Chẳng bao lâu, các xe đã chất cao ngồn ngộn những bông, rồi những bắp ngô mây mẩy và các tàn thuốc lá vàng rộm được treo lên phơi khô. Người ta giết lợn, pha thành từng khúc, quay bằng củi hồ đào cháy chậm và không khí khói mù đã chuyển lạnh khi mọi người trong đồn điền bắt đầu chuẩn bị cuộc “khiêu vũ ngày mùa”, một dịp quan trọng đến mức cả ông chủ cũng có mặt. Họ náo nức đến nỗi là khi thấy việc này xem chừng không đụng chạm gì tới Chúa Ala của người da đen, Kunta quyết định cũng tham dự – nhưng chỉ đứng xem thôi.
Đến lúc anh có đủ can đảm để tới tham gia liên hoan thì cuộc vui đang rôm rả. Bác vĩ cầm, cuối cùng ngón tay đã dẻo lại, đang cò cưa trên dây đàn và một người khác gõ hai khúc xương bò đánh nhịp trong khi ai đó hô lớn: “Nhảy thưởng bánh!”. Những người tham gia nhảy sắp thành từng cặp và vội vã ùa ra trước mặt bác vĩ cầm. Mỗi phụ nữ đặt chân lên đầu gối người bạn nam trong khi anh ta thắt dây giày cho nàng; đoạn bác vĩ cầm xướng to: “Đổi lộn!” và khi các cặp đổi bạn nhảy lẫn nhau, bác liền kéo đàn như điên, và Kunta thấy bước chân và các động tác uốn mình của những người nhảy mô phỏng việc trồng cấy, đẵn gỗ, hái bông, vung liềm hái, bẻ ngô, dùng chĩa xúc cỏ khô vào xe. Tất cả những cái đó giống hội nhảy mùa ở Jufurê đến nỗi chẳng mấy chốc bàn chân lành lặn của Kunta bất giác giậm nhịp trên mặt đất – cho đến khi anh nhận ra mình đang làm gì và bối rối nhìn quanh xem có ai để ý thấy không.
Nhưng không ai để ý cả. Thực tế, giữa lúc đó, hầu như tất cả đều bắt đầu chú mục vào một cô gái thanh mảnh trạc lứa kafô thứ tư đang rạp mình, xoáy lộn nhẹ như chiếc lông chim, đầu lắc lư, mắt lúng liếng, hai cánh tay lượn những đường nét duyên dáng. Chẳng mấy chốc, các cặp nhảy khác mệt phờ, dẹp sang hai bên để lấy lại hơi và đứng xem; ngay cả người bạn nhảy nam của cô cũng khó mà theo nổi.
Khi anh chàng này hổn hển bỏ cuộc, một tiếng reo nổi lên và khi, cuối cùng, cả cô gái cũng chệnh choạng bước sang bên, cả loạt tiếng la, hú như nuốt lấy cô. Tiếng hoan hô càng to hơn khi me-xừ Uolơ thưởng cô gái một nửa đôla. Và cười toe toét với bác vĩ cầm, trong khi bác này cũng cười và cúi chào đáp lại, me-xừ tạm biệt họ giữa tiếng hò reo càng rộ hơn. Nhưng cuộc nhảy thưởng bánh còn lâu mới chấm dứt và các cặp khác, giờ đây đã nghỉ ngơi, lại ào ra, tiếp tục như trước, dường như sẵn sàng nhảy suốt đêm.
Kunta đang nằm trên ổ ngẫm ngợi về những điều đã trông và nghe thấy thì đột nhiên có tiếng gõ cửa.
“Ai đấy?” anh hỏi, ngạc nhiên vì suốt từ khi anh ở đây, chỉ có hai lần có người đến lều anh.
“Đạp cái cửa này vô, nhọ!”.
Kunta mở cửa vì đó là tiếng bác vĩ cầm; ngay lập tức, anh ngửi thấy hơi thở bác sặc mùi rượu. Mặc dù khó chịu, Kunta vẫn không nói gì, vì bác vĩ cầm đang phát cuồng lên thèm nói chuyện và cự tuyệt bác chỉ vì bác say rượu thì e cũng bất nhã.
“Mầy thấy me-xừ đấy!” bác thầy đờn nói, “Y không ngờ bi giờ tau lị vưỡn có thể đờn cừ thế! Rồi mầy theo dõi mà xem y có xu xếp để tau đờn cho bọn da trắng nghe rồi đem tau cho thuê không nhá!”. Mừng quýnh, bác vĩ cầm ngồi lên chiếc ghế đẩu ba chân của Kunta và tiếp tục con cà con kê.
“Nè, tau đã từng đờn bè hai mí tay cừ nhất nhá! Mầy đã nghe nói đến Xai Jilaiơt ở Richmơnd bao giờ chưa?” Bác ngập ngừng. “Không, cố nhiên là mầy chưa. Phải, đấy là gã nhọ kéo vĩ cầm hay nhất xế giới, mà tau đã đờn mí tay í rồi đó. Nè, hắn chỉ đờn cho các cuộc dạ hội và khiêu vũ lớn của người da trắng mà thôi, tau muốn nói là ví dư Vũ hội đua ngựa hằng năm và dững cuộc tờ tợ dư thế chẳng hạn. Mầy phải trông thấy hắn cầm cây đờn óng ánh vàng, mặc áo triều, đeo tóc giả nâu và lạy Chúa, kiểu cách mới tao nhã nàm sao! Một gã nhọ tên là Lănđơn Brig đứng đằng sau bọn tau, thổi sáo và kèn kla. Nào mơnuyê, nào cuồng vũ, nào côngô, nào múa thủy thủ, nào khoái hoạt vũ, thậm chí chỉ nhảy cẫng thôi – muốn là gì cũng bất cần, bọn tau cứ đờn là cánh da trắng nhảy cuồng lên như vũ bão”.
Bác vĩ cầm cứ thế tiếp tục cả giờ sau – cho đến khi hả hơi men – kể cho Kunta nghe về những ca sĩ nô lệ trứ danh làm việc ở các nhà máy thuốc lá tại Richmơnd, về những nhạc sĩ nô lệ khác tiếng tăm lừng lẫy, chơi các loại đàn “clavơxanh”, “pianô”, “viôlông”, bất kể thứ gì, chỉ học bằng cách nghe các nhạc sĩ tubốp ở một nơi nào đó gọi là “Châu Âu” và vẫn thường được thuê đến các đồn điền để dạy con cái các ông chủ.
Buổi rét dài sáng hôm sau chứng kiến sự khởi đầu những nhiệm vụ mới. Kunta quan sát những phụ nữ trộn mỡ nóng chảy với dung dịch kiềm tro củi và nước, đun lên, ngoáy đảo, rồi đổ chất hỗn hợp đặc quánh màu nâu ấy vào những khay gỗ cho nguội đi, để nó rắn lại trong ba ngày, bốn đêm trước khi cắt thành những bánh xà phòng nâu nâu hình chữ nhật. Anh hết sức ghê tởm khi thấy đám đàn ông làm nên men táo, đào và hồng vàng thành một thứ khăm khẳm đóng vào chai, vào thùng mà họ gọi là “rượu mạnh”. Nhiều người trộn đất sét đỏ dính nháp với nước và lông lợn khô để ép thành phiến làm vách lều. Phụ nữ lấy vỏ ngô nhồi ổ nằm, như ổ của Kunta, có khi còn nhồi bằng thứ rêu mà anh đã thấy phơi khô; và một cái ổ mới cho ông chủ được tọng đầy lông ngỗng.
Người nô lệ đóng đồ gỗ đang làm những chậu giặt mới; quần áo sẽ nhúng vào đấy ngâm nước xà phòng, trước khi đem nấu rồi chất đống trên một phiến gỗ, lấy gậy đập. Người làm đồ da – vòng cổ ngựa, yên cương thắng đai và giày dép – thì đang bận bịu thuộc da bò. Và phụ nữ nhuộm thành các màu khác nhau số vải bông trắng do ông chủ mua để may quần áo. Và y như ở Jufurê, tất cả các bụi rậm, cây leo và hàng rào gần đấy đều phơi những tấm vải đỏ, xanh, vàng.
Mỗi ngày qua đi, không khí càng lạnh thêm, bầu trời càng xám hơn, và chẳng bao lâu, mặt đất lại phủ đầy băng tuyết, khiến Kunta vừa thấy kỳ dị vừa khó chịu. Và ít lâu sau, những người đen khác bắt đầu náo nức bàn đến “Lễ Giáng Sinh” mà trước đây anh đã nghe nói tới. Chuyện này xem ra bao gồm nhiều mục: múa, hát, ăn uống và cho quà, nghe thì hay ho đấy – nhưng hình như nó cũng có liên quan đến Chúa Ala của họ, cho nên dù Kunta giờ đây thực sự thích thú những cuộc tụ họp ở lều bác vĩ cầm, anh vẫn quyết định tốt nhất là cứ ở lì một mình cho đến khi những trò hội hè vô đạo ấy kết thúc yên ổn đã. Thậm chí anh cũng chẳng đến thăm bác vĩ cầm nữa, bác này, lần sau gặp, nhìn Kunta như của lạ nhưng không nói gì.
Thế rồi, một mùa xuân nữa vụt đến, và quỳ gối trồng trọt trên luống đất, Kunta nhớ lại những cánh đồng xung quanh Jufurê vào đận này mọi năm mới tươi tốt làm sao. Và anh hồi tưởng lúc còn là một chú bé thuộc lứa kafô thứ hai, anh tung tăng ra ngoài bãi đằng sau đàn dê đói cỏ, biết mấy hạnh phúc trong cái mùa tươi xanh này. Ở cái nơi này, bọn “tí nhau” da đen giúp vào việc đuổi bắt lũ baaaing xổng – Họ gọi chúng là “cừu” – rồi tranh nhau ngồi lên đầu một con cừu giãy giụa tuyệt vọng trong khi một người đàn ông lấy kéo xén lớp lông dày xoăn, nhớp bẩn của nó. Bác vĩ cầm cắt nghĩa cho Kunta hay rằng lông cừu sẽ được đưa đến một nơi nào đó để rửa sạch và “chải thành mớ” rồi đem về cho phụ nữ quay thành sợi len để đan quần áo rét.
Đối với Kunta, công việc cày cấy vun trồng mảnh vườn ngày ngày trôi đi trong một nhập nhoạng mướt mồ hôi từ sáng đến tối. Đầu tháng giữa hè mà họ gọi là “tháng bảy”, những người làm việc ngoài đồng đêm đêm trở về lều mệt nhoài vì phải gấp rút hoàn thành việc cuốc rẫy cỏ đợt cuối quanh đám bông và ngô đã cao đến ngang thắt lưng và nặng trĩu những cum tua. Công việc nặng nhọc, nhưng chí ít cũng có nhiều cái ăn trong những nhà kho vốn đã đầy ứ từ mùa thu trước. Vào thời gian này, ở Jufurê, Kunta nghĩ, dân làng chắc vẫn đau bụng vì cái thứ cháo nấu bằng rễ cây, sâu bọ, cỏ và bất kỳ cái gì khác kiếm được, bởi lẽ hoa màu và trái cây, tuy xanh rờn tươi tốt thế, vẫn chưa chín.
Công việc “dự trữ” phải xong trước ngày “chủ nhật” thứ hai trong tháng bảy – Kunta được biết thế – khi những người đen thuộc phần lớn các đồn điền trong vùng này (gọi là “Hạt Xpotxylvanya”) được phép đi đến một nơi nào đó tham gia một kiểu “họp trại”. Bởi lẽ cuộc này dù thế nào mặc lòng vẫn dính dáng đến Chúa Ala của họ, nên thậm chí không ai nghĩ đến chuyện gợi ý Kunta cùng đi, bọn họ gồm hơn hai chục người lên đường rất sớm vào buổi sáng chủ nhật ấy, lèn chặt trong một chiếc xe mà me-xừ Uolơ đã đồng ý cho dùng.
Hầu hết mọi người đã đi trong mấy ngày sau – đến nỗi chẳng còn mấy ai có mặt ở đây để xem xem Kunta có định chạy trốn nữa không – song anh biết mặc dù đã quen thuộc và đắc dụng, anh cũng không thể nào chạy được thật xa trước khi bị tóm lại. Tuy xấu hổ với lương tâm, anh vẫn phải thừa nhận rằng anh đã bắt đầu ưng cuộc sống như anh được phép sống nó ở cái đồn điền nay hơn là cái khả năng chắc chắn sẽ bị bắt và có lẽ bị giết nữa cũng nên, nếu anh cố chạy trốn một lần nữa. Tận trong thâm tâm, anh biết mình sẽ không bao giờ còn gặp lại gia đình và cảm thấy một cái gì quý giá không thể lấy lại được, đang chết trong anh mãi mãi. Song hy vọng vẫn còn. Tuy không mong gì gặp lại gia đình, nhưng biết đâu một ngày kia, anh lại chẳng có thể có một gia đình riêng của mình.