Gần tới tiết Trung Nguyên, cả thủ phủ Dinh Cát sinh hoạt rộn rịp hẳn lên. Từ khi chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) vào gây dựng cơ nghiệp ở xứ Đàng Trong, Dinh Cát là nơi chúa chọn làm thủ phủ lần thứ ba sau hai địa điểm khác là Ái Tử và Trà Bát. Dân chúng ở đây phần nhiều là con cháu các vị quan lại hoặc lính tráng theo chân chúa lần đầu tiên vào Nam. Phần còn lại là những người đã đến lâu đời, có thể từ khi nhà Trần mới nhận đất của nước Chiêm Thành dưới triều vua Trần Anh Tôn. Các sắc dân thiểu số cũng có nhiều nhưng họ chỉ ở vòng ngoài khá xa thủ phủ. Dinh Cát được thiết lập trên bờ sông Thạch Hãn nên việc giao lưu cũng khá thuận tiện. Thương thuyền ngoại quốc vẫn ra vào tấp nập, nhiều nhất là thuyền của người Hoa, người Nhật. Đặc biệt lúc này ở các cửa hàng người Hoa có bày bán nhiều thứ lồng đèn màu sắc sặc sỡ, mang hình con cá, hình chiếc thuyền... và rất nhiều tranh vẽ về sự tích ngài Mục Kiền Liên trông rất thích mắt. Đó là những thứ rất thu hút trẻ con. Chúng kéo từng đàn từng lũ đi xem phố ngày này qua ngày khác mà không biết chán. Nhiều đứa đi xem về nằng nặc đòi cha mẹ chúng mua cho được mới nghe. Trong dân chúng nhiều nhà cũng làm lồng đèn, thuyền giấy, hoa giấy... Mọi người đều sẵn sàng chờ đón một cái tết Trung Nguyên, một lễ Vu Lan như ý.
Một hôm, phó tướng phò mã Nguyễn Hữu Vinh sau khi vào phủ chúa về, ông vui vẻ thưa với Mạc mẫu:
- Thưa mẹ, con được chúa cho nghỉ phép một thời gian. Con định đến tiết Trung Nguyên này sẽ đưa cả nhà mình đi chùa Thiên Mụ và điện Hòn Chén một chuyến theo mong ước của mẹ. Vậy ý mẹ muốn tổ chức ra sao thì nói để con định liệu.
Mạc mẫu nghe con nói lộ vẻ sung sướng:
- Ừ, có thế chứ! Ít nhất đời mẹ cũng được chiêm bái ở cái chùa do chúa Tiên ta tạo dựng một lần chứ! Mẹ nghe nói chùa Thiên Mụ và điện Hòn Chén linh lắm, mẹ sẽ hết lòng cầu khấn ở hai nơi ấy, chuyến đi này vợ con hi vọng có tin lành lắm đó.
Mạc mẫu vừa nói vừa cười vẻ mặt rạng rỡ hẳn lên. Thấy vẻ mặt vui tươi của mẹ, Hữu Vinh cũng cảm thấy sung sướng lây. Lâu nay Hữu Vinh chưa lần nào thấy mẹ vui đến thế. Hữu Vinh cưới vợ đã ba năm mà vẫn chưa có tin mừng đã làm bà rất lo lắng. Bà thường thúc giục vợ chồng Hữu Vinh phải đi đến các chùa lớn, đền thiêng để dâng hương cầu tự. Đã mấy lần chính bà dẫn đôi vợ chồng này đến dâng hương cầu nguyện ở những chùa gần thủ phủ nhưng không thấy kết quả. Thế là bà chỉ còn đặt hi vọng ở chùa Thiên Mụ và điện Hòn Chén. Cả hai nơi đều nổi tiếng về phong cảnh hữu tình và thiên hạ vẫn đồn đại là rất linh ứng. Ngặt nỗi đường sá quá xa mà Hữu Vinh lại không mấy khi rảnh rỗi. Giờ đây nghe con cho biết sắp được đi, bà không vui sao được!
- Nhưng quá xa như vậy, con tính đi lại như thế nào?
Hữu Vinh thưa:
- Từ Dinh Cát tới chùa Thiên Mụ đi đường bộ phải trải qua khoảng một trăm sáu chục dặm. Đường đi không được bằng phẳng lại phải qua nhiều khe suối, rừng cây nên dùng xe ngựa cũng không tiện. Do đó con nghĩ mình nên đi bằng thuyền vừa thơ mộng vừa đỡ mệt. Lộ trình chuyến đi sẽ xuất phát từ bến đò Dinh Cát, xuôi dòng Thạch Hãn để ra cửa Việt. Sau đó men theo bờ biển tiến về phía Nam. Khi đến cửa sông Kim Trà tức cửa Thuận An, ta cho thuyền vào sông rồi cứ ngược dòng mà tiến sẽ tới nơi thôi.
- Con có định rủ thêm người nào cùng đi cho vui hay chỉ có gia đình mình?
- Mẹ có muốn cho ai đi thêm không? Theo con, để cho hai em Đình Huy, Đình Vụ đi với mình là đủ. Tất cả là năm người. Thêm mấy người hầu và một tốp lính để chúng chèo thuyền. Thế là vừa phải không mẹ?
Đình Huy và Đình Vụ là con của ông Trần Cửu Lang, người em trai của Mạc mẫu, đã quá cố. Đình Huy đã hai mươi tuổi, là một nho sinh nhưng vóc dạc cao lớn, tuấn tú khác thường. Còn Đình Vụ là một cậu bé đầu còn để vá, mới lên mười hai.
Mạc mẫu lại cười:
- Con tính vậy cũng phải. Nhưng mẹ muốn thêm một ý con xem có được không nhé! Cái thằng Đình Huy đã hai chục tuổi rồi mà không biết lo lắng gì đến chuyện lập gia đình. Mẹ thúc giục nhiều lần mà nó cứ làm lơ. Dòng bên mẹ mọn mảy chỉ còn anh em nó thôi nên mẹ cũng lo. Có thể nó còn đợi chọn được người vừa ý mà cũng có thể nó nhát gái. Vậy con hãy xem trong số bạn bè, quen biết nhà nào kha khá có con gái coi được mắt, mời người ta cùng đi chơi cho nó có dịp làm quen.
Hữu Vinh cười:
- Thế thì cần tìm đâu xa xôi cho mệt. Để con bảo vợ con về phủ xin với chúa cho mấy cô em gái cùng đi chơi, chú ấy sẽ tha hồ mà lựa. Tài năng như em Đình Huy cũng hiếm hoi lắm, làm phò mã cũng xứng đấy chứ!
Mạc mẫu cười sung sướng:
- Ừ, con biết lo giùm mẹ như thế thì tốt lắm. Mối ấy mà thành thì con tha hồ mà uống rượu. Đã thân lại càng thân. Con nói vợ con về xin với chúa và vương phi thử xem sao nhé!
°
Công nữ Ngọc Liên về thăm gia đình gặp lúc chúa Sãi bận đi kinh lý ở các huyện phía Bắc chưa về. Buổi tối đó, Ngọc Liên cùng mẹ và mấy cô em gái vui vẻ ngồi quanh mâm cháo gà nói chuyện. Vương phi hỏi:
- Mạc mẫu khỏe mạnh chứ? Con về thăm chơi hay có chuyện chi?
Ngọc Liên nói:
- Dạ, nhạc mẫu con vẫn khỏe. Vào dịp Vu Lan tới, gia đình con đi chơi ở chùa Thiên Mụ và điện Hòn Chén đấy mẹ ạ.
Vương phi ngạc nhiên:
- Trời đất! Đi chơi gì xa lắm vậy?
Ngọc Liên cười:
- Dạ, nhạc mẫu con muốn chúng con có dịp cầu xin trời phật thánh thần ban phước sớm có con nối dòng. Vậy chớ mấy cậu đi đâu vắng cả mẹ?
Vương phi nói:
- Theo cha con đi kinh lý các nơi, đi đâu cha con cũng dắt chúng theo cả. Ý cha con muốn cho chúng vừa đi cho biết đó biết đây vừa học việc mà!
Ngọc Liên nói:
- Mấy anh mấy cậu quen đi xa sớm, người thành ra lịch lãm, sau này đến sống chỗ nào cũng được. Lũ con gái tụi con cứ bó chân trong nhà thật thiệt thòi! Hay là mẹ cho ba chị em Ngọc Vạn đi chơi cùng chúng con một chuyến được không?
Ngọc Khoa hớn hở nói theo:
- Phải rồi mẹ, cho chúng con đi chơi với chị Ngọc Liên một chuyến nhé! "Đi cho biết đó biết đây, Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn" mà mẹ!
Ngọc Vạn tiếp lời:
- Phải đấy mẹ ạ. Mẹ biết không? Chùa Thiên Mụ là do ông nội mình cho xây dựng đó! Con cháu tới viếng cái chùa do chính ông bà mình tạo lập thì còn gì thú vị hơn nữa! Cho chúng con đi chơi một chuyến mẹ nhé!
Vương phi cười mắng yêu Ngọc Vạn:
- Con thì chuyện gì cũng biết hết. Con gái đi chơi xa đâu có tiện!
Rồi bà quay sang Ngọc Liên:
- Thế chồng con định đưa gia đình đi bằng phương tiện gì?
- Dạ, bằng đường thủy.
Vương phi nói:
- Đó, tụi con liệu chịu sóng chịu gió có nổi không? Đâu phải muốn đi là đi được!
Ngọc Vạn nói:
- Mẹ cứ lo xa! Sao tụi con lại chịu không nổi chứ? Ngày trước bao nhiêu gia đình từ Bắc, từ Thanh Hoa vô đây bằng thuyền còn được nữa huống chi ở đây mình chỉ đi biển một đoạn từ cửa Việt đến cửa Thuận An nào đáng kể gì?
Các công nữ cứ nằn nì mãi, sau cùng vương phi nói:
- Thôi được, đợi cha về mẹ nói thử xem sao, cho đi hay không là tùy ý cha!
°
Nghe chúa Sãi đã cho phép các công nữ cùng đi chơi với gia đình mình, Mạc mẫu mừng lắm. Bà lại bàn với Hữu Vinh:
- Này con, chuyến đi chơi này nhằm tiết Trung Nguyên, lại có các công nữ đi theo nữa, con có nghĩ là nên làm sao cho có vẻ sang trọng một chút được không? Thỉnh thoảng mẹ vẫn thấy người ta kết thuyền hoa đẹp lắm, nếu mình làm được vậy thì hay biết mấy!
Hữu Vinh nhìn mẹ cười:
- Mẹ muốn mua chuộc lòng cô cháu dâu tương lai lắm nhỉ? Thuyền hoa thì chỉ đi trên sông thôi mà mình thì phải qua đường biển cả một quãng dài thuyền hoa làm sao mà chịu nổi? Nhưng cũng được, con sẽ thử gắng chiều ý mẹ xem sao.
Mạc mẫu cười hớn hở:
- Con định làm thế nào?
Hữu Vinh thưa:
- Mình không chơi thuyền hoa trên sông Thạch Hãn mà lại chơi trên sông Kim Trà. Con có người bạn là Lê Dư hiện làm cai đội đóng ở Hương Phố. Con sẽ nhờ ông ấy sửa soạn giúp mấy chiếc thuyền hoa để sẵn đó. Từ Dinh Cát ta sẽ đi bằng thuyền nhà, đến Hương Phố thì sẽ đổi qua thuyền hoa để đi chùa Thiên Mụ và điện Hòn Chén, như vậy mẹ có thích không? Một điều khá thuận lợi nữa là ở Hương Phố cũng có một cái chợ rất lớn, ta có thể ghé ở đó mua các loại chim cá rùa ếch còn sống để phóng sinh như mẹ vẫn làm hằng năm đó. Mẹ thích không?
- Ừ, vậy mới đẹp mặt chứ! Như thế ta khỏi cần mua trước các thứ chim cá sống ở Dinh Cát, mua sớm quá sợ chúng có thể chết trước khi được phóng sinh khiến mình thêm mang tội lỗi. Làm sao nhắm đúng ngày rằm thì phóng sinh là tốt nhất.
Hữu Vinh lại dặn mẹ:
- Con sẽ gắng làm theo đúng ý mẹ. Nhưng mẹ đừng nói với ai chuyện con sẽ nhờ người ta làm thuyền hoa gì cả nhé, chỉ báo là mình sẽ ghé lại Hương Phố để mua thêm trái cây và chim cá sống để phóng sinh là đủ. Con muốn dành cho mọi người một sự ngạc nhiên hào hứng khi giữa lộ trình mình chuyển sang thuyền hoa!
Mạc mẫu lại cười sung sướng:
- Thế thì còn gì bằng! Con làm được như thế thì mẹ vui lắm.
°
Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa lớn của hạt Thuận Hóa bấy giờ, nằm trên tả ngạn sông Kim Trà (sau này đổi tên là sông Hương). Chùa này không rõ ai đã lập ra có lẽ từ trước khi họ Mạc cướp ngôi nhà Lê. Ban đầu chỉ là một ngôi nhà tranh đơn sơ, cũng chẳng ai nhớ rõ tên chùa là gì. Tương truyền sau này nhân dịp đi kinh lý ngang qua đó, chúa Tiên bèn ghé vào viếng chùa lễ Phật. Gặp ngày trời nắng gắt quá, người hầu sửa soạn một chỗ nằm dưới một tàng cây gần chùa cho chúa nghỉ trưa luôn thể. Chúa đang nằm thiu thỉu bỗng thấy một bà già mặc áo đỏ tiên phong đạo cốt bước đến trước mặt ngài. Chúa lật đật ngồi dậy hỏi:
- Bà ở đâu đến gặp ta có việc gì?
Bà già áo đỏ nói:
- Ta là người của nhà trời. Ta đến đây để chúc mừng chúa công dựng nên nghiệp lớn và cũng có vài điều khuyên ngài. Thứ nhất, muốn cơ nghiệp được bền vững lâu dài, ngài nên dời thủ phủ về gần đây vì vùng đất này vượng khí sung mãn. Thứ hai là ngài nên đặc biệt chú trọng rèn luyện và sử dụng tài năng của những trang nữ kiệt, họ có thể giúp ngài thoát qua những cơn nguy biến ngặt nghèo, họ rất hữu dụng trên tiền trình của ngài.
Nghe đến đây thì chúa chợt tỉnh giấc. Chúa ngồi im lặng suy nghĩ. Lời bà già áo đỏ trong mộng nói quả đã chứng nghiệm: Chúa đã hai lần gặp nguy biến trầm trọng và đều hóa giải được nhờ những người đàn bà. Mặt khác, trước mắt chúa, các vùng đất như Kim Long, Phú Xuân trên bờ sông Kim Trà đều có vẻ khởi sắc hơn vùng Dinh Cát trên bờ sông Thạch Hãn. Thế là chúa cho lời bà người nhà trời nói đáng tin lắm. Từ đó, chúa có ý định dời thủ phủ về trên bờ sông Kim Trà. Mặt khác, chúa cho xây dựng lại ngôi chùa mà chúa được giấc mộng lành thành to lớn hơn nhiều và đặt tên là chùa Thiên Mụ (bà người nhà trời) để đánh dấu việc này. Chùa đã được tái thiết trải gần hai mươi năm, dân chúng nhiều nơi vẫn hay về đây chiêm bái Phật và nghe thuyết pháp.
Còn Điện Hòn Chén là một ngôi am dựng bên cái trũng trông như cái chén, trên một cồn đất nhỏ sát bờ sông Kim Trà. Đây là một nơi thờ cúng có vẻ kỳ bí, cũng là một thắng cảnh, tương truyền đó là nơi thờ Nữ Thần Rắn (Po Nagar) của người Chàm, sau này người Việt theo Tiên Thiên Thánh giáo tiếp tục thờ vị này với danh xưng Thánh Mẫu Thiên Y ana. Vị Thánh Mẫu này vẫn hay nhập đồng để ra thông điệp, chỉ bảo cho khách trần biết được chuyện cõi u minh mà làm lành tránh dữ. Vào những ngày rằm, mồng một, dân chúng các nơi cũng kéo về đây dâng lễ, cầu phước rất đông.
Từ chùa Thiên Mụ ngược dòng Kim Trà lên điện Hòn Chén không bao xa, đi thuyền rất thuận tiện.
Tổ chức cuộc đi chơi này khá vất vả và tốn kém. Đối với phó tướng Nguyễn Hữu Vinh, việc cầu tự không phải là chính vì vợ chồng ông đều còn quá trẻ và đầy lòng tự tin. Nhưng Hữu Vinh sốt sắng trong công việc này vì muốn làm vui lòng mẹ mình.
Gần cả tháng, Mạc mẫu và vợ chồng Hữu Vinh đều ăn chay niệm Phật. Sau đó, Hữu Vinh cho chuẩn bị ba chiếc thuyền lớn có mui, lo chu đáo thức ăn chỗ nghỉ cho mọi người và lựa sẵn hai chục người lính để vừa giữ an ninh vừa làm tay chèo.
Các công nữ Ngọc Vạn, Ngọc Khoa và Ngọc Đỉnh cũng bắt chước ăn chay. Họ vô cùng sung sướng để chuẩn bị một chuyến đi chơi xa.
Đoàn thuyền sẽ khởi hành từ bến đò Dinh Cát vào chiều mười hai tháng bảy.