Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Napoleon Bonaparte

Chương V

Những Bước Đầu Của Nhà Độc Tài

1

Kể từ chiều ngày 19 Tháng Sương Mù, ở Saint Cloud, khi Murat báo cáo lên Napoléon rằng phòng họp của Hạ Nghị Viện đã được quét sạch và công việc tiến hành tốt đẹp, thì tướng Bonaparte đã trở thành vị chúa tể độc tôn của nhân dân Pháp trong suốt 15 năm trời.

Dù trong năm năm đầu, Napoléon tự xưng là đệ nhất Tổng Tài, và 10 năm sau là Hoàng Đế, dù nước Pháp thoạt tiên gọi là một nước Cộng Hòa và về sau là một đế quốc thì nước Pháp cũng không thay đổi gì về thực chất, kể cả về nền tảng xã hội của chế độ mới cũng như về bản chất của nền chuyên chính quân phiệt Napoléon. Nền chuyên chính của giai cấp tư sản phản cách mạng đã được thiết lập như vậy đó, nền chuyên chính của cái gia cấp trong khi đi tìm lợi nhuận, đã dẫn nước Pháp đến bờ vực thẳm và biết rằng mình mất trí, “mất tin tưởng vào năng lực chính trị của mình”, đã đi đến kết luận duy nhất là: Chỉ có bóp nghẹt được nền dân chủ cách mạng, chỉ có núp dưới sự bảo hộ của một chính quyền mạnh mẽ và vững vàng, dẫu rằng chuyên chế, dẫu rằng phải hiện thân ở người võ quan tàn ác, ngông ngạo là Bonaparte, thì xã hội tư sản mới có thể tự do phát triển được và mới bảo đảm được cho tư bản tư nhân tha hồ hoạt động.

Bonaparte hoàn toàn thấm nhuần những nguyên tắc cơ bản đó của Nhà Nước mới. Ông ta đã mang tất cả sức mạnh thiên tài của mình để củng cố những nguyên tắc đó, và trước hết, lợi dụng triệt để cả những điều kiện khách quan thuận lợi cho ông ta trở thành người thủ lĩnh độc nhất và tuyệt đối của cái Nhà Nước mới đó. Trong khi Bonaparte hủy bỏ, thành lập và thay đổi những cơ quan của Nhà Nước thì làm thế nào mà ý nghĩa và mục đích của chúng lại có thể hoàn toàn không thay đổi được: Chúng phải làm cho bộ máy Nhà Nước biến thành công cụ phục vụ cho quyền lực tối cao của Bonaparte.

Nhưng nếu trong mọi công cuộc của mình, Napoléon đều nhằm mục đích cuối cùng là xây dựng và củng cố quyền hành tuyệt đối của mình, thì để đạt được Napoléon đã dùng đến nhiều biện pháp rất khác nhau, trong số đó, phải kể đến tài ngoại giao, đến nghệ thuật ký kết các tạm ước, các cuộc ngừng chiến, nghệ thuật biết chờ thời và kiên nhẫn. Sau này, Napoléon bắt đầu mất những tài năng đó, những tài năng mà ông ta có rất dồi dào trong những năm đầu nắm chính quyền. Napoléon đã nói về bản thân mình rằng lúc thì đóng vai con cáo, lúc lại đóng vai sư tử: Theo ông ta, bí quyết để thống trị chỉ là biết lúc nào phải làm cáo và lúc nào phải làm sư tử.

Và chính là trong thời kỳ chế độ Tổng Tài, Napoléon đã xây dựng được bộ máy chính quyền tập trung (hoàn toàn thích ứng với nền quân chủ chuyên chế), bộ máy mà không một chính phủ nào ở Pháp, sau Napoléon cho đến ngày nay, muốn từ bỏ hay muốn sửa đổi, trừ Công Xã Paris.

Những cải cách về hành chính của Tổng Tài thứ nhất không phải là biện pháp duy nhất của ông ta đã từng luôn luôn kích động và hiện đang tiếp tục kích động tình cảm của những nhà tư tưởng tư sản ở trong và ngoài nước Pháp, họ còn tán dương vị Tổng Tài thư nhất đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc yên ổn làm giàu trong thương nghiệp và công nghiệp; nói tóm lại, Napoléon quy kết thành một hệ thống sáng sủa và có hiệu lực tất cả những cái đã thúc đẩy giai cấp đại tư sản đánh đổ và triệt tiêu những thắng lợi của năm 1789 và của những năm sau. Với tư cách là “người sáng tạo” ra những hình thức biểu hiện của tình trạng và quyền thống trị kinh tế của giai cấp tư sản, vai trò xây dựng của Napoléon đã bộc lộ một cách đặc biệt rõ rệt trong suốt thời kỳ Tổng Tài, điều đó đã làm cho Napoléon rất nổi tiếng, không phải chỉ trong những năm đầu ông ta nắm chính quyền, mà còn cả dưới con mắt những nhà viết sử tư sản hiện đại, phản ánh những quan điểm của giai cấp thắng thế.

Như vậy là viên tướng 30 tuổi ấy, từ trước đến nay chẳng làm gì khác hơn là chiến đấu, người đã chinh phục nước Ý, đã chinh phục Ai Cập, người đã thủ tiêu chính phủ hợp pháp của nền Cộng Hòa trong phút chốc, buổi tối ngày 19 Tháng Sương Mù đã trở thành người cầm đầu một trong những nước lớn nhất ở Châu Âu. Nhưng thực tế, lúc ấy ông ta không biết điều đó và cũng chưa có cơ hội để biết. Chỉ tính từ thời Clovis[24], đất nước ấy đã có 15 thế kỷ lịch sử, rồi cách mạng đã phá hủy cái vương quốc già nua 1.500 tuổi ấy, quật đổ cùng một lúc cả chế độ phong kiến lẫn nền quân chủ gắn liền với nó; nền Cộng Hòa đã được thiết lập và giờ đây, một người quý tộc đảo Corsica làm tướng của chính cái nước Cộng Hòa đó, đã lật đổ chế Cộng Hòa và trở thành ông chúa đất nước.

Trước mắt Napoléon ngổn ngang những đống đổ nát khổng lồ của chế độ cũ cũng như cả một khối lớn vật liệu mới do cách mạng đẻ ra. Napoléon đứng trước bao nhiêu việc đã làm và chưa làm xong, bao nhiệu việc đã khởi công và bỏ dở, bao nhiêu việc đã bắt đầu và bắt đầu lại; tất cả đều ở trong tình trạng hỗn độn và cấp bách.

Về mặt đối ngoại, vị Tổng Tài thứ nhất cũng phải đối phó với một tình thế khó khăn và nguy hiểm đến cực độ. Trong khi ông ta đi chinh phục Ai Cập, cuộc Liên Minh Châu Âu thứ hai đã cướp mất của Pháp nước Ý. Chiến dịch của Suvorov đã tiêu hủy mọi chiến quả mà Bonaparte thu được vào những năm 1796 - 1797. Sự thật là sau khi vượt qua núi Apls, Suvorov thiếu lực lượng và phương tiện cần thiết để xâm chiếm nước Pháp, nhưng Khối Liên Minh không hạ khí giới và chắc rằng sang xuân người ta có thể thấy kẻ thù ở biên giới nước Pháp. Ngân quỹ sạch trơn; nhiều quân đoàn không nhận được tiền để chi ăn từ mấy tháng nay.

Với thái độ chăm chú và giễu cợt, những nhà chính khách lão luyện đang chờ xem trước những hoàn cảnh phức tạp, rối bời và ngặt nghèo như vậy, chàng thanh niên người Corsica, ngoài nghề lính ra chưa hề làm nghề gì khác và cũng chẳng biết gì hơn, sẽ xoay xở ra sao.

2

Trước hết, Bonaparte xúc tiến việc tổ chức chính quyền mới, nghĩa là việc hợp thức hoá chính quyền chuyên chế của mình. Người ta không thể không có cảm tưởng khôi hài khi quan sát những cuộc gặp gỡ giữa Bonaparte với những nhà chính trị lỗi lạc vào loại Sieyès, kẻ đã cho rằng mình là vai trò chính và tự coi mình là sư phụ và quân sư của chàng thanh niên đó. Napoléon lúc ấy đã coi những nhà chính trị chuyên nghiệp của nước Pháp trong thời kỳ đó như những kẻ ba hoa lỗi thời, không muốn hiểu rằng thời của họ đã qua rồi. Còn đối với những người Jacobin, Bonaparte căm ghét và sợ hãi họ, không bao giờ nói đến anh em Robespierre (mà như chúng ta biết, trước Bonaparte đã có những mối quan hệ cá nhân tốt với Robespierre em), nhưng hiển nhiên là Bonaparte đã hiểu quá rõ giá trị của những kẻ đã ám hại và cướp quyền của Robespierre. Che đậy những hành động ám muội của chúng bằng cái tài hùng biện rỗng tuếch, những tên đầu cơ, những viên chức không tròn nhiệm vụ và những tên tham nhũng trong bọn Tháng Nóng ấy đã gợi ở Bonaparte một cảm giác khinh tởm.

Bonaparte giao cho Sieyès dự thảo một bản hiến pháp mới. Sieyès say sưa làm và đề ra được những chương mục quán triệt, kết hợp khéo léo, nhưng lại quên mất rằng đại bộ phận giai cấp tư sản ở thành thị cũng như ở nông thôn lúc này đang đòi hỏi một nền an ninh tuyệt đối và đòi hỏi xác nhận cho họ những quyền lợi trực tiếp liên quan đến quyền tự do thương nghiệp và công nghiệp, những nông dân hữu sản muốn rằng quyền sở hữu đất đai vừa mới tậu được của họ phải được bảo đảm một cách hoàn toàn và vĩnh viễn. Bonaparte nhận xét bản dự thảo của Sieyès là vô lý, chỉ thị cho Sieyès và tham gia vào việc “sửa chữa”, điều đó khiến Sieyès hết sức ngạc nhiên.

Một tháng sau cuộc đảo chính, bản hiến pháp mới được chuẩn bị xong. Đứng đầu nước Cộng Hòa là ba vị Tổng Tài, Tổng Tài thứ nhất được trao toàn bộ quyền hạn, và hai vị kia chỉ có quyền tư vấn, không có quyền quyết nghị. Các Tổng Tài chỉ định các Thượng Nghị Sĩ, và các thượng nghị sĩ lại lựa chọn các uỷ viên Hội Đồng Lập Pháp và Tư Pháp, lấy trong số hàng nghìn ứng cử viên do nhân dân bầu ra.

Bản hiến pháp mới, như ban đầu người ta đã hứa hẹn, phải được nhân dân biểu quyết. Nhưng, bỗng nhiên Napoléon tuyên bố bản hiến pháp sẽ mang ra thi hành ngay, không đợi trưng cầu ý dân. Bonaparte nghiễm nhiên được “bổ nhiệm” làm Tổng Tài thứ nhất.

Cuộc trưng cầu ý dân tiến hành ngày 4 Tháng Tuyết (25-12-1799), với 3.011.007 phiếu thuận và 1.562 phiếu chống, đã phê chuẩn bản hiến pháp mới và việc chỉ định ba vị Tổng Tài, đứng đầu là Bonaparte. Quân đội cũng bỏ phiếu, và ở một vài nơi, cuộc bầu cử đã tiến hành từng trung đoàn một, bằng cách binh lính đồng thanh trả lời câu hỏi của người chỉ huy của họ. Ở các thành phố và ở các làng, nhân dân đi bỏ phiếu dưới con mắt kiểm soát cẩn mật của các nhà chức trách. Vả lại, số lớn nông dân là những người hữu sản, số lớn trong giai cấp tư sản thành thị và theo lời của những người đương thời, ngay cả một số lớn thợ thuyền ở các thành phố lúc đố đều nhiệt liệt ủng hộ Tổng Tài thứ nhất, họ thấy ở ông ta con người đã cứu vãn nền Cộng Hòa thoát tay bọn Bảo Hoàng ngày 13 Tháng Hái Nho và đã đẩy lùi được sự can thiệp của nước Anh, nước Áo và nước Nga đang đe dọa nước Pháp.

Tất cả quyền hạn đều đã tập trung hết vào tay Bonaparte. Tất cả những cơ quan khác chỉ còn là những cái bóng không hồn, không hề có và thậm chí cũng không mong có chút uy quyền nào. Sieyès tưng hửng và tức tối, nhưng Bonaparte đã ban thưởng cho Sieyès một món kếch xù và vĩnh viễn gạt Sieyès ra khỏi mọi chức việc cụ thể. Bonaparte cần những người phục vụ và thực hiện, chứ không cần cố vấn cũng như những nhà làm luật. Ông ta cũng tức khắc bóp nghẹ công luận. Bằng một nghị định ký ngày 27 Tháng Tuyết, sau việc thi hành hiến pháp Tổng Tài ít lâu, Bonaparte hạ lệnh đóng cửa 60 tờ báo trong số 73 tờ hiện có hồi ấy, và 13 tờ còn lại sống được một thời gian nữa đều phải đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Bộ Trưởng Công An (chẳng bao lâu chín tờ nữa bị đóng cửa, chỉ còn lại bốn). Tính chất hữu cơ của Napoléon là không thể nào hình dung được một chút tự do báo chí, dẫu chỉ là một chút tự do bề ngoài. Những biện pháp đầu tiên ấy chứng minh rõ ràng quan niệm của Napoléon về quyền lực của mình.

Napoléon cho rằng, ông ta chỉ mang ơn đội quân cận vệ trong những ngày của Tháng Sương Mù, những người đã mang lại quyền lực vô hạn độ cho ông ta. Chẳng chịu ơn ai hết, vạn sự chỉ mang ơn binh sĩ cận vệ của mình, nghĩa là bản thân mình, tất cả đều xây dựng trên quyền chiến thắng, điều đó không phải chỉ là tư tưởng mà còn là tín điều chính trị của Napoléon, nếu có thể nói được như vậy. “Những binh đoàn lớn bao giờ cũng có lý”, đó là một trong những châm ngôn mà Napoléon thích thú nhất. Những binh đoàn đã chiếm được nước Pháp cho Napoléon vào ngày 18 và 19 Tháng Sương Mù, cũng như trước đây, dưới quyền của Napoléon, đã chinh phục được hầu hết Châu Âu, và theo ý Napoléon, không ai có thể bắt ông ta phải báo cáo, cũng như không ai có thể đòi ông ta chia sẻ quyền hành. Sieyès đã hiểu Napoléon rất nhanh và đã tỉnh ngộ. Những kẻ khác cùng trong âm mưu ngày 18 Tháng Sương Mù cũng dần dần hiểu Napoléon và về sau thì tất cả bọn họ đều hiểu.

Những câu nói của Goethe về Napoléon đến nay vẫn đúng: “Đối với Napoléon, chính quyền chẳng khác gì một nhạc cụ ở tay một nhạc sĩ có tài. Vừa nắm được nó xong, Napoléon đã sử dụng được nó ngay". Napoléon đặt nhiệm vụ đầu tiên là chấm dứt cuộc nội chiến ở miền Tây nước Pháp và nạn cướp bóc, câu kết chặt chẽ với cuộc nội chiến đang hoành hành ở khắp miền Nam và miền Bắc nước Pháp. Napoléon tỏ ra rất vội, thật vậy, phải giải quyết trước mùa xuân mọi công việc khẩn cấp cùng loại với hai việc nói trên, vì đến mùa xuân chiến tranh lại sắp tiếp diễn.

3

Vào cuối thời kỳ Viện Đốc Chính, những đám giặc cướp nổi lên, làm cho đường cái lớn ở miền Nam và miền trung nước Pháp không đi lại được, đã mang tính chất một tệ nạn xã hội lớn. Chúng chặn đánh xe chở khách và xe vận tải trên các con đường lớn vào giữa ban ngày, ít khi chúng cướp bóc không, mà thường giết hại hành khách. Bọn chúng dùng vũ lực tiến công các làng mạc và dùng lửa tra khảo hàng giờ liền những người bị chúng bắt để buộc họ phải cung khai nơi cất giấu tiền bạc (vì vậy người ta gọi bọn chúng là bọn “đốt máy”) và thỉnh thoảng còn tiến công cả vào các thành phố. Những đám giặc cướp đó núp dưới danh nghĩa những người Bourbon: Tự xưng là đi rửa thù cho nhà vua và Thượng Đế đã bị lật đổ.

Quả thật, những tên bị cách mạng làm tổn hại trực tiếp đến bản thân đã kéo đến nhập bọn với chúng, người ta đồn rằng: Có một vài tên tướng cướp đã nộp một phần số của cải cướp được cho bọn Bảo Hoàng, điều đó rất có thể có, nhưng chưa được xác nhận. Dẫu sao đi nữa, tình trạng rã rời và hỗn loạn của bộ máy cảnh sát vào cuối thời Viện Đốc Chính đã đưa đến chỗ không thể bắt được bọn cướp và tội lỗi của chúng không bị trừng phạt. Vị Tổng Tài thứ nhất quyết định trước hết phải tiêu diệt bọn này. Đối với Napoléon, cần chừng sáu tháng để diệt trừ nạn trộm cướp, song những toán cướp chính đã bị dẹp tan ngay từ những tháng đầu khi Napoléon lên nắm chính quyền.

Napoléon quy định những điều luật nghiêm ngặt: Không bắt cầm tù, mà bắn ngay tại chỗ những tên cướp bị bắt, trừng trị cả những ai che giấu bọn chúng, mua bán những đồ vật ăn cướp, hoặc nói chung có quan hệ với bọn chúng; đó là những nét lớn về chính sách của Napoléon. Những phân đội đặc biệt đã trấn áp không tiếc tay, không phải chỉ những tên phạm tội trực tiếp và những tên đồng phạm, mà còn trấn áp cả những nhân viên cảnh sát nhu nhược, thông đồng hoặc tiêu cực với bọn chúng.

Trong trường hợp này, một điểm khác của Napoléon đã biểu lộ: Napoléon không dung thứ tội lỗi. Đối với Napoléon, mọi tội lỗi đều đáng trừng trị. Napoléon không thừa nhận và cũng không muốn thừa nhận có những trường hợp giảm tội. Có thể nói được rằng: Trên nguyên tắc, Napoléon phủ nhận lòng nhân hậu, coi đó là một đức tính rất có hại và không thể thừa nhận được ở một nhà cầm quyền. Khi em trai thứ hai của Napoléon là Louis, được phong làm vua Hà Lan năm 1806, có khoe với anh rằng y rất được quý mến ở Hà Lan, thì lập tức ông anh nghiêm nghị ngắt lời ông em trai bằng câu: “Em ơi! Khi người ta bảo vua là một người tốt thì có nghĩa là triều đại ấy đã đi đứt rồi đấy”.

Tháng 4 năm 1811, tờ Nhật Báo Nước Pháp, vì quá sốt sắng, đã ca tụng bằng một giọng cảm kích nhất và nhiệt thành nhất “lòng nhân hậu” của Hoàng Đế khi Hoàng Đế chuẩn hứa lời thỉnh cầu của một người đến xin ban ơn nhân dịp Hoàng Đế vui mừng vì Hoàng Hậu sinh được một người kế nghiệp, Napoléon la mắng ầm ầm và lập tức viết thư cho Bộ Trưởng Công An: “Thưa công tước Da Rovigo, ai là người đã cho phép tờ Nhật Báo Nước Pháp hôm nay được đăng bài rất ngu xuẩn nói về chuyện riêng của tôi?”. Và Napoléon hạ lệnh lập tức cách chức chủ bút tờ báo đó, vì “y đã làm nhiều chuyện ngốc nghếch”... Chắc hẳn Napoléon dễ dàng tha tội cho người nào coi ông ta như một con vật hung dữ hơn là vu khống cho ông ta có lòng tốt. Sau này, tất cả những cái đó đã hiện ra đầy đủ, nhưng trong khi chờ đợi thì việc trấn áp khốc liệt hàng loạt bọn cướp đã chứng tỏ rằng người chủ mới đã không làm trái với câu châm ngôn mà nhiều người đã biết tới: “Thà làm tội oan 10 người con hơn để sót một người có tội".

Vừa thanh trừ bọn giặc cướp, Bonaparte vừa đặc biệt chú ý đến những việc xảy ra ở Vendée. Ở vùng này, bọn quý tộc và bọn tăng lữ vẫn tiếp tục như trước đây (vì tất cả những lý do đặc thù kinh tế riêng biệt của tỉnh này và của một phần phía Nam vùng Normandie sát với Vendée) lôi kéo một số nông dân, tổ chức và trang bị cho họ vũ khí loại tốt mà người Anh đã chuyển đến cho chúng bằng đường biển và lợi dụng rừng núi và đồng lầy, chúng tiến hành một cuộc chiến tranh du kích lâu dài chống lại tất cả các chính phủ cách mạng. Đối với bọn Vendée và bọn Chouan, Bonaparte áp dụng một chiến thuật khác hẳn đối với bọn cướp. Đúng trước khi cuộc đảo chính 18 Tháng Sương Mù xảy ra, bọn Vendée đã thu được một loạt thắng lợi đối với những người Cộng Hòa, chúng đã chiếm thành Nantes và công nhiên nói đến sự phục hưng của dòng họ Bourbon. Một mặt, Bonaparte tăng cường lực lượng quân đội đi dẹp bọn nổi loạn, mặt khác, hứa sẽ ân xá cho những kẻ hạ khí giới đầu hàng ngay và mặt khác nữa, cứ để cho người ta hiểu rằng ông sẽ không ngược đãi Đạo Thiên Chúa. Cuối cùng, Bonaparte tỏ ý muốn gặp riêng và thương lượng với người cầm đầu nổi tiếng của bọn Chouan là Georges Cadoudal và dù cuộc thương lượng đó không đem lại kết quả gì thì Bonaparte cũng sẽ cấp giấy thông hành đặc biệt, bảo đảm an toàn đầy đủ cho cá nhân Cadoudal trong thời gian Cadoudal ở Paris và được hoàn toàn tự do trở về.

Người nông dân cuồng tín xứ Bretagne đó, thân hình đồ sộ và sức khoẻ phi thường, đã hội kiến riêng trong mấy tiếng đồng hồ với Bonaparte hồi bấy giờ còn mảnh khảnh, gầy gò. Vô cùng lo ngại cho tính mệnh của Bonaparte, các sĩ quan hầu cận đã đến đầy các phòng bên cạnh, vì mọi người đều biết rằng Cadoudal sẵn sàng hy sinh bất cứ bằng cách nào cho lý tưởng của mình và từ lâu tự coi như một kẻ đã hiến dâng mình cho cái chết.

Tại sao Cadoudal không giết Bonaparte? Duy nhất chỉ vì Cadoudal còn bị cái ảo mộng sau đây chi phối, chẳng bao lâu ảo mộng ấy đã tan vỡ, nhưng nhờ nó mà ngay từ buổi đầu sự nghiệp của mình, Bonaparte đã lừa phỉnh được bọn Bảo Hoàng. Chúng luôn luôn cho rằng viên tướng trẻ tuổi và nổi danh đó sinh ra để làm nhiệm vụ của George Monck đã làm ở nước Anh năm 1660, tức là giúp dòng họ Stuart đang bị đi đày trở lại ngai vàng và tiêu diệt nền Cộng Hòa. Đúng là Napoléon đã bóp chết nền Cộng Hòa và do tính chất giai cấp của chính quyền Napoléon nên ông ta đã dọn đường mở lối cho nền quân chủ, nhưng nếu cho rằng một con người như Napoléon lại có thể nhường vai trò cầm đầu cho bất kỳ người nào khác và cũng không đặt vấn đề xem Napoléon có thể làm được như vậy không, thì thật không còn gì ngu ngốc hơn.

Cadoudal không bóp chết Bonaparte, nhưng y rời khỏi phòng của Bonaparte với thái độ thù nghịch. Ngoài những đề nghị khác, vị Tổng Tài thứ nhất đề nghị với Cadoudal gia nhập quân đội với hàm cấp tướng và đương nhiên là với điều kiện hạn chế: Cadoudal chỉ được đi đánh kẻ thù bên ngoài. Cadoudal từ chối và quay về Vendée. Một trong những kẻ cầm đầu chính khác của phong trào Chouan và Frotté thì bị bắt làm tù binh và bị bắn chết. Tuy đã bị quân chính phủ đánh bại vào tháng 1 năm 1800, Cadoudal vẫn tiếp tục chiến đấu sau cuộc gặp gỡ với Bonaparte. Nhưng Cadoudal đã phải trốn tránh trong những thời gian dài và chỉ dám tổ chức những cuộc đột kích bất thần vào những đội quân nhỏ hoạt động độc lập của quân đội Cộng Hòa. Lúc này những thắng lợi của quân đội chính phủ, lời hứa ân xá, sự giảm nhẹ chính sách chống giáo hội, những hy vọng mà dòng họ Bourbon và tay chân của chúng đang đặt vào Bonaparte, toàn bộ tình hình đó đã làm sức chiến đấu và tinh thần của bọn Chouan giảm sút rất nhiều. Đội ngũ của Cadoudal thưa thớt. Ở Vendée, tâm lý chung là chờ đợi, thiên về xoa dịu và mua chuộc người thủ lĩnh mới của nền Cộng Hòa Pháp có thái độ khoan nhượng đối với bọn Bảo Hoàng. Lúc bấy giờ, Bonaparte cũng không đòi hỏi gì hơn; trong những tháng đầu ấy, tháng 11, tháng 12 năm 1799 và nửa đầu năm 1800, ông ta phải bằng lòng với những cách giải quyết cấp thiết trước mắt để còn lo cho cuộc chiến tranh sẽ bắt đầu vào mùa xuân. Bonaparte đi từ việc khẩn cấp này đến việc khẩn cấp khác: Từ việc trấn áp bọn giặc cướp đến việc Vendée, từ việc Vendée đến công việc tài chính, bởi vì phải nuôi ăn, may mặc, trang bị cho một đội quân mạnh mẽ mà ông ta sẽ điều động vào mùa xuân, nhưng tiền vàng trong ngân khố đã cạn sạch - Viện Đốc Chính đã xoáy hết quỹ của Nhà Nước. Napoléon cần một chuyên viên, và phải là một chuyên viên giỏi. Napoléon tìm ngay được một người như thế ở Godin, và đã cử Godin làm Bộ Trưởng Tài Chính.

Từ khi Bonaparte lên nắm chính quyền thì đương nhiên những việc trong lĩnh vực tài chính cũng đã được giải quyết theo cùng với những nguyên tắc như trong các lĩnh vực khác: nhà quân phiệt độc tài và Godin, người thừa hành ý chí của ông ta, cả hai đều đã quyết định dùng thuế gián thu hơn là thuế trực thu. Hình thức đánh thuế này, chung quy chỉ đổ vào người tiêu thụ giàu cũng như nhà nghèo, thuận lợi cho Napoléon do tính chất “tự động” của nó, vì thuế gián thu không gây bất hòa giữa người nộp thuế với người thu thuế cũng như với chính phủ, việc mua bán các vật phẩm tiêu dùng hằng ngày tự nó tiến hành bằng mọi cách, không cần đến sự can thiệp của bất cứ một người thu thuế nào.

Giai cấp tư sản thành thị và nông thôn lấy làm mãn nguyện về chính sách tài chính mới đó, họ cũng còn lấy làm hài lòng về một loạt các biện pháp khác đã thực hiện trong lĩnh vực này, như thành lập một cơ quan kiểm tra, định chế độ cho công tác kế toán, trấn áp quyết liệt các vụ ăn cắp và tham nhũng trắng trợn. Những kẻ tham ô nhiều đến nỗi nhà viết sử đôi khi có ý định liệt bọn chúng như một “tầng lớp” đặc biệt trong giai cấp tư sản. Một vài kẻ đầu cơ và vơ vét công quỹ nhanh chóng cảm thấy bàn tay của người thủ lĩnh mới sắp đè nặng lên chúng. Ông ta đã bắt giam Uvra, tên thầu lương thực cho quân đội, nổi tiếng vì ăn cắp, tiến hành truy tố một vài tên khác, quy định rất nghiêm ngặt việc kiểm tra sổ sách, đình chỉ việc thanh toán những khoản chi mà Bonaparte thấy chưa hợp lý. Có lần Bonaparte phải tìm cách bỏ tù một nhà tài chính sau khi biết đích xác hắn đã ăn cắp tiền, dù hắn đã xoá được hay không xoá được vết tích, và giam cho đến khi nào hắn phải bằng lòng nhả mồi ra. Tuy vậy, cũng vẫn chưa tiêu diệt được tệ nạn tham ô.

4

Bonaparte ra sức khẩn trương tổ chức việc hành chính. Ông ta vẫn giữ cách chia nước Pháp thành từng quận, nhưng thủ tiêu mọi vết tích của chế độ địa phương tự trị. Tất cả những nhà chức trách do nhân dân địa phương bầu cử ra và ngay cả những hội đồng đã được bầu ra đều bị bãi bỏ ở các thành phố và các làng.

Từ nay, Bộ Trưởng Nội Vụ phải bổ nhiệm Quận Trưởng cho mỗi quận, Quận Trưởng là thủ lĩnh tối cao, là vua con. Quận Trưởng chỉ định các Hội Đồng Dân Chính, các thị trưởng ở thành phố và xã trưởng ở nông thôn. Những viên chức này chịu trách nhiệm trước Quận Trưởng và có thể bị Quận Trưởng cách chức. Giúp đỡ Quận Trưởng có “Hội Đồng Hàng Quận”, một cơ quan có tính chất tư vấn thuần tuý, hoàn toàn phụ thuộc vào Quận Trưởng và nhiệm vụ duy nhất là báo cáo cho Quận Trưởng biết nhu cầu của quận. Bộ Trưởng Nội Vụ điều khiển mọi sinh hoạt hành chính của nước, và thẩm quyền của Bộ Trưởng Nội Vụ cũng lan rộng sang cả lĩnh vực thương nghiệp, công nghiệp, công chính và nhiều lĩnh vực khác nữa mà sau này Bonaparte dần dần phân phối cho các bộ khác.

Các toà án cũng là đối tượng của sự cải tổ triệt để: Trung tuần tháng 3, Bonaparte ban hành một đạo luật mới quy định việc tổ chức Bộ Tư Pháp. Sau khi đã biến cải xong các toà án, về sau này Bonaparte đã bãi bỏ viện bồi thẩm: Do bản chất của chính quyền độc đoán của Bonaparte mà trong hàng ngũ những người thuộc ngành tư pháp, tiếng nói của tự do, đại diện cho xã hội, không được phép cất lên. Tuy vậy, Bonaparte không bãi bỏ ngay hết cái viên bồi thẩm.

Khi cần phải tiêu diệt các kẻ thù chính trị thì Napoléon không bao giờ bối rối trước những vấn đề thuộc về tính độc lập của quyền tư pháp và sự tôn trọng thủ tục tố tụng. Nhưng trong tất cả những trường hợp khác, chẳng hạn có một người thưa kiện về việc họ hoặc một kẻ nào đó bị xét xử về tội hình, không dính dáng gì đến chính trị, thì Napoléon đòi toà án khi khởi tố phải đặt mọi lý do có tính chất chính trị ra ngoài. Và khi những viên quan toà đầu tiên, do vị Tổng Tài thứ nhất chỉ định, đến trình diện, Napoléon đã căn dặn họ rằng không bao giờ nên bận tâm đến việc tìm hiểu đảng phái của người đã nhờ cậy toà xét xử.

Một điều rất đặc biệt là đối với tất cả những vấn đề liên quan đến việc chống những kẻ thù bên trong để bảo vệ nền Quân Chủ Chuyên Chế do ông ta xây dựng Napoléon đã dành cho một bộ lớn, được thành lập để chuyên làm những công việc ấy; bộ này hoàn toàn độc lập với Bộ Nội Vụ, có sinh hoạt riêng như mọi công an, được Napoléon đưa lên một địa vị rất cao, chưa từng thấy dưới thời Viện Đốc Chính về mặt quyền lực cũng như về mặt tài chính.

Napoléon đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức sở cảnh sát thủ đô. Mặc dù phụ thuộc vào Bộ Công An, viên giám đốc Sở Cảnh sát Paris được hưởng một chế độ riêng, khác hẳn với mọi viên chức khác. Y trực tiếp báo cáo với Tổng Tài thứ nhất, và nói chung, rõ ràng là ngay từ đầu, vị Tổng Tài thứ nhất đã muốn biến viên giám đốc cảnh sát Paris thành một cái có thể gọi là cơ quan kiểm soát và tình báo để giúp Napoléon giám sát những hành động của viên Bộ Trưởng Công An đầy quyền lực. Bonaparte cố ý phân tán đến một chừng mực bộ máy cảnh sát chính trị của ông ta, không phải ông ta chỉ muốn có một, mà muốn có hai, thậm chí có ba cơ quan cảnh sát để giám sát không những dân chúng mà còn để chúng giám sát lẫn nhau. Bonaparte đặt Fouché đứng đầu Bộ Công An, một tên mật thám đầy mánh khoé, mưu mô quỷ quyệt, nói tóm lại, một tên mật thám cỡ lớn. Đồng thời Bonaparte cũng biết rõ rằng, nếu gặp dịp, Fouché sẽ bán hết, không những Bonaparte, mà cả bố đẻ hắn, với một giá phải chăng. Để giữ gìn mặt ấy, vị Tổng Tài thứ nhất đã giao cho bọn tay chân tin cẩn nhiệm vụ bao vây, theo dõi Fouché. Và để đề phòng trường hợp Fouché biết, sẽ tìm cách mua chuộc bọn theo dõi y, Bonaparte tổ chức một đàn mật thám thứ ba có nhiệm vụ theo dõi những tên mật thám theo dõi Fouché. Napoléon luôn luôn cho rằng Fouché là kẻ mặt sắt đen sì và không bao giờ biết ngượng.

Nhiều năm đã trôi qua, Napoléon đã lên ngôi Hoàng Đế từ lâu và Fouché thì đã lộng lẫy trong bộ áo Bộ Trưởng Công An thêu kim tuyến và đầy huân chương. Một hôm, trong một lúc nóng giận, muốn làm nhục Fouché bằng cách vạch ra cho y thấy rằng mình còn nhớ rất rõ tất cả những bước lên voi xuống chó của viên Bộ Trưởng, Napoléon đột nhiên bảo Fouché: “Chính ông đã biểu quyết án tử hình vua Louis XVI!”. Theo lệ thường, Fouché cúi rạp mình trước ông Hoàng Đế: “Hoàn toàn đúng vậy. Đó là công trạng đầu tiên mà hạ thần được dâng lên Bệ Hạ". Thật là một cuộc đối thoại có ý nghĩa nhất: Fouché nhắc lại cho Hoàng Đế hay rằng vận hội của cả hai đều bắt nguồn từ cách mạng, duy chỉ có khác là một người đã bóp chết cách mạng để chiếm lấy ngai vàng bỏ trống của Louis XVI, còn một người đã sốt sắng giúp cho việc đó. Năm 1799 là năm Fouché đặc biệt có ích đối với Bonaparte, chính vì Fouché biết rõ những bạn hữu cũ của y mà y đã phản bội và bán họ cho người chủ mới.

Ngay từ mùa đông thứ nhất lên nắm chính quyền, Bonaparte đã tổ chức được một bộ máy Nhà Nước tập trung, các bộ phận được kết hợp một cách hoàn chỉnh, và do một nhóm viên chức cao cấp chỉ huy từ Paris. Tập trung quyền lực vô hạn độ vào tay Tổng Tài thứ nhất, đó là mục đích của “bản hiến pháp mới”.

Một lần Bonaparte nói rằng: Một bản hiến pháp phải “ngắn và tối nghĩa”. Bonaparte phát biểu nguyên tắc chung của mình như sau: Khi đề cập vấn đề quy định những giới hạn hiến pháp cho quyền lực tối cao thì phải biên soạn vắn tắt và mập mờ đến mức tối đa. Nếu ở trên đời có một kẻ nào đó mà tính chất chuyên chế không thể thích ứng với bất kỳ một sự hạn chế nào về quyền lực - mặc dầu sự hạn chế đó rất tầm thường, nhưng nếu như nó thực sự đụng chạm đến quyền lực tối cao - thì kẻ đó chính là Napoléon.

Ngay từ những ngày đầu sau cuộc đảo chính, sự hiểu lầm ngốc nghếch của những kể ủng hộ Napoléon đã tan như mây khói, đặc biệt là Sieyès, nạn nhân của sự hiểu lầm ấy trong suốt thời gian trước Tháng Sương Mù.

Khi Sieyès trình lên Bonaparte một bản dự án, theo đó, Bonaparte phải tự khuôn mình trong những chức vụ của một viên quan tư pháp tối cao trong nước (giống như tổng thống nước Cộng Hòa sau này), có danh vọng cao nhất và hưởng lương cao bổng hậu, nhưng giao quyền cai trị cho một số người khác, do Bonaparte chỉ định, không phụ thuộc vào Bonaparte, thì ông ta đã tuyên bố: “Tôi không đóng vai trò lố bịch như vậy đâu” và kiên quyết bác bỏ dự án của Sieyès. Tìm cách cố giữ ý kiến và bàn cãi, Sieyès liền được viên Bộ Trưởng Công An Fouché đến thăm, và Fouché đã thân mật tâm sự với Sieyès, khuyên nên chú ý đến cái thực tế là Bonaparte đã tập trung tất cả lực lượng vũ trang của nước Pháp vào trong tay, vì thế nên nếu cứ cố tình tranh cãi mãi với một đối phương như vậy thì sẽ không có lợi chút nào, trái lại sẽ chỉ có hại. Lập luận này hình như đã hoàn toàn thuyết phục được Sieyès, và từ đó Sieyès câm lặng.

“Bản hiến pháp của năm Cộng Hòa thứ 8” (người ta gọi bản hiến pháp được khởi thảo dưới sự bảo hộ của Napoléon như vậy) đã đáp ứng được một cách tuyệt diệu cái nguyên tắc do Napoléon đặt ra. Quyền hành đều tập trung hết vào tay Tổng Tài thứ nhất còn hai vị Tổng Tài khác chỉ có quyền tư vấn. Bonaparte được chỉ định là Tổng Tài thứ nhất trong 10 năm. Tổng Tài thứ nhất chỉ định một Thượng Nghị Viện gồm 80 nghị sĩ. Bằng quyền hành duy nhất của mình, Tổng Tài thứ nhất còn bổ nhiệm các chức vụ hành chính và quân sự, bắt đầu từ chức Bộ Trưởng, và tất cả những người thụ nhiệm chỉ chịu trách nhiệm trước Tổng Tài thứ nhất. Cũng còn thành lập hai viện để tiêu biểu cho quyền lập pháp:

— Viện Pháp Chế.

— Viện Lập Pháp.

Các ủy viên của cả hai viện này đều do Thượng Nghị Viện chỉ định (nói một cách khác, vẫn do Tổng Tài thứ nhất chỉ định) theo một danh sách vài nghìn ứng cử viên do các công dân “bầu ra” bằng một phương pháp bỏ phiếu hết sức phức tạp.

Giả dụ ngay như trong số vài nghìn ứng cử viên do nhân dân bầu ra thì chỉ được chọn 400 vị về phe với chính phủ, và cũng rất rõ ràng là người ta sẽ chọn trong 400 vị ấy lấy một số để bổ sung vào những chỗ khuyết trong Viện Pháp Chế và Viện Lập Pháp. Không thể đặt ra vấn đề tính độc lập cho các vị đã được tuyển lựa theo kiểu đó được. Nhưng cũng chưa hết, ngoài những tổ chức đó ra, còn thành lập Hội Đồng Chính Phủ do chính phủ của Tổng Tài thứ nhất toàn quyền chỉ định.

Bộ máy lập pháp hoạt động theo phương thức sau đây: Chính phủ đệ trình một bản dự án pháp luật lên Hội Đồng Chính Phủ, Hội Đồng Chính Phủ bổ sung xây dựng và trình lên Viện Pháp Chế. Viện Pháp Chế có quyền phát biểu ý kiến của mình bằng lời về bản dự thảo đó, nhưng không có quyền quyết định. Sau khi đã làm xong nhiệm vụ của mình bằng cách ấy, Viện Pháp Chế gửi bản dự thảo sang Viện Lập Pháp. Viện này không có quyền thảo luận về bản dự thảo, nhưng để bù lại, người ta giao cho nhiệm vụ đặt thành quy chế, sau đó bản dự thảo được Tổng Tài thứ nhất phê chuẩn và trở thành luật. Trong suốt triều đại Napoléon, cái bộ máy “lập pháp” không hợp lý một cách cố tình ấy đã chỉ là kẻ câm điếc thừa hành ý muốn của Napoléon. Vả lại, sau này (năm 1807) Napoléon đã bãi bỏ Viện Pháp Chế vì ông ta cho rằng nó hoàn toàn vô ích.

Đương nhiên là những điều mà hai viện bàn bạc rồi quyết định phải được giữ hết sức bí mật (và đã được làm như vậy). Khi cần xúc tiến công việc khẩn trương hơn, Tổng Tài thứ nhất có thể đưa thẳng ra những đề án của mình lên Thượng Nghị Viện để Nghị Viện thông qua dưới hình thức một “Nghị quyết của Thượng Nghị Viện”, thế là xong. Như vậy, tất cả quyền lực thực tế về lập pháp, cũng như toàn bộ quyền hành chính đều tập trung cả vào tay Bonaparte.

Mùa xuân năm 1800, có thể nói rằng nhà chuyên chế mới đã giải quyết một số công việc khẩn cấp nhất, đã hợp pháp hóa nền trật tự mới của quốc gia, đã diệt trừ nếu không tất cả thì cũng được một số rất lớn các toán giặc cướp đang nhũng loạn đất nước, đã quyết định một cách vội vàng và có tính chất tạm thời một vài biện pháp nhằm làm dịu tình hình ở Vendée, đã tập trung việc cai trị trong nước vào một mối và đã thi hành những biện pháp cần thiết nhất để ngăn chặn những vụ ăn cắp của bọn đầu cơ. Dưới sự chỉ đạo của Fouché, một mang lưới mật thám rộng lớn, bố trí khôn khéo, đã nhanh chóng lan tỏa trên khắp nước.

Joseph Fouché là một tên mật thám bẩm sinh, nếu có thể nói được như vậy. Ở thành La Mã thuở xưa, người ta nói: “làm thi sĩ là do bẩm sinh, làm diễn giả là do tu luyện”. Fouché là kẻ sáng lập ra một hệ thống khiêu khích và do thám mà bọn học trò và bọn bắt chước người Naples như Decoretto, người Nga như Benckendorff và Dupen, người Áo như Disnicky đã uổng công học đòi. Trong công cuộc này, Napoléon để cho Fouché được tự do hoạt động, nhưng biết rõ tài năng nhiều mặt và bản chất lá mặt lá trái, xoay như chong chóng của Fouché. Để đề phòng bất trắc, Napoléon dùng một số mật thám bám sát để giám sát Fouché, và chính ông Bộ Trưởng Công An cũng không biết bọn này. Napoléon biết rất rõ rằng trước khi lên đường mở một chiến dịch xa xôi, vào mùa xuân, phải bảo đảm hậu phương chính trị của mình và trên quan điểm đó thì tất cả “bản hiến pháp mới của năm thứ VIII” tuyệt nhiên chẳng có giá trị gì, trong khi đó thì Bộ Công An có một tầm quan trọng ghê gớm. Vì lẽ ấy, Bonaparte không phải chỉ chi rất nhiều tiền cho bộ máy cảnh sát, không phải chỉ ra sức đưa nhiều người có khả năng và kiên quyết vào bộ máy cai trị do Bonaparte đã xây dựng nên ở Paris, ở các tỉnh, mà còn dùng bàn tay sắt để bịt miệng nốt 13 cơ quan báo chí còn sống sót sau việc đóng cửa một lúc 60 tờ báo trước đây.

Khi lên đường đi chinh chiến, Napoléon giao lại cho các Bộ Trưởng của ông ta bộ máy chuyên chính do ông ta dựng lên và yêu cầu họ duy trì trật tự trong khi ông ta sẽ đọ sức với cả Châu Âu Liên Minh trên chiến trường.

Nhưng một tháng trước khi Napoléon lên đường, vào tháng 4 năm 1800, Fouché đã khám phá được và báo cáo lên vị Tổng Tài thứ nhất một bằng chứng không thể chối cãi được rằng ở Paris có một cơ quan gián điệp Bảo Hoàng Anh, liên lạc trực tiếp với các em của vua: Louis, bá tước xứ Provence và Chales bá tước xứ d’Artois, cả hai đều đã chạy ra nước ngoài. Với sự giúp đỡ của bọn người Anh và của các lực lượng can thiệp khác, bọn Bảo Hoàng nhằm công khai cướp lấy chính quyền. Ngay từ mùa xuân năm 1800, khi vua Anh George III trả lời đề nghị mở hội nghị đàm phán hòa bình của Bonaparte bằng quyết tâm trực tiếp và tích cực đặt lại dòng họ Bourbon lên ngai vàng nước Pháp thì Bonaparte đã biết rất rõ rằng người Anh tin cậy vào bọn Bảo Hoàng Pháp, là bọn sẵn sàng nhượng bộ tất cả những gì có thể được về kinh tế và chính trị có lợi cho tư sản thương nghiệp và công nghiệp Anh chỉ để nhằm mục đích duy nhất là phục hưng dòng họ Bourbon.

Vị Tổng Tài thứ nhất đã dứt khoát khẳng định trong tư tưởng rằng một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhất trong cuộc đấu tranh đối nội là việc trấn áp quyết liệt bọn phản bội Bảo Hoàng, còn nhiệm vụ khẩn yếu của cuộc đấu tranh đối ngoại là cuộc chiến tranh chống người Anh. Những mệnh lệnh cần thiết đã giao cho Fouché để đấu tranh chống bọn Bảo Hoàng hiện hành: Napoléon chỉ thị cho Fouché theo dõi mọi hoạt động của bọn chúng, bắt giữ và đưa bọn chúng ra toà. Napoléon luôn luôn nhắc lại câu nói sau đây, phản ánh rõ quan điểm đã được xác lập trong ông ta: “Có hai phương tiện để làm nhân tâm xao động: Sự sợ hãi và mối lợi”. Không nên hiểu “lợi” chỉ là lòng tham tiền, theo nghĩa đen, mà còn là sự thèm muốn, lòng tự ái, lòng tham danh vọng. Nên tác động đến bọn Bảo Hoàng bằng cách nào? Đáng chú ý là đối với loại kẻ thù này, Napoléon sử dụng lúc bằng phương pháp này, lúc bằng phương pháp khác, tuỳ lúc: Khi thì khủng bố, khi lại lôi kéo bọn chúng bằng ơn huệ, tiền bạc và sử dụng vào công việc này nọ.

Mùa xuân năm 1800, vì phải đến với quân đội ngay nên Napoléon đã không có thời gian dùng những biện pháp khác chống bọn phản bội, ngoài biện pháp khủng bố khốc liệt. Nhiệm vụ chủ yếu khác, tức là cuộc chiến tranh với nước Anh, phải được tiến hành như trước đây, không phải trên bờ biển nước Anh, đối diện với hạm đội hùng mạnh của Anh mà là ở trên lục địa Châu Âu, chống với đồng minh của nước Anh và trước hết là chống đế quốc Áo.

Lên đường đi chinh chiến vào ngày 8 tháng 5 năm 1800 và rời Paris lần đầu tiên kể từ khi đảo chính, Bonaparte hoàn toàn hiểu rằng số phận nền chuyên chính của ông ta ở Pháp hoàn toàn tuỳ thuộc vào kết quả của chiến dịch này. Hoặc là Napoléon lại chiếm được miền Bắc nước Ý từ tay người Áo hoặc là quân đội của các nước liên minh lại sẽ xuất hiện ở biên giới nước Pháp.