Vẻ ngờ vực, mexừ Liơ đỡ lấy chiếc bình bằng cái quai sừng bò chạm chổ của nó và đưa mắt xem qua loa. “Ừ hự” ông ậm è một cách vô thưởng vô phạt.
Joóc hiểu ra rằng anh cần phải cố gắng thuyết phục mạnh mẽ hơn. “Vậy thưa ông chủ, cái này làm bằng toàn dây thép gai gỉ vứt đi. Nó gây một lò than nóng thật là nóng uốn cong và hơ nóng chảy cho sợi này bện vào sợi nọ đến khi thành hình, rồi làm dư cách hàn đồng thau cả một lượt. Cái thằng Tôm nầy bao giờ cũng rành là khéo tay, thưa ông chủ…”
Anh lại ngừng, chờ một phản ứng mà không thấy gì.
Thấy cần phải bộc lộ ý đồ thực sự của mình để tranh thủ một phản ứng tích cực đối với ngón kỹ xảo của Tôm, Joóc đánh liều nói trắng ra: “Vâng, cái thằng bé này rất hãnh dện được mang tên ông suốt đời, thưa ông chủ, chúng cháu thục sự tin là chỉ cần có dịp, nó sẽ thành một tay thợ rèn cừ hầu hạ ông…”
Một vẻ không tán thành lập tức hiện trên mặt mexừ Liơ, tựa như do phản xạ và điều đó làm cháy rực thêm trong Joóc quyết tâm không chịu thất ước với Matilđa và Kitzi trong việc giúp đỡ Tôm. Anh thấy cần phải làm cái mà anh biết có sức hấp dẫn mạnh nhất đối với mexừ Liơ – phác họa lên những lợi lộc tài chính.
“Thưa ông chủ, hằng năm, ông có thể đỡ được tền công thợ rèn! Bọn cháu chưa ai kể mấy ông là Tôm đã tết kệm cho ông được đôi chút dư thế nào, nó mài lỡi cuốc lỡi liềm mấy lị dững đồ dùng khác – cũng dư chữa hàng lô dững thứ bị gẫy ở quanh đây. Duyên do cháu nêu chuyện nầy lên, là khi ông sai cháu đến cái tên thợ rèn nhọ Aizêiơ để lắp vành bánh xe tải, anh ta biểu cháu là mexừ Ơxkiu bao năm nay vẫn hứa cho anh ta một đứa giúp việc mà anh ta rất cần, bởi vì anh ta phải làm bao nhêu việc để kiếm tền cho ông chủ mình. Anh ta biểu cháu là ví thử vớ được thằng bé nào ngoan ngoãn để luyện thành một thợ rèn thì anh ta rành là mừng, cho nên cháu nghĩ ngay đến Tôm. Thưa ông chủ, nếu nó được học thì không dững nó có thể làm mọi thứ ta cần ở trong đồn điền mà còn có thể nhận thêm việc ở ngoài hái ra tền cho ông dư cái gã nhọ Aizêiơ làm cho ông Ơxkiu í”.
Joóc cảm thấy có lẽ anh đã đánh trúng mạch nào đó, nhưng anh không dám chắc vì ông chủ thận trọng không tỏ dấu hiệu gì. “Tao thấy hình như thằng bé nhà mày tốn nhiều thì giờ với cái thứ của nợ này hơn là làm việc”. Mexừ Liơ nói, dúi trả cái bình kim khí vào tay Joóc.
“Thưa ông chủ, Tôm chưa vắng mặt ngày nào từ khi nó bắt đầu đi làm đồng! Nó làm dững thứ dư thế này vào dững ngày chủ nhật nó được nghỉ! Từ khi mới choai choai, tuồng dư nó đã sẵn trong máu cái tính thích sửa chữa, chế tạo đồ vật! Chủ nhật nào, nó cũng ra cái lán một mái nó dựng lấy ở đằng sau chuồng ngựa, nung nung gõ gõ cái nầy cái nọ. Thật tình, chúng cháu cứ sợ nó làm rầy ông chủ bà chủ”.
“Được, tao sẽ suy nghĩ về chuyện này”. Mexừ Liơ nói rồi quay phắt bỏ đi, để Joóc-Gà đứng đó bối rối và chưng hửng – anh cảm thấy chắc là ông ta cố tình - với chiếc bình kim khí trong tay.
Malizi đang ngồi trong nhà bếp gọt củ cải thì mexừ Liơ bước vào. Bà xoay người lại nửa vòng, không đứng bật dậy như những năm trước nữa, nhưng bà cho rằng ông chủ chả chấp nê, vì bà đã đến cái độ tuổi và độ thâm niên phục vụ có thể tự cho phép một số vi phạm nhỏ.
Mexừ Liơ đi thẳng vào vấn đề. “Cái thằng bé tên là Tôm ấy nó thế nào?”
“Tôm? Ông muốn nói thằng Tôm con Tilda ấy ư, thưa ông chủ?”
“Dào, ngoài ấy có mấy Tôm? Nhà chị còn lạ gì tôi muốn nói đến đứa nào, nó thế nào nhỉ?”
Malizi biết đích xác tại sao ông ta hỏi. Mới cách đây mấy phút, Kitzi vừa nói với bà rằng Joóc-Gà còn chưa dám chắc mexừ Liơ sẽ phản ứng ra sao với đề nghị của anh. Nhưng bà đánh giá cu Tôm rất cao – không phải chỉ vì nó đã làm cho bà những móc treo nồi mới, cong hình chữ S – thành thử bà quyết định phải đắn đo mấy giây trước khi trả lời để ra vẻ vô tư.
“Phải” cuối cùng bà nói, “lẫn giữa một đám đông thì chả ai chọn nó dể chuyện trò, ông chủ ạ, vì thằng bé chả bao giờ lắm mồm lắm miệng. Cơ mà tui có thể đoán chắc mấy ông rằng thực ra nó là đứa trẻ sáng trí nhất ngoài í, hơn nữa nó còn là đứa ngoan nhất trong bọn con trai nhớn”. Bà Malizi ngừng lại một cách đầy ý nghĩa. “Và tui chắc nhớn lên nó còn trượng phu hơn bố nó về nhều cung cách.”
“Nhà chị nói gì vậy? Về cung cách nào?”
“Về cung cách trượng phu thôi, thưa ông chủ, vững vàng hơn, đáng tin cậy hơn, không có ngu dại một cách nào hết, đại khái dư thế. Nó sẽ là cái loại lền ông mà cô nào lấy được làm chồng là đại phúc”.
“Ờ, ta hy vọng nó đừng có bị dâm thần ám” mexừ Liơ nói với ý thăm dò, “vì ta chỉ cho phép cái đó với thằng lớn nhất thôi… tên nó là gì nhỉ?”
“Vơjơl, thưa ông chủ”.
“Phải. Cứ cuối tuần là nó tút đi ngủ với vợ ở đồn điền Cơri trong khi nó phải ở đây làm việc!”
“Không đâu, Tôm nó không có thế. Nó còn nhỏ chưa nghĩ đến chuyện í, mà tôi cho là ngay cả khi nó nhớn, nó cũng không sớm giở giói đâu, chí ít cũng phải đến khi nó kiếm được đúng đứa con gái nó ưng”.
“Nhà chị già rồi, đâu có hiểu bọn ngựa đực đang tơ ngày nay”, mexừ Liơ nói. “Nếu có một thằng nó bỏ cả cày lẫn la của ta giữa đồng mà đuổi theo gái, thì ta cũng chẳng lấy gì làm lạ”.
“Tôi đồng ý với ông chủ, nếu ông nói về thằng Asfođ, vì nó thích săn gái dư bố nó. Dưng mà Tôm thì không phải loại í, dất khoát thế”.
“Ờ, thôi được. Nếu ta căn cứ vào lời nhà chị nói thì xem chừng thằng này có thể được việc đấy”.
“Thưa ông chủ, ông cứ bằng vào lời bất cứ ai trong bọn tôi nói về nó”. Malizi cố giấu vẻ rạng rỡ. “Tôi không hểu ông chủ hỏi về Tôm làm gì, nhưng rành là nó nhất trong tụi con trai nhớn”.
Năm hôm sau, mexừ Liơ báo tin cho Joóc-Gà.
“Tao đã thu xếp gửi thằng Tôm nhà mày sang đồn điền Ơxkiu”, ông long trọng thông báo, “để học nghề tên nhọ thợ rèn Aizêiơ trong ba năm”.
Joóc phấn khởi đến nỗi phải cố hết sức mới kìm được mình khỏi bế bổng ông chủ lên quay tít đi. Thay vì làm thế, anh chỉ ngoác miệng cười toét đến mang tai và lúng túng cảm ơn.
“Tốt hơn là mày phải nhận định đúng về thằng bé. Căn cứ vào những đảm bảo của bọn mày, tao giới thiệu rất đề cao nó với mexừ Ơxkiu. Nếu nó khôn ngoan như mầy nói tao sẽ rút nó về đây nhanh đến nỗi mầy phải chóng mặt và nếu nó ra ngoài vòng khuôn phép, nó phản bội lòng tin của tao bằng bất kỳ cách nào, tao sẽ đánh tróc da cả mày lẫn nó. Hiểu chưa?”
“Nó sẽ không phụ lòng ông đâu, thưa ông chủ. Cháu hứa mấy ông thế. Thằng bé này, cha nào con í mà”.
“Ấy chính tao lại sợ thế đấy. Bảo nó gói ghém hành lý, sẵn sàng mai sớm đi”.
“Vâng ạ. Cảm ơn ông. Ông sẽ không bao giờ phải hối tiếc”.
Ông chủ vừa đi khỏi, Joóc-Gà bèn chạy vù về xóm nô, kể lại tin mừng cho gia đình nghe, anh gần như nổ tung lồng ngực vì tự hào với thành tích của mình đến nỗi không thấy những nụ cười méo mó trao đổi giữa Matilđa và Kitzi, những người đầu tiên thúc anh đặt vấn đề với ông chủ. Thoáng sau, anh đứng ở cửa la to: “Tôm! Tôm! Tôm con!”
“Dạạạ thưa bố!” Tôm đáp lại từ đằng sau chuồng ngựa.
“Con trai, về đây!”
Lát sau, Tôm há hốc miệng, tròn xoe mắt. Cái tin không thể tin được ấy đến với nó hoàn toàn bất ngờ - họ đã giữ kín vì không muốn nó thất vọng nếu cố gắng không đi đến đâu. Vui mừng khôn xiết, Tôm lúng túng trước những lời chúc mừng tới tấp đến nỗi nó phải rút thật nhanh trở ra ngoài - một phần cũng là để có dịp định thần nhận chân ra rằng ước mơ của mình đã thực sự trở thành sự thật. Khi ở trong lều, nó không để ý thấy hai đứa em gái, Kitzi và Meri đã chạy vụt ra ngoài và hổn hển loan tin cho bọn anh trai chúng.
Gã Vơjơl cao dong dỏng đang tong tả đi lên, vừa mới xong các công việc đặt ở chuồng ngựa trước khi đến đồn điền cô vợ mới cưới, gã chỉ khe khẽ ầm ừ một câu gì vô thưởng vô phạt và hối hả đi qua chỗ Tôm; thằng cu này tủm tỉm cười vì từ khi làm lễ nhảy chổi, Vơjơl lúc nào cũng như mụ mẫm.
Nhưng Tôm căng thẳng hẳn lên khi thấy thằng Asfođ mười tám tuổi vạm vỡ, khỏe mạnh tiến lại, gần theo sau là hai thằng em Jêimz và Luyx. Gần như cả đời, giữa nó và Asfođ có một mối kình địch không sao cắt nghĩa nổi, nên Tôm không lạ gì thái độ gầm ghè cay cú của thằng anh.
“Mầy bao giờ cũng là cưng của họ! Bợ đỡ mọi người để xin ân huệ. Bi giờ mầy sắp đi khỏi, mầy cười mũi bọn tau còn phải quần quật ngoài đồng!” Nó vung tay dứ nhanh một cái như thể đánh Tôm, làm Jiêmz và Luyx há hốc mồm. “Tau vẫn với tới mầy được, liệu hồn đấy!” và Asfođ nghênh ngang đi khỏi, Tôm nhìn trừng trừng theo, tin chắc một ngày kia nó và Asfođ sẽ phải có một cuộc đọ sức cuối cùng.
Điều Tôm phải nghe từ miệng “Joóc-con” lại là một lối cay cú khác. “Rành là tui ước được là chú để đi khỏi đây, vì ở dưới kia bố bắt tui làm việc muốn chết! Chỉ vì tui mang tên ông í, cho nên ông cứ ngỡ tui cũng mê gà dư ông í. Tui căm thù cái đồ hôi thúi í!”
Còn hai con bé Kitzi mười tuổi và Meri tám tuổi thì sau khi đã loan tin rộng rãi, chúng cứ lẽo đẽo theo Tôm đi quanh suốt buổi chiều, vẻ rụt rè của chúng nói lên rõ ràng Tôm là đứa anh trai mà chúng tôn thờ và yêu thích nhất.
Sáng hôm sau, khi tiễn Tôm lên xe la với Vơjơl, Kitzi, Xerơ và Matilđa bắt đầu ngày làm việc ngoài đồng, đang chặt đốn thì Kitzi nhận xét: “Ai trông thấy bọn chúng mình cứ khóc lóc, xụt xịt hoài thế nầy, chắc tưởng mình chả bao giờ gặp lại thằng bé nữa!”
“Hừm! Chả còn là thằng bé nữa đâu, cưng ạ!” Xerơ thốt lên. “Cái thằng Tôm là người lền ông kế tiếp ở chốn này đó!”