Cọng Rêu Dưới Đáy Ao

Chương III

Mỗi lần về nhà, anh cột ngựa ở góc vườn đầu ngõ. Lũ trẻ trong xóm gọi nhau chạy sang: “Ngựa chú Hiền đã về! Ngựa chú Hiền đã về!” Lũ trẻ mê mải xem ngựa. Còn anh thì thủng thẳng đi vào nhà, đầu đội mũ chào mào may bằng vải nâu, mặc bộ quần áo tây cũng bằng vải nâu. Áo có cầu vai và hai túi trước ngực có nắp. Vai mang túi dết. Chân thường đi giày, thỉnh thoảng đi ủng. Lúc đi ủng trông anh có vẻ oai hơn. Hai ống quần nhét vào ủng, dáng bệ vệ.

Tôi sung sướng chạy ra ngõ đón. Anh nhìn vào mắt tôi, cười, chẳng nói gì. Anh rất ít nói. Tôi cầm tay anh, hai anh em đi vào nhà. Tôi vội vàng múc nước chè xanh mời anh uống. Mấy đứa nhỏ hàng xóm chạy sang chào “chú Hiền”, tôi cảm thấy hãnh diện.

Trong túi dết của anh lúc nào cũng có cuốn “Sửa đổi lối làm việc” của X Y Z, cuốn “ Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Trường Chinh và ba cuốn tạp chí “Tìm hiểu” - Cơ quan ngôn luận của chi hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác Liên khu IV. Hồi đó tôi rất mê đọc, đem sách ra ngồi đầu hồi nhà đọc ngấu nghiến.Tôi nhớ mãi tên những tác giả viết bài trong tạp chí “Tìm hiểu”: Hải Triều, Hải Thanh, Vĩnh Mai… Tôi tò mò hỏi: “Anh đã bao giờ được gặp những ông này chưa?” Tôi chiêm ngưỡng những tên tuổi ấy và khao khát có dịp được nhìn mặt thì thích biết bao.

Có một lần nhà vắng người, anh rút trong người ra một cuốn sổ to bằng bàn tay, dày chừng một trăm trang, rồi bảo tôi ngồi ngay ngắn trên ghế đẩu, đưa cuốn sổ cho tôi xem. Anh không cho tôi sờ tay vào, mà tự tay anh giở từng trang. Tôi hồi hộp dán mắt vào: Chà, thích quá, toàn ảnh, trang nào cũng dán vài tấm ảnh. Những tấm ảnh thiêng liêng: Các Mác, Ăng- ghen, Lê-nin, Mao Trạch Đông, Sta-lin, Ăng-ve Hốt-gia, Lâm Bưu, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Gốt-van, Ti-tô, Vô-rô-si-lốp, Đi-mi-tơ-rốp, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt… Nhiều ảnh Bác Hồ: Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ bế em bé, Bác Hồ ngồi đặt tay lên trán…

Mỗi lần anh về, cuốn sổ lại dán thêm vài tấm ảnh. Lãnh tụ mười hai nước xã hội chủ nghĩa đều được anh sưu tầm đầy đủ. Dĩ nhiên là tôi chỉ được chiêm ngưỡng các bậc vĩ nhân ấy qua ảnh. Duy có một tấm ảnh trong cuốn sổ ấy mà tôi đã từng gặp người thật nhiều lần: đó là ảnh bác Chắt Kế. Gương mặt bác khôi ngô: trán rộng và vuông, tóc hoa râm chải ngược, mắt đeo kính trắng. Tên thật của bác là Võ Nguyên Hiến, người làng tôi, tham gia hoạt động cách mạng từ thời Thanh niên cách mạng đồng chí hội, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương trong Đại hội Đảng lần thứ nhất ở Ma Cao… Nhìn ảnh bác được dán chung trong sổ cùng với các vị lãnh tụ cộng sản, người tôi cứ rân rân tự hào.

Anh chỉ tôi xem sổ ảnh lúc anh ngồi bên cạnh tôi và tự tay anh giỏ từng trang. Anh không cho tôi cầm sổ và không cho tôi sờ tay lên ảnh. Lúc nào đi thăm bà con trong làng, anh bỏ sổ ảnh vào túi dết và treo lên cột.

Có lần anh vắng nhà, tôi rủ thằng Bá vào chơi. Chúng tôi đóng kín cửa, cùng xem ảnh qua khe hở của cánh cửa đầu hồi. Lúc anh về đến ngõ, tôi luống cuống bỏ cuốn sổ vào túi dết và mở toang cửa rồi chạy đi chơi. Anh không hề biết gì. Nhưng một lát sau, anh gọi chúng tôi về. Bá và tôi lo sợ: chắc là anh biết chúng tôi lấy trộm ảnh ra xem! Anh nghiêm nét mặt, bảo hai đứa chúng tôi ngồi xếp bằng trên nền nhà, đặt chiếc bị cói trước mặt và bảo chúng tôi thò tay vào:

“Có cái gì trong đó, lấy ra!”

Thằng Bá cầm được cuốn sổ ảnh, mặt tái mét. Còn tôi được hai quả ổi, thích quá, vừa chạy ra khỏi cửa vừa reo. Thấy tôi chạy, thằng Bá nhấp nhổm muốn đứng dậy, nhưng hắn sợ, không dám đứng lên. Anh gọi tôi vào, bắt ngồi nguyên vị trí cũ:

“Nhiệm vụ của hai đồng chí là phải ăn hết hai quả ổi, chứ không được tự tiện lấy sổ ảnh ra xem. Khi bỏ vào túi tôi để sổ ở phía trong sao hai đồng chí lại để sổ ra phía ngoài, nếu tôi bắt được lần thứ hai tôi sẽ phạt hai đồng chí hai ngày lao động giữa nắng nhớ chưa?” Nghe giọng nói nửa đùa nửa thật của anh chúng tôi hoàn toàn thoát khỏi nỗi lo sợ. Tôi đưa cho Bá một quả ổi và chạy rất nhanh ra sân.

Một lần khác anh lên núi Hai Vai để xem địa hình bố trí tập trận giả, đoán là anh sẽ đi hết buổi, tôi bảo Bá đứng canh ngoài ngõ, còn tôi giở sổ ảnh vẽ theo ảnh Sta-lin lên một tờ giấy to bằng bút chì màu, tôi hí hoáy vẽ, say mê vẽ từ sáng cho đến trưa thì xong bức ảnh, gọi Bá vào xem. Hai đứa đứng ngắm, rồi sửa, rồi ngắm. Tôi chú ý vẽ bộ râu của Sta-lin thật đẹp, thật oai hùng, sau khi sửa chữa hoàn chỉnh tôi nắn nót đề dưới tấm ảnh dòng chữ “Đại nguyên soái Sta-lin muôn năm”… Bất chợt anh Hiền về, thấy bức ảnh Sta-lin treo trên cột nhà anh hỏi:

“Đứa nào vẽ?”

Tôi trả lời ngay:

“Em vẽ”.

“Em nhìn ảnh nào mà vẽ?”

“Em tưởng tượng…”

Anh chẳng nói gì, lăng lặng rút cuốn sổ trong túi dết, mở ảnh Sta-lin trong sổ đối chiếu với tấm ảnh tôi vẽ. Anh có vẻ hài lòng gật đầu:

“Giống đấy nhưng phải tô lông mày nhíu lên thì mới thể hiện được đức tính cương nghị phi thường của Đại nguyên soái…”

Tôi thấy nhẹ tênh cả người, không những anh không quát mắng mà còn khen, lại góp ý cho tôi vẽ đẹp hơn. Từ hôm ấy mỗi lần về nhà anh lại đưa cuốn sổ ảnh cho tôi: “Em vẽ đi. Nhưng không được sờ lên ảnh”. Tôi hì hục vẽ xong vị lãnh tụ này lại vẽ vị lãnh tụ khác, có ảnh thì vẽ bằng bút chì màu, có ảnh thì vẽ bằng mực nho.

Từ cuốn sổ của anh Hiền tôi đã vẽ ra hàng chục tấm ảnh treo khắp nhà. Bà con trong làng, không những trẻ con mà còn cả người lớn thường đến nhà tôi xem ảnh chỉ trỏ ảnh này, ảnh kia tranh nhau bình luận:

“Bộ râu Đại nguyên soái Sta-lin đẹp quá!”

“Trán Mao chủ tịch trông rất thông minh, như trán một ông thánh.”

Nhiều người nhờ tôi vẽ để đem về treo tại nhà mình, Uỷ ban xã cũng bảo tôi vẽ ảnh Bác Hồ, Bác Mao và Sta-lin để dùng trong những cuộc hội họp. Bác Niêm phụ trách phòng thông tin thôn cũng bảo tôi vẽ mười hai ảnh lãnh tụ của mười hai nước xã hội chủ nghĩa để treo trong phòng.Tôi mê mải vẽ ngày vẽ đêm, nhiều buổi trưa mùa hè nắng chói chang trèo lên chòi gác phòng không nằm vẽ chồm hỗm, mồ hôi nhễ nhại.