Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, những người ở hậu phương chắt chiu từng hạt gạo; các công-nông trường đã nỗ lực phấn đấu sản xuất để vừa xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, vừa cung cấp cơ sở vật chất cho quân đội chúng ta, với khẩu hiệu “Tất cả hướng về biên giới Tây Nam”. Từng đoàn xe vận chuyển hàng ra phía trước là kết quả của những năm tháng lao động vất vả trên đồng ruộng, trong các nhà máy, xí nghiệp của hàng triệu con người. Đặc biệt là Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hậu phương vững chắc của Mặt trận 479. Đây không chỉ là nơi cung cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các đơn vị thuộc Mặt trận 479, mà còn quan tâm lo lắng cho hậu phương quân đội của những người đang làm nhiệm vụ trên đất Bạn. Hầu hết gia đình của cán bộ chiến sĩ chúng tôi đều đã được ổn định.
Ngoài việc chăm lo cho hậu phương quân đội, Đảng bộ và chính quyền các cấp của thành phố luôn động viên, cổ vũ về mặt tinh thần đối với chúng tôi. Năm1980, Hội nông dân thành phố-đại diện cho hàng vạn bà con nông dân-đã trực tiếp sang chiến trường xa xôi này để cùng với Bộ tư lệnh sư đoàn tổ chức lễ kết nghĩa giữa sư đoàn bộ binh 309 và Hội nông dân thành phố. Từ đó, hàng năm, bất kể mùa nắng hay mùa mưa, Hội nông dân thành phố Hồ Chí Minh cử các đơn vị đại biểu vượt hàng ngàn km lên tận biên giới phía Tây tỉnh Bát Tam Băng để động viên bộ đội cả về tinh thần lẫn vật chất; có khi Hội đưa cả đoàn văn công Trần Hữu Trang đem lời ca tiếng hát sang phục vụ ngay trong những ngày tết cổ truyền của nước ta trên chiến trường. Cùng với Hội nông dân thành phố, công ty cao su Bình Long cũng đã sang động viên, thăm hỏi bộ đội ta không những năm làm nhiệm vụ Quốc tế tại Campuchia mà cả những năm sau, khi quân tình nguyện Việt Nam rút về nước.
Đó là những nguồn cổ vũ, động viên to lớn của hậu phương đối với tiền tuyến nói chung và của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam nói riêng dành cho quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Chúng tôi mãi mãi ghi nhớ và nguyện làm hết sức mình để xứng đáng với lòng tin cậy và yêu thương của đồng bào, đồng chí trong cả nước. Để bảo đảm cho các hoạt động trên chiến trường của bộ đội ta, ngay từ những ngày đầu chuyển sang làm nhiệm vụ Quốc tế, Bộ Quốc phòng và Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã tổ chức khu vực hậu cứ của Mặt trận 479 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 23-5-1979, Đoàn 583 (hậu cứ của Mặt trận 479) được thành lập. Bộ Quốc phòng đã dành cho mặt trận một diện tích hàng chục héc-ta tại căn cứ Hoàng Hoa Thám, thuộc quân Tân Bình. Nơi đây đã giải quyết được biết bao công việc. Là một đầu mối cung cấp mọi cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Mặt trận, giải quyết mọi chế độ trước mắt và sau này cho bộ đội ta. Và mãi mãi về sau, một bộ phận cán bộ chiến sĩ của Mặt trận 479 đã gắn bó cuộc đời mình, gia đình mình tại nơi đây.
Công tác phục vụ chiến trường được tổ chức chặt chẽ và khá chu đáo. Mọi nguồn tiếp tế được vận chuyển bằng đường không, đường bộ và cả đường thuỷ với hàng ngàn km mỗi chuyến. Chỉ tính riêng công tác vận chuyển bằng đường bộ trong 10 năm qua, sư đoàn bộ binh 309 đã vận chuyển được 3902 tấn hàng hoá, 2505 ca thương binh với 2.190.318 km đường vận chuyển. Phần lớn từ tuyến trung đoàn ra phía trước, lượng hàng hóa đều nằm trên vai bộ đội.
Song trên đường vận chuyển, không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chỉ tính cung đường (đường số 6) vận tải từ Xiêm Riệp đến Sisôphôn-Bát Tam Băng mỗi năm cũng đã xảy ra hàng chục vụ phục kích, đánh mìn của địch. Trên tuyến đường số 5, Phnôm Pênh-Bát Tam Băng cũng không kém phần phức tạp. Nhiều vụ phục kích, gài mìn, đánh sập cầu cống do địch gây ra, nhất là đoạn đường đi qua tỉnh Công Pông Chơ Năng, Pua Xát. Từng viên đạn, từng hạt gạo, từng lít xăng dầu cũng đã nhuốm máu, mồ hôi và nước mắt của người lính tiếp vận. Trong 10 năm qua, riêng sư đoàn bộ binh 309 đã có 546 đồng chí hy sinh (18,4%), 660 đồng chí bị thương (11,9%) trên các cung đường vận chuyển.
Trước tình hình như vậy, Mặt trận đã phải phái ra những lực lượng bộ đội chủ lực kết hợp với lực lượng vũ trang của Bạn, ngày đêm làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ đường; công binh của Mặt trận và công binh các đơn vị tham gia bắc cầu, sửa đường; đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lái xe và lực lượng áp tải được trang bị thêm vũ khí, kiên quyết không vì địch đánh phá mà ngừng trệ công việc tiếp tế cho chiến trường.
Từ Sở chỉ huy sư đoàn ra phía trước, công tác bảo đảm cho chiến đấu lại càng khó khăn, phức tạp hơn, nhất là mùa mưa. Ngoài việc các cầu cống bị hư hại, bị địch đánh phá (vì đây cũng là một mục tiêu của chúng); đường sá từ phía sau ra phía trước ở địa bàn tỉnh Bát Tam Băng rất lầy lội cũng gây nhiều khó khăn cho việc tiếp tế hậu cần. Trên trục đường từ xã Bà Vâl, huyện Mông-côn Bô-rây lên Prămđơm, Nam-sấp trong mùa mưa hầu như không sử dụng xe cơ giới được. Đường số 58 chạy dọc bờ sông Mông-côn Bô-rây lên Sơ-rê-ant-iếc-Com Riêng-Pailin cũng ở trong tình trạng tương tự. Trong quân số chiến đấu của sư đoàn, chúng tôi đã phải chuyển gần 1/3 lực lượng rải ra trên các trục đường vận chuyển; ấy thế mà vẫn bị mìn, vẫn bị địch phục kích liên tục. Đã có nhiều đồng chí chiến đấu rất dũng cảm để bảo vệ phương tiện, bảo vệ hàng hoá. Nhiều chuyên xe đã phải nằm lại dọc đường trong điều kiện mưa gió và kẻ địch luôn bám sát để tấn công. Cán bộ chiến sĩ của ta làm công tác tiếp vận đã hy sinh, hoặc bị thương trên các tuyến đường vận tải trong những năm qua cũng không phải là ít.
Đứng trước tình hình đó, chúng tôi đã vận dụng trong việc bố trí đội hình, chủ yếu bám vào các trục đường, vừa là nơi đóng quân, xây dựng doanh trại, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ đường; cùng với chính quyền địa phương, nơi có các trục đường vận chuyển đi qua; đưa dân về định cư dọc 2 bên các tuyến đường để dựa một phần vào dân và lực lượng vũ trang địa phương trong nhiệm vụ bảo vệ hành lang vận chuyển; tổ chức các lực lượng hỗn hợp ta và Bạn, lập ra các chốt bảo vệ hệ thống cầu, cống trên các trục đường.
Việc xây dựng và bảo vệ hệ thống kho tàng cũng đã được các ngành hậu cần-kỹ thuật từ Quân khu, Mặt trận xuống đến các đơn vị cơ sở hết sức quan tâm. Trong điều kiện hậu phương, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt; nhất là về mùa mưa thì công tác cung cấp, dự trữ một khối lượng hàng hoá nhiều chủng loại, không đơn giản chút nào. Ngoài cơ số đạn dược, lương thực, thực phẩm, thì thuốc quân y trang bị cho các đơn vị chiến đấu được bổ sung thường xuyên; trên hướng Bát Tam Băng, ngành hậu cần, kỹ thuật của chúng tôi còn xây dựng được 5 cụm kho tại các khu vực:
-Cụm kho đạn dược, lương thực, thực phẩm, xây dựng tại thị xã Bát Tam Băng. Cụm kho này, sau khi bàn giao địa bàn nội địa cho các đơn vị thuộc đoàn chuyên gia quân sự 7704, chúng tôi chuyển lên đập Pinh-Puôi cùng với Sở chỉ huy sư đoàn vào năm 1982.
-Cụm kho tại Nam-sấp để cung cấp cho trung đoàn bộ binh 96 và các đơn vị của sư đoàn được tăng cường trên hướng đó.
-Cụm kho ở khu vực Tà Sanh-Sầm Lốt cung cấp cho trung đoàn bộ binh 250.
-Cụm kho ở thị trấn Pailin cung cấp cho trung đoàn bộ binh 812 và các lực lượng khác.
-Ngoài ra, trung đoàn bộ binh 31 tự tổ chức kho tàng và trực tiếp tiếp nhận vật chất của sư đoàn chuyển xuống, vì trung đoàn bộ binh 31 là đơn vị cơ động, vị trí không được ổn định.
Mỗi một căn cứ hậu cần đều bao gồm cả các trạm quân y dã chiến, bãi hạ cánh cho máy bay trực thăng để khi cần có thể vận chuyển thương bệnh binh về phía sau trong các mùa mưa. Do khí hậu, thời tiết và những điều kiện ăn ở của bộ đội hết sức khó khăn. Sư đoàn cũng đã quan tâm đến các vùng trọng điểm để tăng cường lực lượng, phương tiện và thường xuyên cử cán bộ xuống kiểm tra. Nhất là khu vực Nam-sấp và Tà Sanh-Sầm Lốt. Các cơ quan từ Bộ Quốc phòng đến cơ quan Quân khu và Mặt trận cũng thường có những phái đoàn xuống kiểm tra, chỉ đạo và tạo điều kiện giúp đỡ các đơn vị trên 2 khu vực trọng điểm này. Nhờ có những nỗ lực đó mà dần dần về sau, những điều kiện tối thiểu trong công tác bảo đảm chiến đấu được cải thiện rõ rệt. Thương binh, bệnh binh đều được chuyển bằng máy bay về phía sau; và cứ mỗi chuyến bay lên chuyển thương binh, tử sĩ về phía sau lại chuyển luôn thuốc men, dụng cụ y tế ra phía trước.
Trong điều kiện bảo đảm cho chiến đấu, trên chiến trường vừa xa hậu phương, vừa phức tạp như thế; cho nên ngay từ đầu, trong công tác giúp Bạn, các cấp, các ngành-từ Mặt trận xuống đến các đơn vị cơ sở-đã quán triệt sâu sắc quan điểm tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng với một nỗ lực cao nhất, bảo đảm cho bộ đội càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành về nhiều mặt. Trên chiến trường, nơi địa bàn chúng tôi đảm nhiệm, do quán triể được quan điểm đó, cho nên bộ đội đã tận dụng tối đa những điều kiện cho phép như về khí hậu, đất đai… để phát động phong trào tăng gian sản xuất, chăn nuôi tại chỗ, để tăng thêm chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội và góp một phần vào việc cứu đói cho dân. Từ đó, vườn rau, ao cá, đàn gà, đàn vịt, chuồng heo được phát triển hầu như ở tất cả các đơn vị trong sư đoàn. Lúc còn là sư đoàn trưởng, đồng chí Lê Chí Thuận đi đâu, đến đâu cũng hô hào trồng cây ăn quả (chuối, đu đủ) với miệng nói, tay làm, đã kích thích được phong trào tăng gia sản xuất, chăn nuôi ở đơn vị chúng tôi và nhiều đơn vị khác trong Mặt trận 479. Từ đây, trong các bữa ăn của bộ đội đã có đủ các món thịt, cá, rau, quả. Và ở trung đoàn bộ binh 31 đã sản xuất được đậu, bắp, bộ đội đã được uống sữa đậu nành liên tục trong các mùa khô.
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, từ đầu năm 1980 đến cuối năm 1988, toàn sư đoàn 309 đã sản xuất được 225.760 kg chất bột tính ra gạo, 168.151 kg đậu, lạc, vừng (mè), 2.450.201 kg rau xanh, 7.707 con heo, 2.035 con bò, 102.792 gà vịt, 381.175 kg cá tươi, trồng 9 hécta đay thu 17.000 đồng tiền Riêl (tiền Campuchia). Xây dựng cơ bản được 372.447 m2 nhà ở, kho tàng, sản xuất 50.500 viên gạch, ngói; 55.000 tấn vôi, khai thác 982 m2 đá, cát và hàng trăm m3 gỗ, hàng ngàn cây tre nứa để phục vụ cho công tác xây dựng doanh trại trên chiến trường.
Về công tác bảo đảm kỹ thuật cũng được các cơ quan và nhân viên ngành kỹ thuật quan tâm: ngành ôtô, máy kéo đã sửa chữa nhỏ 1.833 lần/chiếc xe, sửa chữa vừa 191 lần/chiếc, sửa chữa ở cấp trên sư đoàn 91 lần/xe. Ngành vũ khí-đạn sửa chữa vừa và nhỏ được 16.223 lần/khẩu, súng pháo các loại 8.273 lần/khẩu, ngành xe tăng-thiết giáp sửa chữa nhỏ được 252 lần/chiếc, sửa chữa lớn 32 lần/chiếc. Tự gia công tại chiến trường 904 chi tiết xe ôtô, 246 kim hoả súng các loại, 362 chi tiết phụ tùng sửa chữa súng và hàng trăm xẻng bộ binh.
Trung tá, chủ nhiệm hậu cần Phạm Văn Vị, trung tá chủ nhiệm kỹ thuật Nguyễn Văn Ngọc, các cán bộ kế tiếp của ngành hậu cần-kỹ thuật: thiếu tá Hoàn Kinh Cánh, thiếu tá Nguyễn Xuân Lục, đại uý Lê Văn Duyệt, Hoàn Văn Đông và nhiều đồng chí khác là những người luôn luôn có mặt ở những nơi khó khăn nhất. Tất cả các mùa khô khi bộ đội chiến đấu trên tuyến biên giới, thì các đồng chí cùng với các lực lượng phục vụ cũng luôn luôn có mặt trên các tuyến đuờng vừa cung cấp cho các đơn vị về cơ sở vật chất, kỹ thuật trong các chiến dịch mùa khô; vừa bảo đảm đủ lượng dự trữ cho mùa mưa đến.
Phải nhìn nhận rằng trong thắng lợi chung trên chiến trường có sự đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ ngành hậu cần-kỹ thuật sư đoàn. Tôi không nêu cụ thể lên đây hàng năm ngành hậu cần-kỹ thuật phải bảo đảm cho trên 10 ngàn người chiến đấu bao nhiêu tấn lương thực, thực phẩm, đạn dược, xăng dầu, quân trang, quân dụng… mà chúng ta hãy hình dung mọi nhu cầu cần thiết cho cả một sư đoàn có thờikỳ gồm 5 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh, các tiểu đoàn pháo phòng không, tiểu đoàn tăng-thiết giáp, hoá học, công binh, thông tin, trinh sát và các phân đội trực thuộc… có đầy đủ các vật chất kỹ thuật chiến đấu trong suốt 10 năm trên một chiến trường xa hậu phương hàng ngàn km, thì sẽ thấy được một khối lượng vận chuyển không nhỏ.
Với sự nỗ lực của ngành hậu cần-kỹ thuật đã bảo đảm cho toàn sư đoàn thường xuyên có đủ một cơ số các loại trang bị cho bộ đội, hai cơ số để tại các cụm kho phía trước, ba cơ số dự trữ tại kho sư đoàn. Việc bảo vệ hệ thống kho tàng ở chiến trường cũng là vấn đề được các cơ quan hậu cần-kỹ thuật sư đoàn và các đơn vị rất quan tâm. Đó là việc chống ẩm ướt trong mùa mưa, chống cháy nổ trong mùa khô và chống địch phá hoại thường xuyên.
Mọi công tác bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển cũng đã được các cấp từ cơ quan Mặt trận đến các đơn vị quan tâm. Ấy thế mà có lúc cũng đã xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Ngoài một số vụ do bất cẩn trong công tác bốc dỡ, vận chuyển còn để xảy ra những trường hợp làm nổ tung một xe chở đạn, chở mìn và cháy nổ ở một số đơn vị thuộc Mặt trận. Mùa khô năm 1982, trên một chuyến xe chờ đạn hoả lực của sư đoàn bộ binh 309 từ phía sau lên Nam-sấp để trang bị cho trung đoàn bộ binh 96, có nhiều đồng chí từ phía sau ra phía trước, ngại đi bộ, đã bám lên xe chở đạn. Khi xe đến chân cao điểm 309-Nam-sấp, do đường xấu, xe bị sóc đã kích nổ hoàn toàn một xe chở đạn. Thật là đau xót… Tất cả số anh em ngồi trên xe đều bị tử nạn. Một sự hy sinh mất mát không đáng có. Đó là những bài học xương máu rất thấm thía, khi không thực hiện đúng những điều lệnh, quy chế trên chiến trường.