Cội Rễ

Chương 16

“Nô lệ là gì” một buổi chiều, Lamin hỏi Kunta như vậy, Kunta ầm ừ và im bặt. Vừa tiếp tục đi, coi bộ đăm chiêu suy nghĩ, nó vừa tự hỏi không biết Lamin nghe lỏm được chuyện gì mà lại đặt ra câu hỏi đó. Kunta biết rằng những người bị bọn tubốp bắt, đều trở thành nô lệ, và nó cũng đã nghe hóng thấy người lớn nói về những nô lệ dưới quyền sở hữu của một số người ở Jufurê nữa. Nhưng thực tế, nó không biết nô lệ là gì. Cũng như bao lần khác, câu hỏi của Lamin làm nó bối rối muốn tìm hiểu thêm.

Hôm sau, khi Ômôrô sắp sửa đi kiếm ít gỗ cọ để dựng cho Binta một kho chứa lương thực mới, Kunta bèn xin đi theo bố, nó thích theo bố đi bất cứ đâu. Nhưng hôm nay, cho đến khi gần tới khu rừng cọ râm mát, cả bố lẫn con đều không nói gì. Thế rồi Kunta hỏi độp một cái: “Bố, nô lệ là gì?”

Thoạt đầu, Ômôrô ậm ừ, không nói gì và trong mấy phút liền cứ đi quanh quẩn trong khu rừng, xem xét các thân cây cọ khác nhau.

“Chẳng dễ gì phân biệt được nô lệ với người khác đâu.” Cuối cùng anh nói. Giữa những nhát rìu bổ vào cây cọ đã chọn, Ômôrô cho Kunta biết lều của người nô lệ lợp bằng lá ngantang jôngô, còn lều của người tự do lợp bằng lá ngantang fôrô mà Kunta biết là thứ cỏ gianh lợp nhà tốt nhất.

“Nhưng chớ bao giờ nên nói đến nô lệ trước mặt những người nô lệ”, Ômôrô nói, vẻ rất nghiêm nghị, Kunta không rõ tại sao lại thế, nhưng nó cứ gật đầu làm như mình hiểu.

Khi cây cọ đổ xuống, Ômôrô bèn chặt những tàu lá dày cứng. Trong khi Kunta bứt riêng cho mình mấy quả cọ chín, nó mang máng cảm thấy hôm nay bố đang có hứng nói chuyện. Nó vui sướng nghĩ rằng giờ đây nó sẽ có thể giải thích cho Lamin rõ mọi điều về những người nô lệ.

“Tại sao một số người là nô lệ, còn những người khác lại không?” nó hỏi.

Ômôrô nói con người ta trở thành nô lệ theo nhiều cách khác nhau. Có người do mẹ vốn là nô lệ, và anh kể tên mấy người ở Jufurê mà Kunta biết rất rõ. Một số trong đó là bố mẹ của mấy đứa bạn cùng lứa kafô với nó. Có những người khác, Ômôrô nói, gặp mùa đói kém ở làng mình, bỏ đi và đến Jufurê, xin làm nô lệ  cho người nào đồng ý nuôi ăn và cấp đỡ cho họ. Lại có một số người khác – và anh nêu tên mấy người già ở Jufurê – trước kia đã từng là kẻ thù và bị bắt làm tù binh. “Họ trở thành nô lệ vì đã không đủ can đảm để thà chết còn hơn bị bắt”, Ômôrô nói.

Anh bắt đầu đẵn cây cọ thành từng khúc vào cỡ một người lực lưỡng có thể vác nổi. Mặc dầu những người anh vừa kể tên đều là nô lệ, tất cả bọn họ, anh nói, đều vẫn được kính trọng như chính Kunta cũng biết. “Các quyền của họ được luật lệ của tổ tiên ta bảo đảm”, Ômôrô nói và giải thích rằng tất cả các chủ đều phải cung cấp cho nô lệ của mình cái ăn, cái mặc, nhà ở, một mảnh đất cấy rẽ đôi và cả một cô vợ hoặc một anh chồng nữa”.

“Chỉ những kẻ nào tự bêu riếu mới bị khinh rẻ”, anh bảo Kunta - những kẻ đã thành nô lệ vì bị kết án là sát nhân, trộm cắp hoặc phạm những tội ác khác. Duy chỉ đám nô lệ này họa chăng mới có thể bị chủ đánh đập hoặc trừng phạt đích đáng theo ý họ.

“Thế những người nô lệ có phải mãi mãi vẫn là nô lệ không?” Kunta hỏi.

“Không, nhiều người nô lệ mua lại tự do của mình bằng những gì họ dành dụm được qua việc cấy rẽ đôi với chủ”, Ômôrô kể một số người ở Jufurê đã làm thế. Anh cũng nêu một số khác đã giành lại tự do bằng cách kết hôn với người trong gia đình nhà chủ.

Để mang những khúc cọ nặng cho gọn tiện, Ômôrô lấy những sợi dây leo xanh bện thành một quai đeo thật chắc và vừa làm, anh vừa kể là, trong thực tế có những nô lệ làm ăn phát đạt hơn cả chủ. Thậm chí một số còn có nô lệ riêng và một số khác đã trở thành những nhân vật rất trứ danh.

“Như Xunđiata chẳng hạn!” Kunta kêu lên. Nhiều lần nó đã được nghe các bà già và các ông già kể sử nói về vị danh tướng nô lệ ngày xưa với đạo quân do ông chỉ huy đã từng chiến thắng biết bao kẻ địch.

Ômôrô ầm ừ và gật đầu, rõ ràng hài lòng thấy Kunta cũng biết chuyện ấy, vì khi bằng tuổi Kunta, anh cũng đã biết nhiều điều về Xunđiata. Để thử con trai, Ômôrô hỏi: “Thế ai là mẹ Xunđiata?”.

“Xôgôlôn, bà Nữ Ngưu!” Kunta hãnh diện đáp.

Ômôrô mỉm cười và, xốc lên đôi vai lực lưỡng hai khúc cọ nặng cột trong dây quai, anh bắt đầu bước đi. Vừa ăn quả cọ, Kunta vừa đi theo và gần như trên suốt chặng đường về làng, Ômôrô kể cho nó nghe Vương quốc Manđinka vĩ đại đã bị chinh phục như thế nào bởi vị tướng nô lệ tàn tật mà lỗi lạc ấy, đạo quân của ông mới đầu gồm toàn những nô lệ chạy trốn mà ông bắt gặp ở những đầm lầy và những nơi ẩn náu khác.

“Con sẽ học nhiều điều nữa về ông khi nào được đào tạo trưởng thành”, Ômôrô nói – và chỉ nghĩ đến thời kỳ ấy, Kunta đã sợ toát người, song đồng thời lại thấy hồi hộp đợi chờ.

Ômôrô kể rằng Xunđiata đã trốn khỏi nhà lão chủ mà ông thù ghét như phần lớn những người nô lệ không ưa chủ vẫn làm thế. Anh cho biết trừ những kẻ tội phạm bị kết án, người ta không thể đem bán nô lệ cho người chủ nào mà anh ta không ưng.

“Bà Nyô Bôtô cũng là một nô lệ”, Ômôrô nói, và Kunta suýt nữa nghẹn một miếng quả cọ vì sửng sốt. Nó không thể hiểu nổi điều đó. Trong đầu nó vụt loé lên hình ảnh bà già Nyô Bôtô yêu quý ngồi xổm trước cửa lều vừa coi sóc mươi mười lăm đứa hài nhi trần truồng vừa tết hàng rổ tóc giả và nanh nọc giễu mọi người lớn đi ngang qua – thậm chí cả những người già cả, nếu bà thích thế. “Bà ấy chẳng phải là nô lệ của ai hết”, nó nghĩ bụng.

Chiều hôm sau, sau khi nhốt dê vào chuồng, Kunta đưa Lamin về nhà theo một con đường khác tránh bọn bạn chơi thường ngày và phút chốc, chúng lặng lẽ ngồi xổm trước lều bà Nyô Bôtô. Lát sau, cảm thấy mình có khách, bà già xuất hiện ở khung cửa. Và chỉ thoáng nhìn thấy Kunta, vốn bao giờ cũng là một trong số những đứa bé cưng của mình, bà biết ngay rằng tâm trí nó đang băn khoăn về một điều gì đặc biệt. Mời hai đứa bé vào trong lều, bà lăng xăng pha nước lá cho chúng uống.

“Bố mẹ các cháu thế nào?” bà hỏi.

“Khỏe lắm ạ. Cảm ơn bà hỏi thăm”, Kunta lễ phép đáp. “Còn bà, bà có khỏe không ạ?”

“Bà rất khỏe”, bà trả lời.

Mãi cho đến lúc nước lá được rót ra đặt ra trước mặt nó, Kunta vẫn chưa tìm được lời để nói tiếp. Rồi nó bỗng bật ra: “Bà ơi, tại sao bà lại là một nô lệ”.

Bà Nyô Bôtô chằm chằm nhìn Kunta và Lamin. Bây giờ đến lượt bà nín lặng hồi lâu. “Ta sẽ kể cho các cháu nghe”, cuối cùng bà nói.

“Chuyện xảy ra vào một đêm tại làng quê bà, ở cách đây xa lắm và đã từ bao vụ mưa rồi, và hồi bà hãy còn là một người vợ trẻ”, bà Nyô Bôtô nói; bà đang ngủ bỗng kinh hoàng thức giấc giữa những tiếng kêu thét của hàng xóm; các mái lều bốc cháy đùng đùng, đổ xập xuống. Ôm vội lấy hai đứa con thơ, một trai một gái (mà bố vừa chết trong một cuộc chiến tranh bộ lạc), bà lao ra ngoài giữa đám những người khác – tại đây, bọn da trắng vũ trang đi bắt nô lệ đã đợi họ, với những tên phản bội da đen giúp sức. Trong một cuộc chiến đấu dữ dội, tất cả những ai không thoát được đều bị dồn vào tập trung một cách thô bạo, và những ai bị thương quá nặng hoặc già quá hay bé quá không đủ sức đi xa, đều bị giết ngay trước mắt những người khác. “Kể cả hai con nhỏ của ta và mẹ già của ta”, bà Nyô Bôtô nức nở.

Trong khi Lamin và Kunta nắm chặt lấy tay nhau, bà kể tiếp cho chúng nghe những tù nhân khiếp đảm xâu thành chuỗi bởi dây chằng cổ người này với cổ người kia, đã bị đánh đập và lùa đi như thế nào qua vùng nội địa nóng cháy, khô cằn trong bao ngày. Và mỗi ngày, càng có thêm nhiều tù nhân gục xuống dưới làn roi quật vào lưng họ để thúc đi nhanh hơn. Sau một số ngày lại thêm nhiều người bắt đầu ngã gục vì đói và kiệt sức. Một số gắng đi tiếp, nhưng những người không gượng nổi bị bỏ lại làm mồi cho thú dữ. Dẫy dài tù nhân đi qua những làng khác cũng bị đốt phá, đầu lâu và xương người cùng thú vật ngổn ngang giữa những lớp rạ và vách bùn cháy thui trước kia là các lều gia đình. Không đầy một nửa số người bắt đầu cuộc hành trình này, tới được làng Jufurê, cách nơi bán nô lệ gần nhất trên sông Kamby bốn ngày đường.

“Chính tại đây một tù nhân trẻ đã được bán với giá một bao ngô”, bà già nói. “Đó là ta. Và vì thế mà ta được gọi là Nyô Bôtô”, Kunta hiểu chữ đó nghĩa là “bao ngô”. Chẳng bao lâu, người đàn ông mua bà làm nô lệ chết, bà nói “và từ đó ta cứ ở luôn đây”.

Lamin nghe chuyện, khích động quá cứ ngọ nguậy hoài, còn Kunta có phần lại càng cảm thấy yêu mến, trân trọng già Nyô Bôtô hơn trước, giờ đây bà ngồi mỉm cười âu yếm với hai thằng bé mà bố mẹ chúng, cũng như chúng đã từng một thời được bà bế ẵm trong lòng.

“Ômôrô, bố các cháu, còn thuộc lứa kafô đầu, hồi ta tới Jufurê” Bà Nyô Bôtô nói, nhìn thẳng vào Kunta “Yaixa, mẹ nó, tức bà nội các cháu, là bạn rất tốt của ta. Cháu còn nhớ bà ấy chứ?” Kunta trả lời có và hãnh diện nói thêm rằng nó đã kể cho thằng em nghe mọi chuyện về bà nội.

“Thế là tốt!” bà Nyô Bôtô nói: “Bây giờ ta phải quay về làm việc đây. Các cháu đi đi thôi”.

Cám ơn bà đã cho uống nước lá, Kunta và Lamin đi khỏi và chậm rãi bước trở về lều, mỗi đứa đều trầm ngâm với những ý nghĩ riêng tư của mình.

Chiều hôm qua, khi chăn dê trở về, Kunta thấy Lamin rồn rập tuông ra bao nhiêu câu hỏi về bà Nyô Bôtô. Ở Jufurê, đã có bao giờ cháy như thế không? nó lục vấn. À nó chưa từng nghe thấy thế bao giờ, Kunta nói, và cũng chẳng thấy dấu vết gì về chuyện ấy ở trong làng cả. Kunta đã bao giờ trông thấy người nào trong bọn da trắng ấy không? “Tất nhiên là chưa!” nó kêu lên. Song nó bảo bố kể là có hồi bố với các anh trai của bố đã trông thấy bọn cướp tubốp cùng những chiếc tàu của chúng tại một điểm ở ven sông.

Kunta vội vàng chuyển sang chuyện khác vì nó biết rất ít về bọn tubốp và nó cần phải tự mình suy nghĩ về chúng – Nó ước ao có dịp trông thấy một tên trong bọn ấy – cố nhiên là ở một khoảng cách an toàn, bởi vì tất cả những điều nó được nghe nói về bọn chúng đều chứng tỏ rằng tốt nhất là chớ có lại quá gần bọn chúng.

Mới gần đây thôi, một cô gái đi hái dược thảo – và trước cô ta, hai gã đi săn – đã mất tích và ai nấy đều chắc chắn là bọn tubốp đã bắt họ mang đi. Dĩ nhiên, nó nhớ là những lúc trống ở các làng khác báo động cho biết bọn tubốp hoặc đã bắt ai đó, hoặc đang đến gần, thì cánh đàn ông bèn mang vũ khí canh gác vòng trong, vòng ngoài, trong khi cánh đàn bà hốt hoảng vội vội vàng vàng tập hợp tất cả trẻ con, trốn vào rừng cách xa làng – đôi khi mấy ngày liền – cho đến khi biết là bọn tubốp đã đi khỏi.

Kunta nhớ có lần nó chăn dê ngoài bãi vắng lặng. Ngồi dưới bóng cây ưa thích của mình, tình cờ nó ngước mắt nhìn lên và ngạc nhiên thấy hai, ba chục con khỉ nép vào nhau dọc những cành cây rậm lá, im phăng phắc như tượng, những cái đuôi dài thòng xuống. Trước đó, nghĩ đến khỉ bao giờ Kunta cũng hình dung chúng lăng xăng ầm ĩ và nó không thể quên được cái cảnh chúng ngồi lặng lẽ đến thế, theo dõi từng cử chỉ của mình. Nó ước gì chính nó cũng có thể ngồi trên cây quan sát một tên tubốp nào đó ở bên dưới.

Buổi chiều sau cái hôm Lamin hỏi nó về bọn tubốp, khi lùa dê về nhà, Kunta nêu vấn đề lên với các bạn mục đồng – và lập tức, bọn này bèn kể những điều chúng đã được nghe. Một đứa, thằng Đemba Contê, nói rằng nó có một ông chú rất dũng cảm, một bận, đã lại gần bọn tubốp đến độ ngửi thấy mùi chúng – và chúng hôi đặc biệt. Tất cả bọn đều đã nghe kể là tubốp bắt người đi là để ăn thịt. Nhưng một số cũng nghe nói là bọn tubốp bảo những người bị bắt không hề bị ăn thịt, mà là để làm việc trong những trang trại lớn. Xitafa Xila nghe vậy bèn xổ ra câu trả lời nó đã nghe từ miệng ông nó: “Cái thói lừa dối của người da trắng!”

Vừa có dịp là Kunta hỏi Ômôrô liền: “Bố ơi, bố kể con nghe bố và các bác trông thấy tubốp ở ngoài sông như thế nào đi”, và nó vội vàng nói thêm: “Bởi vì chuyện này cần phải nói thật đúng cho Lamin hay”. Kunta có cảm giác là bố gần như tủm tỉm cười, nhưng Ômôrô chỉ ậm ừ, hiển nhiên là không muốn trò chuyện lúc đó. Nhưng mấy hôm sau, Ômôrô thản nhiên rủ cả Kunta lẫn Lamin ra ngoài làng kiếm một số rễ cây anh đang cần. Đây là lần đầu tiên thằng cu Lamin còn ở truồng được đi chơi với bố nên nó mừng không để đâu cho hết. Biết rằng nhờ có Kunta nên mới được thế, nó cứ nắm chặt lấy đuôi áo dài của thằng anh.

Ômôrô kể cho các con rằng sau đợt đào tạo trưởng thành, hai người anh trai của anh là Jannê và Xalum đã rời bỏ Jufurê và, cùng với thời gian trôi qua, người ta được tin họ trở thành những lữ khách nổi tiếng ở nhiều nơi xa lạ. Lần trở về làng đầu tiên của họ là khi tiếng trống thoại từ Jufurê lan đi khắp, báo cho họ biết Ômôrô sinh con trai đầu lòng. Hai người theo đường mòn đi liên miên ngày đêm không ngủ để về dự lễ đặt tên. Và sau một thời gian đằng đẵng xa quê, hai anh em vui mừng ôm hôn một số bạn bè cùng lứa kafô hồi còn để chỏm. Nhưng số người ít ỏi còn lại này buồn bã kể với họ về những người khác đã vĩnh viễn ra đi – người chết trong những làng bị đốt cháy, kẻ bị giết bởi những cây gậy khạc lửa ghê sợ, người bị bắt cóc, kẻ mất tích trong khi làm đồng, săn bắn hoặc du hành – và tất cả đều do bọn tubốp mà ra.

Ômôrô kê rằng hai người anh bèn nổi giận, đề nghị anh cùng đi với họ một chuyến xem thử bọn tubốp đang làm trò gì và họ có thể làm gì để đối phó. Thế là ba anh em đi ròng rã ba ngày trời dọc theo bờ sông Kamby, thận trọng náu mình trong bụi cho đến khi thấy cái điều họ tìm kiếm. Khoảng hai mươi chiếc xuồng lớn của bọn tubốp thả neo trên sông, mỗi chiếc đủ chứa cả dân làng Jufurê, chiếc nào chiếc nấy đều có một tấm vải to tướng buộc bằng thừng vào một cái cột giống như thân cây, cao bằng mười người chồng lên nhau. Gần đó là một cái đảo nhỏ và trên đảo có một pháo đài.

Rất nhiều tên tubốp đang lăng xăng đi đi lại lại, có những gã da đen giúp việc, cả ở trên pháo đài lẫn dưới những xuồng nhỏ. Những chiếc xuồng nhỏ này đang chở những hàng như củ nâu khô, bông, sáp ong và da thú đến các xuồng lớn. Tuy nhiên Ômôrô nói, kinh khủng không sao tả siết là cảnh đánh đập cùng những hành động tàn bạo khác đối với những người bị bọn tubốp bắt mang đi.

 Ômôrô lắng đi hồi lâu, và Kunta đang cảm thấy anh đang nghiền ngẫm một điều gì khác để kể cho nó. Cuối cùng, anh nói: “Bây giờ, người của ta bị bắt đi không nhiều bằng dạo ấy đâu”. Anh kể rằng hồi Kunta còn ẵm ngửa, vua miền Bara cai quản khu vực này của Gămbia đã ra lệnh chấm dứt các cuộc đốt làng kèm theo việc bắt bớ hoặc giết chóc dân chúng. Và chẳng bao lâu tình trạng đó kết thúc thật, sau khi quân lính của mấy vị quốc vương phẫn nộ đã đốt những chiếc xuồng lớn cháy sạch sành sanh, giết hết bọn tubốp trên đó.

“Bây giờ” Ômôrô nói tiếp:Mỗi chiếc xuồng da trắng khi vào sông Kamby đều phải bắn mười chín phát đại bác chào quốc vương Bara”. Anh cho biết hiện nay chính những nhân viên của quốc vương cung cấp phần lớn bọn người cho bọn tubốp đem đi – thường thường là bọn tội phạm hoặc con nợ, hoặc những kẻ bị án tình nghi là âm mưu làm phản nhà vua, nhiều khi chỉ trên mức đồn đại một tí. Theo lời Ômôrô, hễ có tàu của bọn tubốp đi vào sông Kamby tìm mua nô lệ, là y như rằng số người bị kết án phạm tội tăng lên.

“Nhưng cả đến vua chúa cũng không thể chấm dứt được việc bắt lén một số người khỏi làng họ”, Ômôrô nói tiếp. “Các con đã biết một số người mất tích khỏi làng ta, trong đó có ba người biến mất chỉ trong vòng mấy tuần trăng vừa qua, như các con biết đấy, hơn nữa các con cũng đã nghe thấy hiệu trống từ các làng khác báo tin có người bị bắt”. Anh chòng chọc nhìn hai đứa con và chậm rãi nói: “Những điều cha sắp nói với các con đây, các con phải nghe không chỉ bằng hai tai, mà hơn thế nữa, phải khắc sâu vào dạ - bởi vì nếu không làm theo lời cha dặn, các con sẽ có thể bị bắt đi mãi mãi!”. Kunta và Lamin lắng nghe, nỗi sợ mỗi lúc một tăng trong lòng. “Nếu có thể thì đừng bao giờ tách ra một mình” Ômôrô nói. “ Ban đêm, chớ bao giờ ra ngoài nếu giữ được thế. Và ngày cũng như đêm, lúc nào chỉ có một mình, nhớ tránh xa mọi lùm cỏ cao hoặc bụi rậm, nếu có thể”.

Từ giờ đến trọn đời, chúng phải luôn luôn đề phòng bọn tubốp, “ngay cả khi các con đã trở thành người lớn” theo lời bố chúng dặn. “Bọn tubốp hay bắn những cây gậy lửa, ở xa cũng nghe thấy tiếng nổ. Và nếu các con trông thấy khói bốc cuồn cuộn từ bất cứ nơi nào cách xa mọi làng mạc, đó có thể là những bếp nấu ăn rất lớn của bọn nó. Các con cần phải xem xét thật kỹ dấu vết của bọn tubốp để biết được chúng đi theo ngả nào. Bước chân của chúng nặng nề hơn ta nên nhìn dấu vết chúng để lại, các con sẽ nhận ra, rằng không phải người của ta: chúng giẫm gãy nát cây cỏ và cành con. Và khi các con đến gần nơi nào chúng đã từng ở, các con sẽ thấy mùi chúng còn vương vấn lại. Nó giống như mùi gà con bị ướt vậy. Và nhiều người nói là bọn tubốp tỏa ra một không khí nơm nớp mà ta có thể cảm thấy được. Nếu các con cảm thấy điều đó thì hãy bình tĩnh và nhiều khi ta có thể phát hiện được chúng từ một khoảng cách nào đó”.

Nhưng biết bọn tubốp chưa đủ, Ômôrô nói, “có ối người của ta làm việc cho chúng. Đó là bọn da đen phản bội. Và không có cách nào để nhận ra bọn này, nếu không biết chắc chắn. Do đó, khi ở trong rừng, chớ có tin bất cứ người nào các con không quen biết”.

Kunta và Lamin ngồi ngây ra vì sợ. “Những điều này nói với các con đến thế nào cũng chưa đủ”, bố chúng nói tiếp, “Các con phải biết những gì cha và các bác đã thấy xảy đến với những người bị bắt đi. Đó là chỗ khác nhau giữa những nô lệ trong nội bộ chúng ta với những người bị bọn tubốp bắt đi làm nô lệ cho chúng”. Ômôrô kể lại rằng ba anh em đã trông thấy các nạn nhân đó bị xiềng trong những khoang quây kín bằng hàng rào tre chắc nịch, được canh gác rất ngặt, dọc theo bờ sông. Khi những xuồng con chở những tên tubốp bệ vệ từ những xuồng lớn đến, những tù nhân liền bị lôi khỏi khu rào ra tập hợp trên bãi cát.

“Đầu họ bị cạo trọc và mình bị xoa mỡ đến khi toàn thân bóng nhẫy. Mới đầu, chúng bắt họ ngồi xổm và cứ thế nhảy lên nhảy xuống”, Ômôrô kể. “ Rồi khi bọn tubốp thấy nhảy thế là đủ, chúng bèn ra lệnh banh miệng những người bị bắt ra để kiểm tra răng và họng”.

Thoắt cái, Ômôrô đưa ngón tay chạm vào hạ bộ Kunta và khi Kunta giật bắn người lên, Ômôrô nói: “Rồi chúng vạch fôtô (1) (dương vật) của đàn ông ra xem xét. Thậm chí, những bộ phận kín của phụ nữ cũng bị khám”. Và cuối cùng, bọn tubốp bắt mọi người ngồi bệt xuống đất một lần nữa và dí những thanh sắt nung đỏ vào lưng và vai họ. Rồi đám người la thét và vật lộn bị dồn ra bờ sông, nơi các xuồng nhỏ chờ để chở họ ra các xuồng lớn.

“Hai bác và cha nhìn thấy nhiều người ngã xấp bụng xuống, cào, cắn vào cát như thể muốn dùng răng, và móng níu lấy quê hương lần cuối”. Ômôrô nói. “ Nhưng họ bị đánh đập và lôi xềnh xệch đi”. Ngay cả khi đã ở trong những chiếc xuồng nhỏ rời bến, anh kể tiếp với Kunta và Lamin, một số người vẫn tíếp tục chống lại roi vọt và dùi cui, rồi nhảy tỏm xuống nước nước giữa đàn cá lớn hung dữ lưng xám, bụng trắng, mõm khoằm đầy những răng nhọn hoắt ngoạm vào họ, làm máu loang đỏ cả dòng sông.

Kunta và Lamin nép sát vào nhau, đứa nọ nắm chặt tay đứa kia “Thà nói cho các con biết những điều đó còn hơn là một ngày kia cha mẹ phải giết con gà trống trắng vì các con”. Ômôrô nhìn hai đứa con trai “Các con có hiểu thế nghĩa là gì không?”

Kunta gắng gượng gật đầu và thốt nên lời: “Khi có người mất tích, phải không bố?” Nó đã từng thấy nhiều gia đình ngồi cầu Chúa Ala như điên như cuồng quanh một con gà trống trắng bị cắt tiết, giãy cánh đành đạch.

“Phải” Ômôrô nói “Nếu con gà trống trắng chết nằm sấp thì còn hy vọng. Nhưng nếu nó lật cánh nằm ngửa ra mà chết thì không hy vọng gì nữa, và cả làng sẽ cùng với gia đình đó cất tiếng than khóc lên thấu Chúa Ala”.

“Bố…”, giọng Lamin run lên vì sợ, làm Kunta giật mình, “Những chiếc xuồng lớn đưa những người bị bắt đi đâu?”.

“Các cụ già nói là đến Joong Xang Đu”, Ômôrô đáp “ Một đất nước mà ở đó những người nô lệ bị bán cho những tên khổng lồ ăn thịt người gọi là tubalô kumi và chúng sẽ ăn thịt họ. Không có ai biết thêm được gì về chuyện đó”.