Cuối cùng, bầu trời nóng bức phủ đầy mây, những cơn gió thoảng trở thành mạnh và cũng đột ngột như mọi lần, những trận mưa nhỏ bắt đầu rơi, ấm áp và nhẹ nhàng, khi đám nông dân cuốc xới lớp đất đã mềm đi thành những hàng dài thẳng tắp sẵn sàng đón hạt giống. Họ biết rằng phải làm xong việc gieo trồng trước khi những trận mưa lớn tới.
Mấy buổi sáng tiếp theo, sau khi điểm tâm, thay vì chèo xuồng đến ruộng lúa của mình, những người vợ nông dân, theo tục lệ cổ truyền để cầu cho đất đai mầu mỡ, mặc những bộ trang phục tết bằng lá cây to tươi tốt, tượng trưng cho mầm xanh của những gì đang lớn lên, và đi ra những mảnh ruộng đã xới thành luống của cánh đàn ông. Họ chưa ló dạng, đã nghe thấy tiếng họ lên bổng xuống trầm đọc những lời cầu nguyện do tổ tiên truyền lại, xin cho những hạt kê, củ lạc và những hạt giống khác đựng trong những bát sành đội lên đầu sẽ mọc rễ cứng cáp và lớn mạnh.
Chân không, bước theo nhịp đều đặn, toán phụ nữ xếp thành hàng dọc vừa đi vừa hát ba lần quanh mỗi thửa ruộng. Rồi họ giải tán và mỗi chị đứng vào sau một nông dân trong khi anh ta tiến dọc theo một luống đất, cứ dăm phân lại lấy ngón chân cái thọc xuống đất thành một lỗ. Cứ mỗi lỗ, chị em bỏ vào một hạt giống, lấy ngón chân cái lấp đất lên, rồi lại tiếp tục tiến. Thậm chí, phụ nữ làm việc còn vất vả hơn đàn ông, vì họ không những phải giúp chồng mà còn phải chăm sóc cả những thửa ruộng lúa lẫn những mảnh vườn rau, trồng ở cạnh bếp.
Trong khi Binta trồng hành, khoai mỡ, bầu, sắn, và cà chua, bé Kunta ban ngày chơi nhổng dưới sự trông nom cẩn thận của mấy bà già chịu trách nhiệm toàn thể trẻ con làng Jufurê thuộc lứa kafô[1] đầu, nghĩa là bao gồm những đứa tuổi dưới năm vụ mưa. Bầy trẻ, trai cũng như gái, trần truồng như những con thú nhỏ, chạy tung tăng – một số mới bắt đầu bập bẹ những tiếng đầu tiên. Tất cả, cũng như Kunta, đều mau lớn, cười đùa và la hét trong khi chúng nối đuôi nhau chạy quanh thân cây bao-báp khổng lồ trong làng, chơi đi trốn đi tìm và đuổi chó, gà chạy tán loạn.
Nhưng tất cả bọn trẻ con – kể cả những đứa bé như Kunta – hễ thấy một trong mấy bà già hứa kể chuyện, là vội vàng giành nhau xí chỗ, ngồi im phăng phắc. Tuy có nhiều chữ nó chưa hiểu được, Kunta vẫn tròn xoe mắt theo dõi các bà diễn xuất câu chuyện của mình bằng nhiều điệu bộ và tiếng động nhộn nhạo đến nỗi tưởng như sợ việc đang diễn ra thực.
Tuy còn bé tí, nhưng Kunta đã biết một số truyện mà bà nội Yaixa đã kể cho một mình nó nghe những lần nó được bế đến thăm lều của bà. Nhưng cùng với các bạn chơi nhởn cùng lứa kafô đầu, nó cảm thấy người kể chuyện tuyệt nhất trong tất cả là già Nyô Bôtô yêu dấu, bí ẩn và dị thường. Đầu không còn sợi tóc, mặt mày đầy những nếp nhăn sâu, da đen như nhọ nồi, một cái rễ chanh làm tăm giữa mấy cái răng còn sót lại, chòi ra khỏi miệng như cái vòi của một thứ côn trùng – già Nyô Bôtô mỗi lần ngồi vào chiếc ghế thấp lè tè, lại lầm bầm. Tuy thái độ bà cộc cằn, nhưng lũ trẻ biết bà yêu chúng như con đẻ và bà cũng tuyên bố rằng tất cả bọn chúng đều là con cháu bà.
Những lúc thấy chúng quây quần xunh quanh, bà thường làu bàu: “Để yên bà kể chuyện…”
“Bà kể đi!” bọn trẻ đồng thanh, đứa nào đứa nấy ngọ nguậy, dự cảm thấy trước nỗi thú vị.
Và bà lão bèn mở đầu theo kiểu của tất cả những người kể chuyện của dân tộc Mandinka: “Hồi ấy, ở một làng nọ, có một người”.
Đó là một chú bé trạc tuổi chúng, cũng chừng nấy vụ mưa – bà kể – một hôm, chú đi dọc bờ sông và thấy một con cá sấu mắc kẹt trong một cái lưới.
“Cứu tôi với”, con cá sấu kêu lớn.
“Để rồi mày giết tao à!” chú bé đáp.
“Không! Lại gần đây nữa nào!” con cá sấu nói.
Thế là chú bé lại chỗ con cá sấu – và phút chốc, bị ngoạm giữa hai hàm răng của cái miệng dài ngoằng.
“Thế là mày đem oán trả ơn tao đấy hả!” chú bé kêu lên.
“Dĩ nhiên rồi”, con cá sấu nói bằng khóe miệng, “Sự đời là thế”
Chú bé không chịu tin như vậy, và cá sấu đồng ý sẽ không nuốt chửng chú trước khi biết ý kiến của ba kẻ làm chứng đầu tiên đi ngang qua. Trước nhất là một bác lừa già.
Khi chú bé hỏi ý kiến bác, lừa ta bèn đáp: “Bây giờ tôi già không làm việc được nữa, chủ tôi đuổi tôi ra khỏi nhà cho beo ăn thịt”.
“Mày thấy chưa?” con cá sấu nói. Tiếp đó, một bác ngựa già đi qua cùng chung ý kiến.
“Mày thấy chưa?” con cá sấu nói. Rồi một chú thỏ bụ bẫm đến; chú ta bảo: “Chà, tôi không làm sao có ý kiến đúng đắn được nếu không thấy sự việc diễn ra từ lúc bắt đầu”.
Con cá sấu làu bàu há miệng ra để kể lại – thế là chú bé nhảy vọt lên bờ an toàn.
“Cậu có thích ăn thịt cá sấu không” chú thỏ hỏi. Chú bé trả lời có. “Thế bố mẹ cậu?” Chú bé lại trả lời có. “Thế thì đây đã có một con cá sấu sẵn sàng để cho vào nồi đấy thôi”
Chú bé chạy đi và trở lại với trai tráng trong làng, họ giúp chú giết chết con cá sấu… Nhưng họ lại mang theo một con chó ngao, nó đuổi bắt và giết luôn cả chú thỏ.
“Thế là con cá sấu vẫn có lý”, già Nyô Bôtô nói. “Sự đời là thế: làm phúc thường hay phải tội. Truyện ta kể cho các cháu là như vậy đó”.
“Cầu trời phù hộ bà mạnh khỏe và thịnh vượng!” bọn trẻ nói để cảm ơn.
Rồi các bà già phân phát cho lũ trẻ những bát bọ dừa và châu chấu vừa rán xong. Vào một thời kỳ khác trong năm, của này chỉ là miếng ngon nếm náp qua loa, nhưng bây giờ, vào đận trước những trận mưa lớn, khi mùa đói kém đã bắt đầu, món côn trùng rán được dọn làm bữa ăn trưa, vì trong kho của hầu hết các gia đình chỉ còn mấy nắm kê và gạo mà thôi.
Chú thích:
[1] Kafô: ngũ niên, quãng thời gian 5 năm.