Con Hủi

Chương 14

Mặt hồ xanh long lanh chuyển sang sắc tản bạch, thắp sáng hằng hà sa số những đốm sáng, tuôn chảy những dải nhiều màu rực rỡ. Thỉnh thoảng một màu thanh thiên tối hoặc một cầu vồng xanh lam lại trùm phủ, hồ lại nằm yên bất động, không sản sinh ra trăm sắc ngàn màu, chỉ phản chiếu những rẻo mây tơi tả. Những đường zích zắc lan trên mặt sóng, trông như hàng ngàn đốm lửa bừng lên, loé sáng, để lai đằng sau hàng ngàn đốm lửa bừng lên, loé sáng, để lại đằng sau những dải bọt. Từ một phía bờ, gương nước long lanh cũng như nhuộm thẫm lại bởi đường viền đều đặn của hàng cây tươi tốt trong khuôn viên. Những tán liễu khổng lồ, những rặng tống quá sủ thanh tao, những cây trăn, cây thích, những làn tóc buông lơi rung rinh của bạch dương xoã dài xuống mặt nước trong như pha lê nằm ngay sát gốc. Trên ven bờ những đám lau mọng nước và những khóm cây xoè hoa. Những chiếc cuộng dài màu sẫm của thảm thực vật hồ ao, đôi chỗ chợt cao vọt lên trên những khúc cây cúng xác. Những dải bọt trắng xoá run rẩy dưới chân cây lau sậy, đó là nước đập mạnh vào đám rễ chằng chịt của chúng phát ra những tiếng oàm oạp, những tiếng lách cách dường như khô khan và trào bọt như giận dữ.

Trên vệt nước giữa hồ cũng thấp thoáng một bóng trắng, giống hình một rẻo mây sà xuống nước vì bị hấp dẫn bởi con sóng nhấp nhoáng lửa… Rồi bóng thứ hai, thứ ba,… cả đàn sà xuống những sắc vàng đang trôi nổi để rồi lại bay lên không, mang theo trên sắc trắng tinh khiết của mình vài tia lửa sáng. Đó không phải là những rẻo mây - mà là đàn hải âu, lông óng mượt, cất tiếng kêu lảnh lói. Sung sướng vì tiết trời ấm áp và tràn ngập nắng vầng dương, chúng cất lên khúc tụng ca hân hoan, dìm những bộ lông trắng toát vào làn nước đang lấp lánh sắc cầu vồng. Sát mặt nước xập xoà những cánh chuồn chuồn thanh mảnh, thường được gọi là chuồn chuồn tiểu thư, và những đám mây muỗi ồn ào chao lượn trong màu xanh trong vắt của không khí.

Những hơi gió mát lành chao động lá cây, gợi lên tiếng rì rào, cuộc trò chuyện bí ẩn của thiên nhiên. Chỉ đôi khi vút lên tiếng kêu lảnh lót của con hải âu, ồm ộp vài tiếng ễnh ương hay tiếng cá quẩy mạnh, để lại trên mặt hồ những vòng tròn lan rộng. Còn nói chung trên mặt hồ là tĩnh mịch, trong lúc khuôn viên chao chát một giọng chim. Tiếng những con sẻ lanh loét quét, tiếng vàng oanh ngân dài, tiếng chim hét huýt vang, tiếng cu gù ấm áp. Bên dưới, trên các cành cây, từng đàn từng lũ, cả một cộng đồng chim sẻ, những gã binh nhì của đội quân chim - đang cãi cọ ầm ĩ.

Valdemar Mikhorovsky dừng chân ở chỗ đường ngoặt ngay sát bờ hồ. Đột ngột, qua tàn lá xanh, bừng lên một tia mặt trời nóng ấm, nhảy nhót quanh chàng, rung rinh trong đôi đồng tử màu thép xám và đọng thành một giọt lóng lánh hồng ngọc trên viên ngọc của chiếc kim chàng cài cavát, khiến Valdemar ngước nhìn lên.

"Thật là một tia nắng đặc biệt! Nó châm ta như kim. Giá ta mê tín nhỉ… Ôi! Thật là vớ vẩn!…"

Chàng bước tiếp, ngạc nhiên khi nhận ra mình không tài nào tập trung suy nghĩ, những ý nghĩ cứ đứt đoạn nhường chỗ cho những câu hỏi nối nhau hiện ra.

"Tại sao ta đâm ra nhạy cảm thế? Triệu chứng này là thế nào vậy? Có tia sáng nào chợt rọi vào lòng ta, như tia nắng mặt trời chiếu vào người ta khi nãy… Tia sáng! Phải chăng nàng là tia sáng ấy? Là tia nắng mặt trời, liệu nàng có nồng ấm thế chăng? "

Chàng mỉm cười chua chát.

"Có thể, nhưng đã nguội lạnh mất rồi, bị kiệt sức vì chót sưởi ấm cho kẻ khác. "

Trong trí chàng thoáng qua hình ảnh Xtefchia và Proninsky. Chàng nhún vai, bật cười nói to thành tiếng:

"Mình thật là đại ngốc! Tia sáng nào? Trong khi đang có vầng dương thì hẵng biết sưởi nắng đã. Mơ mộng vô mục đích ấy làm gì?

Chàng ngó ra mặt hồ.

"Cứ như những con hải âu kia - chàng nghĩ - chúng bay lượn tắm trong ánh nắng, mang trên đôi cánh hằng hà sa số cầu vồng. Chúng mới thông minh làm sao!… Không bỏ qua tia sáng nào, chúng lấy của mỗi tia một chút cầu vồng, không thương tiếc - đó chính là nghệ thuật tận dụng ở đời. Để quan sát mọi thứ, để nghiên cứu các chi tiết - chỉ tổ uổng phí thời giờ chẳng được ích lợi gì, không thu kết quả gì, bởi đối tượng quá tầm thường tình, không khiến ai quan tâm cả.

- " Đó là chân lý hay nghịch lý? - chàng ngẫm nghĩ - Ta muốn đó là chân lý. Ta có thể cho phép. "

Bên kia hồ, trên con đường được viền bởi bức tường ngũ cốc, chàng trông thấy những chiếc đầu và cổ ngựa đang lao nhanh, cùng phần bên trên của chiếc xe tứ mã kiểu Mỹ vàng. Trong xe có hai hình người, nổi bật trên nền ruộng lúa mì vàng rực. Valdemar nhìn hồi lâu, rồi bật cười.

- Ồ! Ánh sáng đang đi kia kìa! - chàng vui vẻ thốt lên và quay vào lâu đài.

Mọi người lặng lẽ dùng bữa tối, cụ Machây có vẻ khó chịu, Valdemar lạnh lùng, Proninsky lo lắng.

Edmun không ngờ phải gặp đại công tử. Hắn luống cuống bội phần khi nghe nói phu nhân và các tiểu thư đã đi. Thường thường, khi có mặt phu nhân Elzonovska và Luxia hắn cảm thấy thoải mái hơn. Bước chân vào phòng ăn, hắn đã nhận thấy vẻ cứng nhắc của hai ông cháu, và quyết định làm bộ vui vẻ. Hắn hào hứng kể lại việc đã có mặt ở kho vật tư nông nghiệp. Hắn dí dỏm phê phán công ty và những người mà hắn đã gặp tại đó. Nhưng khi thấy câu chuyện không hề gây ấn tượng gì đến cả hai ông cháu nhà Mikhorovsky, hắn bắt đầu quay sang trò chuyện chủ yếu với ông Kxavery. Hắn hạ giọng hỏi ông lão:

- Hôm nay bà và các cô không về ư?

- Có là không - ông Kxavery đáp - Họ tới Obrôny thường bao giờ cũng ngủ tại đấy.

- Đáng tiếc.

- Sao ông lại than phiền? Ông có chuyện riêng tư gì với bà và các cô đâu kia chứ?

- Có đấy, mà lại rất khẩn.

- Hay thật. Tôi rất muốn biết là việc gì - Ông Kxavery nói, nhìn gã thực tập sinh vẻ hóm hỉnh.

Edmun thoáng cảm nhận được chút diễu cợt trong giọng ông lão, hắn nghĩ bụng:

"Hôm nay lão có chuyện gì thế không biết? "

- Kìa ông, thế chuyện gì vậy? - Ông Kxavery nhắc lại câu hỏi. Đã chén khá nhiều, ông lão đang lúc phấn chấn. Proninsky lắc đầu.

- Ồ, chuyện ấy tôi không thể ngỏ với bất kỳ ai.

- Thế kia! Hô, hô! Vậy chí ít tôi có thể hỏi xem ông quan tâm đến ai trong số các bà và cô đó chứ?

- Tôi có chuyện riêng với một người - hắn đáp với nụ cười đầy ẩn ý.

- Không hiểu tôi có tò mò quá không nếu tôi muốn kể cho nàng nghe nỗi nhớ nhung của mình và muốn ngắm sắc hồng của đôi môi người ấy.

Valdemar vô tình nghe rõ tất cả. Phẫn nộ, chàng muốn đứng phắt lên tống cổ Proninsky ra khỏi cửa. Nhưng chàng cố nén lòng, có thể là do tác dụng của ánh mắt van vỉ của cụ Machây.

- Ông có vẻ tin chắc vào sắc hồng ấy quá nhỉ! - ông lão Kxavery nhận xét. - Thế nếu ông không thể làm dậy lên màu hồng ấy thì sao?

- Ông không tin à? Các tiểu thư bao giờ cũng háo lời ngọt ngào và mặt ửng hồng khi nghe gọi. Nhất là Xtefchia thì chúa hay đỏ mặt. Tôi biết cô ấy quá rõ đi chứ…

Nói đến đây, Edmun nhận thấy là mình đã hơi đi quá xa liền nín bặt. Nhưng đại công tử không kìm chế lâu hơn được nữa. Bóp vụn điếu xì gà trong tay rải lên mặt bàn, chàng đột ngột đứng phắt lên, xin lỗi cụ Machây rồi bước ngay ra khỏi phòng ăn.

Cụ Machây chúc hai người còn lại ngủ ngon, nói vài câu gì nữa với họ rồi cũng ra nốt. Bị chạm nọc, Proninsky mất vui, còn ông lão gia khách thì nghĩ bụng khi chìa tay cho hắn: "Này anh chàng kỵ sĩ trẻ trai, chàng có phóng nhanh quá không đấy? "

Valdemar lồng lộn đi đi lại lại trong phòng làm việc cố làm cho lòng nguôi giận. Một tiếng đồng hồ sau chàng sai ông lão Jaxenty mời Edmun. Đại công tử ngồi bên bàn làm việc, vẻ mặt bình thản và dửng dưng, khiến gã thực tập sinh lấy lại vẻ thoải mái khi không nhận thấy sự không hài lòng trên mặt chàng.

- Có việc gì thế ạ? - Hắn vừa hỏi vừa mềm mại bước đến bên bàn.

Valdemar trỏ cho hắn chiếc ghế.

- Mời ông ngồi. Tôi muốn nói chuyện với ông.

Gã trai bối rối, im lặng ngồi xuống.

- Thực ra, tôi muốn bày tỏ với ông một dự định mà tôi đã có từ một lúc nào đó, dự định có liên quan đến ông - Valdemar nói.

- Đến tôi?

- Phải. Tôi định đề nghị ông chuyển hẳn sang bên Guenbôvitre. Tôi chắc với ông chuyện đó không có gì phiền, thậm chí phạm vi hoạt động bên ấy còn có phần rộng hơn… - Chàng nói bằng giọng tự nhiên và lịch sự nhưng với vẻ lạnh nhạt giá băng.

Proninsky tưởng như sét vừa giáng trúng đầu. Hắn đề phòng mọi chuyện, trừ việc chuyển sang Guenbôvitre. Hắn không biết nên nghĩ thế nào về việc ấy. Hắn chỉ lắp bắp thốt ra:

- Thưa… thưa đại công tử, tại sao… lại đột ngột thế?… Tôi… tôi chưa chuẩn bị.

- Chuyện vặt ấy mà, chỉ vài dặm đường, đâu phải di chuyển xa.

Edmun còn định chống đỡ.

- Hay ngài không hài lòng vì công việc đồng áng của tôi ở Xuodkovse? - Hắn hỏi với ý hạ mình, điều ấy khiến Valdemar càng không ưa.

- Công việc đồng áng ư? không. Có điều nói chung ông sang bên Guenbôvitre hợp hơn.

- Hợp hơn ạ?… Tại sao? Về phương diện nào ạ?… Mikhorovsky mất hết kiên nhẫn.

- Ồ, thưa ông, về nhiều phương diện khác nhau - chàng thốt lên, vẩy tàn thuốc vào gạt tàn.

Proninsky hiểu ngay. Người ta không muốn hắn ở đây. Nhưng nguyên nhân chính là gì? Hắn nhất thiết muốn biết. Sau một thoáng im lặng, hắn lại lên tiếng:

- Thưa công tử, nếu chuyến đi hôm nay khiến ngài không hài lòng, tôi hết sức xin ngài thứ lỗi. Quả thực, tôi đã phạm sai lầm.

Valdemar ngẩng đầu.

- Tôi có chê trách gì đâu mà ông phải xin lỗi? - Chàng hỏi. - Ông đã hành động không đúng, nhưng đó chỉ là việc vặt.

- Tôi không được biết trước rằng nam tước phu nhân hôm nay định đi - Proninsky biện bạch.

Đại công tử bĩu môi khó chịu. Chàng không thích thói quanh co.

- À,chuyện đó thì ông biết rõ, bởi thậm chí ông còn ra lệnh dành bộ tứ mã khoang cho cô tôi kia mà. Nhưng tôi xin nhắc lại, đó chỉ là chuyện vặt. Cái chính là ông không thích hợp với môi trường tại Xuodkovse. Ông hiểu chứ?… Ông không thích hợp với những quy định cần thiết, quá coi thường chúng, điều đó không thuận với một chuẩn mực theo quan niệm chúng tôi.

Tận lúc này mắt Edmun mới chợt sáng ra. Người ta đã nhận ra những dự tính của hắn và tống cổ hắn đi nơi khác. Việc đề nghị hẳn chuyển sang Guenbôvitre chỉ là cách thức nhẹ nhàng chỉ cho hắn đường rút lui. Kế hoạch của hắn đã bị bàn tay đại công tử cương quyết gách chéo. Proninsky thấy buồn, hắn bị thua hoàn toàn, không phương chống đỡ. Hắn nhìn đại công tử. Vừa hút thuốc, Valdemar vừa nhìn chăm chú vào lọ mực bằng cẩm thạch, vẻ mặt như muốn bảo: "Sao ngươi còn chưa bước đi? Ta nói xong rồi đấy! "

Edmun cảm thấy nên đi, nhưng hắn còn ngập ngừng chưa rõ đây là việc mời hắn nghỉ hẳn, hay chỉ là đổi chỗ. Vẻ ngập ngừng ấy làm Valdemar cáu. Chàng bực mình đứng lên, chìa tay cho hắn, nói cụt lủn:

- Thế thôi, chúc ông ngon giấc.

Gã thực tập sinh bật dậy, trả lời với vẻ tự nhiên cố nặn:

- Tôi xin cố gắng làm hài lòng đại công tử.

- Cảm ơn. Như vậy sẽ có lợi cho cả hai phía hơn.

Hai người cúi chào nhau. Proninsky bước ra, đầu ngẩng cao, nhưng ra đến cửa hắn lại cúi đầu buồn bã.

- Mẹ kiếp! Mình bị tống cổ rồi - Hắn cáu tiết lẩm bẩm, - tống cổ khỏi chỗ làm tư, không phải cách chức như chính quyền. Nhưng cách thức của ông ta mới tế nhị làm sao, theo kiểu quý tộc đại gia! Thật là quý phái! - hắn thốt ra với vẻ mỉa mai độc địa.

Ra đến tiền phòng, một gia nhân định khoác áo choàng cho hắn, Edmun cáu kỉnh gạt ra.

- Cút cha mày đi!

- Ô hô! - người gia nhân thốt lên khi khép cửa lại sau lưng hắn.

Valdemar bước vào phòng ngủ của cụ Machây. Cụ đang nằm trên giường đọc báo. Thấy cháu, cụ đẩy chiếc đèn sang một bên.

- Sao mãi cháu không tới?

- Cháu vừa nói chuyện với Proninsky. Xong rồi - Valdemar nói, ngồi xuống cạnh giường.

- Cháu không nhận ra hắn nữa a`?

- Về căn bản là thế. Cháu đề nghị hắn chuyển sang Guenbôvitre.

- Hắn đồng ý?

- Đó là điều hắn không muốn, nhưng hắn hiểu người ta muốn gì ở hắn.

- Hãy nói thật ông nghe: có phải đó là do câu chuyện bên bàn ăn tối nay không?

- Chuyện đó chỉ đẩy nhanh sự việc mà thôi.

- Thế nguyên do chính là từ đâu?

- Ông còn hỏi thế ư? Cháu không thể nào chịu nổi những chuyện tiếu lâm của hắn, nhất là…

Chàng đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng.

Cụ Machây im lặng. Ánh đèn soi nghiêng rọi sáng mái tóc bạc như cước và những nếp nhăn hằn sâu trên vầng trán, trên mặt, mắt cụ hơi nheo lại, đôi môi đã héo tàn đọng lại nỗi đớn đau. Cụ ngồi lặng rất lâu chìm sâu vào nỗi trầm tư, đôi vai còng xuống như đang bị đè trĩu bởi một gánh nặng quá mức.

Chiếc bóng già nua của cụ nổi rõ trên nền thảm, những ký ức từ quá khứ, đầy dằn vặt, trút xuống hình dáng ấy, dưới sức nặng của chúng, mái đầu cụ cúi gục mỗi lúc một thấp hơn. Đột nhiên, cụ ngẩng vầng trán nhăn nheo, nhìn cháu trai, dằn giọng hỏi:

- Valdemar này, hãy nói thật với ông! Chủ yếu là vì cô gái ấy phải không?

Từ một góc sâu trong căn phòng tối cất lên một giọng trầm, mượt mà cố nén lại:

- Vâng!

- Lạy Chúa, xin Người đừng chối từ lòng thương! - đôi môi run rẩy của cụ già khẽ thì thào.

Cụ đưa tay lên bưng lấy mặt, cầu nguyện khe khẽ, nhắc đi nhắc lại với nỗi kinh hoàng:

- Vì tội lỗi của con xin Người chớ trừng phạt cháu nó, lạy Chúa, lạy Chúa! Hãy tha thứ cho con… Xin Người đừng báo thù.