Cội Rễ

Chương 26

“A! A!” những tiếng reo sung sướng của đám phụ nữ vang lên và dân làng từ trong các lều đổ xô ra, cười, nhảy múa khi lứa kafô của Kunta – cùng những thiếu niên đã đến tuổi mười lăm và chuyển sang lứa kafô thứ tư trong thời gian chúng đi trại huấn luyện – bước qua cổng làng vào lúc rạng sáng. Những chàng trai mới trưởng thành bước khoan thai, với cái dáng mà chúng hy vọng là tư thế đường hoàng, và thoạt đầu, chúng không nói cũng chẳng mỉm cười. Khi thấy Binta chạy về phía mình, Kunta cảm thấy muốn lao tới gặp mẹ và không ngăn nổi vẻ mặt khỏi sáng bừng lên, nhưng nó cố tiếp tục giữ nhịp đi từ tốn như cũ. Thế rồi Binta vồ lấy nó, ôm cổ, vuốt má, nước mắt rưng rưng, miệng thầm thì gọi tên nó. Kunta chỉ cho phép làm thế một thoáng, rồi vùng ra, vì giờ  đây nó đã là người lớn, nhưng nó làm như thể nó gỡ ra – chỉ để nhìn kỹ hơn cái bọc kêu oa oa, địu gọn gàng êm ái trên lưng mẹ nó. Nó luồn cả hai tay vào trong bọc nhấc bổng thằng bé lên:

“Thế ra đây là em trai Mađi của anh!” nó vui sướng kêu lên, giơ em lên cao.

Binta tươi hơn hớn bên cạnh nó trong khi nó bế thằng bé bước tới lều mẹ, vừa nói nựng, bẹo đôi má phính bé tẹo, vừa làm đủ kiểu nhăn mặt, méo miệng đùa với em. Song Kunta cũng không quá mải mê với em đến nỗi không nhận thấy bày trẻ con trần truồng đang bám sát lưng họ, mắt thao láo và mồm há hốc. Hai ba đứa xoắn lấy chân nó, nhiều đứa khác nhào ra nhào vô giữa đám Binta cùng các phụ nữ khác đang trầm trồ khen Kunta trông lực lưỡng khỏe mạnh biết bao, ra dáng nam nhi biết bao. Nó làm ra vẻ như không nghe thấy, nhưng lời đó rót vào tai nó như tiếng nhạc vậy.

Kunta tự hỏi Ômôrô đang ở đâu và Lamin – nó sực nhớ là giờ này hẳn thằng em đang đi chăn dê. Vào bên trong lều Binta, ngồi xuống rồi, nó mới nhận thấy có một đứa thuộc loại lớn trong lứa kafô đầu cũng theo vào và lúc này đang đứng nhìn nó trừng trừng, tay níu chặt váy Binta. “Chào anh Kunta!” thằng cu nói. Đó là Xuoađu! Kunta không tin ở mắt mình nữa. Khi Kunta lên đường đi rèn luyện trưởng thành, Xuoađu mới chỉ là một cái gì tẹp nhẹp, quá bé nhỏ không đáng để ý trừ những lúc nó quấy rầy Kunta với thói khóc nhè luôn miệng. Giờ đây, trong vòng bốn tuần trăng, nó như đã cao lớn hơn và bắt đầu biết nói, nó đã trở nên một con người. Giao trả em bé cho Binta, Kunta bế lấy Xuoađu, chao mạnh nó lên tận nóc lều Binta cho đến khi thằng cu khoái chá hét inh ỏi.

Khi chuyện trò với Xuoađu xong và thằng bé chạy ra ngoài xem mấy chàng trai mới trưởng thành khác, căn lều ắng lặng đi. Lòng tràn niềm vui và tự hào, Binta thấy chẳng cần nói gì. Nhưng Kunta thì khác. Nó muốn nói với mẹ là nó nhớ mẹ biết bao và sung sướng biết bao được trở về nhà. Song nó không tìm ra lời. Và nó biết đó không phải là điều mà một người đàn ông nên nói với một người đàn bà dù người đó là mẹ mình.

“Bố con đâu?” cuối cùng nó hỏi.

“Bố đi cắt cỏ gianh lợp lều cho con”, Binta nói.

Trong khi phấn khởi, Kunta gần như quên bẵng rằng, với tư cách là một người đàn ông, giờ đây nó sẽ có lều riêng của mình. Nó bước ra ngoài và hối hả đi đến chỗ bố nó vẫn bảo là có loại gianh lợp nhà tốt nhất.

Ômôrô trông thấy nó tới và tim Kunta đập rất nhanh khi thấy bố bắt đầu bước lại gặp mình. Hai bố con bắt tay theo lối những người đàn ông với nhau, người nọ nhìn sâu vào mắt người kia, lần đầu tiên giao kiến theo đúng tư cách đàn ông với đàn ông. Kunta cảm thấy gần như xỉu đi vì xúc động và họ lặng thinh một lúc. Rồi thản nhiên như bàn chuyện thời tiết nắng mưa, Ômôrô bảo ông đã mua cho Kunta một căn lều mà chủ cũ đã lấy vợ và làm một ngôi nhà mới. Kunta có muốn xem lều ngay bây giờ không? Kunta khẽ nói là có và họ cùng đi, dọc đường phần lớn chỉ mình Ômôrô nói, vì Kunta vẫn thấy khó tìm ra lời.

Những vách đất của căn lều cũng cần được sửa chữa nhiều như phần mái. Song Kunta hầu như không để ý thấy hoặc cũng chẳng quan tâm lắm, vì đây là lều riêng của nó, và từ đây đến lều của mẹ nó phải đi xuyên qua làng, từ đầu nọ đến đầu kia. Cố nhiên, nó không cho phép mình để lộ vẻ thỏa mãn, kể chi đến chuyện nói ra mồm. Đằng này, nó chỉ bảo Ômôrô là nó sẽ tự mình sửa chữa lấy. Kunta có thể trát lại vách, Ômôrô nói, nhưng ông muốn hoàn thành nốt công việc chữa mái mà ông đã bắt đầu. Không nói thêm lời nào, ông quay lưng và trở về phía bãi gianh, để Kunta đứng đó, lòng đầy biết ơn bố đã khởi đầu mối quan hệ mới trên cương vị đàn ông với nhau một cách bình dị như vậy.

Kunta bỏ cả buổi chiều thăm thú mọi góc trong làng Jufurê, no mắt ngắm tất cả những bộ mặt từng tưởng nhớ tha thiết, những túp lều quen thuộc và những nơi hằng lui tới – giếng nước làng, sân trường, cây bao-báp và cây bông gạo. Mãi tới giờ, khi bắt đầu đằm ngợp trong những lời chào hỏi của mọi người nó gặp trên đường, nó mới hiểu ra nỗi nhớ quê trong những ngày qua thật sâu sắc biết bao. Nó ước mong đến giờ Lamin lùa dê về và chợt thấy nhớ một con người khác rất đặc biệt dù đó là một phụ nữ. Cuối cùng – bất cần đó có phải là một việc làm thích đáng đối với một người đàn ông hay không – nó cứ hướng tới căn lều nhỏ dầu dãi nắng mưa của già Nyô Bôtô.

“Bà ơi!” nó gọi cửa.

“Ai đấy?” một giọng cáu kỉnh, the thé, vỡ ra, đáp lại.

“Bà thử đoán xem!” Kunta nói và bước vào trong lều.

Nó phải mất một lúc mới quen mắt để nhìn bà rõ hơn trong ánh sáng lờ mờ. Ngồi xổm cạnh một cái chậu và tước những sợi dài từ một mảnh vỏ cây bao-báp nhúng đẫm nước trong chậu, bà nhìn xói vào đó hồi lâu rồi mới nói: “Kunta!”

“Bà ơi, gặp lại bà thật tuyệt quá!” nó kêu lên.

Bà Nyô Bôtô lại tước sợi. “Mẹ cháu có khỏe không?” bà hỏi và Kunta trả lời cho bà yên tâm rằng Binta vẫn mạnh.

Nó hơi ngạc nhiên vì cung cách bà thản nhiên như thể nó chưa hề đi đâu xa bao giờ, như thể bà không nhận thấy nó đã trở thành người lớn vậy.

“Cháu luôn nghĩ tới bà trong khi vắng xa – mỗi lần sờ tay vào chiếc bùa xaphi mà bà buộc vào cánh tay cháu”.

Nó xin lỗi vì đã ngắt quãng công việc của bà và vội vã bỏ đi, phật ý sâu sắc và bối rối ghê gớm. Mãi sau này nó mới hiểu rằng thái độ khủng khỉnh của bà Nyô Bôtô còn khiến bà đau đớn hơn nó là đằng khác, bà đã hành động như bà biết một phụ nữ cần phải hành động đối với một kẻ không còn ở tuổi tìm sự vỗ về quanh gấu váy bà.

Lòng vẫn băn khoăn, Kunta đang chậm rãi bước về phía lều mới của mình thì chợt nghe thấy một tiếng xộn rộn quen thuộc: dê kêu be be, chó sủa và bọn trẻ quát tháo. Đó là lứa kafô thứ hai trở về sau buổi chiều chăn dê ngoài bãi rậm. Lamin chắc ở trong số đó. Trong khi bọn trẻ lại gần, Kunta bắt đầu bồn chồn dõi vào từng khuôn mặt. Thế rồi Lamin trông thấy nó, gọi ầm lên và chạy bổ tới, cười toe toét. Nhưng còn cách mấy bước, nó dừng phắt lại khi trông thấy vẻ mặt lạnh lùng của anh và chúng đứng sững nhìn nhau. Cuối cùng, Kunta nói trước:

“Chào”.

“Chào anh Kunta”.

Rồi chúng lại nhìn nhau thêm lát nữa. Mắt Lamin ánh lên niềm tự hào, song Kunta cũng thấy cả cái vẻ xúc phạm mà chính nó vừa cảm thấy trong lều bà Nyô Bôtô, cùng với sự phân vân không biết nên làm gì với anh trai. Kunta nghĩ cái cách xử sự của cả hai lúc này không phải là điều nó muốn, song một chàng trai trưởng thành cần phải được mọi người, kể cả chính em trai mình, kính nể đôi chút.

Lamin là đứa lên tiếng trước, bắt chuyện trở lại: “Cả hai con dê của anh đều đang chửa to tướng”. Kunta thích mê, thế có nghĩa là nó sắp sửa có bốn, thậm chí năm con dê cũng nên, nếu một con sinh đôi. Song nó không mỉm cười hoặc tỏ vẻ ngạc nhiên. “Đó là tin tốt lành”, nó nói, thậm chí ít lộ vẻ phấn khởi hơn là nó muốn. Không biết nói gì khác nữa, Lamin lẳng lặng chạy đi, hò mấy con chó uôlô quây lại đàn dê đã bắt đầu tản ra.

Binta giữ vẻ mặt nghiêm trang, đăm đăm trong khi giúp Kunta dọn đến lều riêng. Quần áo cũ của nó chật hết cả rồi, bà nói, và, với giọng kính cẩn đúng mức, nhắc thêm rằng khi nào, xen vào giữa những công việc quan trọng cần làm, Kunta có thì giờ cho bà đo người, bà sẽ may cho nó ít quần áo mới. Vì ngoài cây nỏ bó tên và cái ná bắn đá, nó chẳng có gì mấy nữa, nên Binta cứ thầm thì hoài, nào “con cần phải có cái này!”, nào “con cần phải có cái kia” cho đến khi bà cung cấp cho nó một số đồ gia dụng thiết yếu như một cái bàn xoa, một ghế đẩu và một thảm cầu nguyện bà đã dệt trong khi nó vắng nhà. Cứ mỗi lần mẹ đưa thêm vật gì mới, Kunta lại hầm hừ như nó vẫn thấy cha nó bao giờ cũng làm thế, tựa hồ chẳng nghĩ ra cách gì phản đối để khỏi nhận vật đó trong nhà mình vậy. Khi thấy nó gãi đầu, Binta bèn đề nghị cho bới xem có chấy không, nó nói độp một tiếng “không” thô bạo, không buồn để ý đến những tiếng lẩm bẩm của mẹ sau đó.

Cuối cùng, mãi đến gần nửa đêm, Kunta mới ngủ, vì có biết bao điều phải suy nghĩ. Và nó thấy hình như vừa nhắm mắt một tí, tiếng gà gáy đã đánh thức nó dậy, rồi vẳng đến tiếng ê a của alimamô gọi đến nhà thờ Hồi giáo dự cái cuộc sẽ là lễ nguyện ban mai đầu tiên mà nó và chúng bạn được phép tham gia cùng những người đàn ông khác ở Jufurê. Hối hả mặc quần áo, Kunta vớ lấy tấm thảm cầu nguyện mới của mình và hòa vào đám bạn cùng lứa kafô đang theo sau những người đàn ông khác trong làng, bước vào ngôi nhà thờ thiêng liêng, đầu cúi thấp và tay chấp thảm cầu nguyện cuộn tròn – y như thể chúng đã làm việc đó suốt đời vậy.Vào đến bên trong, Kunta và những đứa kia theo dõi và bắt chước mọi hành động cùng lời lẽ của những người lớn tuổi hơn, đặc biệt chú trọng sao cho khỏi quá nhỏ nhẻ hoặc quá cao giọng trong khi đọc kinh.

Sau lễ nguyện, Binta mang bữa điểm tâm đến lều chàng trai mới trưởng thành. Đặt bát mạch kê bốc hơi trước mặt Kunta – cu cậu lại chỉ hầm hừ, không lộ vẻ gì trên nét mặt – Binta vội vã đi khỏi, và Kunta ăn không thích thú gì, bực bội vì ngờ rằng dường như mẹ đã cố nén một cái gì từa tựa như là niềm vui.

Điểm tâm xong, nó cùng các bạn tiến hành bổn phận làm tai mắt cho làng một cách chuyên cần khiến các bậc cha anh cũng phải thấy ngộ nghĩnh. Các bà các chị quay trước quay sau đều thấy các chàng trai mới trưởng thành đòi khám nồi nấu xem có sâu bọ gì không. Và sục sạo bên ngoài lều của mọi người và quanh khắp lũy tre làng, chúng phát hiện hàng trăm chỗ mà tình trạng sửa chữa chưa đạt đến tiêu chuẩn khắt khe của chúng. Cả một tá trong bọn chúng kín hàng xô nước giếng lên, lấy gáo múc nếm náp thật cẩn thận, hy vọng khám phá ra một vị mặn, hoặc mùi bùn, hoặc một vị gì khác không lành mạnh. Chúng bị thất vọng, song dù sao chú rùa và đàn cá thả dưới giếng để ăn sâu bọ vẫn cứ bị vớt đi và thay bằng những con mới.

Tóm lại, các chàng trai mới trưởng thành có mặt ở khắp nơi. “Chúng nó nhan nhản như bọ chét!” già Nyô Bôtô khịt khịt nói khi Kunta lại gần một con suối, nơi bà đang lấy chày nện quần áo giặt trên một phiến đá, và suýt nữa thì nó cắm cổ chạy về một phía khác. Nó cũng đặc biệt thận trọng tránh xa mọi nơi nó biết có thể có mặt Binta, lòng tự bảo lòng rằng mặc dù bà là mẹ nó, nó cũng sẽ không tỏ ra chiếu cố đặc biệt gì, rằng, nếu cần, nó sẽ thẳng tay kiên quyết với bà, thực đấy, tựu chung, bà vẫn chỉ là một phụ nữ.