MỘT DỊP NGẪU NHIÊN, Thu phát hiện “kể đầu sỏ” trả lại thư. Hôm ấy Thu được hai lớp mười một đang lao động ở nông trường mời tham gia đệm đàn cho buổi biểu diễn ở Phó Gia Xung. Nông trường của trường số Tám liên hệ với một nông trường của đám thanh niên trí thức, nông trường ấy cũng ở Phó Gia Xung. Vì là cuối tuần, Thu nhận lời không chút do dự, nông trường của trường sô Tám còn cử một cậu về cõng cây đàn accordéon cho Thu.
Thu đến nông trường, tập luyện với học sinh, cùng học sinh lớp mười một đến nông trường của đám thanh niên trí thức, trở thành nhân vật được chú ý, vì Thu kéo accordéon, lại là nữ. Thanh niên trí thức của nông trường cùng mời Thu đệm đàn, đệm mấy bài rất quen thuộc, vậy là Thu đệm đàn cho cả hai bên.
Buổi biểu diễn kết thúc, rất nhiều người vây lấy Thu, có người yêu cầu Thu biểu diễn một bài, có người nâng cây đàn lên kéo thử, bảo rất nặng, kéo không nổi.
Một cậu thanh niên trí thức tên là Ngưu Phúc Sinh nghe đến tên Tĩnh Thu, cậu ta đến, nói với Thu:
- Bạn họ Tĩnh à? Có người họ Tĩnh thật sao?
Thấy Thu gật đầu, liền nói:
- Cách đây ít lâu, bọn này nhận được một lá thư có thể là của bạn.
Hồi ấy, nông trường của trường số Tám mới xây dựng, người đưa thư chưa biết, chỉ thấy mấy chữ “Nông trường trường Trung học số Tám thành phố K”, nên đưa đến nông trường này, vì nông trường này gọi là “Nông trường đội công trình số Tám của thành phố K”. Đội công trình số tám trước kia thuộc biên chế quân đội, về sau chuyển đi nơi khác, nông trường này dành cho con em của họ tốt nghiệp trung học phổ thông về đây rèn luyện, coi như lên rừng về đồng ruộng, sau đấy rút về thành phố K, phần lớn được vào đội công trình số Tám.
Người nhận thư của nông trường không biết ai tên là Tĩnh Thu, hỏi mọi người nhưng không ai biết, vậy là họ trả lại thư cho người gửi. Cậu học sinh kia thấy cái họ ít gặp, thư lại từ Nghiêm Gia Hà gửi đến, tỏ ra kỳ lạ, hai nơi cách nhau mấy cây số mà thư với từ? Cậu ta nhớ cái tên “Tĩnh Thu”, bây giờ được gặp chủ nhân của cái tên ấy chợt nhớ lại chuyện cũ.
Thu cảm ơn cậu ta, đồng thời nhớ từ nay về sau có thư của “Tĩnh Thu” thì nhận giúp, có dịp Thu sẽ về lấy. Phúc Sinh hỏi địa chỉ của Thu ở thành phố K, hứa nếu có thư của Thu sẽ nhận giúp, bao giờ cậu ta về thành phố K sẽ đem về cho Thu.
Phát hiện ấy đã xóa sạch nghi ngờ đối với thày Trịnh, mà cũng xóa mọi nghi ngờ đối với Ba, ít ra xóa sạch nghi ngờ về anh trong chuyện viết thư, chứng tỏ đúng anh là người viết thư. Nhưng sau đấy Ba gặp Thu tại sao lại không đưa những lá thư đó cho Thu xem? Thu đoán đấy là những lá thư tuyệt giao, cho nên anh không đưa cho Thu xem sợ làm vỡ kế hoạch của mình.
Bây giờ Thu đã có phòng riêng do nhà trường cấp. Đó là một căn phòng chừng mười mét vuông, ở chung với cô giáo Lưu. Trong phòng có một cái bàn hai ngăn kéo, mỗi người một ngăn, tự khóa lại. Thu đã có nửa bầu trời cất giấu mọi bí mật của mình.
Nhà của cô giáo Lưu ở bên kia sông, cứ cuối tuần cô lại về, cho nên cuối tuần căn phòng này là khoảng trời của riêng Thu. Những lúc ấy Thu chốt cửa, đem thư và ảnh của Ba ra xem, tưởng tượng đấy là những lá thư của bác sĩ Thành gửi cho Thu. Những lúc nghĩ như thế Thu cảm thấy hạnh phúc vô cùng, rất say sưa vì những lời lẽ trong thư chỉ có thể từ miệng những người như bác sĩ Thành nói ra mới có ý nghĩa, bằng không sẽ là những lời đáng khinh. Không biết ma sai quỷ khiến thế nào, Thu ghi mấy bài thơ lên giấy, định một dịp nào đấy sẽ cho bác sĩ Thành xem. Thu cũng không biết cho bác sĩ Thành xem có ý nghĩa gì, Thu chỉ muốn cho anh xem vậy thôi.
Một hôm, nhân lúc bác sĩ Thành đón đứa con trên tay Thu, Thu lén nhét mấy bài thơ đã chép từ mấy hôm nay vào túi áo bác sĩ Thành. Hai ba ngày sau đấy, Thu không dám đến nhà bác sĩ Thành, Thu không có cảm giác có lỗi với cô giáo Giang, vì chưa bao giờ Thu có ý nghĩ giành bác sĩ Thành về cho mình, Thu chỉ sùng bái bác sĩ Thành, yêu anh, những bài thơ ấy viết cho anh, cho nên muốn để anh xem. Thu không dám đến là bởi sợ bác sĩ Thành cười chê văn chương, cười chê tình cảm của Thu.
Một buổi tối cuối tuần, bác sĩ Thành tìm đến căn hộ của Thu. Anh trả lại những bài thơ cho Thu, mỉm cười, nói:
- Cháu Thu, cháu rất có tài văn chương, có thể trở thành nhà thơ lớn, có thể gặp được “anh” trong thơ của cháu, hãy giữ lấy, giữ lấy để gửi cho “anh”.
Thu bối rối, vội thanh minh:
- Xin lỗi, cháu không biết mình đã viết nhũng gì, cũng không biết tại sao lại bỏ những thứ đó vào túi chú, chắc cháu điên mất rồi.
Bác sĩ Thành nói:
- Cháu có tâm sự gì thì nói với cô Giang, cô là người từng trải, rất hiểu cháu, cũng sẽ giữ bí mật cho cháu.
Thu khẩn khoản:
- Xin chú đừng nói gì với cô, chắc chắn cô sẽ mắng cháu, chú cũng đừng nói gì với ai.
- Tôi không nói gì đâu, cháu đừng sợ, cháu không làm điều gì, chỉ viết mấy bài thơ, rồi nhờ một người không hiểu gì về thơ làm tham mưu. Về thơ, tôi khồng theerddua ra ý kiến gì, nhưng trong cuộc sống có gì khó khăn tôi có thể giúp.
Giọng nói của bác sĩ Thành rất dịu dàng, rất thành khẩn, Thu không biết vì mình tin tưởng ở anh hay là muốn thanh minh chỉ vì sùng bái anh mà không có ý gì khác. Thu nói chuyện Ba cho anh nghe, nhưng không nói chi tiết về cái đêm hôm ấy.
Bác sĩ Thành nghe xong, phỏng đoán:
- Có thể cậu ấy bị bệnh máu trắng, nếu không, thật sự khó giải thích tại sao cậu ấy lại lẩn tránh cháu. Cậu ấy nằm bệnh viện huyện cũng có thể vì bị cảm. Vì người bị bệnh máu trắng sức đề kháng rất kém, dễ bị các chứng bệnh thông thường. Hiện tại chưa có cách chữa bệnh máu trắng, chỉ có thể bị cảm trị cảm, bị trúng gió trị trúng gió, cố gắng kéo dài sự sống. Bệnh viện huyện không biết, có thể quân y viện kia đã phát hiện ra bệnh máu trắng của cậu ấy.
- Nhưng chú nói… quân y viện kia bảo anh ấy bị suy giảm tiểu cầu cơ mà?
- Nếu cậu ấy không muốn cho cháu biết, tất nhiên cậu ấy yêu cầu bác sĩ giữ bí mật. - Bác sĩ Thành nói thêm - Tôi cũng chỉ phỏng đoán, phỏng đoán chưa chắc đã chính xác. Nếu đúng như lời tôi nói, rất có thể như thế, vì cháu nói sẽ đi với cậu ấy, liệu cậu ấy còn lựa chọn nào khác? Không thể để cháu đi theo. Hơn nữa, để cháu thấy cậu ấy mỗi ngày một gầy, một tiều tụy, từng bước đi đến cái chết, liệu cậu ấy có thể chịu đựng nổi không? Nếu là cháu, cháu có muốn để cậu ấy thấy mình từng bước đi đến cái chết không?
- Theo ý chú… lúc này anh ấy ở tỉnh A… chờ chết sao?
- Bác sĩ Thành suy nghĩ giây lát rồi nói:
- Không hẳn, cậu ấy cũng có thể ở ngay thành phố này. Nếu là tô sẽ ở thành phố K, cuối cùng… được gần nhau hơn.
Thu khẩn thiết nói:
- Chú giúp cháu hỏi thăm các bệnh viện được không ạ?
- Tôi sẵn sàng, nhưng cháu phải bảo đảm không làm những chuyện ngu ngốc.
Thu vội bảo đảm:
- Vâng, cháu sẽ không, không… không… nói những điều ấy nữa.
- Không những không nói mà cũng không làm những chuyện đó. Cậu ấy lo lắng cho cháu, vô hình trung cháu làm gia tăng gánh nặng tư tưởng cho cậu ấy. Có thể cậu ấy đã chuẩn bị tư tưởng cho số mệnh, lặng lẽ dối diện với cái chết, nhưng cậu ấy nghĩ nếu cậu ấy đi và phải đem theo cháu đi, chắc chắn cậu ấy bực mình lắm.
Bác sĩ Thành kể cho Thu nghe về thân thế con trai lớn của anh. Con trai lớn của anh không phải là con đẻ, mà là con của một bệnh nhân. Bệnh nhân ấy chết, chồng của chị ta cũng tự tử theo, để lại một đứa con, bác sĩ Thành nhận nuôi, đưa từ thành phố J về thành phố K để mọi người không nói với đứa trẻ về chuyện bố mẹ nó chết thê thảm thế nào.
Bác sĩ Thành nói:
- Hàng ngày tôi làm việc trong bệnh viện, rất thường xuyên thấy người chết, thấy người nhà bệnh nhân đau đớn tuyệt vọng. Mấy năm gần đây trông thấy cảnh sinh li từ biệt, cảm nhận lớn nhất là cuộc sống của mỗi con người đều không thuộc về họ, không thể muốn thế nào được như thế. Nếu cháu đi với cậu ấy, mẹ cháu sẽ đau khổ biết chừng nào? Anh trai, em gái của cháu đau khổ biết chừng nào? Mọi người đều buồn, những điều đó không có lợi cho bất cứ ai, Trong khi cậu ấy đang sống chỉ có thêm gánh nặng tư tưởng, sau khi cậu ấy chết, chắc chắn cháu biết sẽ không tai sinh, cũng không có thể giới khác, cho dù hai người cùng chết cũng không thể đến với nhau. Cậu ấy nói đúng, cháu sống, cậu ấy sẽ không chết.
- Cháu chỉ sợ… anh ấy đã… chú giúp cháu hỏi thăm được không?
Bác sĩ Thành hỏi thăm các nơi cho Thu, nhưng không bệnh viện nào có bệnh nhân tên là Tôn Kiến Tân, kể cả quân y viện kia. Bác sĩ Thành nói:
- Tôi đã trổ hết tài, có thể tôi đã đoán nhầm, cậu ấy không ở K này.
Thu cũng trổ hết tài, điều duy nhất an ủi Thu là có thể bác sĩ Thành đã đoán nhầm, anh nói “nếu tôi nhầm”, nhưng Ba không phải bác sĩ Thành, cả hai khác nhau ở một điểm quan trọng, nhưng Thu không nói ra diểm quan trọng kia, cho nên có thể bác sĩ Thành đã nhầm.
Giữa tháng Tư năm 1976, Ngụy Linh đang học ở trường sư phạm khu đến tìm Thu, bảo có một chuyện quan trọng muốn bàn với Thu. Ngụy Linh từ nông thôn được gọi về trường sư phạm, cuối tuần nào cũng về nhà bố ở trường trung học sô Tám thành phố K, rất hay đến chơi với Thu.
Ngụy Linh vừa gặp thu đã nói:
- Tớ gặp tai họa rồi, chỉ có đằng ấy mới cứu được tớ.
Thu giật mình, hỏi có chuyện gì.
Ngụy Linh ấp úng:
- Tớ… có thể… mang thai, nhưng bạn trai tớ không cho cái ấy vào, làm sao có mang được?
Thu không hiểu:
- Cái gì không cho vào đâu?>
- Tất nhiên là cái sinh con, tinh dịch của đàn ông.
Thu không muốn hỏi tỉ mỉ chuyện ấy, giúp đỡ thì giúp đỡ, Thu không muốn vì giúp đỡ mà buộc Linh phải nói ra “quy trình gây án”, nhưng chi tiết ấy với Thu là vô cùng quan trọng. Không kiềm chế nổi, Thu hỏi:
- Cho cái sinh con vào đâu?
Linh nói:
- Ôi, đằng ấy chưa yêu, chưa làm những chuyện ấy, nói ra đằng ấy cũng không hiểu, tức là cho cái sinh con vào bên trong chỗ “bạn thân” của đằng ấy vẫn ra.
Linh bực mình:
- Anh ấy không cho vào trong, nhưng ở ngoài… chắc chắn có một ít lọt vào trong, nếu không thì tại sao tớ lại mang thai được? Đúng là tai vạ trên trời rơi xuống! Tớ rất hiểu, tớ chưa ở cùng phòng với bất cứ anh nào.
Thu tròn xoe mắt, cho cái bầy nhầy ấy vào đâu? Đến là buồn nôn. Thu nhớ lại một câu chuyện nghe thật sợ hãi, bảo có một người con gái phơi trái lót sát tường, bị một con nhện bám vào, người con gái kia mặc cái quần lót liền bị mang thai, đẻ ra một ổ nhện. Cho nên Thu không dám lộn trái quần lót để phơi, cũng không dám phơi quần lót ở những nơi sát tường hoặc những nơi có nhện. Nhưng trước đây Thu không hiểu tại sao nhện bò vào quần lót con gái lại có mang? Bây giờ Thu mới hiểu, là vì nhện để dính cái sinh con vào quần lót, con gái mặc vào, cái sinh con lọt vào trong ấy của con gái, cho nên mới có mang.
Bỗng Thu hiểu, đúng như Ba nói, không làm gì, vì anh không cho cái sinh con vào trong, chứng tỏ anh chưa “được”. Anh chưa “được” tức là mọi phỏng đoán trước đây của mình là sai. Nhất định anh bị bệnh máu trắng, anh sợ sau khi anh chết Thu sẽ đi theo, cho nên anh nói dối anh không bị bệnh máu trắng. Nhưng nếu anh còn ở huyện K, thu sẽ sớm biết anh bị bệnh máu trắng, cho nên anh trốn về tỉnh A. Anh làm như vậy có thể Thu hận anh, nhưng giữ được sinh mệnh Thu.
Nghĩ đến đây lòng Thu như dao cắt, không biết phải bằng cách nào để tìm thấy anh, cũng không biết đến lúc này anh còn sống hay không?
Lần Thu gặp Ba trong bệnh viện, Thu chuẩn bị làm tất cả mọi việc có thể làm trước khi chết, cho nên Thu rất dũng cảm cởi áo lông, cuối cùng còn tắt đèn.
Lần ấy Ba nói không dám đụng đến người Thu, sợ không chịu nổi phải làm chuyện vợ chồng. Thu bảo anh đừng sợ, bảo anh làm, không làm hai người sẽ chết không nhắm mắt. Sau đấy Ba nằm phủ lên người Thu, Thu cho rằng sự việc sau ấy là chuyện vợ chồng. Thu nhớ, đêm hôm ấy vì không hiểu biết và hiếu kỳ nói những chuyện không hay, nhất định làm Ba buồn, lúc này rất muốn cắt lưỡi mình. Đêm hôm ấy, hai người “bay” xong, anh dùng khăn lau cái lầy nhầy trên bụng Thu, Thu hỏi:
- Tại sao anh biết đấy không phải nước giải?
Hnh như anh rất khó xử, nói:
- Không phải.
- Nhưng nước giải cũng ở đấy ra à?
Thấy anh gật đầu thừa nhận, Thu truy hỏi:
- Anh biết lúc nào buồn đi giải, lúc nào không cơ mà? Anh có nhầm không?
Hình như anh không thể nói rõ, chỉ hàm hồ:
- Bản thân có cảm giác. Em đừng sợ, không phải… nước giải đâu.
Anh dậy, đổ ít nước nóng ra chậu, nhúng cái khăn mặt vào nước rồi vắt khô, giúp Thu lau tay, lau trên bụng, nói:
- Thế này yên tâm chưa?
Thu thanh minh:
- Em không nói anh bẩn, chỉ sợ cái lầy nhầy ấy thôi. - Suy nghĩ một lúc rồi Thu nói tiếp: - Lạ nhỉ, tại sao con trai dùng một cái để làm hai việc?