Cuộc Gọi Từ Thiên Thần

Chương 19: Cắt ngang đường bạn đi

“Thành công không phải lúc nào cũng là một dấu hiệu cho thấy sự phát triển, thậm chí nó thường là lợi ích thứ phát của một nỗi đau sâu kín.”

Boris CYRULNIK

“Tôi đã tới Paris vào cuối giờ chiều ngày 31 tháng Mười hai. Năm đó, tiết trời mùa đông trên toàn nước Pháp lạnh căm. Tuyết đã rơi từ tuần trước và ở một vài nơi, thủ đô nước Pháp trông chẳng khác nào một khu trượt tuyêt…”

Paris

Hai năm trước

31 tháng Mười hai 2009

Tôi thuê xe ngay tại sân bay, một chiếc ô tô hòm tiện nghi của Đức được cho là vận hành tốt để đảm bảo hành trình suôn sẻ. Lẽ ra tôi có thể đáp một chuyến bay thẳng tới Toulouse nhưng vì vướng mấy ngày lễ nên lễ an táng của cha tôi bị hoãn lại tới mùng 2 tháng Một, và ý nghĩ sẽ trải qua đêm giao thừa tang tóc cùng chị gái và anh rể khiến tôi nhăn mặt.

Thế nên tôi quyết định lái xe tới Auch rồi tối ngày hôm sau mới khởi hành. Tôi vẫn còn hai mươi tư giờ trước mắt. Ba ngày nay tôi chưa chợp mắt nên định sẽ nhấn chìm cơn mất ngủ này trong một đêm thật dài. Bấy giờ tôi đang mơ đến một bộ sưu tập các loại thuốc ngủ có thể hạ gục cả một trung đoàn, nhưng tôi không mang đơn thuốc theo người và cũng không dễ tìm ra một vị bác sĩ vào giờ này. Trước hết tôi phải tìm được một khách sạn đã, bởi lẽ khách sạn nằm ở quận VI nơi tôi thường ghé đã không còn phòng trống.

- Chúng tôi đã kín phòng, tay nhân viên lễ tân sẵng giọng thông báo với tôi.

Thông thường, ngay cả khi tôi bất chợt ghé qua không thông báo trước thì quản lý khách sạn vẫn xoay xở để tiếp đón tôi hết sức trọng thị bởi lẽ tôi là Jonathan Lempereur, bởi lẽ việc tôi chọn nghỉ chân trong khách sạn của họ là niềm vinh dự đối với họ, bởi lẽ họ từng treo bức ảnh tôi ký tặng trong phòng khách nhỏ của khách sạn, cùng ảnh của những nhân vật quan trọng khác từng lưu lại nơi đây. Nhưng tin tức lan nhanh và các nhân viên hẳn đã biết về sự “thất sủng” của tôi, bởi không ai cố gắng động chân động tay giúp đỡ tôi. Tôi có quen một vài đồng nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn và nhà hàng cao cấp, nhưng sự đau đớn nơi tôi cũng có giới hạn và tôi đã quyết định dứt khoát không gói cảnh tán gia bại sản của mình thành quà tặng họ. Sau vài cuộc điện thoại, cuối cùng tôi cũng tìm ra phòng nghỉ qua đêm trong một khách sạn khiêm nhường tại quảng trường Château-Rouge, góc đại lộ Barbès giao với phố Poulet. Phòng của tôi quả là “khiêm nhường”, thậm chí còn tuềnh toàng. Nhất là lạnh ngang Bắc Cực. Tôi đã thử tăng mức sưởi lên nhưng tình hình vẫn không khá hơn là mấy. Bây giờ là 17 giờ; trời đã sâm sẩm tối. Tôi đang ngồi trên giường, hai tay ôm lấy đầu. Tôi nhớ con trai, nhớ vợ, nhớ cuộc đời mình. Chỉ trong một tuần tôi đã mất tất cả. Vài ngày trước tôi vẫn sống cùng gia đình trong một căn hộ rộng thênh thang tại khu TriBeCa, tôi điều hành một đế chế, tôi có thẻ tín dụng Black Card và nhận chục lời mời phỏng vấn mỗi tuần… Tối nay, tôi bỗng muốn khóc và chuẩn bị đón năm mới trong không khí cô quạnh của một phòng khách sạn tồi tàn.

You’ll never walk alone…

Một sự thật hiển nhiên thảm thê bỗng đỗ ụp xuống tôi. Tôi rời phòng khách sạn để ngồi lên chiếc xe thuê. Tôi nhập một địa chỉ vào thiết bị GPS, phố Maxime-Gorki ở Aulnay-sous-Bois rồi lái theo chỉ dẫn của giọng nữ cài sẵn trong thiết bị. Trên ghế cạnh lái là một chồng báo tạp chí của cả Pháp lẫn Mỹ mua tại sân bay. Báo chí Pháp, vốn thường xuyên lờ tôi đi suốt những năm gần đây, lần này đã tha hồ thòa mãn: Lempereur bị truất ngôi, Lempereur thoái trị, Sự sụp đổ của Lempereur…

Đó là trò chơi của giới truyền thông và tôi đã chuẩn bị tinh thần đón nhận. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những dòng tít này trở nên dễ nghe hơn, chúng chẳng khác nào cú đấm vào giữa mặt tôi. Thậm chí tôi không thể tự thuyết phục mình rằng mình sẽ gượng dậy được. Ngoại trừ việc sáng tạo những công thức chế biến mòn ăn thì tôi biết làm gì nào? Không gì cả hoặc rất ít ỏi… Mất Francesca, tôi mất luôn tình yêu nồng cháy vẫn luôn thúc đẩy tôi tiến tới, đòn bẩy đưa tôi từ một bếp trưởng “tầm thường” trở thành chủ nhà hàng hạng nhất thế giới. Tại Pháp có hai mươi lăm nhà hàng ba sao và tổng cộng gần tám mươi nhà hàng như thế trên toàn thế giới, nhưng trong đó chỉ duy nhất một nhà hàng có danh sách khách chờ hơn một năm mới đặt được bàn. Đó là nhà hàng của tôi và tôi biết mình làm nên kỳ tích ấy là nhờ Francesca. Bởi tôi chỉ được tiếp thêm lửa theo cách đó - tình yêu độc tôn, niềm đam mê, nhu cầu quyến rũ nàng không ngừng nghỉ. Phải tới năm ba mươi mốt tuổi tôi mới gặp Francesca, nhưng tôi đã tìm kiếm nàng từ thời còn học trung học. Suốt mười lăm năm nuôi hy vọng một người phụ nữ như nàng tồn tại đâu đó trên Trái đất này. Một phụ nữ đẹp như Catherine Zeta-Jonathanes được cấy ghép bộ não của Simone de Beauvoir. Một phụ nữ sở hữu mười đôi Stilettos trong tủ giày, nhưng lại có khả năng trò chuyện vời bạn bè về ảnh hưởng từ âm nhạc của Haydn lên toàn bộ tác phẩm của Beethoven hay về hiệu ứng tình cờ trong tranh của Pierre Soulages.

Khi Francesca bước vào một căn phòng, nàng thu hút hết thảy ánh nhìn. Phụ nữ muốn nàng trở thành bạn thân nhất của họ, nam giới khao khát được ngủ với nàng, trẻ con thích kiểu dí dỏm của nàng. Chuyện đó diễn ra như theo phản xạ, như một thông lệ, không thể tránh khỏi. Chúng tôi đã sống những năm tháng yêu đương mặn nồng trong vầng sáng nóng bỏng ấy và sự phân chia nhiệm vụ kỳ khôi: tôi có danh tiếng, nàng có sự thành điệu và lôi cuốn. Tình yêu của chúng tôi đã duy trì được thế cân bằng suốt mười năm liền trên sợi dây mỏng manh đó.

Lái theo xa lộ, chừng hai mươi phút sau tôi có mặt ở Aulnay. Tôi tìm thấy một chỗ đậu xe trên phố Gorki, cách tòa nhà nơi Chirstophe Salveyre đang sống không xa.

- Jonathan đây, tôi nói luôn khi nhấn vào chuông báo.

- Jonathan nào nhỉ?

- Jonathan Lempereur, em họ của anh đây.

Salveyre là con trai của chị gái mẹ tôi. Chúng tôi chưa từng gặp nhau cho tới khi anh liên lạc với tôi qua điện thoại tại New York cách đây bao năm. Khi tới nghỉ ở thành phố được mệnh danh là Quả Táo Lớn, anh bị cảnh sát bắt tạm giam sau một cuộc ẩu đả trong quán bar. Anh không quen biết ai ở Manhattan và không còn đồng xu dính túi. Nể tình máu mủ ruột ra, tôi đã trả tiền bão lãnh cho anh tại ngoại rồi để anh ở tạm khu nhà phụ của nhà hàng suốt nửa tháng trong lúc chờ vụ việc của anh được dàn xếp ổn thỏa. Anh chơi bài ngửa và không hề giấu tôi bản chất công việc anh làm tại Pháp: anh chuyên phân phối lẻ ma túy. Tôi nghe chuyện đó mà lạnh sống lưng, nhưng anh trấn an ngay rằng trên lãnh thổ Mỹ thì anh chẳng hề có tội tình gì.

- Cậu làm cái quái gì ở đây thế? Anh hỏi tôi khi ra mở cửa.

- Em cần anh giúp lại em một việc, tôi vừa nói vừa lẻn vào căn hộ.

- Mẹ kiếp, cậu đến không đúng lúc rồi. Tôi về để “sạc đầy bình” đấy, nhưng sẽ lại đi ngay bây giờ.

- Em có chuyện quan trọng.

- Cậu muốn gì?

- Em cần vũ khí.

- Vũ khí á?

- Một khẩu súng.

- Cẩu thấy trên cửa ra vào có đề “cửa hàng bán vũ khí” chắc? Cậu muốn tôi kiếm đâu ra một khẩu súng cho cậu bây giờ?

- Anh cố gắng đi!

Salveyre thở dài thườn thượt.

- Mẹ kiếp, hôm nay là giao thừa đấy! Mọi người đều tiệc tùng còn tôi thì đang có một mớ hàng khủng phải bán tống bán tháo đây. Mai quay lại gặp tôi nhé.

- Không, em cần thứ đó ngay tối nay!

- Tối nay thì tôi không thể rồi. Tôi phải đi giao hết hàng càng sớm càng tốt.

- Hãy nhớ rằng em đã giúp anh khi anh gặp rắc rối…

- Vậy ai sẽ trả cho tôi khoản lãi hụt kia?

- Cứ nói cho em biết anh cần bao nhiêu đi.

- Tôi sẽ giúp nếu cậu mua cho tôi 4.000 euro tiền hàng. Và thêm 3.000 nữa cho khẩu súng.

- Nhất trí, tôi đáp với vẻ không quan tâm. Anh không ngại cầm tiền đô chứ?

Khi rời New York, tôi đã vét sạch két sắt và có trong túi hơn 10.000 đô tiền mặt.

- Cho tôi một giờ đồng hồ, anh bảo tôi. Cậu có thể đợi luôn ở đây cũng được: tranh thủ nghỉ ngơi đi, mặt mũi cậu trông đến khiếp.

Tôi nghe theo lời khuyên của anh và ngã vật xuống trường kỷ. Trên bàn có một chai Cognac đã khui. Tôi rót cho mình một cốc to rồi thêm một cốc nữa trước khi thiu thiu ngủ.

Salveyre quay trở lại lúc quá tám giờ tối một chút.

- Cho cậu xem thứ tôi vừa tìm thấy này; anh nói rồi đưa tôi một khẩu súng lục mạ crom báng màu đen.

Khẩu súng nhỏ gọn nhưng vừa tay. Ổ đạn đủ năm viên.

- Đây là một khẩu Smith&Wesson mẫu 60 cỡ nòng 38 đặc biệt.

Thông tin ấy lọt vào qua tai này rồi lại ra ngoài qua tai kia.

Tôi đưa tiền cho anh, anh đưa lại một túi nhựa dẻo đáy tròn khóa kéo chứa chừng hai mươi liều ma túy. Tôi lưỡng lự định để lại cho anh, nhưng cuối cùng vẫn quyết định sẽ mang theo, tự nhủ mình sẽ hủy sau.

Như thế thì sẽ không có ai được tiêu thụ số hàng trắng này, tôi tự bào chữa.

Tôi biết, mình thật ngây thơ…

20 giờ

Tôi cất khẩu súng và chỗ cocain đó vào hộc đựng đồ trên xe rồi lái thẳng hướng khách sạn. Không cần phải bật GPS để lái hết quãng đường theo chiều ngược lại: xa lộ A1, lối ra cửa ô Chapelle…

Khỉ thật.

Tôi vừa ngớ ngẩn bỏ lỡ một lối rẽ vào đường nhánh. Rượu Cognac đã hạ tôi đo ván. Bỗng nhiên tôi không còn chắc lắm về tên phố nữa. Tôi lái tiếp trên chuỗi các đại lộ mang tên Thống chế khoảng năm trăm mét giữa cửa ô Clignancourt và cửa ô Clichy.

Nơi này không lấy gì làm hấp dẫn. Dưới ánh sáng nhờn nhợt hắt ra từ các biển quảng cáo, một nhóm gái điếm đang õng ẹo chèo kéo khách. Một vài chiếc ô tô đỗ lại chớp nhoáng: Cửa kính xe hạ xuống, những gả ngồi trong mặc cả giá tàu nhanh hoặc tàu chậm rồi tùy theo câu trả lời mà chọn mời cô gái lên xe. Hoặc không. Đèn giao thông đằng trước xe tôi vừa chuyển sang đỏ. Dù không muốn tôi vẫn mắc kẹt trước một trạm chờ xe buýt. Một cô gái Đông u trong trang phục váy ngắn và bốt da tới gõ lên cửa kính xe tôi để chào mời. Thoạt tiên tôi thử lờ cô ta đi, nhưng cô ta lại biểu diễn một màn khiêu vũ ngắn mang hơi hướm Cối xay gió Đỏ. Mắt cô ta buồn bã và trống rỗng. Cô ta khiến tôi mủi lòng và tôi quyết định hạ cửa kính xe để ít ra cũng có đôi lời khen ngợi màn nhảy múa vừa rồi.

Tôi biết, tôi thật ngây thơ…

Hai chiếc xe cảnh sát lao tới từ phía sau cách xe tôi chừng hai chục mét. Chưa đầy ba giây sau, cả con phố rung lên theo nhiệp điệu của tiếng còi kèm đèn pha phơn phớt xanh. Cảnh sát đã lôi băng đeo tay ra, kiên quyết làm nhiệm vụ thật hăng hái vào tối giao thừa, vây bắt đám gái mại dâm, xác minh danh tính các khách mua dâm.

Tôi đang nâng cửa kính xe lên thì một bóng phụ nữ bất thần mở cửa xe rồi ngồi vào cạnh ghế lái.

- Khởi động xe ngay kẻo bị tóm bây giờ! Cô ta thét lên giữa đám hỗn loạn.

Đó là một bé gái. Một thiếu niên chừng mười lăm tuổi.

Một gái bán hoa ư? Ở tuổi này ư?

- Lái đi chứ, khốn thật! Cô bé gào lên.

Tôi vừa chui vào tổ ong vò vẽ nào thế này? Trong máu tôi hẳn phải có đến hai gram cồn, ngoài ra còn có một khẩu súng, một túi đầy cocain trong hộc đựng đồ và một cô bé ở tuổi vị thành niên cùng ngồi trong xe.

Tôi sẽ ngồi tù và ở trong đó một thời gian dài mất thôi.

Thậm chí tôi còn không đợi đèn tín hiệu chuyển sang xanh mà đã rẽ ngay ở ngã tư đầu tiên.

Phóng hết tốc lực, tôi ngược lên đại lộ Porte-de-Saint-Ouen rồi hòa vào dòng xe cộ lưu thông ở vùng ngoại vi.

- Cháu chơi trò gì vậy? tôi hỏi người khách đi nhờ xe.

- ‘Just wanna escape these [bad word] cops’[1], cô bé đáp bằng thứ tiếng Anh lơ lớ.

[1]. Tiếng Anh trong nguyên bản: Để trốn đám cảnh sát khốn kiếp ấy.

Tôi bật đèn mui và tranh thủ lúc dòng xe lưu thông chậm để quan sát cô bé thật kỹ. Đó là một cô bé khoảng mười lăm tuổi, vóc dáng mảnh dẻ và khó đoán. Tóc cô bé nhuộm đen ngoại trừ vài lọn màu đỏ son. Một lọn tóc quá dài cứ không ngừng rủ xuống mắt cô bé. Cô bé mặc quần jean ống côn, đi đôi giày da hiệu Converse, áo phông kẻ sọc bị che khuất một phần dưới chiếc áo pull liền mũ màu hồng pha xám có khâu phù hiệu của đội bóng Manchester United. Một viên đá nhỏ xíu lấp lánh trên cánh mũi trái còn cổ cô bé đeo một chiếc vòng kiểu thời Trung đại bằng bạc và pha lê màu hồng lựu. Kiểu trang điểm gô tích – chì kẻ mày và viền mắt màu đen trên nền phấn trắng nhợt – khiến cô bé trông chẳng khác nào xác chết, nhưng lại cho thấy một phong cách được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Tôi quan sát đôi giày của cô bé: chúng gần như còn mới. Cô bé mặc quần áo hàng hiệu và đeo trang sức. Đây không phải một gái đứng đường mà là con nhà giàu thì đúng hơn.

Tôi không biết phải làm gì. Tôi không thể bỏ mặc cô bé giữa vùng ngoại ô này được. Tôi cần tìm hiểu thêm, nhưng cô bé có vẻ không hay chuyện lắm. Tôi lái vào đường nhánh đâu tiên dẫn tới trạm xăng ở cửa ô Montreuil rồi dừng trên bãi đỗ.

- Cháu tên gì? tôi hỏi cô bé bằng tiếng Anh.

- Chuyện đó thì có liên quan gì đến chú?

- Nghe này, chính CHÁU tự động lên xe của chú trong khi chú chẳng hề yêu cầu, vậy nên chớ có cao giọng như thế, OK?

Cô bé nhún vai, quay mặt đi chỗ khác.

- Cháu tên gì? tôi kiên quyết nhắc lại.

- Alice, cô bé rền rĩ. Alice Kowalski.

- Cháu sống ở đâu?

- Cháu chẳng thấy chuyện đó can hệ gì tới chú hết.

- Tại sao ban nãy cháu lại sợ cảnh sát đến thế?

- Thế còn chú? cô bé quay sang nhìn tôi.

Bị phản công bất ngờ, tôi chống chế:

- Chú uống hơi quá chén, thế thôi.

Đúng lúc ấy, nắp hộc đựng đồ tôi đóng không chặt bị bung ra, mở toang. Cô bé phát hoảng khi nhìn thấy khẩu súng và gói ma túy. Cô bé mở cửa xe chạy trốn, trong lòng chắc mẩm đã gặp phải một tên vô lại.

- Chờ đã, chuyện không phải như cháu nghĩ đâu! Tôi nói rồi chạy theo cô bé trên bãi đỗ xe.

- Để cháu đi, cô bé vặc lại rồi trốn trong trạm dừng nghỉ.

Tôi châm một điếu thuốc và quan sát cô bé qua lớp cửa kính. Cô bé đang ngồi trên một chiếc ghế đẩu gần dãy máy bán nước tự động. Cô bé này là ai? Cô bé đang tìm cách chạy trốn khỏi cái gì? Vào khoảnh khắc ấy, tôi đã thoáng có ý định quay ra xe và bỏ đi mà không nài thêm nữa. Toàn bộ chuyện này chẳng can hệ gì đến tôi. Tôi chẳng được cóc khô gì khác ngoại trừ những phiền toái phải gánh thêm.

Tôi thở dài, nhưng vẫn quyết định tới gặp cô bé bất chấp mọi cân nhắc vừa xong. Trạm dừng nghỉ được tô điểm bằng những món đồ trang trí cho dịp lễ: tràng hoa điện buồn tẻ, cây thông trơ trụi với đám quà trang trí bằng nhựa. Radio phát một bài hit cũ rích của thập niên tám mươi.

- Cháu mời chú một cốc espresso chứ?

- Cháu không có tiền, cô bé lắc đầu từ chối.

Tôi rút ví ra tìm ít tiền lẻ.

- Cháu muốn thứ gì không? Tôi hỏi, nhét vài đồng vào máy.

- Muốn chú để cháu yên thân.

Tôi cố gắng thuyết phục cô bé.

- Nghe này, chúng ta đã có bước khởi đầu không mấy thuận lợi.

- Giờ thì chú lượn đi, cháu sẽ tự xoay xở một mình.

- Với gì đây? Cháu không có xu nào dính túi mà một chữ tiếng Pháp bẻ đôi cũng không biết. Chú sẽ không bỏ mặc cháu trong tình cảnh đó đâu. Đó là trách nhiệm của một người trưởng thành như chú.

Cô bé ngước mắt nhìn trời, nhưng rốt cuộc vẫn nhận chỗ tiền lẻ tôi đưa cho. Cô bé chọn trong máy bán đồ uống tự động một chai sữa nhỏ vị dâu và một gói bánh quy Oreo. Trong lúc cô bé ăn chỗ đồ ngọt đó, tôi nhặt tờ Metro đang nằm chỏng chơ trên bàn.

- Nhìn này, trong tờ báo này có ảnh chú đấy. Cháu có thể xem qua, không phải trong mục rao vặt đâu nhé.

Cô bé nhìn bài báo rồi ngẩng lên.

- Cháu đã thấy chú trên truyền hình! Trong chương trình mà chú phẫn nộ với những người theo chế độ ăn chay toàn phần!

Cô bé ám chỉ một cuộc đấu kỳ khôi đặt tôi ở thế đối lập với những phần tử cực đoan khá thế lực đang tìm cách khiến cho gan ngỗng béo bị cấm tại Mỹ.

- Nếu chú là một ngôi sao truyền hình, vậy thì chú làm quái gì ở những cô gái bán hoa giá 20 euro nhỉ, lại đúng vào đêm giao thừa, với hộc đựng đồ trên xe chất đầy ma túy? cô bé hỏi bằng giọng khiêu khích.

- Được rồi, đi theo chú nào, tôi yêu cầu cô be.

Chúa ban phúc lành cho truyền hình. Danh tiếng của tôi đã khôi phục chút ít lòng tin của cô bé, tuy vẫn giữ khoảng cách khá xa nhưng cô bé đã chấp nhận cùng tôi tới chỗ đậu chiếc BMW.

- Thứ nhất, chú không phải là khách làng chơi và cháu biết điều ấy rất rõ, nếu không cháu đã chẳng ngồi lên xe chú, dù là trốn cảnh sát đi nữa…

Cô bé không đáp, chứng tỏ tôi đã ghi một điểm.

- Thứ hai, chỗ ma túy này không thuộc về chú, tôi giải thích rồi cầm túi nhựa dẻo đó lên, quẳng vào một trong những thùng rác công cộng ở bãi đỗ xe. Chuyện này phức tạp, nhưng chú buộc phải giữ nó để có được khẩu súng này.

- Còn thứ vũ khí ấy dùng để làm gì?

- Chú chỉ dùng để tự vệ thôi.

Không còn nghi ngờ gì nữa, cô bé là người Mỹ, bởi cô bé chấp nhận lời giải thích đó mà không thắc mắc gì thêm.

- Được rồi, giờ đến lượt cháu nhé. Nói chú biết cháu sống ở đâu, bằng không chú sẽ gọi cảnh sát.

- Cháu đã làm một việc ngu ngốc, cô bé mở lời. Cháu bỏ nhà ra đi, tất cả chỉ có thế. Cháu sống ở New York nhưng giờ đang đi nghỉ cùng bố mẹ. Gia đình cháu có một ngôi nhà ở Côte d’Azur.

- Ở đâu kia?

- Cap-d’Antibes.

Tôi biết rõ nơi đó. Chính tại đó tôi đã có nhà hàng “đúng nghĩa” đầu tiên.

- Cháu muốn về nhà nhưng lại bị mất trộm túi xách trên tàu TGV nên chẳng còn cả điện thoại lẫn ví tiền.

Cô bé có vẻ thành thực, ngay cả khi vẫn có điều gì đó khập khiễng mà tôi không rõ là vì đâu.

- Cứ việc gọi cho bố hoặc mẹ cháu nếu chú không tin lời cháu!

Cô bé đưa tôi một số điện thoại, tôi bấm gọi luôn. Chỉ sau một hồi chuông, tôi gặp một bà Kowalski nào đó đón nhận cuộc gọi của tôi như một sự giải thoát. Bà xác nhận toàn bộ câu chuyện: con gái bà đã bỏ nhà đi ngay sau buổi sáng hôm đó sau một trận cãi vã. Rõ ràng là bà đang lo sợ, ngay cả khi bà cố gắng không để lộ vẻ hốt hoảng ra bên ngoài.

Tôi chuyển máy để bà nói chuyện với Alice cho yên tâm. Không muốn trở thành kẻ tò mò thóc mách, tôi bỏ ra ngoài hút một điếu thuốc, tì khuỷu tay lên nắp ca pô xe, nhưng tôi vẫn nghe thấy phần lớn cuộc nói chuyện giữa hai người bọn họ. Họ nói chuyện điện thoại khá lâu. Alice xin lỗi và bật khóc thút thít. Khi cô bé chuyển máy lại cho tôi, tôi đề nghị với bà Kowalski sẽ đích thân đưa con gái về tận nhà cho bà. Tôi chỉ phải “xuống phía Nam” để dự lễ an táng cha tôi và nội trong buổi sáng tôi có thể có mặt tại Antibes.

Bà lưỡng lự hồi lâu nhưng rốt cuộc vẫn chấp nhận.

Chúng tôi lái xe đã được nửa tiếng đồng hồ.

Dưới bầu trời âm u và màn tuyết rơi, chúng tôi đi theo xa lộ Soleil và vừa ngang qua Évry. Alice mải miết đọc mấy tờ báo Mỹ miêu tả chi tiết thất bại của tôi trong sự nghiệp và hôn nhân.

- Vợ chú đẹp thật đấy…, cô bé nói sau khi quan sát chăm chú bức ảnh chụp Francesca.

- Ừ, mười năm qua ngày nào chú cũng nghe câu đó ít nhất là một lần…

- Và chú thấy bực sao?

- Cháu hiểu nhanh đấy.

- Tại sao thế?

- Nếu không đẹp đến thế, có lẽ cô ấy đã không phản bội chú.

- Cháu nghĩ chuyện chẳng có gì liên quan, cô bé phán với vẻ thạo đời ở tuổi mười lăm.

- Dĩ nhiên là có chứ. Càng xinh đẹp thì cháu càng có nhiều người theo đuổi, như vậy càng gặp nhiều cám dỗ. Điều đó tự nhiên thôi mà…

- Nhưng chú cũng thế mà, phải không? Trong các chương trình truyền hình, chú vẫn đóng vai ngài bếp trưởng gợi cảm luôn…

- Không! Tôi ngắt lời cô bé. Không giống nhau. Chú thì không như thế.

- Như thế nào?

- Cháu làm chú bực rồi đấy.

- Trả lời hay thật, cô bé nhận xét.

Thấy tôi làm thinh, cô bé bật radio và dò tần số. Tôi nghĩ Alice đang tìm cho ra một kênh “nhạc trẻ”, thế nhưng cô bé lại dừng ở kênh France Musique. Alice lập tức bị hút vào bản nhạc đang phát: một bản viết cho đàn dương cầm tao nhã và tinh tế.

- Hay thật, tôi lên tiếng.

- Nhạc của Schumann, Davidsbundlertanze, nhạc phẩm số 6.

Tôi cứ ngỡ cô bé lòe mình cho đến khi bản nhạc kết thúc và người dẫn chương trình thông báo:

“Các bạn vừa nghe Maurizio Pollini trình diễn bản Davidsbundlertanze của Robert Schumann.”

-Hoan hô!

Cô bé ra vẻ khiêm tốn:

- Dễ ấy mà.

- Chú không biết nhiều về Schumann lắm. Dù thế nào thì chú cũng chưa bao giờ nghe những bản này.

- Chúng được viết để tặng cho Clara Wieck, người phụ nữ trẻ mà Schumann yêu.

Cô bé ngừng lại trước khi nêu nhận xét:

- Đôi khi tình yêu hủy diệt, đôi khi nó lại kết tinh trong những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời…

- Cháu chơi dương cầm hả?

Cô bé im lặng một lúc trước khi trả lời. Đã nhiều lần cô bé thể hiện vẻ giữ kẻ như vậy trong đêm nay, như thể luôn e sợ mình sẽ mắc lỗi vụng về hoặc để lộ quá nhiều bí mật.

- Không, cháu chơi vĩ cầm. Cháu rất mê nhạc.

- Thế ở trường mọi chuyện đều ổn chứ? Cháu học lớp mấy rồi?

- Đủ rồi, đừng nghĩ chú ép được cháu phải nói chuyện đấy nhé.

- Vụ dạt nhà lần này là để chứng tỏ cái gì vậy?

- Lần này thì chú làm cháu bực mình rồi đấy, cô bé đáp rồi lại vùi đầu vào mấy tờ báo.

23 giờ

Alice đã ngủ thiếp đi được hai giờ đồng hồ, nhưng khi xe đi ngang qua Beaune thì cô bé tỉnh dậy, chúng tôi vẫn đang di chuyển trên xa lộ A6 thẳng hướng Lyon.

- Lễ an táng bố chú dự kiến vào ngày nào ạ?cô bé vừa hỏi vừa dụi mắt.

- Ngày kia.

- Làm sao mà bố chú mất?

- Chú không rõ.

Cô bé nhìn tôi vẻ lạ lẫm.

- Chú và ông ấy không nói chuyện với nhau mười lăm năm nay rồi, tôi nói lấp lửng.

Nhưng vì cảm thấy mình chẳng có lỗi gì trong chuyện này, tôi thổ lộ thêm chút ít:

- Bố chú có một nhà hàng mang tên Nữ kỵ sĩ, một nhà hàng hết sức tầm thường ở quảng trường Tự do vùng Auch. Cả đời mình ông hằng mơ có được một ngôi sao trong bảng xếp hạng của Cẩm nang Michelin, nhưng ước mơ đó chưa bao giờ thành hiện thực.

Tôi vượt một dãy xe trước khi kể tiếp:

- Mùa hè năm mười bốn tuổi, chú ra làm phụ bếp cho nhà hàng. Buổi tối, sau giờ phục vụ, chú ở lại trong bếp để thử nghiệm những ý tưởng riêng. Cứ như vậy chú tạo ra được ba món chính và hai món tráng miệng, bố chú nghe bếp phó của mình thuyết phục nên cũng muốn đưa thêm những món đó vào thực đơn nhà hàng. Rồi nhờ người nọ rỉ tai người kia mà người ta nhanh chóng kéo đến nhà hàng chỉ để thưởng thức các món mới. Các món do chú tạo ra. Bố chú không thích trở thành cái bóng của chú. Đến kỳ khai giảng, để đẩy chú đi xa, ông đăng ký cho chú học một trường nội trú ở Sophia-Antipolis tận miền Đông Nam nước Pháp.

- Tàn nhẫn quá…

- Ừ! Và trong những tháng tiếp theo, Michelin đã gắn một sao cho nhà hàng của gia đình chú, nêu đích danh các món mới của nhà hàng! Bố chú giận chú không để đâu cho hết, như thể chú đã phá hỏng cái ngày đẹp đẽ nhất đời ông vậy.

- Ngốc thật!

- Đấy là bước đầu tiên trong quá trình tuyệt giao giữa chú và ông ấy.

Cô bé nhặt tờ Time Out New York đang rơi dưới chân lên rồi chỉ cho tôi thấy một đoạn trong bài báo được cô bé khoanh tròn.

- Còn chuyện này là thật hay người ta thêu dệt nên?

- Cháu thấy chú còn mắt nào mà đọc báo trong khi đang cầm lái thế này à…

- Họ nói là chú đã quyến rũ được vợ mình nhờ món bánh hạnh nhân!

- Đó là lối nói đã rút gọn tối đa rồi, tôi mỉm cười giải thích.

- Kể cho cháu nghe đi!

- Thời đó, Francesca vừa kết hôn với một chủ ngân hàng. Cô ấy đang nghỉ tuần trăng mật tại Coote d’ Azur, đúng khách sạn nơi chú làm việc. Chú phải lòng cô ấy ngay từ cái nhìn đầu tiên, giống như người ta nhiễm một loại virus vậy. Tối hôm đó, chú gặp lại cô ấy trên bãi biển, không đi cùng chồng. Cô ấy vừa dạo bước dọc triền sóng vừa hút thuốc. Chú hỏi cô ấy thích món tráng miệng nào nhất. Cô ấy bảo thích món cơm sữa vị va ni do bà cô ấy nấu cho…

- Rồi sau đó?

- Chú dành cả đêm để gọi điện sang Mỹ. Chú phải gặp bà cô ấy qua điện thoại để biết được công thức chính xác của món tráng miệng, đến hôm sau, chú miệt mài cả ngày trời để tạo ra món bánh tráng hạnh nhân vị cơm sữa. Chú làm khoảng chục cái rồi tặng cô ấy. Những lời thêu dệt làm nốt phấn việc còn lại.

- Khá đẳng cấp, cô bé thừa nhần.

- Cảm ơn cháu.

- Thực ra chú có nét giống Schumann đấy, cô bé đùa. Để làm đẹp lòng người mình yêu, ông viết cho nàng những bản concerto. Còn chú lại sáng tạo riêng cho người mình yêu một loại bánh hạnh nhân!

Chalon-sur-Saône, Tournus, Mâcon… đến nửa đêm thì một tấm biển chỉ dẫn hienj ra trước mắt chúng tôi: “Lyon: 60km”.

- Happy New Year, Alice nói.

- Chúc mừng năm mới, tôi đáp.

- Cháu đói bụng quá…

- Chú cũng vậy. Gặp trạm dừng nào đó ta sẽ dừng lại để mua bánh sandwich.

- Bánh sandwich! cô bé thốt lên. Cháu ăn mừng năm mới cùng đầu bếp vĩ đại nhất thế giới vậy mà người ấy lại muốn cháu xơi mấy cái bánh sandwich khốn khổ gói trong màng bọc thực phẩm cơ đấy!

Lần đầu tiên kể từ một tuần qua, tôi cười phá lên. Cô bé này cũng biết đùa đấy chứ.

- Cháu muốn chúng ta làm gì bây giờ? Chú không thể nấu cho cháu món gì đó trong xe này được.

- Ta dừng lại đâu đó chăng?

Quả là cả hai chúng tôi đã mệt lử sau khi ngồi xe một mạch bốn trăm năm mươi cây số.

- Cháu có lý, chúng ta xứng đáng được nghỉ ngơi một chút.

Hai mươi phút sau, tôi rẽ ở lối ra “Ga Perrache” để lái tiếp về phía trung tâm thành phố rồi dừng trên một chỗ đỗ dành cho xe giao hàng.

- Đi theo chú.

Bất chấp cái lạnh tê tái, thành phố vẫn náo nhiệt: âm nhạc, pháo, các nhóm hề xiếc, những gã say gào rống lên mấy bài hát tục tĩu…

- Cháu chưa bao giờ thích ngày Tất niên, Alice nói rồi kéo phéc mơ tuya áo khoác lên kín cổ.

- Chú cũng không.

Đã lâu lắm rồi tôi không đặt chân đến Lyon. Năm mười bảy tuổi tôi đã có ba tháng làm phụ bếp trong một nhà hàng gần nhà hát Opéra, nằm ở góc giao giữa phố Longue và phố Pleney.

- Đóng cửa rồi, Alice nhận xét khi đi tới trước nhà hàng Nĩa bên trái.

- Nói cho đúng, đó chính là điều chú hi vọng. Từ thời chú còn làm việc tại đay, ông chủ đã bỏ qua các bữa tối Giáng sinh và năm mới rồi.

Đầu phố có một con ngõ nhỏ thông chéo ra phố Plâtre. Giữa con đường lát gạch, tôi biết có một cánh cửa con dẫn ra khoảng sân trong thông với bếp. Dĩ nhiên là cửa khóa, nhưng đêm đó, tôi đã phạm pháp nhiều lần, đủ để không quan tâm đến chi tiết này nữa.

Căn bếp của nhà hàng khá hiện đại, cực kỳ sạch sẽ và ngăn nắp.

- Chú chắc là không có chuông báo động đấy chứ? Alice hỏi sau khi quan sát với vẻ lo lắng ô kính cửa sổ tôi vừa đập vỡ.

- Nghe này, chú không chắc chắn được điều gì, nhưng nếu chuyện đó khiến cháu sợ quá thì cháu có thể quay ra xe. Cháu có quyền nhát gan mà.

- Không, cháu có sợ đâu! Cô bé chối phăng.

- Bởi lẽ dù thế nào thì chính cháu mới là người nằng nặc đòi chú nấu cho món gì đó…

Cô bé nhìn tôi thách thức.

- OK, cháu phụ trách món mì spaghetti còn chú chuẩn bị món bánh hạnh nhân, được chứ?

- Bánh hạnh nhân ư? Không, không thể được. Chú cần ít nhất hai mươi tư giờ để làm bánh hạnh nhân đúng nghĩa. Nếu không để trong tủ lạnh qua đêm thì bánh…

- Rồi, cháu đã hiểu: chú đang mất nhuệ khí.

Nhận xét của cô bé làm tôi chạm tự ái:

- Cháu muốn nghĩ sao cũng được. Cháu định làm spaghetti như thế nào?

- Sốt Pesto, cô bé đáp rồi mở một ngăn đá ra. Trong tủ đông có húng quế tươi.

Cô bé bắt đầu thu thập nguyên liệu và tôi cũng làm công việc đó trong lúc chờ lò nóng lên.

- Đưa cho chú cái thố đít gà nào! Tôi chỉ vào cái cát trộn xa lát bằng inox.

Cụm từ tôi dùng làm cô bé phì cười. Nụ cười của cô bé vừa hiếm hoi vừa xinh xắn.

Tôi rây đường, bột hạnh nhân và ca cao vào trong thố. Cô bé ngâm húng quế vào nước ấm rồi ngắt bỏ cành, lấy khăn thấm khô từng lá.

- Pho mát Grana Padano hay Parmigiano Reggiano nhỉ? cô bé phân vân.

- Parmigiano đi! Tại sao cháu bỏ nhà đi? Tôi bất ngờ hỏi trong lúc quan sát cô bé nạo pho mát.

- Cháu… Cháu có anh bạn trai người Paris quen trong một chuyến đi dã ngoại tới Pháp do nhà trường tổ chức. Cháu muốn gặp anh ấy mà bố mẹ cháu không đồng ý.

Vẻ không được tự nhiên, cô bé mất một lúc mới trả lời được vì còn phải cân nhắc từ ngữ, gãi mũi gãi cằm, tránh nhìn vào mắt tôi. Chừng ấy dấu hiệu khiến tôi ngờ rằng cô bé đang nói dối.

- Cả hai chú cháu mình đều biết sự thật không phải vậy, đúng không nào?

Ánh mắt cô bé bấu víu ánh mắt tôi như van xin tôi đừng tìm hiểu thêm.

Tôi quay lại với món mình đang làm dở, rắc hỗn hợp có ca cao xuống lòng trắng trứng đã đánh bông trong khi cô bé cho pho mát, húng quế, hạt thông, tỏi và dầu ô liu vào bát trộn.

Khi bột đã quyện sánh, tôi dùng đầu nặn chuyên dụng tạo ra những khoanh bột tròn.

Cô bé nếm thử hỗn hợp trong bát, nêm muối, tiêu, cho thêm dầu rồi tiếp tục trộn cho đến khi có được thứ nước sốt loãng vừa phải.

- Ai dạy cháu làm như vậy?

- Cháu tự học thôi, cô bé đáp như thể đó là lẽ hiển nhiên.

Trong khi chờ cho vỏ bánh cứng lại, tôi quay sang hỗn hợp sô cô la lỏng và kem tươi, còn cô bé thì chần mì spaghetti làm từ lúa mì nguyên cám vào nước sôi.

Tôi tìm thấy trong tủ tường một hộp sô cô la đen không đến nỗi nào. Trong lúc tôi thái vụn ba thanh để làm món kem trộn kia, Alice đã nhai rau ráu một khoanh vuông.

- Thứ này phải để nhiều giờ trong tủ lạnh thì mới sánh được.

Tôi nhìn đồng hồ. Bấy giờ đã gần hai giờ sáng. Tôi cho bánh hạnh nhân vào lò rồi chỉnh ngay nhiệt độ lò cho thấp xuống.

- Chú chưa kể cháu nghe tại sao chú vừa đóng cửa nhà hàng và tống khứ tất cả mọi người đâu nhé, cô bé đưa ra nhận xét trong lúc tự rót cho mình một cốc sữa.

- Chuyện phức tạp lắm, cháu không hiểu được đâu…

Tức khắc, tôi nghĩ đến lũ kền kền ở Win Entertainment. Tôi đã buộc phải bán toàn bộ cổ phiếu cho chúng để thoát cảnh phá sản và bị chúng truất quyền sở hữu đối với tên tuổi và tác phẩm của mình. Từ giờ trở đi, tất cả các nhà hàng thuộc tập đoàn đó đều có quyền đưa những món do tôi sáng tạo vào thực đơn. Cả một đời sáng tạo bị lũ con buôn đánh cắp không chút ngại ngần. Thất bại của một cuộc phiêu lưu mà tôi đã dồn toàn bộ tâm sức từ năm mười sáu tuổi…

Một con dao gập cán ngà và gỗ mun nằm lăn lóc trên mặt bàn. Tôi nắm lấy cán dao rồi phóng về phía trước. Con dao quay nhiều vòng trong không trung trước khi cắm phập vào giữa cánh cửa làm vang lên một âm thanh trầm đục.

- Chỉ có một “Thống soái” mà thôi. Và Thống soái chính là ta.

Không nói một lời, Alice bước lại gần cánh cửa rút con dao ra đúng lúc chuông đồng hồ đếm ngược reo vang báo hiệu món bánh hạnh nhân của tôi đã chín.

Tôi rảy chút nước xuống dưới lớp giấy dầu, nước bốc hơi sẽ làm bánh róc hơn.

- Tài tình, Alice nhận xét.

Cô bé giúp tôi phết đẫm hỗn hợp kem đã chuẩn bị sẵn lên phân nửa số vỏ bánh trước khi ghép từng cặp vỏ vào nhau để tạo thành bánh hạnh nhân.

- Muốn bánh ngon hơn, lẽ ra phải để trong tủ lạnh đủ hai mươi tư tiếng, nhưng chúng ta sẽ tăng tốc bằng cách để bánh trong tủ đông một tiếng.

Trong khoảng thời gian đó, Alice đem ra hai đĩa mì, hai chú cháu đánh chén ngon lành. Vừa ăn cô bé vừa kể cho tôi nghe một loạt giai thoại: nào là ở tuổi mười bốn Mozart chỉ cần nghe qua một lần đã có thể chép lại bản nhạc Miserere của Allegri, nào là khúc Adagio của Albinoni thực ra không phải do Albinoni viết nên, rồi thì đến cuối đời, Picasso thường ký trực tiếp lên da người hâm mộ để ngăn không cho họ bán lại chúng, rồi thì trong ca khúc Hey Jules của Beatles, tiếng trống chỉ nổi lên ở đoạn thứ ba bởi Ringo Starr bận đi toa lét trong buổi thu!

Khi đã cảm thấy thoải mái và tin tưởng, giọng cô bé thay đổi lúc nào không hay. Ngữ điệu “tóp tép” hơn, âm sắc khàn đi. Lúc này, cô bé khiến tôi liên tưởng tới anh em nhà Gallagher[2] và tôi sẵn sàng đánh cuộc rằng cô bé này từng sống ở miền Bắc nước Anh.

[2]. Ca sĩ và nhạc công ghi ta của nhóm nhạc rock Oasis, cả hai đều là người gốc Manchester.

[/b]

Mặc dù có vốn kiến thức về văn hóa có thể sánh ngang bách khoa toàn thư nhưng cô bé không hề tỏ ra thông thái rởm mà đúng hơn là luôn tò mò về mọi thứ và sẵn lòng chia sẻ kiến thức. Đúng kiểu trẻ con mà tất cả các bậc phụ huynh đều mong ước…

Chúng tôi tiếp tục lái xe xuôi xuống phía Nam.

Trong vòng hai tiếng, tôi đã đi được hai trăm bảy mươi cây số, còn Alice thì được chừng ba chục cái bánh hạnh nhân.

- Cháu đau bụng, cô bé than vãn.

- Chú đã cảnh báo cháu rồi mà.

Chúng tôi dừng tại một trạm nghỉ dọc xa lộ ngay giáp Aix-en-Provence. Tôi tới quầy thu ngân thanh toán tiền xăng trong khi Alice vào toa lét. Vài phút sau, cô bé quay trở ra, mặt tái xanh, tay cầm một mớ khăn giấy.

- Cháu uống trà nhé?

- Không ạ, cháu ra xe đợi chú.

Côte d’Azur

7 giờ sáng

Phía chân trời, ngày đang ló rạng nhuốm lên bầu trời những dải màu hồng. Nằm trên đường từ Nice đi Cannes, bán đảo Cap-d’Antibes hiện ra mờ ảo giữa một vùng núi đá và thông biển.

- Cháu chỉ đường cho chú nhé, tôi dặn Alice khi chạy xe dọc bờ biển Địa Trung Hải.

Chúng tôi đi ngang qua khách sạn Eden Roc nổi tiếng, rồi Alice chỉ đường cho tôi lái tới tận cánh cổng cuối cùng của ngõ Sans-Soucis. Chính trong khung cảnh tuyệt vời tựa thiên đường này, giữa những khách sạn sang trọng và những dinh thự cỡ tỉ phú này, bố mẹ Alice sở hữu một biệt thự nghỉ dưỡng.

Cánh cổng vẫn để ngỏ. Lối đi rải sỏi dài khoảng hai trăm mét cắt ngang rừng thông dẫn tới một ngôi nhà bề thế mang phong cách thập niên 30 hướng ra biển. Một phụ nữ cao ráo và tao nhã đang đợi chúng tôi trên thềm nhà. Alice mở cửa xe, hai người bọn họ lao tới ôm chầm lấy nhau.

- Tôi là Kowalski, cô tự giới thiệu rồi chìa tay cho tôi bắt.

Cô ta hẳn phải sinh con từ khi còn rất trẻ, bởi tôi trông cô ta không quá ba lăm. Mái tóc vàng nhạt được tết rồi búi lại nom hết sức kiểu cách. Cô có ánh nhìn sáng và dữ dội; các nét trên khuôn mặt tinh tế và thanh nhã đến khó tin bất chấp một vết sẹo dài xuất phát từ cung mày rạch ngang gò má tới tận viền môi. Một sự lăng nhục bất ngờ đến nỗi ta chỉ có một mong muốn duy nhất: biết hoàn cảnh hình thành nên vết sẹo này. Cô cảm ơn tôi đã giúp đỡ và mời tôi uống cà phê, nhưng tôi giải thích rằng mình đã có hẹn trước.

Khi tôi quay ra xe, Alice liền bám theo để lấy nốt chục cái bánh hạnh nhân còn lại.

- Cháu để dành cho bữa chiều, cô bé giải thích rồi nháy mắt với tôi rồi đi về phía mẹ đang đợi.

Cô bé đi được vài mét rồi bỗng quay lại và nghiêm trang khuyên bảo tôi:

- Chú bảo trọng nhé.

Tôi lái xe ngược trở ra rồi dừng trước bãi biển nơi mở ra con đường mòn ven biển. Tôi lấy khẩu súng từ trong hộc để đồ, khóa chiếc BMW rồi tiến bước trên con đường mòn, ký ức tràn ngập trong tâm trí.

Tuy sinh ra tại Auch, nhưng Antibes mới chính là nơi lưu giữ nhiều thời khác đẹp đẽ nhất trong cuộc đời tôi. Mười bốn tuổi, bố đã gửi tôi đến trường nội trú ở Sophia-Antipolis, rất gần đây. Mười lăm tuổi, trên bờ thành lâu đài Grimaldi, tôi đã hôn Justine, mối tình thời niên thiếu. Và sau đó, tôi đã điều hành các nhà hàng Pháp của riêng mình tại khách sạn La Bastide thuộc Saint-Paul-de-Vence rồi tại khách sạn Hôtel du Cap.

Những ký ức trỗi dậy khiến tôi thốt rùng mình.

Số phận lạ kỳ thay đã đưa tôi trở lại nơi tôi có được những thành công bước đầu vào một ngày chán nản buông xuôi như thế này…

Lối đi dạo hẹp, kề đó là vách đá dốc đứng đến chóng mặt. Tôi nhảy từ mỏm đá này sang mỏm đá khác để tới gần bờ biển dốc đứng cuồn cuộn sóng, thứ đem lại cái nhìn toàn cảnh có một không hai lên thành phố sừng sững tường thành, những đỉnh núi tuyết phủ của dãy Alpes và quần đào Lérins.

Tôi dừng lại trước vầng dương màu cam đang ngự nơi chân trời. Không khí trong lành tinh khiết còn cảnh sắc chói lọi không kém gì nỗi cô đơn và bồn chồn đang khiến tôi cồn cào ruột gan.

Một ngày đẹp trời để chết.

Tôi rút khẩu súng ra khỏi túi. Lời giới thiệu của Christophe Salveyre vọng lại trong tâm trí tôi: “Một khẩu Smith&Wesson mẫu 60 cỡ nòng 38 đặc biệt”.

Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một ý niệm về hành vi tự sát. Hành vi đó là dũng cảm hay hèn nhát? Tất nhiên là cả hai đều không phải. Đó chỉ là một quyết định tuyệt vọng khi con người ta lâm vào tình cảnh không lối thoát. Phương cách cuối cùng để ra khỏi cuộc đời mình và thoát khỏi nghịch cảnh không thể chịu đựng thêm.

Trước đó, tôi vẫn luôn đối mặt, tôi vẫn luôn đương đầu. Tôi vẫn luôn vật lộn chống lại tất thảy, thúc ép số phận và áp đặt vận may, nhưng hôm nay thì khác. Tôi phải đương đầu với một kẻ thù đáng gờm: chính tôi. Kẻ thù cuối cùng. Kẻ thù nguy hiểm nhất.

Hành động của tôi không có gì là lý tính hết. Tôi không lên kế hoạch trước hàng tháng trời, nhưng cần phải có nó như một lời đáp trả duy nhất cho nỗi cô đơn đột nhiên ập tới từ vài ngày nay đang giày vò tôi, đẩy tôi trượt xuống vực thẳm.

Tôi nghĩ đến tình bạn, nhưng tôi chưa từng có bạn. Tôi nghĩ đến gia đình, nhưng tôi đã đánh mất gia đình mình. Tôi nghĩ đến tình yêu, nhưng tình yêu đã tan biến.

Hình ảnh con trai bỗng lướt qua tâm trí và tôi thử bấu víu vào đó nhưng đôi khi, ngay cả việc nghĩ tới con mình cũng không đủ để chống lại cái chết.

Tôi kề họng súng kim loại lạnh ngắt lên thái dương. Tôi lên đạn, nhìn mặt trời lần cuối, hít thở lần cuối rồi bóp cò như một sự giải thoát.

Tôi bóp cò.

Một lần.

Hai lần.

Nhưng tôi không chết.

Tôi kiểm tra ổ đạn: nó rỗng không.

Không thể thế được.

Khi rời khỏ Aulnay-sous-Bois tôi đã tự mình kiểm tra và thấy rõ ràng năm viên đạn kia mà.

Tôi quay ra xe và mở hộc đựng đồ bên trong: không thấy tăm hơi viên đạn nào. Chỉ có hai tờ khăn giấy của trạm dừng xe mà Alice dùng để lau tay. Giữa những vết bẩn dây ra từ bánh hạnh nhân sô cô la, cô bé để lại cho tôi một lời nhắn nguệch ngoạc viết vội bằng bút dạ xanh.

Chú Lempereur thân mến, à mà ý cháu là chú Jonathan.

Cháu đã mạn phép lấy hết đạn trong khẩu súng của chú và đem vứt vào thùng rác ở bãi đậu xe trong lúc chú uống cà phê. Cháu không biết tại sao chú lại mang theo thứ vũ kí này, nhưng cháu hầu như chắc chắn rằng đó là một ý tưởng tồi.

Cháu cũng biết rằng đêm nay, ngay cả khi bản thân chú không hề ổn đi nữa, chú vẫn cố gắng làm cháu vui cười và chăm sóc cháu.

Cháu lấy làm tiếc về những vấn đề tài chính chú gặp phải và về vợ của chú. Có lẽ một ngày nào đó mọi chuyện giữa cô chú sẽ được dàn xếp ổn thỏa. Nhưng cũng có lẽ chỉ đơn giản vì cô ấy không phải là tình yêu của đời chú.

Cháu đã từng không hạnh phúc suốt khoảng thời gian dài. Khi thực sự buồn, cháu vẫn bám víu vào một câu nói thỉnh thoảng được cho là của Victor Hugo, thậm chí cháu còn chép vào trong đầu tiên của nhật ký. Nó đại ý thế này: “Những năm tháng đẹp nhất đời người là những năm tháng còn chưa sống qua.”

Bảo trọng nhé, chú Jonathan.

Alice

Đọc xong những dòng này, sự sống bỗng thắng thế, tôi òa khóc một mình trong xe như một tên ngốc.