Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Napoleon Bonaparte

Chương VIII

Thất Bại Của Khối Liên Minh Quân Sự Thứ Ba

1

Cuộc liên minh quân sự lớn đầu tiên của các cường quốc Châu Âu tiến công vào nước Pháp năm 1792, trước Napoléon, đã bị đánh bại và bị thủ tiêu năm 1797 với Hòa Ước Campo Formio ký giữa tướng Bonaparte và những đại diện toàn quyền nước Áo. Cuộc liên minh thứ hai tiến công nước Pháp bị Bonaparte đánh bại lúc Bonaparte quay trở về Pháp và cũng bị tan rã sau sự phản bội của Pavel đệ nhất và khi nước Áo buộc phải chấp nhận Hòa Ước Luneville năm 1801. Năm 1805, Napoléon lại phải đối phó với cuộc tiến công thứ ba của các đại cường quốc Châu Âu. Một cuộc đọ sức mới và lớn lao đang được chuẩn bị.

Vào những năm 1804 - 1805, Napoléon nghĩ đến “một cuộc chiến tranh đế quốc” trên đất Anh, nghĩ đến “chiếm London và Ngân Hàng nước Anh”, nhưng Napoléon đã phải tiến hành cuộc chiến tranh ấy vào năm 1805 và chấm dứt nó không phải trước cửa thành London mà trước thành Vienna, tuy rằng đối phương của ông ta vẫn chỉ là một.

Vung tiền bừa bãi, William Pitt đang thực hiện nhiệm vụ thành lập Khối Liên Minh mới. Một sự hốt hoảng thật sự đã đè lên nước Anh kiêu ngạo. Vào cuối năm 1804 và đầu năm 1805, trại lính Boulogne do Napoléon lập nên đã trở thành một lực lượng quân sự đáng sợ. Một đội quân rất lớn, được trang bị hết sức đầy đủ, chỉ còn đợi lệnh đổ bộ khi sương mù bắt đầu phủ lên biển Manche. Ở Anh, người ta đang cố tổ chức một thứ tổng động viên. Như vậy là người Anh chỉ còn biết đặt hy vọng vào Khối Liên Minh. Nước Áo nhìn tình thế bất trắc một cách hài lòng. Những sự hy sinh mà nước Áo phải chịu đựng sau Hòa Ước Luneville, và nhất là từ khi Napoléon thi hành chính sách thống trị ở những nước nhỏ ở miền Tây và Nam nước Đức nặng nề đến mức độ mà nước Áo chỉ còn hy vọng duy nhất là trông chờ một cuộc chiến tranh để khỏi bị tụt xuống địa vị cường quốc loại hai. Và thời cơ tiến hành cuộc chiến tranh đó đã đến với số tiền của nước Anh. Gần như đồng thời với việc tiến hành thương lượng với Áo, Pitt cũng bắt liên lạc với nước Nga.

Napoléon biết rằng Anh rất trông mong vào một cuộc xung đột vũ trang mà Áo và Nga sẽ chiến đấu ở lục địa cho Anh. Napoléon cũng biết rằng nước Áo vừa tức giận vừa sợ hãi trước những cuộc thôn tính miền Tây nước Đức của Napoléon sau Hòa Ước Luneville, nên Áo sẵn sàng nghe theo những lời đường mật của chính phủ Anh. Và ngay từ năm 1803, qua một vài lời nói của Napoléon, người ta hiểu rằng Napoléon chưa dám bảo đảm chắc chắn là sẽ chiến thắng Anh, chừng nào bạn đồng minh bất trắc của Anh trên lục địa - “bọn đánh thuê”, như Napoléon đã gọi một cách khinh mỉa - chưa bị đánh bại. Napoléon tuyên bố với Talleyrand: “Nếu Áo nhảy vào cuộc thì điều đó sẽ có nghĩa là chính Anh buộc Pháp phải xâm chiếm Châu Âu...”.

Ngay sau khi lên ngôi, Hoàng Đế Nga Aleksandr đã chấm dứt cuộc đàm phán để kết bạn đồng minh với Napoléon do cha mình tiến hành. Aleksandr hiểu hơn ai hết “cơn trúng phong” đã làm Pavel đệ nhất chết, vì một lẽ dễ hiểu là chính Aleksandr đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị sự cố đó.

Vị Nga Hoàng trẻ tuổi cũng biết bọn quý tộc đã dốc sang Anh những nông phẩm chủ yếu và lúa mì trong lãnh địa của họ, quan tâm đến tình hữu nghị với Anh tới mức nào. Ngoài những lý do này, còn một lý do khác nữa rất quan trọng. Vào mùa xuân năm 1804, người ta đã có thể thấy hy vọng được rằng Khối Liên Minh mới sẽ gồm có Anh, Áo, vương quốc Naples (ít ra người ta đã nghĩ thế lúc bấy giờ), nước Phổ đang sợ hãi trước những hoạt động của Napoléon trên sông Rhine. Liệu nước Nga còn đợi dịp nào tốt hơn nữa để gây chiến với nhà độc tài Pháp? Napoléon sẽ không có những phương tiện và lực lượng cần thiết để đương đầu với cả một bè bối thù địch này. Việc Napoléon hành hình công tước Enghien đã làm bùng ra ở khắp Châu Âu quân chủ, lúc ấy đang sẵn sàng hành động, một cuộc vận động mãnh liệt rất hiệu nghiệm phản đối “con yêu tinh đảo Corsica” đã làm đổ máu một hoàng tử của dòng họ Bourbon. Người ta quyết định triệt để lợi dụng biến cố xảy ra rất hợp thời ấy. Ai nấy đều vội vã khuyên Đại Công Tước xứ Baden phản đối việc vi phạm trắng trợn lãnh thổ xứ Baden khi người ta bắt công tước Enghien, nhưng vị vương công xứ Baden ấy, sợ gần chết, lặng thinh, còn hối hả tìm cách hỏi ngầm giới thân cận của Napoléon xem Napoléon có được hài lòng trong cách xử sự của những nhà chức trách xứ Baden trong việc ấy không, và các nhà chức trách đó có thi hành nghiêm chỉnh những yêu sách của hiến binh Pháp không. Bọn vua chúa khác cũng chỉ dám bộc lộ kín đáo sự tức giận của họ với những người thân thiết và lòng dũng cảm của họ nhiều hay ít là do biên giới đất nước họ cách biên giới đất nước Napoléon xa hay gần quyết định. Chính điều đó cắt nghĩa tại sao Hoàng Đế Nga lại là người lên giọng kiên quyết nhất. Bằng một bức công hàm đặc biệt, Aleksandr đã dứt khoát phản đối việc vi phạm lãnh thổ xứ Baden, Aleksandr nhấn mạnh tính nghiêm trọng của việc vi phạm về phương diện luật quốc tế.

Napoléon đã đọc cho Bộ Trưởng Ngoại Giao của mình viết bức thư trả lời nổi tiếng mà Aleksandr không bao giờ quên và cũng không bao giờ tha thứ được, vì suốt đời Aleksandr chưa bị ai làm nhục một cách tàn tệ như vậy. Đại ý bức thư nói rằng: Công tước Enghien bị bắt vì đã tham dự vào một âm mưu chống Napoléon; nay thí dụ Hoàng Đế Aleksandr biết được rằng bọn thủ phạm giết người cha quá cố của mình là Pavel đệ nhất, hiện đang ở nước ngoài, nhưng chỉ có một cách cụ thể để có thể bắt bọn chúng, và nếu Aleksandr đã cho bắt bọn chúng thật thì Napoléon đâu dám phản đối việc vi phạm lãnh thổ của một nước ngoài do Aleksandr làm. Thật không còn có cách nào buộc tội Aleksandr rõ ràng, công khai và chính thức hơn nữa về tội giết cha. Toàn Châu Âu đều biết bọn mưu sát Hoàng Đế Pavel đã được sự đồng tình của thái tử Aleksandr và gã Nga Hoàng trẻ tuổi ấy, sau khi lên ngôi, không dám đụng đến lông chân của bá tước Palem, của tướng Bennigsen, của Dubov, của Talidin cũng như của bất cứ một kẻ nào khác, mặc dầu bọn này không sống ở “nước ngoài” mà sống đàng hoàng ở Peterburg và được tiếp đón vào cung điện Mùa Đông.

Mối căm thù nung nấu của Aleksandr đối với cái người đã làm cho Aleksandr nhục nhã ê chề đã có tiếng vang mạnh mẽ trong bọn quý tộc và triều thần mà chúng đã biết tâm trạng. Để mở rộng cơ sở giai cấp trong các hành động quân sự của mình và gây thiện cảm trong các giới yêu chuộng tự do, Aleksandr sẵn sàng gia nhập Khối Liên Minh thứ ba, đã công khai phát biểu bằng giấy tờ nỗi thất vọng của ông ta do những âm mưu thống trị thế giới của Napoléon gây nên và những mối tưởng nhớ, luyến tiếc mà ông ta cảm thấy về sự tiêu vong của nền Cộng Hòa Pháp. Đó là một sự giả nhân giả nghĩa vụng về: Thật ra, có bao giờ Aleksandr quan tâm đến số phận của nền Cộng Hòa Pháp, nhưng Aleksandr lại có mắt tinh và đúng để hiểu rằng việc Napoléon biến nước Pháp thành một đế quốc chuyên chế, chính là một thời cơ để phá uy tín của Napoléon đối với một bộ phận nào đó trong xã hội ở Pháp và ở Châu Âu, đối với những người còn tưởng nhớ đến cách mạng. Lời chỉ trích đượm mùi tự do đó, phê phán Napoléon là một tên chuyên quyền độc đoán, từ miệng một thủ lĩnh độc tài của một đế quốc xây dựng trên chế độ nô lệ thốt ra, là một trong những giai thoại kỳ lạ nhất của thời kỳ trước khi chuẩn bị xong cuộc tiến công mới của Khối Liên Minh thứ ba chống đế quốc Pháp mới.

Không do dự gì, William Pitt bằng lòng cấp tiền cho Nga, ngoài ra còn tỏ ý sẽ cấp tiền cho cả Áo, vương quốc Naples, Phổ và tất cả những nước nào muốn chống Napoléon.

Trong khi ấy, Hoàng Đế Pháp đã làm gì? Lẽ dĩ nhiên là Napoléon đã biết thừa thủ đoạn ngoại giao của các đối phương, nhưng vì cuộc liên minh đang hình thành chậm chạp mặc dầu Pitt đã cố gắng nhiều, và vì đến mùa thu năm 1805, Napoléon vẫn thấy rằng Áo chưa sẵn sàng tham chiến được, nên một mặt Napoléon vẫn tiếp tục chuẩn bị đổ bộ lên đất nước Anh và, mặt khác, vẫn hoạt động như thể ở Châu Âu chẳng có ai ngoài ông ta. Ông ta thấy cần thiết phải sát nhập Piedmont, thì ông ta sát nhập; thấy cần phải thôn tính Genoa và Luke thì đã thôn tính; thấy cần phải xưng là vua nước Ý và phải làm lễ đăng quang ở Milan thì đã làm như thế (vào ngày 28 tháng 5 năm 1805); thấy cần phải đem một lô các quốc gia Đức nhỏ bé như hạt bụi làm tặng vật cho đồng minh của mình, hay đúng hơn là cho các chư hầu Đức của mình, như Bavaria chẳng hạn, ông ta đã làm.

Những vua chúa Đức có đất đai ở Tây Á, nơi mà nước Áo đã hoàn toàn bị loại trừ ra sau Hòa Ước Luneville, chỉ còn trông mong vào Napoléon cứu thoát. Bọn họ lũ lượt kéo đến Paris, khúm núm và đê tiện, chen chúc xô đẩy nhau trong phòng đợi của các cung điện và của các bộ, cam kết trung thành, xin xỏ một vài mảnh đất láng giềng, tố cáo lẫn nhau, mưu mô làm hại lẫn nhau, luồn lọt đám quần thần của Napoléon, chồng chất lên Talleyrand những lời cầu cạnh và của đút. Thoạt đầu, quần thần của Napoléon ngạc nhiên, nhưng ngay sau đó họ chẳng lấy làm lạ nữa, ở cung Tuileries, họ chú ý thấy một người trong đám tiểu vương Đức ấy đứng sau ghế Napoléon, còn Napoléon thì đang đánh bài, thỉnh thoảng hắn lại cúi gập lưng xuống hôn vội vào tay ông Hoàng Đế, nhưng ông ta chẳng hề để ý.

2

Mùa thu năm 1805, Napoléon tuyên bố với các đô đốc của mình rằng ông không cần đến ba, mà chỉ cần hai, thậm chí chỉ một thôi, một ngày yên tĩnh trên biển Manche với sự bảo đảm kiềm chế được hoạt động của hải quân Anh là có thể đổ bộ lên đất Anh. Mùa sương mù sắp đến. Từ lâu, Napoléon đã hạ lệnh cho đô đốc Villeneuve rời Địa Trung Hải đến Đại Tây Dương để bắt liên lạc với hạm đội biển Manche, sau đó Villeneuve có nhiệm vụ yểm hộ cuộc vượt eo biển và đổ bộ lên đất Anh. Nhưng, bất thình lình, gần như trong cùng một ngày, hai tin cực kỳ quan trọng đến với Napoléon lúc này đang ở Boulogne với quân sĩ: Tin thứ nhất là Villeneuve không thể thi hành mệnh lệnh của Napoléon ngay được, tin thứ hai là quân Nga đã lên đường đi gặp quân Áo đang sẵn sàng tiến công Napoléon và các bạn liên minh Đức của ông ta và các lực lượng đối phương đang tiến về phía Tây.

Tức khắc, không chút do dự, Napoléon thay đổi quyết định. Thấy rõ ràng là dẫu sao William Pitt cũng đã cứu được người Anh và vấn đề không phải là đổ bộ nữa, Napoléon bèn gọi ngay tướng thân cận là Daru và giao cho chuyển đến tư lệnh các quân đoàn những kế hoạch đã chuẩn bị sẵn: Tiến hành một cuộc chiến tranh mới với nước Áo và nước Nga chứ không phải với nước Anh nữa. Việc xảy ra ngày 27 tháng 8.

Thế là trại lính Boulogne, một công trình đã phải mất hai năm ròng để tổ chức, chấm hết, hết cả những mộng chiến thắng một kẻ thù dai dẳng và khó đánh tới vì được biển cả che chở! “Nếu 15 ngày nữa ta không ở London thì đầu tháng 11 ta sẽ đến Vienna”, Hoàng Đế Napoléon đã nói như vậy trước khi nhận được những tin tức đã làm thay đổi căn bản ý định trước mắt của ông ta. London thoát, nhưng Vienna phải trả nợ thay. Trong nhiều giờ liên tiếp, Napoléon truyền đạt kế hoạch chiến dịch mới. Mệnh lệnh bay đi tứ phía để lấy tân binh bổ sung cho các đội dự bị và để tổ chức việc tiếp tế cho quân đội hành quân tiến qua nước Pháp và xứ Bavaria đến giao chiến với quân địch. Những đội thông tin liên lạc hỏa tốc đến Berlin, Madrid, Dresden, Amsterdam, mang tới những chỉ thị ngoại giao đầy uy vũ và mệnh lệnh, đầy điều kiện và tặng phẩm quý báu hấp dẫn. Không phải Paris không hoang mang, nhốn nháo, người ta báo cáo Napoléon rằng các nhà buôn, những người gửi tiền nhà băng, các nhà kỹ nghệ đều phàn nàn thầm về khát vọng xâm lược và đường lối ngoại giao của Napoléon là đã không tính đến khó khăn và cho rằng cá nhân Napoléon phải chịu trách nhiệm về cuộc nổi dậy mới và đáng sợ này của toàn thể Châu Âu chống lại nước Pháp. Người ta phản đối ngầm, dè dặt, nhưng người ta vẫn phản đối.

Nhờ vào sự tổ chức quân sự tài tình của mình, Napoléon chỉ mất có mấy ngày là đã nhổ được trại lính Boulogne khổng lồ, tổ chức hành quân và bổ sung cho quân đội đã tập trung ở đó, rồi từ bờ biển Manche qua nước Pháp, tới đất Bavaria, đất bạn đồng minh của ông. Napoléon cấp tốc hành quân, đi vòng lên phía Bắc quân Áo đóng trên bờ sông Danube và có vị trí Ulm kiên cố án ngữ sườn bên trái.

Nếu Khối Liên Minh quân sự thứ ba, đã thành hình trong tư tưởng của các hội viên chính thức từ giữa năm 1804, mà mãi một năm rưỡi sau, vào mùa thu năm 1805, mới xuất trận thì một trong những lý do chính là để chuẩn bị lần này cho thật chu đáo và để bảo đảm thắng lợi. Chưa bao giờ quân đội Áo lại được trang bị và tổ chức tốt như lần này. Đội quân của Mack có nhiệm vụ đương đầu cuộc chạm trán đầu tiên với quân tiền vệ của Napoléon, và người ta đặt rất nhiều hy vọng lớn lao vào quân đội ấy. Cuộc chạm trán đầu tiên này quyết định nhiều vấn đề ở Áo, Anh, Nga và trên toàn cõi Châu Âu, người ta mong chờ thắng lợi của Mack và cầm chắc thắng lợi vì không những các sư đoàn của Mack đã được chuẩn bị chu đáo và hoàn chỉnh về mọi mặt, mà còn vì các thủ lĩnh Khối Liên Minh cho là Napoléon sẽ không một lúc xuất toàn bộ quân ở trại Boulogne và Napoléon cũng sẽ không thúc toàn bộ lực lượng tiến gấp từ Boulogne về phía Đông Nam; cho rằng dù Napoléon có làm như vậy chăng nữa - người ta nghĩ - thì ông ta cũng sẽ không có cách gì điều động và tập trung quân kịp đến nơi đã định được.

Khi tiến vào Bavaria, Mack biết chắc chắn sẽ phải chạm trán với Hoàng Đế Pháp ở đó.

Trước cũng như sau Napoléon, sự trung lập của các nước thứ yếu đều chỉ có trên giấy tờ. Luôn luôn lâm vào tình trạng sợ hãi, vương hầu xứ Bavaria dao động trước sự đe dọa của Khối Liên Minh mạnh mẽ Áo, Nga, do Anh cầm đầu, đang bắt vương hầu nhập khối và sự đe dọa của Napoléon, người cũng đang tìm cách biến vương hầu thành nước đồng minh của mình. Thoạt tiên, vương hầu Bavaria ký một mật ước với quân Liên Minh, hứa hẹn giúp đỡ cho nước Áo trong cuộc chiến tranh vừa mới bùng nổ, nhưng vài ngày sau, khi đã suy nghĩ kỹ, vương hầu cùng với gia đình và các thượng thư của mình trốn đến thành Würzburg, nơi mà một binh đoàn Pháp do tướng Bernadotte chỉ huy đang tiến đến theo lệnh Napoléon, rồi ông ta cuốn gói sang hàng ngũ Napoléon.

Vương hầu xứ Württemberg và Đại Công Tước xứ Baden cũng trở mặt nhanh chóng như vậy. “Ngậm miệng lại, họ tạm thời bắt trái tim Đức của họ phải im hơi lặng tiếng”, đó là những điều tủi nhục được nói lên ở trong các sách giáo khoa Đức in gần đây dùng trong các trường trung học. Để khen thưởng tinh thần kháng cự dũng cảm của trái tim Đức trước những yêu sách của Khối Liên Minh, các vương hầu xứ Bavaria và Württemberg được Napoléon phong vương, cái danh hiệu mà con cháu họ còn hưởng mãi đến khi nổ ra cuộc cách mạng tháng 11 năm 1918; cũng hệt như hai vị vua mới mẻ kia, Đại Công Tước xứ Baden được mở rộng bờ cõi trên lãnh thổ nước Áo. Bọn họ còn xin tiền nhưng Napoléon đã từ chối.

Đường vào xứ Bavaria bỏ ngỏ. Các Thống Chế nhận được lệnh hành quân cấp tốc hơn, và thế là từ khắp các ngả, đi không dừng không nghỉ, họ cùng tiến về phía sông Danube. Theo lời một quan sát viên quân sự Phổ thì Bernadotte, Davout, Soult, Lannes, Ney, Marmont, Augereau cùng với các quân đoàn trực thuộc, cũng như Murat với đội kỵ binh của mình đã chấp hành những chỉ thị rành mạch của Hoàng Đế với mức độ chính xác như bộ máy đồng hồ. Chưa đầy ba tuần lễ, không đến 20 ngày, một đoàn quân to lớn đối với thời bấy giờ đã hành quân di chuyển từ biển Manche đến sông Danube mà hầu như không có bệnh binh và người đi rớt lại sau. Trong nhiều định nghĩa của Napoléon về nghệ thuật chiến tranh, có lần Napoléon đã nói phải làm thế nào để quân đội “khi sinh hoạt thì phân tán và khi đánh thì tập trung”. Các Thống Chế đã hành quân theo nhiều đường khác nhau do Hoàng Đế chỉ định từ trước, điều đó làm cho việc tiếp tế được thuận lợi, không bị ùn tắc lại ở dọc đường, và khi đến nơi, họ đã tập trung cả ở xung quanh thành Ulm, và tướng Mack cùng với phần lớn quân đội Áo như bị nhốt trong một cái túi.

Napoléon rời Paris ngày 24 tháng 9, đến Straßburg ngày 26, và đội quân của ông cũng đã tức khắc vượt sông Rhine lúc bắt đầu cuộc chiến tranh; khi qua Straßburg, Napoléon đã tiến hành tổ chức biên chế quân đội lần cuối cùng, và tiện đây xin nói một chút.

Bộ đội tiến đánh nước Áo được chính thức gọi là đại quân để phân biệt với các bộ đội dùng vào việc thành lập các đơn vị đồn trú hoặc các quân đoàn đóng giữ ở những vùng xa mặt trận. Đại quân gồm bảy quân đoàn đặt dưới sự chỉ huy của các tướng xuất sắc nhất, được cất nhắc lên hàng Thống Chế sau khi Napoléon làm lễ thụ phong Hoàng Đế.

Tổng quân số của bảy quân đoàn này lên tới 186.000 người. Mỗi quân đoàn đều có bộ binh, kỵ binh, pháo binh và tất cả các ngành hậu cần cần có trong một quân đội. Napoléon coi mỗi quân đoàn này như một tổ chức quân đội riêng biệt. Chủ lực quân của kỵ binh và pháo binh không phụ thuộc vào một Thống Chế nào và cũng không nằm trong biên chế một quân đoàn nào, mà tổ chức thành những đơn vị riêng biệt đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hoàng Đế: Thí dụ như Thống Chế Murat được Napoléon bổ nhiệm làm tổng chỉ huy kỵ binh gồm tới 44.000 người, nhưng cũng chỉ như người giúp việc, như phái viên liên lạc và chấp hành mệnh lệnh của Napoléon. Lúc cần thiết, Napoléon có thể tự ý dốc toàn bộ pháo binh và kỵ binh của mình đến ứng cứu cho một trong bảy quân đoàn.

Ngoài các quân đoàn và các đội dự bị của pháo binh và kỵ binh ra, còn có đội cận vệ của Hoàng Đế gồm 7.000 lính ưu tú (đây chỉ mới nói về năm 1805, sau này còn nhiều hơn nữa). Cận vệ binh gồm có các trung đoàn lính cận vệ và khinh kỵ binh hoặc khinh bộ binh, hai liên đội cảnh binh đi ngựa, một liên đội “Mamelukes” tuyển mộ ở Ai Cập và sau hết là một “tiểu đoàn Ý” vì Napoléon không những là Hoàng Đế nước Pháp mà còn là vua vùng Bắc và Trung Ý đã bị Napoléon chinh phục. Thực ra trong “tiểu đoàn Ý” ấy có nhiều người Pháp hơn là người Ý. Người ta chỉ tuyển vào đội cận vệ ngự lâm những người xuất sắc đặc biệt. Họ được trả lương cao, được nuôi dưỡng đặc biệt, trang phục đẹp, đội mũ cao có lông và đóng sát ngay tổng hành dinh của Hoàng Đế. Bản thân Napoléon biết rõ đời sống và quá trình công tác của một số đông trong đội quân ấy.

Napoléon rất quan tâm đến việc sắp xếp cán bộ chỉ huy, ông không ngần ngại gì mà không cấp “bằng” tướng cho những người chưa đầy 40 tuổi. Cũng có một số mới 34 tuổi đã được phong Thống Chế. Dưới thời Napoléon, tuổi trẻ là một thuận lợi cho sự thăng cấp chứ không phải là một trở ngại như hết thảy mọi quân đội thời ấy, bất kể quân đội nước nào. Kỷ luật do Napoléon đặt ra có một tính chất đặc biệt. Napoléon không cho dùng nhục hình trong quân đội. Toà án quân sự kết án tử hình hoặc đưa đi đày đối với những tội nặng, còn tội nhẹ chỉ kết án tù ở những nhà tù của quân đội.

Ngoài ra, còn có một tổ chức khác có quyền hành lớn, đó là toà án danh dự; tuy hội đồng này không được một luật lệ nào phê chuẩn nhưng với sự thừa nhận ngầm của Napoléon, nó cứ hoạt động trong toàn quân. Đây là chứng cớ về vấn đề ấy: Có hai người lính, mà tất cả đại đội đều không thấy họ có mặt trên chiến trường; nhưng sau đó, hai người này lại xuất hiện và trình bày lý do vắng mặt của họ. Cả đại đội cho rằng họ đã lẩn trốn vì hèn nhát và đã chọn trong binh lính lấy ngay ba người làm quan tòa. Cái tòa án ấy nghe tội phạm trình bày, kết họ án tử hình và xử bắn ngay lập tức. Các cấp chỉ huy đều biết cả nhưng không can thiệp và việc ấy đến đó cũng là xong. Không một sĩ quan nào được tham dự cuộc xét xử và cũng không được biết (ít ra thì cũng là không được chính thức biết) đến án tử hình đó.

Cái ông vua chuyên chế, đã tự phong cho mình chức Hoàng Đế cha truyền con nối và bắt Giáo Hoàng phải làm lễ thụ phong cho mình, qua việc cưới xin đã liên minh được từ năm 1810 với dòng họ đang trị vì nước Áo, đã biết gây cho binh lính lòng tin rằng, trước đây cũng như bây giờ, họ là những người bảo vệ tổ quốc chống lại bọn Bourbon, chống lại sự can thiệp của nước ngoài và chính bản thân Napoléon cũng chỉ là người lính số 1 của nước Pháp... Thực ra, dưới mắt Napoléon, binh lính chỉ là những cái “mồi cho đại bác”, Napoléon thường nói như vậy, nhưng binh lính tin tưởng và phục tùng mù quáng Napoléon thì lại vẫn gán cho Napoléon những biệt hiệu suồng sã, bạn bè và thân thiết. Đối với họ, bạo chúa Caesar, người mà Châu Âu run sợ và các vị vua chúa cúi rạp mình xuống, chỉ là một người lính. Trong bọn họ với nhau, họ gọi Napoléon là “Chú cai nhỏ”, “Chú bé đầu trọc”. Họ cũng tin vào câu nói của Napoléon: “Trong bao đạn của mỗi người lính đều có một chiếc gậy Thống Chế”. Đấy không phải là một câu nói vô ích. Họ thích thú nhớ lại võ nghiệp của Murat, Bernadotte, Lefebvre đã bắt đầu bằng những cấp bậc nào, cũng như vô số những danh tướng quyền cao chức trọng khác hiện đang ở bên cạnh Hoàng Đế.

Napoléon hoàn toàn tin vào sĩ quan và binh lính của mình; nhưng đối với các tướng lĩnh và Thống Chế, không phải người nào cũng được Napoléon tin, có tin cũng không khỏi không có phần dè dặt. Về vai trò quân sự của các Thống Chế thì vấn đề là như thế này: Napoléon tập hợp quanh mình một loạt nhân vật xuất sắc về nghệ thuật chiến tranh, những người này đều chỉ có một điểm giống nhau, tuy trình độ khác nhau: Ai cũng đều có nhận thức nhanh, nắm tình hình và hạ quyết tâm nhanh chóng, tài phán đoán nhạy bén của người lính tìm ra trong nháy mắt phương sách thoát khỏi một tình huống bế tắc, tinh thần ngoan cường chiến đấu khi cần thiết, và nhất là Napoléon tập cho họ đoán được ý định của mình khi chỉ nói nửa lời và sau đó tự họ thực hiện lấy. Tài chiến lược của Napoléon đã tạo cho các Thống Chế thành những người chấp hành hết sức chính xác ý định của mình mà không làm mất tính năng động độc lập của họ trên chiến trường. Một tay kiếm mù chữ và thật thà như Lefebvre, người quý phái lạnh lùng và nghiêm khắc như Davout, người kỵ binh hăng hái như Murat, nhà đồ bản và sĩ quan tham mưu thiên tài như Berthier, tất cả đều là những nhà binh pháp xuất chúng và đầy sáng tạo. Những nhân vật như Ney hay Lannes, về phương diện ấy, cũng không thua kém gì Bernadotte quỷ quyết và lo xa, Masséna làm việc có phương pháp, hoặc Marmont khô khan và thận trọng. Thật vậy, đối với họ, lòng dũng cảm cá nhân được coi là tuyệt đối cần thiết vì bản thân họ phải làm gương. Họ đã nêu tấm gương dũng cảm chiến đấu hết sức đặc biệt. Một lần, khi được người ta khen ngợi mình vì đã bao phen dũng cảm dẫn đầu kỵ binh làm nhiệm vụ, Lannes đã thốt lên một cách buồn bực: “Một người kỵ binh mà 30 tuổi chưa chết thì chưa phải là một người kỵ binh”. Lúc đó Lannes 34 tuổi, và bốn năm sau, Lannes bị đạn đại bác giết chết ở chiến trường. Lannes không những là một người kỵ binh quả cảm mà còn là một tướng tài. Những người phù tá đã được Napoléon tuyển lựa và cất nhắc lên hàng đầu là những người như vậy.

Năm 1805, khi mở màn cuộc chiến tranh chống lại Khối Liên Minh quân sự thứ ba, họ hãy còn gần đủ mặt. Chỉ thiếu Desaix đã tử trận ở Marengo. Một người nữa vắng mặt, người mà Napoléon coi trọng như những người khác: Đó là Moreau bị phát vãng, đang sống ở Châu Mỹ. Napoléon, với thiên tài rực rỡ của mình, đã đứng đầu một quân đội như vậy, và được giúp việc bởi những trợ thủ như vậy đó.

Quân đoàn của Soult và của Lannes, cũng như kỵ binh của Murat đã vượt qua sông Danube và bất ngờ đột kích vào sau lưng quân của Mack. Thấy tình hình nguy khốn, một bộ phận quân Áo chạy thoát được về phía Đông, nhưng đại bộ phận bị Ney dồn vào Ulm.

Xung quanh Mack, vòng vây càng ngày càng siết chặt. Còn một khả năng là chạy trốn, nhưng viên tướng Áo đã bị bọn gián điệp khôn khéo của Napoléon đánh lừa, nhất là Shumaster, kẻ lợi hại nhất bọn, quả quyết xin Mack cố thủ và chẳng bao lâu nữa Napoléon sẽ phải bỏ vây vì ở Paris đã nổ ra một cuộc nổi dậy chống lại Napoléon. Mack nghe với mối nghi ngờ, tên gián điệp liền báo cho quân Pháp biết; người ta bèn cho in một số báo đặc biệt nói về cuộc nổi loạn bịa đặt ở Paris. Shumaster mang tờ báo đó cho Mack, Mack đọc và yên tâm.

Ngày 15 tháng 10, Thống Chế Ney và Lannes chiếm được các điểm cao xung quanh Ulm. Tình thế của Mack trở nên tuyệt vọng. Napoléon cho người đến thương lượng đòi Mack phải đầu hàng, bằng cách đe dọa sẽ không tha một ai nếu Napoléon buộc phải đánh vào. Ngày 20 tháng 10 năm 1805, Mack giao vị trí Ulm cho Napoléon và bộ đội của Mack còn nguyên vẹn đã đầu hàng với tất cả vũ khí, quân dụng, pháo binh và cả quân kỳ. Napoléon thả cho Mack về, còn tù binh thì đưa về Pháp dùng vào việc khác nhau.

Ít lâu sau Napoléon nhận được báo cáo là Murat đã chặn đánh và bắt làm tù binh được hơn 8.000 người trong số những người đã may mắn rời bỏ Ulm trước khi đầu hàng.

Ban do 4

Sau cuộc thất bại kinh khủng và nhục nhã ở Ulm, cuộc chiến tranh của Khối Liên Minh quân sự thứ ba thế là đã thất bại, nhưng trong các bộ tham mưu Áo và Nga chỉ có một vài người hiểu ngay được điều đó. Không nán lâu ở Ulm, Napoléon và các Thống Chế của ông tiến thẳng đến Vienna, theo hữu ngạn sông Danube. Trong lúc truy kích, quân Pháp còn bắt được thêm rất nhiều tù binh. Số tù binh bắt được trong các trận trước khi thành Ulm thất thủ lên tới 29.000 người. Cộng với số 32.000 bị bắt ở Ulm, số tổn thất của quân Áo lên tới 61.000 người, chưa kể số bị chết, bị thương nặng không sa vào tay địch và số mất tích.

Trong bản thông báo những kết quả đầu tiên của chiến dịch này cho binh lính, Napoléon đã nói: “200 khẩu pháo cùng với tất cả các kho tàng đạn dược, khí tài kỹ thuật, 90 lá cờ, toàn bộ tướng lĩnh của quân thù đã nằm trong tay chúng ta. Cả cái đội quân ấy không thoát nổi 15.000 tên”.

Quân Pháp tiến rất nhanh đến Vienna. Nhưng ngày 11 tháng 11, bộ đội của Kutuzov cũng đột kích vào quân đoàn của Mortier gần Durnstein, bên bờ tả ngạn sông Danube và đã giáng cho Mortier một trận liểng xiểng. Ngày 13 tháng 11, có kỵ binh của Murat đi trước dẫn đường và cận vệ hộ tống, Napoléon tiến vào Vienna và chọn hoàng cung Schönbrunn làm bản doanh. Trước khi vội vã bỏ chạy khỏi thủ đô, Hoàng Đế Francis nước Áo đã gửi cho Napoléon đề nghị đình chiến, nhưng Napoléon không chấp nhận.

Tất cả hy vọng của Khối Liên Minh từ nay chỉ còn trông vào quân đội Nga và Nga Hoàng, nhưng chính bản thân Nga Hoàng thì lại đặt hy vọng của mình vào sự gia nhập liên minh của nước Phổ. Không bao lâu nữa, tất cả những hy vọng này sẽ tan như mây khói.

3

Vào những ngày tháng 10 năm 1805, trong lúc Mack đang bị hãm ở trong thành phố Ulm sắp sửa đầu hàng, rồi cuối cùng đã phải chịu đầu hàng thì Aleksandr đệ nhất đã có mặt ở Berlin và thúc giục Frederick Wilhelm đệ tam, vua nước Phổ, tuyên chiến với Napoléon. Frederick cũng ở trong tình trạng hoảng sợ và lưỡng lự như những vương hầu miền Nam nước Đức. Ông ta sợ cả Aleksandr lẫn Napoléon. Trong những lời đe dọa xa xôi, Aleksandr cũng đã đi đến chỗ để lộ ra rằng quân đội Nga sẽ có thể dùng vũ lực để đi qua nước Phổ, nhưng khi vua Phổ chống lại với một thái độ kiên quyết bất ngờ và chuẩn bị đối phó lại thì Aleksandr lại ưa đấu dịu. Vả lại, lúc ấy có tin rất hợp với ý đồ của Aleksandr là Napoléon đã ra lệnh cho Thống Chế Bernadotte, trên đường sang Áo, đi qua biên trấn Anspact, một thuộc địa của Phổ ở miền Nam, như vậy là đã vi phạm trắng trợn sự trung lập của nước Phổ; Frederick, một mặt bị hành động độc tài của Napoléon xúc phạm, mặt khác không ngờ tới thắng lợi của đại quân Napoléon (lúc này, Ulm chưa bị thất thủ) nên bắt đầu muốn tham gia chiến tranh với Khối Liên Minh thứ ba. Theo một mật ước cuối cùng được ký giữa Frederick và Aleksandr, nước Phổ hứa sẽ gửi tối hậu thư cho Napoléon. Xung quanh việc này, một màn kịch hết sức lố lăng đã diễn ra: Frederick Wilhelm, Hoàng Hậu Louise và Aleksandr tới lăng huyệt của Frederick đệ nhị cùng nhau thề thốt tình hữu hảo đời đời.

Cái vô nghĩa của màn kịch ấy, thuộc loại tình cảm mà thời đó người ta ưa thích, là ở chỗ trước đây nước Nga đã gây ra cũng với chính gã Frederick đệ nhị đó một cuộc chiến tranh bảy năm trời[30]. Trong bảy năm đó, lúc thì Frederick thắng quân Nga, lúc thì quân Nga giáng cho Frederick những trận thất bại đau đớn; quân Nga cũng đã chiếm được Berlin và gần như dồn Frederick vào con đường tự sát. Sau tấn hài kịch lạ lùng ấy và sau khi đã nhiệt liệt bày tỏ mối tình hữu hảo đời đời giữa người Đức và người Nga, Aleksandr rời Berlin để đi thẳng đến chiến trường Áo.

Ở Anh và ở Áo, người ta mừng quýnh. Nếu toàn bộ quân đội Phổ vượt qua rặng “núi Kim Khi” (Ore Mountains) và tham chiến thì Napoléon sẽ phải thua. Báo chí đều đã nói như vậy sau khi hứng thú thuật lại lời thề thốt mối tình hữu nghị Nga - Phổ trước linh cữu Frederick đại đế.

Dù thế nào chăng nữa, Napoléon cũng buộc phải kết thúc vấn đề trước khi nước Phổ nhảy vào Khối Liên Minh. Ngay sau khi vừa hạ xong thành Vienna, quân Pháp không mất một viên đạn đã chiếm được chiếc cầu lớn nối giữa Vienna với tả ngạn sông Danube, chiếc cầu độc nhất mà quân Áo không phá hoại. Việc chiếm được chiếc cầu này đã đẻ ra nhiều giai thoại, trong đó có một câu chuyện (không chính xác lắm và được tô điểm thêm) mà người Nga nào đã đọc phần hai cuốn Chiến Tranh Và Hòa Bình đều biết rõ. Thực tế, sự việc đã xảy ra như sau: Sau khi đã khôn khéo cho một tiểu đoàn cận vệ mai phục trong bụi rậm, Murat, Lannes, Bertrand và đại tá công binh Dode công nhiên tiến về phía đầu cầu có chiến luỹ và quân Áo phòng ngự, nhưng quân Áo đã nhận được lệnh hễ quân địch xuất hiện thì phải phá cầu; các tướng Pháp liền tuyên bố rằng hiệp định đình chiến vừa được ký kết; và thế là sau khi vượt qua cầu chẳng gặp khó khăn gì, họ cho gọi viên thiếu tướng, bá tước Auersperg đến và nhắc lại lời bịa đặt vừa rồi, và trước cả khi Auersperg có đủ thời gian trả lời, theo hiệu lệnh đã định sẵn, quân Pháp bất thần từ trong bụi xông ra, lao vào quân lính Áo và các khẩu pháo đã bố trí sẵn trên cầu. Chỉ trong nháy mặt, chiếc cầu đã bị chiếm. Tuy quân Áo cố chống cự lại nhưng bị đè bẹp ngay.

Sau khi chiếm được cầu, Murat mừng rỡ báo cáo sự việc kỳ quặc này cho Napoléon. Napoléon bèn lập tức ra lệnh cho bộ đội vượt qua cầu và xông thẳng vào quân Nga.

Quân Nga lúc này phải trải qua nhiều phen điêu đứng. Napoléon vượt qua sông Danube ở Vienna cùng với đại bộ phận binh lực với ý định chặn đường rút lui của quân Nga đang hối hả rút về phía Bắc. Kutuzov, tổng chỉ huy quân đội liên minh, đã thấy rõ muốn thoát chết chỉ còn cách rút ngay từ Corem về vị trí Osane ở phía Nam Olmutz; lúc đầu Kutuzov có 45.000 quân và Napoléon có gần 100.000 quân. Đối với quân đội Nga, câu chuyện chiếm cầu Vienna là một câu chuyện thật khó hiểu và người ta đã nói thẳng ra rằng đó là sự phản bội; người ta cho rằng quân Áo đã bí mật thông đồng với Napoléon, vì việc mất chiếc cầu đó thật là vô lý và không thể tin được. Và việc này đã giúp cho Napoléon làm chủ ngay được tả ngạn sông Danube không bị chút tổn thất nào; đã đưa toàn bộ quân Nga đến chỗ thất bại không thể tránh được. Sau những trận đánh gay go của đội hậu vệ mà Kutuzov đã phải điều đến và cầm chắc sẽ bị hy sinh để yểm hộ cho chủ lực có đủ thời gian rút lui Kutuzov đã mất chừng 12.000 người trong số ngót 45.000 người, nhưng Kutuzov đã cùng với đội quân kiệt sức của mình tránh được sự đầu hàng nhục nhã và thoát khỏi sự truy kích sát gót của Napoléon, cuối cùng đã đưa được tàn quân về đến Olmutz, nơi Aleksandr và Francis đã có mặt ở đó.

Tình hình như sau: Kể cả đội quân cận vệ và các viện binh khác từ Nga mới điều đến cộng với số quân mà Kutuzov vừa dẫn đến Olmutz và các vùng lân cận thì tổng số quân Nga lên tới 75.000 người. Quân Áo cũng còn từ 15.000 đến 18.000 người. Song, chúng ta cũng không quên một binh đoàn lớn của quân Áo đã bị Napoléon tiêu diệt trước khi thành Vienna thất thủ, và một binh đoàn khác đông hơn và được trang bị tốt hơn đang chiến đấu ở Venice với quân của Masséna, người ta đã nhận được chỉ thị của Napoléon phải quét sạch phía Đông miền Bắc Ý.

Ban do 5

Như vậy là quân Liên Minh ở quanh Olmutz có chừng 90.000 người là nhiều. Tuy vậy, trong số 75.000 lính Nga có tên trên giấy, có nhiều người không có mặt trong chiến đấu, điều này Kutuzov biết rõ hơn ai hết. Từ sau cuộc vượt sông Danube bất ngờ của Napoléon, Kutuzov sợ giao chiến, cho rằng cần phải tiếp tục cuộc rút lui, rút lui xa hơn nữa về phía Đông và kéo dài chiến tranh để có đủ thời gian cho quân Phổ quyết định dứt khoát tham chiến chống quân Pháp. Nhưng Kutuzov vấp phải một trở lực rất lớn: Nga Hoàng Aleksandr muốn mở ngay một trận tổng công kích.

Không hiểu gì về chiến tranh, nhưng lại không kém hám danh và còn tin rằng nhất định sẽ đánh thắng, tin rằng nước Phổ sẽ tham chiến ngay “sau cuộc thề thốt nổi tiếng trước linh cữu Frederick”, Aleksandr chỉ mơ tưởng đến tổng công kích. Nga Hoàng nghĩ rằng sau khi mình đã điều động đến đây những đội quân tinh nhuệ như đội cận vệ và rồi điều những lực lượng mạnh mẽ ấy đi tránh đòn của đối phương trong cái đất miền núi khốn kiếp này hàng tháng ròng, lẩn trốn trước Napoléon, đó là một quyết định đáng xấu hổ và vô tích sự.

Hoàng thân Dondukov, cận thần của Nga Hoàng, người phụ tá trẻ tuổi được nhà vua mến chuộng chỉ vì hoàng thân cũng như hầu hết các sĩ quan của đội cận vệ đã thống nhất quan niệm với nhà vua. Kutuzov biết rằng Nga Hoàng, Dondukov và tất cả bè lũ đều hoàn toàn không hiểu gì về quân sự, cho dù một vài kẻ trong bọn chúng cũng có chút hiểu biết nào đó về những mặt khác. Nhưng Kutuzov tin chắc rằng quân đội Nga đang tiến tới một tai họa và thấy rằng phải nhanh chóng tránh những đòn của Napoléon, phải đứng ngoài tầm tiến công của Napoléon, bằng cách tránh một cuộc giao chiến quyết định. Biết thế, nhưng Kutuzov cũng không còn có cách nào cưỡng lại sự nông nổi tai hại của Nga Hoàng vì y là thủ lĩnh tuyệt đối. Kutuzov là nhà quân sự xứng đáng duy nhất trong hàng ngũ Áo - Nga, là viên tướng thao lược độc nhất (trong số những người mà tiếng nói có phần nào được tin nghe) nên người ta cũng nghe Kutuzov đôi chút. Nhưng ở đây, Kutuzov đã vấp phải cái lực lượng mà Kutuzov không chống lại được, mặc dầu bản thân ông đã đoán được ngón của Napoléon.

Đang truy kích quân Nga, Napoléon dừng ngay lại khi thấy quân Nga không rút lui nữa và đóng bản doanh ở Brunn, không xa Olmutz là mấy. Điều duy nhất làm cho Bonaparte thật sự lo sợ lúc ấy là thấy quân Nga lẩn tránh và kéo dài chiến tranh. Vì ở xa nước Pháp và biết rằng Hauvite đang trên đường đi đến để gửi tối hậu thư của nước Phổ cho mình, Napoléon khao khát mở một trận tổng công kích càng sớm càng hay vì ông tin chắc rằng thắng lợi của trận tổng công kích có thể sẽ kết thúc gọn được ngay chiến tranh. Tài ngoại giao và đóng kịch của Napoléon lúc đó lại hiện ra một cách rất rực rỡ: Ông ta đã phán đoán được tất cả những diễn biến ở bản doanh quân Nga và hành động phù hợp với ý định của Aleksandr đang chống lại những cố gắng yếu ớt cuối cùng của Kutuzov muốn cứu quân đội Nga bằng một cuộc rút lui vội vã. Napoléon chủ động đóng vai một người sợ hãi, nhu nhược và nhất là sợ phải giao chiến. Napoléon thấy cần phải gợi cho đối phương thấy đây là thời cơ có một không hai để dễ dàng đánh bại quân Pháp, nhằm khích động quân Nga tiến công ngay. Để thực hiện mưu ấy, thoạt tiên Napoléon ra lệnh cho các đơn vị tiền tuyến bắt đầu rút lui, rồi cử Savary, tướng thân cận của mình, đến gặp Aleksandr đưa đề nghị đình chiến và hòa bình, và cuối cùng Napoléon còn chỉ thị cho Savary nhân danh Napoléon yêu cầu Aleksandr cho gặp riêng; trường hợp bị khước từ thì Savary phải yêu cầu Aleksandr phái người tin cẩn đến gặp Napoléon để mở cuộc đàm phán. Về phía quân Nga, người ta vui mừng, đắc chí: Bonaparte đã hoảng sợ! Bonaparte đã kiệt sức, đã bị thua! Trước hết, đừng để Bonaparte chạy thoát.

Tất cả những thủ đoạn đó của Napoléon chẳng giống tính tình của Napoléon chút nào, thật là xa lạ và nhục nhã đối với Napoléon, đến nỗi người ta tưởng rằng vị Hoàng Đế kiêu hãnh, người tướng bậc nhất của thế giới không bao giờ lại nghĩ và làm như vậy, trừ phi bị hoàn cảnh thật cấp thiết, khốn khó bắt buộc. Kutuzov và những mối lo âu của ông ta bị mất tín nhiệm và bị bác bỏ hoàn toàn. Aleksandr từ chối hội kiến với Napoléon và phái hoàng thân Dondukov đến gặp Napoléon. Sau này, Napoléon còn lấy mãi câu chuyện của người tướng trẻ trong triều đó làm trò đùa, mà trong báo chí công khai Napoléon gọi là “anh phổi bò”, Dondukov nói với Hoàng Đế Pháp bằng một giọng kẻ cả và trịch thượng cứng rắn “như nói với một tên Boyard[31] mà người ta định đem đi đày ở Siberia”, mỗi khi nhắc đến cuộc gặp gỡ ấy, Napoléon lại nói bằng giọng châm biếm như vậy.

Trong khi say sưa đóng tiếp tấn hài kịch đó, Napoléon vẫn thủ vai một người bối rối, sợ sệt, nhưng đồng thời Napoléon cũng biết rằng không nên quá cường điệu vai trò ấy và trên đời này cái gì cũng có giới hạn ngay cả sự ngu xuẩn của anh hoàng thân Dondukov. Napoléon đã chấm dứt cuộc hội kiến bằng cách tuyên bố không thể chấp nhận được những điều kiện do Dondukov đưa ra (Dondukov yêu cầu Napoléon từ bỏ nước Ý và các nước khác đã bị chinh phục). Nhưng việc từ chối ấy cũng đã được diễn đạt dưới hình thức làm cho người ta không những không giảm bớt mà còn tăng thêm ấn tượng cho rằng Napoléon do dự và sợ hãi.

Sau báo cáo đầy khích lệ do Dondukov nhận định theo ý chủ quan của y, phe Liên Minh không ngả nghiêng, do dự nữa; người ta liền hạ quyết tâm tiến công Napoléon hiện đang rút lui, suy yếu, bối rối và phải giải quyết cho xong với hắn.

Ngày 2 tháng 12 năm 1805, một năm đúng sau khi Napoléon xưng đế, ở trên cao nguyên Pratzen phía Tây làng Austerlitz, cách Vienna về phía Bắc 120km, một trận huyết chiến đã xảy ra, một trong những trận lớn nhất lịch sử về tầm quan trọng của nó và là một trong những trận phi thường nhất của thiên anh hùng ca Napoléon.

Napoléon đích thân ra chỉ huy từ đầu đến cuối: Hầu hết các Thống Chế của Napoléon đều có mặt đông đủ. Sự thất bại của quân Nga và quân Áo đã được quyết định ngay từ những giờ đầu buổi sáng, nhưng nếu các tướng lĩnh Nga không mắc phải cạm bẫy của Napoléon thì quân Nga cũng chưa gặp phải một tai họa khủng khiếp như vậy: Tính trước quân Nga và Áo sẽ tìm cách đánh chặn đường đến Vienna và đến Danube để rồi bao vây hoặc đuổi mình lên phía Bắc, dồn vào núi, nên Napoléon đã giả vờ để ngỏ, không phòng giữ mặt này và cố ý giấu kín sườn trái của mình. Khi quân Nga từ phía đó tiến lại, Napoléon đã đè bẹp được đối phương bằng những lực lượng tập trung lớn của mình đã chiếm lĩnh cao nguyên Pratzen từ trước và đánh dồn kẻ địch vào một dải hồ nửa đóng băng. Hàng trung đoàn bị chết đuối hoặc bị đạn đại bác của quân Pháp tiêu diệt và một số khác thì đầu hàng.

Đội kỵ binh cận vệ Nga hầu như bị tiêu diệt ngay từ lúc trận chiến đấu ở vào giai đoạn quyết liệt, sau một trận giao chiến ác liệt với đội kỵ binh cận vệ của Napoléon. Khâm phục tinh thần chiến đấu dũng cảm của binh lính Nga, nhưng các tướng soái của Napoléon không khỏi không lấy làm ngạc nhiên về sự cực kỳ ngu muội của các cuộc hành binh, về sự dốt nát hoàn toàn về các vấn đề chiến tranh, về tinh thần thiếu bình tĩnh và sự bất tài của các tướng lĩnh người Nga, trừ Kutuzov. Đặc biệt họ lấy làm lạ rằng Buxhoevden, chỉ huy cánh trái của quân Nga, trong tay có 29 tiểu đoàn và 22 liên đội, đáng lẽ chạy sang ứng cứu cho quân chủ lực đang bị khốn đốn thì lại dành hầu hết thời gian công kích một cứ điểm không quan trọng mà ở đó quân Pháp chỉ cần một lực lượng nhỏ không đáng kể cũng đủ phòng giữ được hàng giờ. Và cuối cùng, khi đã thấy được phải vừa đánh vừa rút lui thì Buxhoevden lại tiến hành không khẩn trương và thiếu nghệ thuật, đến nỗi hàng nghìn binh lính thuộc quân đoàn của y bị đuổi dồn đến vùng hồ để rồi bị chết chìm ở đó, vì sau khi nắm được cuộc điều quân ấy của Buxhoevden, Napoléon đã ra lệnh nã đại bác lên mặt nước đóng băng. Số sống sót đều bị bắt làm tù binh.

Hai vị Hoàng Đế Francis và Aleksandr đã trốn thoát khỏi chiến trường trước khi cơn tai biến kết thúc. Bọn tuỳ tùng cũng chạy tán loạn và dọc đường đã bỏ rơi hai vị đế vương mà chẳng bao lâu nữa, hai vị cũng phải xa lìa nhau trên mình ngựa mỗi người mỗi ngả.

Ngày mùa đông ngắn ngủi ấy kết thúc. Mặt trời rực chiếu từ buổi sớm đã lặn và nhờ có bóng tối của hoàng hôn, Aleksandr và Francis đã thoát, không bị bắt. Aleksandr hoàn toàn mất tự chủ, run cầm cập như sắp lên cơn sốt và khóc lóc. Mấy ngày sau còn phải chạy trốn cực nhọc, khốn đốn hơn nữa. Kutuzov bị thương, phải vất vả lắm mới thoát khỏi tay quân địch.

Đêm đến thì mọi việc đã xong xuôi. Tất cả các sĩ quan tuỳ tùng, các Thống Chế, các tướng lĩnh của đội cận vệ, các sĩ quan hầu cận vây quanh Napoléon và binh lính từ tứ phía chạy vội về hướng Hoàng Đế, hoan hô nhiệt liệt chào mừng Napoléon ngồi trên mình ngựa, vượt qua cánh đồng rộng bát ngát và mỗi bước vó ngựa va phải biết bao nhiêu xác người và vật nằm rải rác khắp cánh đồng. Chừng 15.000 quân Áo và Nga bị giết, 20.000 bị bắt cầm tù, hầu hết pháo của đối phương bị tước và nhất là đội quân Nga - Áo đã bị tiêu diệt thật sự, số tàn quân bỏ chạy tán loạn đi tứ phía, bỏ lại rất nhiều kho tàng, tất cả quân dụng, vô số lương thực. Đó là những nét lớn về kết quả của cuộc chiến thắng đó. Quân Pháp bị thiệt mất ngót 9.000 người so với con số 80.000 bên liên minh.

Ngày hôm sau, trong tất cả các quân đoàn, người ta đọc bản nhật lệnh của Napoléon: “Hỡi các binh sĩ! Ta rất lấy làm hài lòng về các người, các người đã chứng minh lòng son dạ sắt của các người trong trận Austerlitz! Các người đã tô điểm cho lá quốc kỳ của các người bằng một vinh quang bất diệt! Một đội quân do các Hoàng Đế Nga và Áo chỉ huy đã bị tiêu diệt hoặc tan tác chưa đầy bốn tiếng đồng hồ. Những kẻ thoát được viên đạn của các người thì bị chìm dưới đáy hồ...” Hoàng Đế Francis lập tức tuyên bố với Aleksandr chỉ có điên rồ mới tiếp tục chiến đấu. Aleksandr đồng ý ngay. Hoàng Đế Áo đề nghị Napoléon cho hội kiến và Napoléon đã tiếp Francis ở ngay nơi lộ doanh của mình, thuộc vùng lân cận Austerlitz. Napoléon nhã nhặn đón tiếp Francis nhưng trước hết ông đòi tàn quân Nga phải rút ngay ra khỏi nước Áo và tự mình quy định các chặng đường và tuyên bố là chỉ thương lượng hòa bình với nước Áo. Francis đồng ý tất cả.

Cuộc liên minh quân sự thứ ba kết thúc.

4

Suốt trong 15 ngày cuối tháng 11 và những ngày đầu của tháng 12, Pitt lo âu chờ đợi tin tức một cuộc tổng công kích. Người đứng đầu chính phủ Anh, người sáng lập và linh hồn của cuộc liên minh chống Napoléon biết rằng từ nay trở đi nước Anh vĩnh viễn tránh được một cuộc xâm lược, vì ngày 21 tháng 10 năm 1805, trong trận Trafalgar, đô đốc Nelson đã công kích và tiêu diệt được hạm đội phối hợp của Pháp và Tây Ban Nha; bản thân đô đốc Nelson đã hy sinh trong trận chiến đấu. Napoléon không còn hạm đội nữa.

Nhưng William Pitt còn có những nỗi lo sợ khác. Cùng với giai cấp tư sản thương mại và kỹ nghệ Anh, Pitt biết rằng chưa phải mọi việc đã kết thúc, vì Napoléon đang nhằm loại trừ hoàn toàn các thương gia Anh ra khỏi các thị trường buôn bán của các nước Châu Âu mà trước sau tất sẽ rơi vào tay Napoléon một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Vả lại, nhờ cậy vào những quốc gia trù phú trên lục địa cùng với những hải cảng và những xưởng đóng tàu của những quốc gia đó, Napoléon hoàn toàn có khả năng xây dựng một hạm đội khác và lập lại trại lính Boulogne.

Sự thất bại đau đớn của Mack ở Ulm, việc Napoléon đã tiến vào thành Vienna, việc rút lui như cuộc chạy trốn của Kutuzov bị quân của Napoléon truy kích, tất cả những cái đó đã làm cho Pitt lo lắng buồn bã. Tuy vậy, việc gia nhập thực sự vào Khối Liên Minh của nước Phổ đã làm sống lại những hy vọng của Pitt. Ở vùng Olmutz, thuộc xứ Moravia xa xăm, câu hỏi lớn sau đây phải được giải quyết: Nền chuyên chính của Napoléon trên một nửa Châu Âu sẽ bị lật đổ hay là cả nửa lục địa kia sẽ rơi vào quyền lực của Napoléon.

Rồi những tờ báo đầu tiên (Hà Lan) bay đến London báo cái tin khủng khiếp: Khối Liên Minh thứ ba đã bị dìm trong biển máu và trong nhục nhã ở chiến trường Austerlitz. Ở nghị trường, người ta lớn tiếng quở trách Pitt về những ảo tưởng tai hại của Pitt, phe đối lập đòi Pitt rút lui, nêu ra sự nhục nhã mà nước Anh cũng sẽ phải chịu, tiền của nước Anh đổ đi hàng triệu đồng để cấu tạo nên một Khối Liên Minh dâng mình cho thất bại vì bọn tướng lĩnh bất lực vô tài. Pitt, đầu óc căng thẳng, không chịu được sự thử thách đó, đã lăn ra ốm liệt giường; vài tuần sau, vào ngày 23 tháng 1 năm 1806, Pitt chết. Trận Austerlitz, như người ta nói lúc bấy giờ, đã giết chết được kẻ thù dai dẳng nhất và giỏi nhất trong số kẻ thù của Napoléon. Chính phủ Anh, do James Fox đứng đầu, quyết định thương lượng hòa bình với Napoléon.

Thắng lợi của Napoléon thật không thiếu một thứ gì. Napoléon buộc người ta nhận những điều kiện của mình, và cũng như những kẻ chiến bại, những kẻ còn đứng ngoài vòng chiến cũng cúi mình trước Napoléon. Napoléon đã khuếch trương thắng lợi rực rỡ của mình bằng một sự khôn khéo phi thường. Nhà ngoại giao Phổ Hauvite, sau một cuộc đi dài đằng đẵng, đến Vienna với bức tối hậu thư của Frederick Wilhelm, nhưng điều đầu tiên mà Hauvite làm là vội quên ngay sứ mệnh ấy của mình. Đến trước Napoléon, với một nụ cười khôn khéo trên môi, Hauvite cúi rạp người xuống đất chúc tụng Hoàng Đế về việc ông ta đã giáng cho cả cái bè lũ ấy một thất bại nhục nhã. Hauvite sợ đến chết đi được, giống như đức vua của ông ta khi thấy sắp đến lúc phải chịu hậu quả ác nghiệt của lời thề thốt trước mộ Frederick và của những lời chửi bới bậy bạ mới đây. Hauvite bắt đầu: “Hạ thần xin mừng Bệ Hạ về thắng lợi của Bệ Hạ”. Napoléon ngắt lời: “Số phận đã làm thay đổi người nhận những lời chúc mừng của ngài”.

Thoạt tiên, Napoléon thét lên, nói rằng ông ta đã khám phá mọi âm mưu xảo quyệt của nước Phổ, nhưng sẽ bằng lòng quên đi và tha thứ cho, miễn là nước Phổ liên kết với Napoléon, với điều kiện: Phổ sẽ nhường lại hạt Anzpac cho Bavaria, nước Phổ sẽ nhường lại các nước vương hầu Neuchâtel và Clèves cùng với thành phố Veden cho nước Pháp; để đền bù lại, Napoléon cho nước Phổ đất Hanover bị quân Pháp chiếm giữ từ năm 1803 và đang thuộc quyền vua nước Anh; với tư cách một nước liên minh với Pháp, Phổ sẽ tuyên chiến với Anh, Hauvite chấp nhận tất cả những điều kiện ấy, và nhà vua của ông ta phê chuẩn ngay, và lấy làm sung sướng về nỗi đã giũ được cái nợ ấy bằng giá rẻ đến thế. Xứ Bavaria, đồng minh của Pháp nhận xứ Tyrol của nước Áo và hạt Anzpac của nước Phổ nhưng nhường lại cho Napoléon khu vực kỹ nghệ giàu có Berger. Cuối cùng nước Áo còn phải nhượng lại cho Napoléon vua nước Ý toàn bộ miền Venice và những đất đai do Venice chiếm ở Florence, Ixtori và Denmark. Nước Áo bị mất 1/6 dân số (4 triệu dân trong số 24 triệu dân), 1/7 số lợi tức của Nhà Nước, một vùng đất đai rộng lớn và còn phải nộp 40 triệu florin[32] vàng tiền chiến phí cho người thắng trận.

Hòa ước được ký kết ngày 26 tháng 12 năm 1805 ở Pressburg. Trước đó vài ngày, một cuộc hợp tác chặt chẽ về mặt tiến công và phòng ngự đã được ký kết giữa Napoléon, Bavaria, Württemberg và Baden. Những đoàn vận chuyển vô tận chuyên chở chiến lợi phẩm lấy được ở Áo lên đường về Pháp và sang Ý. Đặc biệt là trong số chiến lợi phẩm ấy có 2.000 cỗ đại bác và 100.000 khẩu súng trường lấy được ở trong các kho quân giới hoặc thu được ở chiến trường. Nhưng Napoléon chưa rời khỏi nước Áo đã bị quỵ phục trước khi làm xong một công việc khác. Tháng 10 năm 1805, sau trận Trafalgar, vua xứ Naples là Ferdinand và Hoàng Hậu Caroline chìm đắm trong cái ảo tưởng thú vị rằng thế nào rồi Napoléon cũng thua nên đã liên kết với nước Anh và nước Nga. Triều đại Bourbon ở Naples đã phải tủi nhục chịu đựng mãi cái ách của Napoléon mà nó căm ghét. Hoàng Hậu xứ Naples, Marie Caroline, là em gái Marie Antoinette, từ lâu đã tỏ ra có thái độ thù ghét nước Pháp cũng như Napoléon, và ngay trước mặt viên đại diện Pháp Ankier, Caroline cũng đã nói thẳng ra rằng mụ có ước vọng được thấy vương quốc Naples trở thành que diêm đốt bùng lên đám cháy lớn. Phái viên của Napoléon đã nói cho Caroline biết rằng nếu có trường hợp như vậy thì trước hết cái que diêm sẽ bị cháy, dù kết quả đám cháy có đến thế nào đi nữa. Thật ra, sau trận Austerlitz, que diêm đã bị đốt cháy trong khoảnh khắc: Triều đình Naples đã phải chịu đựng ác quả của sai lầm đó một cách khủng khiếp. “Bọn Bourbon đã hết thời trị vì ở Naples”, Napoléon tuyên bố như vậy và ra lệnh ngay cho quân đội Pháp đến chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ vương quốc ấy. Bọn Bourbon chạy trốn ra Sicily dưới sự bảo trợ của hạm đội Anh và Napoléon bèn đưa anh là Joseph lên làm vua xứ Naples. Rồi sau khi đã ban thưởng bằng tiền bạc, huân chương, đề bạt các tướng lĩnh, sĩ quan và binh lính có công trong chiến dịch, trong đó có một số được đề bạt vượt hai hoặc ba cấp. Napoléon từ Vienna trở về Paris, đến ngày 26 tháng Giêng, được đông đảo quần chúng hoan hỉ đón tiếp. Sau đó, Napoléon được tin kẻ thù không đội trời chung của mình đã chết (tức là Pitt-N.D) trước khi Napoléon về tới Paris ba ngày và nước Anh muốn hòa bình. Từ nay trở đi, Napoléon có thể tự coi mình thực sự là Charlemagne, vị Hoàng Đế của Phương Tây.

5

Trước khi William Pitt chết, Napoléon không còn có thể trông mong một sự thay đổi đường lối chính sách của chính phủ Anh. Nhưng từ khi James Fox, kẻ kình địch muôn đời của Pitt trong lĩnh vực đối ngoại, nên nắm chính quyền thì ở Châu Âu người ta đã bắt đầu nói đến một nền hòa bình sắp tới giữa nước Pháp và nước Anh. Thực ra, các cuộc đàm phán đã bắt đầu và James Fox đã cử ngài nghị sĩ Yarmouth đến Paris để tiến hành thương lượng. Napoléon không hề tin những hy vọng hòa bình có thể thành sự thật được, nên tháng 2 năm 1806, đã bức Phổ cắt đứt quan hệ với Anh; hơn nữa, Napoléon còn tìm cách tách Phổ không những ra khỏi nước Anh mà ra khỏi cả Nga nữa để giáng cho Phổ một đòn quyết định.

Ngay từ đầu năm 1806, vua Phổ đã bắt đầu thấy mình bị lừa vào tình thế nguy khốn đến chừng mực nào. Đúng là Napoléon đã “tha thứ” cho Phổ và cũng đã ngỏ ý muốn Phổ hợp tác với Pháp và hứa đem Hanover cho Phổ. Nhưng khi Anh trả lời Phổ bằng các tuyên chiến với Phổ thì Napoléon đã vì thế khước từ việc nhượng lại Hanover, và duy trì quân đội ở lại đó. Cùng lúc ấy, Frederick Wilhelm bất ngờ biết nhiệm vụ của ngài nghị sĩ Yarmouth ở Paris. Wilhelm còn biết thêm là Napoléon đã thoả thuận với Yarmouth rằng nếu Anh tiến hành hòa bình với điều kiện có lợi cho Napoléon, Hanover sẽ được hoàn lại cho vua Anh. Triều đình và chính phủ Phổ đã nhìn thấy người ta lừa bịp mình đến thế nào. Lòng công phẫn lên cao nhất và đặc biệt là ở các giới mà suốt trong năm 1805 đã xin Frederick Wilhelm gia nhập liên minh thứ ba nhưng không được chấp thuận. Họ nói chắc rằng nếu gia nhập Khối Liên Minh, thì đã có thể tránh được trận Austerlitz cứu được nước Phổ thoát ra khỏi cảnh cô lập như hiện nay nó đương đứng trước Napoléon.

Vào thời kỳ này, Napoléon quyết định hợp pháp hóa và củng cố quyền hành vô hạn độ của mình trên miền Tây và một phần ở miền trung nước Đức, bằng cách thành lập Liên Bang Sông Rhine. Giữa năm 1806, Liên Bang ấy được chính thức thành lập và sắc lệnh thành lập đã được tất cả các quốc gia Đức ký vào ngày 12 tháng 7, do Napoléon hạ lệnh, gồm có: xứ Bavaria, Württemberg, địa hạt chủ giáo Ratisbonne, Đại Công Quốc Nassau và tám hầu quốc Đức khác. Liên Bang đã “tuyển cử” Hoàng Đế Napoléon với tư cách là người bảo hộ, và để tỏ lòng biết ơn, Napoléon đã vui lòng nhận chức vụ tối cao ấy, Liên Bang đã cam kết giao 63.000 người cho Napoléon tùy ý sử dụng trong trường hợp có chiến tranh xảy ra. Một loạt các nước tiểu vương quốc độc lập trước kia chỉ công nhận dòng họ Habsburg là chúa vương kế tục, thì từ nay phải phụ thuộc vào các quốc gia Liên Bang Sông Rhine và phải sát nhập đất đai của mình vào các quốc gia đó. Cái “Đế quốc thần thánh La Mã German” - như người ta vẫn gọi để chỉ bá quyền của Hoàng Đế Áo trên nước Đức bị cắt vụn và chỉ các vị hoàng tử có thực quyền độc lập trong miền họ cát cứ - như vậy là trong thực tế đã không còn nữa. Năm 1806, theo yêu cầu khẩn cấp của Napoléon, Hoàng Đế Francis đã phải bỏ cái danh hiệu “Hoàng Đế của Đế Quốc Thần Thánh” lưu truyền đúng 1.000 năm.

Công cuộc chiếm đoạt mới đó đã mang lại cho Napoléon rất nhiều lãnh thổ mới, nên đã làm cho triều đình và chính phủ Phổ xôn xao và tức giận đến cực độ. Quả là cái Liên Bang Sông Rhine đã đặt Napoléon vào giữa lòng nước Đức và gây nên mối uy hiếp trực tiếp cho sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Phổ. Mối nguy hiểm càng tăng lên vì trong khi chuẩn bị thành lập Liên Bang Sông Rhine, Napoléon đã tiến hành bổ nhiệm một số chức vị mà thực ra chỉ là một sự bành trướng trá hình của đế quốc Pháp, gây tổn hại cho các quốc gia mới.

Ngày 15 tháng 3 năm 1806, Murat được bổ nhiệm làm Đại Công Tước xứ Clèves và Berger được phong làm vua xứ Naples và Thống Chế Berthier làm công tước vùng Neuchâtel; ngày 5 tháng 6, một người em khác của Napoléon, Louis Bonaparte, được phong vương ở Hà Lan, Bộ Trưởng Ngoại Giao Talleyrand làm hoàng tử xứ Bénévent, và Thống Chế Bernadotte làm hoàng tử xứ Pontecorvo ở miền Nam nước Ý. Tất cả các vua chúa và hoàng tử ấy đều không phải là chư hầu mà chỉ là các phó vương hoặc là quan toàn quyền của Napoléon và cả Châu Âu đều hiểu là thế.

Giữa lúc đó, Napoléon vẫn lại chuẩn bị chiến tranh. Tháng 6, sau khi tạo nên cái Liên Bang Sông Rhine, Napoléon tuyên bố với Hội Đồng Lập Pháp là ông có một đội quân 450.000 người và những phương tiện đủ nuôi dưỡng nó mà không phải vay mượn cũng không bị thiếu hụt. Napoléon bắt đầu vào việc tập trung 200.000 quân ở hai bên bờ sông Rhine thuộc vùng Alsace, Lorraine và các quốc gia Liên Bang Sông Rhine. Có những tin dữ đồn rằng Hoàng Đế Pháp đang chuẩn bị những cuộc thôn tính mới.

Ngày 6 tháng 7, nhà ngoại giao Nga Oubril, do Aleksandr cử đi Paris, lấy cớ là đến để thương lượng riêng về vấn đề cửa biển Cattaro, nhưng thực ra là để tìm hiểu và xác minh xem có thật có khả năng hòa bình giữa Anh và Pháp không; nhưng chừng hai tuần lễ sau khi Oubril đến, Talleyrand, bằng những quỷ kế, đã thành công trong việc ký hòa ước sơ bộ với Nga. Thế là từ nay trở đi, mọi việc đều tuỳ thuộc vào kết quả của các cuộc thương nghị giữa Talleyrand và ngài Yarmouth, vì Aleksandr chỉ phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hòa ước sơ bộ do Oubril ký ở Paris khi nào mình đã nắm vững tình hình thương nghị giữa Talleyrand và Yarmouth.

Nhưng không thể có hòa bình với nước Anh được. Quyền lợi chính trị và kinh tế của các giai cấp lãnh đạo Anh không thể nào phù hợp với nền chuyên chính của Napoléon trên một nửa lục địa. Trong khi đang thương nghị, Napoléon không những không đả động gì đến việc nhượng bộ, mà còn không ngừng đưa ra những yêu sách mới; ông ta nói đến Ai Cập, Syria...

Bỗng một hôm (ngày 13 tháng 9), tin Bộ Trưởng Ngoại Giao Anh là James Fox từ trần bay đi khắp Châu Âu, mà James Fox lại là người độc nhất chủ trương hòa bình với nước Pháp mà nước Anh tin cậy.

Ở Phổ, phái kiên quyết phản đối những cuộc xâm lấn của Napoléon lại ngóc đầu dậy: Từ nay trở đi rõ ràng là nước Anh hay nước Nga đều không thể thực hiện hòa bình được với Napoléon. Đầu tháng 9, Frederick Wilhelm đang từ giận dữ chuyển sang sợ hãi, lúng túng, không biết nên giải quyết thế nào thì nay lại lấy làm sung sướng vô cùng sẽ được thấy một cuộc liên minh mới tái sinh. Cũng ngày James Fox chết, ngay khi chưa nhận được tin bệnh tình của James Fox đã kết thúc một cách rủi ro, vua Phổ đã quyết định cho quân đội tiến vào đất Saxony. Ba tuần sau, người ta được tin Tây Ban Nha hoàn toàn sẵn sàng gia nhập Khối Liên Minh tương lai nếu thắng lợi được bảo đảm chắc chắn và những cuộc điều đình bí mật đã được xúc tiến giữa triều đình Tây Ban Nha và Frederick Wilhelm.

Nỗi phẫn uất và bực dọc sôi lên giữa giai cấp quý tộc và một bộ phận của giai cấp tư sản Phổ. Người ta buộc tội nhà vua nhu nhược, Hauvite tội phản bội. Bọn quý tộc căm thù Napoléon, cho rằng cá nhân Napoléon phải chịu trách nhiệm về việc đã tiêu diệt chế độ phong kiến cổ xưa xây dựng trên chế độ nông nô; giai cấp tư sản thì hốt hoảng cuống cuồng khi thấy hàng rào thuế và những hàng rào khác mà Napoléon đã rất tích cực dựng lên để ngăn nước Phổ với các nước chư hầu của ông ta, họ hốt hoảng cuống cuồng khi thấy cái công trình nghiệt ngã mà Napoléon đương thực hiện chỉ để có lợi cho nền kỹ nghệ Pháp và gây thiệt hại cho bất cứ nước nào khác. Trong hàng ngũ sĩ quan, trong số các tướng lĩnh xuất hiện một không khí táo bạo và lòng mong muốn trả thù những sự xúc phạm, những sự bội phản và thái độ khinh thị mà Napoléon luôn luôn biểu thị trắng ra trong bất cứ trường hợp nào đối với nước Phổ. Hoàng Hậu Louise là người cầm đầu bọn quý tộc và võ quan đó. Từ nước Anh và Nga, lúc ấy còn đàm phán một cách vô hiệu với Napoléon, tới tấp bay về Phổ đủ các kiểu khích lệ nhân tâm và tăng cường lòng tin tưởng. Nhận định căn bản khiến nhà vua phải quyết định ngay thái độ: Dù thế nào Napoléon cũng sẽ gây chiến, dầu người ta có nhượng bộ Napoléon - Người ta quyết định gửi cho Napoléon một kiến nghị về những ý đồ của Napoléon đối với Phổ. Vị Hoàng Đế ấy không trả lời.

Quân đội Phổ di chuyển. Các trung đoàn lên đường về phía Tây, nối đuôi nhau tiến qua Berlin về Magdeburg hát những bài ca ái quốc và Hoàng Hậu Louise đến gặp binh lính, biến các cuộc gặp gỡ ấy thành trung tâm của các cuộc biểu tình. Vua Frederick Wilhelm lên đường đi chinh chiến cùng với quân đội lúc đó đang tập trung ở xung quanh và ở phía Tây Magdeburg. Frederick gửi bức kiến nghị thứ hai cho Napoléon đòi quân đội Pháp rút khỏi lãnh thổ nước Phổ. Để đáp lại, Napoléon dẫn đầu quân đội của mình vượt biên giới xứ Saxony, nơi mà quân đội Phổ đã tiến vào từ trước.