Cội Rễ

Chương I

Đầu mùa xuân năm 1750, ở làng Jufurê, cách bờ biển Gămbia, Tây Phi bốn ngày đường ngược lên thượng nguồn, Ômôrô và Binta Kintê sinh được một đứa con trai. Thoát thai từ thân thể trẻ trung khỏe khoắn của Binta, đứa bé đen bóng y như mẹ, người lấm tấm và nhây nhớt máu Binta và nó oa oa cất tiếng khóc. Hai bà mụ mặt mày nhăn nheo: già Nyô Bôtô và bà nội đứa bé Yaixa, thấy đó là con trai, vui thích cười vang. Theo các cụ tổ, con trai đầu lòng là ân huệ đặc biệt của Chúa Ala ban xuống không những cho cha mẹ nó, mà cả cho đôi bên gia đình của họ nữa, và họ hãnh diện biết rằng dòng họ Kintê như vậy sẽ vừa danh giá vừa trường tồn.

Đó là cái giờ trước lúc gà gáy lần thứ nhất và cùng với tiếng trò chuyện của già Nyô Bôtô và bà nội Yaixa, âm thanh đầu tiên đứa bé nghe thấy là tiếng bùm bụp bùm bụp trầm lắng và nhịp nhàng của những chày gỗ do phụ nữ trong làng giã mạch kê trong cối để chuẩn bị bữa cháo điểm tâm cổ truyền nấu trong những nồi đất trên một bếp lửa xếp bằng ba tảng đá.

Làn khói xanh mỏng, găn gắt mà dễ chịu, ngoằn ngoèo bốc lên trên ngôi làng bụi bậm với những túp lều tròn đắp bằng bùn, khi tiếng hô giọng mũi của alimamô (1) Kajali Đemba bắt đầu cất lên, gọi cánh đàn ông tới đọc bài thứ nhất trong năm bài cầu nguyện hằng ngày vẫn được dâng lên Chúa Ala từ thưở xa xưa nhất còn có thể lưu lại trong trí nhớ. Từ những chiếc giường bằng gióng tre và da thú sấy hối hả vùng dậy khoác vội những chiếc áo dài bằng bông thô, cánh đàn ông trong làng nhanh nhẹn chạy tới nơi cầu nguyện, tại đó alimamô dẫn đầu cuộc lễ: “Allalu Alebar! Ashadu an lailahailala!” (Thượng đế là vĩ đại! Con xin chứng rằng chỉ có một thượng đế!). Chính sau đó, khi mọi người trở về nhà để điểm tâm, là lúc Ômôrô bổ nhào vào giữa đám, mặt rạng rỡ và phấn khởi, báo cho họ biết là mình đã có con trai đầu lòng. Tất cả cánh đàn ông chúc mừng anh, lặp lại những điểm tốt lành.

Mỗi người đàn ông trở về lều của mình được vợ đưa cho một suất cháo đựng trong một vỏ bầu rỗng. Liền đó quay vào bếp, các bà vợ cho trẻ ăn, rồi cuối cùng, mới đến lượt mình. Ăn xong, cánh đàn ông cầm lấy những chiếc cuốc ngắn, cán cong, lưỡi gỗ đã được bác thợ rèn của làng bịt kim loại, và lên đường làm công việc hằng ngày là xới đất chuẩn bị trồng lạc, mạch kê và bông – những thứ cây trồng chủ yếu của đàn ông, cũng như lúa là hoa màu chính của đàn bà ở vùng xavan nóng nực, xum xuê thảo mộc này của Gămbia.

Theo phong tục cổ, trong bảy ngày sau, Ômôrô chỉ có độc một nhiệm vụ phải bận tâm một cách nghiêm túc: chọn một cái tên cho đứa con trai đầu lòng. Đó phải là một cái tên phong phú màu sắc lịch sử và đầy hứa hẹn, bởi lẽ dân trong bộ lạc anh – những người Manđinka – vốn tin rằng một đứa trẻ sẽ phát triển bảy đặc tính cũa bất cứ người nào hoặc vật nào mà nó mang tên.

Nhân danh bản thân mình và Binta, suốt trong tuần lễ suy nghĩ đó, Ômôrô đến thăm mọi nhà ở Jufurê và mời từng gia đình đến dự lễ đặt tên cho đứa bé sơ sinh vào ngày thứ tám của đời nó theo tục lệ cổ truyền. Ngày đó, cũng như cha nó và cha của cha nó, đứa con trai mới ra đời sẽ trở thành một thành viên của bộ lạc.

Đến ngày thứ tám, dân làng tụ tập từ sáng sớm trước lều của Ômôrô và Binta. Phụ nữ của hai gia đình đội trên đầu những trái bầu rỗng đựng sữa chua và bánh ngọt munkô bằng gạo giã cùng mật ong. Karamôxila, Jaliba (1) của làng, cũng có mặt với bộ trống tan-tăng của mình; alimamôarafang (2) Brima Xêxay, một ngày nào đó sẽ là thầy giáo của đứa bé; và cả hai anh trai của Ômôrô là Jannê và Xalum từ rất xa cũng lặn lội tới dự lễ, khi cái tin cháu trai mình ra đời đến tai họ theo cách truyền đạt bằng hiệu trống.

Khi Binta hãnh diện bế đứa con mới đẻ của mình, một cụm nhỏ lớp tóc đầu tiên của nó được cạo đi, như người ta bao giờ cũng làm thế vào ngày đó, và cả đám phụ nữ đều trầm trồ khi thấy thằng nhỏ thật là đẹp đẽ xinh xắn. Rồi họ im tiếng khi Jaliba bắt đầu nổi trống. Alimamô đọc một lời nguyện trên những vỏ bầu đựng sữa chua và bánh munkô, và trong khi ông cầu nguyện, mỗi người khách đưa tay phải sờ miệng một chiếc vỏ bầu – một cử chỉ biểu lộ lòng tôn trọng đối với lương thực. Rồi alimamô quay sang cầu nguyện trên đứa bé, xin Chúa Ala cho nó sống lâu, thành công trong việc mang lại uy tín, niềm tự hào và con cái đầy đàn cho gia đình, làng bản và bộ tộc – và cuối cùng là ban cho nó sức khỏe cùng tinh thần để tôn vinh và xứng đáng với cái tên nó sắp được nhận.

Sau đó Ômôrô bước ra trước toàn thể dân làng tụ tập ở đó. Đi tới bên vợ, anh nhấc bổng đứa bé lên và trong khi mọi người chăm chú theo dõi, thì thầm ba lần vào tai con trai cái tên mà anh đã chọn cho nó. Đó là lần đầu tiên cái tên đó được thốt ra với tư cách là tên của đứa bé, vì những người cùng bộ tộc với Ômôrô cho rằng mỗi con người phải là kẻ đầu tiên được biết mình là ai.

Tiếng trống tan-tăng lại vang lên; và bây giờ Ômôrô nói thầm cái tên đó vào tai Binta, và Binta mỉm cười hãnh diện và vui sướng. Rồi Ômôrô lại rỉ tai arafang lúc này đang đứng trước dân làng:

“Con đầu lòng của Ômôrô và Binta được đặt tên là Kunta!” Brima Xêxay kêu lớn.

Như mọi người đều biết, đó là chữ giữa trong tên người ông nội đã quá cố của đứa bé, Kairaba Kunta Kintê, ông cụ đã từ Moritanya, nơi chôn nhau cắt rốn, đến Gămbia tại đó ông đã cứu dân làng Jufurê thoát khỏi nạn đói, đã lấy bà nội Yaixa, phụng sự hiển hách với tư cách là thánh nhân làng Jufurê cho đến khi qua đời.

Thầy giáo lần lượt kể tên các ông tổ người Moritanya mà ông nội đứa bé, già Kairaba Kintê, thường hay nhắc tới. Những tên đó, lừng lẫy và rất nhiều, trở ngược lên tận thời xa xưa cách đây có tới hơn hai trăm vụ mưa. Rồi Jaliba nện trống tan-tăng và tất cả mọi người hô lớn tỏ lòng ngưỡng mộ và kính trọng đối với một dòng dõi vẻ vang như vậy.

Bên ngoài, dưới trời trăng sao, đêm hôm thứ tám ấy, một mình với đứa con trai, Ômôrô hoàn thành nốt cái nghi thức đặt tên. Bế chú bé Kunta trong đôi cánh tay lực lưỡng, anh đi ra ven làng, nhấc bổng thằng bé cho ngửa mặt lên trời và khe khẽ nói: “ Fend kiling dorong leh warrara kaileh tee” (Hãy nhìn xem, đó là thứ duy nhất lớn hơn bản thân con).