Khi mexừ Liơ lập tức đồng ý cho thử thằng bé, bác Mingô rất hài lòng – vì từ nhiều năm, bác đã cần một người giúp việc – nhưng thực ra, không lấy gì làm ngạc nhiên. Bác biết rất rõ là ông chủ đang lo về nỗi người luyện gà của mình đã cao tuổi, sức khỏe không bảo đảm nữa; năm, sáu tháng qua bác đã bị những cơn ho tệ hại, càng ngày càng hay xảy ra. Bác cũng biết ông chủ đã hoài công tìm một nô lệ trẻ có triển vọng thành “huấn luyện viên” tập sự ở chỗ các chủ gà khác quanh vùng, tất nhiên là đám này chả có bụng nào muốn giúp y. “Nếu tôi có thằng trai trẻ nào tỏ ra có chút khả năng”, ông chủ kể với bác là có người đã bảo y vậy, “ông nên biết là chả dại gì bán nó đi. Với lão già Mingô nhà ông luyện nghề cho nó, tôi thấy trước là năm, mười năm nữa, nó lại giúp ông thắng tôi!” Nhưng có lẽ lý do chính khiến mexừ Liơ nhanh chóng đồng ý – bác Mingô biết thế - là mùa chọi gà hàng năm của quận Caxuel chằng bao lâu nữa sẽ mở màn với cuộc đấu “chủ chốt” và nếu có thằng bé cho gà non ăn, chỉ cần chừng ấy thôi, bác Mingô sẽ có thể dành nhiều thì giờ hơn vào việc rèn cặp những con hai năm vừa mới trưởng thành.
Vào buổi sáng ngày đầu tiên học nghề của Joóc, bác Mingô dạy nó cách cho đám gà con ăn, gồm mấy chục con nhốt trong nhiều chuồng, mỗi chuồng chứa những con sàn sàn lứa tuổi và tầm vóc như nhau. Thấy thằng bé thực hiện nhiệm vụ thử thách ấy một cách khả quan, ông lão bèn để nó cho “gà tơ” ăn, lứa này già dặn hơn, tuy chưa đầy một năm nhưng đã tìm cách chọi nhau từ các chuồng ba góc của chúng, trong những đường dích-dắc của một hàng rào song sắt ngăn chia. Qua những ngày tiếp theo, bác Mingô thực tế ốp Joóc chạy ngược chạy xuôi, cho gà ăn ngô tấm, yến mạch lứt, vỏ sò, than, và mỗi ngày ba lần thay nước suối trong những hộp thiếc.
Joóc không bao giờ tưởng tượng mình có thể cảm thấy sợ gà - đặc biệt là những con trống nòi đang bắt đầu mọc cựa và phát triển màu lông, chúng vênh vênh đi đi lại lại, không biết sợ là gì, mắt long lanh thách thức. Những lúc không bị bác Mingô trực tiếp giám sát, Joóc thỉnh thoảng lại cười to khi thấy mấy con trống tơ đột nhiên ngật đầu ra đằng sau, cất giọng cổ ọ ẹ kêu như đang cố đua với tiếng kêu khàn khàn của những con lão tướng sáu, bảy năm; mỗi con đều mang những vết sẹo của nhiều trận giao tranh đã qua – mà bác Mingô gọi là “gà mồi” và bao giờ cũng tự tay cho ăn. Joóc hình dung mình là một con trống tơ và bác Mingô là một con thuộc loại lão tướng.
Ít nhất mỗi ngày một lần, khi mexừ Liơ phi ngựa xuôi theo con đường cát vào khu luyện gà, Joóc cố hết sức lấn né, vì nó đã mau chóng cảm thấy ông chủ đối với nó lạnh nhạt đi biết mấy. Joóc đã nghe thấy cô Malizi bảo là ông chủ thậm chí không cho phép cả bà chủ đến chỗ nuôi gà của mình, nhưng bà ta cam đoan rằng đó là việc bà kỵ nhất. Ông chủ và bác Mingô thường đi quanh kiểm tra các chuồng gà, bao giờ bác Mingô cũng giữ đúng cự ly tụt lại sau một bước đủ gần để nghe thấy và trả lời mọi điều ông chủ nói giữa những tiếng quang quác của bầy gà mồi hoảng sợ. Joóc nhận thấy ông chủ nói năng gần như thân ái với bác Mingô, trái ngược hẳn với cung cách cộc cằn và lạnh lùng của ông ta đối với bác Pompi, cô Xerơ và mẹ nó, vốn chỉ là đám lao công làm đồng. Thi thoảng, khi cuộc đi tua kiểm tra đưa họ tới khá gần chỗ Joóc đang làm, nó thường nghe hóng được những điều họ nói: “Mingô này, tôi định mùa này đưa ba mươi con ra chọi, cho nên ta phải mang từ bãi thả về nhập chuồng khoảng sáu mươi con hay hơn nữa”, một hôm ông chủ nói vậy.
“Vâng, mexừ. Đến lúc ta chọn lọc thì phải có hẳn bốn chục con được luyện tốt”.
Mỗi ngày, đầu Joóc lại ních thêm những câu hỏi, nhưng nó cảm thấy tốt nhất là đừng nên hỏi bác Mingô cái gì nó không có phận sự phải biết. Bác Mingô đạt được một điểm trong cảm tình của thằng bé do chỗ bác có thể giữ mồm giữ miệng không ba hoa, vì những người chơi gà chọi khôn ngoan thường giữ kín nhiều bí quyết. Đồng thời, đôi mắt nhỏ, nhanh nhẹn, lác xệch lác xẹo của bác không bỏ sót một chi tiết nào trong cách Joóc thực hiện công việc của mình. Bác dụng ý ra lệnh rất ngắn gọn, rồi mau lẹ đi khỏi để thử xem thằng bé có thể nắm và nhớ những lời căn dặn nhanh và tốt đến mức nào; bác Mingô hài lòng thấy phần lớn các công việc chỉ cần phải bảo Joóc có một lần.
Sau một thời gian, bác Mingô nói với mexừ Liơ là bác đồng tình với sự chăm nom và chú ý của Joóc đối với bầy gà – nhưng bác thận trọng dè dặt: “Chí ít trong chừng mực tui có thể “bắt biểu” trong quãng thời gian ngắn này, thưa ông chủ”.
Bác Mingô hoàn toàn không ngờ đến câu trả lời của mexừ Liơ: “Tôi đã nghĩ là lão cần thằng bé ở đây suốt. Lều của lão không đủ to, nên lão hãy cùng nó dựng một cái lán đâu đó để nó luôn gần kề lão”. Bác Mingô thất kinh trước cái triển vọng có một kẻ nào đó đột nhiên xâm nhập hoàn toàn nỗi riêng tư mà chỉ có bác và bầy gà chia sẻ với nhau trong hơn hai mươi năm trời, song bác không công khai nói lên ý kiến bất đồng nào.
Sau khi ông chủ đi khỏi, bác nói với Joóc bằng một giọng cáu bẳn: “Ông chủ biểu tau cần mầy ở đây suốt. Tau chắc ông í biết cái gì tau không biết”.
“Dạ”, Joóc nói, cố giữ vẻ mặt tỉnh bơ. “Dưng mà cháu sẽ ở đâu, bác Mingô?”.
“Ta sẽ dựng cho mầy một cái lán”.
Dù rất khoái bầy gà chọi và bác Mingô, Joóc biết như vậy có nghĩa là chấm dứt thời kỳ thú vị của nó ở đại sảnh phe phảy lông công và giảng đạo mua vui cho ông chủ, bà chủ cùng khách khứa. Ngay cả bà chủ Liơ cũng mới bắt đầu tỏ ra ưa nó. Và nó nghĩ đến những thức ngon lành mà nó sẽ không còn được cô Malizi cho ăn ở trong bếp nữa. Nhưng cái phần gay go nhất trong chuyện rời bỏ xóm nô, là việc báo tin này cho mẹ nó.
Kitzi đang ngâm đôi bàn chân mệt rã rời trong một chậu nước nóng thì Joóc bước vào, mặt u ám khác thường: “Mẹ, có cái con phải nói mấy mẹ”.
“Chà, tau chặt phát cả ngày, mệt rũ ra thế này, chả muốn nghe gì thêm về gà qué đâu, nói để mầy biết thế!”
“À, không hằn đúng là thế”. Nó hít một hơi thật sâu. “Mẹ, ông chủ bẩu con mấy bác Mingô dựng một cái lán và chuyển con xuống đấy”.
Kitzi chồm dậy, làm bắn ít nước ra khỏi chậu, tưởng chừng như sắp nhảy bổ vào Joóc: “Chuyển mầy làm gì? Mầy cứ ở đây, chỗ trước nay vẫn ở, thì có việc gì?”.
“Không phải việc của con, mẹ ạ! Ấy là ông chủ!” Nó bước lùi, né khỏi cơn thịnh nộ trên mặt mẹ, giọng ré lên: “Con không muốn rời mẹ đâu!”
“Mầy chưa đủ nhớn để chuyển đi đâu! Tau cuộc là tại cái lão nhọ già Mingô í xui ông chủ thế!”.
“Không phải, bác í không xui đâu, mẹ! Là vì con dám chắc bác í cũng không thích thế! Bác í không thích có ai quanh bác í suốt. Bác í bẩu con bác thà ở một mình”. Joóc ước sao có thể nghĩ ra điều gì để nói cho mẹ yên tâm. “Vẻ dư ông chủ đang tốt mấy con, mẹ ạ. Ông í đối xử bác Mingô mấy con tử tế, không dư mấy dững người làm đồng…” Quá muộn, nó nuốt ực một cái, chợt nhớ ra mẹ mình cũng là người làm đồng. Cô túm lấy Joóc lắc lấy lắc để như mớ giẻ, mặt rúm ró vì ghen tức và cay đắng, miệng rít lên: “Ông chủ thiết gì mầy. Ông í có thể là cha mầy, dưng mà ông í chả thiết gì ngoài lũ gà”.
Cô cũng sửng sốt gần bằng nó vì những gì cô vừa nói.
“Đúng thế! Và mầy biết thế cũng tốt thôi vì mầy đang tưởng ông í cho mầy ân huệ dư vầy! Ông chủ chỉ muốn mỗi điều là mầy giúp cái lão nhọ điên rồ í chăm nom lũ gà mà ông í tưởng sắp làm giàu cho ông í!”
Joóc đứng lặng người.
Cô vung cả hai nắm đấm nện Joóc thùm thụp: “Thế mầy còn lảng vảng quanh đây làm gì?”. Quay người lại, cô vớ lấy mấy thứ quần áo ít ỏi của nó, ném về phía nó. “Cút! xéo ra khỏi cái lều nầy!”
Joóc đứng đó như bị rìu bổ. Cảm thấy nước mắt dâng lên và sắp trào ra, Kitzi chạy khỏi lều và lao về phía lều Malizi.
Nước mắt Joóc chảy từng giọt trên mặt. Sau một lúc, không biết nên làm gì khác nó nhét mớ quần áo ít ỏi của mình vào một cái túi và thất thểu quay lại con đường đi xuôi về khu gà chọi. Nó ngủ cạnh một chuồng gà tơ lấy cái túi kê làm gối.
Trước lúc rạng đông, bác Mingô quen dậy sớm thấy nó ngủ ở đó và đoán được chuyện gì đã xảy ra. Suốt ngày hôm đó, bác đi trệch khỏi lệ thường, tỏ ra dịu dàng với thằng bé trong khi nó lặng lẽ thui thủi làm nhiệm vụ.
Trong hai ngày dựng cái lán nhỏ, bác Mingô bắt đầu nói với nó như thể bây giờ bác mới thực sự nhận ra sự có mặt của Joóc vậy. “Nhỏ ạ, cuộc đời này rồi phải là dững con gà nầy cho đến khi nó dư gia đình mầy vậy”, một buổi sáng, bác nói độp một cái – đó là điều trước nhất bác muốn in sâu vào tâm trí nó.
Nhưng Joóc không trả lời. Nó không thể nghĩ đến cái gì khác ngoài điều mẹ nó đã nói với nó. Ông chủ nó lại là bố nó. Bố nó là ông chủ nó. Nó không thể chọn lối nào trong hai ứng xử ấy.
Khi thấy thằng bé vẫn không nói gì, Mingô lại lên tiếng. “Tau biết dững nhọ đằng kia nghĩ rằng tau kỳ cục”… Bác ngập ngừng, “Tau đồ là tau có thể”… Rồi bác im.
Joóc hiểu ra là bác Mingô chờ đợi nó trả lời. Nhưng nó không thể thừa nhận rằng đó đích xác là những điều nó đã nghe được về ông lão. Cho nên nó hỏi cái câu đã nằm trong óc nó từ hôm đầu tiên đến thăm: “Bác Mingô, sao dững con gà nầy lại không dư mọi con khác!”.
“Mầy nói về dững con gà thuần, chỉ biết ăn”, bác Mingô nói, vẻ khinh bỉ. “Dững con ở đây gần tợ dư trở về rừng rú mà ông chủ biểu là ngày xưa bọn nó ở đấy. Thật thế, tau tin nếu quẳng một con gà này vào rừng, nó sẽ chỉ đánh nhau đoạt lấy dững con mái và giết bất kỳ con trống nào khác, y dư thể nó chưa bao giờ ra khỏi rừng vậy”.
Joóc có những câu hỏi khác nó đã tích lũy sẵn để nêu ra, song nó khó có dịp mở miệng một khi bác Mingo đang đà câu chuyện. Bất cứ con gà chọi nhép nào chưa đến giai đoạn trai tơ mà đã gáy đều phải bẻ ngoéo cổ ngay, bác nói, bởi vì gáy sớm quá là một dấu hiệu chắc chắn về sự hèn nhát sau này. “Dũng con gà nòi thật ra khỏi trứng đã mang trong máu chất chọi của cha ông. Ông chủ biểu ngày xưa một người mấy bầy gà chọi của mình cũng dư một người mấy lũ chó của mình bi giờ. Dưng mà dững con gà nầy mang trong mình nhều chất ẩu đả hơn là chó, hay bò tót, hay gấu, hay ói người lền ông ta! Ông chủ biểu đến cả vua và tổng thống cũng chơi gà chọi, vì đấy là thể thao lớn nhất!”
Bác Mingô để ý thấy Joóc đăm đăm nhìn những sẹo nhỏ, tái nhợt nhằng nhịt trên làn da đen của bàn tay, cổ tay, cánh tay bác. Đi về lều, lát sau bác trở lại với một đôi cựa thép cong cong, đầu nhọn như mũi kim. “Khi nào mầy bắt đầu xử gà, tay mầy rồi cũng dư tay tau thôi, trừ phi mày hết sức cẩn thận”, bác Mingô nói và Joóc hồi hộp nghĩ rằng hình như ông lão suy tính đến chuyện một ngày kia có thể để nó lắp cựa cho gà chọi của ông chủ.
Tuy nhiên, suốt những tuần sau, có những khoảng thời gian dài bác Mingô chẳng chuyện trò gì mấy, vì đã hàng bao năm, bác không nói với ai ngoài ông chủ và lũ gà chọi. Nhưng rồi càng quen với sự có mặt của Joóc ở bên mình – và nghĩ về thằng bé như người giúp việc của mình – bác càng hay phá vỡ yên lặng của mình để bảo ban nó – hầu như bao giờ cũng đột ngột – về một điều gì mà bác cảm thấy có thể giúp Joóc hiểu được rằng chỉ có những con gà chọi được nuôi dạy vào nề nếp và huấn luyện tuyệt vời nhất mới có thể trăm trận trăm thắng và kiếm tiền về cho mexừ Liơ được.
“Ông chủ chả sợ ai trong sân chọi”, một đêm, bác Mingô bảo nó. “Thật tế, ông í thích đấu mấy các ông chủ giầu sụ có thể nuôi dững bầy hàng nghìn con gà để có thể chọn ra hàng trăm con hay nhất đem chọi mỗi năm. Mầy thấy chúng ta chả có bầy to, dưng ông chủ vuỗn thắng dững tay giàu ói lần. Dững tay này không thích là vì ông í xuất thân là cánh-cơ nghèo rồi ngoi lên giới thượng lưu. Cơ mà, có kha khá gà thật hay, mấy lị kha khá may mắn, ông chủ có thể phất lên giầu xụ dư họ”… bác Mingô liết mắt nhìn Joóc. “Mầy nghe thấy tau không, nhỏ? Ói người không hiểu là có thể kiếm được bao dêu tền trong chọi gà. Tau biết chắc một điều là nếu ai cho tau chọn một cánh đồng bông hoặc thuốc lá trăm sào hay một con gà chọi thật hay, thì bao giờ tau cũng lấy con gà. Cả ông chủ cũng thế. Bởi vậy nên ông í mới không bỏ tiền mua hàng lô đất lớn hoặc làm chủ bầy lớn nhọ”.
Đến năm Joóc mười bốn tuổi, nó mở đầu những ngày nghỉ chủ nhật bằng việc thăm viếng gia đình xóm nô của mình mà nó cảm thấy bao gồm cả các cô bác Malizi, Xerơ và Pompi tới mức độ không kém mẹ đẻ nó. Ngay cả sau ngần nấy thời gian, nó vẫn phải nói cho mẹ yên tâm rằng nó không hề giận về cái cách mẹ nói cho nó biết ai là bố nó. Nhưng nó vẫn nghĩ nhiều về bố nó, tuy không bao giờ bàn chuyện đó với ai, nhất là ông chủ. Mọi người ở xóm nô, giờ đây, rõ ràng là đều nể vì cương vị mới của nó, mặc dầu vẫn cố làm như không phải thế.
“Trước tau quấn tã cứt cho cái đít dơ của mầy, bi giờ tau mà bắt được mầy làm bộ làm tịch, tau vuỗn xéo mầy ngay được trong giây phút!”. Một sáng chủ nhật, Xerơ thốt lên, giả bộ dữ tợn một cách đầy thương mến.
Joóc nhe răng cười: “Không đâu cô Xerơ ạ, cháu chả làm bộ làm tịch gì sất”.
Nhưng tất cả bọn họ đều mỏi mòn vì tò mò muốn biết những điều bí mật xảy ra dưới khu cấm, nơi nó ở với bày gà chọi. Joóc chỉ kể cho họ nghe những điều có tính chất thông lệ. Nó bảo là nó đã thấy gà chọi giết chết một con chuột lớn, đuổi một con mèo chạy mất, thậm chí tấn công cả một con cáo. Nhưng, theo nó kể, gà mái chọi có khi còn hung hơn trống và thi thoảng cũng gáy như trống. Nó nói ông chủ rất cảnh giác với bọn xâm nhập vì ngay đến trứng của giống gà quán quân, nếu đánh cắp được, cũng cao giá ra trò, chưa nói gì đến bản thân nhũng con gà mà bọn kẻ trộm có thể dễ dàng mang sang bang khác để bán, hoặc thậm chí đem chọi kiếm lợi cho bản thân chúng. Khi Joóc nói bác Mingô kể là mexừ Juét, một tay đại phú chơi gà chọi, đã trả tới ba nghìn đôla một con gà, cô Malizi kêu trời lên: “Lạy Chúa, mua ba, bốn nhọ không đắt bằng một con gà í!”
Sau khi nói chuyện thả cửa với họ, cứ khoảng đầu giờ chiều chủ nhật, Joóc lại bắt đầu bồn chồn, rạo rực. Và thoáng chốc, nó lại hối hả trở xuôi con đường cát về với lũ gà của nó. Chậm bước lại khi đi qua những chuồng nằm dọc theo đường, nó bứt đám cỏ xanh non mơn mởn, ném vào mỗi chuồng một nắm và đôi khi đứng lại một lát, thích thú nghe những tiếng “cục, cục” thỏa mãn của những con trống tơ đang nghiến ngấu nuốt. Bọn này giờ được khoảng một năm, đang tới độ lông, cánh đầy đủ, óng ả, mắt rực lửa và bước vào giai đoạn đột ngột gáy oang lên và cay cú hục hặc tìm cách đá nhau. “Ta làm sao rèn bọn nó để đưa ra bãi thả, bắt đầu đạp mái, càng mau càng tốt”, cách đây không lâu bác Mingô đã bảo thế.
Joóc biết điều đó sẽ xảy ra vào lúc bọn trống đã thả bãi đủ mức trưởng thành được đưa vào bồi dưỡng và huấn luyện chuẩn bị cho mùa chọi tới.
Sau khi thăm thú bọn gà tơ, Joóc thường dùng còn phần còn lại của buổi chiều để tha thẩn xuống quá phía cuối đường, vào đám rừng thông, nơi có những bãi thả. Thi thoảng nó nhìn thấy một con trống trưởng thành cai quản một bầy mái một cách hoàn toàn tự do phóng túng. Nó biết ở đấy có vô khối cỏ, hạt, châu chấu, cào cào và các côn trùng khác cùng với những sỏi nhỏ, tốt cho bộ diều của chúng và nước ngọt, trong mát dồi dào, muốn bao nhiêu cũng có, từ nhiều nguồn suối tự nhiên trong rừng.
Một buổi sáng rét run người đầu tháng mười một, khi mexừ Liơ đi xe la tới, bác Mingô và Joóc đang đợi cùng với những con gà tơ gáy ỏm tỏi, chí chóe mổ, đã được tập trung vào những rọ mây đậy kín. Sau khi chất lên xe, Joóc giúp bác Mingô bắt con gà mồi già mình đầy sẹo, miệng quang quác mà bác cưng nhất.
“Nó y hệt như lão, Mingô ạ”, mexừ Liơ cười nói. “Nó làm hết phận sự chiến đấu và nuôi dậy trong thời trai trẻ rồi. Giờ chẳng còn thích hợp với việc gì khác ngoài ăn và gáy!”.
Nhăn răng cười, bác Mingô nói: “Tui bi giờ hồ dư cũng chả gáy gì nữa, ông chủ ạ”.
Bởi lẽ Joóc kính nể bác Mingô cũng ngang mức nó sợ ông chủ, nên nó vui sướng thấy cả hai ở một tâm thế hồ hởi hiếm có như vậy. Rồi bộ ba trèo trên xe la, bác Mingô ôm con gà mồi ngồi cạnh ông chủ, còn Joóc lắc lư cuối xe, đằng sau những rọ gà.
Cuối cùng mexừ Liơ dừng xe ở một quãng sâu trong rừng thông. Ông ta và bác Mingô nghiêng nghé đầu, thận trọng lắng nghe. Rồi bác Mingô nói khẽ: “Tui nghe thấy bọn nó ở đằng sau kia!” Bỗng bác đột ngột phùng má, thổi mạnh vào đầu con gà mồi già và nó vội gáy thật lực.
Mấy giây sau, từ lùm cây, vọng lên một loạt tiếng gáy to, và con mồi già lại gáy tiếp, lông cổ dựng lên. Rồi Joóc sởn da gà khắp người khi thấy con chọi tuyệt đẹp từ ven rừng nhảy bổ ra. Những mớ lông óng ánh nhiều màu giương cao trên thân hình chắc nịch của nó; lông đuôi bóng mượt cong lên. Một bầy chừng chín con mái hối hả chạy tới sợ hãi, vừa bới vừa cục tác, trong khi con trống thả bãi đập cánh hùng dũng và gáy một tiếng tiếng sấm sét, đầu ngọ nguậy nhìn quanh tìm kẻ đột nhập.
Mexừ Liơ nói nhỏ: “Mingô, cho nó thấy con lão tướng đi!” Bác Mingô giơ cao con lão tướng và con gà thả bãi hồ như bật tung lên không lao thẳng vào con mồi già. mexừ Liơ chuyển động mau lẹ, túm lấy con gà thả bãi giữa đường bay, khéo léo tránh những cái cựa tự nhiên, dài dữ dội mà Joóc thoáng thấy khi ông chủ ấn nó vào một chiếc giỏ và đậy nắp lại.
“Giương mắt lên làm gì đấy, nhỏ? Thả một con tơ ra!” bác Mingô quát, như thể trước đây, Joóc đã từng làm việc đó. Nó lóng ngóng mở cái rọ gần nhất và con gà tơ được thả bành bạch bay khỏi chiếc xe la, nhảy xuống đất. Ngập ngừng một thoáng, nó đập cánh, gáy thật to, buông một cánh xuống và lấy điệu bộ cứng quèo diễu quanh một con mái. Rồi con trống mới của bãi bắt đầu lùa tất cả con mái khác trở vào rừng thông.
Hai mươi tám con hai tuổi đến độ trưởng thảnh đã được thay thế bằng những con tơ một năm, khi chiếc xe la trở về đúng trước khi xẩm tối. Sau khi lập lại mọi động tác, bắt thêm ba mươi hai con nữa ngày hôm sau, Joóc có cảm tưởng như đã làm công việc rút gà ở bãi thả về suốt đời. Giờ đây, nó bận bịu cho sáu mươi con ăn, uống. Nó thấy là khi không ăn thì chúng gáy và tức tối mổ vào cạnh chuồng – những chuồng này được quây sao cho chúng khỏi nhìn thấy nhau, điều có thể gây thương tích cho một số con trong cơn hăng tiết muốn giao tranh. Joóc ngây ngất ngắm những con chim cuồng dại và uy nghiêm, hung dữ mà tuyệt đẹp đó. Chúng là hiện thân của tất cả những gì bác Mingô đã nói với nó về huyết thống dũng cảm lâu đời, với cả đường nét ngoại hình lẫn bản năng, khiến chúng sẵn sàng tử chiến với bất cứ con gà chọi nào khác vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu.
Ông chủ tin rằng cần phải luyện gấp đôi số gà ông dự định mang ra thi đấu trong mùa chọi. “Một số con dất khoát không hồng hào lên, không ăn, không làm dư dững con khác”, bác Mingô cắt nghĩa cho Joóc, “dững con í ta sẽ loại ra”. mexừ Liơ bắt đầu đến sớm hơn dạo trước để làm việc với bác Mingô, mỗi ngày bỏ nhiều giờ ra nghiên cứu từng con một trong số sáu mươi gà đó. Nghe lỏm được những mẩu đối thoại giữa hai ngươi, Joóc suy nghĩ ra rằng họ sẽ loại những con có tật trên đầu hoặc trên mình, hoặc giả mỏ, cổ, cánh, chân hay hình dạng chung xét thấy chưa được hoàn hảo. Nhưng cái lỗi tệ hại nhất trong tất cả là tỏ ra chưa đủ hiếu chiến.
Một hôm, ông chủ từ đại sảnh tới với một cái hộp bằng các-tông. Joóc quan sát bác Mingô đong ra hàng bơ bột mì và bột yến mạch, trộn lẫn với bơ, một chai bia, lòng trắng của mười hai quả trứng gà mái chọi, một ít me chua, dây thường xuân và tí ti cam thảo thành một thứ bột bánh. Bột này được nặn thành những bánh tròn mỏng, đem nướng giòn trong một cái lò nhỏ bằng đất. “Bánh này đem lại sức khỏe cho bọn nó”, bác Mingô nói, chỉ bảo cho Joóc bẻ bánh thành những miếng nhỏ, hàng ngày cho mỗi con ăn ba nắm và cho ít cát vào các cóng nước mỗi khi đổ đầy lại.
“Ta muốn lão rèn cho chúng chỉ còn thuần bắp thịt và xương, Mingô ạ! Ta muốn trong cả cái sân gà này không có lấy một li leo mỡ nào!” Joóc nghe thấy ông chủ ra lệnh. “Bọn nó sắp sửa phải chạy đến rụng đuôi, ông chủ ạ!” Bắt đầu từ hôm sau, Joóc phải chạy tới chạy lui, kẹp chặt vào nách một trong những con mồi già của bác Mingô khi nó bị những con đang luyện thay nhau đuổi riết. Theo lời chỉ bảo của bác Mingô thỉnh thoảng Joóc lại để cho con đuổi rượt tiếp cận khá sát để chồm tới quai mỏ và song phi vào con mồi đang giận dữ kêu quàng quạc.
Lúc ấy, bác Mingô liền bắt lấy con tấn công còn đang thở rốc, lẹ làng cho nó nghiến ngấu mổ một cục bơ không muối to bằng quả óc chó, trộn với cỏ vò nát. Rồi bác đặt con gà đã thấm mệt lên chút rơm mềm dưới đáy một cái giỏ sâu, chất thêm rơm lên mình nó cho tới miệng giỏ và đậy nắp lại. “Bi giờ, nó sắp sửa ra mồ hôi tốt dưới í”, bác giải thích. Sau khi cho con cuối cùng tập xong. Joóc bắt đầu bỏ những con đổ mồ hôi ra khỏi giỏ. Trước khi Joóc trả chúng về chuồng, bác Mingô lấy lưỡi liếm đầu và mắt từng con, đồng thời cắt nghĩa cho nó: “Làm thế để cho bọn nó quen đi, ngộ dư về sau tau phải hút dững cục máu khỏi mỏ bọn nó để giúp bọn nó vuỗn thở được khi bị thương nặng trong cuộc chọi”.
Đến cuối một tuần lễ, bàn tay và cánh tay trên của Joóc bị xước nhiều vết cựa sắc, đến nỗi bác Mingô phải càu nhàu: “Người ta sắp nhằm mầy là một tay chọi gà mất, mầy không đề phòng gì cả!” Trừ buổi sáng Nôen, về thăm xóm nô qua loa, Joóc gần như không nhận thấy mùa nghỉ trôi qua. Giờ đây, gần đến lúc mở màn mùa chọi gà, những bản năng xung sát của bày gà dâng tới độ sốt cuồng đến nỗi chúng gáy và lồng lộn mổ vào bất kỳ cái gì, vỗ cánh phành phạch. Joóc nghĩ sao mà nó hay nghe thấy mẹ, các cô Malizi, Xerơ và bác Pompi than vãn về số phận của họ, mà không ngờ một cuộc sống biết mấy hào hứng đang tồn tại chỉ cách một quãng đi dạo ngắn, ở ngay cuối đường.
Hai ngày sau Tết dương lịch, Joóc lần lượt tóm từng con gà chọi, trong khi mexừ Liơ và bác Mingô xén tịt lông đầu, cắt ngắn lông cổ, cánh và mông của từng con, rồi sửa lông đuôi thành hình những chiếc quạt ngắn, cong cong. Joóc thấy khó mà tin được là việc xén tỉa lại tôn lên biết bao những thân hình thon, chắc nịch, những cái cổ như mình rắn và những cái đầu to với mỏ khỏe và mắt long lanh của bày gà. Một số con mỏ thấp cũng được sửa sang. Cuối cùng các cựa tự nhiên được cạo mượt và sạch.
Sáng tinh mơ, bác Mingô và Joóc đã đang dồn mười hai con gà được tuyển vòng cuối cùng vào những lồng lưu động hình vuông đan bằng nan gỗ hồ đào. Bác Mingô cho mỗi con ăn một thỏi bơ trộn với đường bánh nâu nghiền thành bột, cỡ bằng quả óc chó, rồi mexừ Liơ đánh xe chở đến, mang theo một thùng táo đỏ. Sau khi Joóc và bác Mingô chất mười hai lồng gà lên xe, bác Mingô trèo lên ngồi cạnh ông chủ và xe bắt đầu chuyển bánh.
Liếc nhìn lại đằng sau, bác Mingô lạu bạu: “Mầy đi hay không?” Nhảy thoăn thoắt theo sau họ, Joóc với tới cửa sau xe, tót lên và chui vào. Trước đó, không ai bảo nó đi! Sau khi lấy lại hơi, nó thu mình trong một tư thế ngồi xổm. Tiếng xe cót két hòa lẫn trong tai nó với tiếng gáy, tiếng cục cục và tiếng mổ của lũ gà. Nó cảm thấy sâu sắc biết ơn và kính trọng bác Mingô cùng mexừ Liơ. Và nó lại nghĩ – bao giờ cũng với niềm bối rối và ngạc nhiên – đến cái điều mẹ nó đã nói: ông chủ là bố nó, hoặc bố nó là ông chủ, đằng nào cũng vậy.
Dọc đường, Joóc bắt đầu thấy ở phía trước, hoặc nhô ra từ những đường nhánh, nhiều xe chở, xe bò, xe thuê nhà khác, cũng như những người cưỡi ngựa, những cách-cơ nghèo đi bộ mang những tay nải phùng to mà Joóc biết là ở trong, có những chú gà chọi được lót rơm làm ổ nằm. Nó tự hỏi: không biết trước kia mexừ Liơ có bước vào võ trường đấu gà như thế này chăng, với con gà đầu tiên mà người ta nói là ông đã trúng giải với một vé xổ số. Joóc thấy phần lớn các xe đều chở một hoặc nhiều người da trắng cùng với nô lệ, và xe nào cũng chở một vài chuồng gà. Nó nhớ lại lời bác Mingô: “Dân chơi gà chọi bất kể thời gian hay đường sá xa xôi, khi sắp diễn ra một cuộc thi đấu lớn”, Joóc tự hỏi liệu một số trong đám cách-cơ chân đất kia, một ngày nào đó, có thể thành chủ nhân một trang trại và một đại sảnh như ông chủ không.
Sau khoảng hai giờ, Joóc bắt đầu nghe thấy loáng thoáng đằng xa một cái gì vốn chỉ có thể là tiếng gáy văng vẳng của nhiều con gà chọi. Cái hợp xướng kỳ lạ ấy cứ to dần lên khi chiếc xe đến gần một khu rừng thông rậm rạp toàn cây cao. Nó ngửi thấy mùi thơm của thịt nướng cả con; rồi xe của họ lẫn vào giữa đám những xe khác đang xoay sở tìm chỗ đậu. Khắp xung quanh, ngựa, la buộc ở cọc khịt mũi, giậm chân, ngoắt đuôi và nhiều người đang trò chuyện.
“Tom Liơ!”
Ông chủ vừa mới đứng dậy trong xe, nhún nhún đầu gối cho khỏi tê chân. Joóc thấy là tiếng gọi phát ra từ đám cách-cơ đứng ở gần đó đang truyền nhau một chai rượu, và mừng rơn thấy ông chủ mình nhận ra ngay. Tay vẫy những người kia, mexừ Liơ nhảy xuống đất và loáng cái đã nhập vào đám đông. Hàng trăm người da trắng – từ những thằng bé túm chặt ống quần bố đến những ông già nhăn nheo – đang xoay quanh họp thành từng tốp trò chuyện. Đưa mắt nhìn quanh, Joóc thấy hầu hết cánh nô lệ đều ở lại trong xe, chừng như đang chăm sóc lũ gà bị nhốt trong lồng, còn hàng trăm con gà thì tựa hồ đang phô diễn một cuộc thi gáy vậy. Joóc thấy cả những giường xếp ở dưới nhiều cỗ xe gần đó và đoán là các chủ xe ở rất xa nên phải ngủ lại đêm tại đây. Nó ngửi thấy mùi thơm hắc của rượu ngô.
“Đừng có ngồi há hốc mồm ra đấy nữa, nhỏ! Ta còn phải xoa bóp cho gà chứ!” bác Mingô nói, lúc này mới lách được chỗ đậu xe. Cố hết sức dẹp nỗi kích động khó tưởng tượng nổi, Joóc bắt đầu mở những chiếc lồng lưu động và lần lượt trao lũ gà lồng lộn mổ túi bụi, hết con này đến con khác, vào đôi bàn tay đen sứt sẹo của bác Mingô và đôi tay đó liền xoa bóp chân, cánh cho từng con một. Đón lấy con cuối cùng, bác Mingô nói: “Mầy bổ nửa tá quả táo cho ngon lành. Ấy là thức ăn cuối cùng tốt nhất cho bọn gà nầy bước vào giao đấu”. Rồi luồng mắt của ông lão bắt gặp cái nhìn trân trân, đờ đẫn của thằng bé dán vào đám đông và bác Mingô nhớ lại tâm trạng mình trong lần dự hội chọi gà đầu tiên, cách đây quá lâu, đến nỗi bác không buồn nghĩ tới nữa. “Xéo!” bác quát, “ra khỏi đây mà chạy quanh một tẹo nếu mầy muốn thế, dưng mà phải về trước khi bắt đầu, nghe chưa?”
Khi tiếng “Vâng!” của nó đến tai bác Mingô thì Joóc đã vượt qua thành xe và biến mất rồi. Luồn lách giữa đám đông chen vai thích cánh, chén chú, chén anh, nó xông bên này sục bên kia, thảm quả thông núng nính dưới đôi chân trần. Nó đi qua hàng tá lồng chứa những con gà kêu nhặng xị bày ra một loạt kỳ diệu đủ các màu lông từ trắng như tuyết đến đen như than với những hòa sắc trung gian không xiết tả.
Joóc đứng sững lại khi trông thấy cái ấy. Đó là một khoảng rộng hình tròn, lún sâu xuống độ hơn sáu mươi phân, thành có lót đệm và nền đất sét nện rải cát có in dấu một vòng tròn nhỏ chính giữa trung tâm và hai đường thẳng tắp cách đều hai cạnh. Bãi chọi gà! Ngước nhìn lên, nó thấy những người hăm hở tìm chỗ ngồi trên một mô đất dốc tự nhiên đằng sau bãi, một số đông trong đó chuyền tay nhau những chai rượu. Thế rồi nó giật nảy mình thấy một viên chức mặt đỏ hô oang oang ngay bên tai: “Quý ngài, ta bắt đầu cuộc đấu gà!”
Joóc lao thật nhanh trở về như một con thỏ rừng, tới chỗ xe đậu trước mexừ Liơ có một khoảnh khắc. Rồi ông nhỏ vừa liếc nhìn những con gà trong lồng. Đứng trên ghế ngồi phía trước xe, Joóc có thể nhìn vượt qua đầu mọi người tới bãi chọi. Ở đó, bốn người đang xúm xít chuyện trò, trong khi hai người khác đi về phía họ, mỗi gã ẵm một con gà chọi. Bất thình lình, những tiếng xôn xao vang lên giữa đám khán giả: “Mười bạc, con màu đỏ!”… “Chơi!” “Hai mươi “đôn”, con xanh”… “Năm nữa!”… “Cân!”… Những tiếng cá mỗi lúc một to và một nhiều trong khi Joóc trông thấy hai con gà được cân, rồi sau đó, được chủ chúng lắp những cái mà Joóc biết chắc là những mẩu thép nhọn như mũi kim. Nó vụt nhớ là bác Mingô đã có lần bảo nó rằng người ta hiếm khi chịu cho gà đấu nếu một con nặng hoặc nhẹ hơn con kia dù chỉ nửa lạng.
“Cho hai con chụm mỏ vào nhau!” một người ở ven bãi đấu hô. Rồi anh ta cùng hai người khác mau lẹ ngồi ra ngoài vành, trong khi các chủ gà ngồi xổm trong vòng tròn, ghé hai con vào nhau với khoảng cách đủ để chúng trao đổi vài nhát mổ ngắn.
“Chuẩn bị!” Lùi lại hai vạch xuất phát đối diện nhau, hai chủ gà cho gà đặt chân xuống đất, con nọ rướn mình nhằm tới con kia.
“Thả gà!’
Nhanh như chớp nhoáng, đôi gà chọi đâm bổ vào nhau mạnh đến nỗi mỗi con đều bật lại đằng sau, nhưng chỉ trong một giây, chúng hồi lại ngay, nhảy lên không, vung vẩy những cặp giò lắp móng sắt. Buông mình xuống sân đấu, chúng lại bay lên ngay lập tức, quyện vào nhau thành một xoáy lốc lông vũ.
“Con đỏ bị thương rồi!” có người gào lên và Joóc nín thở theo dõi mỗi tay chủ chộp lấy gà của mình khi nó đậu xuống, xem xét rất nhanh rồi lại đặt nó vào vạch xuất phát. Con gà đỏ bị thương loay hoay thế nào mà lại nhảy cao hơn địch thủ và bất thình lình một trong hai chân đá song phi của nó cắm một móng thép vào óc con gà xanh. Con này rơi xuống, đôi cánh chấp chới co giật, giãy chết. Giữa loạn xị những tiếng hò phấn khởi và những tiếng chửi thể cộc cằn, Joóc nghe thấy người trọng tài lớn giọng thông báo: “Gà của ông Grêxơn thắng – một phút mười giây trong đợt thả thứ hai”.
Joóc thở hổn hển. Nó thấy trận đấu tiếp theo kết thúc còn nhanh hơn, một tay chủ gà cáu kỉnh quăng cái xác đẫm máu của con vật thua trận của mình sang bên cạnh như một tấm giẻ. “Gà chết thì chỉ là một mớ lông rối”, bác Mingô đứng ngay sau lưng Joóc nói vậy. Trận thứ sáu thứ bảy gì đó vừa kết thúc thì một viên chức hô: “Ông Liơ!...”
Ông chủ hối hả đi khỏi xe, tay ẵm một con gà, Joóc nhớ là mình từng cho con này ăn, luyện cho nó, ôm nó trong tay: nó cảm thấy ngây ngất vì tự hào. Rồi ông chủ vả đối phương đến bên bãi chọi, cân gà và lắp cựa thép giữa những tiếng đánh cá ồn ào.
đánh tử thương địch thủ bằng cựa thép của mình.
Mexừ Liơ vồ lấy gà của mình bế thốc lên – nó vẫn đang cất tiếng gáy đắc thắng – và chạy về xe. Joóc chỉ nghe loáng thoáng: “Gà của ông Liơ thắng!...” trong khi bác Mingô nắm lấy con gà đang chảy máu, huơ ngón tay khắp mình nó, tìm ra vết rạch sâu ở lồng ngực. Bặm môi vào chỗ đó, bác Mingô hóp má lại, hút mạnh lớp máu đóng cục. Bất thình lình dúi nó xuống trước đầu gối Joóc, bác Mingô quát: “Đái vào nó! Đái thẳng vào đấy!” Như bị sét đánh, Joóc ngây người, ha hốc miệng: “Đái! Giữ cho nó khỏi dễm trùng!” Lóng ngóng, Joóc làm theo, tia nước tiểu phun mạnh vào con gà bị thương, bắn vào cả tay bác Mingô. Rồi bác Mingô nhẹ nhàng ủ nó giữa lớp rơm trong một chiếc giỏ sâu. “Tin chắc là ta cứu được nó rồi, ông chủ ạ! Ông cho con nào chọi tiếp?” Mexừ Liơ chỉ vào một chiếc lồng. “Bắt con gà này ra, nhỏ!”. Joóc vội vã chấp hành, suýt té nhào, và mexừ Liơ hối hả trở lại phía đám đông đang hò reo trong khi kẻ chiến thắng một trận khác được thông báo. Loáng thoáng chìm dưới tiếng gáy khàn khàn của hàng trăm con gà, tiếng người xướng những khoản đánh cá mới, Joóc nghe thấy con gà bị thương cục cục yếu ớt trong giỏ. Nó vừa buồn, vừa hoan hỉ, vừa sợ hãi, chưa bao giờ nó trải một nỗi khích động như thế. Và buổi sáng mát lành ấy, một tay chọi gà mới đã ra đời.