Cội Rễ

Chương 51

Về nhiều mặt, trại tubốp này khác với các trại trước, điều này Kunta phát hiện ra ngay từ lần đầu tiên anh có thể chống nạng ra cửa, đứng nhìn quanh bên ngoài. Tất cả các căn lều thấp của đám da đen đều quét vôi trắng gọn gàng và xem chừng tốt hơn nhiều so với túp lều anh đang ở. Trong lều này có một cái bàn con trống trơn, một cái giá trên vách đựng một đĩa sắt tây, một vỏ bầu  để uống, một “cùi dìa” cùng những đồ dùng bữa của tubốp mà cuối cùng Kunta đã biết tên: một cái “dĩa” và một “dao ăn”; anh nghĩ chúng thật ngu nên mới để những thứ đó trong tầm tay anh. Và cái chiếu anh nằm ngủ trên sàn, đan bằng vỏ ngô, cũng dày dặn hơn. Một số lều mà anh trông thấy gần đấy còn có những mảnh vườn nhỏ đằng sau và căn lều sát cạnh tòa nhà lớn của bọn tubốp có một khoảng tròn trồng hoa rực rỡ màu sắc ở ngay phía trước. Đứng ở cửa lều, Kunta có thể trông thấy bất cứ ai đi về bất cứ hướng nào và bất kỳ lúc nào cũng có thể nhanh chóng chống nạng thụt vào trong lều, ở lại đó ít lâu trước khi lại mạo hiểm trở ra cửa.

 

Mũi Kunta xác định được vị trí nhà tiêu. Mỗi ngày anh cố nhịn cho đến lúc biết hầu hết mọi người đã ra đồng làm việc rồi, thận trọng xem xét chắc chắn là không có ai ở gần đấy, anh mới chống nạng vượt nhanh qua khoảng cách tới chỗ đó tháo ruột, đoạn quay trở về yên ổn.

 

Khoảng hai tuần sau, Kunta mới bắt đầu làm những cuộc mạo hiểm ngắn vượt qua lều bên cạnh và đến bên lều người phụ nữ nấu ăn cho xóm nô, anh ngạc nhiên khám phá ra rằng người đó không phải là Bel. Ngay sau khi anh hồi phục, đủ sức để đi quanh quanh, Bel liền thôi không mang cơm, thậm chí cũng không đến thăm anh nữa. Anh thắc mắc không hiểu chị ra sao rồi – cho đến một hôm, đang đứng ở cửa, anh chợt trông thấy chị ở cửa sau tòa nhà lớn đi ra. Nhưng, hoặc là chị không nhìn thấy anh, hoặc là chị làm như không thấy, chị cứ đi thẳng qua mặt anh tới nhà tiêu. Vậy ra, xét cho cùng, chị cũng như những người khác thôi, anh biết thế từ lâu rồi. Thi thoảng, Kunta cũng thấy tên tubốp cao lớn, y thường chui vào một chiếc xe đen có hai ngựa kéo, do một gã đen ngồi ghế trước hối hả lái đi.

 

Sau mấy ngày nữa, Kunta bắt đầu đứng nán lại bên ngoài lều ngay cả khi những người đi làm đồng trở về buổi chiều, lê bước trong một đoàn mệt nhọc. Nhớ lại cái trại anh đã ở trước đây, anh lấy làm lạ tại sao không có tên tubốp nào cưỡi ngựa cầm roi đi sau những người đen này. Họ đi qua sát Kunta – dường như chẳng buồn để ý gì đến anh – và biến vào những túp lều của mình. Nhưng trong vòng mấy phút sau, phần lớn lại trở ra ngoài, làm các công việc vặt vãnh. Đàn ông thì bận bịu quanh chuồng ngựa, đàn bà thì vắt sữa bò và cho gà ăn. Còn trẻ con thì xách nước và chuyển củi với tất cả sức ôm của cánh tay chúng rõ ràng chúng không biết là nếu đem bó củi lại đội lên đầu – cả đối với những xô nước cũng vậy – thì sẽ mang được nhiều gấp đôi.

 

Ngày lại ngày, Kunta bắt đầu thấy rằng mặc dầu những người đen này sống khá hơn đám người ở trại tubốp trước, song hình như họ vẫn không nhận thức rõ hơn những người kia rằng họ là một bộ lạc mất gốc, rằng mọi thứ tự tôn tự trọng nơi họ đã bị vắt kiệt đến nỗi dường như họ cảm thấy cuộc đời mình đúng là phải như thế này. Tất cả mối quan tâm của họ chỉ là làm thế nào khỏi bị đánh đập, có đủ thức ăn và một chỗ nào đó để ngủ. Không có mấy đêm mà Kunta không nằm trằn trọc, giận sôi lên trước nỗi khổ cực của những người đồng loại, thao thức mãi mới ngủ được. Khốn nỗi họ dường như không hề biết là mình khổ. Vậy thì bận gì đến anh, nếu những người này chừng như vẫn thỏa mãn với số phận não nùng của họ? Anh nằm dài, cảm thấy mỗi ngày mình lại chết thêm một ít, trong khi mọi người đều bằng lòng sống phần còn lại của mình thì anh lại cần tìm cách trốn nữa, bất chấp khó khăn trở ngại hoặc hoàn cảnh. Dù sống hay chết, phỏng anh còn có ích gì nữa? Trong mười hai tuần trăng kể từ khi anh bị rứt khỏi Jufurê, anh đã trở nên già hơn tuổi thật của mình biết bao nhiêu.

 

Một điều vô bổ nữa là dường như chẳng ai tìm ra loại công việc gì ích lợi cho Kunta làm, mặc dầu anh đã chống nạng đi lại được khá vững vàng. Anh đã gây được ấn tượng là riêng việc nghĩ về bản thân cũng đủ làm bận trí anh rồi và anh không cần mà cũng không muốn liên kết với bất cứ ai. Nhưng Kunta cảm thấy những người da đen kia cũng chẳng tin gì anh hơn anh tin họ. Dù sao, một mình trong đêm, nhìn trân trân vào bóng tối hàng giờ liền, anh vẫn thấy cô đơn và chán nản đến nỗi cảm thấy như mình đang sụp xuống. Y như thể một con bệnh đang lan khắp người anh. Anh vừa ngạc nhiên vừa hổ thẹn nhận ra là mình đang cảm thấy sự cần thiết của yêu thương.

 

Một hôm, tình cờ Kunta đang ở bên ngoài lều thì cỗ xe tubốp lăn bánh vào sân, với một người đàn ông da nâu nhờ nhờ ngồi cùng ghế với gã xà ích da đen. Khi tên tubốp xuống xe và vào ngôi nhà lớn, chiếc xe tiến đến gần dãy lều và lại dừng bánh. Kunta thấy gã lái nắm lấy phía dưới nách người da nâu đỡ anh ta xuống vì một tay anh ta bị bó vào một cái gì nom như bùn trắng khô rắn lại. Kunta không biết đó là cái gì, nhưng xem vẻ như tay anh ta bị thương cách nào đó thì phải. Với trở lại bên trong xe bằng bàn tay lành, người đàn ông dau nâu lấy ra một cái hộp đen hình thù kỳ dị, đoạn theo sau gã lái đi xuôi tới một căn lều mà Kunta biết là trống không ở cuối dãy.

 

Kunta rất tò mò muốn biết đầu đuôi, đến nỗi sáng hôm ấy anh quyết định lò cò tới căn lều nọ. Anh không ngờ thấy gã da nâu ngồi ngay ở khung cửa ra vào. Họ nhìn thẳng vào nhau. Bộ mặt và cặp mắt người lạ không lộ vẻ gì cả. Cả giọng nói cũng vậy, khi y hỏi “Mầy muốn gì?” Kunta không hiểu y nói gì. “Mầy một thằng nhọ Phi”. Kunta nhận ra cái chữ “nhọ” mà anh luôn luôn nghe thấy, nhưng tiếng khác thì không biết. Anh đứng đực ra đó. “Thôi, đi đi!” Kunta nghe rõ giọng gay gắt, cảm thấy y đuổi mình. Anh quay mình, suýt nữa vấp, và vừa giận dữ vừa bối rối, tập tễnh chống nạng trở về lều mình.

 

Cứ mỗi lần nghĩ đến người đàn ông da nâu, cơn giận lại bùng lên đến nỗi anh ước ao giá mình biết đủ tiếng tubốp để hét vào mặt y: “Chẳng gì tao cũng đen chứ không nâu như mày!” Từ hôm ấy trở đi, mỗi khi ra ngoài, Kunta đều không nhìn về phía căn lều đó. Nhưng anh không nén nổi nỗi tò mò khi thấy sau mỗi bữa ăn tối, phần lớn những người da đen khác đều vội vã đến tụ tập ở căn lều nọ. Và từ cửa lều mình lắng tai nghe thật chăm chú, Kunta có thể thấy tiếng của người da nâu nói hầu như liên tục. Thỉnh thoảng, những người kia phá lên cười và từng lúc cách quãng, anh nghe thấy họ hỏi cha kia dồn dập. Cha này là người như thế nào, là cái thá gì nhỉ, Kunta muốn biết đến đau đầu.

 

Khoảng hai tuần sau, vào lúc giữa chiều, tình cờ người da nâu ở nhà tiêu nhô ra đúng vào lúc Kunta đang lại gần đó. Cái vỏ trắng to xụ bọc cánh tay cha da nâu đã  tháo đi và hai tay y đang bện vỏ ngô thì Kunta giận dữ chống nạng đi qua thật nhanh. Ngồi trong cầu tiêu, đầu Kunta ong ong những lời nhục mạ mà anh ước sao có thể nói lên được. Khi anh trở ra cha da nâu vẫn bình tĩnh đứng đó, nét mặt thản nhiên như không có gì đã từng xảy ra giữa hai người. Ngón tay vẫn thoăn thoắt bện vỏ ngô, y gật đầu ra hiệu cho Kunta đi theo mình.

 

Thật là hoàn toàn bất ngờ và không sao giận nổi – đến nỗi Kunta thấy mình cứ thế cun cút theo cha da nâu về lều của y, không thốt một lời. Ngoan ngoãn, Kunta ngồi xuống chiếc ghế đẩu cha da nâu chỉ cho và nhìn chủ nhân ngồi xuống chiếc ghế kia, tay vẫn đan. Kunta tự hỏi liệu y có tự biết mình đang rất giống kiểu người Phi hay không.

 

Sau một lát nữa im lặng đầy suy tư, cha da nâu bắt đầu nói, “Tau đã nghe nói chú mầy thật điên khùng. May mà chúng nó không giết mầy đó. Chúng có thể giết mà vưỡn trong vòng pháp luật. Y như thể thằng cha da trắng í oánh ghì tay tau bỉ chưng tau chán không muốn kéo đờn nữa. Pháp luật biểu ai bắt được bọn ta trốn chạy đều có thể giết mà không phải phạt gì sất. Luật í cứ sáu tháng một lần lị được đọc ở các nhà thờ của dân da trắng. Cứ bắt đầu lập một khu dinh điền mới, thoạt tiên họ xây tòa án để ra thêm luật, sau đó xây nhà thờ để chứng tỏ mình là tín đồ đạo Cơ-đốc. Tau tin rằng cái Viện Dân biểu Vơginia chỉ làm độc mỗi một việc là ra thêm luật chống cánh nhọ chúng mình. Có một luật cấm dân nhọ không được mang súng, không được mang cả gậy giống như dùi cui. Luật quy định phạt hai mươi roi nếu khám mầy không có giấy thông hành, mười roi nếu mầy nhìn thẳng vào mắt người da trắng, ba mươi roi nếu mầy giơ tay đánh một tín đồ Cơ-đốc da trắng. Luật cấm dân nhọ truyền đạo trừ phi có mặt người da trắng tại đó; luật cấm dân nhọ làm ma chay nếu bọn nó cho đó là hội họp. Luật bỉu cắt một tai mầy nếu người da trắng thề rằng mầy nói dối, cả hai tai nếu chúng rêu rao là mầy nói dối hai lần. Luật bỉu nếu mầy giết bất cứ ai da trắng, mầy bị treo cổ, còn giết một người nhọ, mầy chỉ bị đánh roi thôi. Luật quy định người Inđơn[1] nào bắt được một nhọ chạy trốn thì sức mang suể bao nhiêu thuốc lá sẽ được hưởng bí nhiêu. Luật cấm không dậy dân nhọ học đọc, học viết, hoặc cho dân nhọ sách. Bọn nó còn có Luật cấm dân nhọ đánh trống – cấm bất cứ thứ gì của Châu Phi”.

 

Kunta mang máng thấy người da nâu biết anh không thể hiểu được, nhưng y vừa thích nói chuyện lại vừa cảm thấy rằng việc Kunta lắng nghe có thể bằng cách nào đó dẫn đến chỗ cảm thông hơn. Nhìn mặt người da nâu trong khi y nói và nghe giọng y, Kunta cảm thấy gần như có thể hiểu được. Và việc có người đang nói chuyện thật sự với anh như một con người nói với một con người, khiến anh vừa muốn cười lại vừa muốn khóc.

 

“Còn về cái chân mầy, thì nè, không phải chỉ có chân, tay mà cả củ lẳng mí sọ dừa cũng bị xẻo đấy. Tau đã thấy ối nhọ bị hại như thế mà vẫn phải làm việc. Đã thấy những nhọ bị oánh đến rứt thịt lòi xương. Nhiều gái nhọ chửa to tướng cũng bị đòn, nằm úp mặt xuống, lồng bụng vào một cái lỗ khoét sẵn. Dân nhọ bị cào cho trầy da rồi bôi dầu thông hoặc sát muối, đoạn lấy rơm cọ. Dân nhọ bị bắt quả tang nói chuyện làm loạn phải nhảy múa trên than hồng kỳ đến lúc ngã quỵ. Hồ như chả còn thiếu gì không chất lên đầu dân nhọ và nếu họ có chết vì thế, bọn chủ làm hoặc sai làm cái việc í cũng chẳng mắc tội gì. Luật pháp là thế đấy. Và nếu mầy cho thế là xấu, thì mầy phải nghe kể về những đối xử với đám nhọ bị mí cái tầu nô đem sang bên kia bờ biển bán cho các đồn điền Tây Indiz”.

 

Kunta vẫn đang ngồi đó lắng nghe – và cố hiểu – thì một thằng bé vào cỡ lứa kafô đầu mang bữa chiều vào cho người da nâu. Khi thấy Kunta ở đấy, nó nhảo ra và phút chốc quay lại đem một đĩa có nắp đậy cho anh nữa. Kunta và cha da nâu cùng lặng lẽ ăn, đoạn Kunta đột nhiên đứng dậy để ra về, biết rằng những người khác sắp đến, nhưng cha da nâu ra hiệu cho anh ở lại.

 

Mấy phút sau, khi những người khác bắt đầu tới, không ai giấu nổi vẻ ngạc nhiên khi thấy Kunta ở đó – đặc biệt là Bel, một trong những người xuất hiện sau cùng. Cũng như số đông, chị chỉ gật đầu chào – nhưng Kunta thấy hình như có phảng phất một nụ cười. Trong bóng tối xẫm dần, người da nâu bắt đầu thuyết đám người như đã thuyết Kunta. Kunta đoán y đang kể cho họ nghe mấy câu chuyện gì đó. Anh có thể biết một câu chuyện chấm dứt ở chỗ nào vì lúc ấy họ thường đột nhiên cười ồ - hoặc đặt câu hỏi. Thi thoảng, Kunta nhận ra một số chữ đã trở thành quen thuộc với tai anh.

 

Khi trở về lều mình, Kunta xốn xang xúc động về chuyện đã hòa mình với những người đen nọ. Đêm ấy, trằn trọc đến khuya, tâm trí còn lục đục những xung đột, anh nhớ lại một điều Ômôrô đã từng nói khi anh không chịu buông một quả soài rất ngon mà Lamin xin cắn một miếng: “Khi mày nắm chặt tay thì không ai cho được cái gì vào tay mày, mà mày cũng chẳng nhặt thêm được cái gì”.

 

Nhưng anh biết cha anh hẳn cũng hoàn toàn đồng ý với anh rằng dù sao đi nữa, anh cũng không bao giờ nên giống những người da đen nọ. Tuy nhiên, mỗi đêm, anh đều cảm thấy bị thu hút một cách kỳ lạ đến túp lều của người da nâu cùng với họ. Anh cố cưỡng lại cám dỗ ấy song hầu như chiều nào anh cũng lò cò đến thăm người da nâu khi bác ta có một mình.

 

“Tau tập cho ngón tay thuần phục để trở lại kéo đờn”, một hôm, bác ta vừa bện cỏ ngô vừa nói vậy. “Muốn sao thì sao, me-xừ này cũng mua tau và thuê tau. Tau đã kéo vĩ cầm khắp vùng Vơginia, kiếm tốt tiền cho cả lão ta lẫn cho tau. Chả còn thiếu mấy thứ mà tau chưa thấy, chưa làm dù mày không biết tau nói gì. Người da trắng bỉu dân Phi Châu chỉ biết ở lều cỏ, quanh quẩn lại giết nhau và ăn thịt lẫn nhau thôi”.

 

Bác ta ngừng độc thoại như chờ đợi một thứ phản ứng nào đó, nhưng Kunta chỉ ngồi nguyên đó thản nhiên nhìn và nghe, ngón tay mân mê lá bùa xaphi.

“Mày có rõ tau muốn nói gì không? Mày phải bỏ ngay mọi cái của nợ này đi”, bác da nâu chỉ vào cái bùa xaphi nói. “Bỏ nó đi. Mày sẽ chả đi đến đâu đâu, cho nên mày hãy nhìn thẳng vào sự thật mà bắt đầu nhập gia tùy tục đi, Tôby ạ, mày có nghe rõ không?”

 

Mặt Kunta bừng lên giận dữ. “Kunta Kintê!” anh bật ra, ngạc nhiên với chính mình.

 

Bác da nâu cũng sửng sốt, “Ơ nè, nó nói được đấy thôi! Dưng mà tau bỉu mày, chú nhỏ ạ, mầy phải quên mọi lời ăn tiếng nói Phi Châu í đi. Chỉ tổ khiến bọn da trắng tức điên lên và cánh nhọ ta sợ mất vía thôi. Tên mầy, Tôby. Còn tau, họ gọi là vĩ cầm”. Bác tự trỏ vào mình. “Mày thử nói chữ í xem, Vĩ Cầm!” Kunta ngớ ra nhìn bác ta, mặc dầu anh hoàn toàn hiểu bác định nói gì. “Vĩ Cầm! Tau là một người kéo vĩ cầm. Hiểu hông. Vĩ Cầm?”. Bác làm một cử chỉ như kéo cưa qua cánh tay trái. Lần này, vẻ ngơ ngác của Kunta không phải là vờ vĩnh.

 

Bực bội, bác da nâu đứng dậy và lấy ra từ một góc lều cái hộp hình thù kỳ quái mà Kunta đã thấy bác ta cầm hôm tới đây. Mở hộp ra, bác nhấc lên một vật bằng gỗ hình dáng còn kỳ dị hơn, màu nâu sáng, có một cái cổ dài mảnh màu đen và bốn sợi dây nhỏ, rất căng, chạy gần suốt chiều dài của nó. Y như cái đàn anh đã nghe ông lão ở cái trại nọ chơi.

“Vĩ cầm!” bác da nâu kêu lớn.

Vì chỉ có hai người với nhau, Kunta quyết định cứ nói thử xem. Anh lặp lại hai âm đó: “Vĩ cầm”.

Vẻ hài lòng, cha da nâu cất cây vĩ cầm và đóng hộp lại. Đoạn, nhìn quanh, bác chỉ: “Xô!” Kunta nhắc lại, ghi trong đầu vật ấy. “Bây giờ đến: nước!” Kunta nhắc lại.

 

Sau khi dạy thêm tới hơn hai chục chữ mới, cha da nâu lặng lẽ chỉ vào cây vĩ cầm, cái xô, nước, cái ghế tựa, vỏ ngô và nhiều đồ vật khác, với bộ mặt tra vấn, chờ Kunta nhắc lại đúng từng chữ dùng để gọi tất cả những thứ đó. Một số tên gọi, anh mau mắn nhắc lại được ngay; anh lúng túng với một số chữ khác và được uốn nắn,  và có vài tiếng, anh hoàn toàn không nhớ nổi. Bác da nâu nhắc lại cho anh nhớ những tiếng này, rồi bắt ôn lại tất cả “Mầy không đến nỗi đần độn như nhìn bề ngoài”, đến bữa chiều bác lẩm bẩm nói vậy.

 

Các bài học tiếp tục suốt những ngày sau và kéo dài thêm hàng tuần. Kunta ngạc nhiên khám phá ra rằng mình không những có thể hiểu mà còn làm cho bác da nâu hiểu mình qua một cách diễn đạt thô sơ. Và điều chủ yếu anh muốn bác ta hiểu, là lý do tại sao anh không chịu khước từ tên mình hoặc những gì tổ tiên để lại và tại sao anh thà chết tự do còn hơn sống trọn cuộc đời của kẻ nô lệ. Anh không đủ chữ để nói lên ý đó như mình mong muốn, song anh biết bác da nâu vẫn hiểu, vì thấy bác ta cau mày và lắc đầu. Sau đó không lâu, một buổi chiều khi tới lều bác da nâu, Kunta thấy một người khác đã ngồi ở đó. Đó là ông già thỉnh thoảng anh vẫn trông thấy cuốc mảnh vườn hoa gần ngôi nhà lớn. Liếc nhìn thấy bác da nâu gật đầu tán thành, Kunta ngồi xuống.

 

Ông già bắt đầu nói “Chú Vĩ Cầm đây kể với não nà cháu trốn chạy bốn bận. Cháu đã thấy cháu được cái gì rồi đó; não chỉ mong cháu học được bài học dư não đây. Bởi vì việc cháu nàm chả có gì mới mẻ. Thời trẻ não chạy trốn nhiều đến nỗi bọn nó chỉ còn thiếu nước nột da não, rồi sau đó mới tỉnh cái đầu ra nà chẳng trốn đâu cho thoát được. Chạy xách xa đây tận hai bang, nó chỉ cần noan tin trên báo, thế nà sớm muộn anh cũng bị tóm cổ, thiếu nước bị giết chết và rốt cuộc đâu nại về thằng đấy. Chả có mấy ai không nghĩ đến chuyện trốn chạy. Cả dững nhọ hay xun xoe cười nhất cũng nghĩ đến chuyện í. Dưng mà não chưa từng biết có ai thoát. Đã đến núc cháu phải yên phận, sự thể ra sao ráng chịu vậy, chớ đừng như não phí hoài tuổi xuân mưu tính chuyện không nàm nổi. Bi giờ, não già nua, sức cùng nực kiệt rồi: Thử gẫm mà xem, từ khi cháu ra đời đến nay, não đã hành động dư cái thằng nhọ vô tích sự, nười nhác, vụng dại, chỉ biết gãi đầu gãi tai dư bọn da trắng biểu chúng ta như thế. Sở dĩ me-xừ giữ não ở đây chỉ vì y biết có mang não bán đấu giá cũng chẳng được bao nhiêu, mí nị cứ để não nàm vườn nửa vời thôi cũng nợi cho y hơn. Dưng mà não nghe Bel biểu nà me-xừ sắp cắt cử cháu nàm việc mí não ngày mai đấy mà”.

 

Biết Kunta khó mà hiểu nổi những điều ông lão làm vườn đã nói, bác Vĩ Cầm bỏ cả nửa giờ sau để cắt nghĩa cho anh – từ từ và giản dị hơn, bằng những chữ quen thuộc với Kunta. Hầu hết những điều ông lão làm vườn nói đều gây cho anh những cảm giác xáo trộn. Anh hiểu ông già khuyên bảo anh với ý tốt - và anh đã bắt đầu tin rẳng quả thật không thể nào trốn thoát được – song ngay cả nếu anh không bao giờ xổ lồng được, anh cũng không đời nào chịu trả giá bằng cách từ bỏ gốc gác sinh thành – mình là ai? là cái gì? – để sống hết những năm sống của mình khỏi bị đánh đập nữa. Và ý nghĩ phải làm một anh gác vườn què cụt cho qua ngày đoạn tháng, khiến lòng anh tràn đầy giận dữ và tủi nhục. Nhưng nếu chỉ làm thế một thời gian cho đến khi khỏe hẳn trở lại, thì có lẽ cũng được. Và nếu làm sao cho tâm trí được rảnh rang và lại dùng đôi bàn tay để chăm bón đất – dù nó không phải là đất của mình – kể ra cũng có thể là điều hay.

 

Ngày hôm sau, ông lão làm vườn chỉ bảo cho Kunta những việc phải làm. Khi ông rãy đám cỏ dường như ngày nào cũng chòi lên giữa những luống rau, Kunta bắt chước theo. Khi ông bắt sâu bọ ở các cây cà chua, khoai tây, dí xuống chân, anh cũng làm vậy. Hai người làm việc ăn ý, song ngoài việc sóng đôi bên nhau, họ chẳng nói với nhau gì mấy. Thường thường, ông già chỉ ầm à và lấy tay ra hiệu khi nào cần chỉ bảo cho Kunta làm một nhiệm vụ gì mới và Kunta chẳng đáp lời, chỉ làm theo như chỉ dẫn. Anh không phản đối sự im lặng; trên thực tế, tai anh mỗi ngày cũng cần mấy giờ nghỉ ngơi giữa những cuộc đàm thoại với bác Vĩ Cầm cứ liến láu miệng mỗi khi hai người gặp nhau.

 

Đêm ấy, sau bữa tối, Kunta đang ngồi ở cửa lều mình thì người đàn ông tên là Gilđơn – làm đai cổ ngựa, lá, và đóng giày cho cánh da đen – đi đến và chìa ra cho anh một đôi giày. Theo lệnh “me-xừ”, anh ta đã đóng đặc biệt cho Kunta, anh ta nói vậy. Nhận đôi giày và gật đầu cảm ơn, Kunta cứ xoay đi xoay lại mãi trong tay trước khi quyết định đi thử. Anh cảm thấy lạ lẫm khi xỏ chân vào thứ đồ như thế, song nó vừa khít – mặc dầu nửa trước của chiếc giày bên phải được nhồi chặt bông. Anh thợ giày cúi xuống thắt dây giày, rồi gợi ý Kunta đứng dậy và đi quanh xem ra sao. Chiếc giầy bên trái thì ổn rồi, nhưng anh cảm thấy hơi nhoi nhói ở chân phải trong khi bước loanh quanh bên ngoài lều một cách vụng về và thận trọng, không dùng đến nạng. Thấy vẻ thiếu thoải mái của anh, người đóng giày nói đó là do mỏm cụt chân anh chứ không phải tại giày và rồi anh sẽ quen đi thôi.

 

Sau đó, Kunta thử đi xa hơn chút nữa, nhưng chân phải vẫn thấy thế nào ấy, nên anh bỏ bớt ít bông ra và lại xỏ giày vào. Anh cảm thấy dễ chịu hơn và cuối cùng, dám nhấn hết trọng lượng toàn thân lên chân đó mà không hề thấy đau. Thi thoảng, anh vẫn tiếp tục thí nghiệm cái đau tưởng tượng ở đầu ngón chân phải, như đã hầu thành thói quen hàng ngày từ khi anh bắt đầu tập đi quanh và bao giờ anh cũng ngạc nhiên vì không thấy đau gì cả. Anh vẫn tập đều, cảm thấy khoan khoái, song ít để lộ ra nét mặt. trước đó, anh đã sợ phải đi bằng nạng suốt đời.

 

Cũng trong tuần ấy, chiếc xe của ông chủ trở về sau một chuyến đi và Luthơ, người da đen lái xe vội vã đến lều Kunta, vẫy anh đến chỗ bác vĩ cầm, tại đó Kunta đứng ngây người nhìn anh ta nói một điều gì đó, miệng toe toét cười. Rồi, khoát tay về phía ngôi nhà lớn và chọn những chữ cơ bản, bác vĩ cầm giải thích cho Kunta gật gù hiểu rằng từ nay anh thuộc về “me-xừ” Uyliêm Uolơ, cha tubốp ở trong ngôi nhà lớn. “Luthơ biểu ông ta vừa lấy được tờ chứng về mầy từ tay người anh trai đã mua mầy đầu tiên, thế là bi giờ mầy của ông í”. Như mọi khi, Kunta không để cho tình cảm lộ trên nét mặt. Anh vừa tức vừa xấu hổ về nỗi mình phải “thuộc về” một người nào đó: song anh cũng nhẹ hẳn người, vì trước đó anh vẫn nơm nớp sợ một ngày kia lại bị đưa về cái “đồn điền” nọ - bây giờ anh đã biết người ta gọi các trại tubốp như thế. Bác vĩ cầm đợi Luthơ đi khỏi rồi mới lại nói tiếp – phần với Kunta, phần với chính mình “Cánh nhọ ở đây bỉu me-xừ Uyliêm là một ông chủ tốt, mà tau thì đã từng gặp dững ông chủ tệ hơn. Dưng mà bọn họ chả có ai tốt đâu. Họ sống trên lưng cánh nhọ ta suốt. Dân nhọ là thứ của quý nhất của họ”.


[1] Anhđiêng (người da đỏ)