Cùng Con Trưởng Thành

Chương 7: Trường Đại Học Của Con, Con Đi Ngày Một Xa

Bây giờ con đã lớn rồi, không cần tôi dắt đi nữa. Buông tay con, để con tự đối mặt với mưa gió, dùng đôi chân của mình để bước đi trên con đường đời. Là một người cha, lúc này tôi chỉ cần đứng sau lưng con, âm thầm dõi theo bước chân con đi về phía trước.

Trường đại học của con gái

Bây giờ con gái chưa đầy mười sáu tuổi Phạm Khương Quốc Nhất của tôi đã trở thành sinh viên đại học của trường Đại học Hắc Long Giang, bắt đầu một cuộc sống mới trong trường đại học.

Mặc dù chỉ mới bước chân vào cổng trường đại học nhưng “trường đại học” không phải là thứ gì xa lạ đối với con, thứ nhất một vài năm trước tôi từng dạy ở một số trường đại học, hai là tôi thường xuyên đến trường đại học thuyết trình cho các bạn sinh viên, thứ ba là tôi có một vài người bạn làm trong trường đại học, vì thế từ khi sinh ra cho đến nay con gái chưa lúc nào rời xa “trường đại học”. Cho dù là vậy, con cũng chỉ là “người ngoài”, nhưng một trường đại học thực sự “thuộc về” con thì phải kể đến năm 2011 khi con học lớp mười hai.

Theo quan niệm giáo dục vui vẻ của tôi con được “nuông chiều”, con vẫn vừa chơi vừa học, những đứa trẻ khác dùng cả mười phần sức lực, thậm chí là mười hai phần sức lực nhưng con chỉ dùng bảy, tám phần. Cho đến mãi cuối năm 2011, khi cô giáo chủ nhiệm khuyên nhủ, tôi mới nói lại với con, bảo con chơi ít đi một chút, để nhiều thời gian hơn cho việc học: “Cha không muốn con phải dùng 120% sức lực để học, nhưng con buộc phải dùng 100% sức lực để học, cuối cùng con thi được bao nhiêu điểm, học trường nào không quan trọng, nhưng con phải cố gắng hết sức để không cảm thấy lãng phí quãng thời gian này”.

Vì thế mà học kỳ II năm lớp mười hai, con gái điều chỉnh lại trạng thái, sau nửa năm học hành vất vả, con bước vào kỳ thi đại học.

Ngày thứ hai sau kỳ thi đại học, con gái đã về Yên Đài, Sơn Đông thăm họ hàng, ngày 20 tháng 6, con gái quay về, buổi tối hôm đó cháu Quốc Huy đã nói với tôi: “Ngày 21 sẽ thông báo kết quả thi đại học, 12 giờ tối nay sẽ có kết quả thi của Y Y”. Tôi nói hình như là ngày 22, cháu vẫn kiên quyết nói là ngày 21.

Sáu giờ sáng ngày hôm sau, giống như mọi ngày tôi dậy và mở máy tính, bắt đầu xem tin tức. Một tiếng sau, tôi đột nhiên nhớ ra lời Quốc Huy nói ngày hôm qua, vì thế tôi mở website Tin tức giáo dục tỉnh Cát Lâm, quả nhiên là có tra cứu kết quả thi đại học, tôi nhập số báo danh của Y Y, và điểm số của Y Y lập tức hiện ra: “Phạm Khương Quốc Nhất: Ngữ văn 115 điểm, Toán học 82 điểm, Tổng hợp 224 điểm, Ngoại ngữ 117 điểm, tổng điểm 538 điểm”.

Điểm số này hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng của tôi, con gái thi xong, theo lời kể và thành tích học tập trước đó của con, tôi dự đoán điểm của con ở mức từ 475 đến 490, thi tốt thì có thể đạt trên 500 điểm một chút, thấp nhất thì không dưới 450 điểm.

Từ năm lớp mười một đến nay còn đều ở mức 500 điểm, thành tích này cao hơn thành tích bình thường đến 30 điểm, mà một nửa những thí sinh tham gia kỳ thi đại học, thành tích của chúng đều thấp hơn so với lúc học trung học phổ thông một chút, có đứa thậm chí còn ít hơn gần 100 điểm, số thí sinh có điểm cao hơn chỉ chiếm khoảng 1/5 số thí sinh tham dự, cao hơn 20 đến 30 điểm chỉ chiếm khoảng 2%~3%.

Mặc dù từ trước tới nay tôi chưa bao giờ ủng hộ giáo dục để thi cử, nhưng dù thế nào đây cũng là thành tích mà con gái vất vả học tập mới có được, vì thế mà tôi phải báo cho con trước tiên. Tôi khẽ đánh thức con dậy: “Con gái, kết quả thi đại học có rồi”. “Thật ạ?”, con dụi dụi mắt hỏi tôi. “Con được 538 điểm”. “Á, thật vậy ạ?”. Sau đó con cùng tôi ra máy tính xem, xác nhận lại điểm số. Sau đó con mở điện thoại, một lúc nhận được mấy tin nhắn, thời gian gửi đến là từ ba giờ sáng đến bảy giờ, đều là các bạn con hỏi con thi được bao nhiêu điểm, Y Y lần lượt trả lời lại tin nhắn của các bạn.

Bốn giờ chiều ngày hôm đó, điểm sàn ban xã hội của tỉnh Cát Lâm được công bố: Nguyện vọng 1 (trọng điểm) 529, nguyện vọng 2 (phổ thông) 435 điểm, những học viện độc lập (là bộ phận cơ bản cấu thành nên trường dân lập) và các trường dân lập (nguyện vọng 3) là 348 điểm. Như vậy, điểm của Y Y nhiều hơn 9 điểm so với nguyện vọng 1 và nhiều hơn 103 điểm so với nguyện vọng 2.

Sau đó tôi có thăm dò ý kiến của những anh chị trong ngành, hơn 9 điểm thì ở mức không đảm bảo, nếu đăng ký vào những ngành không được ưa chuộng lắm thì có thể được, nếu đăng ký những chuyên ngành tốt hơn một chút, ngành mà mình yêu thích thì rất mạo hiểm, nhưng nếu học ở những trường nguyện vọng 2 thì lại không cam tâm chút nào, bản thân tôi cũng thấy rất băn khoăn. Nếu xét theo trường hợp của Y Y thì có thể tham gia kỳ thi tuyển chọn của riêng các trường đại học (trước kỳ thi đại học, học sinh nộp hồ sơ và tham gia kỳ thi của trường xét tuyển, nếu đạt yêu cầu và sau đó kết quả kỳ thi đại học chung, đạt mức điểm số thấp hơn 20 điểm trở xuống so với mức điểm sàn thì trúng tuyển), ngoài phẩm chất đạo đức và năng lực, con gái Y Y xuất bản hai cuốn sách bán chạy, có mấy chục bài văn được đăng báo, hơn nữa lại là một sinh viên đại học chưa đầy mười sáu tuổi, tất cả những điều này hoàn toàn có thể là lợi thế để có một xuất tuyển đặc biệt cho các thí sinh có thành tích xuất sắc hoặc là tham gia kỳ thi tuyển chọn của trường để giảm điểm trúng tuyển, nhưng đáng tiếc là nhà trường đã dành những xuất tự chiêu sinh cho những bạn học tốt hơn Y Y, nếu Y Y được cộng điểm, con sẽ dễ dàng trúng tuyển nguyện vọng 1 và học những ngành học mà con yêu thích. Vì thế mà tôi muốn kể nỗi khổ này với truyền thông, mong muốn nhà trường sẽ xét tuyển đặc biệt (bởi vì trước đó đã có tiền lệ). Nhưng con lại không đồng ý với cách làm của tôi, con nói: “Cha ơi, con không muốn mình được ưu tiên đặc biệt, chúng ta cứ thuận theo tự nhiên, đợi đến lúc thi cao học con sẽ cố gắng hơn, sẽ có nhiều trường tốt hơn chờ đợi con”. Sau khi bàn bạc, cuối cùng hai cha con cũng thống nhất: để được học chuyên ngành yêu thích, từ bỏ nguyện vọng 1, lựa chọn nguyện vọng 2 (trường đại học trọng điểm của tỉnh).

Ngày hôm sau hai cha con đến trường họp phụ huynh về việc điền nguyện vọng, hiệu trưởng và cô chủ nhiệm đều cho rằng chỉ cần đạt mức điểm nguyện vọng 1 thì không nên từ bỏ, thầy cô cũng lấy vài ví dụ về những thí sinh chỉ hơn mức điểm sàn nguyện vọng 1 một đến hai điểm nhưng vẫn trúng tuyển. Hai cha con tôi lại bàn bạc một lúc, quyết định tiếp thu ý kiến của thầy cô, đăng ký cả nguyện vọng 1 bởi vì nguyện vọng 2 thì không phải suy nghĩ gì, chắc chắn con đỗ.

Buổi tối hôm đó, hai cha con cùng nghiên cứu thông tin các trường, học viện ở trên mạng, cuối cùng quyết định nguyện vọng 1 là trường đại học Đông Bắc, nguyện vọng 2 là Đại học Hắc Long Giang, cả hai trường đều đăng ký chuyên ngành báo chí.

Ngày hôm sau Y Y đến trường chính thức nộp đăng ký nguyện vọng cho cô giáo, theo như con nói thì con là người đăng ký ít nhất, các bạn khác đều đăng ký năm đến sáu trường, thậm chí còn hơn mười trường. Từ trường về, hai cha con về trang viên ở quê nhà - Đông Viên

Đưa con đến trường đại học

Sau bao mong mỏi và chờ đợi, cuối cùng ngày khai giảng cũng tới.

Ngày 28 tháng 8 năm 2012, sau bữa sáng, hai cha con đi theo đường lớn Á Thái Bắc Đại, sau đó vào đường cao tốc Bắc Kinh - Cáp Nhĩ Tân, đi về phía Bắc, sau hơn hai tiếng đồng hồ thì đến Cáp Nhĩ Tân, theo kế hoạch, trước tiên hai cha con sẽ đến ngân hàng để làm thẻ ngân hàng, sau đó ăn trưa ở “Mỳ trộn Bắc Kinh xưa” ở phố 4 đường Học Phủ (gần các trường đại học). Sau khi ăn trưa, theo yêu cầu ghi trên giấy báo trúng tuyển, Y Y mang theo giấy báo trúng tuyển, thẻ dự thi, giấy chứng minh nhân dân, còn tôi mang theo máy ảnh, máy quay phim cùng con đến chỗ đăng ký nhập học.

Hai cha con vừa đi vừa tìm và cuối cùng cũng đến được địa điểm đăng ký nhập học của Học viện Báo chí và Truyền thông, khi người tiếp đón nhìn thấy giấy báo trúng tuyển của Y Y thì vui mừng nói: “Phạm Khương Quốc Nhất đã đến”, lúc này một số thầy cô giáo và các bạn sinh viên vây quanh, một giáo viên trẻ giới thiệu thầy ấy là người hướng dẫn của Phạm Khương Quốc Nhất tên là Cao Cường, thầy cho biết khi lãnh đạo học viện xem tài liệu về Phạm Khương Quốc Nhất đã chỉ thị cho các thầy cô làm tốt công tác tiếp đón, sau đó thầy chỉ về phía một sinh viên nam và giới thiệu: “Đây là phó chủ tịch hội sinh viên học viện tên Vương Tương Ninh, cậu ấy sẽ hướng dẫn hai cha con làm những thủ tục nhập học liên quan”.

Do ảnh hưởng của bão Bolaven, buổi tối thành phố Cáp Nhĩ Tân mưa to gió lớn, cây cối nghiêng ngả, giao thông ùn tắc, buổi sáng ngày hôm sau quãng đường một kilômét từ khách sạn đến trường, tôi phải mất nửa tiếng đồng hồ lái xe.

Sau khi ăn sáng xong tôi cùng Y Y đến Học viện Báo chí và Truyền thông, gặp mặt viện trưởng - giáo sư Trịnh Á Nam và bí thư - giáo sư Trương Học Thành.

Trước tiên tôi giới thiệu với hai vị lãnh đạo học viện về quá trình trưởng thành của Y Y cũng như quan niệm giáo dục của bản thân, sau đó nói về hướng phát triển của con khi học trong trường đại học. Bí thư Học Thành giới thiệu tỉ mỉ cho hai cha con về tình hình của nhà trường và của Học viện Báo chí và Truyền thông, viện trưởng Á Nam cũng hỏi thăm tình hình của Y Y.

Về vấn đề học tập của Y Y hai thầy đều rất yên tâm, bởi vì con đỗ vào trường với mức điểm cao, nhưng hai thầy vẫn có một số điều lo lắng: Thứ nhất là con còn nhỏ như vậy, lo lắng khả năng tự lập kém; thứ hai là vấn đề thích ứng, bởi vì con tuổi còn nhỏ, sợ khi tiếp xúc với những bạn lớn hơn sẽ gặp khó khăn, do đó khó mà thích nghi với cuộc sống trong trường đại học; thứ ba là kiêu căng ngạo mạn, dù sao thì Y Y cũng là một cô bé có chút danh tiếng, sợ là con sẽ khinh thường người khác, không thể hòa đồng với mọi người.

Mấy vấn đề trên tôi lần lượt giải thích cho hai thầy để hai thầy yên tâm, những vấn đề này đều không cần lo lắng, thậm chí hai điều đầu tiên Y Y còn làm tốt hơn những bạn lớn tuổi hơn, còn điều cuối cùng thì lại càng không phải lo lắng, bởi vì từ trước tới nay Y Y đều rất khiêm tốn, hòa đồng, những năm gần đây con không ngừng nhắc nhở tôi: “Cha ơi, cha đừng lúc nào cũng kể chuyện con ra sách và vượt lớp nhé, con không muốn mọi người để ý đến con, con muốn làm một đứa trẻ vui vẻ bình thường”.

Tôi nói với lãnh đạo học viện, không hy vọng con nhận được sự ưu ái đặc biệt nào, chỉ mong là quan niệm giáo dục “dạy học theo đối tượng” của tôi vẫn được tiếp tục, con gái được vui vẻ trong bốn năm học ở trường Đại học Hắc Long Giang. Trước lúc ra về Y Y cũng đã trình bày với hai thầy là không cần bất kỳ sự quan tâm đặc biệt nào, chỉ mong muốn có thể yên tâm học hành ở đây, cạnh tranh công bằng với tất cả các bạn và cùng nhau tiến bộ.

Sau bữa cơm trưa, hai cha con ôm nhau từ biệt, trên đường trở về nhà, khi lên đường cao tốc, tôi nhận được tin nhắn của con gái: “Cha ơi, cha yên tâm, con đã lớn rồi, cha hãy luôn chờ tin tốt lành của con nhé! Trời vừa mưa, đường rất trơn, cha lái xe chậm thôi ạ, về đến nhà cha nhớ nhắn tin cho con. Con gái của cha - Y Y”.

Những người đã đọc những bài viết của tôi hoặc đã nghe tôi thuyết trình thì đều biết tôi là người không tán thành việc “kèm đọc”, “kèm học” và việc đưa con đi học, tôi có cảm giác như vậy trẻ sẽ không rèn được tính tự lập. Nhưng không phải tôi cũng đưa con đi học đấy sao? Thực ra, xét về khả năng tự lập thì Y Y không cần bất kỳ ai đi cùng cả.

Hàng năm khi trường đại học khai giảng, qua báo chí và truyền thông chúng ta đều nhìn thấy một đội quân phụ huynh hùng hậu đưa con cái đến trường, có thể là do những nguyên nhân dưới đây: Thứ nhất là tình thân khó xa cách; thứ hai là không yên tâm về con cái; thứ ba là tiện đường đi du lịch; thứ tư là giúp con chụp vài bức ảnh kỷ niệm.

Nguyên nhân vì sao tôi đưa con đến nhập học có lẽ là không giống với nhiều phụ huynh khác, mục đích chủ yếu là cái cuối cùng, giúp con quay lại mọi thứ để làm tư liệu. Nhiều năm nay từ khi con mới sinh, đi học mẫu giáo, học tiểu học và bây giờ là học đại học, mỗi bước trưởng thành của con đều được tôi cẩn thận ghi chép lại, cùng với đó là những tư liệu audio, video, những tiếng khóc, tiếng cười của con từ khi con sinh ra và lớn lên đều được đưa vào hồ sơ trưởng thành của con, tất nhiên là tệp hồ sơ này không thể thiếu những tư liệu video khi con bắt đầu cuộc sống mới ở trường đại học.

Mặc dù con rất tự lập, hoàn toàn có thể tự mình đến trường nhập học và làm các thủ tục, nhưng cũng không thể tự mình quay phim. Tất nhiên, từ trong thâm tâm tôi dù ít hay nhiều thì vẫn không muốn rời xa con, đưa con đến trường cũng là một điều an ủi với tôi. Một tuần sau khi con gái nhập học, một nữ phóng viên của tờ Báo gia đình thuộc Tập đoàn Báo chí Cáp Nhĩ Tân gọi điện cho tôi, mời hai cha con làm một buổi nói chuyện với các phụ huynh ở Cáp Nhĩ Tân, tôi nói thời gian gấp gáp quá, gần đây không thể đến Cáp Nhĩ Tân, như thế cô phóng viên đó mới biết là tôi không ở cùng thành phố với con gái để chăm sóc kèm cặp con. Cô ấy nghĩ một sinh viên đại học ở tuổi thiếu niên đương nhiên là vẫn chưa thể “cai sữa”, cuộc sống không có cha mẹ bên cạnh kèm cặp thì sẽ ra sao. Những suy nghĩ kiểu đó đã “đúc” ra những đứa trẻ “ốm yếu”. Vì thế, tôi hạnh phúc và không phải lo lắng nhiều vì con gái tôi tự lập.

Những ngày con gái xa nhà

Trước tiên nói mấy điều tôi căn dặn con trước khi con xa nhà.

Ngày 27 tháng 8, sau khi ăn tối xong tôi nói với Y Y: “Con gái, ngày mai con đi rồi, trước khi đi cha có mấy điều muốn nói với con, đến đây, hai cha con ta trò chuyện một lát”. Lúc bắt đầu, tôi nắm bàn tay con một lúc lâu mà không nói gì. Con gái giục tôi: “Cha, cha nói đi, con đang nghe đây ạ”.

Buông tay con ra, tôi bắt đầu căn dặn những vấn đề liên quan đến việc sau khi nhập học:

Tôi nói với con tuần đầu tiên khi khai giảng, mỗi ngày đều phải gọi điện về nhà, báo cáo tất cả tình hình để cha đỡ nhớ mong. Sau đó thì cách hai, ba ngày gọi về một lần là được, có thời gian thì nhắn tin cho cha báo con vẫn bình an cũng được.

Tôi đặc biệt nhấn mạnh là phải chú ý đến sức khỏe và tinh thần, nhất định phải ăn tốt ngủ tốt, phải chấm dứt mọi hoạt động ảnh hưởng đến việc ăn uống và ngủ nghỉ, không có tinh thần và sức khỏe thì không thể có được những thứ khác. Khi đã có sức khỏe thì việc học phải đặt lên trước nhất, phải chăm chỉ học hành, phải hoàn thành tốt các môn học. Ngoài thời gian lên lớp, phải tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể do nhà trường tổ chức, tham gia một hai câu lạc bộ mà mình yêu thích, sức khỏe có hạn thì không nên tham gia quá nhiều.

Trong thời gian ở trường có hai con đường học tập quan trọng, phải tích cực tham gia và tận dụng. Thứ nhất là tham gia các buổi thuyết trình, là một sinh viên chuyên ngành báo chí, phải có một kiến thức sâu rộng, nghe thuyết trình là một cách học tập rất tốt, ngoài những buổi thuyết trình về những môn khoa học tự nhiên mang tính chuyên ngành cao thì những buổi thuyết trình các môn khoa học nhân văn, đặc biệt là buổi thuyết trình của những người nổi tiếng thì nhất định phải đi nghe, đồng thời phải ghi chép cẩn thận, có cơ hội thì nên đặt câu hỏi liên quan cho người thuyết trình.

Một cách học tập nữa đó là học ở thư viện, thư viện của trường đại học là nơi cất giữ những báu vật dinh dưỡng của tinh thần, rất nhiều người thành công khi còn ở đại học thường xuyên giam mình ở thư viện. Trong thời gian học đại học thay vì yêu đương con chăm chỉ dành thời gian đó để đến thư viện, học thức và tu dưỡng đạo đức của con sẽ có sự khác biệt lớn. Rất nhiều sinh viên sau khi ra trường đi làm đều ca thán rằng khi còn là sinh viên đã không tận dụng tốt thời gian để đến thư viện học, nếu không thì kiến thức học được sẽ càng nhiều, chúng ta không thể để phải hối hận như họ.

Mấy năm trước tôi đã từng đến trường đại học để thuyết trình về quan hệ giữa người với người, nói về vấn đề quan hệ giữa sinh viên và những người khác, trong buổi thuyết trình tôi đã nói: “Không có mối quan hệ hòa đồng với mọi người thì sẽ không có một cuộc sống sinh viên vui vẻ. Nếu bạn muốn thời sinh viên của mình vui vẻ và thu hoạch được điều gì đó, thì hãy chú trọng đến quan hệ giữa người và người của bản thân mình”. Trong trường đại học, ba mối quan hệ chủ yếu là: quan hệ giữa thầy trò, quan hệ giữa các bạn học và quan hệ xã hội.

Là một trong số các nhân vật chính trong mối quan hệ thầy trò, phải tôn trọng thầy cô giáo, phải hiểu và ủng hộ công việc dạy học cũng như những hoạt động liên quan đến việc dạy học của các thầy cô; quan hệ giữa các bạn học có duy trì được hay không quyết định bởi sự thấu hiểu, tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau, phải đối xử chân thành với các bạn học. Tôi còn đặc biệt nhắc nhở con, nhất định phải quan hệ tốt với các bạn ở cùng ký túc xá, đây là mối quan hệ quan trọng nhất trong bốn năm học đại học; quan hệ xã hội thì tiếp xúc không nhiều, một là nhận phỏng vấn của báo chí, hai là khi thực tập thì phỏng vấn thực tế, mình cứ chân thành là được, nhưng là con gái thì phải đặc biệt chú ý tự bảo vệ mình.

Còn về vấn đề giao lưu với người khác giới, tôi đã nói chuyện với con gái rất tỉ mỉ. Trong cuộc sống không thể không có bạn bè khác giới, nhưng khi tiếp xúc với người khác giới thì phải ở một mức độ thích hợp, nếu không thì sẽ dẫn đến những phiền phức không đáng có thậm chí là bị tổn thương. Trong thời gian này, việc giao lưu với người khác giới của con chủ yếu là những sinh viên trong trường, các bạn cùng học, các anh, các em trong câu lạc bộ, con phải chan hòa với tất cả mọi người, cố gắng không ở một mình với nam sinh viên.

Tôi nói rõ với con gái, trước khi đầy mười tám tuổi thì không được yêu đương, sau mười tám tuổi thì tự quyết định (khi học năm thứ ba đại học Y Y mới tròn mười tám tuổi), nhưng tôi không tán thành chuyện yêu đương, bởi vì khi tốt nghiệp đại học con gái chưa đầy hai mươi tuổi, tôi hy vọng con gái toàn tâm toàn ý hoàn thành việc học, học tốt những kiến thức trong nhà trường, đợi khi học cao học thì vừa học vừa yêu cũng không muộn. Hoa nở phải có mùa, hoa nở trái mùa không đẹp, không rực rỡ và chóng tàn.

Cuối cùng, tôi nói với con về vấn đề viết sách, lúc con còn học trung học phổ thông, có vài nhà xuất bản đã có lời đặt bản thảo, muốn con viết về những câu chuyện vui vẻ về sự trưởng thành trong những năm qua, trong thời gian này con cũng liên tục viết, sau khi thi đại học xong cũng tập trung viết một số bài, còn 1/3 bản thảo vẫn chưa hoàn thành, vì vậy trong thời gian học đại học phải dành thời gian hoàn thành việc viết bản thảo này.

Mang theo những lời căn dặn của tôi, con gái bước chân vào trường đại học. Buổi tối ngày tôi rời Cáp Nhĩ Tân, con gái gọi cuộc điện thoại đầu tiên về nhà sau khi xa nhà, kể cho tôi việc con vừa tham gia cuộc gặp mặt sinh viên mới và cảm nhận của con về cuộc gặp đó.

Những ngày sau đó hầu như ngày nào con cũng gọi điện về, có ngày gọi hai cuộc, những cuộc điện thoại này đều gọi để thông báo tình hình, mỗi cuộc thời gian đều rất ngắn, thông thường ba đến năm phút, thi thoảng có gọi dài hơn một chút nhưng cũng không đến mười phút đồng hồ, phần lớn là thông báo những chuyện vui, vì thế mà mỗi lần nghe điện thoại của con đều thấy con rất vui vẻ, con kể chuyện khai giảng, tập quân sự, phỏng vấn của đài truyền hình, đăng ký thành viên mới của câu lạc bộ, chuyện đi nghe thuyết trình, nghe cuộc thi hùng biện, thi tiếng Anh…

Ngày tập quân sự đầu tiên con gái phấn chấn gọi điện thoại về cho tôi nói, kỹ năng gấp chăn màn, dọn dẹp chỗ ở chỉ có con đạt, vì thế mà được giáo viên huấn luyện khen ngợi và được thầy giao nhiệm vụ hướng dẫn các bạn gấp chăn màn, giúp đỡ các bạn đến khi đạt tiêu chuẩn. Khi con đang nói chuyện điện thoại thì trong điện thoại vọng ra tiếng của bạn cùng phòng: “Đừng gọi nữa, mau đến giúp mình gấp chăn”.

Tại sao những bạn lớn hơn con ba tuổi lại không biết gấp chăn màn như con? Con làm được như vậy không phải là ngày một ngày hai mà luyện thành, từ nhỏ tôi đã dạy con phải biết tự làm mọi việc, nhưng nhiều phụ huynh khác lại chỉ lo việc học hành của con cái, làm mọi việc thay con chỉ vì muốn con thi đạt điểm cao, vì thế mà làm thui chột khả năng làm việc của các con, do đó việc tự chăm sóc bản thân của các học sinh sinh viên Trung Quốc tương đối kém.

Khai giảng không lâu thì con gái tham gia kỳ thi tiếng Anh của trường. Qua kỳ thi viết và thi nói, cuối cùng cũng có kết quả, học viện nơi con học, có tất cả ba trăm bốn mươi bảy sinh viên năm thứ nhất tham gia thi thì chỉ có bốn mươi lăm sinh viên đạt trình độ tiếng Anh cấp ba, Y Y cũng là một trong bốn mươi lăm sinh viên đó, trình độ cấp hai thì chỉ có mấy chục bạn, còn đại bộ phận các bạn khác chỉ đạt cấp một.

Y Y gọi điện về nhà, việc nhiều nhất mà con kể là việc tham gia hoạt động và những câu lạc bộ trong trường.

Buổi tối ngày mồng 5 tháng 9, con gọi điện cho tôi bảo hôm nay rất nhiều câu lạc bộ trong trường đều bắt đầu nhận thành viên mới, con đã đăng ký tham gia hai câu lạc bộ, một là làm phát thanh viên của Đài Phát thanh hữu tuyến, hai là làm phóng viên của báo trường, còn một số câu lạc bộ như câu lạc bộ khoa học xã hội, câu lạc bộ hùng biện con rất muốn tham gia, nhưng sợ thời gian không cho phép, ảnh hưởng đến việc học nên đành từ bỏ. Khi đăng ký ở Câu lạc bộ Phóng viên, chị khóa trên phụ trách việc ghi danh đã nhận ra con, chị ấy bảo nếu con không đăng ký tham gia thì cũng kéo con về câu lạc bộ bằng được. Khi đăng ký ở đài phát thanh, mặc dù không ai nhận ra con, nhưng khi phỏng vấn, chị giám khảo đã nhận ra con là cô sinh viên đại học nhỏ tuổi mà báo chí chú ý đến.

Sau đó, Y Y lần lượt tham gia thi viết và phỏng vấn của hai tổ chức này, con kể với tôi ngoài việc khi thi thử làm phát thanh viên, ngoài việc con nói hơi nhanh thì tất cả con đều làm tương đối tốt, con còn so sánh với một số bạn cùng tham gia thi, vì thế con cho rằng con được nhận là hoàn toàn dựa vào thực lực của mình chứ không phải vì mình nổi tiếng.

Ngày 10 tháng 9 con gọi về cho tôi, trong điện thoại con than thở: “Cha ơi, hôm nay tham gia cuộc thi hùng biện do học viện tổ chức, cũng giống như mấy hôm trước tham gia phỏng vấn ở đài phát thanh, con lại nói hơi nhanh, có ba phút để nói thì con chỉ dùng đến một phút rưỡi, cuối cùng con đứng top giữa trong bốn mươi bạn cùng thi”. Tôi nói với con, thế là tốt lắm rồi, tất nhiên nếu có thể nói chậm hơn, biết cách lên bổng xuống trầm thì có thể giành được thành tích tốt hơn. Tôi còn đặc biệt biểu dương tinh thần cầu tiến và tinh thần tham gia các hoạt động của con gái, tôi cũng hỏi con xem có mệt không, ngủ nghỉ như thế nào, con trả lời: “Không có vấn đề gì, cha cứ yên tâm ạ”.

Trong những cuộc điện thoại tâm sự của hai cha con trong thời gian này, có hai lần con gọi cho tôi nhờ giúp đỡ, một lần là trước khi tham gia phỏng vấn của đài phát thanh, hai là khi nhận nhiệm vụ phỏng vấn khi làm phóng viên của báo trường. Mấy năm trước tôi có làm người dẫn chương trình của Đài Phát thanh nhân dân Chiết Giang và Đài Phát thanh nhân dân Tây An, vì thế trước khi đi phỏng vấn ở đài phát thanh Y Y hơi căng thẳng, muốn tôi lấy thân phận của một người dẫn chương trình chuyên nghiệp để truyền kinh nghiệm cho con. Ở phương diện này tôi không có kinh nghiệm đặc biệt gì, chỉ bảo con tự nhiên một chút, hỏi gì thì trả lời, phải rõ ràng rành mạch và tự tin.

Sau khi thông qua phỏng vấn của câu lạc bộ phóng viên, lần đầu nhận nhiệm vụ phỏng vấn là “Hoạt động kết nạp thành viên mới của các câu lạc bộ trong trường” và “Buổi thuyết trình của Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Thẩm Dương”, cô bé sắp làm phóng viên nhỏ lại cầu cứu tôi. Tôi đã từng làm phóng viên lâu năm ở “Báo Thanh niên Chiết Giang” và “Báo Đô thị buổi tối”, cũng từng dạy cho các sinh viên chuyên ngành báo chí và truyền thông, vì thế mà có thể nói phỏng vấn là một trong những thế mạnh của tôi, tôi nói cho con một vài kỹ xảo trước và trong khi phỏng vấn, sau đó thì con vui vẻ làm công việc phỏng vấn của mình…

Nhật ký về thăm nhà của cô sinh viên nhỏ

Một tháng trôi nhanh như thoi đưa.

Ngày 28 tháng 9, lần đầu tiên con gái về thăm nhà sau khi lên đại học, bởi vì thời gian này tôi đang ở Đông Viên viết bản thảo, vì thế mà con về quê thăm tôi.

Một tuần trước đó, Y Y đã mua xong vé tàu về quê, tôi cũng chuẩn bị xong kế hoạch đón con ở nhà ga. 7:34 buổi tối, sau hành trình hơn một giờ đồng hồ, chuyến tàu K296 cuối cùng cũng dừng ở nhà ga, cô bé đang kéo va ly vẫy tay về phía tôi là con gái của tôi, Phạm Khương Quốc Nhất!

Hai cha con nói chuyện suốt quãng đường về nhà, con kể hết những chuyện vui mà khi gọi điện thoại không thể kể hết cho tôi được, con kể chuyện về đài phát thanh, chuyện về câu lạc bộ phóng viên, kể về các chị em cùng ký túc xá, kể về môn học mới…

Đến nhà, chúng tôi không vội đến Đông Viên, mà trước tiên về nhà bà nội để thăm bà. Y Y tặng bà một bộ gương lược tinh xảo mang phong cách Nga, quà con mua tặng bà khi ở Cáp Nhĩ Tân, con nói với bà nội đó là đồ dùng để chải tóc, hy vọng bà nội ngày càng đẹp, con khiến bà nội đã tám mươi tư tuổi vui lắm.

Về đến Đông Viên, Y Y mở va ly đồ đạc, lấy ra một bức ảnh tập thể cả học viện khi tập quân sự, còn cho tôi xem các bức ảnh mà con đã chụp trong thời gian này. Hai cha con lại nói chuyện một lúc, tôi giục con đi nghỉ sớm.

Ngày hôm sau, con ngủ đến khi tự tỉnh giấc, sau bữa sáng, tôi đưa con đi tham quan các khu trong Đông Viên, nhìn thấy hoa quả khắp vườn, con vui mừng hái cây này, thử cây kia, cảm thán chỉ mới một tháng mà đã biến đổi nhanh chóng như vậy.

Buổi chiều, hai cha con lại bắt tay vào làm việc, để hai cuốn sách mới Cùng con trưởng thành và Chơi cũng là một cách để trưởng thành có thể ra mắt độc giả vào đầu năm 2013

Tất nhiên, ngoài việc viết bản thảo, hàng ngày hai cha con tôi vẫn có những hoạt động khác như lên mạng, xem tivi, đọc sách, chơi thể thao rèn luyện thân thể… Hoạt động hai cha con tham gia nhiều nhất là thu hoạch vụ thu, chúng tôi cùng thu hoạch khoai tây, khoai lang và lạc. Tôi dùng nông cụ đào đất, củ lộ ra trên mặt đất, con nhặt bỏ vào túi. Hàng ngày con đến khu vườn hái các loại rau và các loại dưa, từ sau khi đi học con đã không được thưởng thức món cà gai leo, vào thu, các loại cà này càng ngọt thơm và mát hơn.

Chúng tôi còn có một hoạt động chung nữa đó là mỗi ngày đều đi thăm bà nội, nói chuyện cùng với bà, nghe bà kể chuyện ngày xưa. Mỗi lần đến thăm, mẹ tôi đều cầm tay Y Y, bà hỏi cái này hỏi cái kia, không ngừng cảm khái nói cháu đã lớn rồi, hiếu thuận, nghe lời, bà còn dặn cháu là học đại học nhưng phải thường xuyên về, bởi vì đây là nhà. Mặc dù người già nhiều lúc cứ nói đi nói lại một việc nhưng Y Y vẫn kiên nhẫn nghe bà nói, và ngoan ngoan gật đầu, thi thoảng lại nói đùa với bà.

Bạn sinh viên nhỏ của nhà tôi còn có rất nhiều hoạt động khác của riêng mình, ví dụ như chơi cùng cháu gái Xuân Phong. Thời gian này cháu Xuân Phong đang học lớp mười cũng được nghỉ, vì thế mà hai cô cháu lúc nào cũng dính với nhau như hình với bóng, cho dù là Y Y viết bản thảo thì Xuân Phong cũng ở đây, hoặc là làm bài tập hoặc là xem tivi, xem sách, buổi tối hai cô cháu ngủ cùng nhau.

Buổi trưa ngày 7 tháng 10, tôi đưa Y Y và Xuân Phong lên huyện, sau khi ăn no xong, Xuân Phong đi thẳng về trường còn cô sinh viên nhỏ chưa đầy mười sáu tuổi Phạm Khương Quốc Nhất lại lên chuyến tàu đi về phía Bắc để quay lại Cáp Nhĩ Tân, trở về trường Đại học Hắc Long Giang.

Đại học không phải là điểm cuối cùng

“Đại học không phải là điểm cuối cùng” là chủ đề buổi nói chuyện của tôi với sinh viên đại học Chiết Giang khi tôi làm chuyên mục “Đường dây tư vấn tâm lý Đông Tử” cho báo Thanh niên Chiết Giang mười hai năm trước, tôi thấy chủ đề này vẫn còn phù hợp với thế hệ sinh viên của thời đại mới. Vì thế tôi trích một phần nội dung từ bài nói chuyện của năm đó chia sẻ cùng các bạn độc giả.

Các bạn sinh viên Đại học Chiết Giang thân mến!

Xin chào tất cả các bạn!

Rất vui vì được đến trường Đại học Chiết Giang nổi tiếng, gặp gỡ và trao đổi với các bạn về chủ đề “Đại học không phải là điểm cuối cùng”.

Phải nói là các bạn là những người may mắn, trải qua mười hai năm học vất vả và “những ngày tháng bảy đen tối” (lúc đó thi đại học diễn ra vào tháng bảy), các bạn đã bước chân vào cổng trường đại học, được mang trên mình một danh hiệu đáng tự hào “sinh viên đại học”. Trong không khí thu hoạch của mùa thu, các bạn bước vào cổng trường đại học, bắt đầu một cuộc hành trình mới của cuộc đời. Vì vậy, các bạn hưng phấn, xúc động, muốn đốt cháy cảm xúc dạt dào, thực hiện ước mơ đẹp của bản thân. Có bạn đã hạ quyết tâm, chuẩn bị cho sự phát triển mới mạnh mẽ hơn nữa sau khi vào trường đại học, nhưng cũng có một số bạn cho rằng bản thân mình đã vất vả mười hai năm để thi được vào đại học, bây giờ mình đã thực hiện được mục tiêu đó rồi, mình phải nghỉ ngơi. Vì thế mà những bạn này bắt đầu lười nhác, không muốn cố gắng, chỉ muốn ngủ một giấc, tỉnh dậy là có thể lấy được bằng tốt nghiệp, thế là xong chuyện.

Trong quá trình con người mưu cầu một sự vật nào đó, rất dễ tưởng tượng sự vật đó là một mô thức được lý tưởng hóa, hoàn hảo, không tì vết, trong quãng thời gian học trung học phổ thông đầy mơ mộng, cuộc sống ở đại học đối với các bạn là một cái gì đó thần bí, mơ hồ, các bạn thường tưởng tượng trường đại học là một cái gì đó thần thánh hoặc là giống như những gì mà mình mong muốn, giống một thiên đường tươi đẹp, là một thánh điện, là một nơi vô cùng thiêng liêng. Nhưng bây giờ khi ước mơ đại học của các bạn đã trở thành hiện thực thì các bạn lại phát hiện rằng trường đại học không giống như trong tưởng tượng của các bạn, thậm chí các bạn còn cảm thấy “cũng chỉ có thế thôi”. Khoảng cách tạo nên cái đẹp, không có khoảng cách thì cái đẹp đó cũng tự nhiên biến mất. Bây giờ ngoài một chút mới mẻ ra thì còn lại đều là những gì không vừa ý, ví dụ chuyên ngành là ngành mà mình không thích, trong ký túc xá không có điều hòa, trong khuôn viên trường lại có những kiến trúc cổ, cũ nát, có những thầy cô không nói tiếng phổ thông… Những điều này càng làm tăng thêm sự trái ngược trong tư tưởng, từ đó xuất hiện tâm lý thất vọng. Con người một khi đã thất vọng thì sẽ hạ thấp yêu cầu của bản thân, từ đó buông xuôi mọi thứ. Đây là một trong những nguyên nhân mà một số bạn lên đại học rồi không còn muốn cố gắng nữa.

Một nguyên nhân khác là ở trong sâu thẳm tâm hồn, tư tưởng muốn ăn chơi đang điều khiển, bộ phận các bạn này cho rằng lên đại học giống như thuyền tới bến, xe tới trạm, tinh thần căng thẳng phải được thư giãn, ham muốn bản thân của con người lại bắt đầu manh nha, các bạn cho rằng không cần phải học hành vất vả như hồi trung học nữa, cưỡi ngựa mà không cần kéo cương, thậm chí là buông thả bản thân mình. Tôi đã từng tiếp xúc với những bạn như thế này, khi còn học trung học phổ thông thì học hành vất vả, rất nỗ lực, tích cực, khổ thế nào, mệt thế nào cũng chịu được, nhưng đỗ đại học xong thì trở thành một người hoàn toàn khác, trước tiên là không muốn nỗ lực nữa, các bạn ấy cho rằng quãng thời gian tươi đẹp nhất thì phải chơi hết mình. Vì thế mà hôm nay thì tụ tập đi leo núi, ngày mai lại đi thăm các kỳ quan, ngày hôm sau thì một mình hưởng lạc, vui quên việc học. Kết quả là bỏ phí việc học hành, có bạn trốn tiết nhiều lần, có bạn thi không đạt, không được nhận bằng tốt nghiệp, các bạn khác vui vẻ phấn khởi tốt nghiệp và đi làm, còn mình lại phải khổ sở phiền não.

Nhưng chúng ta đều biết không ở đâu bán thuốc hối hận, để không đi theo vết xe đổ của những bạn mà tôi vừa kể trên, xin các bạn hãy nhớ rằng lên đại học rồi thì nhất định phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng, bởi vì đại học không phải là điểm cuối cùng. Xoay quanh chủ đề này, tôi sẽ nói với các bạn ba chủ đề nhỏ.

Chủ đề đầu tiên là: Đường đời rất dài, trường đại học chỉ là một trạm trong quãng đường dài đó.

Khi bạn ra đời là bạn đã bước đi trên con đường đời của chính mình. Con đường này, một đầu là ở ngay dưới chân bạn còn đầu kia dẫn tới những nơi xa xôi mà bạn chưa được biết, dường như không có điểm cuối, và cũng không nhìn thấy điểm cuối cùng. Tiến về phía trước, con đường này đầy những chông gai và thử thách, nhưng cũng không thiếu hoa tươi và những chặng đường bằng phẳng, trên con đường này thời gian chính là tay đẩy, nó sẽ luôn đẩy chúng ta tiến về phía trước.

Nếu chia cuộc đời thành mấy giai đoạn, trường đại học là một trong những giai đoạn, nếu ví một giai đoạn như một trạm dừng chân thì trường đại học chỉ là một trong những trạm đó, và là một trạm dừng chân ngắn ngủi. Trạm dừng chân này không phải là nơi để chúng ta nghỉ ngơi, mà là nơi để chúng ta đổ thêm dầu, là quá trình chúng ta chỉnh đốn trang phục, nạp thêm năng lượng cho đoạn đường sắp tới.

Trong giai đoạn đầu của quãng đường này, các bạn bị nhồi nhét vào đầu tư tưởng “Học, học nữa, học mãi” và mục tiêu là “thi đại học”. Mục tiêu này là mục tiêu xuyên suốt cả quá trình học tiểu học lẫn trung học. Khi bước chân vào trường đại học, ở một trạm mới, cần phải tiếp thu nhiều kiến thức hơn nữa, bởi vì sau khi tốt nghiệp đại học bạn phải đối diện với hành trình cuộc đời thực sự. Có thể nói, cuộc đời bạn sau này có tươi sáng hay không, một phần lớn quyết định bởi khi học đại học bạn có cố gắng hay không.

Vâng, tiếp sau đây chúng ta tiếp tục bàn về chủ đề thứ hai: Trường đại học là một khởi đầu mới của cuộc đời.

Vừa rồi tôi đã nói, trường đại học là một trạm dừng trong cuộc đời, cuộc sống ở trong trường đại học là điểm cuối cùng trước khi các bạn bước ra ngoài xã hội, nhưng không phải là điểm cuối cùng trong cuộc đời của các bạn, mà là một khởi đầu mới của hành trình tiếp theo. Giống như lời hát trong một bài hát: “Điểm cuối rồi lại quay trở lại điểm đầu”.

Chủ đề cuối cùng trong ba chủ đề nhỏ là: Cuộc đời là quá trình không ngừng học tập

Nhà hiền triết phương Tây Solon đã từng nói: “Sống đến già, học đến già”. Ý nghĩa của câu này chính là cuộc đời là quá trình không ngừng học tập. Khi bắt đầu cuộc đời, chúng ta học đi, học nói, học làm người, học giải quyết vấn đề, khi đi học học kiến thức, học văn hóa, khi bước chân ra ngoài xã hội cũng không ngừng học tập, và học mãi cho đến khi từ giã cõi đời. Vì vậy mới nói cuộc đời là quá trình không ngừng học tập. Với quan điểm này, bản thân tôi đã được trải nghiệm.

Tôi cho rằng, là những sinh viên của thế kỷ XXI, các bạn nên có hai ý thức hiện đại: một là ý thức về sự khốn khó, lúc yên nhàn lo đận nguy nan; thứ hai là ý thức tích cực cầu tiến. Nếu không có hai ý thức kể trên, tương lai bạn sẽ khó có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Những sinh viên của thời đại mới phải luôn luôn ghi nhớ việc “học tập”, học ở trong nhà trường, học ở ngoài xã hội, học ở người khác, để bản thân mình luôn tỏa ra những vầng sáng lung linh!

Cuối cùng tôi tặng các bạn câu nói của nhà sinh vật học nổi tiếng Louis Pasteur để các bạn cùng suy ngẫm: “Cơ hội chỉ mỉm cười khi trí tuệ đã được chuẩn bị sẵn sàng”, đồng thời tôi cũng chân thành chúc các bạn có thể nắm lấy tuổi trẻ của mình, học được những bản lĩnh cần thiết, có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để đi tới tương lai tốt đẹp của riêng mình.

Cảm ơn tất cả các bạn!

Phụ lục

Trong mắt con gái - Đông Tử là một người cha “quái”

Trong mắt người khác cha mình là một tác giả, một chuyên gia giáo dục, một chuyên gia tâm lý, nhưng trong mắt mình cha là một quái nhân.

Cha cao chưa đầy một mét bảy, mặc dù không được coi là cao lớn nhưng trong mắt mình cha vẫn có khí chất nhất định của một nam tử hán. Trông cha rất gầy nhưng thực ra trong xương lại có sự vạm vỡ của những người đàn ông vùng Đông Bắc, chẳng qua sự vạm vỡ đó không thể hiện rõ trên cơ thể của cha mà thôi.

Cha là một người rất nghiêm túc trong công việc nhưng khi nói chuyện lại rất hài hước. Cha là người ngay thẳng, nhưng tính khí lại không được tốt cho lắm, có lúc cha tức giận chỉ vì một việc rất nhỏ. Khuôn mặt gầy gò của cha khi tức giận có nét gì đó giống với Lỗ Tấn tiên sinh, khiến người ta phải rợn tóc gáy. Ngoài việc thi thoảng tức giận ra, bình thường cha rất hòa nhã và khoan dung, đây cũng là ấn tượng mà cha để lại trong lòng nhiều người.

Khi mình còn nhỏ, cha thường kể chuyện cho mình nghe, bây giờ mặc dù không hay kể chuyện nữa rồi, nhưng hai cha con vẫn thường xuyên kể chuyện vui mỗi khi rảnh rỗi.

Có những hôm cả ngày cha đều ngồi ở nhà, đây chính là “tác giả” trong truyền thuyết vẫn nói (từ tác và ngồi trong tiếng Trung là từ đồng âm). Ngày nào cha cũng ngồi ở trong nhà, không có nhiều thời gian xuống dưới để rèn luyện thân thể, nếu như nói theo ngôn ngữ thịnh hành bây giờ, thì cha chính là một “trạch nam” đích thực (trạch nam là những nam giới thường ở trong nhà, thậm chí tách biệt xã hội). Bởi vì thường xuyên làm việc nhiều giờ liền, cha bị bệnh đốt sống cổ, thường xuyên bị đau lưng, cứng cổ. Khi mệt đến nỗi không thể chịu được thì cha mới lấy đôi giầy vải đã đi nhiều năm mà không chịu bỏ ra ngoài đi dạo, đi mệt thì gọi taxi về (rất có cá tính phải không).

Cha là một người rất tiết kiệm, quần áo giầy dép của cha đều là hàng rẻ tiền, thậm chí nhiều lúc cha được mời đi họp mà không có đến một bộ quần áo tử tế để mặc. Nhưng cha lại rất đầu tư cho việc học và sự phát triển của mình, không hề tiếc tiền. Để mình dùng cảm thấy thoải mái, bút, vở của mình đều là đồ tốt. Khi lên trung học phổ thông, mình ở nội trú trong trường, cha không thể lo việc ăn uống của mình, có lúc sợ mình ăn không tốt, buổi trưa cha gọi điện cho mình, hỏi xem mình ăn gì, sống thế nào. Tóm lại cha là người “Không lo cho bản thân mình mà chỉ lo cho người khác”.

Mình hầu như không hỏi quá nhiều về công việc của cha nhưng phương pháp và quan điểm giáo dục của cha thì mình hiểu rất rõ.

Về phương diện giáo dục mình, mặc dù cha không có nhiều yêu cầu như những bậc phụ huynh khác, cũng không bao giờ yêu cầu mình thi phải được bao nhiêu điểm, xếp thứ mấy, chỉ cần mình cố gắng hết sức là được. Nhưng cha quản mình rất nghiêm, chỉ cần cái gì cha yêu cầu là mình nhất định phải làm được, và nếu như mình đã đồng ý thì mình nhất định phải hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian đã quy định. Nếu không thực hiện được lời hứa, thì sẽ dùng “gia pháp” với mình, ngược lại nếu như mình làm tốt, cha sẽ thưởng cho mình!

Cách giáo dục của cha khiến mình có thêm nhiều kỹ năng, cha đã tạo cho mình rất nhiều cơ hội để mình rèn luyện, cha còn dạy cho mình phương pháp thành công mà bản thân cha đã trải nghiệm và đúc kết: tố chất + khả năng nhận thức + hứng thú + tự tin + chịu khó + cơ hội. Khả năng nói và viết của mình đều là do cha luyện từng chút từng chút một, có thể nói nếu không có sự dạy dỗ của cha, mình sẽ không có cơ hội để viết phụ lục này, chính là cha đã cho mình được vui vẻ học tập, khỏe mạnh trưởng thành, vì thế mới có mình như ngày hôm nay.

Nhưng sách của cha mình cũng không hiểu lắm, bởi vì phần lớn những cuốn sách đó là sách về giáo dục (hơn nữa rất nhiều cuốn liên quan đến việc giáo dục mình, vì thế cho dù mình không đọc sách mình cũng biết trong sách viết gì), một số ít viết về tâm lý và tình cảm. Về tình cảm mình vẫn chưa thể hiểu, và cũng không hứng thú. Những cuốn sách tâm lý giống như Cổ vũ chính bản thân mình mình chỉ xem qua một lần. Khi còn nhỏ, đọc sách của cha, mình không hiểu ý nghĩa sâu xa, bây giờ mình đã lớn hơn rồi nhưng cũng chỉ hiểu được một phần những gì cha viết thôi. Nhưng vì ở với cha lâu, cho dù không xem sách của cha, mình vẫn biết cha là người thế nào.

Cha làm việc rất chăm chỉ, thường dành rất nhiều thời gian cho những chi tiết rất nhỏ trong bài viết. Mình hỏi cha tại sao phải tỉ mỉ như vậy, cha nói nếu không viết rõ ràng, độc giả đọc sẽ hiểu lệch đi, lúc đó chỉ vì lỗi của mình mà độc giả đọc không hiểu, thậm chí là hiểu nhầm, như vậy là có lỗi với độc giả, là một tác giả không đạt yêu cầu. Bất luận là viết sách hay làm người, đều phải có lương tâm, vì vậy mà cha được rất nhiều độc giả yêu thích. Cha là một người rất nghiêm túc trong công việc và cuộc sống, một người yêu cuộc sống, yêu công việc.

Cha còn là người “có thể lên phòng khách, có thể xuống nhà bếp”. Cha không những biết cách đối nhân xử thế, lại còn có thể làm rất nhiều món ăn ngon. Điểm này thì mình biết rất rõ. Mặc dù khả năng nấu nướng của cha không thể so với những đầu bếp giỏi, nhưng vẫn đủ làm mình hài lòng. Mỗi bữa cơm, nhìn trên bàn ăn toàn những món ăn ngon, mình nghĩ cha thật sự là một người cha xuất sắc. Tài khí, năng lực thì không cần bàn đến, cái gì cũng biết, còn có thể đưa mình đi du lịch từ Nam đến Bắc. Có một người cha “đa tài đa nghệ” như vậy mình thấy thật tuyệt vời!

Có những lúc cha sẽ bảo mình cho cha những ý kiến nhận xét, sau đó cha sẽ sửa những khuyết điểm đó theo ý kiến của mình, điểm này những phụ huynh khác sẽ không làm như vậy, cha mình quái là quái ở điểm này!

Một ngày trong kỳ nghỉ hè năm 2009, cha nói với mình: “Con yêu, con lớn lên từng ngày, chỉ một tháng nữa con lên trung học phổ thông rồi, hai cha con mình đã sống với nhau hơn mười năm rồi, hôm nay cha có một ý kiến như thế này, mong con ủng hộ cha, cha muốn con nói cho cha xem trong mắt con cha là một người cha như thế nào, nói ra mười ưu điểm và mười khuyết điểm của cha. Con cứ suy nghĩ, lúc nào viết xong thì đưa cho cha”. Mình vui vẻ “tuân lệnh”, qua hơn một tháng cẩn thận tổng kết, khi mình chuẩn bị đi học trung học phổ thông, mình đưa cho cha một tờ giấy với nhan đề “Mười ưu khuyết điểm lớn của cha” và dặn cha không được giận mình.

Toàn bộ nội dung của tờ giấy “Mười ưu khuyết điểm lớn của cha” như sau:

Mười ưu điểm lớn: ① Là người tốt. ② Nói chuyện hài hước. ③ Thích kết bạn, năng lực giao tiếp tốt. ④ Có tài ăn nói, có khả năng thuyết phục người khác. ⑤ Sống tiết kiệm. ⑥ Hiếu kính người già, đối tốt với người thân, bạn bè. ⑦ Nấu ăn ngon. ⑧ Làm việc chăm chỉ, chịu khó. ⑨ Chân thành, thẳng thắn. ⑩ Yêu công việc, có tinh thần trách nhiệm.

Mười khuyết điểm lớn: ① Tính khí nóng nảy, không tiếp thu những ý kiến của người khác. ② Thường xuyên nói bậy. ③ Có lúc tự cho rằng mình rất tài giỏi. ④ Đánh con vì việc nhỏ. ⑤ Hay ở bên ngoài cãi nhau với người khác. ⑥ Thường cho mình là đúng. ⑦ Cho rằng mình là lão gia, người khác phải nghe theo mình. ⑧ Từ trước tới nay chưa bao giờ tự kiểm điểm bản thân. ⑨ Những đạo lý giảng cho người khác bản thân lại không làm được. ⑩ Không sạch sẽ.

Ở mặt sau tờ giấy mình còn viết thêm: “Đây là những suy nghĩ thật của con, xin cha đừng tức giận”.

Hi hi, sau khi đọc tờ giấy, cha nói chuyện với mình một lúc, cha nói những điều mình chỉ ra đều đúng, nhưng có một số điều thì hơi khoa trương một chút. Hiệu quả của tờ giấy này rất tốt, thời gian sau đó, cha đều nỗ lực để sửa chữa những khuyết điểm và có tiến bộ rất lớn.

Đó là cha của mình, nếu để cho mình chấm điểm, mình chỉ có thể chấm cho cha chín mươi điểm. Các bạn có lẽ sẽ hỏi mình: Cha của bạn tốt như vậy, tại sao không chấm điểm tuyệt đối? Mình sẽ trả lời: Phải để cho cha không gian để tiến bộ chứ! Hơn nữa, không có ai là hoàn hảo cả, mình chỉ muốn cha bớt tức giận hơn, chú ý nhiều hơn đến sức khỏe, như vậy có thể làm việc tốt hơn!

Con gái trong mắt cha - Phạm Khương Quốc Nhất không phải là thần đồng

Từ khi con gái vượt lớp, xuất bản vài cuốn sách, nhận được sự quan tâm sâu rộng, bất luận là truyền thông hay độc giả đều cho rằng: Phạm Khương Quốc Nhất là thần đồng! Là thiên tài! Bất luận là trả lời phỏng vấn hay là trả lời câu hỏi của thính giả, tôi đều trả lời: “Phạm Khương Quốc Nhất không phải là thần đồng, cũng không phải là thiên tài”.

Đây là một sự sai lầm về mặt nhận thức, IQ của Phạm Khương Quốc Nhất chỉ cao hơn một chút so với mức thông thường, chỉ số IQ như con một lớp cũng phải có tới mấy chục bạn, toàn quốc có trăm triệu bạn. Từ khi sinh ra cho đến nay, con chẳng có biểu hiện nào khác biệt so với người bình thường.

Người dẫn chương trình - thầy Lý Cường của chuyên mục “Trao đổi” Đài Truyền hình Thiên Tân đã từng hỏi mẹ Y Y khi sinh Y Y có phải là tiếng khóc của con khác với tiếng khóc của những đứa trẻ khác? Mẹ con đùa nói: Tiếng khóc thì không có gì khác với những đứa trẻ khác, nhưng lúc đó mắt con một mắt nhắm, một mắt mở, sau đó thì cứ như vậy trong một thời gian dài, mẹ con cứ nghĩ một mắt của con có vấn đề. Vì thế mà thầy Lý Cường lại đùa tiếp: “Xem ra, nhà ai mà sinh con, khi con vừa ra đời, nhất định phải xem là con có mở một mắt, nhắm một mắt hay không, nếu như đúng là vậy thì tương lai sẽ giống như Phạm Khương Quốc Nhất, lớn lên sẽ là một thiên tài”.

Tất nhiên đây chỉ là nói vui thế thôi.

Khi tôi nói Y Y chỉ là một đứa trẻ bình thường thì không ai đồng ý với ý kiến của tôi. Họ dùng đúng một giọng điệu để phản bác lại tôi: “Không phải là thần đồng thì tại sao lại tài giỏi như vậy? Chỉ mất ba năm rưỡi học xong tiểu học, xuất bản sách Chơi qua tiểu học, hai năm rưỡi học xong trung học cơ sở, lại xuất bản cuốn sách Thời trung học cơ sở vui vẻ của Phạm Khương Quốc Nhất… Đứa trẻ bình thường làm sao có thể làm được như vậy?”.

Tôi đã từng nói đùa như thế này: “Nếu khi vừa sinh con bị bế nhầm, thì đứa bé bị bế nhầm kia sẽ giống như Phạm Khương Quốc Nhất của bây giờ còn Phạm Khương Quốc Nhất bị nhà nào bế đi thì sẽ giống con của nhà đó”. Vì thế, tôi muốn nói rằng những gì Phạm Khương Quốc Nhất làm được không có gì là thần kỳ, chỉ là phương pháp giáo dục trong gia đình có sự khác biệt. Thực ra, chỉ cần có sự hướng dẫn đúng đắn, giáo dục có phương pháp, thì hầu hết mọi đứa trẻ đều có thể làm được như Phạm Khương Quốc Nhất.

Trên thế giới không tồn tại thiên tài với ý nghĩa thực sự, những thiên tài đều phải được phát hiện, bồi dưỡng và tự bản thân nỗ lực mới có thể trở thành thiên tài. Tất nhiên Phạm Khương Quốc Nhất không phải là thiên tài, sự trưởng thành của con nếu nói là thành công thì tôi nghĩ đó là do phương pháp dạy học theo đối tượng. Nói theo một cách khác, nếu như cha mẹ của những trẻ khác có thể hiểu con cái của họ giống như tôi, kịp thời phát hiện và khai thác những điểm mạnh của con, đồng thời có sự hướng dẫn khoa học, mỗi đứa trẻ đều có thể trở thành “thần đồng” và “thiên tài”.

Trong xã hội, mỗi người một vẻ, chỉ có những phương thức giáo dục phù hợp với từng cá nhân mới có thể phát hiện được tiềm năng, thúc đẩy sự trưởng thành và phát triển, nói một cách khác là giáo dục bắt buộc phải phù hợp với thiên tính và quy luật phát triển của cá nhân.

Từ khi Y Y chào đời, tôi lấy vai trò là một người cha, luôn luôn quan sát con, từ đó nắm được những đặc điểm về tính cách, năng lực trí tuệ của con gái. Sau đó giai đoạn trước tuổi học và sau tuổi học, tôi kiên trì giáo dục con theo phương châm giáo dục mà tôi đã đặt ra, giáo dục theo đối tượng. Ví dụ, về phương diện biểu đạt ngôn ngữ Y Y rất có thiên phú, không chỉ nói được từ rất sớm hơn nữa lại nhanh nhảu lanh lợi, biểu đạt trôi chảy, tôi xác định phải bồi dưỡng cho con ở phương diện này. Con ngày một lớn, thì tôi càng bỏ nhiều công sức hơn.

Cho đến khi Chơi qua tiểu học được xuất bản, hai cha con đến rất nhiều nơi để ký tặng và quảng bá, tất cả mọi người đã từng nghe Y Y thuyết trình đều cảm thấy rất kinh ngạc: Đứa trẻ này mới nhỏ tuổi như thế mà đứng trước biết bao nhiêu người không thấy run, không những tự nhiên phóng khoáng mà tư duy còn nhanh nhạy, diễn đạt đầy đủ, thật là giỏi quá. Tôi nghĩ điều này không thể không nói đến khả năng thiên phú của con, càng không thể phủ nhận ý thức bồi dưỡng của tôi nhiều năm qua. Còn nữa, tôi căn cứ vào đặc điểm là con thích suy nghĩ, thích đặt câu hỏi, nên chú trọng hướng dẫn con học cách quan sát, học cách ghi chép lại mọi thứ sau khi quan sát. Bây giờ, năng lực quan sát và năng lực phân tích của Y Y đều vượt trội hơn so với các bạn đồng trang lứa. Nhiều lúc mẹ của con còn than không bằng con.

Việc tôi áp dụng phương pháp giáo dục theo đối tượng với con, điều thành công nhất chính là con đã vượt lớp thành công, chỉ dùng thời gian ba năm rưỡi học xong tiểu học và hai năm rưỡi học xong trung học cơ sở. Còn về phương diện viết lách, tôi cũng căn cứ vào tính cách của con, hướng dẫn một cách khoa học, từng bước bồi dưỡng hứng thú viết lách cho con. Đã từng có một khoảng thời gian, Y Y thấy rất phản cảm vì các thầy cô ở trường đều ra những đề văn giống nhau, tôi ủng hộ con không viết, mà hãy căn cứ theo sở thích hứng thú của con, viết những câu chuyện ấu thơ mà con thích. Khi tôi khen những câu chuyện mà con viết, thì hứng thú viết lách của con được bộc phát, tôi tận dụng cơ hội này cùng con hồi tưởng lại những chuyện thú vị mà con đã từng trải qua, sau đó cổ vũ con cầm bút viết ra những câu chuyện đó.

Cứ như thế, việc viết lách của con ngày một tiến bộ, cho đến khi bài văn “Mình đã vượt lớp rồi” được đăng, thì hứng thú viết lách của con lên đến đỉnh điểm. Khi đã xác định là viết sách, bình quân mỗi tuần con sẽ viết ba bài, trong thời gian nửa năm con đã hoàn thành bản thảo một trăm nghìn chữ một cách nhẹ nhàng. Khi cuốn sách dày cộp được đặt trước mặt tôi, tôi cảm thấy đối với một đứa trẻ chỉ mới chín tuổi mà nói thực sự là một công trình lớn với lượng công việc khổng lồ. Nhưng Y Y đã hoàn thành một cách nhẹ nhàng, hơn nữa trong quá trình viết lách con có được rất nhiều niềm vui.

Nếu tôi cũng giống như những bậc phụ huynh khác, cứ giao con cho nhà trường là xong, hết trách nhiệm thì Y Y chỉ có thể học được những kiến thức văn hóa cơ bản như chương trình đã sắp đặt, nhưng khả năng riêng của con sẽ không được khai thác. Như vậy con không thể thuận lợi nhảy lớp, càng không thể viết được cuốn sách Chơi qua tiểu học, Thời trung học cơ sở vui vẻ của Phạm Khương Quốc Nhất, và cuốn sách hai cha con cùng hợp tác Người cha tốt, đứa con ngoan, cũng không thể có được những tố chất tổng hợp tốt như khả năng biểu đạt ngôn ngữ, khả năng tự lập, năng lực giao tiếp, năng lực thích ứng, khả năng đối mặt với thất bại…

Rất nhiều bậc phụ huynh đều cho rằng Phạm Khương Quốc Nhất là một đứa trẻ xuất sắc, nhất định là rất nghe lời và không bao giờ phạm lỗi. Thực ra không phải thế, thực tế Y Y lại là một đứa trẻ rất không nghe lời, nhưng con lại biết phải trái. Hơn nữa tôi không cho rằng những đứa trẻ biết nghe lời đã là những đứa trẻ ngoan, tôi thường nói với con, cho dù là ai, cho dù là cha hay là các thầy cô giáo, con cho rằng ai sai thì không phải nghe, ai đúng thì nghe người ấy.

Hơn nữa, những lỗi lầm mà trẻ phạm phải trong quá trình trưởng thành, Phạm Khương Quốc Nhất cũng đều phạm phải, nhưng con đã có thể nhận ra lỗi lầm của mình, thành tâm sửa lỗi. Tôi nói với con: “Phạm lỗi không đáng sợ, điều đáng sợ là không biết đã phạm lỗi gì và không sửa lỗi”, tôi cũng an ủi con: “Những đứa trẻ không phạm lỗi không lớn được”.

Vì vậy, Phạm Khương Quốc Nhất cũng chỉ là một đứa trẻ bình thường, con giống như những đứa trẻ khác, sống cuộc sống của người bình thường. Chỉ duy nhất một điều không giống là ngoài việc được tiếp nhận nền giáo dục theo phương pháp truyền thống, con còn được tôi “điêu khắc” bằng quan điểm giáo dục theo đối tượng. Vì thế mà tiềm năng của con được tôi phát hiện và khai thác, cá tính của con được bảo vệ và phát huy.

Do đó, tôi vẫn muốn nói một câu: Chỉ cần con cái của bạn có trí tuệ bình thường, khỏe mạnh, chỉ cần bạn bỏ công sức, giáo dục theo đối tượng, con bạn sẽ trở thành một đứa trẻ khác với những đứa trẻ bình thường khác!

Hậu ký

Cùng con trưởng thành và Chơi cũng là một cách để trưởng thành là hai tác phẩm mà tôi và Phạm Khương Quốc Nhất tâm đắc nhất. Tác phẩm tốt nhất tất nhiên phải gửi đến nhà xuất bản tốt nhất, vì thế trước khi hoàn thành bản thảo, tôi muốn thông qua hình thức đấu thầu, tìm được một nhà xuất bản uy tín, có khả năng, có đủ tự tin để có thể cho ra đời những cuốn sách bán chạy được độc giả yêu thích.

Vì thế tôi đã gửi “Thư mời thầu phát hành sách của hai cha con Đông Tử và Phạm Khương Quốc Nhất” cho mấy chục nhà xuất bản đã mời tôi viết bản thảo, đại đa số những đơn vị xuất bản đều rất hứng thú với hai chủ đề này, nhưng do điều kiện xuất bản hơi cao, có một nửa đơn vị xuất bản đã phải từ bỏ, còn lại hơn mười mấy đơn vị xuất bản đã cùng tôi bàn bạc cụ thể phương án hợp tác.

Hôm đó là ngày thứ sáu, khoảng 9 giờ tối, có một cuộc điện thoại từ Bắc Kinh. Thông thường buổi tối tôi rất ít khi nhận cuộc gọi của người lạ. Lúc này, một giọng nữ trong trẻo cất lên trong điện thoại: “Xin chào thầy Đông Tử! Muộn thế này mà vẫn làm phiền thầy. Xin tự giới thiệu tôi là Tạ Văn Bình, biên tập của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Bắc Kinh, hôm nay tôi được biết là tác phẩm mới của thầy và Phạm Khương Quốc Nhất đang mời thầu tìm nhà xuất bản, chúng tôi rất hứng thú, không biết thầy có thể gửi cho chúng tôi một bản tư liệu không ạ…?”.

Buổi sáng ngày hôm sau, tôi gửi cho cô Văn Bình những tài liệu liên quan đến việc mời thầu lần này. Hai mươi tư tiếng sau, cô Văn Bình đã trả lời lại là nhà xuất bản của họ chấp nhận mọi yêu cầu mời thầu của chúng tôi, hy vọng có thể hợp tác. Nhận được tin này, tôi không lập tức đồng ý ký hợp đồng, mà nói với đối phương phải xem xét thận trọng. Cô Văn Bình trả lời tôi rằng họ đã nghiên cứu rất kỹ mới đưa ra quyết định này.

Ba ngày sau, tôi nhận được hợp đồng xuất bản từ Bắc Kinh, như vậy chúng tôi đã ký kết thành công.

Để có thể làm tốt bộ sách này, giữa tháng 10 năm 2012, nhận lời mới của Nhà xuất bản Sư phạm Bắc Kinh, tôi được mời đến nói chuyện bàn bạc về vấn đề biên tập, quảng bá cho cuốn sách với tổng biên tập, tiến sĩ Diệp Tử, phó tổng biên tập Lý Diễm Huy, tiến sĩ Tạ Văn Bình phụ trách biên tập và đội ngũ truyền thông. Vì vậy mới có hai cuốn sách Cùng con trưởng thành và Chơi cũng là một cách để trưởng thành mà các bạn đã thấy.

Mỗi lần xuất bản một cuốn sách, đều phải cảm ơn một số người. Con gái được như ngày hôm nay là vì đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người, không có sự giúp đỡ, cổ vũ của những người này thì không có Cùng con trưởng thành và Chơi cũng là một cách để trưởng thành.

Vì thế mà nhân dịp cuốn sách này được xuất bản, trước tiên xin gửi lời cảm ơn đến hiệu trưởng Thái Vỹ Quang, cô chủ nhiệm Vương Hiểu Trân trường Mầm non Thiên nga nhỏ Long Khẩu Sơn Đông; hiệu trưởng Lâm Hồng Cúc, cô giáo chủ nhiệm Trương Tiết trường Mẫu giáo nghệ thuật Thế kỷ mới thành phố Hàng Châu, Chiết Giang; hiệu trưởng Trương Linh, cô chủ nhiệm Lý Văn Tĩnh trường Mầm non số 5 Đại học Cát Lâm; cô chủ nhiệm Điền Tĩnh, Lý Ba trường Tiểu học Con em xưởng 228, Trường Xuân, Cát Lâm; hiệu trưởng Trương Diên Tân, cô chủ nhiệm Ôn Kiến Mai trường Tiểu học Hoàng Thành Tập, thành phố Long Khẩu, Sơn Đông; hiệu trưởng Uông Trinh Học, cô chủ nhiệm Lý Hồng trường Trung học cơ sở số 77, thành phố Đại Liên tỉnh Liêu Ninh; hiệu trưởng Cố Ngọc Tú, giáo viên chủ nhiệm Bách Dung trường Trung học cơ sở số 141, thành phố Thẩm Dương tỉnh Liêu Ninh; hiệu trưởng Châu Quốc Binh, chủ nhiệm Đổng Quế Chi trường Trung học cơ sở Số 8, khu phát triển sản nghiệp ô tô Trường Xuân, Cát Lâm; hiệu trưởng Tôn Vĩnh Cường, hiệu trưởng Trương Kình Tống, cô chủ nhiệm Từ Lệ Cầm, Lưu Thục Yến, Lý Lệ trường Trung học phổ thông Dưỡng Chính Trường Xuân, Cát Lâm; Viện trưởng Học viện Báo chí và Truyền thông Đại học Hắc Long Giang thầy Trịnh Á Nam, bí thư Trương Học Thành, thầy phụ trách Cao Cường và những thầy cô giáo, bạn bè ở những ngôi trường mà Phạm Khương Quốc Nhất đã từng học. Nếu không có sự chăm sóc dạy dỗ của các thầy cô và sự chăm sóc quan tâm của bạn bè thì không có một Phạm Khương Quốc Nhất như ngày hôm nay và cũng không có một người cha hạnh phúc như ngày hôm nay.

Nhân đây, tôi cũng xin được đặc biệt cảm ơn học sinh của tôi, người chị em tốt nhất của con gái - Liễu Đan và phụ trách biên tập cuốn sách này - tiến sĩ Tạ Văn Bình, phó biên tập và thẩm định Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Có Đan Đan bầu bạn, Phạm Khương Quốc Nhất trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả vẫn rạng rỡ, tràn trề sức sống; nhờ sự nỗ lực của cô Văn Bình mà cuốn sách này mới đến được nhà xuất bản Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cảm ơn cô đã vất vả biên tập cuốn sách này.

Hai cuốn sách Cùng con trưởng thành và Chơi cũng là một cách để trưởng thành đã ở trước mắt các bạn độc giả, nếu như những cuốn sách này có thể giúp các bậc phụ huynh hiểu được phải giáo dục con cái như thế nào thì đó là hạnh phúc của tôi; nếu có thể mang đến cho các bạn nhỏ niềm vui thì đó sẽ là niềm hạnh phúc của Phạm Khương Quốc Nhất.

Đông Tử

Trường Xuân, cuối năm 2012