Con Hủi

Phần II - Chương 4

Rất lâu, Xtefchia không sao bình tâm lại. Điều bí mật vừa được phát hiện đối với nàng thật đau xót, vì chính nàng cũng đang yêu Valdemar. Bi kịch của bà ngoại hình như được lặp lại với nàng.

- Chuyện xảy ra thế nào hở mẹ? Bà bị làm sao kia ạ? Xtefchia hỏi.

Bà Rudexka ôm đứa con gái đang chan chứa nước mắt, kinh hoàng cùng nàng.

- Con của mẹ, con đã nghe nói là bà không hề hay biết điều gì về nơi con đang ở. Mẹ không nói tên phu nhân Elzonovxka, nếu không hẳn bà đã biết ngay là con đang ở trong một gia đình quý tộc. Bà vốn e sợ những gia đình quý tộc và lo cho chúng ta. Mẹ viết thư báo cho bà rằng con đang ở một gia đình thường dân, quen biết với nhà ta. Bà rất hay hỏi tin con, trách cha mẹ đã để con phải đến nhà người dưng kiếm sống. Điếu ấy cũng là điều cha mẹ băn khoăn cắn rứt, cha mẹ thương nhớ con vô chừng. Nhưng cha mẹ cũng cố chờ cho tròn năm. Mẹ mừng biết bao khi cha con đi dự hội triển lãm trở về nói con xinh đẹp hơn xưa, và được mọi người hâm mộ. Những đóa hoa con gửi về, đã nói lên điều đó. Mẹ sung sướng lắm, có điều... Mà thôi, chúng ta hãy nói về bà ngoại.

Xtefchia hiểu điều mà mẹ định nói.

- Ta hãy nói về bà, - phu nhân Rudexka tiếp tục kể.

- Con biết đấy, bà là người ái quốc, bà rất quan tâm đến những gì diễn ra trong nước và vùng quê ta. Theo lời yêu cầu của bà, cha con đã mô tả hội chợ triển lãm khá tỉ mỉ, cha cũng nhắc nhiều đến con. Và chuyện xảy ra mới đây thôi. Trong thư, cha hơi bất cẩn đã nêu tên của phu nhân Elzonovxka là thân mẫu cô học trò của con, cha con nói thêm rằng phu nhân thuộc dòng họ Mikhorovxki. Mẹ không biết tại sao cha con lại thế. Chỉ nguyên cái họ ấy cũng đủ nói lên rằng con đang sống trong gia dình đại quý tộc. Nhưng đáng thương thay cha con đâu có biết điều đã khiến bà ngoại con xúc động nhất. Muốn làm vui lòng bà, cha con đã gửi cho bà mấy tờ tạp chí minh họa về thời gian hội chợ triển lãm, có đăng những thông tin chi tiết về các nhà có hàng hóa triển lãm, các chuyên gia giám định và mô tả các trò vui. Trong các ảnh ấy có hình đại công tử Valdemar. Trong số có họ tên của rất nhiều các nữ giám định viên có phu nhân Elzonovxka, thuộc dòng họ Mikhorovxki, con gái ngài Machây và công tước tiểu thư De Bourbon. Tất cả những điều đó gây cho bà ngoại tội nghiệp của con ấn tượng rất mạnh. Bà bị lên một cơn đau tim nặng nhưng bỏ ngoài tai những lời cản ngăn của bác sĩ cũng như cô Elvira, bà lên đường đến nhà ta ngay. Cha mẹ đành phải nói rõ sự tình. Trong lúc nghe những lời chân tình khá vòng vo của cha, bà hỏi nhiều, không phải về cụ Machây mà về Valdemar.Cha buộc lòng phải mô tả kỹ lưỡng về ông ấy. Bà ngoại tái mặt, cha mẹ không tài nào hiểu nỗi tại sao bà lại kinh sợ đến vậy. Khi cha kể rằng con gọi cụ bằng ông, rằng con rất quyến luyện cụ, thì tự nhiên bà ngoại òa lên khóc. Cha mẹ hoảng hồn, không hiểu gì cả. Bà ngoại không giải thích gì hết, chỉ bảo rằng bà muốn phải đưa con về càng nhanh càng tốt. Thậm chí cha đã viết cho con một bức thư, đưa trước cho bà ngoại đọc. gần tối mẹ gặp bà đang ngồi trong phòng khách, chăm chú xem những bức ảnh chụp ở Guenbovitre. Lúc mẹ vào, bà trỏ bức ảnh chụp nhóm tiểu thư các con. Đại công tử đang đứng cạnh con cúi đầu ngắm khuôn mặt con, với vẻ mặt rất đáng suy nghĩ. Còn con lúc ấy cũng đang tràn đầy mơ mộng. Cảnh tượng ấy cũng khiến cha mẹ phải suy nghĩ. Nhưng hóa ra bà ngoại con đã rất quen với những khuôn mặt, với những đường nét ấy. Đại công tử giống hệt ông nội chàng, còn con thì giống bà ngoại. Bức ảnh ấy làm bà bủn rủn..." Anh chị thấy chứ? Vậy mà anh chị còn cho phép? Rõ như ban ngày là hai đứa phải lòng nhau" - bà phẫn nộ thốt lên, bóp chặt tay mẹ. Rồi bà nhất thiết đòi phải đưa con ra khỏi nơi ấy. Suốt đêm bà ở trạng thái căng thẳng khác thường. Cha mẹ cùng thức bên bà. Bà mê sảng. Gần sáng, xảy ra một cơn đau dữ dội. Tưởng như bà đi. May thay, đoán trước chuyện đó cha mẹ đã cho mời bác sĩ. Cơn đau dịu đi, bà đòi mời cha cố đến, kể lại tất cả. Cha mẹ trải qua một giây phút thật kinh hoàng. Chính con người đã tàn hại cuộc đời bà khiến bà thành người bất hạnh - chính ông Machây Mikhorovxki ấy, lại là người ông mà con đã từng kể với biết bao niềm âu yếm. Cha mẹ lo sợ cho con, con thân yêu, bởi nếu như đại công tử lại... Nhưng cái chi tiết ấy cũng làm bà ngoại con lo sợ hơn cả. Bà nhắc mãi đến con với bao yêu thương, lo lắng. Bà đưa cho cha gói nhật ký, bà ngắm những bức ảnh, bà thì thầm bao lời nhận xét. Bà nói về con: " Tội nghiệp, con bé xinh quá". Nhìn đại công tử, bà thì thầm: " Giống in người ấy, giống quá" hoặc " Y cảnh tượng hồi trẻ, thần định mệnh của ta". Khi cảm thấy mình sắp đi, bà dặn cha con đưa quyển nhật ký cho con sau khi chôn cất. Bà gọi quyển sổ này là kho báu, bà không sao rời nó. Thế rồi một cơn đau khác lại đến, cướp mất tính mạng của bà..."

Phu nhân Rudexka đưa khan tay lau mắt.

Tựa vào đầu gối bà, Xtefchia run rẩy. Những cơn thổn thức bật ra nghẹn ngào từ lồng ngực nàng.

- Mẹ ơi, sao cha mẹ không cho gọi con về sớm hơn?

- Không sớm hơn được con ạ, mọi chuyện xảy ra quá đỗi đột ngột.

Phu nhân Rudexka vuốt ve mái tóc Xtefchia, nước mắt lưng tròng bà ngắm nhìn dáng hình tuyệt mỹ của đứa con yêu đang dằn vặt trong nỗi đau đớn. Ôm ghì nàng, bà khẽ thì thầm:

- Xtefchia, con gái yêu của mẹ, con hãy thành thật, hãy nói thật cho mẹ biết: có phải con... yêu đại công tử?

Cô gái bật khóc to hơn.

- Vâng, vâng!

- Làm sao bà ngoại đoán được, sao bà ngoại hiểu hết! - Phu nhân Rudexka thì thầm về người mẹ vừa quá cố - Xtefchia, con phải rời bỏ nơi đó.

- Con sẽ đi, thưa mẹ, con sẽ trở về với cha mẹ, nhưng... nhưng lòng con nặng nề quá, mẹ ơi...

Ông bà Rudexki giữ Xtefchia lưu lại vài tuần lễ. Nàng đang trong tâm trạng rối bời, hai người đều thấy lo cho sức khoẻ của con. Mẹ nàng cố tìm cách an ủi con. Cô gái dần dần bình tâm lại và bắt đầu nhớ Xuodkovxe. Nàng cố không nghĩ tới Valdemar, nhưng chỉ hoài công: chàng vẫn thường xuyên sừng sững trong tâm trí nàng, điển trai, tuyệt diệu, luôn luôn chiến thắng. Ngày nào, cụ Machây  cũng là  một người như thế. Đọc đi đọc lại tập nhật ký  của bà, càng ngày Xtefchia càng tìm ra thêm những nét giống nhau giữa Valdemar và cụ Machây. Có điều Valdemar giàu nghị lực hơn trong đời sống thường nhật, và hay mỉa mai hơn. Chàng cũng ít lòng tin ở mọi người hơn, có tính cách cứng rắn hơn.

- Liệu chàng có hành động giống người ông?

Nàng những muốn bóp chặt nỗi nhớ nhung trong lòng, như không thể. Nàng đã quen với một đời sống khác mất rồi. Nàng có thể dễ dàng sống thiếu tiện nghi, nhưng từ bỏ thói quen thì thật là khó. Xtefchia không hề tỏ ra điều đó, song nàng vẫn thấy thiếu thiếu thứ gì... giờ đây việc vui đùa với cô bé Zosia tám tuổi, đứa bé luôn được nàng yêu quý cũng không còn khiến nàng ham thích nữa. Cậu bé Jurếc mười bốn tuổi vốn nghịch ngợm như quỷ sứ, đang học tại gia, khiến Xtefchia nhức đầu bởi tiếng ồn ào. Cô gái không nhận ra nổi mình nữa. Mới năm trước nàng còn chơi trò nhảy ngựa với em trai, em gái, cũng làm ồn không kém gì chúng. Còn bây giờ Zôsia liếc nhìn nàng hơi e ngại, trong cách cư xử của cô bé tỏ rõ một vẻ kính trọng đặc biệt với chị. Cô bé không dám kéo váy chị như ngày trước nữa. Nhưng những âu yếm của Xtefchia vẫn gây ấn tượng rất mạnh với em.

......

Narnhixki cũng theo dõi Xtefchia. Qua những cuộc trò chuyện với nàng, anh đi đến kết luận rằng đại công tử Mikhorovxki không phải là kẻ xa lạ đối với cô gái. Điều đó khiến anh bực bội. Nhưng anh không hiểu rõ Xtefchia có cảm tình đối với đại công tử hay không. Song, rồi Narnhixki cũng chẳng phải cam chịu phấp phỏng lâu.

Những bức ảnh chụp ở Guenbovitre cung cấp cho anh chìa khóa để giải câu đố này. Vả lại, anh cũng thừa biết rằng một phụ nữ như Xtefchia chắc chắn phải chiếm được cảm tình của khác, vì vậy nàng sẽ phải chịu mối đe dọa từ phía đại công tử, nhất là khi công tử nhận thấy nàng có cảm tình với mình. Narnhixki không hiểu tường tận câu chuyện tình u buồn của bà dì Rembovxka vừa qua đời, trừ những huyện thoại truyền khẩu mà người ta vẫn đồn đại trong gia tộc. Anh cũng không biết điều quan trọng nhất nảy sinh do sự ngẫu nhiên của hoàn cảnh - về vị thần định mệnh ác độc đang đe dọa Xtefchia lúc này. Anh không hề biết chuyện gì đang xảy ra với nàng. Anh không muốn tin rằng Xtefchia yêu mà không được yêu lại - anh có quá nhiều bằng chứng chống lại điều đó. Nhưng theo cách hiểu của anh, đó là điều duy nhất có thể cứu cô gái. Còn lúc này, anh tận tình chăm sóc cô, muốn lưu giữ cô thật lâu tại Rutraievo. Anh không sàm sỡ tỏ ý định, nhưng luôn luôn để ý, Xtefchia bao giờ cũng có anh kèm bên cạnh. Một hôm, anh đòi cô gái cho xem ảnh chụp ở Guenbovitre. Họ cùng xem ảnh. Xtefchia mở những tờ giấy cứng rộng chụp cả nhóm người, nhăn trán lại như thể mới được trông thấy nó lần đầu. Narnhixki chăm chú xem ảnh.

- Này cô, ở đấy có người nào sắp xếp các cô không? - anh trỏ vào nhóm thiếu nữ mặc trang phục giả trang hỏi:

- Tất nhiên, người thợ ảnh.

- Nhưng đại công tử không có vẻ gì là bị sắp xếp cả.

- Vâng, ông ấy tự đứng vào đấy.

- Rõ là thế.

- Anh thấy thích không? - Xtefchia hỏi, cố làm vẻ dửng dưng.

- Ai cơ, đại công tử ấy à?

- À, vâng...

Narnhixki định thốt lên: " Một con búp bê bảnh chọe", nhưng kịp kìm lại, nhận thấy lời nhận xét đó không đúng sự thật, khiến Xtefchia dễ dàng nhận thấy ý riêng của anh. Nếu bày tỏ theo cách ấy lòng ghen tỵ có phần quá thấp kém. narnhixki đáp thành thực:

- Đẹp trai và lịch sự, nhưng nổi bật hơn cả: ông ta là một người xuất sắc.

Xtefchia nhìn anh họ đầy biết ơn.

- Vâng, anh nói đúng lắm. Nó là nét chính yếu của ông ấy.

Narnhixki nhận thấy vẻ sôi nổi đột ngột của nàng, anh quyết định nói tiếp, không rời mắt khỏi nàng.

- Đứng giữa mọi người, ông ấy như một ngôi sao sáng. Ông ấy có vẻ mặt thông minh, tràn đầy nghị lực. Những người như ông ấy can đảm bước thẳng tới mục đích, đạp bằng mọi chướng ngại vật, vì thế, không phải là những người không nguy hiểm. Quá khứ của đại công tử, thì cũng vừa mới đây thôi, khá nổi tiếng là có nhiều trắc trở.

- Tại sao anh nói thế? - Xtefchia khô khan hỏi.

Narnhixki nhún vai.

- Tôi nói về ông ấy tức là nói về một kiểu người, và xin nói thêm rằng những người có quá khứ năng nổi và tự do như thế, nhất là khi có trong tay bạc triệu, sẽ rất sẵn sàng sử dụng bất kỳ phương sách nào cốt thỏa mãn những con bốc đồng của mình, kể cả những cơn bốc đồng trong một thoáng. Đại công tử là một người tao nhã, điều đó lại càng tệ hơn nữa. Với tấm áo choàng nhung che đậy, thực chất đầy phong kiến - ở ông ấy điều này cũng rất rõ ràng - càng khiến ông ấy dễ dàng thỏa mãn đầu óc tưởng tượng của mình.

- Anh không có quyền nói về ông ấy một cách khẳng định như thế, bởi anh đã hiểu gì về ông ấy đâu?

- Thế tôi vẽ sai chân dung ông ta chăng?

- Không, nhưng anh nghĩ xấu về ông ấy.

- Xin lỗi cô! Nếu tôi không có cơ sở để nghĩ về ông ta như thế, thì cô cũng càng không thể đảm bảo cho ông ta.

- Tôi gần ông ấy hơn.

- Chỉ trong phòng khách thôi! Cô hiểu ông ta như một ông chủ vĩ đại, một con người hào hoa phong nhã, lại thêm là một người sành thể thao, một causeur ( tiếng pháp: Người biết nói chuyện ) một vũ công tài nghệ. Nhưng điều đó chưa đủ nói lên gì hết. Đó chính là tấm áo choàng nhung mà tôi vừa nói.

Mắt Xtefchia như tóe lửa.

- Tôi còn hiểu ôngb ấy như một công dân của tổ quốc, một người chủ của những vùng đất mênh mông, một nhà yêu nước, và... một người rất có văn hóa. Ông ấy là một trí thức lỗi lạc, có những quan điểm hết sức khoáng đạt, - nàng nói thêm.

Narnhixki chằm chằm nhìn Xtefchia đang nổi nóng. Đôi môi anh run run trong cơn giận cố kìm. Giọng anh rít lên khi anh đáp lại:

- Tóm lại: Một con người tuyệt vời! Nhưng hẳn là tự mồm ông ta không nói ra điều đó, bởi lẽ ông ta có những nếp nhăn lạ lùng kiểu bairơn quanh miệng và vẻ nhạo báng trong ánh mắt, dĩ nhiên, không kể nhóm người đang mặc trang phục hóa trang kia.

- Ông ấy không phải là người tuyệt vời, cũng có khuyết tật như những người khác, nhưng kiêu ngạo thì không...

- Tôi không tin. Một người có địa vị như thế, lại giàu như bậc vương giả đạo Hồi, với bao thắng lợi trong đời, mà lại không hề hay biết chút gì về điều đó?

- Biết chứ, nhưng bên cạnh đó ông ấy còn có một đầu óc hoàn toàn không xoàng. Ông ấy là người tự tin, nhưng đó lại là chuyện khác.

- Cũng là thế đó thôi, có điều khác nhau cái tên. Cái chính là ở chỗ tự biết mình là ai và ai có thể có được thứ gì mỗi khi vẫy tay ra hiệu.

Xtefchia nín lặng, hiểu điều mà Narnhixki định hướng tới. Nàng không tỏ ra khó chịu. Nàng thuật lại cho anh ta nghe về những cuộc hội săn ở Guenbovitre, kể tên những người có mặt trên ảnh và nói tóm tắt đôi lời về tiểu sử từng người. Cuối cùng nàng chọn mấy chiếc ảnh chụp riêng một mình nàng, một chiếc mặc quần ắo hóa trang, chiếc kia trong bộ váy áo ngày thường.

- Anh thích cái nào? - Nàng hỏi.

Tấm ảnh nàng mặc quần áo giả trang được tô màu thoáng qua và rất đẹp - trước hết là nói rất giống, tấm ảnh thứ hai cũng đẹp, nhưng khiêm nhường hơn, mang lại ấn tượng của ngày thường.

Narnhixki nhìn hết ảnh này: chuỗi hạt nhắc tôi nhớ đến cô một năm về trước, vì thế gần gũi tôi hơn. Còn cô gái mặc trang phục thời Đốc chính này tuy tuyệt vời thật đấy, nhưng không phải người của chúng tôi. Nom cô giống như một cô công chúa, mang đẫm không khí cung đình. Tôi không thích thấy cô trong vai kịch ấy. Tôi muốn thấy cô đúng như bản thân cô - đúng là người của chúng tôi, không chút xa lạ.

Xtefchia cựa mình.

- Anh không thích giới quý tộc sao?

- Giới đó hoàn toàn vô hại đối với tôi, nhưng tôi không thích thấy cô trong đám ấy.

- Anh nói thế, bởi anh chưa hiểu họ đấy thôi. vả lại, chẳng lẽ tôi đã thay đỗi hay sao?

Narnhixki nhìn nàng với vẻ gần như dữ tợn.

- Đúng, cô đã thay đổi, - anh dằn giọng.

- Tôi?!

- Cô đã chịu ảnh hưởng của bọn họ. Xin Chúa hãy khiến cho điều đó thay đổi.

Xtefchia trầm ngâm. Anh ấy đã hiểu. Đã đoán được tình cảm của nàng và đã lên tiếng cảnh báo.

Nàng chợt nhớ đến điền trang Guenbovitre, lịch sử của nó, vẻ tuyệt vời của một gia đình đại quý tộc, những con người tuyệt diệu. Quả thực, nàng đã đi quá sâu vào thế giới của những con người ấy, đã yêu mến tất cả bọn họ. Họ cũng có những khiếm khuyết đáng kể, trong đám họ cũng có những cá thể không chút giá trị, thậm chí rất hay gặp nữa kia. Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ chứ, một khi nàng đã được gặp một người như Valdemar, một người như công tước phu nhân Podhorexki, hay như cụ Machây. Những ai không hiểu họ thật gần, thường dễ quan niệm chung chung và thường là thiếu công bằng.

Xtefchia nghĩ như thế.