Cội Rễ

Chương 69

“Nó giống hệt một con búp bê nhọ xinh xinh” “mămzen” An reo lên, thích mê, nhảy cẫng, khoái chá vỗ tay khi nhìn thấy Kitzi lần đầu trong bếp của Bel, ba ngày sau. “Nó có thể là của em được không?”.

Bel toét miệng cười, vui thích. “À, nó là của tui và của bố nó, cưng ạ, nhưng hễ nó đủ nhớn một cái là cưng có thể tha hồ chơi với nó, chắc chắn thế!”.

 

Và chị giữ lời hứa như thế. Thường thường, cứ khi nào đến nhà bếp để hỏi xem ông chủ có cần xe hay không, hoặc chỉ là để thăm Bel, là Kunta lại thấy con bé cháu gái tóc hoe của mexừ, giờ đã lên bốn, cúi xuống nựng Kitzi nằm trong một cái giỏ. “Xinh xình xình xinh. Em bé nhớn tí nữa chúng mình chơi tha hồ là vui, em có nghe chị nói hông? Em nhanh nhanh mà nhớn lên nào!” Kunta chẳng bao giờ nói về chuyện ấy, song anh cứ thấy xót xa khi nghĩ là con bé tubốp ấy làm như thể Kitzi ra đời để làm đồ chơi cho nó, như một con búp bê kỳ lạ vậy. Thậm chí Bel không đủ ý thức tôn trọng cương vị của anh là người đàn ông trong nhà và là người bố, để hỏi xem anh cảm nghĩ thế nào về chuyện để con gái anh chơi với con gái của kẻ đã mua anh như một món hàng, Kunta cay đắng nghĩ thầm. Đôi khi anh có cảm giác như Bel không quan tâm đến tình cảm của anh bằng tình cảm của ông chủ. Anh không còn nhớ là chị đã bỏ bao nhiêu tối chỉ nói độc một chuyện “mămzen” An đến thế chỗ con gái đích thực của mexừ Uolơ chết cùng với mẹ nó ngay lúc mới đẻ, thật là đại phúc.

“Ôi, lạy Chúa, chỉ nghĩ lại chuyện í, tui cũng không muốn”, một đêm, chị sụt sịt nói với anh: “Tội nghiệp bà chủ Prixilơ bé nhỏ xinh xắn, bà í chả to hơn con chim là mấy. Ngày nào cũng đi quanh quéo ở đây, khẽ hát một mình, mủm mỉm cười với tui rồi lại vỗ vỗ vào bụng, chỉ ngong ngóng chờ đến ngày sinh nở. Thế rồi cái buổi sáng hôm í, chỉ những la thét và cuối cùng là chết, cả mẹ lẫn con! Tội nghiệp mexừ, từ bấy, xem ra chả mấy khi tui thấy ông mỉm cười – chả gì cũng là suốt cho đến lúc có “mămzen” An này”.

 

Kunta không hề thương hại cho sự cô đơn của ông chủ, nhưng anh cảm thấy có lẽ nếu lại lấy vợ, ông ta sẽ bận bịu không còn nhiều thì giờ chăm bẵm cháu gái và cách đó hầu như chắc chắn sẽ cắt bớt những cuộc đến thăm đồn điền của “mămzen” An – và do đó, khiến nó ít có cơ hội chơi với Kitzi.

“Từ bấy, tui cứ ngắm ông chủ ẵm cô bé í lên lòng, ghì sát vào người như thế nào, nói chuyện với nó, ru nó ngủ ra sao, rồi cứ ngồi nguyên thế chứ không chịu đặt nó vào giường. Cứ như thể ông không muốn rời mắt khỏi nó suốt thời gian nó ở đây í. Và tui biết đó là vì lòng ông thương cha nó”.

 

Bel thường bảo anh: nếu “mămzen” An có bạn, năng đến nhà ông chủ hơn trước, thì chỉ càng khiến ông chủ âu yếm hơn đối với cả hai đứa, chưa kể là đối với riêng Kitzi. Còn Me-zừ Jon và bà vợ ốm yếu, thì chắc cũng chẳng lấy gì làm phật ý về việc con gái họ ngày càng đặc biệt gần gũi chú nó “bởi vì, chị lý luận một cách ranh mãnh, như vậy họ sẽ cho là họ càng nhích lại gần đồng tiền của ông chủ hơn”. Chị nói dù mexừ anh ông chủ có ra điều ta đây như thế nào đi nữa, chị cũng biết tỏng là thỉnh thoảng lão vẫn vay tiền của ông và Kunta đủ sáng suốt để hiểu là nên tin lời chị - không phải là anh thực sự quan tâm đến chuyện tubốp nào giàu hơn tubốp nào, bởi vì đối với anh, bọn họ ai nấy đều như nhau cả thôi.

 

Giờ đây, từ khi Kitzi ra đời, những lần đánh xe đưa ông chủ đi thăm bệnh nhân và bạn bè, Kunta luôn luôn chợt thấy mình chia sẻ nỗi mong ước mà Bel thường hay thổ lộ, là ông chủ lấy vợ kế - mặc dù lý do của anh hoàn toàn khác với của chị. “Tui thấy ông í thật tội nghiệp, cứ sống thui thủi một mình trong ngôi nhà lớn í! Thật tình, tui cho rằng bởi thế cho nên ông í cứ biểu mình đánh xe hai thầy trò rong ruổi trên đường, ông chỉ muốn di động không ngừng còn hơn là ngồi quanh quẩn đấy một mình. Lạy Chúa, cả đến “mămzen” An cũng thấy thế! Lần đến chơi vừa rồi, tui đang dọn bữa trưa cho hai chú cháu ăn, bỗng dưng nó hỏi độp một cái: “chú Uyliơm, sao chú không có vợ như mọi người khác?” Và tội nghiệp, ông í chả biết nói sao cả.

 

Tuy anh không bao giờ kể lại cho Bel nghe vì anh biết tính chị rất thích dòm ngó vào chuyện riêng của đám tubốp. Kunta biết có ối phụ nữ hễ thấy Kunta ngoặt vào lối nhà mình là chạy ra đón xe ông chủ, gần như rón rén trên đầu ngón chân. Chị bếp da đen to béo ở nhà một bệnh nhân chữa mãi không khỏi của ông chủ, đã nói với Kunta, giọng khinh bỉ: “Cái mụ mặt trơ trán bóng đáng ghét này chẳng có bệnh gì ghê gớm mà ông chủ anh không mau chóng chữa lành được. Mụ đã đẩy một người đàn ông xuống mồ vì những thói ngang ngược, độc ác và bi giờ mụ kêu bệnh chỉ cốt kéo ông chủ anh tiếp tục trở lại đây. Tui ước gì ông í thấy mụ quát tháo, rầy la đám nhọ bầy tui ngay sau khi thầy trò anh đi khỏi, cứ như thể bọn tui là những con la hay là cái quái gì đó, và mụ chả bao giờ đụng đến các thứ thuốc men mà ông í cho mụ đâu?”. Có một nữ bệnh nhân khác bao giờ cũng tiễn ông chủ ra tận cổng khi ông ra về, níu lấy một cánh tay ông như sợ ngã, mắt ngước nhìn thẳng vào mặt ông trong khi tay phe phẩy quạt một cách yếu ớt. Nhưng đối với cả hai người đàn bà này, bao giờ ông chủ cũng tỏ thái độ rất trịnh trọng và cứng nhắc, và các cuộc thăm bệnh xem ra bao giờ cũng ngắn hơn ở chỗ các bệnh nhân khác.

 

Cứ thế, ngày tháng cứ tiếp tục trôi qua “mămzen” An vẫn mỗi tuần độ hai lần được đưa đến thăm ông chú Uolơ và mỗi lần, đều bỏ hàng giờ chơi đùa với Kitzi. Mặc dù không thể làm gì để ngăn cản, Kunta vẫn cố tìm cách để chí ít cũng tránh khỏi để nhìn chúng cặp kè với nhau, nhưng dường như chúng ở bất kỳ chỗ nào anh hướng mắt tới và anh không tài nào trốn thoát cái cảnh đứa cháu gái ông chủ vỗ nựng, hôn hít hoặc nâng niu chầm bặp con gái nhỏ của anh. Điều đó làm anh tràn đầy kinh tởm – và nhắc anh nhớ đến một câu tục ngữ Phi từ thời tổ tiên xa xưa: “Rốt cuộc, bao giờ con mèo cũng ăn thịt con chuột cùng chơi đùa với nó”.

 

Điều duy nhất khiến Kunta chịu đựng được là những ngày đêm giữa các cuộc đến thăm của con bé. Khi Kitzi bắt đầu biết bò thì đã vào hè, tối tối, Bel và Kunta ở trong lều riêng sung sướng ngắm nó thoăn thoắt bò quanh sàn nhà, cái đít xinh xinh quấn tã nhổm lên. Nhưng rồi “mămzen” An lại xuất hiện và hai đứa tót đi, đứa lớn nhảy cỡn vòng quanh đứa bé, hò la: “Tiến lên, Kitzi, tiến lên!” và Kitzi cố hết sức bò thật nhanh để đuổi theo, cổ họng phát ra những tiếng ừng ực đầy thích thú vì trò chơi và vì được chú ý. Những lúc ấy, Bel khoái chá, mặt tươi hơn hớn, song chị biết rằng dù Kunta đang lái xe cho ông chủ, chỉ cần anh phát hiện ra “mămzen” An đã có mặt ở đấy, là y như rằng đêm đó anh trở về với bộ mặt lì lì, đôi môi mím chặt và cho đến sáng, cứ như người mất hồn, làm cho Bel hết sức bực mình. Nhưng khi suy xét đến những điều có thể xảy ra nếu Kunta bộc lộ tình cảm bằng cách nào đó, dù chỉ là mập mờ, khiến ông chủ biết được, thì chị cũng thấy hơi sợ khi anh có thái độ như vậy.

 

Cho nên, Bel cố thuyết phục Kunta rằng quan hệ đó không thể gây hại gì miễn là anh có thể dằn lòng chấp nhận nó. Có nhiều trường hợp – chị nói với anh – những đứa con gái da trắng lớn lên và suốt đời một lòng một dạ chân thành và thậm chí trung thành sâu sắc với các bạn da đen cùng chơi đùa thuở ấu thơ. “Trước khi mình bắt đầu làm công việc lái xe”, chị nói, “có một bà chủ da trắng ở cữ bị chết – y như bà vợ ông chủ ta – khác cái là đứa con gái lại sống sót và nó bú sữa một phụ nữ da đen cũng có một đứa con gái riêng. Hai gái con lớn lên, gần như hai chị em, thế rồi mexừ í lấy vợ kế. Nhưng bà chủ mới này rất không muốn hai con bé gần nhau, cuối cùng bà ta xúi được mexừ í bán cả hai mẹ con con bé da đen đi”. Nhưng từ lúc ấy trở đi, chị kể tiếp, con bé da trắng cứ lên cơn động kinh liên tục, đến nỗi phải mời đi mời lại mexừ Uolơ luôn; mãi về sau, cuối cùng mexừ bảo người cha rằng nếu không kiếm con bé da đen mang về, con gái ông sẽ buồn phiền, ngày càng yếu đi mà chết thôi. Mexừ í suýt nữa thì lấy roi quất cho bà vợ mới một trận. Ông ta phóng ngựa đi và tiêu không biết bao nhiêu tiền để tìm lại được lão buôn người da đen đã đem hai mẹ con con bé đi và chuộc lại của ông chủ mới đã mua hai mẹ con từ tay lão buôn nô lệ. Nhưng rồi ông ta mang con bé da đen về và kiếm một tay luật sư, làm chứng thư chuyển nhượng nó thành sở hữu của con gái ông ta”, và Bel nói là, đến tận bây giờ, sau bao nhiêu năm, cô gái da trắng mặc dầu đã là phụ nữ trưởng thành vẫn không bao giờ bình phục hẳn. “Cô gái da đen vẫn sống ngay bên cạnh, săn sóc cô bạn và không cô nào lấy chồng cả!”.

 

Theo quan niệm của Kunta, ví thử Bel định đưa câu chuyện đó để bài bác tình bạn giữa người da đen và người da trắng, chứ không phải là để ủng hộ khuynh hướng ấy, thì quả chị khó có thể biện bác hùng hồn hơn.