Khi mặt trời lên tới chót đỉnh, bọn trẻ cùng lũ chó và bầy dê nằm ềnh tất cả, thở hổn hển dưới bóng những cây con, bọn trẻ mệt quá không buồn đi săn thú nhỏ về nướng, theo cái nếp thể thao hằng ngày của chúng. Phần lớn chúng chỉ ngồi tán gẫu, gượng làm vui, nhưng đến giờ, cái trò mạo hiểm chăn dê đã phần nào mất tính chất hào hứng.
Dường như chả cần gì đến những que củi chúng nhặt nhạnh hằng ngày, để sười ấm ban đêm, ấy thế nhưng hễ mặt trời vừa lặn là không khí liền thay đổi, trước nóng chừng nào giờ lạnh chừng ấy. Và sau bữa ăn tối, dân làng Jufurê lại xúm quanh những đống lửa cháy lép bép. Cánh đàn ông thuộc lứa tuổi Ômôrô ngồi nói chuyện quanh một đống lửa và cách đó một quãng ngắn là đống lửa của các bô lão. Quanh một đống khác nữa là cánh đàn bà và con gái chưa chồng, ngồi tách riêng khỏi các bà già đang kể những câu chuyện cổ tích ban đêm cho đám con nít lứa kafô đầu quanh một đống lửa thứ tư.
Kunta và bọn con trai lứa kafô thứ hai lên mặt không thèm ngồi với cái lứa kafô đầu của Lamin và các bạn nó, còn cởi truồng tồng ngồng, cho nên chúng ngồi xổm cách khá xa để khỏi lẫn vào cái nhóm ồn ào, cười như nắc nẻ ấy – nhưng cũng đủ gần để nghe thấy các bà già kể những chuyện vẫn khiến chúng hồi hộp như bao giờ. Thỉnh thoảng Kunta và các bạn thử hóng chuyện những người ở mấy đống lửa kia, nhưng họ phần lớn chỉ nói về cái nóng nực. Kunta nghe thấy các ông già ôn lại những đận mặt trời giết cả cây cối và đốt cháy mùa màng, làm cho giếng nước ôi hoặc khô kiệt, những thời kỳ mà cái nóng làm cho người ta khô xác như vỏ trầu. Mùa nóng này cũng thế, các cụ nói nhưng chưa đến nỗi như nhiều mùa mà các cụ còn nhớ. Kunta thấy hình như người già bao giờ cũng có thể nhớ ra một điều gì xấu hơn hiện tại.
Sau khoảng hai tuần trăng, gió hamáttan tắt cũng đột ngột như khi nó bắt đầu nổi lên. Trong không đầy một ngày, không khí trở nên yên tĩnh, trời lại quang. Trong vòng một đêm, lũ lượt các cô vợ lẻn về với chồng, rồi các bà thông gia gửi cho nhau những món quà nhỏ và dàn hòa các cuộc cãi vã trong khắp làng. Nhưng năm tuần trăng dài của mùa khô mới chỉ qua được một nửa. Mặc dầu thực phẩm còn nhiều trong kho, các bà mẹ chỉ nấu nướng với số lượng nhỏ vì không ai, kể cả những đứa trẻ thường thường là háu đói, cảm thấy muốn ăn nhiều. Ai nấy đều bị sức nóng mặt trời hút kiệt sức và dân làng ít trò chuyện hơn, chỉ quanh quẩn làm những điều cần phải làm mà thôi. Trâu bò của làng gầy rộc với những bộ da nứt toác, những mụn lở to tướng thành nơi cho ruồi trâu đẻ trứng. Những chú gà còm mọi khi chạy quang quác khắp làng, nay im thin thít và nằm nghiêng trên đám bụi, cánh xòa ra và mỏ há hốc. Cả đến lũ khỉ giờ cũng ít khi thấy ló mặt hoặc thấy tiếng, vì phần lớn đã chuồn vào rừng nhiều bóng râm hơn. Và Kunta nhận thấy bầy dê, trời nóng, ngày càng ít chịu ăn cỏ, đã trở nên bồn chồn và gầy đét.
Vì một lý do nào đó – có lẽ là vì nóng nực hay có lẽ chỉ vì chúng đã lớn hơn – Kunta và các bạn chăn dê, suốt gần sáu tuần trăng ngày nào cũng ở với nhau ngoài bãi, nay bắt đầu tản ra đơn lẻ mỗi đứa với đàn dê nhỏ của mình. Điều đó xảy ra được mấy ngày rồi Kunta mới nhận ra rằng trước đó nó chưa bao giờ hoàn toàn tách khỏi người khác trong bất cứ khoảng thời gian nào thực sự dài dài một chút. Nó nhìn sang chỗ những đứa khác và đàn dê của chúng ở đằng xa, rải rác trong cái im lặng của bãi hoang chói chang nắng. Quá chỗ chúng nó là những cánh đồng, ở đó nông dân đang cắt những đám cỏ đã mọc từ mùa gặt trước. Những đụn cỏ cao họ vun lại để phơi khô dưới nắng, dường như lượn sóng và lung linh trong hơi nóng.
Lau khô mồ hôi trán, Kunta có cảm giác là dân làng mình bao giờ cũng đang phải chịu đựng một gian khổ này hay một gian khổ khác – một cái gì bất tiện hoặc khó khăn, hoặc ghê sợ, hoặc đe dọa đến bản thân đời sống. Nó nghĩ về những ngày nóng cháy và những đêm lạnh giá tiếp ngay sau đó. Và nó nghĩ về những trận mưa kế liền theo biến làng xóm thành một vùng lầy và cuối cùng tràn ngập các lối đi cho đến khi dân làng phải dùng xuồng để qua lại những quãng mà lúc bình thường họ vẫn đi bộ. Họ cần mưa như cần nắng, nhung hình như những cái đó bao giờ cũng quá nhiều hoặc quá ít. Ngay cả khi dê béo mập và cây cối nặng trĩu hoa trái, nó cũng biết đó là thời kỳ mà số hoa màu thu hoạch vào vụ mưa trước sắp cạn trong các kho dự trữ gia đình và điều đó sẽ dẫn tới mùa đói kém, dân làng sẽ thiếu ăn, thậm chí một số sẽ chết, như chính bà nội Yaixa mà nó hằng nhớ thương tha thiết.
Mùa gặt là một thời kỳ hạnh phúc – và sau đó là hội mùa nữa – nhưng nó kết thúc quá sớm và rồi mùa khô nóng nực và dài dặc lại đến, với cái gió hamattan gớm ghiếc, suốt thời kỳ ấy Binta luôn luôn quát tháo nó và đánh Lamin, đến nỗi nó cảm thấy gần như ái ngại cho thằng em nhỏ vòi quấy.
Trong khi lùa dê trở về làng, Kunta nhớ lại những câu chuyện nó đã nghe bao lần hồi còn nhỏ bằng Lamin, nói về nỗi cha ông xưa đã luôn luôn sống qua những hãi hùng và nguy hiểm như thế nào. Kunta đoán là từ xửa từ xưa đời người đã vất vả. Có lẽ rồi vẫn sẽ mãi mãi thế.
Giờ đây, mỗi buổi chiều trong làng, alimamô hướng dẫn cầu Chúa Ala mang mưa tới. Rồi một hôm, làng Jufurê tràn đầy phấn khởi khi vài cơn gió nhẹ tung bụi lên – vì những cơn gió đó có nghĩa là sắp mưa. Và sáng hôm sau, dân làng ra tụ tập ngoài đồng, tại đây nông dân châm lửa đốt những đống cỏ cao họ đã chất lên, và những làn khói dày cuồn cuộn bốc lên trên cánh đồng. Nóng đến độ gần như không chịu nổi, nhưng đám người ròng ròng mồ hôi vẫn nhảy múa và hoan hô, còn bọn trẻ lứa kafô đầu thì đua nhau chạy quanh, hò hét, mỗi đứa đều cố sao bắt được những mớ tro mang lại may mắn đang bay vật vờ như lông chim…
Hôm sau, những cơn gió nhẹ bắt đầu tãi lớp tro vụn ra khắp cánh đồng, làm đất thêm màu mỡ để trồng cấy một mùa khác. Giờ đây, nông dân bắt đầu bận rộn cuốc xới đánh những luống dài sẵn đón hạt giống – vào cái thời vụ gieo trồng thứ bảy mà Kunta đã sống qua trong sự tuần hoàn bất tận của các mùa.