Cơm thầy cơm cô

Chương 7. BI HÀI KỊCH

Trong khi tôi đương liên miên nghĩ ngợi về những người dân quê dại dột như thế, bỗng lại thấy hai con sen nữa cũng tiến đến. Một đứa mặc váy, cắp một cái thúng nhỏ, tóc còn ngắn, tỏa một cách hỗn loạn xuống trán và gáy, dáng đi lạch bạch như một con vịt bầu. Còn đứa kia, mặt mũi tuy sạch sẽ hơn, lại mặc quần hẳn hoi, song tinh thần ngây ngô dại dột vô cùng, trông cũng không có một chút nào là vẻ đã ở tỉnh thành cả.

Cả hai đứa loay hoay không biết kiếm một chỗ nào ngồi chứ đừng nói đến nằm. Tôi bảo bà lão già:

- Bà ngồi dẹp vào cho người ta nằm với.

Bà lão vâng lời, dẹp chỗ rồi lại phe phẩy quạt cho hai đứa mới đến bằng cái tinh thần một người mẹ già nuông con.

Tôi đứng, hai tay gãi sườn, ngắm nghía cái đống vô nghĩa lý ấy rồi tự hỏi: Ta sẽ làm gì cái bọn này? Tôi không phải đến chỗ này để nhìn cái cảnh ấy mà thôi. Phải làm thế nào cho bọn ấy nói chuyện với mình, tin mình, phục mình, mến mình, đừng buồn ngủ nữa, đừng đau khổ nữa, đừng đói khát nữa...

Tự nhiên tôi thọc tay mân mê mấy hào chỉ trong túi. Một rá xôi bán ở nhà ngoài, ấy đó, một cách chiếm lòng yêu của kẻ khác trong thế gian! Khốn thay, nếu như thế, sợ thiên hạ đồn rầm lên, mà rồi tôi sẽ bị mụ chủ hàng cơm nghi hoặc, thì rồi đến mất đi lại. May sao tôi chợt nghĩ đến nhà trinh thám đại tài trong truyện Mephisto. Khi vào đến hang hùm tổ rắn của bọn gian phi là một hàng cơm, muốn khỏi bị nghi ngờ, muốn được yêu mến nữa, nhà trinh thám chỉ việc ép lòng làm một nhà tài tử bê tha và lãng mạn.

Một bài Nam Ai hay một bài Văn Thiên Tường thí phí của quá mà không hợp, tôi dùng đến mấy điệu hát chèo là lối thịnh hành vùng quê.

Tôi vừa làm điệu bộ vừa hát:

Mừng bề trên trường trị, xã tắc muôn năm trường thọ!

Mừng làng ta đất gồm văn võ

Đức anh linh ủng hộ muôn nhà

Nhớ Tống triều niên hiệu Kiến Quang

Đâu đâu đấy đấy giàu sang

Trăm họ nơi nơi no đủ.

Xem trong tích cũ:

Có một chàng tên gọi Trương Viên

Cha mất rồi còn mẹ cao niên

Chàng dốc chí chuyên nghề kinh sử!

Nhà hàn sĩ nghèo nàn cơ khổ

Mà được quan thừa tướng gả con cho!

Chỉ có thế, cả bọn "khán giả" ấy cũng đủ bị tôi thôi miên. Anh chàng đầu trọc và mặt bủng da chì ngửa cổ hề hề cười như một chú khách lồi rốn. Thằng cha có cái cổ đầy những lá thuốc cao hết trầm tư mặc tưởng với trăng sao trên trời, quay lại đăm đăm nhìn tôi. Thằng bé con ho lao hết ho sù sụ như một ông cụ. Bà lão già cũng ngây người ra như một pho tượng sống, hết cả phe phẩy quạt cho những kẻ chung quanh.

Tôi nhìn cả bọn ấy một cách đắc chí, rồi đổi sang giọng nồi niêu:

Trách bởi vì đâu ta học dốt như bò

Bút lông mèo tình chung mà ta ngậm í i

Để cho ho một đời!

Bỏ bút lông, ta thử ngậm bút sắt ta chơi!

Ta thử ngậm bút sắt ta chơi

Bút sắt ta chơi !

Lỗ kia tình chung dù đứt í i mấy ta thời...

Ta thời đóng đanh

Chớ cái cuộc văn chương hồ dễ đã tan tành!

Hồ dễ đã tan tành!!

Đến đây xong thì năm sáu đứa trẻ lần lượt ngồi nhỏm dậy. Đứa đã dậy rồi lấy chân đạp vào mạng mỡ để đánh thức đứa khác còn ngủ say, như là khi còn ở nhà với mẹ cha, chúng rủ nhau đi xem chèo vậy. Hai con sen kia cũng đứng phắt lên, cái con mặc quần đứng sau lưng ôm cổ con bé mặc váy, y như ở đình làng. Tôi không thấy ngượng nữa, không biết tự mình là dơ dáng dạng hình nữa. Tôi chỉ thấy tôi oai vệ, sung sướng, đang kiêu ngạo như một thằng cơm thầy cơm cô một trăm phần trăm.

Tôi bèn cúi khom lưng xuống y như một ông già mà lại gù, mà đi vòng tròn cái sân, lại hát:

Lão tuy già lụ khụ, nhờ giời cho vẫn khỏe khòe khoe

Vẫn khỏe khòe khoe!!!

Kia như cái gậy gục, cái gậy gạc

Nó có chà, nó có ngạc

Lão bê vác, hục hà hục hạc

Quệch quà quệch quạc

Hạt mưa sa lác đa lác đác

Lão vẫn khoác kè kè cái áo bông!

Đầu tóc lão dù trắng xoá như bông

Kìa thấy các cô con gái má hồng

Lão vẫn, lão vẫn ! vẫn còn ư say !

Say, say, say, ngã chổng cò quay!!!

Tôi ngã phệt xuống đất rồi ngồi xếp bằng tròn gọn một cái. "Cử tọa" rồ lên cười.

Hai con sen cười to hơn cả, cười như những đồ đĩ dại, cười như đĩa kèm Fou Rire.

Rồi một con, cái con mặt mũi sạch sẽ mà mặc quần - ồ lạ - cái con sen ngây ngô ấy - ồ lạ - buông hai cánh tay ôm cổ con bạn nó ra, ngã ngửa người xuống bằng bị giời đánh.

Thưa các ngài, ấy là nó "cảm" tôi.

Nếu tôi nói một cách có khoa học, một cách có văn chương, thì trong ái tình, cơn xúc động mạnh ấy, sự phải lòng giai ghê gớm ấy, người ta gọi là " cái tiếng sét", " le coup de foudre" vậy.

Một người mê ông đến nỗi ngã lăn đùng ra lại không đủ khiến ông sung sướng, và, nếu ông có vợ, thì khiến ông về nhà thấy vợ ông là xấu xí lắm hay sao?

Tôi đứng lên, khoan khoái...

Tôi chờ cho con sen ấy gượng ngồi dậy, để rồi đỏ mặt mà xâú hổ.

Những người khác cũng thế.

Nhưng con sen ấy ngã xong là nằm cứng đờ...

Như chết!

Một vài người chạy đến xem sao... Tôi cũng chạy đến. Than ôi, thì ra nó bị động kinh! Hai mắt nó trợn ngược lên, chỉ còn trông thấy lòng trắng. Chân tay nó run lật bật lên. Rớt dãi của nó ứa ra trắng xóa cả mồm. Sự cười rộ đã thương tổn đến bộ thần kinh của nó.

Lúc ấy, tôi cũng thấy hoảng hốt, lo sợ. Chung quanh tôi người ta nói đến những câu: phải gió, ngộ độc, chết, tim đau. Bà lão già sắp sửa khóc nữa. Tôi cố cắt nghĩa cho họ hiểu, bảo họ yên tâm. Tôi đuổi mấy thằng nhỏ ít tuổi xuống khỏi đống ván để lấy chỗ cho con sen động kinh nằm.

- Không việc gì, rồi chốc nữa nó khỏi!

Rồi tôi cũng ngồi xuống cạnh nó, nghĩ ngợi phân vân.

Cái con sen mặc váy cắt nghĩa:

- Chị ấy từ hôm bị điện giật tới giờ thỉnh thoảng lại thế.

- Bị điện giật từ bao giờ?

- Độ bốn năm tháng nay.

- Sao mày biết?

- Tôi có họ với chị ấy.

- Thế nó bị điện giật như thế nào?

- Chị ấy phơi quần áo trên bao lan.

- Thế nào?

- Phơi ngay áo ướt vào cái dây điện trước cửa.

Nghe đến đây, tóc gáy tôi dựng đứng lên. Tôi lại vội hỏi:

- Sao nó lại dại dột thế?

- Chị ấy ở nhà quê mới ra thì biết gì!

- Sao những đứa chủ nó không dặn nó cẩn thận?

- Nào ai biết?

- Thế lúc bị điện giật như thế nào?

Con sen ấy lè lưỡi ra rõ dài một hồi lâu rồi mới đáp:

- Dây điện hút hai tay chị ấy vào, một nửa người bị lôi ra ngoài bao lan, còn một nửa thì lủng lẳng ở bên trong. Mãi người ta mới gỡ được chị ấy ra.

Trong lòng tôi bỗng thấy một mối thương tâm vô hạn. Tôi quay xuống nhìn mặt con bé khốn nạn ấy rồi thở dài, rồi tôi hỏi:

- Bị bệnh động kinh rồi lại bị chủ thải ra có phải không?

- Tất nhiên.

- Thế là nó nghỉ việc từ độ ấy đến giờ ?

- Không, về sau đến làm cho một nhà khác rồi mới thôi việc có hai hôm nay.

- Sao lại thôi?

- Chị ấy bưng một cái lọ quý rồi bị động kinh, ngã đánh vỡ lọ, chủ bắt đền, chị ấy sợ mà bỏ trốn.

- Đồ ngu dại, nếu chủ nó bắt đền thì rồi nó trừ tiền công chứ gì. Bỏ trốn thế, nó lại đi thưa thì lại rũ tù.

- Cái lọ đáng giá hơn trăm bạc, có làm mọt xương cũng chả bù nổi. Vả lại nếu làm không công thì không có tiền gửi về quê.

Tôi ngán ngẩm rồi nói bâng quơ:

- Tiên sư cái kiếp đi ở! Thân phận tôi đòi khổ thật!

Anh chàng đầu trọc nói:

- À, cái ấy thì đã đành!

- Cái nhà bác này! Có phải trong làng cơm thầy cơm cô chúng ta với nhau không?

- Chính thị !

- Ở tù ra, hay ở mạn ngược ốm về mà trọc lốc thế ?

- Ở "hàng xứ " ra.

- Sao mà phải tù ?

- Chủ nó sai mang thuốc phiện lậu, rồi bị ông Tây bắt, rồi chủ nó không nhận.

- Ai bảo đi ở ?!

- Vỡ đê, trôi cả nhà cửa, trâu bò. Vợ nó đi ra ở vú em rồi không về. Ra tìm mãi không thấy, phải đi xin kéo xe. Gặp vợ rồi thì chẳng may phải tù.

Đến anh chàng cổ dán thuốc cao:

- À tôi đi ở là vì nhà nghèo.

Thằng bé ho lao đáp:

- Tôi cũng đi ở đã bốn năm nay rồi. Bố chết, mẹ đi lấy chồng, ở với cô ruột bị chửi nhiều quá, thà đi kiếm lấy mà ăn. Cô tôi giàu có hẳn hoi, có ba bốn cái nhà gạch. Nhưng mà đây không cần. Tử tế thì nhờ, không thì thôi.

- Thế bà lão này có đứa nào là cháu ở đây không?

Bà lão trỏ ba đứa trẻ ngồi cạnh mình mà rằng:

- Ba đứa cháu nội tôi đấy. Dắt cháu ra tìm bố nó, cũng đi kéo xe nhà. Thấy nói bố nó ở Hà Nội, ra tìm mãi không thấy. Lên Quan Thánh lại bảo xuống Hàng Bồ, lại Hàng Bồ hỏi lại bảo xuống Bạch Mai...

- Thế bà có bao nhiêu tiền trong mình ?

- Còn được sáu xu.

Bà lão thản nhiên nói thế, một cách không lo sợ gì cả. Mà có lẽ họ thế mới sống. Chỉ người khác là mới biết lo sợ cho họ, thấy họ là khổ sở đáng thương mà thôi.

Tôi hỏi một thằng bé khác:

- Thằng này, sao mày cũng đi ở ?

- Dạ, u tôi bắt thế.

- Còn thằng nhãi ranh này, ai mướn mà cũng đi ở ?

- Úi chao! Tôi mới đi ở có ba tháng thôi mà nếm cơm có đến tám chín nhà chủ rồi!

- Còn thằng này nữa, mày cũng nghèo à ?

- Tôi không biết.

- Bố mày đâu ?

- Tôi không biết.

- Mẹ mày đâu ?

- Tôi không biết.

- Làng mày ở đâu ?

- Tôi có làng bao giờ!

Nó chẳng biết gì cả. Nó chỉ mới độ lên 8 tuổi là cùng mà thôi.

- Thế mày đã đi ở lần nào chưa ?

- Một lần rồi, chủ nhà chê là nhãi con, mướn năm hôm rồi lại cho ra.

- Thế bao giờ mày đi làm ?

- Nào biết, trông ở cụ.

- Cụ nào ?

- Cụ đưa người, vẫn ngồi ngã tư.

Đến đây, con sen động kinh đã tỉnh. Nó gượng ngồi lên khạc nhổ nốt những chỗ nước dãi đọng trong mồm. Rồi nó lại nằm xuống vẻ mệt nhọc lắm...

Một hồi gót giầy khua lên... mỗi lúc một to.

Một người lính mật thám, áo the, mũ dạ giày tây, ống quần có cặp xe đạp thoăn thoắt bước vào. Một cô tân thời, cổ tay đầy những vàng, đi theo sau. Người lính kia vào đến chỗ chúng tôi thì bật đèn to lên, soi rõ vào mặt từng người một. Rồi thấy cô tân thời rú lên:

- Chính nó đây rồi.

Người lính kia hỏi:

- Đứa nào ?

- Con bé mặc quần ấy.

Con sen cũng khóc:

- Lạy cô, con trót dại, cô tha cho con.

Người lính quát:

- Đứng lên đi theo tao lập tức !

Cô ả tân thời càu nhàu:

- Hai ba trăm bạc của người ta chứ ít à ?

Người lính hỏi:

- Sao cô khai có vài ba đồng ?

- Đấy là nó ăn cắp, ngoài ra nó còn đánh vỡ cái lọ cổ nữa.

Con sen ấy kêu khóc:

- Lạy cô, quả con không ăn cắp một xu nào ạ !

- Im! Câm ngay ! Không ăn cắp sao lại đi trốn !

Thế là người lính kia xích tay nó lại. Cô ả tân thời nói:

- Ông khám cái thúng này xem !

- Không, đây là của tôi.

- Cứ khám.

Lúc ấy tôi đứng dậy, nét mặt chắc đầy những vẻ bất bình. Người lính kín hỏi tôi:

- Đưa tao xem thẻ.

Tôi ngần ngừ, rồi phải đưa. Người lính xem thẻ xong (cũng may Sở phát thẻ Hà Nội có cái thuật chụp ảnh cho người nào cũng như mặt tù) ngẩn người ra, đứng cúi đầu như muốn nhớ lại một điều gì, rồi mới trả thẻ, sau khi nhìn tôi hai ba lượt.

Không bao giờ tôi quên được cái lúc con sen động kinh bị xích và một cái tát vào gáy nó của cô ả tân thời.

Khi con sen bị lôi ra thì bọn người nhà hàng cơm chạy vào xem rồi chạy ra theo.

Tôi ngoảnh lại nhìn bọn cơm thầy cơm cô đằng sau tôi thì mặt ai cũng tái đi, sợ đến phát khiếp.