Ấy thế mà nó vẫn cô đơn. Ômôrô quá bận bịu không có thì giờ tiêu phí cùng Kunta như hồi mới có một con và ít trách nhiệm hơn trong làng. Binta bận trông nom lũ em Kunta, song dù sao hai mẹ con cũng ít nói chuyện để trao đổi với nhau. Thậm chí nó với Lamin cũng không còn gần gũi nữa, trong khi nó đi trại tập, Xuoađu đã trở thành cái bóng đầy lòng tôn thờ của Lamin như Lamin đã từng là cái bóng của Kunta, và Kunta theo dõi với những tình cảm xáo trộn trong khi thái độ của Lamin đối với thằng em chuyển hóa dần từ bực bội đến khoan dung, rồi đến thương mến. Chẳng bao lâu, hai đứa thành gắn bó không rời nhau, không còn chỗ cho Kunta cũng như cho Mađi, thằng này còn bé quá không nhập bọn được với chúng, nhưng đã đủ lớn để khóc vòi vì chúng không cho theo. Những ngày hai thằng kia không kịp lẻn nhanh ra khỏi lều, dĩ nhiên là Binta sai chúng đưa Mađi đi theo để bà đỡ quẩn chân, và Kunta không khỏi mỉm cười khi thấy ba đứa em trai nối đuôi nhau theo thứ tự lớn bé đi quanh làng, hai đứa đi đầu thì cau có nhìn thẳng về phía trước, trong khi thằng bé mỉm cười sung sướng, làm hậu quân, gần như chạy để theo kịp các anh.
Không còn ai đi sau Kunta nữa và cũng không mấy khi có ai đi cạnh nó vì các bạn cùng lứa kafô thì hầu hết các giờ thức đều bận bịu với những nhiệm vụ mới và có lẽ cũng như nó – bận suy nghĩ về những gì, cho đến nay, xem ra là những phần thưởng đáng ngờ của cương vị trưởng thành. Đành rằng chúng đã được phát mảnh đất riêng và bắt đầu gom được dê cùng những của cải khác. Nhưng phần đất thì nhỏ, công việc thì vất vả và những thứ chúng có đem so với của cải của những người đàn ông lớn tuổi hơn thì ít ỏi đến phát ngượng. Chúng cũng đã làm tai, mắt cho làng, nhưng chẳng có chúng giám sát thì nồi niêu cũng vẫn được giữ sạch sẽ và không hề có ai xâm nhập cánh đồng, ngoài những gia đình khỉ đầu chó hoặc những bầy chim thỉnh thoảng lai vãng đến. Chẳng bao lâu đã rõ ra là các bậc huynh trưởng làm lấy hết mọi công việc thực sự quan trọng và chỉ cho cánh thanh niên mới trưởng thành cái mà chúng cảm thấy là vẻ tôn trọng bề ngoài, cũng như chúng chỉ được giao phó cái vỏ ngoài của trách nhiệm. Thật vậy, những lúc để ý tới cánh trai trẻ các bậc huynh trưởng cũng như các cô gái làng, khó mà nhịn cười được, kể cả trong trường hợp một đứa trong bọn hoàn thành mỹ mãn nhiệm vụ gay go nhất không chút sai sót. Được, một ngày kia, nó sẽ là một trong những bậc lớn tuổi ấy, Kunta tự nhủ và nó sẽ mang cương vị người lớn một cách không những xứng đáng hơn, mà còn với nhiều thương mến và thông cảm đối với bọn trai trẻ hơn so với sự đối đãi dành cho nó và chúng bạn hiện nay.
Cảm thấy bồn chồn và hơi ái ngại cho bản thân, chiều tối hôm ấy, Kunta rời khỏi lều, đi dạo một mình, mặc dầu không dứt khoát chủ định đi đâu, bước chân nó cứ thế hướng tới đám trẻ con say mê, mặt sáng bừng trong ánh lửa trại, quây vòng quanh các bà già đang kể những câu chuyện ban đêm cho lứa kafô của làng. Dừng lại gần vừa đủ để nghe – những không sát tới mức lộ ra là mình đang lắng nghe – Kunta ngồi xổm xuống, giả tảng như xem xét một phiến đá dưới chân mình, trong khi bà già nhăn nheo vẫy vẫy đôi cánh tay gày đét và nhảy chồm chồm quanh khoảng trống trước mặt bọn trẻ như thể đang diễn lại tích chuyện về bốn nghìn chiến sĩ dũng cảm của vua xứ Kaxun xung trận trong tiếng sấm rền của năm trăm trống trận lớn và tiếng rúc của năm trăm tù và bằng ngà voi. Đó là một câu chuyện nó đã nghe nhiều lần quanh những đống lửa hồi còn bé và nhìn những bộ mặt với cặp mắt thao láo của Mađi ngồi ở hàng đầu và Xuoađu ngồi hàng sau, không hiểu sao nó cảm thấy nao nao buồn khi nghe lại câu chuyện đó.
Với một tiếng thở dài, nó đứng dậy và chậm rãi bỏ đi – không ai để ý tới nó, cả lúc đi cũng như lúc đến. Ở đống lửa nơi Lamin ngồi cùng đám bạn xướng những câu kinh Koran và bên một đống lửa khác, nơi Binta cùng các bà mẹ khác đang chuyện gẫu về các ông chồng, về gia sự con cái, bếp núc, khâu vá, trang điểm, chải đầu vấn tóc, nó cũng cảm thấy lạc lõng như thế. Đi qua những đám ấy, cuối cùng nó thấy mình đứng dưới những cành xòe rộng của cây bao-báp, nơi cánh đàn ông làng Jufurê ngồi quanh một đống lửa thứ tư bàn công việc làng và những vấn đề quan trọng khác. Cũng như nó đã cảm thấy quá lớn để được chấp nhận ở đống lửa thứ nhất, tới đây nó lại cảm thấy quá trẻ để được vời đến. Song không còn chỗ nào khác để đi, Kunta đành ngồi vào đám ở vòng ngoài – ở rìa lớp người thuộc lứa tuổi Ômôrô ngồi gần đống lửa hơn và lớp người trạc tuổi vị kintangô ngồi sát bên trong nhất, giữa Hội đồng Bô lão. Vừa ngồi xuống, nó liền nghe thấy một vị hỏi:
“Có ai biết bao nhiêu người của chúng ta hiện đã bị bắt lén không?”
Họ đang bàn chuyện bắt nô lệ vốn là đầu đề chính quanh đống lửa của đàn ông từ hơn một trăm vụ mưa nay, chuyện bọn tubốp bắt lén người, xiềng từng chuỗi đưa xuống tàu chở về vương quốc của bọn da trắng ăn thịt người ở bên kia đại dương.
Im lặng một hồi lâu, rồi alimamô nói: “Ta chỉ có thể cảm ơn
“Bởi vì bây giờ chúng ta còn ít người hơn, lấy đâu cho chúng bắt lén được nhiều”, một vị bô lão giận dữ nói.
“Tôi nghe tiếng trống và đếm số bị mất”, vị kintangô nói. “Tôi đoán chừng mỗi tuần trăng mới, có từ năm mươi đến sáu mươi người mất tích, chỉ kể riêng vùng dọc bờ sông của chúng ta thôi”. Không ai bình luận gì và ông nói thêm. “Dĩ nhiên, không có cách nào để đếm số mất tích ở sâu trong nội địa và trên thượng nguồn”.
“Tại sao ta chỉ tính số người bị bọn tubốp bắt đi thôi?”, arafang hỏi. “Ta còn phải tính cả những cây bao-báp bị đốt trụi nơi đã từng có những làng. Chúng đã giết nhiều hơn là bắt đi”.
Mọi người nhìn vào đống lửa hồi lâu rồi một bô lão khác phá tan im lặng: “Bọn tubốp ắt không thể làm được điều đó nếu không có sự giúp sức của chính người mình. Manđinka, Fula, Uôlôf, Jôla – không một bộ lạc nào của đất nước
“Vì tiền của bọn tubốp mà chúng quay lại chống nòi giống của chính mình”, vị bô lão cao tuổi nhất làng Jufurê nói: “Tham lam và phản bội – đó là những điều bọn tubốp mang đến cho ta để đổi lấy những người chúng đã lén bắt đi”.
Không ai góp lời thêm trong một lúc và ngọn lửa lách tách một cách bình thản. Rồi vị kintangô lại nói: “Tệ hại hơn cả tiền bạc của bọn tubốp là việc chúng nói dối vô cớ, gian manh lừa đảo có phương pháp, tự nhiên như chúng thở vậy. Chính cái đó khiến chúng lợi thế hơn ta”.
Mấy phút trôi qua, rồi một thanh niện thuộc lứa kafô trước Kunta hỏi: “Liệu bọn tubốp có bao giờ thay đổi không ạ?”.
“Điều đó sẽ xảy ra”, một vị bô lão đáp, “khi nào sông chảy ngược dòng”.
Chẳng mấy chốc, đống lửa chỉ còn là một đám than tro bốc khói và mọi người bắt đầu đứng dậy, vươn vai, chúc nhau ngủ ngon và đi về lều của mình. Nhưng năm gã trai trẻ thuộc lứa kafô thứ ba ở lại – một gã lấy đất lấp những đám tro nóng của tất cả các đống lửa và số còn lại trong đó có Kunta, làm nhiệm vụ gác khuya, cảnh giới bên ngoài mỗi góc lũy tre cao của làng Jufurê. Sau câu chuyện kinh dị được bàn quanh đống lửa như vậy, Kunta biết mình sẽ thức suốt đêm không khó khăn gì, nhưng nó không tính chuyện qua cái đêm đặc biệt này bên ngoài phạm vi an toàn của làng.
Sải bước xuyên qua Jufurê và ra khỏi cổng làng với cái dáng mà nó muốn làm ra uể oải, Kunta vẫy các bạn gác đi dọc bên ngoài lũy tre – qua những bụi rậm đầy gai sắc dựa san sát vào bờ tre cùng những cọc nhọn lấp ở bên dưới – tới một chỗ nấp um tùm là có thể nhìn ra đồng quê xung quanh lấp lánh bạc trong đêm trăng này. Chọn một tư thế thoải mái nhất, nó vắt cây giáo ngang lòng, co đầu gối lên rồi vòng hai cánh tay ôm lấy cho ấm và ổn định chỗ để ngồi cho đến hết đêm. Căng mắt ra nhìn bao quát khắp cánh đồng xem có động tĩnh gì không, nó lắng nghe tiếng dế ran ran, tiếng tu huýt kỳ lạ của loài chim đêm, tiếng gào xa xa của linh cẩu và tiếng ré lên của những con vật sơ ý bị chộp bắt và nó nghĩ về những điều cánh đàn ông đã nói quanh đống lửa. Khi rạng đông tới vô sự, nó ngạc nhiên thấy mình đã không bị bọn bắt lén nô lệ vồ, ngạc nhiên hầu như không kém khi nhận ra là, lần đầu tiên trong suốt một tuần trăng, nó đã dứt được nỗi ám ảnh, không một lúc nào băn khoăn vì những vấn đề cá nhân của mình.