Chúng ta đã tìm hiểu cách tạo những cú hích khuyến khích thực hành tiết kiệm, giờ chúng ta sẽ tiếp tục khám phá phần quan trọng hơn cả: làm thế nào để đầu tư tiền bạc hiệu quả?
Giải quyết bài toán “Tiết kiệm bao nhiêu được gọi là đủ?” vốn đã khó, nhưng lựa chọn một danh mục đầu tư đúng còn khó hơn bội phần. Câu hỏi đầu tiên mà các nhà đầu tư phải đối mặt là: Rủi ro ở mức nào thì chấp nhận được? Nguyên tắc chung là những khoản đầu tư rủi ro cao như cổ phiếu sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn những khoản đầu tư an toàn hơn như trái phiếu chính phủ hay các khoản gửi tiết kiệm. Việc chọn tỉ lệ đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu (và các loại tài sản khác như bất động sản) được gọi là quyết định phân bổ vốn. Nếu nhà đầu tư muốn phân bổ nhiều tiền hơn vào những tài sản có độ rủi ro cao, họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng cũng có thể bị mất trắng. Những người chỉ thích đầu tư vào các thị trường tiền tệ an toàn với mức lãi suất “thấp mà chắc” có lẽ chỉ nên gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm để an hưởng tuổi già.
Nói chung, đầu tư vào đâu là một câu hỏi khó trả lời, nếu bạn muốn có một quyết định thực sự nghiêm túc và cẩn trọng. Nếu là Econ thì mọi chuyện rất dễ dàng. Nhưng là Con người thì chúng ta lại thường xuyên bối rối trước những quyết định trong lĩnh vực tài chính đầy cạm bẫy và rất phức tạp này. Chúng ta thực sự cần một kiến trúc lựa chọn đầu tư thật tốt bụng và khoan dung.
Kể cả khi bạn biết rất rõ tỉ suất lợi nhuận hấp dẫn của một vài cổ phiếu nào đó trong quá khứ, bạn sẽ dành bao nhiêu tiền đầu tư vào danh mục cổ phiếu của bạn?
Theo cách nói khó hiểu của kinh tế học, đối với các loại cổ phiếu được xem là vốn cổ phần thì khoản thu nhập chênh lệch giữa trái phiếu và vốn cổ phần được gọi là “phần bù rủi ro vốn cổ phần”. Trong khi trái phiếu được chính phủ bảo đảm ở một mức lãi suất không đổi, cổ phiếu lại có lãi suất biến động và vì thế chứa đựng nhiều rủi ro. Ví dụ, vào hôm 19/10/1987, các chỉ số cổ phiếu trên khắp thế giới đồng loạt giảm đến 20% chỉ trong vòng một ngày.
Thế các Econ sẽ quyết định danh mục đầu tư của họ như thế nào? Họ sẽ đầu tư bao nhiêu vào cổ phiếu? Econ sẽ tiến hành phân tích đánh giá thu nhập kỳ vọng cao nhất và rủi ro xấu nhất trong mối liên hệ với kế hoạch hưu bổng của mình. Chẳng hạn, họ có dám chấp nhận rủi ro mất 15% giá trị tài sản để đổi lấy khả năng làm tăng thêm 25% hay không? Chẳng cần phải nói, nếu chỉ đơn giản thế này thì Con người nào cũng quyết định được. Nhưng đáng buồn thay, chúng ta dường như hơi rụt rè và thường xuyên phạm hai sai lầm chết người. Sai lầm thứ nhất là chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động ngắn hạn; và thứ hai, các quyết định của chúng ta không thoát được quy luật chung (hay quy luật số đông). Hãy lần lượt xem xét các ví dụ minh họa cho từng sai lầm nói trên.
Bạn có nhớ trong Chương 1, chúng tôi nói rằng Con người là một sinh vật rất sợ bị mất mát. Mất một vật gì đó làm cho họ đau khổ gấp đôi so với niềm vui khi họ có được vật đó. Hãy xem hành vi của hai nhà đầu tư Vince và Rip sau đây. Vince là nhà môi giới chứng khoán. Vào một buổi sáng “đen đủi” nọ, Vince bị mất 5.000 đô-la vì những cổ phiếu anh đang sở hữu bổng sụt giá mạnh, nhưng vào cuối ngày, anh lại kiếm được 10.000 đô-la từ một số cổ phiếu khác. Vince cảm thấy thế nào? Rất căng thẳng và thất vọng! Thực ra, trong một ngày thì giá cả chứng khoán tăng giảm với tốc độ và quy mô gần như bằng nhau. Vì thế, nếu bạn cảm thấy đau đớn vì mất mát hơn là niềm vui khi gặt hái thành quả thì bạn đừng đầu tư vào cổ phiếu.
Còn Rip thì sao? Rip là con cháu của dòng dõi Van Winkle đầy kiêu hãnh. Trong một lần đi bác sĩ, Rip được bảo rằng anh sẽ phải rơi vào một giấc ngủ kéo dài 20 năm, đúng như lời nguyền mà dòng họ anh phải gánh chịu từ xưa tới nay. Vị bác sĩ cũng nhắc rằng anh nên gọi nhà môi giới chứng khoán của mình đến và nói cho anh ta biết anh muốn đầu tư tiền của mình vào đâu. Rip cảm thấy thế nào về chuyện này? Hết sức bình tĩnh! Trong một giai đoạn 20 năm, giá cả cổ phiếu chỉ có xu hướng tăng lên (và lịch sử đã chứng minh đúng như thế, chí ít là cho đến hôm nay). Thế là Rip gọi cho Vince bảo rằng hãy đem hết tiền của anh đầu tư vào cổ phiếu, rồi bình yên đi vào giấc ngủ thiên thần như một đứa trẻ.
Như Kenny Rogers khuyên trong bài hát nổi tiếng của ông, bài “Gã cờ bạc”: “Bạn đừng nên đếm tiền khi canh bạc còn chưa kết thúc!”. Nhiều nhà đầu tư không để ý đến lời khuyên này và đầu tư quá ít vào cổ phiếu, và đó có thể là một sai lầm. Một khi bạn suy nghĩ dài hạn, 15 hay 20 năm, có lẽ bạn sẽ dồn hết tiền của mình vào cổ phiếu.
Những năm 90, người ta đổ xô đi rút tiền hưu đầu tư vào chứng khoán. Cú hích nào đã thúc đẩy họ làm điều đó? Có lẽ do họ đã có hàng chục năm nghiên cứu các tạp chí kinh tế hay đầu tư tài chính và đúc kết được bài học rằng trong suốt thế kỷ qua, lợi nhuận từ cổ phiếu cao hơn nhiều so với trái phiếu, hay đại loại như thế. Cho nên họ quyết định chuyển hướng đầu tư vào cổ phiếu. Lý do thứ hai (và lý do này thuyết phục hơn) là họ tin rằng cổ phiếu chỉ tăng giá chứ không giảm, hoặc giả có giảm giá đi nữa thì chúng cũng sẽ lên lại nhanh thôi. Vì thế, không có lý do gì họ phải chần chừ.
Một cách để phân tích khả năng chọn đúng “điểm rơi” của nhà đầu tư là xem các quyết định phân bổ vốn trong danh mục đầu tư của họ thay đổi như thế nào theo thời gian. Vào năm 1992, tại một công ty lớn, có một nhóm nhân viên tham gia vào một quỹ tương hỗ của Vanguard với tỉ lệ phân bổ vốn là 58%. Đến năm 2000, họ nâng tỉ lệ này lên 74%. Tuy nhiên, hai năm sau, tỉ lệ đó quay về 54%. Thị trường ảm đạm, nhưng trước đó họ đã mua vào cổ phiếu với giá cao, và nay lại bán ra với giá thấp!
Ngay một nhà đầu tư khôn ngoan nhất đôi khi cũng cảm thấy chán nản khi phải quyết định đầu tư tiền bạc như thế nào cho tốt nhất, và họ thường quay về với quy tắc chung: quy tắc Ngón tay cái. Lấy ví dụ của nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, Harry Markowitz, một trong những người phát minh ra lý thuyết quản lý danh mục đầu tư hiện đại. Khi được hỏi: “Ông phân bổ vốn đầu tư của mình như thế nào?”, ông đáp: “Lẽ ra tôi phải tính hiệp phương sai hồi quy cho từng lớp tài sản và rút ra giới hạn hiệu dụng. Thay vào đó, tôi lại chia vốn của mình thành hai phần bằng nhau, rồi đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu”.
Chiến lược đầu tư của Markowitz có thể được xem là sự đa dạng hóa theo trực giác. “Khi nghi ngờ, hãy đa dạng hóa”. Đừng bao giờ đặt tất cả trứng vào một giỏ. Nói chung, đa dạng hóa là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng có sự khác biệt lớn giữa sự đa dạng hóa theo cảm tính và sự đầu tư chất phác. Một trường hợp đặc biệt của Quy tắc ngón tay cái có thể được gọi là phương pháp “1/n”. Tức là “khi đối diện với ‘n’ phương án thì hãy chia vốn đều cho từng phương án”. Có nghĩa là mỗi giỏ nên có một số trứng bằng nhau.
Trong một nghiên cứu vừa thực hiện, các nhân viên của một trường đại học nọ được hỏi họ sẽ đầu tư tiền hưu của mình như thế nào, nếu họ có hai quỹ để lựa chọn. Quỹ thứ nhất chỉ đầu tư vào cổ phiếu và quỹ thứ hai chỉ đầu tư vào trái phiếu. Hầu hết mọi người chọn 50/50 vào hai quỹ trên. Một nhóm khác được bảo rằng một quỹ đầu tư hoàn toàn vào cổ phiếu và quỹ còn lại đầu tư 50% vào cổ phiếu và 50% vào trái phiếu. Bạn có biết họ đã chọn như thế nào không? Họ vẫn chọn 50/50 chia đều cho hai quỹ trên, có nghĩa là thực chất họ đầu tư vào cổ phiếu phần lớn hơn, tức 75%. Rồi một nhóm khác nữa, nhóm thứ ba, được hỏi tương tự nếu có hai quỹ một toàn trái phiếu, một chia đều trái phiếu và cổ phiếu, họ sẽ chọn ra sao. Đến đây bạn biết câu trả lời rồi đấy!
Nhờ kiến trúc lựa chọn tốt hơn, các chương trình tiết kiệm có thể giúp những người tham gia trên nhiều phương diện khác nhau. Kiến trúc lựa chọn ngày càng trở nên quan trọng, vì các phương án lựa chọn trong một chương trình cũng tăng lên mạnh mẽ, nhưng cũng vì vậy mà người ta càng khó lựa chọn hơn.
Mặc định
Về mặt lịch sử, các chương trình tiết kiệm trước đây của các công ty ở Mỹ không có một lựa chọn mặc định nào. Người tham gia chỉ được trao cho một danh mục các phương án và hướng dẫn phân bổ tiền bạc tùy ý vào các quỹ đã được liệt kê. Nhưng đến khi phương pháp đăng ký tham gia tự động xuất hiện, các mặc định cũng xuất hiện theo. Người ta được trao cho những tỉ lệ phân bổ cho trước theo từng chương trình tiết kiệm. Theo truyền thống, các công ty chọn phương án đầu tư có tính bảo toàn vốn cao nhất làm mặc định, thường là một tài khoản trên thị trường tiền tệ.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng việc phân bổ 100% vốn đầu tư vào tài khoản thị trường tiền tệ là quá bảo thủ. Sự kết hợp giữa mức lợi nhuận thấp của các quỹ này (thường cao hơn mức lạm phát một chút) và mức lãi suất tiết kiệm thấp trong các tài khoản tiết kiệm của nhân viên chỉ đơn giản là một công thức làm cho họ nghèo đi khi đến tuổi hưu. Các công ty chọn phương án này không phải vì họ cho rằng đó là phương án thông minh, mà vì họ sợ bị kiện nếu thiết kế một lựa chọn định sẵn có mức lợi nhuận cao hơn, nhưng độ rủi ro lớn hơn. Sự e ngại của họ khi đó còn lớn hơn khi Bộ Lao động Hoa Kỳ chần chừ không ban hành quy định về vấn đề này. Chỉ đến khi những hướng dẫn được đưa ra thì sự trở ngại trong việc lựa chọn một quỹ đầu tư mặc định mới được thông suốt.
Thiết kế những lựa chọn phức tạp
Chương trình tiết kiệm hưu bổng 401(k) ở Mỹ là một ví dụ hoàn hảo về quy trình ra quyết định đầu tư phù hợp với nhu cầu của người tham gia ở các mức độ và lợi ích khác nhau. Chẳng hạn, những người mới tham gia chương trình được khuyên rằng nếu không muốn lập danh mục đầu tư riêng, họ có thể chọn một phương án đầu tư định sẵn, với sự trợ giúp của các chuyên gia. Đối với những người muốn tự mình quản lý một danh mục thực sự, họ được đề nghị một nhóm quỹ tương hỗ, vốn cho phép các nhà đầu tư khôn ngoan (hay những người tự cho rằng mình khôn ngoan), lựa chọn để đầu tư vào. Nhiều công ty Hoa Kỳ hiện đang áp dụng phương pháp này.
Lợi ích
Thật khó mà lập và quản lý một danh mục đầu tư trong thời gian dài. Hầu hết các công ty thường tổ chức một nhóm các chuyên viên nội bộ với sự trợ giúp của các nhà tư vấn bên ngoài để thực hiện nhiệm vụ này đối với các tài sản mà họ quản lý. Tuy nhiên, những người tham gia là cá nhân lại tự tiến hành nhờ tư vấn của đồng nghiệp, bạn bè hay người thân - những người có chút ít trực giác, nhưng không được huấn luyện đầy đủ về hoạt động đầu tư. Kết quả cuối cùng tương tự như kết quả chúng ta có thể kỳ vọng khi tự chúng ta cắt tóc cho mình: một đống hổ lốn. Hầu hết mọi người đều cần sự hỗ trợ và khi đó kiến trúc lựa chọn tốt cùng những cú hích được chọn lựa kỹ lưỡng mới có thể đi cùng với nhau.