Kể từ bữa đó, tôi qua chơi nhà bác Tám khá thường xuyên. Chẳng bao lâu tôi nghiễm nhiên thành một người thân trong gia đình.
Trâm đã giữ lời hứa. Nó bớt ăn hiếp tôi hơn. Thỉnh thoảng tôi mới bị nó sai vặt.
Nếu khi đang ngồi học bài trên gác, tôi nghe nó kêu om sòm ngoài cửa:
- Anh Chương ơi anh Chương !
Tôi thò đầu xuống:
- Gì vậy Trâm ?
- Anh đang làm gì đó ?
- Học bài.
Nó ra lệnh:
- Anh đem sách vở qua nhà tôi ngồi học rồi trông nhà cho tôi đi chợ chút ! Nhà tôi đi hết trọi rồi!
Thế là tôi phải lồm cồm leo xuống khỏi gác, đi trông nhà cho nó.
Có những ngày Lan Anh theo dì tôi ra chơi ngoài tiệm thuốc tây, buổi trưa tôi phải tự mình thổi cơm.
Một hôm, Quỳnh qua chơi, thấy tôi lui cui nhóm bếp, khói bay mù mịt, nước mắt ròng ròng, liền hỏi:
- Chứ Lan Anh đâu rồi ?
Tôi nhấp nháp cặp mắt cay xè:
- Nó đi chơi ngoài tiệm thuốc, trưa không về.
Quỳnh níu tay tôi:
- Vậy anh qua ăn cơm với tụi em đi!
Đang đói bụng, tôi chịu liền. Lại khỏi đánh vật với mấy thanh củi chết tiệt, lử đâu không thấy, chỉ thấy toàn khói!
Buổi trưa ở nhà bác Tám chỉ có Trâm, Quỳnh và Tạo. Không có người lớn, tôi ăn liền tù tì một hơi bốn bát cơm. Nhưng tôi chưa kịp nuốt xong miếng cuối cùng, Trâm đã "phân công":
- Lát nữa, anh Chương rửa chén nghen!
Không lẽ từ chối, tôi đành gật đầu, miếng cơm trong miệng đắng nghét.
Quỳnh liếc Trâm:
- Chị chỉ giỏi tài ăn hiếp anh Chương !
Trâm rụt cổ:
- Tao đâu có ăn hiếp! Không tin mày hỏi ảnh coi!
Tôi ngó Quỳnh:
- Để lát anh rửa cho! Ba cái chén ăn nhằm gì! Hồi nhỏ anh rửa hoài!
Nói xong, tôi giật thót người vì cái thói ba hoa của mình. Quỳnh cười:
- Nói vậy chứ anh để em rửa !
Tôi không chịu:
- Anh rửa.
Quỳnh giảng hòa:
- Thôi, anh và em rửa!
Tôi chưa kịp nói đồng ý thì cái đầu đã gật rồi. Thú thật là tôi chưa ai trên đời thông minh sáng tạo như Quỳnh. Lúc rửa chén, vì cứ ngồi nghĩ mãi đến cái "thông minh sáng tạo" đó, tôi tuột tay đánh rơi cái dĩa xuống sàn nhà kêu "xoảng" một tiếng, nghe bắt lạnh xương sống.
Trong khi Quỳnh cười khúch khích thì tôi điếng hồn ra sau lưng. Từ trên giường, không biết Trâm tót xuống đất hồi nào và đang đứng chống nạnh giữa nhà.
- Anh có biết cái dĩa đó bao nhiêu tiền không ? - Giọng Trâm lạnh như băng.
Tôi đỏ mặt vì ngượng:
- Không biết! Chắc khoảng, năm, sáu trăm, để tôi mua đền.
Đột nhiên Trâm đổi giọng, nó cười hì hì:
- Cái dĩa có hai chục bạc hà! Anh khỏi đền, mai mốt qua phụ rửa chén cho chị em tôi là được rồi.
Tôi thở phào. Nó nói nó bớt ăn hiếp tôi nhưng nó hù kiểu đó chắc có ngày tôi đứng tim tôi chết.
Tối đó, tôi đang ngồi học bài bỗng nghe tiếng gõ cộp cộp vào vách phía nhà bác Tám. Lúc này khoảng mười giờ, dì dượng tôi và Lan Anh đã ngủ, nhà dưới tắt đèn tối om, cửa khóa chặt.
Thoạt đầu, không để ý, tôi cứ ngồi tĩnh. Lát sau, lại nghe tiếng gõ vang lên. Tôi thận trọng bò lại sát vách. Phát hiện Quỳnh đang đứng dưới khoảnh sân, trái tim tôi như muốn rớt ra khỏi lồng ngực.
Cô bé vẫn chưa thấy tôi, lại tiếp tục gõ vào vách.
Tôi kêu khẽ:
- Quỳnh !
Quỳnh giật mình ngó lên. Thấy tôi, Quỳnh nở một nụ cười thật tươi.
- Em kêu anh hả ? - Tôi hỏi, giọng hồi hộp.
Quỳnh giơ cao hai cục gì đó trăng trắng:
- Cho anh cái này nè !
- Gì vậy ?
- Yaourt.
- Ở đâu vậy ?
- Mua chứ đâu ! Em với chị Trâm đi chơi về, mua cho anh đó !
Tôi cười:
- Thưởng công anh rửa chén hồi trưa hả ?
Quỳnh chun mủi:
- Anh làm bể dĩa, không phạt anh là may chứ ở đó mà thưởng !
Tôi thò tay qua lỗ hổng nhưng làm sao với tới hũ yaourt.
- Anh không lấy tới đâu! - Quỳnh nói - Phải kiếm sợi dây !
Tôi nhìn quanh căn gác, không thấy một sợi dây nào có thể giúp tôi được. Chợt tôi nghĩ ra một cách. Tôi tháo nguyên cái mùng, thòng một đầu dây xuống.
Sợi dây ngắn, đầu dây vẫn còn cách tầm tay Quỳnh khoảng bốn tấc. Tôi đành phải tuồn thêm một phần cái mùng qua lỗ hổng cho sợi dây dài thêm ra.
Quỳnh ngạc nhiên:
- Cái gì trên kia vậy ?
- Cái mùng.
Quỳnh vừa cột hai hũ yaourt vừa cười khúch khích.
Lát sau, Quỳnh giật sợi dây:
- Xong rồi, anh kéo lên đi ! Em vô nhà đây !
- Cám ơn Quỳnh nghen !
Vừa nói tôi vừa thận trọng kéo hai hũ yaourt lên.
Tôi cầm hai hũ yaourt trong tay, quay lại bàn học, tính mở sợi dây ra. Bỗng tôi sững người khi thấy một cặp mắt đang nhìn tôi một cách kỳ dị. Không biết tự hồi nào, Lan Anh đứng thò đầu lên gác lặng lẽ quan sát những hành động quái gở của tôi.
Nó ngơ ngác hỏi:
- Anh thò cái mùng ra ngoài chi vậy ?
Tôi trả lời bằng cách một tay cầm sợi dây mùng, còn tay kia buông ra. Hai hũ yaourt treo toòng teng trong khoảng không.
Lan Anh reo khẽ:
- Hay quá hén ! Anh "câu" nó ở đâu vậy ?
Tôi ưỡn ngực:
- Chị Quỳnh mua cho anh !
Lan Anh chớp mắt:
- Chỉ đứng ở dưới sân phải không ?
- Ừ.
Lan Anh có vẻ khoái trò "câu cá" này lắm. Nó gạ tôi:
- Hôm nào chỉ kêu anh, anh để em "câu" giùm cho nghen !
- Ừ.
Nói xong, tôi bỗng giật mình;
- Sao em biết chị Quỳnh kêu anh ?
Nó rùn cổ:
- Sao không biết ! Em nằm chưa kịp ngủ bỗng nghe tiếng gõ cộp cộp, lát sau có tiếng nói chuyện đâu trên này. Thế là em leo lên coi thử chuyện gì.
Hóa ra là vậy. Tôi tháo sợi dây, đưa cho nó một hũ yaourt:
- Em ăn đi ! Em hũ, anh hũ !
Lan Anh tụt xuống đất đi lấy muỗng rồi leo lên ngồi cạnh tôi. Hai anh em vừa ăn vừa rù rì nói chuyện.
Xưa nay tôi không ăn được các món có mùi sữa. Yaourt tôi lại ghét nhất hạng. Vậy mà lúc này tôi ăn từng muỗng một cách ngon lành. Bởi đó là tặng vật của Quỳnh. Đáng lẽ tôi phải xếp hai hũ yaourt này vào loại... món ăn tình cảm, chỉ để trưng bày chứ không được ăn. Nhưng khổ một nỗi, tôi tình cảm chứ mấy con chuột khốn nạn kia đâu có tình cảm. Tôi trưng ra một cái, mấy hũ yaourt lập tức chạy theo cái bánh bữa nọ liền !