Cội Rễ

Chương 87

Năm lên ba tuổi, Joóc đã bắt đầu chứng tỏ quyết tâm “giúp đỡ’ nhũng người lớn ở xóm nô, “Lạy Chúa chưa nhấc nổi xô mà cứ đòi mang nước cho tui!” Malizi cười nói. Và một lần khác: “Nếu nó không tha từng thanh củi kỳ đến đầy hòm, thì lại cào gio ra khỏi bếp!” Tuy Kitzi lấy thế làm tự hào, cô vẫn nén không nhắc lại những lời khen của cô Malizi với Joóc, cô cảm thấy riêng nó bây giờ đã đủ làm cô đau đầu rồi.

 

“Làm sao con lại không đen dư mẹ?” một đêm chỉ có hai mẹ con trong lều, nó hỏi vậy và Kitzi nghẹn ngào nói: “Người ta sinh ra ai có màu da người nấy, có thế thôi”. Nhưng chỉ ít đêm sau, nó lại nêu vấn đề: “Mẹ ơi, bố là ai? Sao con ứ bao giờ thấy bố? Bố ở đâu?” Kitzi lên giọng nạt nộ: “Mầy có câm cái mồm đi không?” Nhưng mấy giờ sau, cô nằm thao thức bên cạnh con, vẫn còn thấy vẻ mặt bối rối, phật ý của nó; và sáng hôm sau, khi giao con cho Malizi, cô lúng túng thanh minh: “Chỉ tại mẹ mệt, con hỏi mẹ lắm quá”.

 

Song cô biết cần phải nghĩ ra cái gì nghe được hơn để nói với đứa con trai thích tìm hiểu và rất linh lợi của mình, một cái gì nó vừa có thể hiểu được và sẵn sàng chấp nhận. “Người í cao, và đen dư đêm, và chả mấy khi mỉm cười”, cuối cùng, cô đề xuất. “Người í là của con cũng dư của mẹ, chỉ có cái là con gọi người bằng ông thôi!” Joóc có vẻ thích thú và tò mò muốn nghe thêm nữa. Cô kể cho nó rằng một con tàu đã chở ông từ châu Phi “đến một nơi gọi là “Nơplix”, là mẹ của mẹ biểu thế”, rằng một người anh trai ông chủ Uolơ của cô đã mang ông đến một đồn điền ở quận Xpotxilvaniơ, nhưng ông đã tìm cách trốn. Không biết nói thế nào cho đoạn tiếp theo của câu chuyện đỡ khủng khiếp, cô quyết định rút gọn lại… “Và khi ông tiếp tục chạy trốn, họ chặt đứt nửa bàn chân của ông”.

 

Bộ mặt nhỏ xíu của Joóc nhăn lại: “Sao họ làm thế, mẹ?”

“Tại ông suýt giết chết mấy tên đi bắt nhọ”.

“Bắt nhọ làm gì?”

“Ờ, dững nhọ đã chạy trốn mà”.

“Nhọ trốn ai?”.

“Trốn các ông chủ da trắng”.

“Các ông chủ da trắng làm gì nhọ?”.

 

Sốt ruột, cô rít lên: “Câm cái mồm mầy đi! Tránh xa tao ra, mầy ngầy ngà tau đến chết!”.

 

Nhưng Joóc không bao giờ chịu im lâu, chừng nào nỗi thèm khát muốn biết thêm về người ông Phi châu của nó chưa được thỏa mãn. “Cái châu Phi í ở đâu mẹ?” “Bên cái châu Phi í, có trẻ con trai không?... “Tên ông của con là gì?”.

 

Vượt qua cả điều cô hy vọng, Joóc như đang tự hình dung ra người ông của mình, và – đến cực hạn sức chịu đựng của mình – Kitzi cố giúp cho hình ảnh đó hoàn chỉnh bằng những chuyện kể rút từ kho ký ức phong phú của cô. “Con trai ạ, mẹ ước sao con có thể nghe ông hát đôi ba bài hát Phi dư vẫn hát cho mẹ nghe khi cưỡi xe ngựa của ông chủ, hồi mẹ còn bé bằng con bi giờ í”. Kitzi chợt thấy mình mỉm cười khi nhớ lại những giờ phút sung sướng cô ngồi cạnh bố trên chiếc ghế cao, hẹp của cỗ xe lăn bánh trên những con đường nóng thiêu, bụi bặm ở quận Xpotzylvaniơ; những lần khác cô cùng ông Kunta tay trong tay, bước dọc theo hàng rào dẫn đến con suối, nơi sau đó, cô lại cùng Nâuơ, tay trong tay, dạo gót. Cô nói với Joóc: “Ông con thích nói cho mẹ biết tên các thứ bằng tiếng Phi. Dư cái vĩ cầm, ông gọi là , hay con sông là Kămby Bôlôngô, hàng lô dững chữ khác hẳn, nghe ngồ ngộ dư thế”. Cô nghĩ cha cô, dù ở đâu, ắt cũng sẽ vui lòng nếu cháu trai của ông cũng biết những từ Phi.

 

“Kô” Kitzi nói rành rẽ. “Con nói được thế không?”

 

“Kô” Joóc nói.

“Được, con thông minh lắm: Kămby Bôlôngô!” Joóc lặp lại hoàn toàn đúng, ngay từ lần đầu. Cảm thấy mẹ không muốn tiếp tục, nó đòi hỏi: “Nói thêm con nghe tí nữa, mẹ!” Tràn ngập yêu thương đối với con, Kitzi hứa sẽ kể thêm sau, rồi, mặc cho thằng bé phản đối, cứ đặt nó vào giường.