móc phải không?

- Không hề, tôi là chỉ huy.

- Chỉ huy gì?

- Chỉ huy bếp.

Viên cảnh sát nhìn anh chăm chú rồi dịu đi đôi chút:

- Có thời anh từng thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, đúng không?

- Đúng, chính là tôi đây.

- Vậy thì anh tìm đến văn phòng tôi có việc gì?

- Tôi có một thông tin có lẽ sẽ khiến anh quan tâm.

Viên cảnh sát kín đáo liếc người đồng nghiệp ngồi cùng phòng rồi nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường vừa chỉ một giờ chiều.

- Anh dùng bữa trưa chưa? Flaherty hỏi.

- Chưa. Tôi đáp chuyến bay từ San Francisco và vừa hạ cánh xuống Luân Đôn sáng nay.

- Chỉ để nói chuyện với tôi ư?

- Đúng vậy.

- Có một quán rượu nơi đám cảnh sát bọn tôi là khách quen nằm cách đây hai phố. Anh có muốn nếm thử một suất cá kèm khoai chiên giòn không?

- Sẵn lòng, Jonathan đáp rồi đứng dậy đi theo anh ta.

- Nhưng tôi xin báo trước là chỗ đó không như quán Vịt Béo[2] đâu…

[2]. Tiếng Anh trong nguyên bản là Fat Duck: nhà hàng của bếp trưởng Heston Blumenthal, được xem như một trong những nhà hàng danh tiếng nhất Vương quốc Anh.

Về điểm này thì viên cảnh sát không nói dối. Quán rượu vừa ồn ào vừa sực mùi đồ rán, bia và mồ hôi.

Vừa ngồi xuống, Flaherty đã vào thẳng vấn đề:

- Anh có vẻ dễ mến nhưng tôi muốn cảnh báo anh ngay thế này: vụ Alice Dixon đã đóng hồ sơ cách đây hai năm, anh hiểu chứ? Vậy thì nếu anh tới làm phiền tôi với những giả thiết điên khùng hay những tiết lộ nặc danh vô thưởng vô phạt, tôi sẽ đập vỡ đầu anh trong đĩa cá kèm khoai tây chiên đấy, rõ chưa?

- Rõ như ban ngày vậy, Jonathan đáp.

Có lẽ đó không phải thành ngữ thích hợp, anh nghĩ vậy khi nhìn qua cửa kính thấy màn mưa rào đang trút như thác xuống quán rượu từ những đám mây đen kịt.

- Nếu vậy thì tôi nghe anh đây, Jim nói rồi ngốn ngấu một miếng cá rán bự chảng.

- Erin Dixon ra sao rồi? Jonathan bắt đầu bằng một câu hỏi.

- Mẹ của cô bé đó hả? Chị ta qua đời vào năm ngoái vì chích quá liều. Chị ta đã phung phí vào ma túy khoản tiền mà lũ chim săn mồi bên truyền hình trả cho. Đừng nghĩ là tôi xót thương cho số phận chị ta…

- Tại sao vụ việc lại bị đóng hồ sơ nhanh đến vậy?

- Nhanh đến vậy ư? Chúng tôi nhận được quả tim của cô bé cách đây hai năm rưỡi, vào cuối mùa xuân 2009, mười ngày trước khi bắt giữ Harald Bishop tức Đồ tể Liverpool. Chúng tôi có bằng chứng cho thấy Alice đã chết, cùng đó là một tên sát nhân bị bỏ tù, với anh như vậy còn chưa đủ hay sao?

- Tôi đọc thấy thông tin Bishop đã thú nhận cả một số vụ giết người mà hắn không hề nhúng tay…

- Đúng vậy, chuyện đó vẫn thường xảy ra với mấy tay sát nhân hàng loạt thế này. Chúng tôi vẫn không thể biết chắc về toàn bộ tội ác hắn đã thực hiện. Hắn nói nhiều, nhưng tất nhiên không phải về những trường hợp mà chúng tôi muốn nghe nhất. Như rất nhiều con quái vật đồng loại khác, đó là một kẻ hoàn toàn loạn trí nhưng đồng thời lại rất khôn khéo. Trong những cuộc hỏi cung, hắn còn trêu đùa các nhân viên điều tra: hắn thú nhận điều gì đó, rồi lại rút lời khai và nói sang một tội ác khác. Chúng tôi đã tiếp tục khám nghiệm những cái xác tìm thấy trong vườn nhà hắn. Đúng là chúng tôi không nhận dạng được mẫu gien của Alice, nhưng như vậy không có nghĩa là hắn không sát hại cô bé.

Jonathan nếm thử một miếng cá rán và ngay lập tức thấy lợm giọng. Anh cảm thấy khó ở trong cái nơi chật hẹp và ngột ngạt chẳng khác nào lò hấp này. Anh cởi bớt một khuy áo sơ mi rồi gọi một chai nước khoáng Perrier.

- Anh vẫn yêu Madeline sao? Anh hỏi trong lúc mở nút chai.

Flaherty nhìn anh trân trối. Một sự hung bạo ngấm ngầm dâng lên.

- Thôi nào Jim, thừa nhận chuyện đó đi! Jonathan tiếp. Cô ấy xinh đẹp, thông minh và năng động, cùng với cái điểm yếu nhỏ kia càng khiến cô ấy thêm phần hấp dẫn. Thật khó để không yêu cô ấy phải không?

Flaherty giáng nắm đấm xuống mặt bàn.

- Anh moi đâu ra những…

- Chỉ cần nhìn những bức ảnh treo trong phòng làm việc của anh là đủ. Từ khi Madeline ra đi, anh đã tăng thêm bao nhiêu cân nào? Mười lăm chăng? Hay hai mươi? Anh buông xuôi phó mặc sự đời. Tôi nghĩ sự ra đi của cô ấy đã tàn phá cuộc đời anh và…

- Thôi những lời ngu xuẩn đó đi! Viên cảnh sát nói rồi chộp lấy cổ áo anh.

Nhưng hành động đó không ngăn được Jonathan tiếp tục:

- Tôi cũng nghĩ anh không hoàn toàn tin chắc là Bishop sát hại Alice. Anh giữ tờ áp phích loan báo vụ mất tích của cô bé trong phòng làm việc bởi vì với riêng anh, vụ việc sẽ không bao giờ thực sự khép lại. Tôi dám chắc ngày nào anh cũng nghĩ tới Alice. Thậm chí tôi còn cho rằng anh vẫn tự mình tiến hành điều tra và có lẽ đã tìm ra những manh mối mới. Không phải những bằng chứng cho phép mở lại cuộc điều tra, mà là những tình tiết đủ gây xáo trộn để phá đám giấc ngủ của anh hằng đêm…

Ánh mắt của Flaherty trở nên bối rối. Cứng họng, anh ta nới lỏng tay. Jonathan khoác áo vest vào, đứng dậy rồi để lại một tờ mười bảng trên bàn. Anh bước dưới trời mưa tầm tã, băng qua phố để trú dưới mái hiên một ngôi trường.

- Đợi đã! Flaherty gọi với theo rồi chạy ra chỗ anh đang đứng. Anh nói anh có những thông tin mới muốn báo cho tôi biết cơ mà.

Hai người đàn ông ngồi xuống một băng ghế gỗ để tránh cơn mưa rào. Bây giờ là kỳ nghỉ Giáng sinh. Khuôn viên ngôi trường vắng vẻ và tĩnh lặng. Cơn dông ập xuống với một sức mạnh khó tin, trút xuống khu phố một màn mưa dày nặng hạt đe dọa nhấn chìm mọi thứ.

- Tôi không phải là ông già Noel, Jonathan cảnh báo. Trước khi nói cho anh biết thứ mình đã tìm thấy, tôi muốn biết chính xác việc điều tra của anh hiện tiến triển tới đâu rồi.

Jim thở dài, nhưng vẫn chấp nhận điểm lại những kết quả đã đặt được:

- Anh nói đúng: ngay cả khi vụ việc đã bị xếp lại thì tôi vẫn tiếp tục tranh thủ những lúc rảnh rỗi để nghiên cứu một vài hướng điều tra do Madeline khai phá. Trong đó có một hướng đặc biệt, liên quan đến cuốn nhật ký vẫn luôn khiến chúng tôi hết sức tò mò của Alice.

- Tại sao?

- Bởi nó chỉ chứa đựng toàn những điều tầm phào, đúng ra là không có điều gì thực sự “thầm kín”…

- Các anh đã cho phân tích nó chưa?

- Rồi, thoạt tiên là nhờ một chuyên gia phân tích chữ viết, ông ta khẳng định đó đúng là nét chữ của Alice, rồi đến một nhà hóa học nữa. Mặc dù khó mà xác định được ngày tháng xuất hiện của những tài liệu mới nhưng người ta vẫn có thể rút ra được nhiều thông tin hữu ích từ vài trang viết vội. Thí dụ thế này, anh có biết một vài nhà sản xuất đưa vào trong các cây bút do họ làm ra những “chất hóa học đánh dấu” cho biết năm chế tạo một loại mực bất kỳ không?

Jonathan lắc đầu, Jim tiếp tục giải thích:

- Mực viết biến đổi ngay khi chúng tiếp xúc với bề mặt giấy. Các thành phần của mực thoái hóa thành các chất khác nhau mà người ta có thể phân tích bằng phép sắc ký và tia hồng ngoại. Tóm lại, tôi miễn cho anh phải nghe thêm quá chi tiết. Bản báo cáo phân tích chữ viết đã chỉ rõ: những trang nhật ký này đúng là do chính tay Alice viết ra, nhưng những sự kiện trong đó, tuy dàn trải suốt hơn một năm trời, thực chất lại được viết ra liền một mạch.

Jonathan không chắc mình đã kịp hiểu hết. Jim nói rõ thêm:

- Tôi tin chắc rằng đó là một bản sao “đã qua kiểm duyệt” do chính Alice thảo ra để đánh lạc hướng điều tra.

- Tôi đồng ý với anh rằng chuyện này hết sức kỳ lạ, nhưng manh mối này hơi ít ỏi, phải không?

- Còn thứ khác nữa, Flaherty nói thêm. Nhạc cụ mà chúng tôi tìm thấy trong phòng cô bé.

- Cây vĩ cầm?

- Phải, sáu năm qua Alice học đàn với Sarah Harris, một nghệ sĩ độc tấu vĩ cầm khá nổi tiếng đã phát hiện ra năng khiếu của cô bé trong quá trình giảng dạy tình nguyện tại các trường học. Vì Alice tỏ ra rất có khiếu nên Harris đã tặng cho cô bé một cây đàn vĩ cầm được chế tác thủ công với chất lượng tuyệt hảo. Một nhạc cụ trị giá khoảng từ năm ngàn đến bảy ngàn euro...

- Nhưng đó không phải cây đàn người ta tìm thấy trong phòng Alice, phải vậy không?

- Đúng vậy, tôi đã mang cây vĩ cầm đó đi giám định: đó là một cây đàn tầm thường sản xuất tại Trung Quốc, chẳng đáng bao tiền...

Lần này, Jonathan buộc phải thừa nhận rằng câu chuyện thật khó hiểu. Phải chăng Alice đã bán cây đàn của mình trước khi biến mất? Dẫu sao, trên những hình ảnh do camera giám sát ghi lại người ta cũng không thấy cô bé mang nó theo.

- Tôi đã lật đi lật lại các dữ liệu theo đủ mọi hướng nhưng chỉ hoài công vô ích, tôi không thể hiểu được logic của toàn bộ chuyện này, Jim thú nhận với vẻ thất vọng tràn trề.

- Anh đã điều tra theo hướng quả tim chưa?

- Đừng có coi tôi là một tay lính mới chứ! Anh nghĩ đến chuyện gì nào? Một cuộc cấy ghép ư?

- Thí dụ thế...

- Dĩ nhiên là tôi xác minh rồi chứ! Vả lại chuyện đó đâu đến nỗi phức tạp: người ta không thực hiện những ca phẫu thuật dạng này trong ga ra nhà mình và việc những thứ tạng ghép có sẵn rất hiếm khiến mọi việc phải được tiến hành theo một quy trình minh bạch từ đầu chí cuối. Tôi đã thống kê các thiếu niên được ghép tim trong vài tháng sau khi Alice bị bắt cóc. Chỉ có khoảng vài chục trường hợp. Toàn bộ những bệnh nhân này đều được nhận diện và đều tuân thủ đúng trình tự thủ tục.

Jonathan kéo khóa ba lô, lôi từ đó ra một túi nhựa trong đựng hai mảnh khăn giấy dây đầy vết sô cô la có chữ viết nguệch ngoạc bên trên.

- Gì thế? Jim vừa hỏi vừa cố đọc nội dung viết trên đó qua lớp nhựa trong.

Anh nhận ra nét chữ bấy lâu đã trở nên quen thuộc. Những dòng đầu tiên bắt đầu thế này:

Chú Lempereur thân mến, à mà ý cháu là chú Jonathan.

Cháu đã mạn phép lấy hết đạn trong khẩu súng của chú và đem vứt vào thùng rác ở bãi đậu xe trong lúc chú uống cà phê...

- Hãy gửi mấy tờ khăn giấy này đến phòng xét nghiệm và thử lấy dấu vân tay xem sao.

- Giải thích rõ hơn đi, viên cảnh sát phàn nàn.

- Anh cứ nhìn dòng chữ in ở mặt sau tờ giấy khắc rõ.

Jim nhướng mày rồi lật mặt túi nhựa. Một dòng chữ in mạ vàng ánh lên lấp lánh ngay giữa tờ khăn giấy: “Hệ thống trạm dừng nghỉ Total chúc các bạn Năm mới 2010 an lành.”

- Không thể thế được: vào thời điểm đó Alice đã chết được sáu tháng rồi!

- Gọi cho tôi lúc nào anh có kết quả nhé, Jonathan đáp rồi chìa cho Jim tấm danh thiếp.

- Đợi đã! Anh bay về San Francisco hả?

- Phải, Jonathan nói dối. Tôi bay chuyến tối nay, tôi còn phải điều hành một nhà hàng nữa.

Anh đứng dậy đi ra xe bất chấp màn mưa.

Anh tra chìa vào ổ, khởi động cần gạt nước rồi nổ máy. Đầu óc đang nghĩ vẩn vơ tận đâu đâu, anh nghiền ngẫm những dữ kiện Flaherty vừa cho biết. Câu chuyện về cuốn nhật ký, về cây đàn vĩ cầm này... Mải suy nghĩ, anh không nhận ra rằng mình đang điều khiển xe chạy bên phải đường theo quán tính. Phóng như bay trên đường, một chiếc xe buýt lao ầm ầm đến trực diện xe anh. Jonathan bật kêu lên, dùng toàn bộ sức lực của mình để bẻ lái rồi ngoặt lại. Thao tác xong thì anh mất một bên ốp lazăng, xe xước xát hết cả và còn phải chịu một phen khiếp hãi.

Nhưng anh vẫn còn sống.

Paris 16h30

- Em sẽ tới Luân Đôn gặp Juliane cơ đấy! Raphaël kêu lên. Cứ nghĩ sao làm vậy chẳng chút cân nhắc nào ư?

- Như vậy sẽ khiến em cảm thấy khá hơn, Madeline đáp.

Họ hẹn gặp nhau trong một quán cà phê nhỏ nằm trên phố Pergolèse ngay dưới chân tòa nhà nơi tọa lạc văn phòng kiến trúc sư của Raphaël.

- Bao giờ em lên đường?

- Đầu giờ tối: tàu Eurostar chuyến 18h13.

- Nhưng chỉ còn ba ngày nữa là đến Giáng sinh!

Cô cố gắng trấn an anh:

- Đừng làm ra bộ dạng đó mà anh: tối ngày 24 là em đã về rồi.

- Thế còn tiệm hoa của em? Anh tưởng là em chưa bao giờ lắm việc đến thế kia mà?

- Nghe này, cô phẫn nộ, em muốn sang Anh thăm bạn em, chỉ thế thôi! Giờ không còn là thập niên 50 nữa rồi, vậy nên em sẽ không cần anh cho phép.

Bỗng dưng mất hết kiên nhẫn, cô đứng dậy rời khỏi quán. Choáng váng, Raphaël thanh toán tiền rồi đuổi kịp cô ở trạm chờ taxi trên đại lộ Grande-Armée.

- Anh chưa bao giờ thấy em như thế này, anh lo lắng nói. Em đang bận lòng chuyện gì sao?

- Không đâu, anh yêu, anh đừng lấy làm khó chịu nhé. Em chỉ cần một quãng nghỉ ngắn này thôi, đồng ý chứ?

- Đồng ý, anh nói rồi giúp cô chất hành lý vào băng ghế sau của xe taxi. Tới nơi nhớ gọi cho anh nhé?

- Dĩ nhiên rồi, cô đáp rồi hôn anh.

Anh cúi xuống để chỉ dẫn tài xế: “Làm ơn chạy xe tới Ga Bắc.”

Chiếc xe khởi động. Madeline vẫy chào tạm biệt Raphaël qua cửa kính. Anh chàng kiến trúc sư đáp trả bằng một nụ hôn gió.

Cô gái chờ đến khi chiếc taxi đi tới quảng trường Ngôi sao mới đề nghị tài xế:

- Quên Ga Bắc đi, cho tôi tới sân bay Roissy. Cửa số 1.

Madeline trình hộ chiếu và vé máy bay cho cô tiếp viên của Air China. Vào dịp nghỉ lễ này, tất cả các chuyến bay tới San Francisco đến kín chỗ hoặc đắt cắt cổ. Với ngân sách chưa đầy 1.000 euro, cô chỉ tìm thấy trên Internet vé lượt đi của Hàng không Trung Quốc. Một cuộc lẩn trốn đến California vẫn buộc cô phải quá cảnh trong một khoảng thời gian ngắn tại Bắc Kinh!

Cô tiến bước trong lối đi lợp kính dẫn lên máy bay. Quần jean cũ, áo len cổ lọ, áo khoác da: hình ảnh của cô phản chiếu trên lớp kính xung quanh không lấy gì làm nữ tính cho lắm. Tóc cô xổ tung, mặt không trang điểm, cách ăn mặc hầu như cẩu thả. Dáng vẻ “nhàu nhĩ” của cô phản chiếu rõ tâm trạng rối bời bên trong.

Cô giận mình vì đã nói dối bạn trai. Raphaël là một người đàn ông mẫu mực, có trách nhiệm và luôn đối xử ân cần. Anh biết quá khứ của cô mà không hề phán xét cô. Anh đã giúp cô khôi phục sự thanh thản và lòng tin. Cô không có quyền lừa dối anh như vậy.

Vậy mà cô không hề lưỡng lự lấy một giây đã quyết định mua vé máy bay đi tới đầu kia thế giới, chỉ vài giây sau khi nhận được cuộc gọi từ Jim Flaherty.

Người đồng sự cũ của cô đã tìm ra số máy của tiệm hoa và liên lạc với cô vào đầu giờ chiều để báo cho cô biết gã Jonathan Lempereur nào đó, một người đàn ông tự nhận là quen biết cô, đã tới hỏi anh về vụ Dixon.

Vụ Dixon...

Alice.

Chỉ cần nhắc đến thôi, cái tên đó đã chẳng khác nào một cú sốc điện đủ để lý giải toàn bộ cách xử sự của cô những ngày gần đây. Đây là một dấu hiệu của số phận!

Số phận đã đùa giỡn cô ngay từ đầu bằng cách tráo đổi điện thoại của cô với điện thoại của Lempereur. Sau khi điều tra về George, Francesca và Jonathan, cô lại trở về với Alice!

Trong tâm trí cô, không có điều gì là xa xôi, không có điều gì là mờ nhạt hết. Ký ức về cô bé đó vẫn luôn mãnh liệt như thế. Một hình ảnh rõ nét mà cô đã gắng đẩy lùi để bảo vệ sức khỏe tâm thần của mình nhưng vô ích. Một vết thương vẫn còn nhói buốt trong tâm trí mà vĩnh viễn không một ngọn lửa nào có thể thiêu rụi được.

Người ta không thể thoát khỏi quá khứ như thế. Người ta không thoát được vũng cát lún tạo nên từ những nỗi ám ảnh của mình như thế.

Alice đã quay trở lại tìm cô.

Alice đã quay trở lại ám ảnh cô.

Lần trước, nỗi khiếp sợ với tình tiết “quả tim” đã khiến cô từ bỏ không tiếp tục việc điều tra.

Lần này, cô đã sẵn sàng đi đến tận cùng.

Cái giá phải trả có là gì cũng không quan trọng.