Cọng Rêu Dưới Đáy Ao

Chương VI

Hoà bình lập lại. Tôi học ở trường cấp ba Nghi Lộc, cách nhà gần ba mươi kilômet. Chiều thứ Bảy cuốc bộ về. Chiều Chủ nhật mang gạo, khoai và thức ăn cuốc bộ đến trường.

Năm ấy mất mùa. Đói! Đói khủng khiếp! Cứ cuối buổi học là chúng tôi đói mờ mắt, rất khó tiếp thu bài giảng của thầy. Mười hai giờ trưa tan học chúng tôi còn phải rủ nhau ra đồng hái rau khoai. Hôm nào cũng hái đầy rổ. Bà con nông dân nhìn thấy, chúng tôi ngại quá phải lấy nón úp kín miệng rổ. Ba đứa ở trọ một nhà dân: Ngô Trực Nhã, Trương Viết Vinh và tôi. Chị chủ nhà cho mượn chiếc nồi to, bữa nào chúng tôi cũng bỏ đầy ắp rau khoai, một nắm gạo và một nhúm muối, vừa đun vừa quấy cho nát nhừ, rồi múc ăn. Buổi chiều có lúc sắp tắt nắng chúng tôi vào rừng thông hái củi. Đêm nào cũng thức đến gà gáy canh ba để học bài, làm bài. Đứa nào cũng say mê học. Vinh và Nhã giỏi toán. Tôi giỏi văn. Chúng tôi hướng dẫn nhau, truy bài nhau, đứa này đặt câu hỏi để đứa kia trả lời. Dư âm của cuộc kháng chiến còn vang dội trong tâm hồn lứa tuổi học trò. Đánh giặc xong, đất nước sẽ rất cần trí thức trong công cuộc xây dựng, cho nên phải ráng sức mà học.

Một buổi chiều, Vinh, Nhã và tôi đang hái củi trong rừng thì thằng con bà chủ nhà tìm vào tận nơi báo tin: anh Hiền đang chờ ở nhà! Anh Hiền à? Anh Hiền nào? Chẳng lẽ anh Hiền lại về đột ngột thế? Ba đứa chúng tôi vác ba bó củi co chân co cẳng chạy một mạch.Vừa tới đầu ngõ thì thấy anh đang đứng chờ. Sung sướng quá, tôi nhìn anh và hai gò má anh ướt đẫm. Bao nhiêu năm rồi, anh em mới gặp lại nhau. Không những tôi mừng mà thằng Vinh thằng Nhã và cả gia đình nhà chủ cũng mừng. Mọi người đứng quanh anh hỏi hết chuyện này sang chuyện khác. Anh biếu chị chủ nhà một cái áo chần bông màu gụ, anh chủ nhà một đôi giày vải, ba đứa chúng tôi ba cái “bút nguyên tử”. Chợt thấy trên đầu anh có đính huy hiệu Điện Biên Phủ, tôi hỏi:

“Ơ, anh cũng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ à?”

“Ừ”.

“Sao anh không viết thư về cho cha mẹ và em biết?”

“Viết thư về sợ mọi người lo”.

Hiểu tâm lý chúng tôi, anh gỡ chiếc huy hiệu trao cho tôi. Ba đứa chúng tôi và mọi người trong gia đình chị chủ nhà chụm đầu ngắm nghía một cách say mê.

Từ khi biết anh là chiến sĩ Điện Biên Phủ, ai cũng nhìn anh với con mắt kính nể. Mấy người hàng xóm cũng chạy sang hỏi thăm. Anh lục trong ba lô ra một cái ca-men trắng in hình cờ đỏ “Quyết chiến quyết thắng”, hình anh vệ quốc đoàn đang xông trận và dòng chữ màu đỏ “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Mọi người truyền tay nhau xem, nâng niu như cầm một bảo vật.

Anh dẫn tôi ra đường chơi, hai anh em ngồi trên cồn cỏ giữa cánh đồng. Anh nói anh đã làm xong nhiệm vụ đánh thực dân, bây giờ Đảng điều anh tham gia nhiệm vụ đánh phong kiến. Ngày mai anh phải vào Hà Tĩnh cải cách ruộng đất đợt năm. Giọng anh đầy hào hứng “Trận đánh này còn quyết liệt hơn đánh Pháp. Ta chỉ đánh thằng Pháp trong chín năm, nếu cộng thêm tám mươi năm nô lệ thì ta cũng chỉ đánh nó gần một trăm năm. Còn bọn phong kiến địa chủ bóc lột dân ta hàng ngàn năm rồi, đánh nó còn khó hơn đánh Pháp, chúng nó có nhiều mưu ma chước quỷ để chống lại ta. Cải cách ruộng đất là một cuộc cánh mạng long trời lở đất, cày xới đến tận tầng sâu của ý thức con người…” Nghe anh nói mà người tôi thỉnh thoảng lại rung lên một cảm giác kỳ lạ thấp thỏm chờ đợi, hy vọng…

Anh vào Hà Tĩnh còn tôi vẫn cam chịu gian khổ học hành. Mỗi Chủ nhật về nhà một lần, mỗi lần về tôi lại biết thêm một số tin tức làng xóm phát động cải cách ruộng đất. Đột ngột một chiều thứ bẩy tôi từ Nghi Lộc về nhà đã thấy anh Hiền. Tôi đang ngơ ngác nhìn anh thì anh nói: “Anh được về hẳn rồi, anh em không phải xa nhau nữa”.

Dần dà về sau tôi mới biết rõ tại sao anh về hẳn. Tham gia cải cách ruộng đất ở Đức Thọ anh thấy quy sai một gia đình lên địa chủ, một lần họp đội anh nêu ý kiến phản đối, đội không nghe. Anh tỏ thái độ bướng bỉnh, hàng ngày vẫn vào gia đình ấy chơi. Ông đội trưởng trình lên đoàn và đoàn quyết định giao trả anh về Bộ Quốc phòng. Anh lập tức xếp quần áo, mang ba lô chào bà con nông dân quay trở về Hà Nội, không thèm trình bày một câu nào với Đội, với đoàn cải cánh ruộng đất. Bộ Quốc Phòng bèn cho anh đi học đại học Nông nghiệp. Trong quan niệm của cán bộ ta hồi đó chỉ có hoạt động chính trị hoặc quân sự mới có thể tiến thân được. Bị gạt sang làm chuyên môn tức là không được cấp trên tin cậy nữa, cộng thêm bản chất di truyền của ông đồ Nghệ, anh mạnh dạn xin phục viên.

Biết anh về nhà hẳn tôi buồn và thương anh. Bà con trong làng bàn tán với nhau: “Công lao chín năm kháng chiến của ông Hiền đổ xuống sông”. Tôi chẳng biết nói gì thêm với anh. Mỗi Chủ nhật về nhà nhìn thấy anh tha thẩn ra sân lại vào nhà, tôi thương anh. Chẳng lẽ anh theo bác Chắt Kế chuẩn bị khởi nghĩa khi còn bóng tối, hăm hở tòng quân đánh Pháp, say mê lý tưởng, bây giờ tiêu tan hết? Thấy tôi bần thần, anh lựa lời an ủi: “Em thấy đấy, từ những năm đầu kháng chiến, tiếng tăm Tướng Đặng Văn Việt lừng lẫy khắp cả huyện, cả tỉnh, cả nước. Chỉ vì gia đình là địa chủ quan lại mà phải ra khỏi quân đội. Mấy người bạn của anh như anh Lộc, anh Thân, anh Hối cũng lần lượt bỏ về nhà. Vì sao? Anh chưa thể nói với em được. Có lẽ sau này em sẽ hiểu…”

Qua lời của anh tôi nhận ra một sự thực như thế. Lâu nay anh ta vẫn đồn Tướng Đặng Văn Việt “về vườn”, mà tại sao anh Lộc cũng về nhà làm thợ may, anh Thân về nhà làm ruộng. Nghe nói trong cải cách ruộng đất anh Thân làm đội trưởng, bỗng nhiên bị quy là Quốc dân Đảng, ngồi tù một thời gian rồi mang khăn gói lếch thếch về với vợ con. Anh Hối trong kháng chiến làm đại đội trưởng xông xáo trên chiến trường Thừa Thiên nay cũng về sống thui thủi ở Hà Nội. Tại sao nhỉ? Tại sao các anh đã một thời xông pha vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước mà nay bị đẩy ra ngoài rìa của cuộc đấu tranh ấy?...

Tôi tò mò xem cuốn sổ tay của anh chi chít ghi những dòng chữ trong mấy tháng đi cải cách ở Hà Tĩnh. Trang nào cũng khó đọc, ngoặc ra ngoặc vào, ghi ra cả ngoài lề, có chỗ dòng này ghi chồng lên dòng kia, có chỗ ghi rồi lại xoá mực nét bút đè lên rách cả giấy… Tôi cố cầm từng tờ soi ra ánh sáng đọc loáng thoáng được một số câu: “Ông Thìn làm giáo học mà cũng địa chủ, bà Mến biết cái cóc gì mà cũng thường vụ Quốc dân Đảng, địa chủ cả nút thế này thì lấy ai làm nông dân… Chúng nó kích bà con nông dân tố nhau lộn nhào lộn nhút…” Cuối cuốn sổ anh ghi mấy dòng rất dễ đọc: “Nợ máu xương với đời, mình đã trả xong. Thôi thì về nhà vui thú điền viên. Không làm được cây đại thụ chống chọi cùng phong ba thì xin làm cọng rêu dưới đáy ao để được yên thân”. Có lẽ thấy mấy ông công an xã thường hay ra vào cho nên anh đốt cuốn sổ, còn chiếc ca “chiến sĩ Điện Biên Phủ” và chiếc huy hiệu Điện Biên Phủ anh bọc giấy cẩn thận cất vào tủ chè. Một tấm ảnh chụp với đồng đội bên dòng suối Việt Bắc anh lồng vào khung kính treo lên tường.