Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm

Phần 5: Thùng Rỗng Kêu To

The-One-Straw-Revolution-page-122 

Những đêm thu thường dài và lạnh lẽo. Sung sướng biết bao nếu ta có thể dành thời gian ngồi nhìn vào bếp than cháy đỏ, tay ấp vào cốc trà nóng. Người ta nói rằng khi ngồi quanh ngọn lửa thì trò chuyện về điều gì cũng được, thế nên, nghĩ rằng những chuyện bất bình của các bạn nhà nông sẽ là một chủ đề thú vị, tôi cũng thi thoảng đưa chủ đề này ra. Nhưng có vẻ sẽ có một số vấn đề.

Nghĩ mà xem, trong khi tôi ở đây, từng nói mãi rằng mọi thứ chẳng có gì đáng kể, rằng loài người thì ngu muội, rằng chẳng có gì để phải cố gắng đạt cho bằng được, và rằng bất cứ cái gì đã hoàn thành đều là phí công, làm sao tôi có thể nói vậy và rồi tiếp tục huyên thuyên như thế này? Nếu buộc bản thân phải viết thứ gì đó ra, thì điều duy nhất tôi viết sẽ là: viết lách cũng vô dụng. Thật quá phức tạp.

Tôi không muốn chìm đắm vào quá khứ của riêng mình để viết về nó, tôi cũng không đủ thông thái để tiên đoán tương lai. Khơi ngọn lửa trong lúc trò chuyện về công việc hàng ngày quanh lò sưởi, làm sao tôi có thể bắt mọi người phải chịu đựng những ý tưởng ngờ nghệch của một lão nông dân già chứ?

Trên chỏm đất của vườn cây, nhìn ra vịnh Matsuyama và đồng bằng Dogo rộng lớn là vài túp lều nhỏ, vách bằng đất. Ở đó, một nhúm người đã tụm lại và cùng nhau sống một cuộc sống giản dị. Chẳng hề có những tiện nghi hiện đại. Trải qua những buổi tối yên bình dưới ánh nến và đèn dầu, bọn họ sống một cuộc sống với những nhu yếu phẩm đơn giản: gạo lứt, rau củ, một chiếc áo choàng và một cái bát. Họ từ đâu đó tới, ở lại ít lâu, rồi lại tiếp tục lên đường.

Trong số những vị khách này, có những nhà nghiên cứu nông nghiệp, sinh viên, học giả, nông dân, dân hippy, các nhà thơ và những kẻ lang thang, cả già lẫn trẻ, phụ nữ, đàn ông, thuộc đủ kiểu và quốc tịch khác nhau. Hầu hết những người ở lại lâu là những người trẻ đang cần một khoảng thời gian tự suy xét nội tâm.

Nhiệm vụ của tôi là hành xử như người coi sóc cái quán trọ bên đường này, phục vụ trà cho lữ khách cứ đến rồi đi. Và trong thời gian họ đang làm giúp những công việc trên đồng, tôi thích thú lắng nghe họ kể về những chuyện đang diễn ra trên thế giới.

Nghe có vẻ hay ho, nhưng thực ra đó không phải cuộc sống nhẹ nhàng và dễ dàng. Tôi chủ trương làm nông “vô vi,” và thế là nhiều người đến với tâm thế rằng họ sẽ tìm thấy một chốn địa đàng trần gian (Utopia) – nơi người ta có thể sống mà thậm chí chẳng cần rời khỏi giường. Những người này sẽ hố to. Gánh nước từ dưới suối lên giữa làn sương mù buổi sớm, chẻ củi tới khi hai tay đều đỏ ửng và nhức nhối vì phồng giộp, lội bùn tới mắt cá chân - nhiều người vì thế mà nhanh chóng bỏ cuộc.

The-One-Straw-Revolution-page-124

Khu vườn và những túp lều nhìn  từ trên núi.

Hôm nay, lúc tôi đang quan sát một nhóm bạn trẻ dựng một cái chòi nhỏ, một phụ nữ trẻ tuổi từ Funabashi lặn lội đi bộ lên tới nơi.

Khi tôi hỏi tại sao lại đến đây, cô ấy trả lời, “Cháu cứ tới thế thôi. Cháu chẳng biết bất cứ điều gì hơn nữa.”

Cô gái sáng sủa, hờ hững này có cái sáng suốt của cô ấy đấy chứ.

Tôi lại hỏi, “Nếu cháu biết mình còn chưa khai sáng, vậy thì chẳng còn gì để nói, đúng không? Trong việc đi đến chỗ hiểu biết về thế giới thông qua sức mạnh của trí phân biệt, người ta quên mất ý nghĩa của nó. Đấy chẳng phải là lý do tại sao thế giới lại ở trong tình trạng khó khăn như thế này hay sao?”

Cô gái dịu dàng đáp, “Vâng, nếu bác nói như vậy.”

“Có thể cháu cũng chẳng có ý niệm thật rõ ràng về chuyện khai sáng là gì. Trước khi tới đây cháu đã đọc những dạng sách gì?”

Cô gái lắc đầu, ý nói mình không đọc sách.

Người ta học do họ nghĩ mình không hiểu biết, nhưng việc học sẽ không giúp cho người ta hiểu biết. Bọn họ vất vả học chỉ để cuối cùng nhận ra rằng con người chẳng thể biết bất cứ cái gì, rằng sự thấu hiểu nằm ở ngoài tầm với của con người.

Thường thì người ta nghĩ rằng cụm từ “không hiểu” được áp dụng khi, chẳng hạn, ta nói rằng ta hiểu được chín việc, nhưng có một việc ta không hiểu. Nhưng khi có ý định hiểu hết cả mười việc thì thực ra ta chẳng hiểu được một điều nào hết. Nếu nói biết cả trăm hoa thì thực ra ta không “biết” dù chỉ một bông. Người ta gian nan vất vả để hiểu, thuyết phục bản thân rằng mình hiểu, nhưng tới chết vẫn chẳng biết gì.

Đám thanh niên nghỉ tay làm mộc, ngồi xuống bãi cỏ gần một cây quýt to, rồi ngước nhìn lên những đám mây mỏng manh trên bầu trời phương nam.

Người ta nghĩ rằng khi ta chuyển ánh mắt từ mặt đất lên bầu trời là ta sẽ thấy được thiên đường. Ta tách quả màu cam khỏi lá màu lục và nói rằng ta biết màu lục của lá và màu cam của quả. Nhưng vào khoảnh khắc người ta phân biệt giữa lục và cam, những màu sắc thực sự biến mất.

Người ta nghĩ rằng mình hiểu mọi thứ bởi vì ta trở nên quen thuộc với chúng. Đấy chỉ là tri thức cạn cợt bề ngoài. Đấy là thứ kiến thức của nhà thiên văn học biết tên gọi của những vì sao, của nhà thực vật học biết cách phân loại các kiểu lá và hoa, người họa sĩ biết được tính thẩm mỹ của màu xanh và màu đỏ. Đấy không phải là hiểu biết về bản thân tự nhiên – mặt đất và bầu trời, màu xanh và màu đỏ. Nhà thiên văn học, nhà thực vật học, người họa sĩ chẳng làm được gì hơn việc nắm bắt những ấn tượng và rồi diễn dịch chúng, mỗi người có một phạm vi hiểu biết riêng trong tâm trí mình. Càng để hết tâm trí vào hoạt động của trí năng, họ sẽ càng tách biệt mình ra và càng khó để sống một cách tự nhiên.

Bi kịch là ở chỗ, trong sự ngạo mạn vô căn cứ của mình, người ta cố gắng bẻ cong tự nhiên theo ý muốn của họ. Loài người có thể huỷ hoại các hình thái tự nhiên, nhưng lại không thể tạo ra chúng được. Trí phân biệt, một sự hiểu biết phân mảnh và không trọn vẹn, luôn định hình điểm khởi đầu cho tri thức con người. Không thể nào biết cho hết toàn bộ tự nhiên, người ta chẳng thể làm được gì tốt hơn ngoài việc dựng lên một mô hình không hoàn thiện của tự nhiên và rồi tự đánh lừa bản thân, rằng mình đã tạo ra được cái gì đó tự nhiên.

Tất cả những gì mà một người cần làm để hiểu được tự nhiên là nhận ra rằng mình không thực sự biết bất cứ cái gì cả, rằng anh ta không thể biết bất cứ điều gì. Khi đó mới có thể hy vọng là anh ta sẽ thôi không còn quan tâm tới tri thức mang tính phân biệt nữa. Khi từ bỏ tri thức phân biệt, tri thức phi phân biệt tự nó sẽ hiển lộ bên trong anh ta. Nếu không cố nghĩ, không thèm quan tâm về sự hiểu biết nữa, thì rồi sẽ tới lúc anh ta hiểu. Chẳng có cách nào khác ngoài cách thông qua sự phá hủy bản ngã, vứt bỏ đi cái ý tưởng rằng con người tồn tại tách rời khỏi trời và đất.

“Thế có nghĩa là khờ khạo chứ chẳng phải thông minh gì,” tôi nổi quạu với một anh chàng trẻ tuổi có cái vẻ khôn ngoan tự mãn hiện lên trên nét mặt. “Ánh mắt của cậu như thế nghĩa là sao? Khờ mà bày đặt khôn ngoan. Cậu có biết chắc là mình khôn ngoan hay khờ khạo không, hay là cậu đang cố trở thành gã khôn theo kiểu khờ khờ? Cậu chẳng thể nào trở nên khôn ngoan, cũng chẳng thể nào trở nên khờ khạo, cậu mắc kẹt trong sự bế tắc. Chẳng phải đấy là vị thế của cậu lúc này hay sao?”

Thực ra, tôi nổi giận với bản thân vì cứ lặp đi lặp lại những lời giống nhau hết lần này tới lần khác, những ngôn từ sẽ chẳng bao giờ sánh nổi với sự thông thái của sự im lặng, những lời nói mà bản thân tôi cũng chẳng thể hiểu nổi.

Mặt trời mùa thu đang dần lặn phía chân trời. Những sắc màu lúc trời nhập nhoạng tiến gần đến chỗ gốc cây già. Quay lưng lại ánh sáng từ phía biển Nội Hải, đám người trẻ im lặng chậm rãi quay trở về những căn chòi để dùng bữa tối. Tôi lặng lẽ theo sau trong bóng tối đang lan dần.

AI LÀ KẺ KHỜ?

Người ta nói rằng không có sinh vật nào thông thái như con người. Sử dụng cái thông thái ấy, con người đã trở thành loài động vật duy nhất có khả năng gây ra chiến tranh hạt nhân.

Một ngày nọ, chủ cửa hàng thực phẩm tự nhiên đối diện cửa nhà ga Osaka đã leo lên núi này, mang theo bảy người bạn đồng hành, giống như bảy vị tài thần vậy. Buổi trưa, khi chúng tôi đang thưởng thức món cháo thập cẩm ngẫu hứng từ gạo lứt, thì một người trong số họ nói: “Trong đám trẻ con, sẽ luôn có một đứa cười vang vui vẻ khi đi tè mà chẳng bận tâm gì tới thế gian, sẽ có một đứa khác luôn phải đóng vai ‘ngựa’ khi chơi trò ‘cưỡi ngựa’ và sẽ luôn có đứa thứ ba khôn lỏi, biết cách lừa trộm lấy đồ ăn vặt buổi chiều của những đứa khác. Trước khi chọn lớp trưởng, người thầy nói chuyện nghiêm túc về những phẩm chất đáng mong ước của một người lãnh đạo giỏi và tầm quan trọng của việc đưa ra một quyết định khôn ngoan. Thế mà khi tổ chức bầu, đứa trẻ hay cười đùa vui vẻ bên vệ đường lại là đứa được chọn.”

Mọi người đều thấy ngạc nhiên, nhưng tôi chẳng hiểu sao họ lại cười. Tôi nghĩ đó chỉ là chuyện tự nhiên.

Nếu mọi thứ đều quy về thắng – thua, người ta hẳn sẽ xem đứa trẻ luôn phải đóng vai con ngựa là kẻ thua cuộc, nhưng sự vĩ đại hay tầm thường không áp dụng được vào trẻ con. Người thầy cho rằng đứa giỏi giang thì đáng chú ý nhất, nhưng những đứa khác thấy cậu ta giỏi giang không đúng kiểu, một người sẽ áp bức những người khác.

Nghĩ rằng cái kẻ thông minh và biết chăm lo cho bản thân là xuất chúng, và rằng xuất chúng thì tốt hơn, đấy là chạy theo thang giá trị của “người lớn.” Dường như với tôi, kẻ mà cứ việc mình mình làm, ăn tốt ngủ tốt, kẻ không có gì để phải lo lắng, là kẻ đang sống theo lối mãn nguyện nhất. Chẳng có ai vĩ đại bằng kẻ không cố hoàn thành bất cứ cái gì cả.

Trong truyện ngụ ngôn của Aesop, khi loài ếch đòi thượng đế ban cho chúng một vị vua, ngài gửi cho chúng một khúc gỗ. Lũ ếch chế nhạo khúc gỗ câm đó và khi chúng đòi thượng đế ban cho một vị vua vĩ đại hơn, ngài gửi xuống một con cò. Như câu chuyện diễn tiến thì con cò mổ chết tất cả bọn ếch.

Nếu kẻ đi trước giỏi giang, những người theo sau sẽ phải gian nan và gắng sức. Nếu ta đưa một gã bình thường lên đầu, những người đằng sau sẽ thoải mái hơn. Người ta nghĩ rằng ai đó mạnh mẽ và khôn ngoan thì nổi bật, thế nên họ lựa chọn một vị thủ tướng để kéo cả nước đi theo như một cái đầu máy diesel vậy.

“Kiểu người nào nên được chọn làm thủ tướng?”

“Một khúc gỗ câm,” tôi đáp. “Chẳng có ai phù hợp hơn tiên sinh Daruma[39],” tôi đáp. “Ông ấy thật là một kẻ thảnh thơi nên có thể ngồi thiền suốt nhiều năm mà không nói một lời nào. Nếu đẩy một cái, ông sẽ lắc lư, nhưng với sự bất phản kháng kiên định ông luôn ngồi thẳng dậy. Daruma-san không chỉ có ăn không ngồi rồi, giữ cho tay chân khoanh lại mà thôi. Hãy biết rằng ta phải giữ cho chúng ở tư thế khoanh lại, nếu không tiên sinh sẽ lặng lẽ cau có với những ai muốn duỗi thẳng chúng ra.”

“Nếu ta mà không làm gì hết thì thế giới sẽ không vận hành được. Thế gian sẽ ra sao nếu không có sự phát triển đây?”

“Tại sao anh lại phải phát triển cơ chứ? Nếu tăng trưởng kinh tế nhảy từ 5% lên 10%, liệu mức độ hạnh phúc có tăng gấp đôi không? Mà tốc độ tăng trưởng 0% thì có gì sai? Chẳng phải đấy đúng ra là một kiểu nền kinh tế ổn định sao? Còn có bất cứ thứ gì tốt đẹp hơn việc sống giản đơn và xem nhẹ mọi sự hay sao?”

Người ta tìm thấy một cái gì đó, học hỏi xem nó hoạt động thế nào, và đưa tự nhiên vào sử dụng, cứ nghĩ rằng đấy là vì muốn tốt cho nhân loại. Cho tới giờ, kết quả của toàn bộ những chuyện đó là hành tinh này đã trở nên ô nhiễm, người ta trở nên hoang mang, và chính chúng ta đã mời đến những hỗn loạn của thời hiện đại.

Tại nông trại này, chúng tôi thực hành cách làm nông “chẳng-làm-gì-cả,” ăn các loại ngũ cốc toàn phần và ngon lành, cùng với rau củ và cam quýt. Chỉ cần sống gần gụi với cội nguồn của mọi thứ là đã thấy có ý nghĩa và có sự thỏa mãn căn bản rồi. Cuộc đời là thơ ca.

The-One-Straw-Revolution-page-128

“Tới thời điểm hiện tại, chúng ta chẳng còn cách nào khác ngoài việc ‘hành động’ mà chẳng tạo ra được giá trị gì cả.”

Người nông dân đã trở nên quá bận rộn khi người ta bắt tay vào nghiên cứu thế giới và quyết định rằng sẽ “tốt” nếu chúng ta làm điều này hay điều nọ. Tất cả nghiên cứu của tôi lại theo hướng là không làm điều này hay điều kia. Ba mươi năm ấy đã dạy cho tôi rằng nhà nông hầu như không làm gì cả thì tốt hơn.

Người ta càng làm, xã hội càng phát triển, thì càng có nhiều vấn đề phát sinh. Tự nhiên ngày càng tiêu điều và suy kiệt tài nguyên, sự bứt rứt và phân rã của tinh thần con người, tất cả là do nỗ lực của loài người nhằm hoàn thành cái gì đó. Khởi thủy vốn chẳng có lý do gì phải cải tiến cả, và cũng chẳng cần phải làm gì hết. Chúng ta đã đi đến chỗ không còn cách nào khác ngoài việc tổ chức một ‘phong trào’ với tinh thần chẳng cần đạt được bất cứ cái gì hết.

SINH RA ĐỂ ĐI NHÀ TRẺ

Một chàng trai trẻ khoác chiếc túi nhỏ trên vai, bước lững thững đến chỗ chúng tôi đang làm việc trên đồng.

“Cậu từ đâu tới?,” tôi hỏi.

“Từ đằng kia.”

“Làm sao cậu tới đây được?”

“Cháu đi bộ.”

“Cậu đến đây để làm gì?”

“Cháu không biết.”

Hầu hết những người tới đây đều không vội vàng hé lộ danh tính hay những câu chuyện trong quá khứ của họ. Họ cũng không nói rõ mục đích của mình. Do nhiều người trong số họ chẳng biết tại sao mình lại đến, mà chỉ đến thôi, nên chuyện này cũng thật tự nhiên.

Thuở ban đầu, con người chẳng hề biết mình từ đâu tới hay mình sẽ đi đến đâu. Nói rằng ta được sinh ra từ bụng mẹ và sẽ quay về với đất chỉ là lời giải thích mang tính sinh học, chứ chẳng ai thực sự biết điều gì tồn tại trước lúc sinh ra hay thế giới nào sẽ đợi chờ sau khi chết.

Sinh ra mà không biết nguyên do, chỉ để rồi nhắm mắt xuôi tay, ra đi vào cõi vô định - con người thật đúng là một tạo vật bi thảm.

Hôm trước, tôi có tìm thấy một chiếc nón cói đan của một nhóm người hành hương đến thăm các đền thờ tại Shikoku bỏ lại. Trên đó có viết những lời sau: “Khởi thủy không Đông chẳng Tây/ Mười phương vô định.” Lúc này, cầm chiếc nón trong tay, tôi hỏi cậu trai trẻ kia lần nữa, cậu ta từ đâu đến, và cậu nói rằng mình là con trai của một tu sĩ Thần đạo ở Kanazawa, và vì việc đọc kinh văn cho người chết suốt cả ngày thật quá ngớ ngẩn, nên cậu muốn trở thành nông dân.

Làm gì có đông với chẳng tây. Mặt trời mọc lên ở đằng đông, lặn xuống ở đằng tây, nhưng đó đơn thuần chỉ là một quan sát thiên văn. Biết rằng ta chẳng hiểu đông là gì, tây là gì thì gần với sự thật hơn. Thực tế thì không ai biết mặt trời từ đâu mà ra.

Trong số hàng chục nghìn kinh sách, bản kinh được cảm kích nhất, hội tụ mọi điều quan trọng chính là Bát Nhã Tâm Kinh. Theo bản kinh này, Đức Phật Thế Tôn tuyên bố: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Vật và tâm là một, nhưng tất cả đều không. Con người không sống, không chết, không sinh ra cũng không chết đi, không già không bệnh, không tăng cũng không giảm.”

Một ngày nọ, trong lúc chúng tôi đang gặt lúa, tôi nói với đám thanh niên đang dựa người vào một đống rơm to, “Ta đang nghĩ rằng khi lúa được gieo vào mùa xuân, hạt giống đâm ra những cái mầm sống, và giờ, như khi chúng ta đang gặt đây, nó có vẻ chết đi. Sự thực là cái nghi thức này được lặp lại năm này sang năm khác, nghĩa là sự sống vẫn tiếp diễn trên cánh đồng nơi đây và cái chết hằng năm đó bản thân nó là sự sinh ra hằng năm. Ta có thể nói rằng cây lúa mà chúng ta đang cắt đây vẫn liên tục sống.”

Con người thường nhìn sự sống và cái chết dưới góc nhìn ngắn hạn. Sự sinh ra của mùa xuân và cái chết của mùa thu có ý nghĩa gì với ngọn cỏ này? Người ta nghĩ rằng sống là vui còn chết là buồn, thế nhưng hạt lúa, nằm im trong đất rồi nảy mầm vào mùa xuân, những cái lá và thân của nó héo đi vào mùa thu, vẫn giữ bên trong cái lõi nhỏ xíu của nó niềm vui trọn vẹn của sự sống. Niềm vui của sự sống chẳng rời đi trong cái chết. Cái chết chẳng gì hơn là cái lướt qua tạm thời. Chẳng phải cây lúa này, bởi lẽ nó sở hữu niềm vui trọn vẹn của sự sống, nên chẳng hề biết tới nỗi buồn khổ của cái chết đấy sao?

Điều tương tự xảy ra với lúa gạo và đại mạch cũng tiếp diễn không ngừng bên trong cơ thể con người. Ngày lại ngày, tóc và móng mọc dài ra, hàng chục nghìn tế bào chết đi nhưng một số lượng nhiều hơn thế lại được sinh ra; dòng máu trong cơ thể một tháng trước không y hệt như dòng máu ngày hôm nay. Khi nghĩ rằng những đặc tính của riêng ta sẽ được truyền tiếp trong cơ thể con cháu là ta có thể nói rằng mình đang chết đi và tái sinh mỗi ngày, ấy thế mà ta vẫn sẽ sống tiếp thêm nhiều thế hệ sau khi chết.

Nếu việc tham dự vào vòng tuần hoàn này có thể được trải nghiệm và thưởng thức từng ngày thì chẳng còn cần thêm điều gì nữa. Nhưng hầu hết người ta lại không thể tận hưởng cuộc sống khi nó trôi qua và đổi thay mỗi ngày. Họ bám lấy sự sống như họ đã từng trải nghiệm nó rồi, và sự bám víu theo thói quen này đem đến nỗi sợ chết. Chỉ chú ý đến quá khứ, là cái đã qua mất, hay đến tương lai, là cái vẫn còn chưa tới, họ quên mất rằng mình đang sống trên trái đất ngay ở đây và ngay lúc này. Vùng vẫy trong vòng luẩn quẩn, họ nhìn cuộc đời của mình trôi đi như trong một giấc mơ.

“Nếu sống và chết là thực tại, thì chẳng phải nỗi khổ đau của con người là chẳng thể nào tránh khỏi sao?”

“Không có sống hay chết.”

“Sao bác lại có thể nói thế được?”

Bản thân thế giới là một chỉnh thể các sự vật hiện tượng trong dòng chảy trải nghiệm, thế nhưng tâm trí con người lại phân tách các hiện tượng thành những cặp nhị nguyên như sống và chết, âm và dương, hư và thực. Cái tâm trí đó đi đến chỗ tin vào tính hợp lệ tuyệt đối của những gì các giác quan cảm thụ được, và rồi, lần đầu tiên, vật chất như nó vốn là biến thành những khách thể như kiểu con người thông thường vẫn nhìn nhận về chúng.

Các hình tướng của thế giới vật chất, các khái niệm về sống và chết, sức khoẻ và bệnh tật, niềm vui và nỗi sầu khổ, tất cả đều phát xuất từ tâm trí con người. Trong bản kinh trên, khi Đức Phật nói rằng tất cả đều không, ngài không chỉ phủ nhận tính hiện thực nội tại của bất cứ thứ gì được dựng lên bởi trí năng của con người mà ngài cũng tuyên bố rằng những cảm xúc của con người chỉ là ảo tưởng.

“Ý bác tất tật đều là ảo tưởng. Không chừa thứ gì?”

“Không chừa thứ gì ư? Rõ ràng là khái niệm ‘hư không’ vẫn còn tồn tại trong tâm trí cậu,” tôi nói với chàng trai trẻ. “Nếu cậu không biết mình từ đâu tới hay mình sắp đi đâu, vậy cậu làm sao có thể chắc chắn là mình đang ở đây, đang đứng trước mặt ta? Sự hiện tồn này là vô nghĩa ư?”

“…”

Buổi sáng một ngày kia, tôi có nghe một bé gái lên bốn hỏi mẹ của mình: “Tại sao con sinh ra trên đời này vậy ạ? Để đi nhà trẻ sao?”

Đương nhiên là mẹ của cô bé chẳng thể thành thật mà nói rằng, “Đúng, đúng đấy con, giờ con đi học đi.” Thế nhưng, ta có thể nói rằng con người ngày nay được sinh ra là để đi nhà trẻ.

Cho tới tận lúc học lên đại học, người ta vẫn học hành một cách chăm chỉ để hiểu cho được tại sao mình lại sinh ra đời. Các học giả và triết gia, thậm chí có phá hỏng đời mình trong cái nỗ lực ấy, vẫn nói, họ sẽ thấy mãn nguyện khi hiểu được chỉ một điều này thôi.

Ban đầu, con người chẳng có mục đích gì cả. Còn giờ, mơ tưởng ra mục tiêu này mục tiêu nọ, họ vùng vẫy cố gắng tìm cho ra ý nghĩa cuộc sống. Đấy là cuộc đấu vật chỉ-một-người. Chẳng có mục tiêu nào để người ta phải suy nghĩ về nó hay phải lên đường tìm kiếm cả. Tốt hơn hết, ta cứ đi hỏi đám trẻ con xem liệu một cuộc đời không mục đích thì có vô nghĩa hay không.

Kể từ thời điểm bước chân vào nhà trẻ, nỗi sầu khổ của con người bắt đầu. Vốn là một tạo vật vui vẻ, nhưng con người đã tự tạo ra một thế giới hà khắc và giờ phải vùng vẫy để thoát ra.

Trong tự nhiên, có sự sống và cái chết, và tự nhiên đầy ắp niềm vui.

Trong xã hội loài người, có sống và chết, nhưng con người thì sống trong khổ đau.

NHỮNG ĐÁM MÂY TRÔI DẠT VÀ ẢO TƯỞNG CỦA KHOA HỌC

Sáng nay, tôi đang rửa những hộp đựng cam bên bờ sông. Khom người trên một phiến đá phẳng, tay tôi cảm nhận được cái giá lạnh của con sông vào thu. Lá đỏ của những cây sơn dọc bờ sông nổi bật trên nền trời thu xanh trong. Tôi choáng ngợp trước vẻ tráng lệ không ngờ của những nhành cây tương phản với nền trời.

Bên trong cái cảnh tượng tình cờ này, toàn bộ thế giới trải nghiệm đều hiện diện. Trong dòng nước chảy, dòng thời gian trôi, bờ trái và bờ phải của con sông, ánh mặt trời và những bóng râm, những chiếc lá đỏ và bầu trời xanh – tất cả đều xuất hiện bên trong cuốn sách thiêng liêng, lặng câm này của tự nhiên. Còn con người là một nhành lau mỏng manh đang suy nghĩ.

Một khi đã thắc mắc tự nhiên là gì, anh ta hẳn phải thắc mắc tiếp “cái gì đó” là gì, và cái con người đang thắc mắc về “cái gì đó” là cái giống gì. Anh ta dấn bước, có thể nói vậy, vào một thế giới của những câu hỏi khôn cùng.

Trong việc cố gắng đạt được sự hiểu biết sáng tỏ về ‘cái gì đó,’ cái đang rót đầy con người anh ta với những thắc mắc, cái đang làm anh ta kinh ngạc, anh ta có hai con đường khả dĩ để đi. Con đường thứ nhất là nhìn sâu vào chính mình, vào cái kẻ đang đặt ra câu hỏi, “Tự nhiên là gì?” Con đường thứ hai là xem xét tự nhiên tách biệt khỏi con người.

Con đường thứ nhất dẫn tới địa hạt của triết học và tôn giáo. Nhìn một cách lơ đãng, không có gì lạ khi thấy nước chảy từ cao xuống thấp, nhưng không hề thiếu nhất quán khi nhìn dòng nước như đang đứng im còn cây cầu thì như đang trôi.

Trái lại, nếu đi theo con đường thứ hai, thì cảnh tượng đó sẽ bị chia thành một tập những hiện tượng tự nhiên khác nhau: nước, tốc độ của dòng chảy, những con sóng, gió và những đám mây trắng. Tất cả chúng, một cách riêng rẽ, sẽ trở thành các đối tượng để khảo sát, dẫn đến những câu hỏi xa hơn, nó mở rộng ra vô tận theo mọi hướng. Đấy là con đường của khoa học.

Thế giới này đã từng giản đơn. Ta hiếm khi để ý trong lúc đi ngang qua ta bị ướt vì quệt phải những giọt sương, trong lúc đang thơ thẩn trên đồng cỏ. Nhưng kể từ lúc người ta quyết định giải thích giọt sương này một cách khoa học, họ đã tự đặt bẫy mình trong địa ngục khôn cùng của trí năng.

Các phân tử nước được tạo thành từ những nguyên tử hydro và ô-xy. Đã có lúc người ta nghĩ rằng các hạt nhỏ nhất trong thế gian này là các nguyên tử, nhưng rồi họ khám phá ra rằng có một hạt nhân bên trong nguyên tử. Giờ họ lại phát hiện ra rằng bên trong hạt nhân có những hạt thậm chí còn bé hơn. Trong số những hạt hạt nhân này, có hàng trăm loại khác nhau và chẳng ai biết sự khảo sát về thế giới tí hon này sẽ kết thúc ở đâu.

Người ta nói rằng cái cách mà các electron xoay quanh với vận tốc siêu nhanh bên trong nguyên tử thì cũng y hệt như đường bay của các sao chổi trong ngân hà. Đối với nhà vật lý hạt nhân, thế giới của các hạt cơ bản cũng bao la như bản thân vũ trụ. Thế nhưng, người ta đã chứng minh rằng bên cạnh chính thiên hà mà chúng ta đang sống đây, còn có vô số những thiên hà khác. Vậy nên trong mắt nhà vũ trụ học, toàn bộ thiên hà của chúng ta lại trở nên nhỏ tí teo.

Sự thật là những người nghĩ rằng một giọt nước thì đơn giản hay một hòn đá thì nằm yên bất động và trơ ì – họ là những kẻ ngốc hạnh phúc, còn các khoa học gia biết rằng một giọt nước là cả một vũ trụ lớn lao và hòn đá là một thế giới sôi động của những hạt cơ bản tuôn chảy như những quả tên lửa - họ lại là những kẻ ngốc tài giỏi. Nhìn đơn giản, thế giới này có thực và nằm trong tầm tay. Nhìn phức tạp, thế giới trở nên trừu tượng và xa vợi đến kinh người.

Các nhà khoa học sung sướng ăn mừng khi những viên đá được mang về từ mặt trăng chẳng hiểu được mặt trăng bằng những đứa trẻ hay hát nghêu ngao “trăng bao nhiêu tuổi trăng già…” Basho[40] có thể thấu được sự diệu kỳ của tự nhiên bằng việc ngắm ánh trăng tròn phản chiếu trên mặt hồ tĩnh lặng. Tất cả những gì các khoa học gia làm được khi đi vào không gian và chập chững trên đôi giày đi ngoài không gian của mình là làm mờ đi chút xíu vẻ tráng lệ của mặt trăng trước hàng triệu tình nhân và trẻ con trên trái đất.

Làm thế nào mà người ta lại nghĩ rằng khoa học mang lại lợi ích cho loài người cơ chứ?

Ngày xưa trong ngôi làng này, hạt ngũ cốc được nghiền thành bột nhờ cối đá xoay chầm chậm bằng tay. Rồi đến cối xay nước, có động lượng lớn hơn nhiều mà chiếc cối đá hồi xưa chẳng thể nào sánh nổi, được dựng lên để sử dụng sức mạnh của dòng chảy. Vài năm trước, một cái đập được xây dựng để sản xuất điện năng và một nhà máy xay xát vận hành bằng điện cũng được cất lên.

Các bạn nghĩ cỗ máy tân tiến đó làm lợi cho loài người ở chỗ nào? Để nghiền gạo thành bột, trước tiên nó được đánh bóng – nghĩa là làm thành gạo trắng. Tức là người ta xay thóc, loại bỏ phần mầm và vỏ cám, vốn là nền tảng cho sức khoẻ, và giữ lấy phần còn lại[41]. Và vì thế, kết quả của công nghệ này là phá vỡ nguyên hạt gạo thành những thứ phẩm không đầy đủ. Nếu thứ gạo trắng quá dễ tiêu hoá đó trở thành món ăn chính hàng ngày, chế độ ăn này sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng, và người ta sẽ cần phải dùng tới những thực phẩm bổ sung. Cối xay nước và nhà máy xay xát đang làm thay phần việc của dạ dày và của ruột, hệ quả là làm cho những cơ quan này trở nên lười biếng.

Nhiên liệu cũng tương tự như vậy. Dầu thô hình thành khi mô gỗ của những cái cây thời xa xưa bị chôn vùi sâu dưới lòng đất, biến tính do áp suất và nhiệt độ cao. Chất này bị moi hút lên khỏi sa mạc, đưa tới cảng bằng đường ống, sau đó được vận chuyển bằng tàu tới nước Nhật rồi được lọc thành xăng và dầu hỏa tại một nhà máy lọc dầu lớn.

Các bạn nghĩ cái nào thì nhanh hơn, ấm hơn và tiện hơn, đốt thứ xăng này hay các cành tuyết tùng, cành thông lấy được ở ngay trước cửa nhà?[42] Nhiên liệu vẫn là chất liệu thực vật. Có điều dầu hoả và xăng thì phải đi theo một chặng đường dài hơn để tới được đây.

Giờ thì người ta đang nói rằng năng lượng hoá thạch là không đủ, rằng chúng ta cần phải phát triển năng lượng hạt nhân. Để tìm ra quặng uranium hiếm, nén nó thành nhiên liệu phóng xạ và đốt nó trong một lò hạt nhân khổng lồ thì không dễ như việc đốt những cái lá khô bằng diêm. Hơn nữa, đốt lửa trong lò sưởi chỉ để lại mỗi tro, nhưng sau một vụ đốt hạt nhân, chất thải phóng xạ vẫn còn nguy hiểm trong nhiều ngàn năm.

Cùng một nguyên lý như vậy tác động lên nông nghiệp. Trồng một cây lúa mập mạp, mềm oặt trong một cánh đồng ngập nước, ta sẽ có một cái cây dễ dàng bị côn trùng và bệnh tật tấn công. Nếu các giống lúa “cải tiến” được sử dụng, người ta sẽ phải dựa vào sự trợ giúp của các loại thuốc diệt côn trùng và phân bón hoá học.

Trái lại, nếu ta trồng một cây lúa nhỏ nhắn, chắc khoẻ trong một môi trường lành mạnh, những hoá chất này sẽ chẳng còn cần thiết nữa.

Cày xới một cánh đồng lúa ngập nước với một cái cày hay máy kéo, đất trồng sẽ trở nên thiếu dinh dưỡng. Kết cấu đất bị huỷ hoại, giun đất và các loài động vật nhỏ khác bị tiêu diệt, đất trở nên rắn và mất sinh khí. Một khi điều này xảy ra, thửa ruộng này buộc phải được cày lật đất mỗi năm.

Nhưng nếu một phương pháp được đưa vào sử dụng, trong đó đất tự nó canh tác lấy, thì chẳng cần tới cái cày hay máy móc canh tác nữa.

Sau khi các chất hữu cơ và vi sinh vật trong lớp đất đầy sinh khí bị đốt kiệt, việc sử dụng các loại phân bón tác dụng nhanh trở nên cần thiết. Nếu phân bón hoá học được đem dùng, cây lúa sẽ sinh trưởng nhanh và cao, nhưng đám cỏ dại cũng vậy. Thế là người ta dùng tới thuốc diệt cỏ và cho rằng nó hữu ích.

Nhưng nếu cỏ ba lá được gieo cùng với ngũ cốc, và toàn bộ rơm rạ cùng các phần hữu cơ dư thừa được đem trả về bao phủ bề mặt ruộng thì có thể trồng các vụ mùa mà không cần tới thuốc diệt cỏ, phân bón hoá học hay phân mùn vi sinh ủ sẵn.

Trong làm nông, có rất ít công đoạn là không thể bỏ. Phân ủ, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt côn trùng, máy móc - tất cả đều không cần thiết. Nhưng nếu người ta tạo ra những điều kiện trong đó chúng trở nên cần thiết thì khi đó sẽ phải cần tới sức mạnh của khoa học.

Tôi đã thể hiện trên những thửa ruộng của mình rằng làm nông tự nhiên cho sản lượng ngang ngửa với những thửa ruộng áp dụng khoa học hiện đại. Nếu những thành quả của nông nghiệp phi-tác-động cũng tương tự so với cách làm của khoa học, mà chỉ cần một khoản đầu tư cho lao động và tài nguyên bằng một phần mười, thế thì ích lợi của khoa học công nghệ nằm ở đâu?

THUYẾT TƯƠNG ĐỐI

Nhìn ra ánh nắng rực rỡ của bầu trời thu, bao quát những cánh đồng xung quanh, tôi thấy kinh ngạc. Ngoại trừ những thửa ruộng của tôi còn thì ruộng nào cũng có máy thu hoạch lúa hoặc máy liên hợp đang chạy qua chạy lại. Trong ba năm vừa qua, ngôi làng này đã thay đổi đến không nhận ra được nữa.

Đúng như dự đoán, những thanh niên trên núi chẳng hề ganh tị với việc chuyển sang sử dụng máy móc này. Họ thích thú thu hoạch trong yên bình, im lặng với chiếc liềm tay kiểu cũ.

The-One-Straw-Revolution-page-137

Công việc mài lưỡi hái cán dài.

Tối hôm đó, lúc chúng tôi sắp dùng xong bữa tối, tôi chợt nhớ lại bên tách trà, thời xa xưa đã lâu lắm rồi trong ngôi làng này, vào thời mà nhà nông vẫn phải cày ruộng bằng tay, có một người bắt đầu sử dụng con bò. Ông ta rất tự hào có thể hoàn tất công việc cày bừa nặng nhọc kia một cách dễ dàng và nhanh chóng. Hai mươi năm trước, khi chiếc máy cày đầu tiên xuất hiện, tất cả dân làng đã họp lại với nhau và tranh luận nghiêm túc xem cái nào tốt hơn, con bò hay máy móc. Hai hay ba năm trôi qua, họ thấy rõ rằng cày bằng máy thì nhanh hơn, và không cần xem xét xa hơn những tiêu chí về thời gian và mức độ tiện lợi, nông dân đồng loạt bỏ việc sử dụng súc vật kéo như trước đây. Nguyên do đơn thuần chỉ là làm sao cho xong công việc nhanh hơn người nông dân ở ruộng kế bên.

Người nông dân không nhận ra rằng mình thuần tuý đã trở thành một thừa số trong công thức tăng tốc độ và hiệu suất của nông nghiệp hiện đại. Ông ta để cho gã bán thiết bị nông nghiệp làm tất tật việc tính toán hộ mình.

Thuở ban đầu, người ta hay nhìn lên bầu trời đêm đầy sao và cảm thấy kính sợ trước sự bao la của vũ trụ. Còn giờ thì những câu hỏi về thời gian và không gian được phó mặc hoàn toàn cho các nhà khoa học xem xét.

Người ta nói rằng Einstein được trao giải Nobel vật lý là do độ khó hiểu của thuyết tương đối mà ông ta đưa ra. Nếu lý thuyết của ông ta giải thích được một cách rõ ràng các hiện tượng về tính tương đối trong thế giới này và vì thế giải phóng loài người khỏi sự câu thúc của thời gian và không gian, mang lại một thế giới thoải mái, yên bình hơn thì nó đáng để tán dương. Tuy nhiên, lời giải thích của ông ta lại rối rắm, và nó khiến cho người ta nghĩ rằng thế giới này phức tạp ngoài mọi khả năng hiểu biết. Đáng ra nó phải được trao giải “quấy rối sự bình yên của tinh thần con người” thì đúng hơn.

Trong tự nhiên, thế giới của sự tương đối chẳng hề tồn tại. Ý niệm về các hiện tượng tương đối là một cấu trúc được trao cho trí năng con người trải nghiệm. Những con vật khác sống trong thế giới của thực tại không chia cắt. Chừng nào người ta còn sống trong thế giới tương đối của trí năng, người đó sẽ đánh mất tầm nhìn về thời gian vượt trên thời gian và không gian vượt trên không gian.

“Các cậu có thể đang thắc mắc là tại sao ta có thói quen lúc nào cũng chỉ trích các khoa học gia thế này,” tôi nói, ngừng lại để nhấp một ngụm trà. Đám thanh niên ngẩng đầu lên mỉm cười, những gương mặt bừng sáng và lấp lánh trong ánh lửa. “Đấy là bởi vì vai trò của khoa học gia trong xã hội cũng tương tự như vai trò của trí phân biệt trong tâm trí của chính chúng ta.”

MỘT NGÔI LÀNG KHÔNG CHIẾN TRANH LẪN HOÀ BÌNH

Một con rắn ngậm con ếch trong miệng nó rồi lỉnh vào trong đám cỏ. Một cô gái hét toáng lên. Một chàng trai dũng cảm biểu lộ cảm giác ghê tởm và ném một hòn đá về phía con rắn. Những người khác phá ra cười. Tôi quay sang phía chàng trai vừa ném hòn đá. “Cậu nghĩ làm như thế thì sẽ được gì?”

Diều hâu săn rắn. Chó sói tấn công diều hâu. Một người giết con sói đó, và sau này lại phải đầu hàng trước con vi-rút lao. Vi khuẩn sinh sôi trong xác chết của con người, và các loài thú, cây cỏ lại phát triển mạnh nhờ những chất dinh dưỡng sử dụng được do hoạt động của bọn vi khuẩn. Côn trùng tấn công cây cối và lũ ếch lại ăn côn trùng.

Thú vật, cây cối, các vi sinh vật – tất cả đều là một phần trong vòng tuần hoàn của sự sống. Duy trì sự cân bằng phù hợp, chúng sống một cuộc đời được kiểm soát một cách tự nhiên. Con người có thể chọn cách nhìn thế giới này hoặc như một hình mẫu của “cá lớn nuốt cá bé” hoặc như một hình mẫu của sự cộng sinh và cùng có lợi. Dù theo cách nào, đấy cũng chỉ là một cách diễn giải tuỳ tiện, là cái gây ra sóng và gió, mang tới sự rối loạn và lộn xộn.

The-One-Straw-Revolution-page-141

Đám người lớn nghĩ rằng con ếch đáng thương, và động lòng trắc ẩn vì cái chết của nó, còn thì họ khinh miệt con rắn. Cảm xúc này trông có vẻ tự nhiên, chỉ là một điều hiển nhiên, nhưng có phải thực sự là như thế không?

Một thanh niên nói, “Nếu sự sống được xem như một cuộc thi trong đó kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu, thế thì bề mặt của trái đất này sẽ trở thành một địa ngục đầy cảnh tàn sát, huỷ diệt. Nhưng không thể tránh khỏi việc kẻ yếu phải hy sinh để kẻ mạnh được sống. Việc kẻ mạnh chiến thắng và tồn tại còn kẻ yếu chết đi là một quy luật của tự nhiên. Sau hàng triệu năm, các tạo vật bây giờ còn sống trên trái đất đều là những kẻ chiến thắng trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Ta có thể nói rằng sự sống sót của loài thích nghi nhất chính là ý muốn của tự nhiên.”

Một người thứ hai nói, “Dù sao thì đối với những kẻ chiến thắng chuyện có vẻ là như vậy. Theo cách nhìn của tôi thì thế giới này là một thế giới của cộng sinh và cùng có lợi. Dưới gốc cây lương thực trên cánh đồng này, cỏ ba lá và rất nhiều giống cỏ dại khác nhau đang sống cuộc sống cùng có lợi. Dây thường xuân quấn quanh những cây lớn; rêu và địa y sống bám vào thân và cành cây. Dương xỉ lan bên dưới tán rừng. Chim và ếch, cây cối, côn trùng, những con thú nhỏ, vi khuẩn, nấm – tất cả các sinh vật đều đóng những vai trò thiết yếu và được hưởng lợi từ sự tồn tại của nhau.”

Người thứ ba nói, “Thế giới này là một thế giới của kẻ mạnh xơi kẻ yếu, đồng thời cũng là một thế giới của sự cộng sinh. Những kẻ mạnh hơn không lấy đi nhiều hơn lượng thức ăn cần thiết; mặc dù nó tấn công các sinh vật khác nhưng sự cân bằng tổng thể của tự nhiên được duy trì. Ý muốn của tự nhiên là một quy tắc cứng rắn, duy trì sự bình yên và trật tự trên trái đất này.”

Ba người và ba quan điểm. Tôi phủ định hoàn toàn cả ba quan điểm này.

Bản thân thế giới chẳng bao giờ đặt câu hỏi liệu nó dựa trên nguyên lý về tính cạnh tranh hay là về hợp tác cả. Khi nhìn từ khía cạnh tương đối của trí năng con người mới có những kẻ mạnh và kẻ yếu, mới có lớn và nhỏ.

Hiện nay, chẳng có ai nghi ngờ sự tồn tại của cách nhìn tương đối này, nhưng nếu chúng ta giả định rằng tính tương đối trong nhận thức của con người là sai lầm – ví dụ như không hề có to hay nhỏ, không có trên hay dưới – nếu chúng ta nói không có quan điểm nào như thế hết, thì những giá trị và phán xét mà con người trân trọng sẽ sụp đổ.

“Chẳng phải cách nhìn thế giới như vậy là sự bay bổng rỗng tuếch của trí tưởng tượng hay sao? Trong thực tế, có những nước lớn và những nước nhỏ. Nếu có nghèo đói và thịnh vượng, mạnh và yếu, thì hiển nhiên sẽ có những tranh chấp, và hệ quả là, có kẻ thắng người bại. Thay vào đó, chẳng phải ta có thể nói rằng những góc nhìn tương đối này và những cảm xúc phát sinh là thuộc về con người và do đó thuộc về tự nhiên, rằng chúng là một đặc quyền riêng có của việc làm người hay sao?”

Các loài động vật khác có đánh nhau nhưng chúng không gây chiến. Nếu ta nói rằng việc gây chiến, vốn phụ thuộc vào các ý niệm về mạnh và yếu, là “đặc quyền” đặc biệt chỉ có ở loài người, thế thì cuộc sống là một trò khôi hài. Bi kịch của loài người nằm ở chỗ không biết rằng đó là một trò khôi hài.

Những kẻ sống an bình trong một thế giới không có những mâu thuẫn và phân biệt là đám trẻ nhỏ. Chúng cảm nhận sáng và tối, mạnh và yếu, nhưng không hề phán xét. Dù cho rắn và ếch có tồn tại thì đứa trẻ đó cũng không có hiểu biết nào về mạnh và yếu. Có niềm vui ban sơ của sự sống ở đó, nhưng nỗi sợ hãi cái chết vẫn còn chưa xuất hiện.

Yêu và ghét, cái hiện lên trong mắt của người lớn, ban đầu không phải hai thứ tách biệt nhau. Chúng là cùng một thứ được nhìn từ đằng trước và từ đằng sau. Yêu là chất liệu cho ghét. Nếu ta lật ngược đồng xu tình yêu, nó trở thành căm ghét. Chỉ bằng cách bước vào thế giới tuyệt đối không diện mạo, ta mới có thể tránh khỏi lạc lối trong cái nhị nguyên của thế giới sự vật hiện tượng.

Con người phân biệt giữa Mình và Cái Khác. Chừng nào cái tôi còn tồn tại, chừng nào còn có một “cái khác,” người ta sẽ không thoát khỏi yêu và ghét. Cái tâm yêu quý, cái tôi tinh quái sẽ tạo ra kẻ thù để căm ghét. Đối với con người, kẻ thù đầu tiên và vĩ đại nhất chính là cái bản ngã mà họ vô cùng yêu quý.

Loài người chọn cách tấn công hoặc phòng thủ. Trong cuộc vật lộn phát sinh sau đó, họ kết tội bên kia là chủ mưu gây ra xung đột. Chẳng khác nào vỗ hai tay xong rồi tranh cãi xem tay nào tạo ra tiếng, tay phải, hoặc tay trái. Trong mọi cuộc tranh cãi, chẳng có đúng, chẳng có sai, cũng chẳng có tốt hay xấu. Mọi phân biệt có ý thức đều nổi lên cùng một lúc và tất cả đều sai lầm.

Việc dựng lên một pháo đài vốn đã sai ngay từ đầu. Mặc dù ông ta đưa ra cái cớ là để bảo vệ cho thành phố, thì lâu đài được bảo vệ đó vẫn chỉ là thứ ra đời từ ý thích riêng của vị lãnh chúa, và dựa vào đấy ông ta tìm mọi cách áp đặt quyền lực lên vùng đất xung quanh. Nói rằng mình lo ngại bị tấn công và rằng việc xây pháo đài là để bảo vệ thành, kẻ bạo ngược có cớ để tích trữ vũ khí và khoá cổng thành lại.

Hành động phòng thủ đã là một kiểu tấn công rồi. Vũ khí dùng để tự vệ luôn luôn tạo cớ cho những kẻ muốn gây chiến. Họa chiến tranh xuất phát từ việc củng cố và phóng đại sự phân biệt vô nghĩa giữa mình và người khác, giữa mạnh và yếu, giữa công và thủ.

Chẳng có con đường nào khác dẫn tới hoà bình ngoài việc tất cả mọi người phải ra khỏi cánh cổng của tòa lâu đài nhận thức mang tính tương đối, bước xuống thảo nguyên, rồi quay trở về với cái tâm của bản tính phi cưỡng bức. Thế có nghĩa là, mài sắc lưỡi liềm thay vì lưỡi gươm.

Người nông dân từ thời xa xưa vốn là những con người khoan hoà, nhưng bây giờ thì họ lại cãi lý với nước Úc về thịt, tranh chấp với nước Nga về cá, và phụ thuộc vào nước Mỹ về khoản lúa mì và đậu nành.

Tôi cảm thấy như thể người Nhật Bản chúng ta đang sống dưới bóng che của một cái cây lớn, và trong cơn bão tố, chẳng có nơi nào nguy hiểm hơn là dưới một gốc cây to. Và chẳng có điều gì ngu ngốc bằng việc núp dưới một “cái ô che hạt nhân,” là cái sẽ trở thành mục tiêu đầu tiên trong cuộc chiến tiếp theo. Hiện giờ chúng ta đang cày cấy đất đai dưới bóng cái ô đen tối đó. Tôi cảm thấy như thể một cuộc khủng hoảng đang tới gần cả từ bên trong lẫn bên ngoài.

Hãy rũ bỏ những khía cạnh bên trong lẫn bên ngoài. Nông dân ở khắp mọi nơi trên thế giới về gốc rễ đều như nhau cả. Ta có thể nói rằng, chìa khoá đi đến hoà bình nằm gần ngay với mặt đất.

CUỘC CÁCH MẠNG MỘT-CỌNG-RƠM

Trong số những thanh niên trẻ đến sống trong những cái chòi trên núi này, có những người, nghèo cả về thể xác lẫn tinh thần, những người đã từ bỏ mọi hy vọng. Tôi chỉ là một lão nông, buồn vì thậm chí một đôi xăng-đan cũng chẳng có để cho họ – nhưng vẫn có một thứ tôi có thể trao cho họ.

Một cọng rơm.

Tôi nhặt lên vài cọng rơm vương phía trước căn chòi và nói, “Chỉ từ một cọng rơm này thôi một cuộc cách mạng có thể được khai mào.”

“Loài người sắp bị huỷ diệt tới nơi mà bác vẫn hy vọng có thể bám víu vào một cọng rơm ư?”, một thanh niên hỏi, trong giọng nói có đượm chút cay đắng.

Sợi rơm này có vẻ nhỏ nhoi và nhẹ bẫng, và hầu hết người ta không biết nó thực sự nặng thế nào. Nếu người ta biết giá trị thực sự của cọng rơm này thì một cuộc cách mạng của nhân loại có thể diễn ra, sẽ trở nên đủ mạnh để dịch chuyển đất nước này và cả thế giới.

Thời tôi còn là một đứa trẻ con, có một người đàn ông sống ở gần đèo Inuyose. Dường như tất cả những gì ông ấy làm là chất than củi lên lưng ngựa đi một chặng đường dài chừng hai dặm từ trên đỉnh núi tới cảng Gunchu. Ấy thế mà ông ta trở nên giàu có. Nếu ta hỏi bằng cách nào, người ta sẽ kể cho ta nghe rằng trên quãng đường trở về nhà từ cảng, ông ta đã nhặt nhạnh những cái móng ngựa bện bằng rơm bỏ đi và phân gia súc bên vệ đường rồi bỏ vào ruộng của mình. Phương châm của ông ấy là: “Đối xử với một cọng rơm như thứ quan trọng, và không bao giờ đi bước nào vô ích.” Điều đó biến ông thành một người giàu có.

“Ngay cả khi bác đem đốt cọng rơm này, cháu không nghĩ là nó có thể tạo ra được một tia lửa đủ để khởi đầu cho một cuộc cách mạng đâu.”

Một cơn gió nhẹ thổi xào xạc qua những cái cây trong vườn, ánh nắng lấp loáng giữa đám lá xanh. Tôi bắt đầu nói về việc dùng rơm trong việc trồng lúa gạo.

Cũng gần bốn mươi năm rồi kể từ khi tôi nhận ra rơm quan trọng như thế nào trong việc trồng lúa gạo và đại mạch. Vào lúc bấy giờ, đi ngang qua một ruộng lúa ở tỉnh Kochi bị bỏ hoang và không canh tác trong nhiều năm, tôi trông thấy những cây lúa non khoẻ mạnh nảy mầm xuyên qua đám cỏ dại quấn vào nhau và rơm chồng chất trên mặt ruộng. Sau nhiều năm tìm hiểu ý nghĩa của chuyện đó, tôi ra mặt cổ vũ cho một phương pháp trồng lúa gạo và lúa mạch hoàn toàn mới.

Tin rằng đây là một cách làm nông tự nhiên và mang tính cách mạng, tôi đã viết về nó trong sách vở và tạp chí, và nói về nó trên truyền hình với radio hàng chục lần.

Nghe thì có vẻ đấy là một chuyện vô cùng đơn giản, nhưng nông dân thì quá cứng nhắc trong suy nghĩ của mình về việc rơm phải được sử dụng như thế nào, nên không có vẻ là họ sẽ dễ dàng chấp nhận thay đổi. Rải rơm tươi lên ruộng có thể là mạo hiểm bởi lẽ đạo ôn và thối thân là những căn bệnh luôn hiện diện trong rơm của cây lúa. Trong quá khứ, những căn bệnh này đã từng gây ra thiệt hại lớn, và đấy là một trong các lý do chính mà người nông dân luôn phải ủ rơm thành phân mùn vi sinh trước rồi mới đưa trở lại ruộng. Trước đây đã lâu, việc nghiêm túc loại bỏ rơm lúa gạo đi là cách làm phổ biến để đối phó với bệnh đạo ôn, và đã có những lúc ở Hokkaido, việc đốt rơm còn được quy định trong luật.

Những con sâu đục thân cũng chui vào trong rơm để qua được mùa đông. Để tránh sự quấy phá của những con côn trùng này, nông dân quen với việc ủ rơm thật kỹ suốt cả mùa đông dài để đảm bảo rằng nó sẽ phân huỷ hoàn toàn khi mùa xuân đến sau đó. Đấy là lý do tại sao nông dân Nhật luôn luôn giữ cho đồng ruộng của mình gọn gàng và ngăn nắp đến vậy. Kiến thức thực tế từ cuộc sống hàng ngày cho thấy rằng nếu người nông dân để mặc rơm nằm bừa bộn quanh ruộng, họ sẽ bị trời phạt vì sự cẩu thả của mình.

Sau nhiều năm thử nghiệm, bây giờ ngay cả những chuyên gia kỹ thuật cũng xác nhận thuyết của tôi, rằng việc trải rơm tươi lên ruộng sáu tháng trước khi gieo hạt giống là hoàn toàn an toàn. Điều này đảo lộn toàn bộ những ý tưởng trước đây về chủ đề này. Nhưng sẽ phải mất nhiều thời gian cho đến khi người nông dân lĩnh hội được việc sử dụng rơm theo cách này.

Trong nhiều thế kỷ, người nông dân đã tìm cách cố gắng gia tăng việc sản xuất phân mùn. Bộ Nông nghiệp đã từng chi tiền để khuyến khích việc sản xuất phân mùn, và các cuộc triển lãm về phân mùn mang tính thi thố được tổ chức như những sự kiện hằng năm. Người nông dân đi đến chỗ tin vào phân mùn như thể nó là một vị thần bảo hộ cho đất. Hiện giờ, một lần nữa lại có phong trào làm ra nhiều phân mùn hơn, làm ra loại phân mùn “tốt hơn,” với giun đất và “phân mùn giống.” Chẳng có lý nào để mong chờ người ta sẽ dễ dàng chấp nhận đề xuất của tôi rằng phân mùn vi sinh ủ sẵn là không cần thiết, rằng tất cả những gì ta cần phải làm chỉ là vãi rơm tươi chưa bị cắt vụn lên khắp ruộng.

Trong chuyến đi lên Tokyo, nhìn ra ngoài cửa sổ con tàu Tokaido, tôi trông thấy sự biến dạng của làng quê Nhật Bản. Nhìn vào những cánh đồng mùa đông, thấy diện mạo của chúng đã hoàn toàn thay đổi chỉ trong mười năm, tôi cảm thấy một cơn giận không tài nào diễn tả nổi. Quang cảnh trước kia về những thửa ruộng ngăn nắp trồng đại mạch xanh ngắt, hoàng kỳ Tàu và những cây cải dầu trổ hoa chẳng còn thấy ở đâu nữa. Thay vào đó là rơm đốt dở, chất chồng thành đống và để mặc cho ướt sũng dưới mưa. Việc chỗ rơm này bị xem nhẹ chính là bằng chứng cho sự bừa bãi của cách làm nông hiện đại. Sự cằn cỗi của những cánh đồng này tiết lộ sự cằn cỗi trong chính tinh thần người nông dân. Nó đòi hỏi ở những vị lãnh đạo chính phủ tinh thần trách nhiệm, và chỉ ra một cách rõ ràng sự thiếu vắng của một chính sách nông nghiệp có hiểu biết.

Cái người mà nhiều năm trước đã nói về “cái chết khoan dung” cho việc trồng ngũ cốc mùa đông, về “cái chết không ai ngó ngàng tới” của nó – lúc này ông ta nghĩ gì khi trông thấy những thửa ruộng trống trơn này? Nhìn thấy những cánh đồng Nhật Bản cằn cỗi vào mùa đông, tôi không thể nhẫn nhịn thêm được nữa. Với cọng rơm này, tôi, tự thân tôi, sẽ bắt đầu một cuộc cách mạng!

Đám thanh niên nãy giờ vẫn lặng im lắng nghe, lúc này phá lên cười.

“Cuộc cách mạng một-người! Ngày mai chúng ta hãy lấy một gùi lớn hạt đại mạch, lúa và cỏ ba lá rồi lên đường, vác nó trên vai, giống như thần Okuninushi-no-mikoto[43], và vãi những hạt giống này lên khắp những cánh đồng của Tokaido.”

“Đấy không phải là cuộc cách mạng một-người,” tôi cười, “nó là cuộc cách mạng một-cọng-rơm!”

Bước ra khỏi căn chòi vào ánh nắng ban chiều, tôi đứng lại hồi lâu và chăm chú nhìn những cây cối trong vườn xung quanh, nặng trĩu những quả chín, nhìn những con gà đang bới trong đám cỏ dại và cỏ ba lá. Và rồi tôi bắt đầu chuyến xuống thăm đồng quen thuộc của mình.