Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm

Phần 1: Hãy Nhìn Hạt Lúa Này

The-One-Straw-Revolution-page-020

Tôi tin rằng chỉ một cọng rơm cũng có thể làm nên cả một cuộc cách mạng. Thoạt nhìn, cọng rơm có vẻ mỏng manh và không đáng kể gì. Khó có ai lại có thể tin rằng nó có thể khơi nguồn cho một cuộc cách mạng. Nhưng tôi đã đi đến chỗ nhận ra được sức nặng và quyền năng của cọng rơm này. Đối với tôi, cuộc cách mạng này rất thực.

Hãy nhìn những cánh đồng đại mạch và hắc mạch này. Khi chín, chúng sẽ đạt năng suất khoảng 22 giạ (gần 6 tạ) trên một nghìn mét vuông. Tôi tin rằng năng suất này ngang ngửa với tốp đầu ở tỉnh Ehime. Mà nếu ngang ngửa tốp đầu của tỉnh Ehime, thì nó có thể dễ dàng ngang bằng với sản lượng thu hoạch tốp đầu trên toàn quốc – vì đây là một trong các khu vực nông nghiệp trọng yếu của Nhật Bản. Thế mà những thửa ruộng này không hề được cày đất suốt hai mươi lăm năm qua.

Để trồng, tôi chỉ đơn giản rải hạt giống đại mạch và hắc mạch lên những thửa ruộng riêng rẽ vào mùa thu, trong lúc lúa[1] vẫn còn trên ruộng. Ít tuần sau đó, tôi thu hoạch lúa rồi rải rơm của chúng trở lại khắp đồng.

Với lúa thì cũng gieo tương tự. Ngũ cốc mùa đông sẽ được gặt vào khoảng 20 tháng năm. Chừng hai tuần trước khi ngũ cốc mùa đông chín hẳn, tôi vãi hạt giống lúa lên ruộng đại mạch và hắc mạch. Sau khi ngũ cốc mùa đông được thu hoạch và đập lấy hạt, tôi lại rải rơm đại mạch và hắc mạch lên khắp ruộng.

Tôi cho rằng việc sử dụng cùng phương pháp để trồng lúa và ngũ cốc mùa đông là điểm độc đáo chỉ có trong cách làm nông tự nhiên này. Nhưng có một cách còn dễ hơn. Khi sang tới thửa ruộng bên cạnh, tôi sẽ chỉ ra cho các bạn thấy rằng lúa ở đó đã được gieo vào mùa thu năm ngoái cùng lúc gieo ngũ cốc mùa đông. Trên thửa ruộng đó, việc gieo trồng của cả năm đã xong vào thời điểm đón chào năm mới.

Hẳn các bạn cũng để ý thấy rằng cỏ ba lá hoa trắng và cỏ dại đang sinh sống trên những cánh đồng này. Hạt giống cỏ ba lá được gieo giữa đám lúa vào đầu tháng mười, trước khi gieo đại mạch và hắc mạch một thời gian ngắn. Còn cỏ dại thì tôi chẳng cần phải lo gieo hạt, chúng tự làm việc đó khá dễ dàng.

Vậy là thứ tự trồng trọt trên cánh đồng này như sau: vào đầu tháng mười, cỏ ba lá được vãi vào đám lúa đang sinh trưởng; tới giữa tháng thì đến lượt gieo ngũ cốc mùa đông. Đầu tháng mười một, lúa được thu hoạch, sau đó gieo luôn hạt giống lúa cho năm sau rồi phủ rơm lên khắp ruộng. Chỗ đại mạch và hắc mạch mà các bạn đang thấy ở trước mắt được gieo trồng theo phương cách này.

The-One-Straw-Revolution-page-022

“Thế mà những cánh đồng này không hề được cày xới đất suốt hai mươi lăm năm qua.”

Để chăm lo cho mỗi nghìn mét vuông ruộng, một hay hai người có thể làm tất tật công việc trồng lúa gạo và ngũ cốc mùa đông chỉ trong vòng một vài ngày. Có lẽ không có cách trồng ngũ cốc nào đơn giản hơn thế.

Phương pháp này hoàn toàn mâu thuẫn với kỹ thuật canh tác hiện đại. Nó vứt bỏ hoàn toàn các kiến thức khoa học và bí quyết làm nông truyền thống. Với kiểu làm nông không sử dụng đến máy móc, không chuẩn bị sẵn phân bón và không hoá chất này, sản lượng mà ta có thể thu hoạch được bằng hoặc cao hơn so với sản lượng của những nông trại trung bình ở Nhật Bản. Minh chứng đang rành rành trước mắt các bạn đấy thôi.

CHẲNG GÌ CẢ

Gần đây, mọi người hay hỏi tôi lý do tại sao nhiều năm trước đây tôi khởi sự làm nông theo kiểu này. Cho tới giờ, tôi chưa từng trao đổi về vấn đề này với bất cứ ai. Có thể nói điều đó là bất khả thuyết. Chỉ đơn giản là - nên nói thế nào nhỉ - một cú sốc, một ánh chớp, một trải nghiệm nhỏ đã khởi sự tất cả.

Sự nhận ra đó đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi. Nó chẳng phải là thứ mà ta có thể thực sự nói tới, nhưng nó có thể được diễn đạt lại thế này: “Loài người chẳng biết gì hết. Chẳng có một giá trị nội tại sẵn có trong bất kỳ thứ gì, và mọi hành động đều là gắng công vô ích, vô nghĩa.” Điều này nghe có vẻ phi lý, nhưng nếu phải nói thành lời, thì đó là cách duy nhất để mô tả nó.

“Tư tưởng” này hình thành đột ngột trong đầu khi tôi còn khá trẻ. Tôi đã không biết liệu sự thấu triệt, rằng mọi hiểu biết và nỗ lực của con người đều vô dụng, là có đúng hay không, nhưng nếu tôi thẩm xét những tư tưởng này và cố tìm cách xua đuổi chúng đi thì tôi lại không nhận thấy có điều gì trong bản thân tôi mâu thuẫn với chúng cả. Chỉ có niềm tin đích xác này là còn cháy hoài trong tôi.

Người ta thường nghĩ rằng chẳng có gì tuyệt vời hơn trí tuệ con người, rằng con người là những tạo vật mang giá trị đặc biệt, và rằng những sáng tạo và thành tựu của họ, như được phản ánh trong văn hoá và lịch sử, là những điều kỳ diệu cần chiêm ngưỡng. Dù sao thì đấy là niềm tin phổ biến.

Vì điều tôi tin tưởng lại phủ định niềm tin trên của mọi người, nên tôi chẳng thể truyền đạt quan điểm của mình với bất cứ ai. Cuối cùng thì tôi đã quyết định phải tạo một hình hài cho những tư tưởng của mình, đưa chúng vào thực hành, để xem liệu sự hiểu biết của tôi là đúng hay sai. Dành cả cuộc đời mình để làm nông, trồng lúa gạo và ngũ cốc mùa đông, đấy là con đường mà tôi đã kiên định đi theo.

Vậy trải nghiệm đã thay đổi cuộc đời tôi là gì?

Bốn mươi năm trước, lúc hai mươi lăm tuổi, tôi làm việc cho Cục Hải quan Yokohama ở Bộ phận Thanh tra cây trồng. Công việc chính của tôi là kiểm tra các loại cây trồng được đưa tới và đưa đi để tìm các loại côn trùng mang bệnh. Thật may mắn là tôi có khá nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi dùng nó cho việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, tiến hành những nghiên cứu trong chuyên ngành của mình về bệnh trên cây trồng. Phòng thí nghiệm này nằm cạnh công viên Yamate, chỗ triền dốc nhìn xuống cảng Yokohama. Ngay trước toà nhà là nhà thờ Công giáo, phía đông là trường nữ sinh Ferris. Ở đó rất yên tĩnh, xét về mọi mặt là môi trường hoàn hảo cho việc tiến hành nghiên cứu.

Nhà nghiên cứu về bệnh học của phòng thí nghiệm này là Eiichi Kurosawa. Tôi đã từng học hỏi về bệnh học cây trồng dưới sự hướng dẫn của Makoto Okera, một giáo viên tại trường Trung học Nông nghiệp Gifu, và nhận được sự hướng dẫn từ Suehiko Igata ở Trung tâm Kiểm nghiệm Nông nghiệp tỉnh Okayama.

Được làm học trò của Giáo sư Kurosawa quả là một điều rất may mắn cho tôi. Mặc dù trong giới học thuật hầu như không được ai biết tới, nhưng ông chính là người đã tách và nuôi cấy được loại nấm gây ra bệnh bakanae[2] làm hại lúa. Ông trở thành người đầu tiên chiết xuất được hoc-môn tăng trưởng ở cây cối từ loại nấm nuôi cấy được này, đó là chất gibberellin. Khi cây lúa non hấp thụ một lượng nhỏ hoc-môn này, nó sẽ sinh trưởng cao đột biến. Tuy nhiên, khi hấp thụ quá nhiều, nó sẽ gây tác dụng ngược lại, khiến cho sự sinh trưởng của cây bị chậm lại. Tại Nhật Bản, chẳng mấy ai chú ý nhiều đến phát hiện này, nhưng ở nước ngoài, nó trở thành một chủ đề nghiên cứu thiết thực. Chẳng bao lâu sau đó, một người Mỹ đã tìm ra cách dùng chất gibberellin vào việc phát triển giống nho không hạt.

Tôi xem tiên sinh Kurosawa như cha của mình, và với sự hướng dẫn của ông, tôi đã ráp được một chiếc kính hiển vi giải phẫu và tận tâm nghiên cứu các chứng bệnh về nhựa cây gây thối rữa thân, cành, nhánh và quả ở những cây họ cam quýt Mỹ và Nhật.

Qua kính hiển vi, tôi đã quan sát những mẻ nấm nuôi cấy, lai tạp nhiều loại nấm với nhau và tạo ra những chủng loại nấm mới. Tôi phấn khích với công trình của mình. Do công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ và liên tục, có khi tôi còn lăn ra bất tỉnh giữa lúc làm việc trong phòng thí nghiệm.

Đây cũng là thời kỳ tuổi trẻ đầy tinh thần phấn chấn, tôi không hề dành toàn bộ thời gian khoá mình trong phòng nghiên cứu. Nơi này là thành phố cảng của Yokohama, chẳng còn nơi nào tuyệt hơn để vui chơi và tận hưởng. Chính trong thời gian đó mà chương đời tiếp theo đây đã diễn ra. Hăng hái với chiếc máy chụp ảnh trong tay, tôi đi dọc theo bến tàu và trông thấy một người phụ nữ rất đẹp. Nghĩ rằng cô ấy sẽ trở thành chủ đề tuyệt vời cho một bức ảnh, nên tôi nhờ cô ấy làm dáng để tôi chụp. Tôi giúp cô gái lên lan can một chiếc tàu nước ngoài đang neo ở đó, bảo cô nhìn sang hướng này hướng khác rồi chụp nhiều bức. Cô ấy bảo tôi gửi ảnh tới cho cô khi rửa xong. Khi tôi hỏi cần gửi đến đâu, cô ấy chỉ nói “Đến Ofuna,” rồi bỏ đi mất mà chẳng hề nói tên.

Sau khi đem cuộn phim đi rửa, tôi cho một người bạn xem ảnh, hỏi cậu ta có nhận ra cô gái không. Cậu ta há hốc và nói, “Đó là Mieko Takamine, ngôi sao điện ảnh rất nổi tiếng!” Ngay lập tức, tôi gửi mười bức ảnh phóng to tới thành phố Ofuna cho cô ấy. Ít lâu sau, chỗ ảnh được gửi lại cho tôi bằng đường thư tín – kèm với chữ ký. Nhưng thiếu một tấm. Về sau khi nghĩ lại, tôi nhận ra đó là tấm ảnh chân dung chụp gần, hẳn là nó để lộ vài nếp nhăn trên gương mặt cô. Tôi rất phấn khởi, cảm thấy như mình đã có được chút ý niệm về tâm lý phụ nữ.

Những lần khác, dù khá vụng về và ngượng ngùng, tôi cũng hay đến một vũ trường ở khu Nankingai. Tại đó tôi thoáng thấy một ca sĩ nổi tiếng, Noriko Awaya, bèn mời cô cùng nhảy. Tôi không bao giờ quên được cảm giác của lần nhảy đó, vì tôi đã choáng ngợp bởi thân thể to lớn của cô nàng tới mức chẳng thể vòng tay trọn hết được vòng eo cô.

Tại mọi sự kiện, tôi luôn là chàng trai trẻ vô cùng bận rộn và may mắn, được sống những ngày choáng ngợp với thế giới tự nhiên được hé lộ qua ống kính hiển vi, choáng váng bởi sự tương tự của thế giới nhỏ bé đó với thế giới to lớn của vũ trụ khôn cùng. Vào buổi tối, dù đang yêu đương hay không, tôi đều vui chơi và tận hưởng. Tôi tin rằng chính cuộc sống vô chừng này, đi kèm với sự mệt mỏi do làm việc quá độ, cuối cùng đã dẫn tới những lần ngất xỉu trong phòng nghiên cứu. Hệ quả của mọi sự là tôi mắc chứng viêm phổi cấp, bị đưa vào phòng điều trị tràn khí màng phổi ở tầng trên cùng của bệnh viện Quân y.

Lúc đó là mùa đông. Qua khung cửa sổ vỡ, gió thổi những cuộn tuyết xoáy bay quanh phòng. Bên dưới chăn đắp thì ấm, nhưng mặt tôi lại lạnh như băng. Y tá tới kiểm tra nhiệt độ của tôi rồi đi ngay.

Vì đó là phòng bệnh riêng, nên gần như chẳng có ai ngó vào. Tôi cảm thấy như mình bị vứt ra ngoài, giữa cái lạnh đầy cay đắng, rồi đột nhiên bị ném vào một thế giới cô độc, lẻ loi. Tôi thấy mình kề cận với nỗi sợ chết. Giờ khi nghĩ lại, có vẻ nó là nỗi sợ vô ích, nhưng vào lúc đó, tôi sợ thực sự.

Cuối cùng tôi cũng được xuất viện, nhưng không tài nào kéo bản thân vượt ra khỏi cơn trầm cảm. Cho tới lúc đó, tôi đã đặt sự tự tin của tôi vào cái gì cơ chứ? Tôi đã chẳng lo nghĩ gì, và thoả mãn, nhưng bản chất của sự thoả mãn đấy là gì? Tôi rơi vào nỗi giằng xé, nghi ngờ về bản chất của sự sống và cái chết. Tôi không ngủ được, không thể buộc mình tập trung vào công việc. Những đêm lang thang nơi triền dốc và gần bến cảng cũng chẳng thể nào làm tôi nguôi ngoai.

Một buổi tối, trong lúc lang thang, tôi khuỵu xuống vì kiệt sức trên một ngọn đồi nhìn ra bến cảng, cuối cùng dựa được vào một gốc cây to. Tôi nằm đó, chẳng ngủ cũng chẳng thức, cho đến tận bình minh. Tôi vẫn còn nhớ đó là buổi sáng ngày 15 tháng năm. Trong cơn mê mụ tôi ngắm nhìn khu cảng sáng dần, nhìn mặt trời ló dạng, nhưng bằng cách nào đó lại chẳng thấy gì hết. Gió thổi lên từ dưới triền dốc, sương sớm bỗng dưng tan biến. Đúng khoảnh khắc đó, một con diệc ăn đêm xuất hiện, kêu lên một tiếng chói tai, rồi bay mất về phía xa. Tôi có thể nghe được tiếng nó đập cánh. Trong khoảnh khắc, toàn bộ nghi ngờ lẫn màn sương u tối trong tôi đều tan biến. Mọi thứ tôi vốn tin chắc, mọi thứ mà cho tới bấy giờ tôi thường trông cậy vào đều cuốn đi cùng với gió. Tôi cảm thấy mình chỉ hiểu được một điều duy nhất. Không nghĩ ngợi gì, lời lẽ từ miệng tôi bật ra: “Trong thế giới này chẳng có gì sất…” Tôi cảm thấy mình chẳng hiểu gì cả.

Tôi có thể nhận ra rằng mọi khái niệm mình đã từng bám víu vào, ngay chính cái ý niệm về bản thân sự tồn tại, cũng chỉ là những thêu dệt rỗng tuếch. Tâm trí tôi trở nên nhẹ nhàng, sáng sủa. Tôi nhảy nhót điên cuồng vì vui sướng. Tôi có thể nghe được tiếng những chú chim nhỏ kêu chiêm chiếp trên cây, và thấy những con sóng lấp lánh phía xa dưới vầng thái dương đang lên. Những chiếc lá cây nhảy múa, xanh và lóng lánh. Tôi cảm thấy rằng đây chính thực là thiên đường trên địa giới. Tất cả những thứ từng chiếm lấy tâm hồn tôi, mọi thống khổ, đều biến mất, tựa những giấc mơ, những ảo ảnh, và rồi một thứ gì đó mà người ta có thể gọi là “bản tính thực” hiển lộ.

The-One-Straw-Revolution-page-026

Có thể không ngoa khi nói rằng từ trải nghiệm của buổi sáng hôm đó, cuộc đời tôi đã thay đổi toàn bộ.

Mặc cho sự thay đổi đó, sâu trong gốc rễ, tôi giữ nguyên là một gã đàn ông bình thường, khờ khạo, và trong chuyện này, chẳng hề có sự thay đổi nào kể từ lúc đó cho đến tận bây giờ. Chỉ nhìn bề ngoài thì chẳng có gã nào tầm thường hơn tôi, còn cuộc sống hàng ngày của tôi thì chẳng có gì phi thường cả. Nhưng sự quả quyết mà tôi biết đến[3], chỉ riêng một điều này thôi, là chưa từng thay đổi kể từ dạo đó. Tôi đã dành ba mươi năm, bốn mươi năm để kiểm nghiệm xem liệu mình có nhầm lẫn hay không, vừa làm vừa nghiền ngẫm, nhưng chưa lần nào tôi tìm ra được bằng chứng chống lại điều ấy cả.

Nói rằng bản thân sự nhận thức đó có giá trị lớn lao không có nghĩa là con người tôi được gán cho bất kỳ một giá trị đặc biệt nào. Tôi vẫn là một người đàn ông đơn giản, chỉ là một con quạ già, có thể nói như vậy. Với những kẻ quan sát bình thường, tôi có thể trông như hoặc là khiêm tốn, hoặc là cao ngạo. Tôi bảo những người trẻ sống trên vườn của mình hết lần này đến lần khác rằng đừng cố bắt chước tôi, và tôi thực sự nổi giận nếu có người không chịu ghi nhớ lời dặn này. Thay vào đó, tôi yêu cầu họ là chỉ cần sống giữa thiên nhiên và hoà mình vào công việc mỗi ngày. Không, bản thân tôi không có gì đặc biệt cả, nhưng điều mà tôi đã thoáng thấy được đó thì quan trọng vô cùng.

TRỞ VỀ THÔN QUÊ

Hôm sau ngày diễn ra trải nghiệm đó, tức ngày 16 tháng năm, tôi đến chỗ làm, lập tức nộp đơn xin nghỉ việc. Các cấp trên, bạn bè của tôi đều kinh ngạc. Họ chẳng biết phải nói sao. Họ tổ chức tiệc chia tay cho tôi tại một nhà hàng phía trên bến tàu, nhưng không khí có một chút kỳ kỳ. Chàng trai trẻ mà cho đến ngày hôm trước vẫn rất hoà đồng với mọi người, cũng không có vẻ gì là đặc biệt bất mãn với công việc, người mà, trái lại là đằng khác, đã dành trọn trái tim cho công trình nghiên cứu của mình, bỗng dưng lại tuyên bố anh ta sẽ bỏ việc. Còn tôi thì ở đó, vui vẻ cười ha hả.

Bấy giờ, tôi nói với mọi người thế này: “Ở phía bên này là bến tàu. Ở phía bên kia là cầu tàu số 4. Nếu mọi người nghĩ bên này là sự sống, vậy bên kia sẽ là cái chết. Nếu muốn loại bỏ ý tưởng về cái chết, mọi người cần loại bỏ trong đầu cả ý niệm rằng có sự sống ở phía bên này. Sự sống và cái chết là một.”

Khi tôi nói vậy, mọi người càng trở nên lo lắng cho tôi hơn. “Cậu ta đang nói cái gì vậy? Cậu ta mất trí rồi,” hẳn mọi người đã nghĩ như thế. Họ tiễn tôi với gương mặt rầu rĩ. Tôi là người duy nhất bước khỏi đó mạnh mẽ, hứng khởi.

Vào lúc ấy, bạn cùng phòng với tôi vô cùng lo lắng cho tôi, bèn gợi ý tôi nên tĩnh dưỡng một thời gian, ra bán đảo Boso chẳng hạn. Thế là tôi đi. Tôi hẳn sẽ đi tới bất cứ đâu, nếu như có người yêu cầu tôi đi. Tôi bắt xe buýt, ngồi xe suốt nhiều dặm nhìn chăm chăm ra những mảnh ruộng đều như ô cờ và những ngôi làng nhỏ dọc đường cái. Tại một trạm dừng, tôi trông thấy một biển báo nhỏ đề “Utopia.” Tôi bèn xuống xe và bắt đầu lên đường tìm kiếm nơi đó.

Trên bờ biển, có một nhà trọ nhỏ. Trèo lên mỏm đá, tôi tìm thấy một nơi có quang cảnh thực sự tuyệt diệu. Tôi ở lại nhà trọ đó, dành nhiều ngày nằm gà gật giữa đám cỏ cao, nhìn ra phía biển. Có thể là vài ngày, một tuần, hay một tháng gì đó, nhưng nói chung tôi đã ở đó một thời gian. Thời gian trôi qua, niềm hứng khởi trong tôi lịm dần, tôi bắt đầu suy ngẫm chỉ về cái điều đã xảy ra kia. Các bạn có thể nói rằng cuối cùng thì tôi cũng đã tìm lại được bản thân.

Tôi đến Tokyo và ở lại đó một thời gian, qua ngày bằng việc đi bộ trong công viên, chặn người trên phố lại rồi trò chuyện với họ, ngủ nay đây mai đó. Người bạn của tôi lo lắng nên đã đến xem tình hình của tôi thế nào. “Không phải cậu đang sống trong thế giới mơ mộng và ảo tưởng nào đó đấy chứ ?,” cậu ta hỏi. “Không,” tôi đáp lại, “chính cậu mới là người đang sống trong thế giới mộng ảo đấy.” Cả hai chúng tôi đều nghĩ, “Mình đúng, còn cậu mới đang sống trong thế giới mộng ảo.” Khi bạn tôi xoay người tạm biệt, tôi trả lời với đại ý là, “Đừng nói tạm biệt. Chia tay thì chỉ là chia tay thôi.” Bạn tôi có vẻ như đã hết hy vọng với tôi rồi.

Tôi rời Tokyo, đi ngang qua vùng Kansai[4] rồi đi mãi về phía nam tới tận Kyushu. Tôi tự mình vui thú, trôi dạt cùng gió hết nơi này đến nơi khác. Tôi thách thức nhiều người phủ định sự xác tín của tôi, rằng mọi thứ đều vô nghĩa và chẳng có giá trị gì, rằng mọi thứ đều quay về hư vô.

Nhưng bấy nhiêu đó là quá nhiều, hoặc quá ít, để cảm nhận được thế giới thường nhật. Dù sao đi nữa cũng chẳng thể truyền đạt được gì. Tôi chỉ có thể nghĩ đến khái niệm về sự phi hữu-ích[5] này như là một lợi ích lớn lao đối với thế giới, đặc biệt là với thế giới hiện tại vốn đang dịch chuyển quá nhanh theo chiều hướng ngược lại. Tôi thực sự đã đi lang thang với ý định truyền bá tư tưởng này khắp cả nước. Kết quả là, đi tới đâu tôi cũng bị làm ngơ, bị xem như kẻ lập dị. Thế là tôi quay về nông trại của cha mình.

Bấy giờ, cha tôi đang trồng quýt. Tôi dọn vào ở một căn lều trên núi, bắt đầu sống một cuộc sống vô cùng đơn giản, nguyên sơ. Tôi nghĩ rằng nếu ở đây, làm một nông dân trồng cam quýt và ngũ cốc mà tôi có thể thực sự chứng minh được nhận thức kia của mình, thì thế giới sẽ nhận ra tính chân thực của nó. Thay vì đưa ra cả trăm lời giải thích, chẳng phải việc thực hành triết lý này mới là cách hay nhất? Phương pháp làm nông “chẳng-làm-gì-cả”[6] của tôi bắt đầu từ ý tưởng ấy. Đó là năm trị vì thứ 13 của Thiên hoàng thời bấy giờ, năm 1938.

Tôi ổn định cuộc sống trên núi và mọi thứ diễn ra tốt đẹp, cho tới khi cha tôi tin tưởng giao cho tôi khu vườn cây trĩu quả. Ông đã cắt tỉa cây thành “hình những chén rượu sake” để việc thu hoạch quả được dễ dàng hơn. Khi tôi để mặc kệ chúng thì những cành cây mọc quấn vào nhau, bọn côn trùng tấn công cây, chẳng mấy chốc mà toàn bộ vườn cây tàn lụi.

Tôi tin rằng cây trồng tự chúng mọc và không cần phải chăm sóc. Tôi đã hành xử theo tín điều rằng mọi thứ phải được để mặc theo con đường tự nhiên của nó, nhưng tôi đã phát hiện ra rằng nếu ta áp dụng cách suy nghĩ này ngay tức khắc thì mọi chuyện sẽ tiến triển không được tốt đẹp như đã nghĩ. Đấy là bỏ mặc, chứ chẳng phải “làm nông tự nhiên.”

Cha tôi bị sốc. Ông nói tôi cần phải thiết lập lại kỷ luật cho bản thân, có lẽ là kiếm một công việc ở đâu đó rồi quay lại khi đã chỉnh đốn mình cho đường hoàng. Vào thời điểm đó, cha tôi đang giữ chức trưởng làng và thật là khó cho những thành viên khác trong cộng đồng giao thiệp với đứa con trai kỳ quái của ông, người mà rõ ràng cũng chẳng thể sống hòa nhập với thế giới khi sống theo cái kiểu mà anh ta đã sống ở trên núi. Chưa kể, tôi còn rất ghét viễn cảnh phải đi nghĩa vụ quân sự, và vì cuộc chiến càng lúc càng trở nên khốc liệt, tôi quyết định nhún mình làm theo ý muốn của cha và đi tìm việc.

Vào thời điểm ấy, chuyên viên kỹ thuật chẳng có mấy người. Trạm Kiểm nghiệm tỉnh Kochi có nghe về tôi, thành thử tôi được mời vào vị trí chủ trì nghiên cứu Bệnh học và Kiểm soát côn trùng. Tôi nương nhờ vào sự tử tế của tỉnh Kochi suốt gần tám năm trời. Tại trung tâm kiểm nghiệm, tôi trở thành một giám sát viên mảng khoa học nông nghiệp, và đã dành hết tâm sức mình trong nghiên cứu để tăng sản lượng lương thực phục vụ cho chiến tranh. Nhưng thực ra trong suốt tám năm đó, tôi ngẫm nghĩ về mối liên hệ giữa khoa học nông nghiệp và nông nghiệp tự nhiên. Nền nông nghiệp hoá chất, sử dụng những sản phẩm của trí tuệ con người, đã được xem là siêu việt hơn. Câu hỏi luôn lởn vởn trong tâm trí tôi là liệu nông nghiệp tự nhiên có thể đứng lên sánh ngang với khoa học hiện đại hay không.

Khi chiến tranh kết thúc, tôi cảm thấy một luồng gió tươi mới của tự do và với một hơi thở dài đầy nhẹ nhõm, tôi quay trở về quê và bắt tay vào công cuộc làm nông mới.

TIẾN TỚI NGHỀ NÔNG “KHÔNG-LÀM-GÌ-CẢ”

Suốt ba mươi năm, tôi chỉ sống tại trang trại của mình và ít liên hệ với những người bên ngoài. Trong những năm tháng đó, tôi tập trung tiến thẳng tới phương thức nông nghiệp “không-làm-gì-cả.”

Cách thông thường để phát triển một phương pháp là đặt câu hỏi “Thử cái này xem sao?” hoặc “Thử cái kia xem sao?,” vì thế người ta đưa vào rất nhiều những kỹ thuật, cái này chồng lên cái kia. Đấy là kiểu của nông nghiệp hiện đại và điều đó chỉ khiến cho nhà nông bận bịu hơn.

Cách của tôi thì ngược lại. Tôi nhắm tới một cách làm nông tự nhiên, nhẹ nhàng[7] – mà kết quả là khiến cho công việc dễ dàng hơn thay vì trở nên khó khăn hơn. Cách nghĩ của tôi là “Không làm điều này thì sao nhỉ? Không làm điều kia thì sao nhỉ?” Rốt cuộc tôi đi đến kết luận rằng chẳng cần phải cày cuốc, chẳng cần bón phân, chẳng cần ủ phân vi sinh, cũng chẳng phải dùng tới thuốc diệt côn trùng. Khi chỉ tập trung vào nó mà xét, chẳng có mấy thao tác nông nghiệp là thực sự cần thiết.

Lý do mà các kỹ thuật cải tiến của con người có vẻ cần thiết là ở chỗ cân bằng tự nhiên đã bị xáo trộn trầm trọng từ trước bởi chính những kỹ thuật tương tự khiến cho đất đai trở nên phụ thuộc vào chúng.

Cách lý luận này không chỉ áp dụng cho nông nghiệp, mà còn cho cả những khía cạnh khác của xã hội loài người nữa. Bác sĩ và thuốc men trở nên cần thiết khi người ta tạo ra một môi trường bệnh hoạn. Trường học chính thống chẳng hề có một giá trị tự thân nào, nhưng lại trở nên cần thiết khi nhân loại tạo ra một tình trạng mà trong đó người ta phải “có giáo dục” thì mới hòa nhập được.

The-One-Straw-Revolution-page-032

Trước khi cuộc chiến kết thúc, lúc tôi lên sống ở vườn cam để thực hành điều mà lúc đó tôi cho là làm nông tự nhiên, tôi đã không cắt tỉa cây và không động tới vườn cây. Những cành cây trở nên đan quyện vào nhau, cây thì bị côn trùng phá, thế là gần tám nghìn mét vuông vườn trồng quýt khô héo và chết. Kể từ lúc đó trở đi, câu hỏi “Đâu là hình thái tự nhiên?” luôn ở trong đầu tôi. Trong quá trình đi đến được câu trả lời, tôi đã cho 400 cây nữa đi tong. Cuối cùng thì tôi cảm thấy mình đã có thể nói một cách chắc chắn: “Đây chính là hình thái tự nhiên.” Đã tới mức cây cối bị biến dạng so với hình dạng tự nhiên của chúng thì việc xén tỉa và diệt côn trùng lại trở nên cần thiết; đã tới mức mà xã hội con người tự tách mình ra khỏi một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên thì việc đến trường lại trở nên cần thiết. Trong tự nhiên, trường học chính thống chẳng có chức năng gì.

Trong nuôi dạy con cái, nhiều bậc cha mẹ cũng mắc sai lầm tương tự như tôi đã làm với vườn cam lúc ban đầu. Lấy ví dụ, việc dạy nhạc cho trẻ em cũng không cần thiết hệt như việc xén tỉa cây vườn vậy. Tai của một đứa trẻ sẽ tự nắm bắt được âm nhạc. Đó là tiếng róc rách của dòng suối, tiếng ộp oạp của cóc nhái ở bờ sông, tiếng rì rào của lá rừng, tất cả những âm thanh tự nhiên ấy đều là âm nhạc – âm nhạc đích thực. Nhưng khi đủ loại tiếng ồn nhiễu loạn đi vào và làm rối tai nghe, thì sự thưởng thức âm nhạc thuần khiết, trực tiếp của đứa trẻ sẽ bị thoái hoá. Nếu cứ tiếp tục như thế, đứa trẻ sẽ không thể nào nghe ra tiếng gọi của một con chim hay tiếng gió thổi như những bài ca nữa. Đấy là lý do tại sao việc học nhạc lại được nghĩ là có lợi cho sự phát triển của trẻ em.

Đứa trẻ được nuôi dạy với đôi tai thuần khiết, trong trẻo có thể sẽ không chơi được những giai điệu thông thường trên đàn violin hoặc piano, nhưng tôi không nghĩ điều này có liên quan gì tới khả năng nghe được âm nhạc đích thực hay khả năng ca hát. Chỉ khi trái tim đầy ắp giai điệu thì đứa trẻ mới được gọi là có thiên bẩm về âm nhạc.

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng “tự nhiên” là điều tốt, nhưng chẳng mấy ai nắm bắt được sự khác biệt giữa tự nhiên và phi tự nhiên.

Chỉ một chồi cây mới mọc bị cắt khỏi một cái cây ăn trái bằng một cái kéo thôi, điều đó có thể mang lại sự rối loạn không thể nào đảo ngược được. Khi sinh trưởng theo đúng hình dạng tự nhiên, cành sẽ vươn ra so le từ thân chính và những cái lá sẽ nhận được ánh sáng mặt trời một cách đồng đều. Nếu sự phối hợp này bị phá vỡ, những cành cây sẽ xung đột với nhau, nằm đè lên nhau và trở nên rối rắm, những chiếc lá sẽ héo úa ở những nơi ánh mặt trời không thể lọt tới được. Côn trùng phá hại sẽ phát triển. Nếu cây đó không được cắt tỉa thì vào năm sau sẽ xuất hiện nhiều cành héo hơn.

Con người với sự can thiệp của họ đã làm một điều gì đó sai trái, để lại sự hư hại mà không được sửa chữa, và khi những hệ quả bất lợi chất chồng, lại dùng mọi nỗ lực để sửa sai. Khi những hành động sửa sai đó có vẻ thành công, họ đi đến chỗ xem những biện pháp này là những thành tựu hay ho. Người ta làm thế hết lần này đến lần khác. Giống như một gã ngốc dẫm đạp lên mái nhà mình làm vỡ hết ngói. Rồi khi trời bắt đầu mưa và trần nhà bắt đầu rữa ra, hắn mới vội vàng trèo lên chắp vá những chỗ hư hỏng, cuối cùng thì nhảy cẫng lên vui mừng vì mình đã hoàn thành một giải pháp phi thường.

Với nhà khoa học thì cũng tương tự như vậy. Ông ta mải mê đọc sách đêm ngày, căng hết cả mắt ra tới mức trở nên cận thị, mà nếu ta có hỏi ông ta làm cái gì trong suốt thời gian đó – thì đấy là để trở thành nhà phát minh ra kính cận.

TRỞ VỀ NGUỒN CỘI

Tựa lên cái cán dài của chiếc hái, tôi tạm dừng công việc trong vườn và nhìn đăm đăm về phía những ngọn núi đằng xa và ngôi làng bên dưới. Tôi tự hỏi làm thế nào mà những triết lý của con người lại thành ra quay nhanh hơn cả sự đổi thay của bốn mùa.

Con đường mà tôi theo đuổi, cách làm nông tự nhiên này, mà ấn tượng đối với hầu hết mọi người là xa lạ, lúc đầu nó được diễn dịch như là một phản ứng chống lại sự phát triển tiên tiến và táo bạo của khoa học. Nhưng tất cả những điều mà tôi vẫn đang làm bấy lâu nay, trồng trọt ở đây, nơi làng quê này, là cố để cho mọi người thấy rằng thực ra họ chẳng biết gì cả. Bởi lẽ thế giới đang dịch chuyển với năng lượng mãnh liệt theo chiều hướng ngược lại, nên có thể trông như tôi đang tụt hậu, nhưng tôi tin một cách cả quyết rằng con đường mình đang đi theo là con đường hợp lý nhất.

Trong những năm gần đây, số lượng người hứng thú với việc làm nông tự nhiên đã gia tăng một cách đáng kể. Có vẻ như sự phát triển của khoa học đã chạm tới giới hạn, người ta đã bắt đầu cảm thấy nghi ngại, và đã đến lúc để xem xét lại. Rằng cái trước đây bị xem là thô sơ, thụt lùi, thì giờ đây đột nhiên lại được xem như là đi trước rất nhiều so với khoa học hiện đại. Lúc đầu, điều này nghe có vẻ lạ lùng, nhưng tôi thấy nó chẳng có gì lạ lùng cả.

Gần đây, tôi có trao đổi về điều này với Giáo sư Iinuma ở Đại học Kyoto. Một nghìn năm trước, nông nghiệp được thực hành tại Nhật mà không có chuyện cày ruộng, và phải đến tận triều đại Tokugawa – khoảng 300-400 năm trước – thì việc cày xới sơ sơ một lớp mỏng trên bề mặt mới được đưa vào. Việc cày sâu cuốc bẫm đến với Nhật Bản cùng với nền nông nghiệp Tây phương. Tôi đã nói rằng để đối phó với những vấn đề của tương lai, thế hệ tiếp theo sẽ quay trở lại với phương pháp phi canh tác.

Thoạt nhìn, việc trồng cây lương thực trên một mảnh ruộng không cày xới có thể trông giống như một bước thụt lùi trở lại nền nông nghiệp sơ khai, nhưng qua nhiều năm, phương pháp này đã cho thấy, ở những phòng thí nghiệm đại học và những trung tâm kiểm nghiệm nông nghiệp trên khắp cả nước, rằng nó là phương pháp đơn giản nhất, hiệu quả nhất và cập nhật nhất trong tất cả các phương pháp. Dù cách làm nông này từ bỏ không dùng khoa học hiện đại, nhưng giờ đây nó lại đứng ở tuyến đầu trong việc phát triển nông nghiệp hiện đại.

Tôi đã trình bày “việc luân canh lúa gạo và ngũ cốc mùa đông theo cách gieo hạt trực tiếp và không cày ruộng” này trên các tạp chí nông nghiệp hai mươi năm trước. Kể từ đó tới nay, nó thường xuyên xuất hiện trong các ấn phẩm và giới thiệu tới quảng đại công chúng trên radio hoặc các chương trình TV nhiều lần, nhưng chẳng thấy ai chú ý tới cho lắm.

Bây giờ đột nhiên nó lại biến thành một câu chuyện hoàn toàn khác. Các bạn có thể nói rằng làm nông tự nhiên đã trở thành cơn sốt. Các nhà báo, các giáo sư, các nhà nghiên cứu kỹ thuật lũ lượt tới thăm những thửa ruộng cũng như những cái chòi trên núi của tôi.

Những người khác nhau nhìn nó theo những cách khác nhau, đưa ra những cách diễn dịch của riêng mình, và rồi bỏ đi. Có người thấy nó thô sơ, người khác thì cho là thụt lùi, người khác nữa thì xem nó như đỉnh cao của thành tựu nông nghiệp, còn người thứ tư thì tung hô nó như một sự đột phá tiến bước vào tương lai. Nhìn chung, người ta chỉ bận tâm tới chuyện liệu kiểu làm nông này là một sự tiến bộ của tương lai sắp tới hay là một sự phục hưng của quá khứ đã qua. Rất ít người có thể nắm bắt được một cách chính xác rằng làm nông tự nhiên nổi lên từ cái tâm điểm không suy chuyển và không đổi thay của tiến trình phát triển nông nghiệp.

Con người càng tách biệt bản thân khỏi tự nhiên chừng nào thì họ càng quay cuồng xa khỏi cái tâm điểm kia chừng ấy. Cùng lúc đó, một tác động hướng tâm tự nó nảy nòi và niềm khát khao quay trở về với tự nhiên nổi lên. Nhưng nếu người ta đơn thuần chỉ biết phản ứng, hết chạy sang trái lại chạy sang phải, phụ thuộc vào những điều kiện, thì kết quả chỉ là có thêm việc để làm. Cái điểm gốc không suy chuyển ấy, vốn nằm ngoài địa hạt của sự tương đối, bị bỏ qua không chú ý tới. Tôi tin rằng ngay cả những hành động cổ vũ “trở-về-với-tự-nhiên” và chống lại ô nhiễm, dù có đáng tán dương thế nào, cũng đang không đi tới một giải pháp thực sự nếu chúng được tiến hành chỉ từ sự phản ứng lại việc phát triển quá độ của thời đại hiện nay.

Tự nhiên không thay đổi, mặc dù cách nhìn tự nhiên không ngừng biến đổi từ thời đại này sang thời đại khác. Nhưng dù ở thời đại nào đi chăng nữa, làm nông tự nhiên vẫn mãi tồn tại như là ngọn nguồn của nông nghiệp.

MỘT LÝ DO KHIẾN NÔNG NGHIỆP TỰ NHIÊN CHƯA ĐƯỢC LAN RỘNG

Trong hai mươi, ba mươi năm qua, phương pháp trồng lúa gạo và ngũ cốc mùa đông này đã được kiểm nghiệm trên diện rộng với nhiều kiểu thời tiết và điều kiện tự nhiên khác nhau. Hầu hết các tỉnh trên nước Nhật đều đã cho thí điểm so sánh sản lượng của phương pháp “gieo trực tiếp, không cày đất” với những ruộng lúa nước và cánh đồng đại mạch được cày xới hay hắc mạch được vun luống tạo rãnh. Những cuộc kiểm nghiệm này không cho thấy bằng chứng nào trái ngược với tính khả dụng phổ quát của cách làm nông tự nhiên cả.

Và vì thế người ta có thể đặt ra câu hỏi tại sao sự thực này vẫn chưa được lan toả. Tôi nghĩ rằng một trong những lý do là ở chỗ thế giới đã trở nên chuyên biệt hoá tới mức người ta không thể nào nắm bắt được bất cứ cái gì trong sự toàn vẹn của nó nữa. Lấy ví dụ, một chuyên gia về phòng chống côn trùng gây hại từ Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Kochi từng tới hỏi tôi tại sao trên ruộng của tôi lại có ít rầy xanh đến vậy, mặc dù tôi không hề dùng thuốc trừ sâu. Sau khi khảo sát môi trường sống, sự cân bằng giữa bọn côn trùng và những con thiên địch tự nhiên của chúng, tỉ lệ sinh sản của loài nhện, vân vân, họ phát hiện ra rằng số rầy xanh tại ruộng của tôi cũng hiếm gặp như ở trên các thửa ruộng của Trung tâm đó, vốn được phun đủ loại hoá chất độc hại vô số lần.

Vị giáo sư này cũng ngạc nhiên khi nhận thấy trong khi số lượng côn trùng gây hại rất ít, nhưng số lượng những con thiên địch của chúng trên ruộng của tôi lại áp đảo hơn nhiều so với các ruộng có phun thuốc. Rồi ông ta ngộ ra rằng những cánh đồng này duy trì được ở trạng thái này là nhờ vào sự cân bằng tự nhiên được thiết lập giữa những cộng đồng côn trùng đa dạng. Ông ta thừa nhận rằng nếu phương pháp của tôi được áp dụng rộng rãi, vấn đề mùa màng bị phá hoại bởi bọn rầy xanh có thể được giải quyết. Thế rồi ông ta lên xe và quay trở về Kochi.

Nhưng nếu bạn hỏi liệu các chuyên gia về độ màu mỡ của đất trồng hay các chuyên gia về giống cây trồng của trung tâm kiểm nghiệm đó có đến đây chưa, thì câu trả lời là chưa, họ chưa đến. Mà nếu tại một cuộc hội thảo hay họp mặt ta có đề xuất thử áp dụng phương pháp này, hay phải gọi là phi-phương pháp mới đúng, trên diện rộng, thì tôi đoán rằng lãnh đạo tỉnh hay trạm nghiên cứu sẽ trả lời : “Xin lỗi, vẫn còn quá sớm cho điều đó. Trước tiên, chúng ta cần phải tiến hành các nghiên cứu từ mọi góc độ có thể trước khi đưa ra phê chuẩn cuối cùng.” Sẽ phải mất hàng năm để một kết luận như thế được đưa xuống.

Những việc thế này xảy ra thường xuyên. Các chuyên gia và các kỹ thuật viên từ khắp Nhật Bản đều đã từng đến nông trại này. Quan sát những cánh đồng nơi đây từ góc nhìn chuyên môn của riêng mình, tất cả những nhà nghiên cứu này đều thấy chúng ít nhất là đáng hài lòng, nếu không nói là xuất sắc. Nhưng trong suốt năm, sáu năm kể từ khi vị giáo sư trạm nghiên cứu nọ tới đây thăm, ở tỉnh Kochi vẫn chẳng thấy thay đổi được bao nhiêu.

Trong năm nay, khoa Nông nghiệp của trường Đại học Kinki đã lập một nhóm dự án về làm nông tự nhiên mà trong đó sinh viên của các khoa khác nhau sẽ đến đây để tiến hành các cuộc điều tra nghiên cứu. Cách tiếp cận này có thể là một bước tiến gần hơn, nhưng tôi có cảm giác rằng bước đi tiếp theo có thể sẽ là lùi hai bước.

Các vị chuyên gia tự xưng thường bình luận: “Ý tưởng căn bản của phương pháp này thì ổn, nhưng chẳng phải thu hoạch bằng máy thì sẽ tiện hơn sao?” hoặc “Chẳng phải sản lượng sẽ cao hơn nếu ông đã cho dùng phân bón hay thuốc trừ sâu trong những trường hợp nhất định hoặc những thời điểm nhất định sao?” Luôn luôn có những kẻ cứ cố pha trộn cách làm nông tự nhiên với cách làm nông khoa học. Nhưng cách nghĩ này là hoàn toàn lạc đề. Người nông dân mà đi theo hướng thoả hiệp thì sẽ không còn có khả năng phê bình khoa học ở mức độ cơ bản.

Làm nông tự nhiên thì thật êm ái và dễ dàng, và nó cho thấy một sự quay đầu về với cội nguồn của việc làm nông. Đi một bước chệch khỏi ngọn nguồn này, người ta chỉ có thể lạc lối mà thôi.

CON NGƯỜI KHÔNG HIỂU TỰ NHIÊN

Gần đây tôi thường nghĩ, hẳn sẽ tới lúc các nhà khoa học, các chính trị gia, các nghệ sĩ, các triết gia, những người thuộc các tôn giáo và tất cả những ai làm việc trên đồng ruộng nên tụ hội lại đây, nhìn cho kỹ những thửa ruộng này rồi bàn luận trao đổi cho ra nhẽ. Tôi nghĩ đây là điều phải xảy ra nếu người ta vượt lên trên được phạm vi chuyên môn của họ.

Các nhà khoa học nghĩ rằng họ có thể hiểu được tự nhiên. Đấy chỉ là lập trường của họ. Bởi vì niềm tin đó, nên họ bỏ công khảo sát tự nhiên và phải đưa nó vào sử dụng mới thôi. Nhưng tôi nghĩ việc hiểu được tự nhiên nằm ngoài tầm với của trí tuệ loài người.

Tôi thường bảo những người trẻ sống trong những túp lều trên núi, những người đến đây để giúp một tay và để học hỏi về làm nông tự nhiên, rằng ai cũng có thể nhìn thấy cây cối ở trên núi. Họ có thể nhìn thấy màu xanh của những chiếc lá; họ có thể nhìn thấy những cây lúa. Họ nghĩ họ biết màu lá xanh là gì. Tiếp xúc với thiên nhiên từ sáng sớm tới tối đêm, có lúc họ đi đến chỗ nghĩ rằng mình biết tự nhiên. Nhưng khi nghĩ rằng mình bắt đầu hiểu được tự nhiên, đấy chính là lúc họ có thể nắm chắc một điều rằng họ đang đi sai đường.

Tại sao hiểu được tự nhiên lại là điều bất khả? Thứ được nhìn nhận là tự nhiên chỉ là ý tưởng về tự nhiên nảy ra trong tâm trí mỗi người mà thôi. Những kẻ thấy được tự nhiên thực thụ là những đứa trẻ. Chúng nhìn mà không nghĩ suy, thẳng tuột và trong sáng. Thậm chí nếu chỉ gọi tên cây cối, một cây quýt thuộc họ cam quýt, một cây thông thuộc họ thông, thì tự nhiên đã không còn được thấy trong đúng nguyên bản của nó nữa.

Một đối tượng được nhìn tách biệt khỏi tổng thể thì không còn là thứ có thực nữa.

Các chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau tập trung lại cùng nhau quan sát một nhánh lúa. Vị chuyên gia về bệnh côn trùng chỉ thấy được thiệt hại do côn trùng gây ra, còn vị chuyên gia về dinh dưỡng cây trồng thì chỉ cân nhắc về sức sống của cây. Đây là điều không thể tránh khỏi khi mà mọi thứ cứ như bây giờ.

Lấy một ví dụ, tôi đã bảo với một quý ông tới từ trạm nghiên cứu khi ông ta đang khảo sát mối liên hệ giữa rầy xanh trên cây lúa và nhện trên những thửa ruộng của tôi rằng: “Giáo sư à, do bởi ông đang nghiên cứu nhện nên chỉ quan tâm vào một trong số nhiều loại thiên địch của bọn rầy xanh. Năm nay nhện xuất hiện nhiều, nhưng năm ngoái thì là cóc. Năm trước nữa thì ếch chiếm ưu thế. Có vô số loài mà.”

Các nghiên cứu chuyên biệt không thể nào nắm bắt được vai trò của chỉ một loài săn mồi vào một thời điểm nhất định trong mối tương quan phức tạp giữa các loài côn trùng. Có những mùa số lượng rầy xanh thấp vì có nhiều nhện. Có những khi trời mưa nhiều và bọn ếch xơi sạch nhện, hoặc những khi trời ít mưa thì cả rầy xanh lẫn ếch nhái đều chẳng thấy đâu.

The-One-Straw-Revolution-page-039

Các biện pháp kiểm soát côn trùng mà làm ngơ mối quan hệ giữa bản thân các loài côn trùng với nhau thì thực sự vô dụng. Việc nghiên cứu trên loài nhện và rầy xanh cũng phải xem xét đến cả mối quan hệ giữa ếch và nhện. Đến lúc này thì sẽ cần đến một vị giáo sư chuyên về ếch nhái, các chuyên gia về nhện và rầy xanh, một vị khác về cây lúa và một chuyên gia khác nữa về điều phối nước, tất cả sẽ phải tham gia vào.

Chưa kể, có tới bốn, năm loài nhện khác nhau trên ruộng. Tôi nhớ một vài năm trước đây, có ai đó lao tới nhà tôi vào một buổi sớm để hỏi xem tôi có phủ lưới tơ hay cái gì đó lên ruộng không. Tôi cũng không hình dung được ông ấy đang nói đến thứ gì, nên vội vã ra ruộng xem sao.

Bấy giờ, chúng tôi vừa mới thu hoạch lúa xong, và chỉ sau một đêm các gốc rạ lẫn đám cỏ thấp đã hoàn toàn phủ đầy tơ nhện, chẳng khác gì lụa. Phấp phới và lóng lánh trong sương mù buổi sớm, trông nó thật là một cảnh kỳ thú.

Điều kỳ diệu ở đây là ở chỗ khi chuyện này xảy ra, mà phải rất lâu mới xảy ra một lần, nó chỉ kéo dài trong một hai ngày. Nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy mỗi phân vuông đều có nhiều nhện. Trên ruộng, chúng dày đặc tới mức khó mà thấy khoảng trống giữa chúng. Trong một nghìn mét vuông đất hẳn phải có tới bao nhiêu là nghìn con, bao nhiêu là triệu con! Hai, ba ngày sau tới thăm thửa ruộng đó, ta sẽ thấy những sợi tơ nhện dài vài thước đã đứt ra và đang bay phấp phới trong gió cùng với năm hay sáu con nhện bám vào mỗi sợi. Hệt như khi túm bông bồ công anh hay đài chứa những hạt thông được thổi bay trong gió. Đám nhện con bám vào đầu những sợi tơ và được hứng gió đưa lên trời.

Cảnh tượng đó là một màn biểu diễn tuyệt diệu của thiên nhiên. Thấy điều này ta mới hiểu rằng các nhà thơ và nghệ sĩ cũng sẽ phải tham dự vào.

Khi hoá chất được đưa vào một thửa ruộng, tất cả điều này sẽ bị huỷ hoại chỉ trong chớp mắt. Có lúc tôi đã nghĩ chẳng có gì sai trái với việc đưa tro bếp rải lên ruộng cả[8]. Kết quả thì sao? Hai, ba ngày sau cánh đồng hoàn toàn sạch bóng nhện. Tro bếp khiến các sợi tơ bị rã ra. Đã có bao nhiêu nghìn chú nhện là nạn nhân của chỉ một nắm tro trông có vẻ vô hại đó? Đưa vào sử dụng một loại thuốc trừ sâu không chỉ đơn thuần là chuyện tiêu diệt bọn rầy xanh lẫn những con thiên địch của chúng. Nhiều tiến trình thiết yếu khác của tự nhiên cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Hiện tượng kéo bầy lớn như thế này của đám nhện, diễn ra trên những ruộng lúa mùa thu và như những nghệ sĩ ảo thuật biến mất chỉ sau một đêm, vẫn chưa lý giải được. Chẳng ai biết chúng từ đâu tới, làm sao chúng sống sót qua mùa đông, hay khi biến mất thì chúng đi đâu.

Và vì thế việc sử dụng hoá chất không phải chỉ là vấn đề của riêng các nhà nghiên cứu côn trùng. Các triết gia, giới tôn giáo, nghệ sĩ lẫn các nhà thơ cũng phải giúp ra quyết định liệu có nên cho phép dùng hoá chất trong làm nông hay không, và đâu là hệ quả có thể xảy ra ngay cả khi sử dụng các loại phân bón hữu cơ.

Chúng tôi sẽ thu hoạch được khoảng 22 giạ (6 tạ) lúa gạo và 22 giạ ngũ cốc mùa đông từ mỗi nghìn mét vuông đất này. Nếu thu hoạch đạt tới 29 giạ, như thỉnh thoảng vẫn đạt được, có thể ta sẽ không tìm được nơi nào trên toàn quốc có sản lượng lớn hơn. Do bởi công nghệ tiên tiến chẳng góp phần gì tới việc trồng những cây ngũ cốc này nên nó nổi bật lên như là một sự trái ngược với những giả định của khoa học hiện đại. Bất cứ ai đến đây, thấy những mảnh ruộng này và chấp nhận những gì mà chúng chứng thực, sẽ cảm thấy những mối nghi ngờ sâu sắc được đặt ra trên câu hỏi liệu con người có hiểu tự nhiên hay không, và liệu rằng tự nhiên có thể hiểu được trong phạm vi những hiểu biết hạn chế của con người hay không.

Điều khôi hài là khoa học chỉ có tác dụng làm rõ rằng tri thức của loài người mới nhỏ bé làm sao.