Cuộc chiến tranh bắt buộc

PHẦN BA

  Qua cuộc chiến tranh này, thế hệ ngày nay và các thế hệ mai sau có thể đặt câu hỏi rằng: “Liệu đất nước ta có thể xảy ra cuộc chiến tranh xâm lược lần nữa?”, “Kẻ thù mới đối với đất nước ta trong tương lai?”.

Việt Nam có một vị trí chính trị và địa lý chiến lược không những đối với khu vực Đông Nam Á, mà còn là cửa ngõ vô cùng quan trọng đối với thế giới. Vì vậy những câu hỏi trên được đặt ra là hoàn toàn chính đáng và cần phải được quan tâm một cách nghiêm túc.

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng, nước ta luôn luôn bị đe dọa. Những nguy cơ chiến tranh tiềm tàng khi chưa được loại bỏ, thì các thế hệ chúng ta không thể xem thường.

Đồng thời, qua cuộc chiến tranh này, một lần nữa, quân đội ta, nhân dân ta lại ghi thêm một trang sử chói lọi vào truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc.

Bước vào thế kỷ XXI, với xu thế hoà bình, hữu nghị và hợp tác, nước ta đang trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế. Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trên thế giới’. Song chúng ta sẽ không một phút lơ là mất cảnh giác, sẵn sàng làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù, vững bước tiến lên theo lý tưởng cộng sản.

Suy nghĩ về tương lai của mối quan hệ truyền thống các dân tộc Việt Nam-Lào-Campuchia, chúng ta đã có những nền tảng vững chắc được xây dựng từ máu và nước mắt của các dân tộc qua bao thế hệ. Đặc điểm nước ta, về địa lý, có chung đường biên giới với nhiều nước trong khu vực. Trong môi trường chính trị có nhiều phức tạp, nên thường hay bị rắc rối, dễ dẫn đến những xung đột hoặc tranh chấp lãnh thổ. Trong nhiều năm qua, Đảng ta đã kiên trì đường lối đối ngoại, cùng với các Đảng anh em giải quyết có lý, có tình, cho nên đã đạt được các hiệp đinh về biên giới trên đất liền, trên biển và hải đảo. Song, điều đó không có nghĩa là đã thủ tiêu hết được những nguy cơ tiềm tàng đe dọa nền an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Vấn đề biên giới Tây Nam nước ta, và cả vấn đề dân tộc Tây Nguyên, trong một thời gian dài, trước mắt vẫn còn là hết sức nhạy cảm. Nguyên nhân chính vẫn là sự can thiệp của các nước thù địch đối với ba nước trên bán đảo Đông Dương và nhất là đối với nước ta.

Bọn phản động quốc tế đang tìm mọi cách xuyên tạc quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta; nhằm chia rẽ giữa các dân tộc Việt Nam và truyền thống đoàn kết giữa nhân dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

Ai cũng có thể nhận thức được rằng, sự mất ổn định về chính trị sẽ kẽo theo những hậu quả nặng nề khác cho đất nước. Ngày nay, trên thế giới nạn khủng bố đã, đang và sẽ trở thành những cuộc chiến tranh cục bộ trên từng khu vực. Nguy hiểm hơn là những kẻ lợi dụng chống khủng bố, lợi dụng vấn đề tôn giáo và việc đòi độc lập của một bộ phận từng quốc gia, để tiến hành chiến tranh xâm lược. Đây là một vấn đề nhạy cảm và là mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc ga trên thế giới. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải đề cao cảnh giác và cần nghiên cứu để có những đối sách thích hợp, với một kiểu chiến tranh nào đó trong tương lai.

Nếu nói rằng: Từ nay nước ta sẽ vĩnh viễn sống trong hoà bình, sẽ không còn một kẻ thù nào dám đụng đến Việt Nam, thì e rằng hơi sớm quá.

Bởi vì, kẻ thù của chúng ta, của nhân dân Đông Dương trong hoàn cảnh thế giới phức tạp này chưa phải là đã hết. Song song với việc phát triển vững chắc về kinh tế, chúng ta cần bắt tay vào những công việc để bảo vệ đất nước ngay từ bây giờ.

Chúng ta đã có những cơ sở lý luận vững vàng về nghệ thuật quân sự Việt Nam được khoa học đúc kết trong chiều dài lịch sử dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với các Đảng anh em, khối đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia đã được thiết lập lại khá vững chắc trong thế hệ chúng ta. Ba nước chúng ta đã là những thành viên chính thức của khối ASEAN. Tuy sống trong môi trường có những thể chế chính trị khác nhau, nhưng đây là cơ sở để bảo đảm sự ổn định trong khu vực Đông Nam châu Á. Dẫu sao các nước trong khối ASEAN cũng phải có trách nhiệm, đối với mỗi thành viên khi có nguy cơ chiến tranh đe dọa.

Mong muốn rằng, các thế hệ mai sau sẽ tiếp tục góp phần xứng đáng, để đất nước ta được mãi mãi sống trong hoà bình, tự do và độc lập, cùng nhau xây dựng một ASEAN-trước hết là ba nước trên bán đảo Đông Dương này, không có chiến tranh và nguy cơ chiến tranh đe dọa.

Có ý kiến cho rằng, trong thời đại ngày nay, khi mà khoa học đã phát triển lên đỉnh cao, nếu có chiến tranh xảy ra thì sẽ là “Chiến tranh bấm nút”, “Chiến tranh chớp nhoáng”. Điều này chưa hẳn là đúng. Kẻ gây chiến có thể “bấm nút”, nhưng không thể dùng “nút bấm” để cai trị một dân tộc.

Khi khoa học phát triển máy móc có thể đảm nhận phần lớn công việc của con người trong quá trình phát triển kinh tế. Nhưng trong chiến tranh thì máy móc không thể thay thế được cho hàng triệu bộ óc của con người, và lại càng không thể tiêu diệt được cả một dân tộc, nhất là dân tộc đó lại dám đánh và quyết đánh mọi kẻ thù xâm lược.

Thắng lợi trong chiến tranh-theo quan điểm chúng ta, là nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, chiến dịch và chiến thuật của Đảng mà sức mạnh là khối đại đoàn kết toàn dân. Đừng hy vọng thắng lợi trong chiến tranh, khi chưa có sự chuẩn bị chu đáo những điều kiện cần thiết, bảo đảm thắng lợi của cuộc chiến tranh, cho dù chỉ là những xung đột nhỏ.

Quá trình lịch sử của đất nước, đã cho chúng ta những bài học quý giá về đường lối quân sự Việt Nam, về quan điểm của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Hy vọng cuốn sách này sẽ giúp được một cái gì đó-dù là ít ỏi, cho các thế hệ mai sau của chúng ta. Lịch sử là sự tiếp nối cac sự kiện không phải của một thế hệ mà của nhiều thế hệ kế tiếp nhau. Mỗi thế hệ đều phải có trách nhiệm đối với lịch sử của đất nước mình.

Hết