Khuôn mặt đỏ bừng và những quầng đen dưới mắt chứng tỏ Xtefchia vừa mới khóc.
Luxia ngó về phía bà mẹ, im lặng một cách bướng bỉnh. Cụ Machây lo lắng không yên. Valdemar đầy đe doạ. Riêng phu nhân Iđalia ít cứng nhắc hơn thường lệ là vẫn trò chuyện với Proninsky về một điều gì đó có vẻ vui vẻ, nhưng chẳng khiến được một ai - không ngoại trừ chính bà - cảm thấy vui lên.
Edmun làm ra vẻ vui, hắn cố kể chuyện gây cười, nhưng khi nhận thấy không khí chung, hắn cũng ngồi im như thủ phạm bị tóm cổ. Ngay cả gia nhân phục dịch cũng cảm nhận được tâm trạng u ám của chủ, viên chánh bộc phục vụ không phát ra một tiếng động nhỏ, đi lại như thể nhón từng bước chân, còn người hầu bàn trẻ tuổi chỉ dám hé cửa khi bưng liễn thức ăn vào.
Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm khi rời khỏi bàn ăn.Phu nhân Elzonôvxka và Luxia đi đến Sale. Xtefchia không bao giờ tới đó, nàng cảm thấy bá tước phu nhân Chvilexka không thích nàng.
Valdemar cưỡi ngựa đi xem xét điền trang, cũng ra đi cùng với hai mẹ con phu nhân. Lâu đài Xuodkovse trở lại yên tĩnh. Những chú chim bồ câu gù gù trên mái nhà lợp tôn, tiếng những con cu gáy đôi hồi vọng các từ các vườn hoa, những con công đang dạo chơi trên thảm cỏ cất lên những tiếng kêu lảnh lói đặc thù.
Đang giam mình trong buồng riêng, Xtefchia đột nhiên nghe thấy những tiếng gõ cửa khe khẽ.
- Mời vào.
Viên chánh bộc Janxenty bước vào.
- Cụ mời tiểu thư tới gian đình tạ trồng hoa hồng, nếu tiểu thư không lấy thế làm phiền.
Xtefchia chợt thấy một cảm giác dễ chiu.
- Nhờ ông báo giùm với cụ ông, tôi sẽ đến ngay.
Cô khoan khoái nghĩ đến việc sẽ được trò chuyện với cụ ông trong một buổi chiều ngán ngẩm này.
Cụ Machây ngồi trên chiếc ghế dài ở nhà đình tạ, chân phủ một tấm da hổ. Cụ trầm ngâm và u ẩn. Nhưng khi trông thấy Xtefchia, mặt cụ rạng hẳn ra. Chỉ cho nàng chiếc ghế bên cạnh, cụ nói với nụ cười hiền lành:
- Ngồi xuống đây, cháu của ông. Xin lỗi đã gọi cháu như thế. Có thể cháu không thích?… Ông là một lão già đáng ngán - phải không nào?
Cụ Machây xưng hô với mọi người đều bằng tên (1), với Xtefchia bao giờ cụ cũng xưng hô như thế.
- Kìa, sao ông lại dạy thế, cháu rất thích được nghe, - cô gái đáp, ngồi xuống ghế.
Cụ già ngước đôi mắt phai màu lên nhìn đăm đăm vào những chiếc lá hồng đan cài thành một tấm lưới trên nền trời thanh thiên.
Những ký ức nào đó từ những năm xa xưa chợt tràn về trong lòng, khiến đôi mắt già chợt sinh động hẳn lên và thoáng bóng mây buồn. Cụ ngồi yên giây lâu, như thể đang phiêu du về một khoảng thời gian nào khác, rồi cụ lên tiếng, giọng bình tĩnh, thỉnh thoảng lại đứt đoạn:
- Thế gian chẳng hề thay đổi gì cả. Lúc nào trẻ trung và tràn đầy sức sống…Chỉ con người sống trên thế gian là héo tàn, biến thành tro bụi, thay vào chỗ của họ là những người mới, trẻ trung, để rồi với thời gian cũng sẽ hoá thành bụi đất. Và cháu biết không, điều lạ lùng là chính chúng ta đây, những người già nua tuổi tác đã mệt mỏi với cuộc đời, chỉ muốn được yên nghỉ - không hề kêu ca gì về thế gian này cả. Chính những người trẻ tuổi kêu ca. Một triệu chứng xấu!… Không rõ đó là ảnh hưởng của chứng nóng ruột chung, là sự sùng một lý trí cao hơn, hay ngược lại, đó là sự teo tóp dần đi của não bộ? Thanh niên khinh thường tất cả những gì đang vây quanh chúng, chỉ hướng tới một thứ gì đó siêu phàm. Nhưng có lẽ chính là ảnh hưởng của năng lực phân tích. Có nghĩa là tiến bộ. Chúng ta đã không hiểu biết cái đó đến mức khiến cho cuộc đời trở thành đáng chán. Chúng ta từng có một đức tin sống động, còn bây giờ ngay cả đức tin cũng phôi pha. Bây giờ có nhiều nhà triết học phân tích sự tồn tại của Chúa, có nhiều kẻ vô thần hơn những người có đức tin sâu sắc. Đó là chuyện rất dở! Đó chính là mảnh đất làm nảy nở ngần kia niềm bất hạnh của thế nhân.
Cụ Machây im lặng trầm ngâm đưa mắt nhìn thẳng phía trước mặt, tìm trong ký ức những tháng năm tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, lòng tin, thật khác xa thói đời khinh bạc ngày nay. Ngắm nhìn cụ, Xtefchia đoán thầm những ý nghĩ của cụ và nàng tò mò hỏi không biết cuộc đời của cụ ra sao?…
Cụ lại cất tiếng nói tiếp:
- Thế giới đã thay đổi biết bao. Chúng ta không còn là loài người mong muội, ăn lông ở lỗ nữa. Con người đã lớn vượt cao lên hơn hẳn so với thời cổ xưa, buộc phải cảnh giác hơn so với chung quanh! Bất cứ cái gì cũng có thể khiến họ nghi ngờ, họ không thấy thoả mãn với bản chất của sự việc, họ muốn tìm ra nguyên tử - họ đã tìm và thất vọng. Họ muốn sống cuộc đời vĩnh hằng trường sinh bất tử, nhưng thế giới lại dựa trên sự sinh và diệt. Đoá hoa nào rồi cũng phải héo tàn, biết làm sao! - miễn là khi sống, hoa khiến cho một giây phút của đời ta được thêm phần tươi đẹp - song con người bây giờ lại không chịu thoả mãn với điều đó, họ muốn phân tích, muốn lý giải ngay chính niềm hạnh phúc kia. Nhưng cũng như đoá hoa kia, nếu bị phanh nhỏ ra thành muôn mảnh, sẽ chỉ là một búi rác mà thôi. Khi hiểu ra điều đó, thất vọng, họ muốn ghép lại hoa như cũ, nhưng kết quả thảm thương thay, và thường họ đành vứt hoa đi… Với mọi chuyện trên đời cũng thế.
Cụ già thở dài não ruột, lắc lắc đầu.
- Cũng thế thôi, ngay cả với tôn giáo thời nay. Nach Canossa geneh wir nich! Cả một dòng nước kinh hoàng chứa đầy sự kiện đắp bồi lên, nhưng thật chết người!…
Cụ Machây im lặng, đầu cúi gục xuống ngực. Cô gái ngồi trầm ngâm. Lát sau, cô ngước mắt nhìn cụ. và cất tiếng hỏi giọng pha chút oán trách:
- Sao ông nói những điều buồn vậy và sao ông mô tả thế hệ trẻ trong cái khung xấu xí nhường kia?
- Không phải xấu đâu cháu ạ, mà là mới mẻ.
- Thế nó phải tràn trề hy vọng chứ!
- Nếu chúng không bị méo mó đi…
- Nhưng tại sao?… Vì Cái gì? Vả lại chắc không thể là tất cả - Xtefchia hỏi càng hăng.
Cụ Machây mỉm cười nhân hậu nhìn nàng.
- Những đoá hoa tươi tốt như cháu không nhiều, cháu ạ, không có nhiều những linh hồn trong sáng như cháu. Ông cũng đã gặp một linh hồn như thế, nhưng đã lâu lắm rồi…Có thể những gì ông nói khiến cháu không vui. Nhưng ngay cả cháu nữa. cháu cũng không tránh khỏi những nỗi đắng cay của đời, cái bóng tối của bệnh dịch chung kia… cái bệnh dịch phân tích ấy, cũng ám ảnh cả cháu. Cháu cứ đem cái toàn thể ra phân tích ở từng chi tiết và cháu đau khổ thấy mình thất vọng. Mà đó đâu phải là một đoá hoa, phải không?…Chỉ là một cái cuộng, một cái cuộng rỗng đơn sơ…với chút ít rác rưởi nữa. Với hoa thì có thể tách bạch được từng thứ. Nhưng đáng buồn hơn là khi sự phân tích đến không đúng thời. Giá số phận giúp mọi sự bao giờ cũng đến đúng lúc, chắc hẳn trên trái đất này sẽ ít bất hạnh hơn.
- Ông nói đến chuyện gì đấy ạ? - Xtefchia thì thào, run lên vì hoảng sợ.
Cụ già bị hỏi nhìn nàng vẻ thăm dò.- " Nó không thành thật hay ngu ngốc nhỉ? " - cụ thầm nghĩ.
- Cháu ạ, ông nhắc lại, rất có thể ông nói cháu những chuyện này thật không cần thiết. Ông thấy là cháu không hiểu ý ông.
- Ồ không, cháu hiểu chứ, nhưng…
- Có điều gì sao?
- Cháu sợ… Không biết ông có hiểu cháu không.
Nụ cười nở trên môi cụ già.
- Xin lỗi ông - cô gái khẽ thốt lên, không muốn làm cụ phật ý.
- Không sao, cháu ạ, nhưng cháu phải giải thích cho ông rõ nhé. Cháu thấy đấy, ông già rồi, nhưng mắt ông vẫn còn tinh và ông vẫn nhạy cảm lắm. Nhất là đối với những người ông yêu mến, bao giờ ông cũng cảm nhận được từnh nỗi bất hạnh hay niềm vui sướng của họ. Ông thấy ở cháu đang diễn ra một sự thay đổi lớn…chắc cháu cũng đoán được. Ông thấy cháu bị chuyện đó dày vò, thậm chí nó ảnh hưởng có hại cho sức khoẻ của cháu. Cháu cũng thất vọng trong khi phân tích. Cháu nhận ra rằng người ấy không xứng với ý nghĩ của cháu, đó không phải kim cương mà chỉ là một hòn sỏi tầm thường được tô vẽ, có đúng thế không?
- Vâng ạ, thưa ông - nàng xúc động đáp - nhưng nguyên do của điều đó không phải không phải là sự phân tích của bản thân cháu, mà là của hoàn cảnh. Hồi ấy cháu đưa tay cầm lấy, tin chắc rằng đó là kim cương.
- Hồi nào?- cụ già hỏi, cao giọng.
- Hồi cháu phải lòng người ấy. Đó là một cơn điên cuồng của tuổi ấu thơ.
- Bây giờ nó đã qua đi?
- Bây giờ đối với cháu người đó chỉ là dửng dưng.
- Cháu có nói thật với ông không đấy, cháu ta?
Giọng cụ Machây thể hiện nỗi nghi ngờ.
- Với thân phụ cháu, cháu cũng không thể thành thật hơn.
Cụ cầm tay cô gái, kéo lại gần, và khi nàng kính cẩn ngả đầu vào vai cụ, cụ hôn nhẹ lên mái tóc nàng. Trân trọng hàm ơn biểu hiện nhân hậu ấy, Xtefchia nồng nàn hôn tay cụ. Bây giờ cụ mới vui vẻ kêu ca:
- Nào, đã thấy chưa! Cô bé này lại khiến một lão già như ta phải lầm, ta cứ ngỡ cái thời xưa mà cháu nói ấy vẫn còn đến tận bây giờ, ông tưởng cháu hiểu người đó hơn và buồn phiền khi thấy hình mẫu lý tưởng phôi pha, tầm thường. Trong khi cháu lại lạnh lùng với người đó. Nhưng tại sao cháu lại thay đổi, lại lo lắng, suýt nữa ông định nói là nom cháu như đang e sợ điều gì vậy.
Bị hỏi dồn một cách thẳng thắn như thế, nàng ngần ngừ, không biết có nên nói về Luxia không. Muốn giúp nàng, cụ già lại nói tiếp:
- Nhất là mấy ngày gần đây, cháu không bình thường. Còn hôm nay thì cháu khóc. Luxia cũng có vẻ thế nào ấy… Điều đó khiến ông suy nghĩ. Thế cháu không biết nguyên do sao? Cứ nói thật ông nghe nào.
Xtefchia quyết định nói thật tất cả.
- Vâng, cháu biết chắc điều gì đang khiến Luxia tuyệt vọng. Cháu được nghe chính Luxia nói ra, em nó đã thú thật với cháu…Nhẽ ra, cháu không nên lộ chuyện này…
- Với ông thì cháu có thể và cần phải nói thật. Luxia vẫn còn trẻ con, cần phải hiểu rõ nó nghĩ gì, nhất là điều gì đang dày vò nó. Nào?
- Luxia đang chịu ảnh hưởng của Proninsky.
Nói thẳng là nó đang phải lòng gã - cụ Machây chữa lại - ông cũng đoán thế. Không tốt, nó còn quá trẻ… và đối tượng lại quá tầm thường… Ông nói thế có làm cháu phiền lòng không? - cụ hỏi khi thấy vẻ nhợt nhạt của Xtefchia.
- Cháu phiền lòng vì lo cho Luxia thôi. Em nó lại gặp điều cháu đã từng gặp phải.
Cụ Machây ngẫm nghĩ hồi lâu.
- Phải, ông cũng hiểu điều đó qua Luxia, khi nó đến gặp ông hôm nay. Tội nghiệp con bé! Thế hệ bây giờ là thế, lệch lạc ngay từ bé, mười sáu tuổi đầu đã thấy đời đầy cay đắng. Hình như Luxia cũng đoán được nhiều điều. Vẻ dằn vặt của nó quá lộ rõ điều đó. Còn gã kia, cháu không biết điều gì sao? Hắn theo đuổi con bé quá rõ. Nhưng cháu làm sao thế?…
Xtefchia nhìn xuống. Một nỗi khó chịu hiện rõ trên mặt nàng, không qua khỏi con mắt cụ Machây.
- Cháu có biết gì không? - cụ hỏi dồn lần nữa.
- Hình như có ạ.
- Vậy, ý định của gã đối với Luxia.
- Không có gì khác so với những ý định từng nuôi đối với cháu trước kia.
- Dĩ nhiên rồi! - cụ già thốt lên, phẩy tay.- Hắn chỉ mơ đến của hồi môn thôi.
Cụ cúi đầu, mắt nhắm nghiền. Trong bộ óc già nua của cụ cố tìm cách che chở cho đứa cháu gái khỏi bị phí hoài mất những tình cảm thanh xuân đầu tiên.
- Cháu xin kể ông nghe câu chuyện giữa cháu và Proninsky, Xtefchia nóng nảy thốt lên. - Để ông tự phân tích. Có thể cháu hiểu sai cũng nên.
Cụ Machây ngẩng đầu lên.
- Cháu đã nói chuyện với gã về điều ấy sao?
- Cũng tình cờ thôi ạ!
Nàng thuật lại toàn bộ câu chuyện với Proninsky cho đến khi đại công tử đến. Trong lúc kể, mặt nàng lúc tái lúc đỏ, mắt nhìn lúc nhoà lệ, lúc lại loé lên những tia phẫn nộ. Cụ Machây chăm chú lắng nghe.
"Nó mới giống người ấy làm sao… - đôi lần cụ thì thầm tự nhủ ". Khi nàng kể hết, cụ nói thành tiếng:
- Cháu hiểu đúng đắn đấy, cháu của ông. Vô tình mà hắn đã để lộ rõ ý định. Nhưng câu chuyện giữa cháu và hắn kết thúc ra sao? Chắc hắn phải nói thêm điều gì nữa ngoài những điều cháu vừa kể lại. Đúng thế không?
- Ông ấy đâu phải người tế nhị - nàng đáp qua loa.
- Ông cũng đoán được. Chắc hắn trước khi bước ra đã nói với cháu điều gì đó rất khó chịu, khi trông thấy Valdemar qua cửa sổ. Đúng không?
Sự im lặng đầy hàm ý của cô gái là lời khẳng định cho ý nghĩ của cụ Machây.
- Đồ láo xược! - cụ lẩm bẩm vẻ phẩn nộ.
Có tiếng sỏi lạo sạo trong vườn. Valdemar, mặc quần áo đi ngựa, bước vào nhà hóng mát. Hơi ngạc nhiên khi trông thấy ông nội cùng ngồi xuống với Xtefchia, chàng bỏ mũ, vui vẻ kêu lên:
- Hony soit qui mal y pense!
Sau khi nói đôi lời với đại công tử đang vui vẻ, Xtefchia từ biệt hai ông cháu, trở về phòng riêng. Nàng muốn được bình tâm trở lại. Cụ Machây ngồi lại nhà hóng mát cùng với Valdemar.