Cội Rễ

Chương 64

Trong mấy ngày tiếp theo, hôm nào không phải đánh xe đưa me-xừ đi đâu, Kunta dành cả sáng lẫn chiều để tra dầu mỡ và lau chùi xe. Vì anh ở ngay ngoài chuồng ngựa trước mắt mọi người, nên không ai có thể bảo là anh lại tự biệt lập, nhưng đồng thời công việc này khiến anh luôn bận rộn, không còn thì giờ đâu mà chuyện trò với bác vĩ cầm và ông già làm vườn – mà anh vẫn còn bực vì những điều họ nói về anh và Bel.

Việc tách riêng một mình còn cho anh nhiều thời gian hơn để phân loại những tình cảm của anh đối với chị. Những lúc nghĩ đến điều gì anh không ưa ở chị, chiếc giẻ lau trong tay anh lại loang loáng cọ như điên vào lớp da bọc, và lúc nào cảm nghĩ về chị ưu ái hơn, thì nó khoan thai và sảng khoái chuyển động trên mặt ghế, thi thoảng gần như dừng lại khi tâm trí anh vấn vương với một ưu điểm nào đó khiến không ai giận được chị. Bất kể chị có những khuyết điểm gì đi nữa, anh vẫn phải thừa nhận rằng trong những năm vừa qua, chị đã làm rất nhiều vì những lợi ích tốt đẹp nhất của anh. Anh cảm thấy chắc chắn rằng thậm chí Bel đóng một vai trò kín đáo trong việc gợi cho me-xừ chọn anh làm lái xe. Rõ ràng là theo lối tinh tế của mình, Bel có ảnh hưởng đối với me-xừ hơn bất kỳ ai khác ở đồn điền, hoặc có lẽ hơn cả tất thảy mọi người cộng lại. Và một loạt những điều vụn vặt hơn diễu qua trong óc Kunta. Anh nhớ lại một lần, khi anh còn làm vườn, Bel để ý thấy anh luôn luôn rụi mắt trong cơn ngứa đến phát điên. Chẳng nói chẳng rằng, một buổi sáng, chị ra vườn mang theo mấy cái lá rộng còn ướt sương và rũ cho những hạt sương đó giỏ vào mắt anh, chẳng bao lâu liền hết ngứa.

Chẳng phải anh bớt gay gắt đi chút nào đối với những điều anh không đồng tình ở Bel, nghĩ vậy, chiếc khăn lau lại tăng tốc độ - đặc biệt anh nhớ đến thói quen đáng tởm của chị là hút thuốc lá bằng ống điếu. Càng chướng tai gai mắt hơn nữa, là cái cách nhảy múa của chị mỗi khi có dịp hội hè đình đám trong đám người da đen. Anh không nghĩ rằng phụ nữ không nên nhảy múa, song có nhảy thì cũng nên một vừa hai phải thôi, đừng có cuồng nhiệt quá. Điều làm anh khó chịu là Bel dường như vượt ra ngoài khuôn khổ với cái lối ngoáy mông mà anh chắc đó là lý do khiến bác vĩ cầm và ông lão làm vườn đã nói những điều về chị trong bữa trước. Cố nhiên bộ mông của Bel chả dính dáng gì đến anh; anh chỉ muốn chị tỏ ra tự trọng hơn chút nữa – và luôn thể, tôn trọng anh cùng những người đàn ông khác hơn chút nữa. Cái miệng lưỡi của chị, anh cảm thấy thế, còn nanh nọc hơn cả bà già Nyô Bôtô nữa kia. Anh không phản đối cái tính hay chỉ trích vạch vòi của chị nếu chị giữ những ý kiến chỉ trích cho riêng mình, hoặc trong đám phụ nữ tụ họp với nhau như kiểu ở Jufurê.

Khi Kunta lau xong xe, anh bắt đầu tra dầu mỡ, đánh bong các đồ thắng đai bằng da, và trong khi làm việc này, vì một lý do nào đấy, anh bỗng nhớ đến những ông già ở Jufurê thường hay đẽo các đồ vật bằng những khúc gỗ như cái phiến gỗ hồ đào cao bằng đầu gối anh đang ngồi đây. Anh hình dung lại các cụ thoạt tiên chọn lựa rất cẩn thận, rồi xem xét kỹ lưỡng một khúc gỗ nào đó thật khô trước khi đụng rìu, đụng dao vào.

Kunta đứng dậy và lật khúc gỗ hồ đào nằm ngang ra làm lũ dán ở dưới chạy tán loạn. Sau khi xem xét thật kỹ cả hai đầu khúc gỗ, anh lăn đi lăn lại, lấy một thanh sắt gõ vào nhiều chỗ khác nhau, đều nghe thấy cùng một tiếng khô giòn chắc nịch. Anh thấy cái phiến gỗ hảo hạng này để nằm trơ đây thì chẳng có ích lợi gì. Rõ ràng nó có mặt ở chỗ này chỉ vì một người nào đó đã đặt nó ở đó từ lâu và không ai buồn di chuyển nó đi. Nhìn quanh cho chắc chắn là không có ai theo dõi, Kunta lăn nhanh khúc gỗ về lều mình, dựng đứng nó trong một góc, đóng cửa lại và quay về làm việc.

Đêm ấy, sau khi đưa me-xừ trở về từ một chuyến đi lên tỉnh tưởng như bất tận, Kunta thấy không thể ngồi ăn cho hết bữa tối trước khi ngắm nghía khúc gỗ hồ đào thêm một lần nữa, cho nên anh mang luôn thức ăn về lều. Thậm chí không buồn để ý xem mình đang ăn gì, Kunta ngồi bệt xuống sàn trước khúc gỗ và xem xét nó trong ánh nến chập chờn ở trên bàn. Anh thấy hiện lên trong trí cái cối và cái chày do Ômôrô đẽo cho Binta, đã mòn nhẵn đi qua bao nhiêu lần nghiền giã ngô.

Những khi me-xừ Uolơ không cần đi đâu, Kunta bắt đầu lấy một cái rìu sắc chặt chặt đẽo đẽo khúc gỗ, rập rạp thành hình vành ngoài của một cái cối giã ngô – gọi là để tiêu thì giờ rỗi rãi mà thôi, theo như anh tự nhủ mình. Đến ngày thứ ba, với một cái búa và một cái đục, anh khoét lòng trong cối, cũng mới tàm tạm qua loa, rồi bắt đầu lấy dao đẽo gọt.

Sau một tuần, Kunta ngạc nhiên thấy các ngón tay mình thoăn thoắt cử động xiết bao khéo léo, bởi lẽ phải xét thấy rằng đã hơn hai chục vụ mưa rồi, anh không được xem các già làng chạm khắc đồ dùng.

Khi đẽo xong cả trong lẫn ngoài cối, anh kiếm một cành hồ đào khô già thẳng băng, to bằng cánh tay anh, chẳng mấy chốc đã biến thành cái chày. Đoạn anh bắt tay vào làm nhẵn phần trên của cái cán, mới đầu bào bằng dũa, rồi bằng dao và cuối cùng bằng một mảnh kính.

Xong xuôi đâu đấy, cả cối lẫn chày được đặt trong một góc lều của Kunta khoảng hai tuần nữa. Thỉnh thoảng anh lại ngắm nghía, bụng nghĩ là giá có đặt nó trong bếp của mẹ mình ắt cũng xứng đáng, chẳng hề lạc lõng tí nào. Nhưng giờ đây, hoàn thành rồi, anh phân vân không biết làm gì với nó, chí ít đó cũng là điều anh tự nhủ với mình. Thế rồi, một buổi sáng, thực bụng không hề nghĩ tại sao mình lại làm thế, Kunta cầm lấy bộ cối, chày, mang theo mình khi anh đến hỏi lại Bel xem me-xừ sáng nay có định đi đâu không. Kunta đợi cho chị sây lưng lại và chợt thấy mình đặt cối, chày lên bậc cửa, rồi quay phắt bỏ đi thật nhanh. Khi tai Bel thoáng thấy tiếng bịch nhè nhẹ khiến chị quay người lại, mới đầu chị trông thấy Kunta tập tễnh lảng đi, còn hối hả hơn cả mọi khi, rồi chị nhìn thấy cái cối và cái chày trên bậc cửa.

Đi ra cửa, chị ngó theo Kunta cho đến khi anh khuất bóng, đoạn mở rộng cánh cửa và nhìn xuống bộ cối giã, chị sững cả người. Nhấc bộ cối lên mang vào trong bếp, chị kinh ngạc ngắm nghía những đường chạm khắc công phu, rồi chị bắt đầu khóc.

Đây là lần đầu tiên trong hai mươi năm chị ở đồn điền Uolơ, có một người đàn ông tự tay làm một cái gì cho chị. Chị thấy trào lên trong lòng cái cảm giác phạm lỗi về cách chị đối xử với Kunta và chị nhớ lại gần đây bác vĩ cầm và ông lão làm vườn đã có thái độ đến kỳ cục khi chị phàn nàn với họ về anh. Hẳn họ đã biết chuyện này – song chị không dám chắc vì chị biết Kunta vốn kín miệng và dè dặt như thế nào theo cái tác phong Phi châu của anh.

Bel bối rối không biết nên nghĩ như thế nào – hoặc nên cư xử như thế nào vào lần tới, khi anh đến hỏi lại về chuyện đi đứng của me-xừ sau bữa trưa. Chị lấy làm mừng ít ra cũng còn nốt buổi sáng để quyết định thái độ về chuyện này. Trong khi đó, Kunta ngồi trong lều riêng, cảm thấy như mình là hai người, một lấy làm nhục nhã hết sức vì cái điều rồ dại và lố bịch mà người kia vừa làm – đã thế lại còn phấn khởi và sung sướng hồ như mê cuồng lên về điều đó. Cái gì đã khiến anh làm thế? Chị ta sẽ nghĩ thế nào? Anh thấy sợ phải trở lại bếp sau bữa trưa.

Cuối cùng, tới giờ đó, Kunta lụi hụi lê bước dọc lối đi như thể đang ra pháp trường. Khi thấy bộ cối, chày đã biến khỏi bậc cửa sau bếp, tim anh cùng một lúc vừa nhảy lên vừa thót xuống. Tới chỗ cửa chắn gió, anh thấy là chị đã để nó ngay bên trong, như cách chưa rõ tại sao Kunta lại bỏ nó ở đó. Quay lưng lại khi anh gõ cửa – làm như không nghe thấy anh đi tới – chị cố tỏ ra bình tĩnh khi rút then và mở cửa cho anh vào. Đó là một dấu hiệu xấu; đã mấy tháng rồi, chị không hề mở cửa cho anh. Nhưng anh thì lại muốn vào; tuy nhiên, anh không thể ra mặt đi bước trước này để làm lành. Chôn chân ở chỗ mình đứng, anh thản nhiên hỏi về me-xừ, và Bel, giấu nỗi tổn thương tình cảm và bối rối của mình, cố trả lời cũng với vẻ thản nhiên như thế, rằng me-xừ nói chiều nay không định đi đâu bằng xe cả. Khi Kunta quay lưng định đi, chị nói thêm, lòng khấp khởi hy vọng. “Me-xừ viết thư suốt ngày”. Tất cả những gì Bel đã nghĩ sẵn định nói bay biến khỏi đầu và khi anh lại quay lưng định đi, chị nghe thấy miệng mình buột ra “Cái gì đây?”, đồng thời khoát tay về phía cái cối và cái chày.

Kunta ước gì mình ở bất cứ nơi nào khác trên trái đất. Nhưng cuối cùng, anh trả lời gần như giận dữ: “Để cho đằng í giã ngô mà”. Bel nhìn anh với những niềm xúc động xáo trộn giờ đây lộ rõ trên nét mặt. Nắm lấy sự im lặng giữa đôi bên làm cớ để tháo lui, Kunta quay gót và hấp tấp đi, không nói thêm lời nào. Bel đứng sững đó, cảm thấy mình như kẻ ngây dại.

Trong hai tuần sau, ngoài việc chào hỏi nhau, không ai nói với ai điều gì. Rồi một hôm, ở ngay cửa bếp, Bel đưa cho Kunta một ổ bánh ngô tròn. Lầm rầm cảm ơn, anh mang về lều và ăn ngay chiếc bánh đẫm những bơ và còn nóng nguyên vừa lấy ra khỏi chảo. Anh xúc động sâu sắc. Chắc chắn là chị đã làm bánh bằng bột giã trong chiếc cối anh cho chị. Nhưng ngay cả trước đó, anh đã quyết định phải nói chuyện với Bel. Khi đến hỏi công việc sau bữa trưa, anh gắng gượng nói cái câu anh đã ôn đi ôn lại cẩn thận và thuộc lòng: “Đây muốn nói mới đấy một câu sau khi ăn tối”. Bel không trì hoãn câu trả lời quá lâu. “Đây thì thế nào cũng được”, chị nói quá vội, đâm tiếc.

Đến giờ ăn tối, Kunta đã đi đến chỗ tự khiến mình lo ngại bồn chồn. Tại sao chị lại nói thế? Có thật chị dửng dưng như vẻ bề ngoài không? Và nếu đúng vậy, tại sao chị lại làm bánh ngô cho anh? Anh cần phải hỏi chị cho ra nhẽ. Nhưng cả anh lẫn Bel đều quên không hẹn đích xác gặp nhau vào lúc nào hoặc ở đâu. Hẳn chị muốn anh gặp chị ở lều của mình, cuối cùng anh khẳng định vậy.  Song anh lại hết sức mong muốn có một ca bệnh đột xuất vời đến me-xừ Uolơ. Khi không có gì và biết không thể trì hoãn thêm được nữa, anh thở một hơi thật sâu, mở cửa lều và làm ra bộ thản nhiên, đi nhẩn nha đến chỗ chuồng ngựa. Trở ra ngoài, tay vung vẩy một bộ thắng đái mà anh cho là có thể thoả mãn sự tò mò của bất kỳ người nào tình cờ trông thấy anh và thắc mắc tại sao anh lại quanh quẩn ngoài ấy, Kunta sải bước xuôi xóm nô tới lều Bel và nhìn quanh cho chắc chắn là không có ai – rất sẽ sàng gõ cửa.

Cửa mở ra gần như trước khi khớp đốt ngón tay anh kịp chạm vào mặt gỗ và Bel lập tức bước ra ngoài. Liếc nhìn bộ thắng đái, rồi nhìn Kunta, chị không nói gì – và khi thấy anh cũng lặng thinh, chị bắt đầu chậm rãi đi về phía hàng rào đằng sau; anh sánh bước bên cạnh chị. Vầng trăng nửa vành bắt đầu lên và trong ánh trăng mờ nhạt, họ đi bên nhau không nói một lời. Khi một cây leo bò sát mặt đất vướng vào chiếc giày bên chân trái anh, Kunta vấp rúi – vai anh chạm sượt vào người Bel – và anh gần như vùng ra. Vắt óc tìm một điều gì – bất kỳ điều gì – để nói, anh bỗng cuồng nhiệt ước gì mình đang đi với ông già làm vườn hay bác vĩ cầm, hay thực tế là bất kỳ ai trừ Bel.

Cuối cùng, chính chị đã phá vỡ im lặng. Chị đột ngột nói: “Người da trắng đã đưa tướng Uosinhtơn ra tuyên thệ làm Tổng thống đấy”. Kunta những muốn hỏi chị thế là thế nào nhưng lại thôi, hy vọng là chị tiếp tục nói. “Và một me-xừ khác tên là Jon Ađơmz là Phó tổng thống”, chị nói tiếp.

Phân vân, anh cảm thấy mình cần nói điều gì để duy trì câu chuyện. Cuối cùng, anh nói: “Hôm qua đây đánh xe cho me-xừ đến thăm con bé của anh trai me-xừ”, và lập tức cảm thấy mình ngố vì anh thừa biết là Bel đã biết chuyện đó rồi.

“Lạy Chúa, me-xừ quý con bé í thật!” Bel nói cảm thấy dơ, vì lần nào nhắc đến Mămzen An, chị cũng chỉ nói độc có thế. Im lặng lại sâu thêm chút nữa, rồi chị nói tiếp. “Đây chẳng biết đấy hiểu ngần nào về anh trai me-xừ. Ông í là thư ký toà Thị chính Xpotxylvanya, dưng mà chẳng có đầu óc dư me-xừ của ta đâu”, Bel lặng lẽ đi mấy bước nữa. “Đây cứ luôn dỏng tai chộp dững chuyện vặt hở ra. Đây biết vô khối chuyện, biết nhiều hơn người ta tưởng cơ”.

Chị đưa mắt nhìn Kunta “Đây chả bao giờ thiết cái me-xừ Jon đâu – và đây chắc đấy cũng thế - dưng có một điều đấy cần biết về ông í, mà đây chưa kể cho đấy nghe bao giờ. Không phải ông í sai chặt chân đấy đâu. Thực ra, ông í đã nổi cáu với bọn cặn bã da trắng mạt hạng làm việc í. Ông í thuê bọn nó đem chó lùng bắt đấy, và bọn nó biểu duyên do bọn nó làm thế là vì đấy định giết một đứa trong bọn bằng một hòn đá”. Bel ngừng một lát. “Đây còn nhớ như mới ngày hôm qua quận trưởng cảnh sát Brúc hộc tốc mang đấy tới cho me-xừ của ta”. Dưới ánh trăng, Bel nhìn Kunta. “Đấy gần như sắp chết, me-xừ biểu vậy. Me-xừ điên tiết lên khi me-xừ Jon biểu không cần đến đấy nữa vì đấy mất chân rồi, me-xừ thề là sẽ mua đấy của me-xừ kia và me-xừ làm thế thật. Đấy đã xem đích bản chứng thư me-xừ mua đấy. Me-xừ lấy một cái trại lớn cùng với đấy, trừ tiền ông anh trai nợ me-xừ. Đó là cái trại to có cái đầm ở ngay chỗ đường cái lượn quanh, đấy vẫn đi qua luôn í mà”.

Kunta nhớ ra ngay cái trại. Anh có thể hình dung ra cái đầm và những cánh đồng bao quanh. “Dưng mà dững vụ giao dịch í chả can hệ gì, vì tất cả dững người trong gia đình Uolơ rất là khăng khít”, Bel nói tiếp. “Họ nằm trong số những gia đình lâu đời nhất ở Vơginia. Thực đấy, ngay cả trước khi vượt biển sang đây, họ đã là một gia đình lâu đời ở cái nước Anh. Có đủ các thứ “Ngài” và vân vân, tất cả đều thuộc Giáo hội Anh quốc. Có một người làm thơ, tên là me-xừ Etmơn Uolơ. Em trai ông í, me-xừ Jon Uolơ, là người đến đây trước nhất. Ông mới mười tám tuổi, đây nghe me-xừ kể lại thế, khi vua Tsáclơ Đệ nhị nào đó cho ông một miếng đất lớn ở chỗ bi giờ là hạt Kent”.

Trong khi Bel nói, họ chậm bước lại nhiều và Kunta rất bằng lòng thấy chị chuyện trò luôn miệng, tuy anh đã nghe một số đầu bếp khác của gia đình Uolơ kể ít nhất là một đôi điều chị đang nói, cho dù anh sẽ chẳng bao giờ để chị biết thế.

“Quanh quẩn thế nào rồi cái me-xừ Jon Uolơ í lại lấy một mămzen Ki, rồi họ xây cái tư thất Enfin mà đấy vẫn đưa me-xừ đến thăm bố mẹ í. Và họ có ba con giai, đặc biệt Jon-thứ-hai là con út thì vô số chức vị - làm quận trưởng cảnh sát đọc luật vanh vách, rồi  vào viện Dân biểu, lại góp công lập nên Fvidirichbơg và tập hợp thành hạt Xpotxylvanya. Chính me-xừ í và bà đầm Đôrôthy đã xây cái tư thất Niupo và hai vợ chồng được sáu người con. Và cố nhiên, họ sinh sôi nảy nở tất cả, con cái nhà Uolơ bắt đầu lan tràn khắp nơi, rồi lớn lên và lại sinh con đẻ cái. Me-xừ nhà ta và các người khác trong họ Uolơ ở quanh đây chỉ là một dúm trong số bọn họ. Cả bọn họ cũng rặt là dững người rất được kính nể, quận trưởng cảnh sát, cha cố, chánh văn phòng, dân biểu hoặc đốc tờ dư me-xừ nhà ta, ói người đã chiến đấu trong cách mạng, đây cũng chả biết hết được.

Kunta bị thu hút vào câu chuyện của Bel đến nỗi anh giật bắn người khi chị dừng bước lại. “Ta về đi thì hơn”, chị nói. “Cứ đi vơ vẩn ngoài các đám cây cỏ này hàng giờ thì sáng mai đến ngủ quá giấc mất”. Họ lộn lại và khi Bel im lặng một phút còn Kunta cũng chẳng nói gì, chị bèn hiểu rằng anh sẽ chưa thổ lộ với mình cái điều anh mang trong tâm tình, cho nên chị tiếp tục chuyện gẫu về bất cứ cái gì chợt đến trong đầu cho tới lúc họ về đến lều chị; tới đây, chị quay lại đối diện với anh và im lặng. Anh đứng đó nhìn chị một lúc lâu khắc khoải, rồi cuối cùng, anh nói “Ờ đấy nói phải, muộn rồi. Vậy mai gặp lại nhá” Trong khi anh đi khỏi, tay vẫn mang bộ thắng đái. Bel nhận ra là anh chưa hề nói với chị cái điều anh muốn nói. Thôi được, chị tự nhủ - sợ phải nghĩ rằng đó có thể đúng là điều chị dự đoán - trước sau rồi anh ta cũng sẽ phải mon men đến chuyện đó vào đúng lúc của anh ta.

Chị không vội gì cũng phải thôi, vì tuy Kunta bắt đầu bỏ rất nhiều thời gian tới ngồi lì trong bếp của Bel trong khi chị làm việc, song cũng như mọi khi, phần lớn vẫn toàn là chị nói. Nhưng chị thích có anh ngồi đấy nghe. “Đây vừa khám phá ra”, một hôm chị bảo anh, “là me-xừ đã viết một tờ di chúc nói rằng nếu me-xừ chết mà không có vợ, các nô lệ của me-xừ sẽ thuộc về mămzen bé An. Dưng di chúc còn nói nếu me-xừ lấy vợ, thì người vợ sẽ được cánh nô lệ chúng ta khi me-xừ chết”. Ngay cả như thế Bel hình như cũng chẳng lo lắng vô ích. “Chắc chắn quanh đây, ói nàng thích vớ được me-xừ. dưng me-xừ chẳng bao giờ lấy ai nữa đâu”. Chị ngừng một lát, “Cũng dư đây chả lấy ai nữa”.

Kunta suýt đánh rơi cái đĩa khỏi tay. Anh dám chắc mình đã nghe đúng ý Bel và choáng người khi biết trước đây Bel đã từng có chồng, bởi vì anh không thể nghĩ rằng một người vợ như ý mình lại không còn là gái trinh. Kunta vội vàng ra khỏi bếp và về lều mình. Anh biết là mình phải suy nghĩ thật kỹ về vấn đề này.

Hai tuần lễ im lặng trôi qua, rồi một hôm Bel thản nhiên mời Kunta đến lều mình ăn tối. Anh sửng sốt đến nỗi không biết nói sao. Anh chưa bao giờ ở một mình trong một căn lều với người đàn bà nào khác ngoài mẹ hoặc bà mình. Điều này ắt là không ổn. Nhưng khi anh không tìm ra lời mà nói, chị bèn dặn anh tới vào lúc nào, và thế là xong.

Anh ngồi trong một cái bồn sắt tây, lấy một cái khăn thô và một bánh xà phòng nâu kỳ cọ từ đầu đến chân. Rồi anh lại kỳ cọ một lần nữa, và thêm lần thứ ba nữa. Đoạn anh lau khô người và trong khi mặc áo quần, anh chợt thấy mình khe khẽ hát một bài hát của làng quê xưa” “Manumbê, cổ em cao, xinh đẹp tuyệt vời…” Cổ Bel không cao, chị cũng chả đẹp song anh phải thừa nhận với chính mình là khi ở gần bên chị, anh có một cảm giác khoan khoái. Và anh biết chị cũng đang cảm thấy thế.

Lều của Bel là căn lều lớn nhất ở đồn điền và ở gần đại sảnh nhất, đằng trước có một vạt đất trồng hoa. Vốn biết căn bếp của chị như thế nào, sự gọn gàng sạch sẽ tinh tươm trong lều không hề làm cho Kunta ngạc nhiên. Căn buồng anh bước vào khi chị mở cửa, có một vẻ tiện nghi ấm cúng, với bức vách gỗ thỏi trát bùn và một ống khói bằng gạch làm lấy từ trên mái loe rộng xuống đến cái lò sưởi lớn, cạnh đó lủng lẳng những dụng cụ nấu nướng bóng lộn. và Kunta nhận thấy là không như lệ thường và như anh, chỉ có một buồng với một cửa sổ, lều của Bel có những hai buồng và hai cửa sổ, cả hai đều lắp cánh trượt có thể kéo xuống khi trời mưa hoặc trở rét. Phòng đằng sau có che rèm, hiển nhiên là chỗ ngủ của chị và Kunta luôn luôn giữ gìn không nghé mắt về phía cửa ấy. Trên cái bàn chữ nhật ở giữa phòng anh đang đứng, có dao dĩa, cùi-dìa đựng trong một cái bình, mấy bông hoa ngắt ở vườn của chị cắm trong một bình khác, và hai cây nến đã thắp trong những giá vững chãi bằng đất sét, và mỗi đầu bàn là một chiếc ghế có thành cao dựa lưng.

Bel mời anh ngồi vào một chiếc ghế đu gần lò sưởi. Anh làm theo, ngồi xuống rất thận trọng, vì anh chưa bao giờ dây vào những thứ máy móc kỳ cục như thế này, nhưng vẫn cố làm ra vẻ tự nhiên như Bel.

“Đây bận quá chưa kịp cả nhóm lửa”, chị nói, và Kunta gần như nhảy vọt khỏi chiếc ghế, sung sướng tìm ra một công việc để mó tay vào làm. Đập mạnh hòn đá lửa vào thanh sắt, anh châm vào nắm bông sơ mà Bel đã đặt dưới những nhánh thông nỏ làm nòm cho những thoi gỗ sồi và lửa nhanh chóng bùng lên.

“Chả hiểu sao mà đây lại biểu đấy đến đây, nhà cửa tanh bành ra, mà đây thì chưa kịp soạn sửa gì cả”, Bel vừa nói vừa lăng xăng với đống nồi niêu xoong chảo.

“Đây mí đấy việc gì mà vội”, Kunta gượng đáp. Nhưng món gà luộc sẵn với bánh hấp mà chị biết Kunta rất thích, chẳng mấy chốc đã sủi ùng ục. Và khi dọn cho anh ăn, chị rầy anh sao mà ngốn ngấu thế. Nhưng anh không vì thế mà bỏ cuộc cho đến đợt thứ ba; Bel ép anh ăn thêm, nói rằng trong nồi vẫn còn chút ít nữa.

“Thôi đây sắp vỡ bụng ra rồi” Kunta thành thật nói. Và sau khi chuyện gẫu thêm mấy phút nữa, anh đứng dậy và bảo mình về. Dừng lại ở cửa ra vào, anh nhìn Bel và Bel nhìn anh, không ai nói gì, đoạn Bel quay mắt đi và Kunta tập tễnh dọc xóm nô về lều mình.

Anh ngủ dậy, lòng phơi phới lâng lâng chưa từng thấy kể từ khi rời châu Phi – nhưng anh không nói cho ai rõ lý do tại sao anh vui vẻ và cởi mở như thế. Song chả nói người ta cũng biết. Họ bắt đầu đồn là có người đã thực mắt thấy Kunta cười tủm tỉm và thậm chí cười to ở trong bếp của Bel. Và thoạt đầu là khoảng mỗi tuần một lần, sau rồi mỗi tuần hai lần, Bel lại mời Kunta đến lều mình ăn tối. Mặc dầu nghĩ bụng rằng thỉnh thoảng cũng phải kiếm cớ thoái thác, song anh không bao giờ đủ sức từ chối. Và Bel luôn luôn nấu những thứ mà Kunta đã cho chị biết ở Gămbia cũng có trồng, chẳng hạn như đỗ đen, mướp tây, lạc ninh hay củ từ rán bơ.

Chuyện trò thì phần lớn nặng về một phía, nhưng xem ra cả hai cùng thấy là chả sao. Đầu đề ưa thích của chị cố nhiên là me-xừ Uolơ và Kunta không bao giờ hết ngạc nhiên thấy Bel hiểu rõ hơn anh biết bao về con người mà anh có biết bao thời gian hơn chị để gần gũi.

“Me-xừ có nhiều cái kỳ lắm”, Bel nói “Dư là tin ở nhà băng, thế cũng được thôi, dưng me-xừ còn giấu tiền nữa cơ; trừ đây ra không ai biết chỗ nào đâu…Với các nhọ của mình, me-xừ cũng rất kỳ. Me-xừ làm bất kỳ cái gì cho đám ấy, dưng hễ ai lung tung là me-xừ bán liền, chả hạn dư Luthơ í”.

“Còn một cái khác, me-xừ cũng thật kỳ”. Bel nói tiếp. “me-xừ không muốn có một nhọ lai nào ở chỗ mình cả. Đấy có bao giờ để ý là, trừ bác vĩ cầm ra, ở đây rặt những nhọ đen cả không? Me-xừ cũng nói rõ ý kiến mình về cái đó nữa cơ. Đây đã nghe thấy me-xừ nói với một trong dững người tai to mặt lớn nhất hạt này – đây muốn nói dững người có nhiều nhọ lai í – là quá nhiều người da trắng có con nô lệ, thành thử họ độc buôn bán máu mủ của chính mình và cái đó cần phải chấm dứt nó đi”.

Tuy không bao giờ để lộ ra và chỉ “ừ - ừ” suốt trong khi Bel nói, Kunta đôi khi chỉ nghe bằng một tai, đồng thời nghĩ sang chuyện khác. Một bận, chị hấp cho anh một cái bánh ngô làm bằng bột giã trong bộ cối anh đẽo cho chị, Kunta hình dung chị giã mạch kê làm bữa điểm tâm ở một làng nào đó bên Châu Phi, trong khi chị  đứng bên cạnh lò kể cho anh là loại bánh này còn gọi là bánh bàn cuốc vì những người nô lệ, khi làm ngoài đồng, thường đặt nó lên bàn cuốc mà nướng.

Thi thoảng Bel còn đưa cho Kunta một vài món đặc biệt mang cho bác vĩ cầm và ông cụ làm vườn. Dạo này anh ít đến thăm họ hơn trước, nhưng xem ra họ cũng thông cảm và thậm chí thời gian vắng nhau lại làm câu chuyện đậm đà thú vị hơn, mỗi lúc họ gặp nhau. Tuy anh không bao giờ bàn với họ về Bel – và họ cũng không nhắc đến chị - nhưng cứ nhìn nét mặt họ cũng đủ rõ họ thừa biết anh ả đang ve vãn nhau, tựa hồ như các cuộc hẹn hò gặp gỡ của anh ả diễn ra ngay ở bãi cỏ trước mặt vậy. Kunta thấy hơi bối rối, nhưng xem ra anh chẳng thể làm thế nào được – vả lại anh cũng không quan tâm lắm.

Điều anh quan tâm hơn là còn có một số vấn đề nghiêm túc anh cần nêu lên với Bel, nhưng anh không làm sao đề cập tới được. Trong số đó, có vấn đề là Bel vẫn giữ trên bức vách phòng đằng trước một tấm hình lớn, đóng khung, của một ông “Jêxu” tóc vàng hoe, hình như là bà con gì với “Đức Chúa Lời” vô đạo của họ. Nhưng cuối cùng, khi anh đủ can đảm nhắc đến chuyện ấy, thì Bel lập túc nói: “Chỉ có hai nơi để mọi người hướng về, thiên đàng và địa ngục, vậy đấy muốn đi đâu là việc của đấy!” Và chị không nói thêm gì về chuyện ấy nữa. Câu trả lời của chị làm anh thất vọng mỗi lần anh nghĩ tới nó, song cuối cùng anh xác định là chị có quyền theo tín ngưỡng của chị, mặc dầu lầm lạc, cũng như anh đã sinh ra với Chúa Ala và anh sẽ chết với Chúa Ala – mặc dầu anh lại không cầu nguyện Người đều đặn nữa từ khi anh bắt đầu năng lui tới Bel. Anh quyết tâm sửa lỗi đó và hy vọng Chúa Ala sẽ tha thứ cho mình.

Dù sao anh cũng không thể quá nghiệt ngã với một người, dù là công giáo, đã tử tế đến thế với một kẻ khác tín ngưỡng, dù kẻ đó xứng đáng như anh. Thực vậy, chị tốt với anh đến nỗi Kunta muốn làm một cái gì đặc biệt cho chị - một cái gì chí ít cũng đặc biệt như bộ cối giã. Cho nên một hôm, trên đường đi đến me-xừ Jon để đón Mămzen An về chơi cuối tuần với me-xừ Uolơ, Kunta dừng lại bên một lùm cói anh vẫn thường để ý và ngắt mấy cây đẹp nhất anh có thể tìm thấy. Trong mấy ngày sau, với số cói tước nhỏ ra và một ít lá ngô trắng, mềm chọn lựa kỹ càng, anh đan một chiếc chiếu rất cầu kỳ, ở giữa có một hoa văn Manđinka táo bạo. Cái chiếu lúc hoàn thành còn đẹp hơn là anh chờ đợi và anh đem tặng cho Bel vào dịp sau chị mời anh đến ăn bữa tối. Từ chiếc chiếu, chị ngước lên nhìn Kunta. “Sẽ không ai được đặt chân lên đây!” Chị kêu lên, quay lại và biến vào trong buồng ngủ. Một lúc sau trở lại, một tay giấu sau lưng, chị nói: “Cái này định làm quà Tết Giáng sinh cho đấy, dưng đây sẽ làm cho đấy một cái gì khác”.

Chị chìa tay ra. Đó là một đôi tất len đan rất đẹp – một chiếc chỉ đến nửa chân, phía dưới lót dầy len mềm. Cả anh lẫn Bel đều chẳng biết nói sao.

Anh ngửi thấy mùi thơm thức ăn chị đang hâm, sắp dọn ra, nhưng một cảm giác kỳ lạ xâm chiếm khắp người anh trong khi họ vẫn đứng nhìn nhau. Đột nhiên Bel nắm lấy tay anh và thổi một cái tắt cả hai ngọn nến; Kunta có cảm tưởng như mình là một chiếc lá bị dòng suối cuốn băng trong khi họ kéo nhau ào qua cái cửa che rèm vào phòng trong và nằm xuống quay mặt vào nhau trên giường. Nhìn sâu vào mắt anh, chị với tay ra, họ sát lại với nhau, và lần đầu tiên trong ba mươi chín vụ mưa đời anh, Kunta ôm một người đàn bà trong tay. 

Hết tập 1