Con Trai Kẻ Khủng Bố

Chương 8: Tháng Tư Năm 1996 Memphis, Tennessee

Tôi đã thoát khỏi sự ảnh hưởng của cha, việc tôi phải chịu đựng nền giáo dục chìm trong bạo lực, sự tàn phá và vô nghĩa của nó, vẫn chưa biến mất, nhờ có ngôi trường mới khủng khiếp và người cha dượng tàn bạo sắp xuất hiện trong cuộc đời tôi. Là một đứa trẻ mới mười ba tuổi, tôi sẽ không giả vờ rằng tôi đã bị ám ảnh bởi những bài giảng của Martin Luther King, Jr. , người cho rằng kẻ thù của tôi cũng phải chịu đựng đau đớn khổ sở, rằng sự trả thù là biện pháp không dẫn tới đâu, rằng nỗi đau sẽ giải thoát và thay đổi con người tôi. Không, tôi đơn giản chỉ là ghét việc mình bị đánh. Việc đó khiến tôi tức giận và chất chứa hận thù, và lần nào tôi cũng phải vật lộn đấu tranh với những cảm giác ấy. Song mọi thứ mà tôi trải qua đều góp phần tạo ra cái ngày mà tôi hiểu rằng, phi bạo lực là cách hành động tỉnh táo, nhân văn duy nhất đối với những xung đột cho dù đó là bạo lực xảy ra trên những dãy hành lang trường học hay là ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này.

Ngôi trường mới của tôi là Queensridge Junior-Senior. Tôi là một trong những đứa trẻ “da trắng” duy nhất ở trường. Cả đời tôi là một đứa bé bị cô lập. Trong mắt những nhóm người da màu, tôi kỳ dị bởi tôi mang màu da trắng. Song những người da trắng khác không chấp nhận chung đụng tầng lớp với tôi. Và tôi cũng không phải là người miền nam, vì thế những kẻ bắt nạt có lý do của chúng để đánh đập tôi. Chỉ có duy nhất một giáo viên cố gắng bảo vệ tôi. Những người còn lại chẳng làm gì hơn là cổ vũ những kẻ bắt nạt. Khi mẹ tôi báo cảnh sát tố cáo một vụ tấn công bạo lực đặc biệt, họ thậm chí còn từ chối làm báo cáo. Trường học thực sự là một cơn ác mộng. Bọn học sinh chuyền tay nhau những viên thuốc phiện trên hành lang. Ở đó có những lũ côn đồ bạo lực. Một ngày, trong suốt tiết học các môn xã hội, khi giáo viên bỏ ra ngoài thì hai học sinh bắt đầu quan hệ ngay sau lớp học.

Giữa tất cả những đống lộn xộn này, cha tôi từ nhà tù gọi về, nghe có vẻ giận dữ và bối rối. Ông vội vã hỏi han qua loa ba anh chị em chúng tôi, rồi bảo tôi để mẹ nghe điện thoại. Họ không hề nói chuyện với nhau kể từ khi ly hôn. Khi tôi chuyển điện thoại cho mẹ, bà chần chừ không nhận. Tôi không biết phải làm sao. Tôi bày ra vẻ mặt cầu xin và lắc điện thoại: Cầm lấy đi mẹ. Làm ơn, chỉ cần nhận cuộc gọi này? Cuối cùng, bà cũng mủi lòng. Vì tôi.

Mẹ tôi thậm chí không thể thốt ra một từ trước khi cha tôi đề cập với bà kế hoạch ra khỏi nhà tù. Cha tiết lộ với mẹ rằng sẽ có một viên chức ngoại giao quan trọng người Pakistan đến thăm Washington. Mẹ tôi phải liên lạc với ông ta. Bà phải thuyết phục ông ta dùng một tên tù nhân Israel đổi lấy cha tôi.

“Một vụ trao đổi tù nhân - đó là hi vọng duy nhất,” cha tôi nói. “Em phải làm việc này và em không được phép thất bại như trước đây.”

Mẹ tôi im lặng.

“Sayyid,” cuối cùng bà cũng lên tiếng. “Em không còn là vợ anh nữa - và em chắc chắn không phải là thư ký của anh.”

Vài phút sau, tôi vẫn ngồi chết lặng cạnh bàn bếp, vì mẹ tôi nói với cha rằng ông đã hủy hoại cuộc sống của chúng tôi, rằng cha tôi đã phát điên rồi, và rằng bà không bao giờ muốn nghe giọng ông nữa. Mẹ tôi không nhắc đến nỗi nghi ngờ của bà về tội lỗi của cha cho tất cả những cáo buộc dành cho ông, có lẽ bởi mẹ biết rằng tôi đang lắng nghe. Dù sao thì cha tôi cũng lộ rõ sự bối rối lúc đó, và lời nói của ông đã xóa bỏ hết những nghi ngờ về tội lỗi của ông: “Anh chỉ làm những gì anh phải làm, và em hiểu điều đó hơn ai hết.”

***

Sau cùng, mẹ tôi vẫn không hoàn toàn nói thẳng cho tôi biết rằng cha tôi là kẻ giết người, nhưng tôi buộc phải nghi ngờ bởi mỗi tuần trôi qua tôi lại càng giận dữ với ông hơn. Sau cái chết của Kahane, tôi có thể an ủi bản thân mình với sự thật rằng cha tôi không bị cáo buộc tội giết người và, trong trường hợp xấu nhất, ông cũng sẽ được tự do và trở về nhà vào năm 2012. Nhưng với âm mưu đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới, cha tôi không chỉ nhúng tay vào một tội ác đáng ghê tởm, mà ông còn đảm bảo rằng chúng tôi không bao giờ trở thành gia đình được nữa. Một án tù chung thân cộng thêm mười lăm năm tù mà không có bất cứ sự khoan hồng nào. Cha tôi sẽ không bao giờ chơi bóng đá cùng tôi nữa. Và định mệnh đó là ông tự mình chọn lựa. Ông chọn chủ nghĩa khủng bố thay vì tình cha con, ông chọn thù hận thay vì yêu thương. Không tính đến việc gia đình tôi ngày càng trở nên tai tiếng hơn trước, vụ đánh bom Trung tâm Thương mại đã nhồi nhét vào đầu người dân Mỹ những hiểu lầm về tất cả những người Hồi giáo. Khi chúng tôi đang ngồi trong chiếc xe của mình, những người tài xế khác chú ý đến chiếc khăn trùm đầu và mạng che mặt của mẹ tôi, họ thô lỗ giơ ngón giữa với bà, họ cố tình đâm vào xe chúng tôi và cố ép chúng tôi chệch khỏi đường. Khi chúng tôi đi mua sắm, mọi người ném cái nhìn dò xét về phía bà. Họ la hét vào mặt bà thường bằng thứ tiếng Anh bồi, rằng hãy cút trở lại quê hương của bà đi. Và mỗi lần như vậy tôi đều thấy xấu hổ, không phải bởi tôi là người Hồi giáo, mà bởi tôi không có đủ dũng khí để quát lại họ rằng, “Mẹ tôi sinh ra ở Pittsburgh, đồ ngốc!”

Giờ đây tôi đã là một thiếu niên, và, thậm chí trước vụ nổ ở Trung tâm Thương mại Thế giới, lòng tự trọng của tôi dường như đã bị bắn thủng lỗ chỗ. Việc bị bắt nạt ở trường chưa bao giờ chấm dứt, bụng của tôi lúc nào cũng bị thương, và tôi thường đập mạnh đầu mình vào tường phòng ngủ mỗi đêm, lý do của tôi cũng giống với lý do khiến các bạn nữ cùng lứa với tôi tự cắt vào người mình. Tôi luôn nghĩ về việc cái chết dễ dàng ra sao, yên bình thế nào, và lúc này đây tôi mới nhận ra một sự thật đáng sợ rằng: Cha tôi đã chọn chủ nghĩa khủng bố thay vì tôi.

***

Không lâu sau cuộc gọi của cha tôi, mẹ tôi trải qua một trận ho đáng sợ, tưởng như long phổi. Kể từ đó, căn bệnh viêm cuống phổi dai dẳng bám theo mẹ tôi, khiến bà mệt mỏi, tuyệt vọng đến mức, một đêm nọ, tôi nghe thấy bà cầu xin Đức Allah chỉ cho mình một lối thoát. Hai tuần sau, vợ của vị Thủ lĩnh của chúng tôi gọi đến và thông báo rằng gia đình họ có một người bạn ở New York đang cần tìm vợ. Vì tất cả những chuyện tôi sắp kể ra đây, tôi sẽ thay đổi tên người đàn ông ấy, tôi gọi ông ta là Ahmed Sufyan.

Ahmed sinh ra ở Ai Cập, giống cha tôi vậy. Ông ta làm việc tại một cửa hàng đồ điện tử, đồng thời cũng là một tay đấm bốc không chuyên gày gò, nhưng dẻo dai, sở hữu đôi tay cơ bắp cuồn cuộn. Cũng như mẹ tôi, ông ta có ba đứa con. Và ông ta thổ lộ với bà rằng ông ta cũng vừa mới thoát khỏi một cuộc hôn nhân bế tắc: Theo lời ông ta, vợ cũ của ông ta từng là gái mại dâm trước khi họ gặp nhau, và ông ta buộc lòng ly dị khi thấy bà ta trong ngôi nhà của một gã ma cô, tay vẫn còn cắm chiếc kim tiêm nứt vỡ, cùng với đứa con nhỏ nhất của họ trong lòng. Mẹ tôi và Ahmed dành hai tuần để tìm hiểu nhau qua điện thoại. Ông ta tỏ lòng ngưỡng mộ cha tôi như một kẻ đầy tớ anh hùng của Đức Allah, và ông ta hy vọng có thể gặp cả gia đình tôi và giúp đỡ chúng tôi vượt qua khó khăn bất cứ khi nào. Mẹ tôi mời ông ta đến Memphis để họ có thể gặp gỡ và trò chuyện cùng nhau.

Vào buổi tối Ahmed đến, mẹ tôi nướng gà, nấu cơm và làm món rau trộn cho bữa tối. Tôi khao khát tình cha con đến mức cảm thấy yêu quí người cha dượng này trước cả khi ông ta ngồi xuống ghế. Ông ta tạo ấn tượng là một tín đồ Hồi giáo tử tế, ông ta hướng dẫn chúng tôi cầu nguyện trước khi ăn, và bởi ông ta còn là một tay đấm bốc nữa, cho nên tôi đã nhanh chóng tưởng tượng đến những bài học đấm bốc vào những đêm muộn, thứ có thể giúp tôi đánh trả mỗi khi bị bắt nạt ở trường. Tôi chưa bao giờ thấy vận may mỉm cười với mình nhiều như vậy. Nhưng chẳng phải chúng tôi xứng đáng được sống những tháng ngày hạnh phúc mới mẻ sao, nhất là mẹ tôi, bà xứng đáng hơn bất cứ ai. Mắt tôi ngập nước khi người đàn ông mới gặp mẹ tôi cách đây ba tiếng nhìn ngắm khắp lượt chúng tôi đang ngồi quanh bàn ăn và khẳng định một điều giống như một điềm gở vậy: “Đừng lo lắng, các con à. Cha đang ở đây rồi.”

Vào cuối mùa hè, chúng tôi chuyển về lại New Jersey và gặp những đứa con của Ahmed. Sau lễ cưới của cha mẹ chúng tôi, cả gia đình Hồi giáo đông đúc chúng tôi cùng nhau dùng chung một căn phòng trọ ở Newar, trong khoảng thời gian Ahmed dành dụm đủ tiền để thuê cho cả nhà một căn hộ hẳn hoi. Tôi đang cố gắng hòa nhập với những đứa con của dượng, nhưng điều này quả thực khó khăn. Cuối cùng một trong những đứa con trai dượng và tôi xô xát vì tranh giành ti vi với nhau. Ahmed bênh con trai của ông ta. Cha tôi đã từng dùng một chiếc dép đánh vào mông, để phạt tôi trước đây, nhưng tôi chưa bao giờ phải chịu sự hành hạ bởi một kẻ thích bạo lực với một chiếc khóa thắt lưng cả.

***

Ahmed hóa ra chỉ là một gã sùng đạo nửa mùa. Ông ta không uống rượu, không ăn thịt lợn, song ông ta cũng không nhịn ăn hay nghiêm chỉnh cầu nguyện hay tham gia những hoạt động Hồi giáo trừ phi có kẻ nào đó ông ta muốn gây ấn tượng, hoặc muốn điều khiển hay thù địch. Ông ta là một kẻ nhỏ mọn, hoang tưởng, và luôn nung nấu ý chí trả thù. Ông ta tin những đứa con của mình một cách mù quáng, đặc biệt là đứa con trai luôn luôn nói dối ông ta, song ông ta thường tỏ ý rình rập một điều gì đó ở chúng tôi – những đứa con riêng, nóng lòng bắt thóp mỗi lần chúng tôi làm gì sai trái.

Chúng tôi tìm được một căn hộ nhỏ ở Elizabeth, New Jersey, nơi chúng tôi có thể sống mà không cần quá nhiều đồ đạc trong nhà. Hành vi của Ahmed ngày càng trở nên thất thường. Ông ta giả vờ đi làm song lại đứng bên ngoài căn hộ của chúng tôi hàng giờ, quan sát chúng tôi qua cửa sổ. Ông ta bắt tôi đi bộ hàng cây số đến trường mỗi sáng, và bí mật lái xe theo dõi tôi. Trong nhà chẳng hề có tiền hay đồ ăn, nhưng ông ta hay đưa những đứa con riêng đi ăn pizza và chẳng mang gì về cho chúng tôi cả. Một ngày cuối tuần nọ, tôi và em trai được đưa vào phòng cấp cứu vì bị suy dinh dưỡng. Bác sĩ ở đó giận dữ cực độ đến mức ông nhấc máy gọi đến Trung tâm Bảo trợ Trẻ em, nhưng rồi lại nhịn xuống trước sự cầu xin của mẹ tôi, người đang bị ốm cũng bởi suy dinh dưỡng. Nhưng tất cả việc này không hề khiến Ahmed bận tâm. Ông ta cho rằng trông tôi thật đáng ghê tởm bởi tôi mũm mĩm. Ông ta gọi tôi là con bò bằng tiếng Ả Rập trong suốt hai tuần liền.

Ahmed trừng phạt hai anh em tôi bởi bất cứ tội lỗi nào, cho dù là thật hay ông ta chỉ tưởng tượng. Ông ta dùng nắm đấm, thắt lưng và mắc áo làm hung khí. Bởi vì ông ta là một tay đấm bốc và nghiện tập thể hình, cho nên những đòn trừng phạt của ông ta không hề nương tay, và tôi có thể nhận ra rằng ông ta luôn thử kết hợp những cú đấm khác nhau lên người chúng tôi. Trò tra tấn ưa thích của Ahmed cực kỳ cổ quái: Đầu tiên, ông ta đuổi tôi chạy ngang qua căn phòng, trưng ra một bộ mặt tàn bạo. Sau đó, khi tôi sợ hãi dùng hai tay che mặt, ông ta nhảy lên cao rồi dậm mạnh lên những ngón chân trần của tôi.

Mẹ tôi vội vã nhìn ra ngoài cửa sổ khi bà không thể chịu đựng được cách hành hạ của ông ta nữa. Ahmed đã ngược đãi mẹ tôi đến mức bà khó có thể suy nghĩ sáng suốt. Ông ta thuyết phục mẹ tôi rằng chúng tôi trở nên hư hỏng khi cha tôi bị bỏ tù, và đó là cách duy nhất để cứu rỗi chúng tôi. Một lần, khi mẹ cố gắng ngăn ông ta đánh tôi, ông ta lập tức dùng một chiếc bình hoa đập vào đầu bà.

Ahmed không phải là một kẻ sát nhân như cha tôi, nhưng bên trong những bức tường của căn hộ, đối với những người mà ông ta nói yêu thương, ông ta chẳng khác nào một kẻ khủng bố tàn nhẫn.

***

Khi tôi được mười bốn tuổi, tôi bắt đầu ăn cắp tiền của Ahmed. Lần đầu, tôi chỉ lấy vài đồng lẻ. Sau đó là những tờ năm đô hay mười đô mà tôi tìm thấy dưới tấm đệm giường khi trải đệm. Tôi thường lấy cắp tiền vì ở nhà không có đồ ăn, và bởi món bánh rán Dunkin’ Donuts trên đường tới trường quá hấp dẫn. Đôi khi, cũng giống như bao người khác, tôi chỉ muốn mua vài chiếc CD của The Roots mà thôi. Việc Ahmed không phát hiện ra khiến tôi khá kinh ngạc, cho nên dần dần tôi cũng trở nên cả gan hơn.

Thực tế tàn khốc là Ahmed biết tất cả những gì tôi làm, ông ta chẳng qua chỉ là đợi đến lúc chín muồi mới trừng phạt tôi mà thôi.

Một buổi sáng nọ, tôi lấy được hai mươi đô từ dưới tấm đệm và mua cho mình một chiếc bút laze rất tuyệt. Tối hôm đó, Ahmed cuối cùng cũng đến phòng ngủ tìm tôi.

Tôi thú nhận. Tôi xin lỗi. Tôi với tay vào trong ngăn cao nhất của chiếc tủ quần áo nơi tôi giấu số tiền trộm được. Ahmed có thói quen lục lọi đồ đạc cá nhân của chúng tôi, vì thế tôi đã nảy ra cách nới lỏng phần đáy chai thuốc khử mùi của mình và giấu tiền vào trong đó.

Ahmed tiến đến gần tôi hơn. Phòng ngủ của tôi chật đến nỗi hầu như không đủ chỗ cho cả hai chúng tôi. Áp lực từ ông ta khiến tôi cực kỳ sợ hãi dù ông ta chưa hề chạm vào tôi. Thực lòng mà nói, tôi cảm thấy khi ông ta thấy tôi tháo phần đáy chai thuốc khử mùi và lấy tiền ra, ông ta gật đầu như thể bị ấn tượng mạnh vậy.

“Đồ lén lút,” ông ta khẽ thốt lên.

Ông ta bày ra bộ dạng vui mừng khôn xiết hơn là giận dữ, điều này khiến tôi cảm thấy kỳ quái, cho đến khi tôi biết lý do thực sự là gì.

Tối đó, Ahmed đưa tôi đến phòng ngủ lớn, rồi đánh đập và thẩm vấn tôi về vụ trộm từ nửa đêm cho tới tận ngày hôm sau. Ông ta hỏi tôi có phải tôi cho rằng ông ta là một kẻ ngốc không. Ông ta nghi ngờ rằng liệu có phải tôi đã quên người chủ thực sự của ngôi nhà này là ai rồi không. Nếu tôi thực sự biết suy nghĩ, dùng bộ não bò nhỏ bé mà nghĩ, hẳn tôi phải biết sẽ chẳng có bất cứ điều gì lọt khỏi tầm mắt quả ông ta hết, ngay cả khi nó chưa xảy ra. Ông ta yêu cầu tôi cởi áo, và chống đẩy một trăm lần. Mỗi lần tôi ngừng lại vì mệt, ông ta sẽ đá vào bụng và xương sườn tôi. Sau đó, ông ta dùng mắc áo đánh vào lòng bàn tay tôi rất nhiều lần, đến mức hàng tuần sau, tay tôi vẫn hằn những vết cắt và vết sẹo hình chiếc móc mắc áo, giống như ký hiệu dấu hỏi được khắc lên tay tôi.

Trong suốt quá trình trừng phạt đó, mẹ tôi nằm trên ghế xô pha ở phòng khách và thổn thức. Bà chỉ đến trước cửa phòng ngủ một lần duy nhất, và trước khi bà lên tiếng cầu xin, ông ta đã hét vào mặt bà, “Nosair sẽ bị khinh rẻ bởi cách mà cô dạy dỗ lũ trẻ của hắn ta! Cô phải cảm thấy may mắn khi có tôi ở đây để sửa chữa những lỗi lầm của cô đấy!”

Tôi cũng đã từng thử đi bắt nạt kẻ khác. Hồi tôi mười một tuổi, có một đứa trẻ mới chuyển đến trường tôi. Đó là một đứa trẻ châu Á, và tôi luôn đinh ninh rằng những người châu Á rất giỏi võ thuật. Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt khi có thể tung vài chiêu karate giống như Ninja Rùa vậy, cho nên tôi bám theo cậu bạn ấy cả ngày để kích cậu ấy đánh nhau. Sự thực là cậu bạn đó biết võ thuật: Cậu ta định đấm vào mặt tôi, và khi tôi cúi xuống tránh, cậu ta liền đá vào đầu tôi. Tôi khóc lóc chạy khỏi trường, nhưng bị bác bảo vệ ngăn lại, đưa đến bác sĩ, được đưa cho một miếng bánh mì phết mứt và bơ lạc đông lạnh để ấn lên vết bầm trên mắt.

Nói chung, đó là một trải nghiệm quá sức mất mặt. Cho nên, mãi cho đến sau khi Ahmed đánh tôi vì trộm tiền, tôi mới thử bắt nạt một lần nữa. Tôi đi bộ dọc dãy hành lang trường học và đụng độ một nhóm trẻ đang đùa giỡn lấy mất chiếc cặp của một cậu bé. Cậu bé đáng thương chỉ biết khóc lóc. Tôi tóm lấy chiếc cặp và ném nó vào thùng rác. Trong một khoảnh khắc, tôi có khoái cảm trả thù hả hê. Nhưng không thể phủ nhận rằng có thứ gì đó thúc giục tôi đứng về phía kẻ bị bắt nạt. Khi thấy khuôn mặt đau khổ, tội nghiệp của đứa trẻ, trong lòng tôi trào lên sự hoang mang cũng như sợ hãi, khiến tôi kéo chiếc cặp ra khỏi đống rác và đưa nó cho cậu bé đó. Không một ai từng bảo tôi ngồi xuống và dạy tôi sự đồng cảm là gì và tại sao sự đồng cảm lại quan trọng hơn cả sức mạnh, hơn cả lòng yêu nước hay niềm tin tôn giáo. Song tôi lại học được một bài học quý giá trên hành lang nhỏ bé này: Tôi không thể đối xử với người khác giống như những gì họ đã làm với tôi được.